Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Chính sách “Mơ hồ Chiến lược” của Mỹ tại Eo biển Đài Loan

Trong thời gian gần đây, Đài Loan liên tục lên tiếng báo động về những hoạt động quân sự khiêu khích của Trung Hoa gia tăng đến mức phải lo ngại. Thể hiện rõ nhất là sự xâm nhập của máy bay quân sự Trung Hoa tiến vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này lên cao đến mức kỷ lục trong 4 thập niên vừa qua.

Ngày 10 tháng 10 năm 2021, trong dịp quốc khánh của Đài Loan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan, Chiu Kuo-cheng, lên tiếng cảnh cáo rằng Trung Hoa lục địa (Hoa lục) sẽ có khả năng toàn diện tấn công hòn đảo này vào năm 20251.

Trước những gây hấn như vậy, Hoa Kỳ vẫn luôn đáp ứng bằng cách tái xác định sẽ tiếp tục giúp Đài Loan tự bảo vệ như Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, Lloyd Austin, đã tuyên bố tại Tổng Hành Dinh của NATO tại Bỉ, ngày 22/10/2021 (US Defense Secretary: US Will Continue to Help Taiwan Defend Itself2).

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không cam kết là sẽ bảo vệ Đài Loan khi bị tấn công.

Chính sách này của Hoa Kỳ đặt trọng tâm trên “sự mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity) đã được áp dụng từ 1979 sau khi Hoa Kỳ công nhận Trung Hoa.

Hiệp ước Phòng thủ Song phương giữa Hoa Kỳ và Đài Loan

Nhìn lại thời 1949, sau khi cuộc chiến Quốc – Cộng kết thúc, Quốc Dân Đảng Tàu (Kuomintang) phải chạy ra Đài Loan. Khi đó, Hoa Kỳ công nhận Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) chứ không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng). Lúc đó cả Đài Loan và Trung Cộng đều tuyên bố họ là đại diện cho Trung Hoa.

Sau Chiến tranh Triều Tiên, vào năm 1954, Mỹ và Đài Loan ký kết một Hiệp ước Phòng thủ Song phương (Sino-American Mutual Defense Treaty). Tuy nhiên hiệp ước này không khuyến khích Đài Loan tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Trung Cộng, và các hành động quân sự đơn phương của Đài Loan sẽ không được Mỹ ủng hộ. Rõ rệt là Tổng Thống Eisenhower (1953-1961) không muốn để Mỹ bị Đài Loan kéo vào một cuộc nội chiến khác với Hoa lục.

Hiệp ước được áp dụng để bảo vệ đảo Đài Loan và quần đảo Pescadores. Nhưng hiệp ước không bảo vệ đảo Kim Môn (Kinmen, hay Quemoy) và Mã Tổ (Matsu)3.

https://www.worldrouteplanner.com/asia/taiwan/

Ngày 2 tháng 12 năm 1954, Hiệp ước Phòng thủ Song phương được Hoa Kỳ và Đài Loan ký kết tại Washington, D.C.

Tuy nhiên, trước khi hiệp ước được ký kết gần ba tháng, vào ngày 3 tháng 9 năm 1954, Trung Cộng bắt đầu pháo kích dữ dội vào các đảo Kim Môn và Mã Tổ.

Đây là cuộc Khủng hoảng lần Thứ I tại Eo biển Đài Loan (First Taiwan Strait Crisis).

Nghị quyết Formosa 1955

Sang đầu năm 1955, cuộc Khủng hoảng lần Thứ I tại Eo biển Đài Loan từ tháng 9, 1954 vẫn tiếp diễn. Trung Cộng tiếp tục pháo kích các vùng Kim Môn và Mã Tổ.

Vào ngày 24 tháng 01 năm 1955, Tổng Thống Eisenhower yêu cầu Quốc Hội cho phép sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ Đài Loan qua Nghị quyết Formosa 1955 (Formosa Resolution of 1955).

Ngày 25 tháng 01 năm 1955, Hạ Viện thông qua nghị quyết.

Ngày 28 tháng 01 năm 1955, Thượng Viện thông qua nghị quyết.

Ngày 29 tháng 01 năm 1955, Eisenhower ký Nghị quyết Formosa 1955.

Nghị quyết Formosa 1955 mở rộng các cam kết của Hoa Kỳ trong Hiệp ước Phòng thủ Song phương để bảo vệ luôn cả các đảo ngoài khơi, bên ngoài đảo Đài Loan.

Tháng 3 năm 1955, Ngoại trưởng John Foster Dulles kêu gọi sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ. Tiếp đó, các giới chức Hoa Kỳ đã công khai cảnh cáo về việc Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ khí nguyên tử4.

Tháng 4 năm 1955, Trung Cộng thông báo chuẩn bị đàm phán.

Tháng 5 năm 1955, Trung Cộng chính thức ngừng pháo kích và đồng ý hưu chiến.

Khủng hoảng lần Thứ II tại Eo biển Đài Loan

Thời gian sau đó, trước việc Đài Loan xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo Kim Môn và Mã Tổ, quân Trung Cộng bắt đầu pháo kích vào các đảo này.

Ngày 24 và 25 tháng 8 năm 1958, quân Trung Cộng và Đài Loan đụng độ tại khu vực lân cận Đảo Đông Giáp (Dongding Island) nơi quân Đài Loan đang kiểm soát.

Một trận hải chiến cũng đã diễn ra xung quanh Đảo Đông Giáp. Hải quân Đài Loan đẩy lùi cuộc đổ bộ của hải quân Trung Cộng và cộng quân không chiếm được đảo.

Những đụng độ này bắt đầu cho cuộc Khủng hoảng lần Thứ II tại Eo biển Đài Loan (Second Taiwan Strait Crisis). Khi đó, Tổng Thống Eisenhower cũng đe dọa dùng đến vũ khí nguyên tử5.

Trong cuộc khủng hoảng này, khi pháo kích các đảo Kim Môn và Mã Tổ, Trung Cộng nhằm:

  • “Giải phóng” Đài Loan khỏi Quốc Dân Đảng (Kuomintang).
  • Thăm dò mức độ quyết tâm bảo vệ Đài Loan của Hoa Kỳ.

Sang tháng 9 năm 1958, các tàu của hải quân Mỹ được phép tháp tùng hộ tống các đoàn tàu vận tải của Đài Loan lên tới 3 dặm đến Kim Môn. Bắc Kinh xem việc hộ tống này là một sự vi phạm lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngày 19 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Liên Xô Khrushchev đã gửi thư cảnh cáo Hoa Kỳ rằng các hành động đó của Mỹ đe dọa sẽ mở ra một thế chiến, và tuyên bố rằng Liên Xô sẽ buộc phải tuân theo các cam kết đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Cộng. Chính quyền Mỹ đã bác bỏ bức thư đó6.

Đáp ứng lời yêu cầu viện trợ của Đài Loan thể theo Hiệp ước Phòng thủ Song phương, Tổng Thống Eisenhower ra lệnh tăng cường Hạm đội 7 trong khu vực, và ra lệnh các tàu hải quân Mỹ giúp Đài Loan bảo vệ các hải lộ tiếp tế đến các đảo.

Không quân Mỹ cũng điều động các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đến Đài Loan. Các chiến đấu cơ F-104 được tháo rời và chuyển đến Đài Loan trên vận tải cơ C-124 Globemaster II. Đây là lần đầu tiên phương pháp như vậy được sử dụng để di chuyển máy bay chiến đấu trên một quãng đường dài.

Đến ngày 11 tháng 9, dù Trung Cộng vẫn còn bắn phá, nhìn chung cuộc khủng hoảng đã lắng dịu. Vì hải quân Hoa Kỳ hộ tống các tàu tiếp tế của Đài Loan đến Kim Môn đã phá vỡ vòng vây phong tỏa bằng hàng rào pháo dầy đặc của Trung Cộng ngăn cản mọi hoạt động tiếp viện của không quân và hải quân cho Kim Môn.

Trung Cộng không muốn gây ra hiểm họa chiến tranh với Hoa Kỳ nên không bắn vào bất kỳ đoàn tiếp tế nào nếu thấy có tàu của Hải quân Mỹ đi theo hộ tống.

Nhưng thử thách to lớn nhất vẫn là sự thành công hay thất bại trong việc giải vây cho các đơn vị đồn trú tại Kim Môn và bảo vệ quần đảo Mã Tổ và Eo biển Đài Loan.

Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ chuyển giao 12 khẩu trọng pháo M115 203 mm và nhiều đại bác M114 155 mm cho quân Đài Loan trú đóng tại phía tây đảo Kim Môn để chiếm ưu thế trong cuộc “trao đổi” đại pháo giữa hai bên tại đó7.

Mỹ cũng tiến hành chiến dịch bí mật “Operation Black Magic” trang bị hỏa tiễn không-đối-không AIM-9 Sidewinder cho Đài Loan để đối phó với các MIG-15 and MIG-17 của Nga trong bầu trời trên quần đảo Mã Tổ và Eo biển Đài Loan8.

Ngay sau đó, Liên Xô đã gửi ngoại trưởng Andrei Gromyko đến Bắc Kinh để thảo luận với lời khuyên Bắc Kinh phải thận trọng9.

Ngày 24 tháng 9 năm 1958, lần đầu tiên hỏa tiễn Sidewinder được sử dụng. Trong cuộc không chiến giữa 32 chiếc F-86s của Đài Loan và 100 chiếc MIGs của Trung Cộng: 25 chiếc MIGs bị bắn rơi. Trong tháng 10, có thêm nhiều trận không chiến.

Tổng số các chiến đấu cơ bị bắn hạ trong lần khủng hoảng này là 31 chiếc MIGs của Trung Cộng và 02 chiếc F-86s của Đài Loan10.

Về mặt bộ binh, chẳng bao lâu Trung Cộng bị bế tắc vì pháo binh hết đạn11.

Ngày 6 tháng 10 năm 1958, Trung Cộng đơn phương tuyên bố ngừng bắn.

Tháng 12 năm 1958, cuộc Khủng hoảng lần Thứ II kết thúc. Nhưng căng thẳng vẫn kéo dài cho đến khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa.

“Bang giao” giữa Hoa Kỳ và Đài Loan

Tháng 12 năm 1978, Washington và Bắc Kinh đưa ra một thông cáo chung.

Theo đó, Hoa Kỳ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính quyền duy nhất của Trung Hoa và khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Hoa. Đồng thời, Hoa Kỳ chấm dứt quan hệ chính thức và hiệp ước quốc phòng với Đài Loan12.

Ngày 01 tháng 01 năm 1979: Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức bắt đầu quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, việc Tổng Thống Carter chấm dứt Hiệp ước Phòng thủ Song phương với Đài Loan đã khiến Thượng Nghị Sĩ Barry Goldwater kiện lên Tối Cao Pháp Viện13 trên căn bản là phải được sự chấp thuận của Thượng Viện, Tổng Thống Carter mới có thể chấm dứt Hiệp ước.

Tối Cao Pháp Viện từ chối không xử vụ kiện này với lý do đây là sự tranh tụng về thẩm quyền giữa Lập Pháp (Congress) và Hành Pháp (President) và vấn đề thuộc phạm vi chính trị (political) chứ không trong phạm vi tư pháp (judicial)14.

Tuy vậy, vấn đề “bảo vệ” Đài Loan đã được Quốc Hội Mỹ trực tiếp can thiệp.

Ngày 28 tháng 02 năm 1979, Dân Biểu Zablocki đã bảo trợ dự án luật về quan hệ với Đài Loan. Sau đó, Lưỡng Viện Quốc Hội thông qua dự luật này:

  1. Hạ Viện chấp thuận ngày 13/3/1979 (với số phiếu: 345 Yes – 55 No)
  2. Thượng Viện chấp thuận ngày 14/3/1979 (với số phiếu: 90 Yes – 6 No)15

Ngày 10 tháng 4 năm 1979: Tổng Thống Carter ký ban hành Taiwan Relations Act.

Môt cách tổng quát, trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act):

  1. Một mặt Hoa Kỳ không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
  2. Mặt khác Hoa Kỳ vẫn bảo trợ an ninh và quyền tự trị thực tế của Đài Loan.

Không như Hiệp ước Phòng thủ Song phương trước đây đã ký kết với Đài Loan, Tổng Thống Hoa Kỳ không thể đơn phương hủy bỏ Đạo luật Quan hệ Đài Loan nếu không được Quốc Hội bỏ phiếu chấp thuận.

Đạo luật này bao gồm cả “công” lẫn “thủ.” Theo giới phân tích/bình luận, đạo luật này của Hoa Kỳ cố ý chứa đựng yếu tố “mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity).

Đạo luật Quan hệ Đài Loan và sự “Mơ hồ Chiến lược”

Đạo luật Quan hệ Đài Loan16 đòi hỏi Hoa Kỳ phải có chính sách “cung cấp cho Đài Loan vũ khí phòng thủ,” và “duy trì khả năng của Hoa Kỳ để chống lại mọi biện pháp sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng ép khác có thể làm nguy hại cho an ninh, hoặc hệ thống xã hội hay kinh tế của người dân Đài Loan.”

Nhưng đạo luật này không bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Cộng tấn công hay xâm lăng Đài Loan, nhưng Hoa Kỳ cũng không từ bỏ Đài Loan.

Đạo luật ghi rằng “Hoa Kỳ sẽ cung cấp vật liệu và dịch vụ quốc phòng cho Đài Loan với số lượng cần thiết để Đài Loan có khả năng duy trì sự tự vệ hữu hiệu.”

Nhưng cung cấp vật liệu và dịch vụ quốc phòng loại gì với số lượng bao nhiêu sẽ do Tổng Thống và Quốc Hội quyết định. Bởi đó, qua nhiều thời tổng thống, Mỹ đã bán vũ khí cho Đài Loan dù Trung Cộng phản đối mạnh mẽ.

Sự cố ý mơ hồ chiến lược này có mục đích chính là giữ nguyên trạng tương quan giữa Trung Cộng và Đài Loan:

  1. Cho Đài Loan biết là họ chỉ được Mỹ hỗ trợ một khi bị Hoa lục vô cớ tấn công. (Hàm ý: Đài Loan không tuyên bố độc lập tách rời ra khỏi Trung Hoa.)
  2. Cho Hoa lục biết là họ sẽ có khả năng phải đối đầu với sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ nếu Bắc Kinh đơn phương thay đổi nguyên trạng. (Hàm ý: Trường hợp Bắc Kinh muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.)
Hiện nay Đài Loan hoàn toàn nằm trong tầm oanh kích của nhiều vòng đai hỏa lực của Trung Cộng

Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã cho phép Washington “uyển chuyển” điều chỉnh chính sách của Mỹ tương ứng với hành động của Trung Cộng và Đài Loan. Tùy từng trường hợp, hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ có thể tăng hoặc giảm.

Sự “mơ hồ chiến lược” này khiến khó lượng định được chính xác phản ứng của Mỹ, cho nên Bắc Kinh dễ phải lo ngại, chùn bước trước toan tính tấn công Đài Loan.

Tiếp tục duy trì một chính sách mơ hồ chiến lược, tương tự như kiểu “chia để trị,” đã phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của Hoa Kỳ, từ năm 1979 cho đến nay.

Viễn ảnh Trung Cộng “tái chiếm” Đài Loan

Căn cứ vào sự thể Trung Hoa càng ngày càng lớn mạnh, cùng những toan tính chiến lược của họ, thì dưới mắt của Bắc Kinh việc “tóm thâu” được cả thế giới sẽ là một ước mơ họ có thể thực hiện được.

Về mặt đối ngoại, một khi Trung Hoa muốn thay thế Mỹ trong vai trò siêu cường lãnh đạo thế giới, thì việc tái thống nhất – hay đúng ra là “tái chiếm” – Đài Loan xem ra sẽ là bước đầu tiên mà Bắc Kinh cần phải làm để chứng tỏ sức mạnh vô địch của họ và không quốc gia nào – nhất là Hoa Kỳ – có thể ngăn lại được.

Về mặt đối nội, việc “tái chiếm” Đài Loan còn chứng tỏ được là Bắc Kinh đã phục hồi được đầy đủ dũng lực để có thể “rửa mặt” cho toàn thể con dân Đại Hán mối hận Thế kỷ Ô nhục (Century of Humiliation, 1839-1949) của Trung Hoa trước các cường quốc Tây phương và Nhật Bản.

Lester Holt, đài NBC, phỏng vấn Đại Tướng Mark Miley, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tại ASF 2021 https://www.aspensecurityforum.org/

Dù vậy, trước những khiêu khích vẫn đang gia tăng của Trung Cộng, tại hội nghị do Aspen Security Forum tổ chức, vào ngày 3 tháng 11 năm 2021, khi được hỏi về việc Trung Hoa có sẽ xâm lăng Đài Loan trong tương lai gần hay không, Đại Tướng Mark Miley, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, cho biết:

“Căn cứ trên phân tích của tôi về Trung Hoa, tôi không nghĩ rằng điều đó có khả năng xảy ra trong tương lai gần – được định nghĩa là, quý vị biết đó, 6, 12, có thể là 24 tháng, trong khoảng đó.

“Dù nói thế, tuy nhiên, người Tàu rõ ràng và hiển nhiên đang xây dựng khả năng để cung cấp được nhiều chọn lựa cho giới lãnh đạo quốc gia nếu họ chọn lựa một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng còn trong tương lai gần? Có lẽ là không. Nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.”17

Trong cuộc Hội thảo Reagan National Defense Forum, được tổ chức trong hai ngày 3 và 4 tháng 12 năm 2021 tại The Reagan Library, CA, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Lloyd J. Austin III, đã nhận xét “Trung Hoa cũng không cao đến 10 feet (= 3.048 m),” và Hoa Kỳ không phải là một “quốc gia hãi sợ việc đua tranh.”

Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Lloyd J. Austin phát biểu trước Reagan National Defense Forum
https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/2861926/austin-tells-reagan-forum-how-us-will-take-on-challenge-of-china/

Về việc Trung Hoa là một đối thủ của Hoa Kỳ và mọi nền dân chủ trên thế giới, trong bài diễn văn tại buổi hội thảo nói trên, Bộ Trưởng Austin phát biểu:

Đúng vậy, chúng ta đang đối mặt với một thách thức đáng gờm. Nhưng Mỹ không phải là một quốc gia hãi sợ việc cạnh tranh. Và chúng ta sẽ đối phó với thách thức này với sự tự tin và quyết tâm — mà không hoảng loạn và bi quan.

Như Tổng Thống Reagan đã nói, “Tương lai không tùy thuộc vào những kẻ nhát gan; tương lại tùy thuộc vào những người dũng cảm.” (As President Reagan put it, “The future doesn’t belong to the faint-hearted; it belongs to the brave.”)

You probe with bayonets: if you find mush, you push. If you find steel, you withdraw. Vladimir Ilich Lenin

Bắc Kinh: Đâm thử bằng lưỡi lê…

Hiển nhiên, không có điều gì tồn tại được mãi với thời gian. Chính sách “mơ hồ chiến lược,” thoát thai từ Đạo luật Quan hệ Đài Loan, cũng không là một ngoại lệ.

Dù làm lợi cho Hoa Kỳ trong hơn bốn thập niên, chính sách “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan và Trung Cộng, sớm hay muộn, rồi cũng sẽ phải đi đến chỗ kết thúc.

Tuy nhiên một khi đứng vững được hơn 40 năm trước sự công phá của Bắc Kinh, thì “chiến lược mơ hồ” cũng tự chứng tỏ được sự hữu hiệu và vững chãi của nó.

Thực vậy, một cuộc xung đột khởi đi từ Đài Loan sẽ không chỉ giới hạn và kết thúc tại đó. Mà cuộc đụng độ đó có thể lan ra các hải đảo phía nam của Nhật Bản, nơi có các căn cứ của Mỹ. Và không có gì bảo đảm là các căn cứ miền Bắc Úc sẽ không bị tấn công hoặc sẽ không có đụng độ trên mặt biển ở khu vực Ấn Độ Dương18.

Khi đó hệ quả trước mắt của cuộc tấn công Đài Loan là thành phần tham chiến mà Trung Cộng phải đương đầu không còn phải chỉ là Hoa Kỳ mà nhiều phần trăm sẽ còn có thêm sự tham dự hoặc yểm trợ tích cực của Nhật Bản và Úc.

Các căn cứ quân sự của Mỹ (màu đỏ) phía Tây Thái Bình Dương và Bắc Úc
https://defenceview.in/in-a-us-china-war-whose-side-is-southeast-asia-on/

Hơn nữa, tấn công Đài Loan chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng tai hại cho kỹ nghệ sản xuất chất bán dẫn mà công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, vẫn được biết đến qua tên TSMC, của Đài Loan là nguồn cung ứng chính cho toàn cầu. Mà chính sự phát triển kỹ nghệ, kinh tế và quân sự của Trung Hoa tùy thuộc rất nhiều vào những con chip bán dẫn sản xuất tại Đài Loan.

Lenin – bậc thầy tiền bối của Tập Cận Bình – đã có nói:

  • “Đâm thử bằng lưỡi lê. Gặp bùi nhùi, nhấn tới. Gặp thép cứng, tháo lui.”  (“You probe with bayonets: if you find mush, you push. If you find steel, you withdraw.”Vladimir Ilich Lenin)

Khó khăn đau đầu nhất của họ Tập hiện nay là không dám tùy tiện “đâm thử.” Là một nước lớn, Hoa lục không còn có thể hành xử như một anh nông dân du kích chuyên đâm rình, bắn trộm như Lenin đã dậy. Mà ngược lại bất cứ một sơ suất nào ở vào tầm cỡ như tấn công Đài Loan, chắc chắn Bắc Kinh phải trả một giá rất đắt.

Bởi đó, qua tờ Global Times, được xem là tiếng nói không chính thức của Đảng Cộng sản Trung Hoa, trong phần Ý Kiến/Xã Luận19 đăng ngày 02 tháng 11 năm 2021, đã đưa ra những nhận định tỉnh táo, không mang “khí thế” chiến tranh:

“Mối nguy cơ căn bản là những xung đột chính trị nơi Eo biển Đài Loan đang gia tăng mãnh liệt mà không có dấu hiệu lắng dịu. Giới hữu quyền của đảng đang cầm quyền tại Đài Loan DPP (Democratic Progressive Party) chống lại việc tái thống nhất và đang mưu tìm ‘độc lập.’ Sự thù địch chiến lược của Hoa Kỳ nhắm đến Hoa lục tiếp tục lên cao. Cho dù lượng giá chiến tranh như thế nào đi nữa, thì những tiên đoán rằng cuối cùng chiến tranh sẽ xảy ra bởi vì những xung đột chính trị không thể hòa giải được hoặc vì những tính toán sai lầm giữa ba bên đang càng ngày càng gia tăng.

“Đối với Đài Loan và Hoa Kỳ, điều quan trọng nhất là phải giữ cho tỉnh táo và hợp lý. Đừng tự đưa mình vào chỗ hiểu lầm chính trị hoặc ngay cả vào chỗ bế tắc chỉ vì muốn có một bề ngoài oai phong và những tính toán thiển cận. (For Taiwan and the US, the most important thing is to remain sober and rational. Don’t lead themselves into a political misunderstanding or even a dead end because of their bravado and short-term operations.)”

Trong phần kết luận, tờ Global Times “động viên” dân Tàu rằng dù việc thống nhất Đài Loan với Hoa lục là ưu tiên cao, nhưng bây giờ là lúc vẫn phải đợi:

“Điều mà chúng ta (dân Tàu) cần làm là tin tưởng vào chính quyền và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa. Chúng ta sẽ không vội vã khởi chiến. Nhưng một khi tình hình đi đến mức đó, nhất định chiến thắng sẽ về ta.”

Trong khi dân Tàu chờ Bắc Kinh “giải phóng” Đài Loan, thì Đài Loan bắt buộc phải tăng cường võ trang, mua thêm vũ khí tối tân của Mỹ. Nhật Bản cũng gấp rút lo sửa đổi lại hiến pháp của họ để có thể chủ động thêm trong việc tự vệ trước tham vọng của Bắc Kinh. Úc cũng đang tích cực chuẩn bị và tăng cường khả năng quân sự của họ cùng là tham gia vào liên minh quân sự AUKUS với Anh và Mỹ, trước khả thể là sẽ tham chiến với đồng minh chống lại Trung Cộng.

Chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ xem ra vẫn còn hiệu dụng và đem lại an toàn cho Đài Loan thêm một thời gian nữa. Được bao lâu? Có lẽ it ra cũng là hai năm, tính theo sự lượng định của Tướng Mark Miley, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, vào ngày 3 tháng 11 năm 2021 tại Aspen Security Forum.

Trần Trung Tín – Ngày 11 tháng 12, năm 2021


Bài đọc thêm:



Chú thích

  1. https://au.news.yahoo.com/taiwan-china-situation-most-grim-062438566.html
  2. https://www.voanews.com/a/us-defense-secretary-us-will-continue-to-help-taiwan-defend-itself/6281514.html
  3. https://en.wikipedia.org/wiki/Sino-American_Mutual_Defense_Treaty
  4. https://en.wikipedia.org/wiki/Formosa_Resolution_of_1955
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/Formosa_Resolution_of_1955
  6. https://en.wikipedia.org/wiki/Second_Taiwan_Strait_Crisis
  7. https://en.wikipedia.org/wiki/Second_Taiwan_Strait_Crisis
  8. https://military-history.fandom.com/wiki/Second_Taiwan_Strait_Crisis#
  9. https://en.wikipedia.org/wiki/Second_Taiwan_Strait_Crisis
  10. https://en.wikipedia.org/wiki/Second_Taiwan_Strait_Crisis
  11. https://en.wikipedia.org/wiki/Second_Taiwan_Strait_Crisis
  12. https://history.state.gov/countries/issues/china-us-relations
  13. https://caselaw.findlaw.com/us-supreme-court/444/996.html
  14. https://en.wikipedia.org/wiki/Treaty_Clause
  15. https://en.wikipedia.org/wiki/Taiwan_Relations_Act
  16. https://www.congress.gov/bill/96th-congress/house-bill/2479/text
  17. https://www.reuters.com/world/china/china-unlikely-try-militarily-seize-taiwan-near-future-top-us-general-2021-11-03/
  18. https://www.defenseone.com/ideas/2021/12/ending-strategic-ambiguity-wont-help-taiwan/187252/
  19. https://www.globaltimes.cn/page/202111/1237955.shtml

13 Comments

  1. Trung

    Đây là bài viết rất có giá trị

    • editor

      Xin cám ơn ông/anh đã đọc.-Tín

  2. katalog firm

    An impressive share! I have just forwarded this onto a coworker who had been conducting a little homework on this.

    And he actually ordered me lunch because I found it for him…
    lol. So let me reword this…. Thanks for the meal!!
    But yeah, thanks for spending time to discuss this matter
    here on your blog.

    • editor

      Thank you for your kind words. Your comments (minus the yummy lunch!😊) really made my day.

      Believe or not, this sharing was simply started just out of curiosity about “why the US is so passive to Chinese increasing hostilities against Taiwan.” Once opening a can of worms, given how harmful and dangerous China ambition for superpower status is to its neighboring countries, not to mention the free world, this article was written. –TTTín

    • editor

      Just another thought, you might want to introduce to your coworker this article: Tham Vọng Của Trung Hoa Và Chiến Lược Biển Xanh (Blue Water Navy Strategy), also posted on my blog. The original report in English, namely China’s Blue Water Navy Strategy and its Implications, was compiled by Yoji Koda, Vice Admiral (Ret) of the Japan Maritime Self-Defense Force, and former Commander in Chief of the Self-Defense Force, and published by Center For a New American Security. In case your coworker finds it interesting, he might reward you with a big dinner, instead of just a lunch, lol! Seriously, imho, this article, either in English or Vietnamese translated version, is worth reading. -TTTín

  3. Ukraine Humanitarian

    great submit, very informative. I wonder why the other specialists of this sector do not understand this. You should continue your writing. I am sure, you’ve a great readers’ base already!

    • editor

      Thank you for sharing your thoughts. Though not a specialist on this subject matter (and actually still far from it!), however, as a student of history, I relied heavily on research when compiling this article. With respect to the work of research, I always try my best to follow what von Braun did: “Research is what I’m doing when I don’t know what I’m doing.”
      > You should continue your writing.
      Thank you for your encouragement. Regarding my writing, some of my readers (happened to also be my friends) already “reminded” me that some of my articles made their heads… spin. Will have to try harder to improve my writing. Sincerely. -TTTín

  4. donate for ukraine

    I am truly grateful to the holder of this website who has shared this impressive
    post at here.

    • editor

      Thank you for reading. I really hope that the article could offer some valuable info to meet your needs.-TTTín

  5. aid for ukraine

    It is appropriate time to make a few plans for the long run and it is time to be happy.
    I’ve read this put up and if I may just I want to suggest you few attention-grabbing
    things or advice. Maybe you can write subsequent articles relating to this article.

    I wish to read more things approximately it!

    • editor

      One thing that should be obvious to all viewers of this blog is that the primary language for communication here is Vietnamese.
      Having said that, I cannot discount the fact that some readers who are not fluent in Vietnamese may still find some interest in reading Vietnamese articles. And understandably their preferred choice of language to communicate is English.
      However, as stated up front in this blog at https://gopnhatcatda.com/about-us: Ideas, criticism, comments … are meant to be shared among viewers, and Vietnamese language is the tool to help carry out this task.
      So, after laying out all these facts, I would like to suggest that we should all strive our best to use Vietnamese in all communication in this blog, barring some special circumstances.
      Of course, if viewers don’t feel comfortable expressing themselves in Vietnamese in public, they can always email me at gopnhatcatda2021@gmail.com. I will do my best to accommodate viewers’ concerns, requests or suggestion over email. –TTTín

  6. donate for ukraine

    Paragraph writing is also a fun, if you be acquainted with after that you can write otherwise it is
    complex to write.

    • editor

      My apology. I am not sure if I correctly understand what your intent was. -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *