Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

BỨC ĐIỆN DÀI HƠN – Nhìn Về Một Chiến Lược Mới Của Mỹ Đối Với Trung Hoa

Ngày 22/2/1946, ông George Kennan, charge d’affaires của Tòa Đại sứ Mỹ tại Moscow, đã gửi về Ngoại Trưởng Hoa Kỳ một điện tín, khoảng 5,000 chữ (~9 trang). Bức điện tín lịch sử này, nổi danh với tên gọi “long telegram,” là ý tưởng nồng cốt của học thuyết bao vây ngăn chặn (doctrine of containment) mà Hoa Kỳ áp dụng trong Chiến Tranh Lạnh để đánh bại Liên Xô.

Ngày 28/1/2021, Atlantic Council, một think tank của Hoa Kỳ, thành lập năm 1961, chuyên về international affairs, công bố THE LONGER TELEGRAM – Toward a new American China strategy. Bài phân tích với tựa đề “The Longer Telegram” có ước vọng được như là một “khung sườn” vững chãi cho chiến lược của Hoa Kỳ để đánh bại Trung Hoa, như “long telegram” đã giúp đánh bại Liên Xô.

Theo Atlantic Council, tác giả của bài phân tích dài hơn 50 trang (double spaced), là một cựu giới chức cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ, đã yêu cầu được giữ kín tên họ. Tôn trọng lời yêu cầu với lý do chính đáng, Atlantic Council ghi tên tác giả là “Anonymous.”


Trần Trung Tín chuyển ngữ

I. Hướng Tới Một Chiến Lược Mới Của Quốc Gia Về Trung Hoa (Toward A New National China Strategy)

Sự quan trọng của thử thách Trung Hoa (The significance of the China challenge)

Thử thách quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối diện trong thế kỷ 21 là sự trỗi dậy của Trung Hoa ngày càng độc tài dưới trướng của Tập Cận Bình. Vì quy mô của quân đội, kích thước to lớn của kinh tế và một thế giới quan hoàn toàn khác biệt mà Trung Cộng hiện nay đang gây ra những tác động ảnh hưởng sâu xa đến mọi khu vực chính yếu của quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. Điều này còn trải dài sang an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, mậu dịch, đầu tư, thị trường vốn và tư thế bản vị của đồng đô la trong dự trữ tiền tệ toàn cầu (global reserve currency), cũng như tương lai của công nghệ, nhân quyền, khả năng lưu giữ địa cầu (planetary sustainability), và tương lai của trật tự thế giới vận hành theo luật lệ. Sức mạnh đang tăng của Trung Hoa trên tất cả các lãnh vực này hiện thách thức ưu thế toàn cầu và trong các khu vực của Hoa Kỳ qua một cách thế mà Liên Xô đã không bao giờ làm nổi. Ở một mức độ nào đó, đây là một thách thức về mặt cấu trúc vốn đang dần dần nổi lên trong hơn hai thập niên vừa qua. Sự nổi lên của họ Tập, dù vậy, đã tạo thêm chú ý vào thách thức này và đẩy nhanh thời biểu (thực hiện) của nó theo một cách thế mà những người tiền nhiệm của ông ta thời hậu Mao đã luôn luôn miễn cưỡng tiếp nhận (embrace).

Thách thức của Trung Hoa

Trung Hoa đưa ra một thách thức “đa phương” cho Hoa Kỳ , và thách thức này có thể được nhìn thấy ngang qua nhiều lãnh vực kinh tế, quân sự, chính trị.

  • Kinh tế: Trong những thập niên qua, kinh tế của Trung Hoa đã trỗi dậy mạnh mẽ và họ sử dụng sức mạnh kinh tế đó để thực hiện việc cưỡng chế và để trở thành trung tâm sáng chế (innovation) của toàn cầu.
  • Quân sự: Trung Hoa đang biến đổi sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự, hiện đại hóa quân đội và phát triển khả năng đối đầu với Hoa Kỳ để tăng cường sức mạnh ở tây Thái Bình Dương.
  • Chính trị: Trung Hoa đang mở rộng ảnh hưởng của họ ra bên ngoài và xây dựng được những mối bang giao mật thiết hơn với các chế độ chuyên quyền như Nga và Iran.
Kinh Tế
  1. Đánh cắp tài sản trí tuệ
  2. Phát triển kỹ thuật
  3. Sáng kiến Vòng đai và Con đường
  4. Cưỡng chế kinh tế
  5. Gia tăng ảnh hưởng kinh tế
Quân Sự
  1. Hiện diện quân sự toàn cầu
  2. Thay đổi tương quan sức mạnh tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương
  3. Giành chủ quyền đảo tại khắp vùng
Chính Trị
  1. Định hình các định chế đa quốc gia
  2. Thao túng ngoại giao (sharp power)
  3. Tăng cường chế độ chuyên quyền trong nước
  4. Khuyến khích chế độ chuyên quyền ở nước ngoài
  5. Liên kết với các chế độ chuyên quyền

Càng bước xa ra khỏi quá khứ, họ Tập, sau 8 năm tại vị, cũng đã cho thấy ông ta có ý định đưa các giá trị độc tài, ảnh hưởng chính sách đối ngoại và sự hiện diện quân sự của Trung Hoa vượt ra xa ngoài biên giới quốc gia và đến cả thế giới. Nói cách khác, họ Tập không chỉ còn là vấn đề đối với các nước láng giềng của Trung Hoa và Hoa Kỳ. Giờ đây, ông ta trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho toàn thế giới dân chủ. Một cách ngắn gọn, không giống như thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, dưới thời họ Tập, Trung Hoa không còn là một cường quốc giữ theo nguyên trạng (a status quo power). Đối với Hoa Kỳ, các đồng minh và trật tự tự do quốc tế (liberal international order) do Hoa Kỳ lãnh đạo, đó là điều cho thấy cần có một sự thay đổi chiến lược tận gốc.

Câu hỏi chiến lược căn bản cho Hoa Kỳ, dù dưới chính quyền Cộng hòa hoặc Dân chủ, là phải làm gì đối với thách thức này. Vấn đề cấp bách hiện nay là Hoa Kỳ phải phát triển một chiến lược và kế hoạch hành động hợp nhất, được lưỡng đảng ủng hộ, nhằm đối phó với Trung Hoa để hướng dẫn nội dung và việc thực hiện chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa của họ Tập trong ba thập niên trước mặt. Có ba lý do chính tại sao cần phải có một chiến lược dài hạn như vậy:

1
Sự trỗi dậy của Trung Hoa là một thách thức quan trọng nhất đối với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong thời hậu chiến về mặt trật tự trong chính trị, kinh tế và an ninh trên toàn cầu — một thách thức mà hiện đang khiến nhiều đồng minh Âu châu, Á châu và ngay cả Trung Đông phải bắt cá hai tay (to hedge their strategic bets) trong việc đặt cuộc chiến lược của họ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa.

2
Ưu thế chiến lược thời hậu chiến của Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương—vốn đã trở thành nguồn lực chính của việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và những căng thẳng an ninh chưa giải quyết trong thế kỷ 21—hiện đang bị thách thức rõ rệt bởi sự vượt lên của Trung Hoa như là một đối thủ ngang hàng về quân sự và sức mạnh kinh tế ưu hạng (preeminent).

3
Thái độ, chính sách và tư thế công khai của đảng-nhà nước Tàu đối với một trật tự căn cứ theo luật lệ quốc tế trong tương lai, và những phản ứng thường mơ hồ (equivocal) của chính quyền Trump vừa qua, đã làm tăng thêm các nghi vấn về hiệu lực của các giá trị phổ quát của nền dân chủ tự do, thị trường tự do và xã hội mở đã được các chính quyền trước đây của Hoa Kỳ xây dựng trong ba phần tư thế kỷ.

“Những chiến binh Chiến tranh lạnh” (“Cold warriors”) có thể không đồng ý với nhận định này liên quan đến chỉ mỗi một thách thức của Tàu, khi tính theo yếu tố sống còn trong cuộc đối đầu hạt nhân kéo dài nhiều thập niên giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Tuy nhiên, có nhiều lập luận có khả năng thuyết phục đã xác nhận được sự quan trọng lớn hơn đến từ thử thách của Trung Hoa ngày nay.

Thứ nhất, giống như Liên Xô cũ và bây giờ là Nga, Trung Hoa cũng sở hữu một lực lượng hạt nhân đáng sợ, đang phát triển và đang hiện đại hóa. Nhỏ hơn nhiều so với kho vũ khí của Mỹ hoặc Nga, nhưng đủ kích thước và tinh vi để Trung Hoa có khả năng phản công sau khi bị vũ khí hạt nhân tấn công (second-strike capability), một khả năng mà các nhà lãnh đạo của họ đã tìm kiếm để làm nản lòng (deter) bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào trong tương lai.

Thứ hai, không như Liên Xô, Trung Hoa hiện thực sự có năng lực, phạm vi và tác động kinh tế trên toàn cầu. Cả về thực tế và nhận thức, Trung Hoa đang trong quá trình thay thế Hoa Kỳ như là một nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập niên tới, mặc dù sẽ vẫn có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau giữa hai bên về mậu dịch, đầu tư, vốn, công nghệ và tài năng.

Thứ ba, Moscow không bao giờ có khả năng hữu hiệu thách thức ưu thế áp đảo (domination) của Hoa Kỳ thời hậu chiến tại Á châu-Thái Bình Dương hoặc rộng lớn hơn tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhưng Trung Hoa đang thách thức.

Thứ tư, trong khi chưa tham dự vào một cuộc chiến ý thức hệ toàn diện chống lại Hoa Kỳ, nhưng nước Tàu của họ Tập đã nói rõ là không có ý định chấp nhận, thụ động hay chủ động, những giá trị mà Hoa Kỳ đã khẳng định là đặc tính trọng yếu của quốc gia và quốc tế của họ. Thay vào đó, nước Tàu đang quán quân trong ấn bản chủ nghĩa tư bản độc tài của riêng họ, ở trong nước và bây giờ ở nước ngoài.

Thứ năm, bất chấp sự hoài nghi của Hoa Kỳ ngay cả 5 năm trước, Tàu và Nga hiện nay đạt được mức độ hợp tác chiến lược chung trong việc chống lại các quyền lợi của Hoa Kỳ trên toàn cầu và khu vực, vốn đã làm thay đổi bản đồ chiến lược lần đầu tiên được đặt ra vào năm 1972, khi Bắc Kinh và Washington cùng tham gia chống lại Moscow. Thế giới đó đã mất dạng từ lâu—có thể là mãi mãi.

Sau cùng, Trung Hoa từ lâu đã có một chiến lược nội bộ tổng hợp để quản trị chính sách của họ đối với Hoa Kỳ. Cho đến nay, dù không phải là không đủ phẩm chất (not unqualified), chiến lược này đã được thực hiện với sự thành công vừa phải.

Trung Hoa, và Các Quốc Gia Láng Giềng

Để đối phó với Liên Xô, Hoa Kỳ đã cụ thể hóa chiến lược hợp nhất của quốc gia thành các hoạt động dưới dạng bao vây ngăn chặn (containment). Trong khi cho đến nay, Washington vẫn chưa có chiến lược nào đối phó với Tàu. Hoa Kỳ có một chiến lược mới được công bố để đối phó với Trung Hoa, mang tên “tranh đua chiến lược” (“strategic competition”). Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có một chiến lược được cụ thể hóa toàn diện thành các hoạt động để đem lại hiệu quả. Đây là một sự xao lảng (dereliction) trách nhiệm quốc gia.

Từ một góc nhìn rộng hơn, còn có thêm lý do tại sao mục tiêu chính yếu của Hoa Kỳ là phải duy trì một ưu thế chiến lược toàn cầu và khu vực trong thế kỷ tới. Điều đó không chỉ vì quyền lợi của quốc gia. Dù quốc gia này có thích hay không, thì sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vẫn còn là nền tảng duy nhất đáng tin cậy trong việc duy trì, nâng cao và khi cần, tái tạo trật tự tự do quốc tế (liberal international order) một cách sáng tạo. Một nhà nước độc tài ở vị trí lãnh đạo toàn cầu sẽ không những chỉ dẫn đến sự sụp đổ của trật tự hiện tại, mà trong tiến trình này, còn sẽ cắt giảm luôn quyền lợi của Hoa Kỳ. Cuối cùng, nó sẽ làm suy thoái tâm hồn người Mỹ, gồm luôn cả sự hiểu biết thiên phú về dân tộc Mỹ là ai và quốc gia này tiêu biểu cho điều gì trên thế giới. Từ bỏ sứ mạng này có nghĩa là “một hải đăng của hy vọng” (the city upon a hill)1 sẽ phai nhạt khỏi tầm nhìn khi Hoa Kỳ trở thành chỉ là một quốc gia tầm thường khác theo đuổi tư lợi cho quốc gia của họ.

Các nguyên tắc căn bản của tự do chính trị, kinh tế và xã hội vẫn phải là trọng tâm của động lực (cause). Tính theo suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, những lý tưởng này chỉ là những sáng kiến mới có. Tuy nhiên, những điều đó ngày nay đã trở thành những giá trị vượt thời gian và là những điều gây lo lắng cho những kẻ độc tài ở khắp mọi ngõ ngách trên thế giới. Trong một cấu trúc và dạng thể của một hệ thống quốc tế, sự biểu hiện định chế (institutional expression) của những giá trị phổ quát này sẽ cần thiết phải tiến hóa theo tình hình thay đổi của chính sách trong tương lai. Để thực sự có thể tồn tại, thay vì đứng yên bất biến (static), trật tự tự do quốc tế phải là một thể hiện năng động (dynamic) của những giá trị này, vì khi bị thúc đẩy bởi những thay đổi sâu đậm trong các ngành công nghệ, chính tự thân của thế giới cũng đang thay đổi nhanh chóng chung quanh chúng ta. Tuy nhiên, những giá trị căn bản của tự do vẫn phải là kim chỉ nam cho chiến lược của Hoa Kỳ. Thiếu vắng sự hiện diện của Hoa Kỳ, sẽ không có quốc gia nào khác sẵn sàng hoặc có đủ khả năng giương cao ngọn cờ tiêu chuẩn trên toàn cầu cho những giá trị này. Từ bỏ vai trò đó có nghĩa là gạt bỏ hẳn trật tự của tương lai, và cấu trúc lý tưởng căn bản của nó, để nhường bước cho những hình thức độc tài khác nhau.

Phản ứng của Hoa Kỳ: Chính trị quán tính hay Viễn kiến chiến lược (US response: Political inertia or strategic vision)

Vì những lý do này, Hoa Kỳ có thể lặng lẽ nhượng bộ những thực tế thách thức đang diễn ra bằng một ly coctail chết người pha trộn bằng quán tính chính trị và sự thả nổi chiến lược, hoặc có thể chọn hành động một cách mạch lạc có chiến lược để bảo vệ và đẩy mạnh các quyền lợi chính yếu của mình như đã làm bởi chính quyền của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ khi chống lại Liên Xô. Tuy nhiên, một chiến lược quốc gia mới của Mỹ để đối phó với Tàu phải được đóng trụ (anchored) trên một nhận thức rõ ràng rằng ngày nay Hoa Kỳ đang đối mặt với một môi trường chiến lược đã cực kỳ thay đổi và bị bó buộc hơn rất nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô. Những tình huống này đòi hỏi sự đối phó với Tàu bằng một chính sách hoàn toàn khác về thực chất, với chi tiết cụ thể tinh tế hơn, thay vì chỉ cứng nhắc áp dụng phương pháp bao vây ngăn chặn (containment). Chỉ đơn thuần lập lại cách “bao vây ngăn chặn áp dụng riêng cho Trung Hoa,” (“containment with Chinese characteristics”) hoặc hoàn toàn tách khỏi Trung Hoa như là một điều kiện tiên quyết, thì gần như sẽ không hữu hiệu trong việc thực hiện các mục tiêu trong chính sách của Mỹ đối phó với Tàu. Một phương cách như vậy có thể cực kỳ tai hại cho quyền lợi của chính Hoa Kỳ. Nên biết rằng “bức điện dài” nổi tiếng của Kennan từ Moscow chính yếu là một phân tích về những nhược điểm bẩm sinh (inherent ) của cấu trúc nằm trong chính mô hình của Sô Viết, và đóng trụ trong phần kết luận rút ra từ phân tích là Liên Xô cuối cùng sẽ sụp đổ dưới sức nặng của những mâu thuẫn nội bộ của chính nó. Toàn bộ học thuyết bao vây ngăn chặn (doctrine of containment) đặt căn bản trên giả thiết quan trọng này.

Tuy nhiên, phải cần đến một nhà phân tích quả cảm để đạt đến một kết luận tương tự về Trung Hoa. Chắc chắn bên trong hệ thống của Trung Hoa có những đường nứt trong cấu trúc không thể chữa – ngoạn mục nhất là rạn nứt giữa một bên là sự nghiêm ngặt về tư tưởng của đảng theo chủ nghĩa Lenin và bên kia là nhu cầu tất yếu của thị trường nơi khu vực tư nhân không kìm giữ được. Tuy nhiên, kể từ 1978, chiến lược đối nội của Tàu đã phải liên tục đu dây lấy thăng bằng (rebalancing), gần như theo chu kỳ, giữa những căng thẳng đối nghịch của đảng và thị trường, dao động theo từng thời kỳ giữa “tả” và “hữu” để giữ cho đất nước và nền kinh tế rộng mở trên đường dẫn tới trạng thái cân bằng vững chãi (sustainable equilibrium). Bởi đó, sẽ là một nguy hại cho các chiến lược gia Hoa Kỳ khi giả định rằng một chiến lược có công hiệu trong tương lai của Mỹ để đối phó với Tàu, chính yếu, chỉ cần dựa trên phép ngoại suy giống như Kennan (Kennan-like extrapolation) theo đó cho rằng hệ thống của Tàu chắc chắn sẽ không tránh khỏi bị sụp đổ từ bên trong. ĐCSTH đã khéo léo hơn rất nhiều trong phương cách thực hiện chính sách và ý thức hệ của họ so với Liên Xô, còn được hỗ trợ thêm qua sự nghiên cứu kỹ lưỡng của đảng trong hơn một thập niên về “điều gì đã đi sai” (what went wrong) đối với Liên Xô trong suốt các biến cố vào thời 1989-1991. Ông Tập bị ám ảnh bởi sự cần thiết cho cộng đảng Trung Hoa phải học hỏi từ cái chết của Liên Xô, đã bảo các đồng chí trong Bộ Chính trị của ông trong một bài diễn văn vào 2012 rằng biến cố này đã đem lại “một bài học sâu sắc cho chúng ta.” Bài học đó là “lý tưởng và niềm tin của họ đã bị lay chuyển,” trong khi “quân đội bị phi chính trị hóa (depoliticized), tách khỏi đảng và bị quốc hữu hóa, [và] đảng bị tước vũ khí.” Ông cảnh cáo rằng mặc dù “tính theo tỉ lệ, Đảng Cộng sản Liên Xô có nhiều đảng viên hơn chúng ta,” họ đã bị diệt vong vì “không có ai có đủ cứng cỏi (man enough) để đứng lên và kháng cự lại.”2

Dĩ nhiên, với sự kết hợp tuyệt hảo của áp lực bên trong và ngoài, rồi bị châm ngòi bởi một loạt khủng hoảng nghiêm trọng trong hệ thống, thì ĐCSTH có thể thực sự sụp đổ. Tuy nhiên, sẽ là một sự điên rồ cho các chiến lược gia Hoa Kỳ khi đánh cuộc vào điều đó. Tốt hơn hết là cẩn thận phân tích những cách hành xử trong chính sách (policy behaviors) của Trung Hoa mà Hoa Kỳ muốn thấy có thay đổi và áp dụng bất kỳ đòn bẩy nào có thể có để giúp mang lại những thay đổi đó. Những đòn bẩy như vậy, nếu khôn khéo áp dụng, cũng có thể góp phần vào sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Hoa theo hướng thiên nhiều về thị trường, bớt độc đoán và bớt theo hướng quốc gia chủ nghĩa. Theo thời gian, điều đó cũng có thể đưa đến kết quả là sự thay đổi chế độ trong trường kỳ.

Trong giai đoạn tạm thời, tối thiểu cũng là cho thập niên quan trọng sắp tới, thì mục tiêu thực tiễn phải là mang lại những thay đổi có thể đo lường được về mặt chính sách ở Bắc Kinh để bắt buộc chế độ này phải tuân theo các nguyên tắc hiện hành của trật tự tự do quốc tế. Mục tiêu này ngược hẳn với cách hành xử hiện tại của Bắc Kinh là ngoài mặt (notionally) vẫn tuân theo các luật pháp hiện hành của hệ thống quốc tế nhưng khi thực hành thì bỏ qua các luật pháp đó bất cứ khi nào những luật này không có lợi cho họ. Bắc Kinh cũng đang bận rộn tạo ra cho họ các khu vực ảnh hưởng mới về mặt địa lý chính trị và địa lý kinh tế trên thế giới, dùng sự hỗ trợ toàn cầu của họ ngày càng tăng làm đòn bẩy để bắt đầu âm thầm thay đổi hệ thống quốc tế từ bên trong cho tương hợp hơn (compatible) với quyền lợi và giá trị quốc gia của Trung Hoa.

Vì vậy, đối với Hoa Kỳ, phải rõ ràng về các mục tiêu chiến lược quốc gia của Trung Hoa, cũng như những gì cần phải làm để mang lại những thay đổi có thực chất nơi các cách hành xử trong chính sách của Trung Hoa có thể tác động đến cả quyền lợi chính yếu của Hoa Kỳ và trật tự tự do quốc tế hiện hành, là điều kiện tiên quyết vô cùng cần thiết cho việc phát triển một chiến lược quốc gia hữu hiệu cho những thập niên khó khăn trước mặt.

Tuyên ngôn Chính trị không đồng nghĩa với Chiến lược (Political declarations do not equal a strategy)

Mục đích của bài viết là để phác thảo ra một chiến lược như vậy sẽ nên như thế nào. Không phải là để cung cấp chi tiết cho khuôn mẫu sau cùng mà chiến lược đã hoàn toàn được phát triển và khả thi sẽ dùng đến. Việc đó phải dành cho tiến trình cơ mật tập trung giữa nhiều cơ quan, theo sau là sự hợp tác mật thiết về phần chính sách với các đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Để chuẩn bị cho một chiến lược chi tiết như vậy, phương cách thực hiện có hệ thống được phối hợp nhịp nhàng nơi chính quyền tân lập sẽ phải là điều cốt yếu. Chiến lược đó phải khảo sát toàn bộ mọi lãnh vực, từ dưới lên trên, về chính sách bang giao Mỹ-Hoa, việc đo lường trong từng lãnh vực chỉ tuân theo một tiêu chuẩn: những biện pháp chính sách riêng lẻ nào sẽ tạo ra đòn bẩy tối đa để mang lại những thay đổi có thực chất nơi quyết định và cách hành xử chiến lược của Trung Hoa.

Phương cách như vậy sẽ trái ngược với nỗi ám ảnh của giới chính trị và trí thức hiện nay ở Hoa Kỳ về việc nên gọi tên chiến lược mới là gì, thay vì cần để tâm trí vào phần nội dung của chiến lược khả thi sẽ nên là gì. Đã mất quá nhiều công sức vào việc tìm đặt một tên nghe thật kêu cho học thuyết mới, tên đó có thể là một chữ đơn hoặc một nhóm chữ sẽ được lịch sử xem là xứng đáng nối nghiệp về mặt trí tuệ cho kiệt tác của Kennan về bao vây và ngăn chặn được tạo ra gần 3/4 thế kỷ trước. Nỗi ám ảnh này lẫn lộn phần hình thức với thực chất. Nó cũng lẫn lộn giữa học thuyết đã được công bố với một chiến lược khả thi, đây cũng là một vấn đề đã có từ lâu về đa số những gì vẫn được xem như là đại chiến lược của Hoa Kỳ. Những tuyên bố đầy kịch tính, hay tiết lộ quá nhiều điều, thường có thể làm suy yếu những gì mà chiến lược khả thi (operationalized strategy) đang tìm cách để đạt đến. Là bậc thầy trong việc tạo hỏa mù che giấu chiến lược, Tàu không bao giờ phạm lỗi đó. Các học thuyết được táo bạo tuyên bố cũng có nguy cơ đem đến cho bộ máy tuyên truyền của ĐCSTH một cơ hội thật tốt trong việc bôi bác kế hoạch hoàn hảo của Hoa Kỳ vừa mới được công bố dưới mắt lớp khán giả chính trị quốc nội của Tàu mà đôi mắt của họ luôn luôn bị đảng giữ rịt.

Ngược lại, các thành phần cứng rắn trong Bộ Chính trị ở Bắc Kinh luôn luôn nhìn vào những gì Hoa Kỳ làm, thay vì nói, bởi vì đó là cách Tàu đến với thế giới. Công việc rất là không hấp dẫn của một chiến lược hữu hiệu đối phó với Trung Hoa nằm ở nơi nội dung chi tiết của chính sách: một phân tích kỹ lưỡng về những gì mà chính sách của Hoa Kỳ có khả năng giới hạn lại và, nếu có thể, thay đổi các hành xử cụ thể nào đó của Tàu; và sau đó là nhiệm vụ khó khăn hơn trong việc phối hợp việc thực hiện trong dài hạn. Thơ phú (poetry) có thể đến sau này, nếu có, một khi đã giải quyết xong công việc nhàm chán về chính sách và văn thư hành chính. Đó là lý do tại sao tài liệu này chỉ có tựa đề giống như của người lao động (workmanlike title) là “Bức điện dài hơn: Nhìn Về Một Chiến Lược Mới Của Mỹ Đối Với Trung Hoa.” Tên của chiến lược như vậy, nghĩa là hình thức được công bố, là mối quan tâm thứ yếu. Mối quan tâm hàng đầu là để cho chính quyền mới lên của Hoa Kỳ có một chiến lược được phát triển hoàn toàn và khả thi càng nhanh càng tốt.

Có một sự thật không vui là, vào thời điểm hiện tại, dù thách thức nghiêm trọng ở trước mắt, Hoa Kỳ không có một chiến lược như vậy. Nhiều nhất, Washington chỉ có dáng vẻ bề ngoài (posture) đối với Tàu, nhưng vẫn chưa có chiến lược, chứ đừng nói đến chiến lược khả thi. Mục đích của đại chiến lược không phải là để cung cấp lỗ thông hơi cho trí tuệ, ý thức hệ hoặc cảm xúc cho các nỗi bực dọc bị dồn nén của Mỹ về chỗ đứng của mình trong bang giao với Trung Hoa; để làm cho người Mỹ cảm thấy sướng hơn (feel better) khi loại bỏ được “cái thứ Tàu” (“China thing”) ra khỏi lồng ngực của họ vì tất cả người Mỹ đều “điên lên được” (“as mad as heck”) với Bắc Kinh; hoặc ngay cả để có câu phát biểu cô đọng nhất để giúp ứng cử viên này thắng ứng cử viên kia trong cuộc tranh luận. Điều đó có thể hữu hiệu cho một hoặc hai mùa chính trị, nhưng chỉ có giá trị cho đến khi thực tế bắt kịp và cán cân quyền lực toàn cầu tiếp tục trượt đi mất còn nhanh hơn nữa. Thay vào đó, trách nhiệm cần làm hôm nay là tạo ra một con đường có thực chất để tiến tới.

Có người chỉ ra việc công bố Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSS) vào tháng 12, 2017, trong đó lần đầu tiên xác định Trung Hoa là “đối thủ cạnh tranh chiến lược,” (“strategic competitor”) như là một bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ hiện đã có chiến lược quốc gia về Trung Hoa. 3 Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ NSS cũng khó có thể chứng minh rằng chỉ riêng tài liệu này, hoặc những tài liệu được xuất bản sau nó, có thể được đồng hóa với một chiến lược chi tiết, khả thi hiện đang hướng dẫn mọi khía cạnh trong chính sách của Mỹ đối với Tàu, chưa nói đến một tài liệu được ưng thuận và đón nhận bởi cả hai đảng trong nước và bởi các đồng minh quan trọng ở nước ngoài. Ngay cả trong chính quyền Trump, những bất đồng nội bộ về chiến lược đối phó với Tàu đã rõ rệt gần như ngay từ ngày đầu nhậm chức. Không ai biết chắc chắn là phe nào sẽ thắng cuộc tranh luận này ở vào một ngày nào đó: những người chỉ tập trung vào mậu dịch; những người ước mong thấy có sự tách rời kinh tế to lớn hơn ra khỏi Trung Hoa; những người tìm cách kéo lùi ngược lại tất cả quyền lực của Tàu; và những người tìm cách lật đổ toàn bộ ĐCSTH. Danh sách đó không tính đến một tổng thống tiếp tục tán tỉnh các nhà độc tài, Tàu hay ai khác, ở bất cứ nơi nào ông có thể tương tác với họ, có thể ông tin rằng đây là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi quốc gia lâu dài của Hoa Kỳ trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Hoa Kỳ và đồng minh cần một chiến lược đồng nhất (consistent), toàn diện, khả thi để đối phó với thách thức lớn nhất của thời đại, thay vì một loạt các dòng tweet rời rạc và thường tối nghĩa. Chỉ những điều này không thôi cũng khiến Hoa Kỳ trở thành đối tượng bị chế giễu trên toàn thế giới, và vốn liếng chính trị khó kiếm được của quốc gia bị xói mòn từng mỗi chút một. Trong khi đó, các đối thủ độc tài theo đuổi một quy chế nghiêm ngặt và có hệ thống nhằm mưu tìm các quyền lợi quốc gia được cẩn thận xác định cho chính họ, một điều mà khi Hoa Kỳ thiếu vắng một chiến lược đối phó (counterstrategy) vững vàng được hình thành dựa trên phân tích, thì những đối thủ đó sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.

Mắt xích còn thiếu trong chiến lược của Hoa Kỳ: Hiểu được các đường nứt trong nội bộ chính trị Trung Hoa (The missing link in US strategy: Understanding the fault lines of internal Chinese politics)

Việc Hoa Kỳ thất bại liên tục trong các nỗ lực phát triển một chiến lược hữu hiệu để đối phó với Trung Hoa lại càng rõ rệt hơn bởi không có khả năng hiểu được các động lực chính trị căn bản trong nước Tàu đã ảnh hưởng đến cách hành xử nơi chính sách quốc tế của họ. Tệ hơn nữa, tại Washington thường có khuynh hướng phóng ra nhiều giả định khác nhau của Mỹ về Trung Hoa liên quan đến việc Bắc Kinh có thể hoặc nên hành xử như thế nào trong các tình huống được đưa ra —qua cách phân tích phản chiếu ngược (strategic mirror-imaging in analysis) theo đó nhìn vào những hành động của chính quyền Mỹ để tìm ra những gì Tàu có thể sẽ làm ngược lại để đối phó.4 Cũng tệ hại hơn nữa là việc Washington thờ ơ đối với những gì Bắc Kinh thực sự suy nghĩ, tại sao họ nghĩ như vậy và Mỹ có thể hành động như thế nào để thay đổi tâm tư của họ. Thay vào đó, mối quan tâm chính của Hoa Kỳ thường là làm cách nào để một thông báo cụ thể có thể “nghe được” đối với các thành phần trong nước quan tâm đến chính trị, hơn là chú trọng vào hiệu quả của thông báo đó trong việc thay đổi định kiến chính trị (political mindset) và cách hành xử tương ứng trong chính sách của Bắc Kinh.

Sự khôn ngoan lão luyện trong phân tích năm 1946 của Kennan là khả năng lượng định về phương cách hoạt động trong nội bộ của Liên Xô và cái nhìn thấu đáo để phát triển một chiến lược mà Hoa Kỳ có thể sử dụng trong một thực tế chính trị phức tạp. Một điều giống như vậy cũng cần được hoàn thành để giải quyết vấn đề Trung Hoa. Giống như Đảng cộng sản Liên Xô trước đây, ĐCSTH là một đảng công khai theo chủ nghĩa Lênin với một thế giới quan đậm nét chủ nghĩa Marx. Điều này thường bị quên lãng trong hơn 40 năm qua khi thế giới đã trở nên quen thuộc với việc Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đưa ra một hình thức “Leninism lite” (“chủ nghĩa Lênin nhẹ”) (hay ít ra cũng là chủ nghĩa cộng sản nhẹ – communism lite) trong nỗ lực của họ để cải cách, hiện đại hóa và trên hết là củng cố nền kinh tế và nhà nước Trung Hoa. Trong khi cuộc đổ máu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 phải nên làm cho chúng ta đặt câu hỏi về giả định đó, thì sự trỗi dậy của ông Tập hiện đã đưa nước Tàu trở về lại một hình thức cũ hơn của chủ nghĩa Mác-Lê-nin chính thống, không những khác với họ Đặng mà còn khác luôn họ Mao. Họ Tập tìm cách đứng hai chân (straddle) trên cả hai truyền thống này. Họ Tập là một biến thể của Mao về chính trị trong nước và quốc tế và là một biến thể khác của Đặng về kinh tế: không “tả” như Mao, nhưng chắc chắn không “hữu” như Đặng. Trên tất cả, không nên xem họ Tập đơn thuần chỉ là sự tái sinh của họ Mao. Ông Tập có một cá tính phức tạp hơn thế, đặc biệt là vì người cha, Tập Trung Hưng, đã bị cả Mao và Đặng đối xử tàn tệ ở những thời điểm khác nhau trong sự nghiệp lâu dài của ông. Hơn nữa, tận sâu trong trong tâm lý của họ Tập, ông ta muốn vượt qua cả Mao và Đặng trong chính trường Trung Hoa. Xi tự xem mình là người của định mạng (a man of destiny).5

Ông Tập đã tìm cách đưa chính trị Trung Hoa nghiêng hẳn về bên tả: có nghĩa là, đặt nặng chú trọng hơn nữa vào tính chính thống của chủ nghĩa Mác, kỷ luật chính trị và đảng tập trung kiểm soát. Về kinh tế, ông đã cố gắng đứng ở vị trí trung tâm nghiêng về tả (center-left) bằng cách kiềm chế sự thái quá của tư bản đối với tầng lớp doanh nhân Trung Hoa đang đi lên, làm hồi phục lại triển vọng của khu vực doanh nghiệp nhà nước, và nhắc nhở giới giàu có và nổi tiếng của Tàu rằng, cuối cùng thì họ cũng phải bị đặt dưới kỷ luật đảng. Ông Tập cũng trở thành người theo về chủ nghĩa dân tộc rõ rệt hơn những người tiền nhiệm gần đây của ông, sử dụng chủ nghĩa dân tộc Hoa để tạo ra sự ủng hộ của quần chúng và đẩy mạnh vai trò lãnh đạo của ông chống lại những người chỉ trích trong nội bộ của đảng ngày càng tăng – mặc dù điều này cũng có tác dụng làm cho Trung Hoa có một tư thế quốc tế cứng rắn hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, trong chính trường nội địa Tàu, sự thay đổi gây tranh cãi nhiều nhất là việc họ Tập tập trung quyền lực chính trị vào trong tay, việc ông sử dụng và lạm dụng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ các đối thủ chính trị, việc ông đã chối bỏ không công nhận sự lãnh đạo tập thể của đảng đã có từ đại hội thời hậu Mao, và quyết định của ông thay đổi hiến pháp đảng để cho phép ông giữ chức tổng thống trong hơn hai nhiệm kỳ. Khi cộng thêm sự sùng bái cá nhân đang nổi bật chỉ sau Mao trong lịch sử Trung Hoa hiện đại, kết quả là phong cách lãnh đạo của ông Tập đã làm nảy sinh ra sự phẫn nộ sôi sục nơi nhiều hệ phái có thế lực trong giới tinh hoa của Cộng đảng Trung Hoa.

Tuy nhiên, ngoài giới chính trị ưu tú, nhược điểm nghiêm trọng của ông Tập vẫn là kinh tế. Đặc biệt là câu hỏi liệu ông ta có thể tiếp tục giữ vững được hay không một hợp đồng không chính thức về mặt xã hội mà lâu nay được người dân ngầm hiểu về sự tăng trưởng kinh tế, việc làm và tiêu chuẩn mức sống. Trong nhiều thập niên qua, sự mặc nhiên hiểu ngầm giữa đảng và người dân là chừng nào mà đảng còn có thể tiếp tục bảo đảm được cho mức sống ngày càng cao, thì công chúng (dù miễn cưỡng) vẫn chấp nhận được việc đảng tiếp tục từ khước việc thực sự cải cách chính trị. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế bị khựng lại, thí dụ như vì một số đường hướng sai lầm của chính sách, tác động xấu của chiến tranh mậu dịch Mỹ-Hoa hoặc suy thoái do dịch bệnh gây ra, thì chẳng mấy chốc lớp vải mỏng manh cấu tạo hợp đồng xã hội này sẽ bắt đầu bị xé toang. Dưới những tình huống này, đảng có thể càng ngày càng phải dựa vào các công cụ cưỡng chế từ sức mạnh của nhà nước qua guồng máy tình báo và an ninh để vẫn nắm giữ quyền lực. Với những công nghệ mới rất ghê gớm hiện nay sẵn có để Trung Hoa nhanh chóng trở thành một nhà nước chuyên theo dõi (surveillance state) và việc tăng cường sử dụng biện pháp bạo lực cưỡng chế (physical coercion) để duy trì sự kiểm soát chính trị, thu hẹp lại không gian riêng tư, một cách có hệ thống, trong cuộc sống cá nhân của người dân, được cho phép trước đây, đã bắt đầu tạo ra phản ứng lan rộng. Đúng, có sợ hãi. Tuy nhiên, dù vậy, một sự phẫn nộ dữ dội hơn rất nhiều đối với chế độ hiện tại đã bắt đầu nổi lên, đặc biệt là trong tầng lớp có học ở Tàu.

Chưa được rõ là đến mực độ nào thì những luồng bất mãn từ quần chúng và giới ưu tú có thể tập hợp lại được đến một mức đủ để ngăn chận ông Tập tiếp tục nắm quyền sau Đại hội Đảng thứ Hai Mươi vào năm 2022. Cũng chưa rõ là chính xác điều gì sẽ xảy ra sau khi thay thế ông Tập: trở lại quá khứ ôn hòa hơn của Đặng Tiểu Bình, hoặc lao mình vào một tương lai với quốc gia chủ nghĩa còn khắc nghiệt hơn. Sự quân bình của lập luận được nêu ra trong những trang giấy này là nếu sự thay đổi lãnh đạo sẽ xảy ra, có nhiều khả thể là sẽ chuyển sang hướng lãnh đạo tập thể ôn hòa hơn, vì cho đến nay những chỉ trích trong nội bộ nhằm vào ông Tập là ông ta đã quá tả ở trong nước và quá cứng rắn ở nước ngoài. Trong cả hai trường hợp, sự chỉ trích đang nổi lên trong nước không bị thúc đẩy bởi sự nhạy cảm xa lạ (foreign sensibilities). Mà nói cho đúng hơn, điều đó được thành hình từ một quan điểm – chưa được công nhận – cho rằng có ba lập luận chính yếu: rằng ông Tập đã xói mòn sức mạnh kinh tế của Trung Hoa bằng cách làm suy yếu lòng tin của khu vực tư nhân; rằng ông đã khiến nền an ninh quốc gia của Trung Hoa trở nên dễ bị thương tổn hơn vì đã tạo ra quá nhiều đối thủ quốc tế khi đã đẩy mạnh bước tiến ra bên ngoài quá nhanh và quá sớm; và đặc biệt nhất là thời điểm và cường độ của việc ông khiêu khích (aggravation) nước Mỹ không những phần lớn là không cần thiết, mà còn có khả năng làm nguy hại cho tương lai của chế độ. Về điểm này, các chiến lược gia Hoa Kỳ nên biết rằng ở Bắc Kinh vẫn còn có một sự trọng vọng lớn lao dành cho sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là giữa các chiến lược gia thực dụng của trường phái cũ (old school) của Tàu.

Vượt qua những nhạy cảm chính trị nội bộ quanh bản thân họ Tập, thì cũng có lợi ích rộng lớn hơn cho tự thân Đảng Cộng sản để vẫn nắm giữ quyền lực bằng mọi giá. Đảng xác định quyết tâm phải tồn tại. Như đề cập trước đây, đảng này đã nghiên cứu kỹ lưỡng các nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và họ đã tìm cách áp dụng một số bài học đã học được vào chiến lược của đảng để củng cố vị thế của nó. Tuy thế, đảng này vẫn cực kỳ bồn chồn lo lắng về tính chính danh chính trị lâu dài mà đảng đã tự nhận, dù đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng nể và vẫn chuyên cần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc thông qua các hình ảnh quốc tế và cơ hội tuyên truyền ngày càng tăng của Tàu như Thế vận hội Bắc Kinh, chương trình không gian Trung Hoa, và tổ chức các hội nghị quốc tế có tầm vóc. ĐCSTH cũng ý thức được rằng nhiều thường dân Tàu, không nhất thiết phải là trong giới học thuật hoặc kinh doanh, vẫn rất hoài nghi về lịch sử, tính chính trực của đảng và sự liên quan đến lợi ích và nguyện vọng căn bản nhất của người dân. Họ đã thấy những kẻ có đặc quyền trở nên xa cách và tư lợi. Đặc biệt là sự hoài nghi này càng lên cao nơi những người trẻ tuổi, mà việc truy cập Internet và du lịch quốc tế đã khiến họ đặt câu hỏi tại sao họ không được hưởng các quyền tự do chính trị và xã hội như những người khác ở Á châu, gồm cả các nền văn hóa Nho giáo khác như Nam Hàn, Nhật Bản và đặc biệt là Đài Loan, tất cả đều đã dân chủ hóa thành công. Tôn giáo cũng đã lấp đầy lỗ hổng tinh thần mà hàng trăm triệu gia đình người Tàu bình thường đều cảm thấy khi họ đối đầu với những huyền thoại trống rỗng của chủ nghĩa Mác và sự vô hồn của chủ nghĩa duy vật tư bản.

Nhiều người Trung Hoa bình thường trong quá khứ đã có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ, mặc dù đã có một số thay đổi đáng kể dưới thời chính quyền Trump. Hãy nhớ rằng từ lâu nay hàng triệu gia đình từ đại lục đã gửi con cái sang Hoa Kỳ để học hỏi và nhiều người khác vẫn muốn đến và sống tại Hoa Kỳ vì sự tự do mà quốc gia này vẫn tiếp tục cung ứng. Tự do dưới mọi hình thức tiếp tục có hiệu lực chính trị chân thật ở Trung Hoa như là một nền tảng cho việc cắt bỏ và tiếp tục tấn công vào quyền lực tuyệt đối mà đảng tự cho là do họ nắm giữ. Điều đó tiếp tục có tiếng vang to lớn trong lòng người dân Trung Hoa, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu đang lên. Hiệu lực đó là lý do tại sao đảng này dành quá nhiều thời giờ và nỗ lực để bôi nhọ nền dân chủ Tây phương trên các phương tiện truyền thông trong nước, đặc biệt là những thất bại của Hoa Kỳ trong việc đối phó hữu hiệu với cuộc khủng hoảng COVID-19. Một nước Mỹ rối loạn chức năng (dysfunctional) là một món quà từ trên trời giao xuống cho những luận bàn của ĐCSTH tại nội địa khi đảng này tìm cách củng cố tính chính danh đã rách nát của họ. Nói tóm tắt, nhược điểm ý thức hệ của đảng trên nhiều mặt vẫn là những điều có thật.

Hiểu được cặn kẽ các lưu chuyển (dynamics) trong chính trị nội bộ này sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nhìn ra được các điểm tối ưu của đòn bẩy để mang lại thay đổi thực sự trong cách hành xử của từng chính sách của Tàu. Ngược lại, bỏ qua những phức tạp này và xem Trung Hoa như một khối đá chính trị đơn điệu nào đó thì sẽ dễ gây ra tác dụng ngược: tạo cơ hội cho giới lãnh đạo Tàu đưa ra chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để tự vệ chống lại những lời lẽ công kích khái quát của Hoa Kỳ chống lại toàn Trung Hoa. Nói rộng ra, những công kích đó dễ dàng được diễn dịch lại là các cuộc tấn công chống lại dân tộc, nền văn minh và quốc gia Trung Hoa. ĐCSTH là bậc thầy lâu năm trong việc chơi cái gọi là con bài chủng tộc và con bài chủ nghĩa dân tộc (nationalism card) trong việc làm chuyển hướng bất kỳ sự chỉ trích nào của quốc tế đối với chính sách chính thức của Trung Hoa. Thí dụ, sự quản lý chính trị kém cỏi của chính quyền Trump đối với cuộc chiến tranh mậu dịch 2018-2020 đã cho ông Tập cơ hội chuyển hướng những chỉ trích nội bộ về sự quản lý kém cỏi của ông ta trong khu vực tư nhân, đem đổ lỗi việc chậm bớt tốc độ tăng trưởng của Trung Hoa là bởi vì sự thù địch của Hoa Kỳ trong khi chính ra là do bởi những thiếu sót trong chính sách kinh tế của ông ta. Tương tự, sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc bày tỏ tình đoàn kết với người dân Trung Hoa khi COVID-19 lần đầu tiên nổ ra tại Vũ Hán — lúc đó Bộ trưởng Thương mại là Wilbur Ross công khai vui mừng trước sự bất hạnh của Trung Hoa vào cuối tháng 1 năm 2020, nói rằng điều dó sẽ “giúp đẩy nhanh việc đem công việc làm trả về lại cho Bắc Mỹ ”- một lần nữa giúp chế độ này củng cố lại vị thế của họ nơi người dân Trung Hoa, vốn là những người vào thời điểm đó đã tức giận vì sự quản lý kém cỏi của đảng đối với cuộc khủng hoảng. 6 Trên thực tế, Trump đã biếu không cho chế độ Trung Hoa một “thẻ ra khỏi tù” miễn phí khác (another get-out-of-jail-free card).

Ngược lại, Trung Hoa từ lâu đã học biết được sự khác biệt giữa Washington và phần còn lại của Hoa Kỳ. ĐCSTH đã phát triển các chiến lược riêng biệt và phức tạp để đối phó với các khu vực bầu cử khác nhau của Hoa Kỳ, với các mục tiêu riêng biệt như các công ty, chính quyền tiểu bang và Quốc hội Hoa Kỳ, cũng như riêng từng các khu vực bầu cử, trường đại học, think tanks và định chế văn hóa (cultural institutions). Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của Tàu trong mỗi trường hợp đều như nhau: dần dà tận dụng tối đa đòn bẩy của họ trên khắp Hoa Kỳ, thay vì chỉ cho rằng quốc gia này bắt đầu và kết thúc tại 1600 Đại lộ Pennsylvania (Địa chỉ của White House). Mỹ cần phải học từ Bắc Kinh phần kỷ luật (institutional discipline) và cứ theo đó mà làm giống như vậy trong các giao dịch với Tàu.

Xe quân sự mang hỏa tiễn hành trình siêu thanh (hypersonic cruise missiles) đi qua Quảng trường Thiên An Môn trong cuộc diễn binh vào ngày Quốc khánh ở Bắc Kinh, ngày 01/10/2019 đánh dấu 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. REUTERS / Thomas Peter

Phân tích các ưu tiên chính trị của Trung Hoa (Analyzing Chinese political priorities)

Điều quan trọng là phải hiểu được địa hình chính trị bên trong nơi mà Trung Hoa lên khuôn (frames) các quyết định quốc tế và cũng là nơi họ Tập và Đảng Cộng sản dễ bị tổn thương về mặt chính trị. Sự hiểu biết thực tế về các ưu tiên chung của chế độ của họ Tập — hoặc cơ chế chính trị của đảng tương đương với điều mà nhà tâm lý học Abraham Maslow gọi là “hệ thống xếp hạng theo nhu cầu” (hierarchy of needs) — sẽ đem lại thông tin cho bất kỳ chiến lược nào của Mỹ tìm cách định hình cách hành xử của Tàu trong tương lai.

Những điều sau đây tiêu biểu cho mười ưu tiên hàng đầu của ông Tập xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn tính theo quan trọng. Những ưu tiên này được lấy ra từ các phát biểu công khai, trò chuyện riêng tư và logic chiến lược (straightforward strategic logic), thay vì dựa trên bất kỳ công bố chính thức nào của Đảng Cộng sản. Mỗi điều này, dưới nhiều hình thức khác nhau, đều có trước khi ông Tập được bổ nhiệm vào vai trò lãnh đạo trong năm 2012. Tuy nhiên dưới thời ông Tập, mỗi điều trên đều được “võ trang” thêm với sự khẩn cấp mới, với thêm nhiều nguồn đầu tư tài chánh và, trong nhiều trường hợp, với thời biểu thực hiện cấp bách hơn.7

1
Giữ cho Cộng Đảng Trung Hoa nắm quyền cai trị, kể cả bằng cách đem tất cả các công cụ quốc gia, kinh tế và ý thức hệ có sẵn cho giới lãnh đạo để dân dần xây dựng sự chính danh chính trị (political legitimacy), cùng với toàn bộ quyền lực cưỡng chế của guồng máy đảng, nhà nước, quân đội, tình báo và an ninh để giữ vững vị thế của ĐCSTH trong tư cách là đảng cầm quyền vĩnh viễn của Trung Hoa.

2
Duy trì và bảo đảm sự thống nhất của đất mẹ, gồm cả sự tùng phục chính trị của Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, cũng như việc hợp nhất các lãnh thổ mà Tàu giành lấy chủ quyền (territorial claims) ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và dọc theo biên giới chung của Trung Hoa với Ấn Độ.

3
Duy trì mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 5% hoặc hơn cho đến 2035 (dù có khủng hoảng COVID-19). Đến lúc đó, ông Tập nhắm đến việc thực hiện được lời hứa của ông ta là làm cho Trung Hoa trở thành một quốc gia “phát triển vừa phải” (bằng cách nâng tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người từ $20,000 lên $30,000) gấp đôi hoặc ba kích thước của kinh tế Trung Hoa; và vượt qua Hoa Kỳ. Ông ta phải làm như vậy trong khi phục hồi và duy trì được đầy đủ việc làm, chống nghèo đói và bảo tồn sự ổn định xã hội. Sự tăng trưởng này cũng cung cấp cho Trung Hoa căn bản kinh tế để tiếp tục bành trướng khả năng quân sự và công nghệ, và sẽ cho phép dấu ấn kinh tế toàn cầu của họ (its global economic footprint) làm tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới trên toàn thế giới.

4
Làm cân bằng các mục tiêu kinh tế với học thuyết quốc gia mới về sự phát triển vững chãi của môi trường (environmentally sustainable development), được xét là cần thiết để đối phó với những lo ngại của công chúng đang gia tăng về ô nhiễm không khí, phẩm chất của nước, ô nhiễm đất, tiêu chuẩn của phẩm chất thực phẩm, khan hiếm nước và biến đổi khí hậu.

5
Bành trướng, cải tổ và hiện đại hóa quân đội Trung Hoa để biến nó thành lực lượng ở đẳng cấp thế giới (word-class) có khả năng tham dự các cuộc hành quân hỗn hợp (joint operations) phức tạp và có thể chiến đấu và chiến thắng những chiến tranh ở khu vực Á châu-Thái Bình Dương và giữ vững các lãnh thổ mà Tàu giành lấy chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, và Đài Loan bằng vũ lực nếu cần; đồng thời phát triển chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực (anti-access/area denial strategy) cho các chuỗi đảo thứ nhất và cuối cùng là chuỗi đảo thứ hai; và nơi nào cho phép, thì cứ nhảy vượt qua (leapfrog) Mỹ trong phạm vi công nghệ quốc phòng vốn là những gì sẽ quyết định kết quả trong những trận chiến tương lai trong không gian.

6
Biến đổi các quốc gia láng giềng của Tàu thành các đối tác chiến lược dễ bảo (benign) và cuối cùng là tuân theo Tàu bằng cách khai triển một kế sách kết hợp các ảnh hưởng chính trị, kinh tế, cảm nhận về chính sách đối ngoại và khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Hoa (cùng lúc với triển vọng Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi khu vực trong vùng) trên mười bốn quốc gia láng giềng của Tàu và tám ranh giới biển đang có tranh chấp.

7
Bảo đảm an ninh cho vùng ngoại vi hàng hải của Trung Hoa ở phía đông, ra đến chuỗi đảo thứ hai, bằng cách tách rời các liên minh của Hoa Kỳ với Nhật Bản, Nam Hàn, Thái Lan, Philippines và có thể ngay cả Úc, đồng thời phá hoại hợp tác quân sự theo hiệp ước phụ của Hoa Kỳ với các quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia hải đảo tại Nam Thái Bình Dương.

8
Bảo đảm an ninh cho vùng ngoại vi lục địa rộng lớn hơn ở phía tây Trung Hoa bằng cách làm cho Nga chấp nhận và hỗ trợ Tàu một cách chiến lược, khai triển Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường (BRI) (được bổ sung bởi các hiệp ước kinh tế và an ninh khác, giữa hai quốc gia và cả trong một vùng nhỏ [subregional]) để bành trướng ảnh hưởng chiến lược và dấu ấn kinh tế và công nghệ của Tàu trên khắp Trung Á, Nam Á, Trung Đông, Đông và—cuối cùng là—Tây Âu.

9
Bành trướng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Hoa trong thế giới đang phát triển, gồm cả Phi châu và châu Mỹ La tinh. Cả hai khu vực đều là những thị trường quan trọng mới nổi lên và là nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô đồng thời cũng là các nguồn hỗ trợ đa phương quan trọng trong hệ thống của Liên Hiệp Quốc, với khả năng tạo điều kiện dễ dàng cho việc bổ nhiệm nhân sự trong tương lai và thay đổi định chế.

10
Dần dần biến đổi trật tự toàn cầu sang một hình thức tương hợp hơn với các quyền lợi và giá trị của Tàu, làm cho trật tự đó trở nên đa cực và ít tập trung vào Mỹ hơn; tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Hoa trong hệ thống đa phương hiện có, trong khi cũng tạo ra các định chế mới bên ngoài hệ thống UN-Bretton Woods hiện tại 8; và khai triển ý tưởng mới nổi lên của họ Tập về một “cộng đồng của vận mạng chung cho nhân loại” (“community of common destiny for mankind”) như một phương tiện chuyên chở khái niệm để làm nền móng cho tất cả những điều trên.9

Nếu đây là bản liệt kê chính xác các lợi ích chính yếu của ông Tập, thì phải cần thêm một tiến trình riêng để xác định, trong các lợi ích đó, cái nào tương hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, cái nào có tiềm năng chồng lên nhau và cái nào hiện đang có xung đột căn bản. Cảm nghĩ đầu tiên là hầu hết các lợi ích chính yếu này của Đảng Cộng sản của ông Tập hiện giờ rơi vào loại “xung đột” (conflict). Do thế, chính sự nghiêm ngặt của bản phân tích này nên được dùng để làm căn bản cho các đối phó trong chính sách của Hoa Kỳ đối với mỗi vấn đề trên.

Cảnh sát dã chiến bắn hơi cay vào đám đông để giải tán những người biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia, tại một cuộc tuần hành nhân kỷ niệm ngày Anh bàn giao Hồng Kông cho Trung Hoa, Hồng Kông, Ngày 1 tháng 7 năm 2020.

Phải thấy rõ sức mạnh chiến lược của Trung Hoa (Being clear about China’s strategic strengths)

Khả năng của Trung Hoa để bảo đảm các ưu tiên quốc gia của họ sẽ được xác định bởi nhiều yếu tố. Những yếu tố đó gồm cả các sức mạnh và yếu điểm của Trung Hoa được hợp chung lại, hiệu quả của chiến lược quốc gia, cũng như hiệu năng của các lực lượng đối phương. Trong những năm gần đây, tâm trạng (temperament) tại Bắc Kinh đã lên cao đến mức tự tin một cách phi lý cho rằng thời của Trung Hoa đã đến, còn tại Washington, tâm trạng này đôi khi phản ảnh một sự bi quan cũng phi lý không kém cho rằng sự suy thoái của Hoa Kỳ hiện nay là điều không thể đảo ngược. Những cảm tính như vậy tại cả hai thủ đô đều có tiềm năng nguy hiểm, vì không phản ảnh được sự thực về khả năng chiến lược khách quan và khuynh hướng chính trị của mỗi quốc gia. Ngay cả một cái nhìn khái quát ngắn gọn về sức mạnh và yếu điểm hiện tại của Trung Hoa, dù khác xa với sự lượng định chính thức so sánh khả năng của Trung Hoa và Hoa Kỳ, cũng cho thấy một bức tranh phức tạp hơn nhiều so với những gì được giả định bởi các giới chính trị ưu tú tại hai thủ đô.

Giới lãnh đạo ĐCSTH nhìn thấy nhiều sức mạnh trong các lãnh vực chính yếu về chính trị, kinh tế, quân sự, chính sách đối ngoại và văn hóa của Trung Hoa, so với Hoa Kỳ, các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ:

  1. Một chiến lược quốc gia rõ rệt để thực hiện các mục tiêu quốc gia, và một hệ thống chính trị có khả năng huy động các nguồn tài nguyên dành cho một chiến lược hữu hiệu mà không gây ra bất đồng to lớn trong nội bộ, trái ngược hẳn với Hoa Kỳ, các quốc gia Tây phương nói chung và Ấn Độ, là những quốc gia mà Trung Hoa xem là bất động (immobilized) về mặt cấu trúc bởi vì các quy trình dân chủ cồng kềnh chậm chạp, liên bang, và các tiến trình nghị luận (deliberative processes) khác
  2. Định chế có khả năng (institutional ability) dự đoán và ứng phó với những thử thách và cơ hội phía trước mặt đã cho phép đảng điều chỉnh được đường lối chiến lược hoặc chiến thuật
  3. Một cuộc cách mạng công nghệ của nhà nước chuyên theo dõi (surveillance state) triệt để tăng cường khả năng của đảng để duy trì sự kiểm soát tuyệt đối trong dài hạn
  4. Sự thành công, tính cho đến nay, càng làm vững chắc thêm tính chính danh của đảng xuyên qua chính sách kinh tế sau sự bùng nổ của Cách mạng Văn hóa (1966-1976) và Bước Đại Nhảy vọt (1958 đến đầu 1960) là một dấu ấn (marker)
  5. Vẫn còn chỗ cho việc tăng trưởng kinh tế nội địa trong dài hạn, tính theo việc đô thị hóa chưa hoàn tất và sự phát triển tầng lớp trung lưu và xã hội tiêu dùng Trung Hoa vẫn còn trong giai đoạn đầu, thì vẫn còn cần cung ứng một tiềm năng đáng kể cho nhu cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai ngay cả khi hoàn cảnh bên ngoài trở nên có vấn đề. Hơn nữa, tiềm năng của cuộc cách mạng thương mại kỹ thuật số của Trung Hoa chưa được khai thác, mà Bắc Kinh cũng hy vọng sẽ mở rộng ra tới các thành phần đối tác kinh tế mới mẻ của họ trên khắp thế giới đang phát triển
  6. Sự tích lũy trong hai mươi năm qua của hạ tầng cơ sở kinh tế hiện đại bao gồm hệ thống truyền tải cao tốc có công suất lớn (high-speed broadband), xa lộ quốc gia và thiết lộ cao tốc trên toàn quốc, và thu hẹp lại khoảng cách giữa cung và cầu trong năng lượng mà trong lịch sử đã từng cản trở việc phát triển tiềm năng kinh tế của Trung Hoa
  7. Sự xuất hiện của rất nhiều sáng kiến quan trọng trong nước ở thập niên vừa qua bao gồm các khu vực công nghệ cao và thông minh nhân tạo (AI), không còn lệ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoài và được hỗ trợ bởi một cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia được tài trợ dồi dào
  8. Không có bất kỳ khoản nợ công hoặc tư nhân đáng kể nào bằng đô la Mỹ, cùng với việc tiếp tục kiểm soát được trương mục vốn đầu tư (capital account) và tiền tệ không thể chuyển đổi (non-convertible currency)10, đã nói lên được khả năng của Trung Hoa có thể đứng vững trước các cuộc khủng hoảng tài chánh do từ bên ngoài tạo ra hoặc kích động
  9. Sự thành công của chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Hoa đem lại sự ngang bằng với Hoa Kỳ về tiềm năng sẵn sàng về mặt quân sự (military parity) trong khu vực ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương là điều có thể thấy được nơi các lực lượng hỏa tiễn, hải quân và không quân quy ước (conventional) của nước này, cũng như khả năng phát triển sức mạnh đang gia tăng bao gồm việc bành trướng khả năng điều động, khai triển ra đến “các vùng biển xa” ở Ấn Độ Dương, Trung Đông và thế giới rộng lớn hơn
  10. Việc nhanh chóng mua lại được khả năng tấn công và phòng thủ trong chiến tranh mạng, cả ở mặt dân sự lẫn quân sự, tối thiểu cũng đặt Trung Hoa ngang hàng (on par) với Hoa Kỳ trong lãnh vực quan yếu này
  11. Thành lập xong các hệ thống không gian gồm hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu qua vệ tinh, độc lập, không lệ thuộc GPS (Global Positioning System) của Hoa Kỳ và các khả năng chống trả vệ tinh tấn công có thể được dàn trải chống lại những “đơn vị” không gian (space assets) quan trọng của Hoa Kỳ trong bất cứ cuộc xung đột lớn nào
  12. Việc gia tăng hiện đại hóa và làm mạnh mẽ thêm bộ ba vũ khí nguyên tử gồm hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM), hỏa tiễn phóng từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và oanh tạc cơ chiến lược của Trung Hoa đã mang lại khả năng đáng tin cậy để phản công sau khi bị vũ khí hạt nhân tấn công (second-strike capability)
  13. Tin vào sự suy thoái ý chí chính trị của Hoa Kỳ để có hành động quân sự bảo vệ Đài Loan căn cứ trên con số tổn thất sinh mạng của người Mỹ có thể cao, cũng như khả năng quân sự của Hoa Kỳ để hành động một cách quyết đoán đã bị suy giảm, ngay cả khi vẫn còn ý chí chính trị muốn can thiệp, khi những vũ khí được Hoa Kỳ dàn trải ra khỏi lãnh thổ (power projection assets) dễ bị thương tổn trước những tấn công của hỏa tiễn Trung Hoa phóng đi từ đất liền trong bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai để giành quyền kiểm soát không trung và mặt biển
  14. Thành công của chiến lược giành lấy chủ quyền đảo tại Biển Đông của Tàu có thể thấy được vì đã thiếu vắng một phản ứng quân sự đáng kể từ Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh đã khôi phục tiến trình giải quyết bằng ngoại giao với các quốc gia khác đang tranh chấp tại Biển Đông, nhìn chung đã làm giảm bớt căng thẳng quân sự với thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
  15. Mối quan tâm khẩn cấp về an ninh quốc gia vì Bắc Hàn đã suy giảm sau quyết định của chính quyền Trump giảm bớt áp lực quân sự và chính trị lên Bình Nhưỡng như là một phần của tiến trình ngoại giao lâu dài của Mỹ bắt đầu vào năm 2018
  16. Việc bình thường hóa và củng cố thêm bang giao với Nga đã loại bỏ mối đe dọa chiến lược to lớn đã từ lâu nằm sát biên giới Trung Hoa và thay vào đó là một nguồn lực gia tăng cộng tác về quốc phòng, công nghệ, năng lượng và tài chánh, do đó đã giúp Tàu cải thiện được đòn bẩy chiến lược và chính sách đối ngoại toàn cầu
  17. Dấu ấn (footprint) kinh tế ngày càng tăng khắp Đông Á đang cho phép Tàu thay thế Mỹ trong vai trò của đối tác thương mại có ảnh hưởng mạnh của khu vực (mặc dù chưa tính đến phần trực tiếp đầu tư của nước ngoài [FDI foreign direct investment] hoặc sự lưu chuyển của tư bản vốn (capital flows)
  18. Việc củng cố ảnh hưởng của Tàu tại Nam Hàn và khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Phi, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai và Singapore, làm Mỹ bị thiệt thòi
  19. Ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Hoa gia tăng ở Âu châu, nơi mà Bắc Kinh xem là trọng yếu “hai bên ngang ngửa (swing state),” tính theo tầm vóc kinh tế, sự tinh vi về công nghệ và tương đối không quan tâm đến chính sách an ninh của Tàu ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, là một phần trong cuộc tranh đua chiến lược của Tàu với Mỹ về tương lai của trật tự toàn cầu
  20. Thiếu vắng của bất kỳ một chính sách viện trợ đáng kể nào  về mặt ngoại giao, kinh tế hoặc viện trợ cho nước ngoài của Hoa Kỳ để đối đầu với những thành công về chính trị, kinh tế và ngoại giao của Trung Hoa trong thế giới đang phát triển khiến lộ trình này bị bỏ ngỏ
  21. Việc Trung Hoa hợp nhất lại các đòn bẩy ngoại giao của họ trên các định chế đa phương và toàn cầu, trong khi Hoa Kỳ dần dần rút khỏi Liên Hiệp Quốc và các thành phần chính của hệ thống Bretton Woods, cũng được củng cố thêm bởi một hệ thống quản trị toàn cầu song hành bắt nguồn từ Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường (BRI), cũng như mạng lưới của các kết ước (engagements) “thêm một” (“plus one”)11 giữa Tàu và các tổ chức khu vực của các quốc gia trên thế giới, tất cả đều tập trung về Bắc Kinh
  22. Cảm nhận của quốc tế về sự trỗi dậy của Trung Hoa là “điều không tránh được” — do bởi sự thành công về mặt kinh tế của Trung Hoa — càng ngày càng tạo ra cảm giác của một sự đã rồi (fait accompli) là Trung Hoa sẽ thay thế Hoa Kỳ ở cương vị của một siêu cường kinh tế trong thập niên trước mặt. Cảm giác này được củng cố thêm bởi một quan điểm mạnh mẽ, dù không được mọi nơi hoàn toàn chia sẻ, rằng Hoa Kỳ đã bị trọng thương bởi nhiều yếu tố gộp lại như chiếm đóng quá lâu tại Iraq và Afghanistan, khủng hoảng tài chánh toàn cầu năm 2008, COVID-19, và sự chia rẽ nội bộ không thể hòa giải được trong quốc gia về mặt chính trị và xã hội
  23. Ý thức sâu sắc về văn minh, văn hóa, và khả năng vượt thắng (resilience) của Trung Hoa trong việc đối phó với bất cứ điều gì mà Hoa Kỳ có thể ném vào nước này, trái ngược lại với sự mong manh dễ vỡ của Hoa Kỳ
  24. Quan điểm trong các cấp cao nhất của đảng-nhà nước lịch sử đứng về phía Trung Hoa, vai trò lãnh đạo (mantle of progress) từ Hoa Kỳ và Tây phương sẽ được chuyển sang Trung Hoa và Đông phương nói chung, theo đúng thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác
  25. Niềm tin trong đảng cho rằng chủ nghĩa tư bản tự do-dân chủ đang bước vào giai đoạn kết thúc, bằng chứng là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy (populism), chủ nghĩa quốc gia (nationalism) và cảm quan chống lại việc toàn cầu hóa khắp nơi bên Tây phương, phản ảnh những mâu thuẫn bất khả giải hòa vốn nằm ở ngay trung tâm của dự án tư bản tự do, và từ đó đã nở ra (giving rise to) một kỷ nguyên mới của các hình thức chính phủ “độc tài nhân hậu” (benign authoritarian) trên toàn thế giới

Phải hiểu rõ các nhược điểm chiến lược của Trung Hoa (Understanding China’s strategic vulnerabilities)

Những yếu điểm chiến lược của Trung Hoa cũng nổi bật như những ưu điểm mạnh của họ, dù có một số, ít được lãnh đạo nước này công nhận so với những điểm khác. Một phản ảnh tỉnh táo về các nhược điểm của Trung Hoa sẽ khiến các chiến lược gia Hoa Kỳ không thể kết luận vội vã là Trung Hoa đã trở thành một sức mạnh phi thường (juggernaut) vô phương ngăn cản. Có nhiều điều sai lầm vẫn có thể xẩy ra trong quỹ đạo chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Hoa, mặc dù vẫn có một chiến lược quốc gia không lay chuyển và một quyết tâm tuyệt đối của nhà lãnh đạo hiện tại. Nhược điểm của Trung Hoa có rất nhiều:

  1. Sự bất ổn cố hữu trong quá trình chuyển tiếp sự lãnh đạo cao cấp trong đảng. Có bốn trong sáu cuộc thay đổi lớn về lãnh đạo của ĐCSTH kể từ Mao, đã đưa đến các cuộc thanh trừng chính trị ở quy mô lớn, mặc dù những thanh trừng này đã xảy ra mà không có bạo lực to lớn như đã thấy trong Cách mạng Văn hóa. Bởi đó, sự căng thẳng nội bộ dễ đưa đến đổ vỡ vẫn là mối bận tâm chính trị chính của các chính quyền Trung Hoa, luôn cả của ông Tập. Mối quan tâm hàng đầu trước tiên là những căng thẳng trong giới ưu tú của người Tàu trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022 khi sẽ có quyết định về việc triển hạn thêm thời gian cầm quyền của triều đại họ Tập qua hơn hai nhiệm kỳ như giới hạn thông thường, triển hạn sẽ là điều có hiệu lực khiến họ Tập trở thành nhà lãnh đạo trọn đời. 12 Điều này đã khiến những thành phần không hoàn toàn đồng ý với những dự án của họ Tập dễ bị cảm thấy tổn thương về mặt cá nhân và chính trị
  2. Trung Hoa có một vấn đề “hoàng đế xấu” từ lâu đời, theo đó hệ thống không thể dễ dàng tự sửa chữa nếu các nhà lãnh đạo toàn quyền năng không hiểu được bản chất của các mối đe dọa chính yếu đến từ bên trong hoặc bên ngoài. Đây vẫn là một nhược điểm nghiêm trọng trong hệ thống của Trung Hoa. Trong trường hợp của ông Tập, người đã trở thành “chủ tịch của mọi thứ” và hiện có tiềm năng là chủ tịch suốt đời, thì vấn đề chính yếu ở đây là việc tạo ra một nền văn hóa chính trị và quan liêu thư lại của những thành phần sợ hãi nịnh bợ. Việc này sẽ cô lập hoàng đế tách ra khỏi những thông tin và lời khuyên khách quan
  3.  Niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn là vấn đề đối với  dân Tàu, kể cả các đảng viên Đảng Cộng sản, vốn chưa bao giờ hồi phục lại được sau vết thương do đảng gây ra từ Chiến dịch chống Hữu phái (1957-1959), Bước Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa. Còn thêm tệ hại nữa là những thế hệ ưu tú của đảng nắm giữ đặc quyền và đầy tham nhũng, và được củng cố thêm qua kinh nghiệm quốc tế và khả năng truy cập internet của các tầng lớp có học trong nước, đưa đến một cuộc khủng hoảng càng ngày càng gia tăng về niềm tin vào hệ thống
  4. Những thách thức gần đây nhắm vào tính cách hợp pháp của đảng đến từ giới doanh nhân đang lớn mạnh, mà những thành viên của giới này, trong nỗ lực xây dựng các doanh nghiệp tư nhân lớn, có lợi nhuận, cả trong và ngoài nước, càng ngày càng cảm thấy bị bóp nghẹn (stifled) bởi những hạn chế chính trị và chính sách mới được áp đặt dưới sự lãnh đạo của ông Tập
  5. Những thách thức tôn giáo đang nổi lên đối với những tuyên bố của đảng về tính hợp pháp về mặt ý thức hệ nảy sinh từ sự bộc phát của sự quan tâm đến tâm linh, đặc biệt là sự trỗi dậy của Phật giáo và sự phát triển theo cấp số nhân của Cơ đốc giáo Tin lành, cả hai đều làm suy yếu các giá trị căn bản của một đảng đơn nguyên (monolithic), vô thần và sự đòi hỏi của đảng bắt phải tuyệt đối trung thành về mặt chính trị và cá nhân
  6. Sự tiếp tục chọn đứng bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma của địa phương và quốc tế đã làm suy yếu các tuyên bố của Trung Hoa về sự thống nhất lãnh thổ đối với Tây Tạng
  7. Một phong trào ly khai đang suy yếu ở Tân Cương đã mạnh thêm lại do bởi Trung Hoa đàn áp người Duy Ngô Nhĩ địa phương
  8. Việc cưỡng đặt luật an ninh quốc gia và cuộc đàn áp chính trị ở Hồng Kông đi kèm với cái giá phải trả, vì phong trào phản đối dân chủ ngay bên trong Trung Hoa được diễn dịch là một thách thức thêm nữa đối với tính hợp pháp lâu dài của đảng. Sự can thiệp mạnh tay của Bắc Kinh đã có tác động tiêu cực sâu đậm đến thế đứng của Trung Hoa trên toàn cầu, kể cả việc gây ra các biện pháp trừng phạt tài chánh của Tây phương
  9. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan dài hạn của mô hình kinh tế-chính trị của Trung Hoa hiện nay rút lại chỉ là: hoặc đảng tăng cường kiểm soát kinh tế, điều này sẽ làm suy giảm sự tin tưởng của khu vực tư nhân, đầu tư và tăng trưởng kinh tế nói chung; hoặc là cho tự do hóa thị trường nhiều hơn, gồm giảm đi vai trò của đảng, kế hoạch của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, điều này sẽ dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế vững chãi dài lâu hơn nhưng điều đó cũng có nghĩa là một sự nguy hiểm chính trị cho đảng vì đã bị xem thường (marginalization) trong đời sống quốc gia của Trung Hoa
  10. Việc năng suất đứng yên hoặc giảm sút, dân số với tuổi già tăng nhanh và lực lượng lao động quốc gia bị co lại sẽ đè nặng lên sự tăng trưởng vững chãi (sustainable growth) trong dài hạn, với ba yếu tố cốt yếu này đưa đến những thử thách mới đối với mô hình phát triển trong tương lai của Trung Hoa, điều mà những người tiền nhiệm của ông Tập đã không phải giải quyết
  11. Lợi tức bất bình đẳng (income inequality) ngày càng trở thành một vấn đề chính trị ở Trung Hoa lại còn bị xấu thêm về kinh tế của bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với những lợi tức trung bình, công việc làm và doanh nghiệp nhỏ. Tối thiểu là một trăm triệu người ở Tàu bị thất nghiệp hoặc bị giảm lương do vi khuẩn coronavirus, và thu nhập càng thấp thì thiệt hại càng nhiều, đại dịch như chỉ khuếch đại những gì đã nhanh chóng trở nên một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên quả đất 13
  12. Việc tiếp tục nới rộng mức nợ theo mức Tổng sản phẩm quốc nội (debt-to-GDP level) của Trung Hoa (hiện là 310% GDP, theo Viện Tài chánh Quốc tế) phần lớn được tài trợ bởi các khu vực ngân hàng nhà nước và ngân hàng bóng tối (shadow banking) của Trung Hoa. Điều này có nghĩa là, trong một nền kinh tế đầy cam go về tăng trưởng, khi các doanh nghiệp không trả nổi nợ, nếu sự sụp đổ được cho phép, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của hệ thống tài chánh 14
  13. Cấu trúc của nền tài chánh công (public finance) của Trung Hoa đang có nhiều vấn đề,  gồm cả khả năng quản trị của chính quyền trung ươngvề các nhu cầu trong tương lai như ngân sách chăm sóc sức khỏe (health care), người già, và hưu trí (retirement benefits), do việc người già tăng nhanh trong dân số của Trung Hoa, và các vấn đề này càng trở nên xấu thêm vì chính quyền cấp tỉnh và địa phương đã không có một căn bản thuế má tương xứng để hỗ trợ cho nhu cầu của cộng đồng địa phương
  14. Các trường đại học quốc gia có phẩm chất kém, đảng lại gia tăng kiểm soát tự do học thuật, kết quả đưa đến việc chất xám tiếp tục đổ sang Tây phương, với những tác động tiêu cực có ảnh hưởng lên khả năng sáng kiến năng động và hữu hiệu đào tạo và lưu giữ nhân tài
  15. Mối đe dọa của sự tách rời kinh tế toàn diện sẽ kìm hãm sự tăng trưởng. Việc tách rời với Hoa Kỳ, và có tiềm năng sẽ là với Âu châu và các đồng minh khác của Mỹ, trong mậu dịch, đầu tư, công nghệ và thị trường vốn (capital markets) có thể tạo ra thử thách nhiều hơn nữa đối với sự tăng trưởng dài hạn của Tàu. Những điều này bao gồm mức cầu (demand) bên trong Trung Hoa không thể hoàn toàn bù đắp được với mức cầu bên ngoài đang bị thu hẹp và những bất ổn có thực chung quanh triển vọng đối với chiến lược công nghệ quốc gia của Tàu, mà hiện đang kêu gọi nguồn cung ứng nội địa cho nhu cầu công nghệ tương lai, đặc biệt là trong các lãnh vực quan trọng như chất bán dẫn, một nơi mà Trung Hoa đã thất bại trong nhiều thập niên để trở nên độc lập (self-reliant)
  16. Trung Hoa tiếp tục dễ bị tổn thương trong hệ thống tài chánh quốc tế, nơi mà đồng đô la Mỹ vẫn giữ ưu thế. Thực tế này vẫn tồn tại dù Trung Hoa vẫn liên tục nỗ lực làm giảm sự phụ thuộc của họ bằng cách tránh không dùng đô la làm trung gian chuyển đổi trong ngoại thương. Tàu còn tung ra đồng tiền kỹ thuật số (digital currency) của họ để củng cố vai trò ngày càng tăng của nước này trong thương mại kỹ thuật số quốc tế, và dần dần quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Nhưng còn xa lắm những biện pháp này mới đạt đến việc hoàn toàn “giải phóng” được tiền tệ (full liberalization of the currency) và mở ra được toàn diện trương mục vốn đầu tư (capital account) của Trung Hoa. Nỗi lo sợ của đảng về việc đầu hàng bỏ mất quyền kiểm soát chính trị trong kinh tế và phó mặc cho sự thăng trầm của thị trường vốn toàn cầu vẫn là điều tối quan trọng, việc này đã khiến Tàu phải hy sinh khả năng phát triển các trung tâm tài chánh toàn cầu đối đầu với New York hoặc London
  17. Trung Hoa phải đối mặt với tổn phí ngày càng gia tăng về mặt ô nhiễm xã hội, kinh tế và chính trị gồm ô nhiễm không khí và nước, suy thoái đất, khan hiếm nước và biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt xảy ra ở vựa ngũ cốc của Tàu trong đồng bằng Hoa Bắc. Nó cũng ảnh hưởng đến tương lai của các hệ thống sông lớn, kết quả của sự tan đá của các tảng băng ở Himalaya, cũng như Trung Hoa phải nhận chịu những tai hại dưới các biến cố thời tiết khắc nghiệt, với hạn hán to lớn hơn ở phía bắc và lũ lụt chưa từng có ở phía nam
  18. Trung Hoa dễ bị thương tổn trong trường kỳ vì năng lượng tùy thuộc vào Trung Đông, Nga và Úc trong trường hợp có bất kỳ sự gián đoạn địa lý chính trị đáng kể nào đối với những nguồn cung cấp năng lượng quốc tế
  19. Các lực lượng vũ trang của Trung Hoa không có bất kỳ kinh nghiệm chiến trường nào trong bảy mươi năm qua trái ngược với kinh nghiệm dày dặn của Hoa Kỳ. Đặc biệt là đối với lực lượng hải quân của họ, vì Tàu không có truyền thống hải quân hiện đại để dựa vào (draw on), mặc dù hải quân sẽ là trung tâm điểm (centrality) của lãnh vực hàng hải trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Mỹ trong tương lai
  20. Gần như vô phương đạt được bất kỳ thỏa thuận chính trị nào hiện nay với Đài Loan, dưới chính quyền của Đảng Dân chủ Tiến bộ hoặc Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc, có nghĩa là các nỗ lực sẽ tập trung vào các lựa chọn quân sự hoặc cưỡng chế khác đi kèm với rất nhiều rủi ro, bao gồm cả việc đe dọa hoặc thực sự dùng đến vũ lực
  21. Tổn phí tài chánh và chính sách đối ngoại của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang lên cao. Trung Hoa đang phải đối đầu với kích thước ngoại khổ (sheer scale) của các khoản đầu tư, cần thiết phải có mới đáp ứng được ngay cả một phần kỳ vọng mà họ đã tạo ra ở nước ngoài, việc thiếu lợi nhuận tài chánh trên các khoản đầu tư này do sự thiếu hiệu quả trên thị trường hoặc ngay cả nhu cầu, và phản ứng dữ dội của quốc tế ngày càng tăng trước các tiêu chuẩn môi trường thấp kém đối với các dự án do Tàu xây dựng, tài chánh không minh bạch và bó buộc gắt gao trong việc trả nợ bằng tiền mặt (excessive debt-servicing obligations) đặt lên các nước vay nợ
  22. Sự tổn hại uy tín của Trung Hoa dưới mắt quốc tế đang gia tăng giữa những vụ vi phạm nhân quyềnTây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông, cũng như việc bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, luật sư và nhà hoạt động Cơ đốc giáo (Christian activists) người Tàu ở đại lục. Tổn hại này còn bị làm cho xấu thêm bởi quốc tế càng ngày càng nhận ra tầm mức quy mô của nhà nước Tàu chuyên theo dõi (surveillance state) và khả năng này còn có thể vượt ra thật xa bên ngoài biên giới của Tàu
  23. Những vấn đề ảnh hưởng xấu đến uy tín chính trị của Trung Hoa ở Phi châu đang nổi lên vì sự phân biệt chủng tộc đối với người Phi châu đang lan rộng ở Trung Hoa và căng thẳng chủng tộc giữa các tập đoàn Tàu và nhân viên địa phương ở Phi châu, kết quả là có khoảng cách biệt quan điểm giữa giới ưu tú người Phi châu, đa số đạt được quyền lợi vật chất, và công chúng người Phi châu, về sự hiện diện của Tàu ngày càng tăng trên lục địa
  24. Chính sách ngoại giao “chiến binh sói” (“wolf warrior”) của Trung Hoa càng ngày càng cứng rắn, với mệnh lệnh chính trị từ trong nước là làm hài lòng giới lãnh đạo đảng bằng cách hung hăng (aggressively) “đưa thông điệp ra” cho các nước gây khó khăn cho Tàu, càng ngày càng trở nên phản tác dụng, làm dư luận quốc tế quay ngược lại chống Tàu
  25. Vấn đề vẫn có từ lâu về quyền lực mềm của Trung Hoa bị giới hạn, hiện vẫn tồn tại, với tác động của âm nhạc thịnh hành, phim ảnh nổi tiếng và các sinh hoạt giải trí và sản xuất văn hóa khác bị hạn chế bởi nền chính trị của Tàu càng ngày càng thêm độc tài. Điều này tiếp tục ngăn cản sự phát triển của Tàu trong một vị thế rộng lớn hơn trên trường quốc tế và đó là một vấn đề không chỉ ở Tây phương mà còn ở cả các quốc gia đang hiện đại hóa tại Á châu, Phi châu và châu Mỹ La tinh

Danh sách này cho thấy rõ nỗi sợ hãi, lo lắng và bất an của giới ưu tú của Cộng Đảng Trung Hoa. Trung tâm của sự lo lắng này là mối quan tâm của đảng đối với tính hợp pháp chính trị của nó dưới mắt người dân Tàu và sự bất lực không nắm giữ được quyền lực của đảng nếu vắng đi sự kiểm soát cưỡng chế. Sự phá sản về mặt tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin được thừa nhận rộng rãi trong toàn đảng và cả nước. Để gỡ bỏ sự trói buộc ý thức hệ của đảng hoặc để cho phép bất kỳ chỉ trích nào về những thất bại trong chính sách của đảng (kể cả về COVID-19) là những điều đã bị họ Tập đánh giá là quá nguy hiểm, căn cứ trên số phận của Liên Xô vào năm 1991. Đó là lý do tại sao họ Tập đã cương quyết triệt để bảo vệ sự chính danh (legitimacy) của đảng trên cơ sở ý thức hệ, tái khẳng định sự hỗ trợ của ông dành cho chủ nghĩa Mác-Lênin, và gia tăng chiến dịch vô hiệu hóa sự chính danh của nền dân chủ tự do Tây phương.

Điều đó cũng giải thích tại sao họ Tập đã tìm cách xây dựng một cột trụ mới làm chỗ dựa cho tính hợp pháp của đảng. Cột trụ này vượt ra khỏi khuôn khổ ý thức hệ, như thông qua các hình thức cứng rắn hơn về chủ nghĩa quốc gia cúa Tàu, xem đảng này là người thực sự bảo vệ nền văn minh truyền thống của Tàu chống lại Mỹ, Tây phương và phần còn lại. Do đó, điều quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ là phải hiểu rằng trong khi ĐCSTH là một đảng có quyền lực vô giới hạn, ở ngay trung tâm của bộ máy ghê gớm là nhà nước, kinh tế và quân đội Trung Hoa, thì nó cũng còn là một đảng đang hết mực sợ hãi (remarkably fearful party), lo sợ về tương lai của tập thể—cũng như sự nghiệp chính trị và tài sản cá nhân đã được đảng nuôi dưỡng.

Phán xét này về sự mỏng manh dễ vỡ của chính trị Trung Hoa, gồm cả những lo ngại của đảng về tính hợp pháp lâu dài của nó, nên được đặt vào ngay trung tâm của mọi thảo luận trong tương lai về chiến lược của Mỹ đối phó với Tàu. Tóm lại, những điểm mạnh chiến lược của Trung Hoa cũng không lớn hơn những điểm yếu của họ và cả hai đều thích đáng cho bất kỳ phân tích thận trọng nào về việc bằng cách nào Hoa Kỳ nên đối phó với thử thách của Trung Hoa.

Chiến lược vẫn đang tiến hóa của Trung Hoa nhắm vào Hoa Kỳ (China’s evolving strategy toward the United States)

Chiến lược khả thi (operational strategy) của Tàu nhắm vào Mỹ không nằm trong bất kỳ văn bản chính thức nào trong hệ thống của họ. Điều này trái ngược với một loạt các tên gọi khác nhau được dùng ở Mỹ để mô tả phương cách mới nhất nhằm đối phó với Tàu: từ đụng độ (engagement) đến cạnh tranh chiến lược, đến tách rời đến bao vây ngăn chặn và hầu hết các phương cách khác thì ở vào khoảng giữa. Tại Bắc Kinh, họ chỉ đơn giản gọi đó là “Chiến lược Hoa Kỳ.” Chiến lược này nằm bên trong một thế giới quan chính thức rộng lớn hơn của Tàu mà từ thế giới quan này có thể nhìn vào hiện trạng phát triển kinh tế của họ, toàn bộ môi trường chiến lược mà Tàu tìm thấy họ trong đó, rồi đến mức độ mà môi trường đó có thể được uốn nắn sao cho phù hợp với quyền lợi của họ, và trong các chỗ đó thì nơi nào mà Hoa Kỳ, là một mối bang giao quốc tế quan yếu của họ, có thể được vừa vặn đặt vào. Điều này được lọc lựa thông qua một quá trình phân tích rất chặt chẽ, qua sự phối hợp của Văn phòng Đối ngoại Ủy ban Trung ương đảng, Quân ủy Trung ương và Ủy ban An ninh Quốc gia của Trung ương đảng, được họ Tập thành lập năm 2014. Ông Tập là trung tâm của cả ba định chế này.

Theo truyền thống cổ điển của Tàu, thì chiến lược của họ đặt căn bản trên hiện thực (fundamentally realist). Chiến lược đó đặt nền móng trên các học thuyết về cân bằng quyền lực có trước Carl von Clausewitz, vị tướng và chiến lược gia của nước Phổ, đến hai thiên niên kỷ. Truyền thống đã có từ lâu đó đặt nặng việc thắng trận với tổn thất tối thiểu, không chấp nhận rủi ro trong việc giao tranh trên chiến địa chỉ trừ khi và cho đến khi có ưu thế vượt trội hơn lực lượng của kẻ thù. Các chiến thuật nghi binh, lừa dối cũng đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các chiến lược chính trị, ngoại giao và quân sự của Tàu. Bên cạnh những truyền thống lâu đời về nghệ thuật trị quốc này của Tàu, họ còn áp dụng thêm các khái niệm hiện đại của Liên Xô về “phối hợp lực lượng có liên quan,” (“correlation of forces,”) nhằm tìm cách kết hợp các khía cạnh khác nhau của quyền lực nhà nước từ nhiều thành phần chính trị, kinh tế, công nghệ, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, dân số, và quân sự. Từ điều này sẽ dẫn đến sự nhấn mạnh vào khái niệm của người Tàu bản xứ về “sức mạnh quốc gia toàn diện,” hay còn gọi là zonghe guoli, điều mà đảng này bắt đầu tính toán cho Trung Hoa và các cường quốc khác từ khoảng năm 2000 trở đi, trong đó có cả việc làm ra những bảng so sánh sức mạnh quốc gia giữa Tàu và những đối thủ cạnh tranh chính yếu của họ. Những loại (tài liệu) này đã bị ngưng không được phát hành công khai từ khoảng thập niên trước, do bởi Trung Hoa đã vượt lên nhanh chóng trong các thứ hạng quyền lực được xếp loại bán chính thức trên bảng này khiến ĐCSTH lo ngại rằng việc tiếp tục công bố các điều đó sẽ báo động các quốc gia láng giềng và làm suy bại đi ý nghĩa của phương châm (mantra) chính trị mà từ lâu nay Tàu vẫn rao giảng về “sự vươn lên hòa bình (peaceful rise).”

Yếu tố quyết định căn bản trong chiến lược của Tàu đối với Mỹ đã từ lâu là những tính toán di động (rolling calculation) của Bắc Kinh trên sự tương đối cân bằng về sức mạnh quân sự, kinh tế và công nghệ giữa hai bên. Đó là nền tảng của cuộc cách mạng của Đặng Tiểu Bình, cho đến khi kinh tế của họ được hiện đại hóa, Tàu đã không bao giờ có thể cạnh tranh với Mỹ trong bất kỳ lãnh vực nào—do tất cả các mục tiêu chính sách khác bị phụ thuộc vào yếu tố trên, Trung Hoa đã không thực hiện được mục tiêu quốc gia trong hơn ba thập niên trước khi ông Tập lên nắm quyền. Suốt thời kỳ này, khi tin rằng cán cân quyền lực vẫn còn bất lợi cho họ, giới lãnh đạo Tàu nói chung thích chọn ngoại giao yên lặng và chống lại việc đối đầu trong cách giải quyết các vấn đề quốc tế khác nhau mà họ phải đối mặt. Tuy nhiên, khi sự cân bằng lớn hơn bắt đầu thành hình giữa Bắc Kinh và Washington qua các biện pháp khác nhau tương ứng với sức mạnh quốc gia, Trung Hoa đã cảm thấy có nhiều tự do chọn lựa trong việc sử dụng đòn bẩy cứng rắn hơn và ngay cả hiếu chiến hơn trên tất cả các mối bang giao quốc tế của họ.

Đầu tiên, đòn bẩy này đã được đem ra minh chứng ở các quốc gia nhỏ hơn như Na Uy, Thụy Điển, Singapore và Philippines. Kế đó, đến các cường quốc hạng trung như Canada và Úc. Gần đây, chúng ta đã thấy Trung Hoa bắt đầu thử nghiệm phương cách như vậy với chính Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguyên tắc vẫn như cũ: Bắc Kinh chỉ sử dụng sức mạnh cưỡng chế ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự chống lại quốc gia khác khi kết luận rằng Bắc Kinh ở vị trí có ưu thế lấn áp (dominant position) quốc gia đó và khi mà triển vọng hữu hiệu trả đũa nhằm vào các quyền lợi của Bắc Kinh được tính là không đáng kể. Ý tưởng cổ điển của Tàu về việc “giết một người để cảnh cáo nhiều người,” hay shayi jingbai, từ lâu đã là một yếu tố nhất định trong lịch sử của văn hóa Tàu trong lãnh vực chính trị và chiến lược; điều này hiện đã được áp dụng một cách thô bạo trong cách Bắc Kinh quản lý các mối bang giao quốc tế ít chịu tùng phục, được thực hiện qua việc áp dụng các loại hình phạt chính trị và thương mại đối với quốc gia vi phạm. Sự trừng phạt này càng dễ áp dụng nếu Tàu kết luận rằng Mỹ sẽ không can thiệp để bảo vệ quyền lợi của bạn bè và đồng minh nếu Tàu đặt áp lực lên—hoặc tệ hơn nữa, nếu giới lãnh đạo Tàu nhận thấy rằng Hoa Kỳ vui vẻ hưởng lợi về mặt thương mại qua sự mậu dịch với Trung Hoa như là một thành quả của việc một nước khác bị Bắc Kinh trừng phạt.

Phần lớn chiến lược hiện tại của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ đầu tiên được đưa ra vào khoảng 2002, khi lãnh đạo đảng kết luận rằng Trung Hoa đứng trước một “chu kỳ của cơ hội chiến lược” (“period of strategic opportunity”) hãn hữu, 20 năm mới có một lần. Trong thời gian này, vì vụ khủng bố 11/9, Trung Hoa sẽ có một khoảng thời gian dài khi “cuộc chiến chống khủng bố” làm các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không lưu tâm đến sự trỗi dậy của Tàu. Ngày 11/9 cho phép các chiến lược gia Trung Hoa thở phào nhẹ nhõm khi chính quyền Bush, đã chuyển hướng kế hoạch tranh cử tổng thống của Bush năm 2000 với chiến lược cứng rắn chống lại Bắc Kinh, tập trung vào việc thay đổi các ưu tiên chiến lược, được đẩy mạnh thêm bởi các cuộc xâm lăng Afghanistan và kế tiếp là Iraq. Sự thay đổi này cho phép Trung Hoa âm thầm hợp tác với Hoa Kỳ trong chiến dịch chống khủng bố toàn cầu và kết quả là Tàu, phần lớn, đã tự đem mình ra khỏi tầm bắn chiến lược của Washington. Chính quyền Bush sau đó ủng hộ việc Trung Hoa gia nhập WTO, mặc dù sự thực là việc này đã được thương lượng bởi chính quyền Clinton theo những gì mà đảng Cộng hòa trước đó mô tả là chỉ để xoa dịu ĐCSTH.

Việc gia nhập WTO chẳng bao lâu đã trở thành biện pháp quan trọng nhất của chính sách đã hỗ trợ cho Trung Hoa biến đổi kinh tế, tăng trưởng nhanh và giàu có gia tăng. Nó giúp Trung Hoa trở thành cường quốc mậu dịch và nhà sản xuất lớn nhất thế giới chỉ trong vòng hơn một thập niên. Giới lãnh đạo Trung Hoa kết luận rằng “chu kỳ của cơ hội chiến lược” này sẽ tiếp tục kéo dài đến khoảng 2020. Theo quan điểm của Trung Hoa, điều này sẽ được thúc đẩy bởi toàn cầu hóa kinh tế, do đó sẽ tiếp tục củng cố sự tăng trưởng dài hạn của Trung Hoa thông qua việc mở cửa hơn nữa các thị trường quốc tế cho Trung Hoa xuất cảng và đầu tư. Theo thời gian, cơ hội chiến lược của Trung Hoa cũng sẽ được trợ lực do bởi sức mạnh chiến lược, kinh tế và ngân sách của Hoa Kỳ tương đối yếu đi, hậu quả của việc Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào vũng lầy Trung Đông, cuộc Đại Suy thoái 2008 (Great Recession) và sự ló dạng của hình thái mới của chủ nghĩa biệt lập của người Mỹ như một phản ứng chính trị trong nước trước sự quá đà (overreach) trong chiến lược của Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng rất đúng khi tin rằng Trung Hoa sẽ có lợi khi không can dự vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang lớn nào trong khu vực vốn là điều có thể làm Bắc Kinh bị chệch hướng khỏi sứ mạng kinh tế ưu tiên một của họ. Xét chung lại, Trung Hoa kết luận rằng những yếu tố khác nhau này sẽ tạo ra một thế giới đa cực hơn, nơi sức mạnh tương đối của Tàu sẽ được nâng cao, sức mạnh của Mỹ bị giảm đi và Tàu được cho thêm nhiều tự do hơn để công khai theo đuổi các mục tiêu chiến lược của họ.

Nguyên tắc tổ chức chính yếu của chiến lược Trung Hoa trong thời kỳ này (theo phát biểu nổi tiếng của họ Đặng) là “giấu mình chờ thời” (hide its strength and bide its time). Điều này đã được thiết kế để Trung Hoa có thể đều đặn gia tăng sức mạnh kinh tế, quân sự và công nghệ, và dần dần thay đổi tương quan lực lượng với Mỹ theo chiều hướng có lợi cho Tàu, nhưng lúc ban đầu phải tránh không để thu hút sự chú ý bất lợi từ Washington khiến các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ phải đổi hướng thực hiện chính sách để thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Hoa. Mục tiêu chiến lược tức thời của Tàu trong thời kỳ này gần như chỉ giới hạn trong việc gia tăng khả năng sẵn sàng về ngoại giao và quân sự đối với Đài Loan. Có sự chú tâm này là để tránh tái diễn cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1996, khi Tàu bị mất thể diện chính trị lúc Mỹ đem các hàng không mẫu hạm đến ngay ngoài bờ biển Trung Hoa, và Bắc Kinh mới khám phá ra họ không có phương tiện quân sự hữu hiệu nào để ứng phó. Một khát khao chính trị nóng bỏng muốn đoàn tụ (reunification) với Đài Loan càng sớm càng tốt, vẫn là viên ngọc quý trên vương miện của mỗi thế hệ lãnh đạo Tàu, cũng đã tạo ra động lực này. Tuy nhiên, ngoài Đài Loan, chiến lược tổng quát của lãnh đạo trong “chu kỳ của cơ hội chiến lược” này là chính yếu tập trung vào việc xây dựng toàn bộ năng lực kinh tế, quân sự và công nghệ của Trung Hoa, từ đó nâng cao phẩm chất của các phương tiện quốc gia được kết hợp lại để, trong tương lai, hướng tới những mục tiêu quốc gia – dù vẫn còn mơ hồ và mờ đục (opaque) – của Bắc Kinh.

Tập Cận Bình thay đổi chiến lược của Trung Hoa về Hoa Kỳ như thế nào (How Xi Jinping changed China’s US strategy)


Thứ hai, ông Tập bắt đầu định nghĩa, dù vẫn còn rộng, một số “điểm đến chiến lược,” (strategic end points) mà những người tiền nhiệm của ông đã hoặc im lặng, rụt rè hoặc không rõ ràng. Việc này đã đưa đến các dạng thức như giành chủ quyền đảo (island reclamation) ở Biển Đông; BRI (Sáng kiến Vòng đai và Con đường); Made in China 2025, một kế hoạch cho sáng kiến, công nghệ và AI của Tàu; phát triển các căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài; nhịp độ bành trướng, hiện đại hóa và tổ chức lại quân đội để Quân đội Trung Hoa có thể giữ được nhiều nhiệm vụ (multiple service) tham gia vào các cuộc hành quân hỗn hợp để “chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến”; tái sắp xếp quan hệ chiến lược quan trọng với Nga; phát triển các sáng kiến ​​ngoại giao mới của Trung Hoa để giữ vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu tại những nơi mà Trung Hoa không nhất thiết phải có bất kỳ quyền lợi quốc gia nào đang bị trực tiếp đe dọa; và khởi xướng việc diễn giải mạch lạc một khuôn khổ khái niệm mới cho một trật tự toàn cầu thời hậu Hoa Kỳ. Ông Tập cũng đã đẩy mạnh thời biểu thực hiện một số nhiệm vụ quan yếu trong chính sách quốc gia vẫn có từ trước. Hai mục tiêu của kỷ nguyên (Two Centenary goals), với 2021 là kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTH và 2049 là kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sẽ vẫn là các mục tiêu chính của Trung Hoa để đạt được lợi tức trung bình và nền kinh tế tiến bộ. Tuy nhiên, ông Tập đã đề thêm một mục tiêu mới ở khoảng giữa là vào năm 2035—có khả năng rơi vào thời kỳ ông Tập đang tại nhiệm nếu trong năm 2022 ông được tái bổ nhiệm—khi Trung Hoa đã trở thành, theo chữ dùng (phraseology) của ông Tập, “một quốc gia lãnh đạo toàn cầu tính theo sức mạnh tổng hợp của quốc gia và ảnh hưởng quốc tế” và là “thành viên tự hào và tích cực của cộng đồng quốc tế.”

Cuối cùng, dự đoán trước những phản ứng quốc tế có thể có đối với chiến lược quốc gia quyết đoán hơn của ông ta, ông Tập cũng đã tìm cách làm giảm bớt những tổn thương kinh tế quốc tế mà Tàu có thể nhận lãnh trước bất kỳ sự suy thoái nhanh chóng nào trong mối bang giao với Mỹ và Tây phương. Thay vì theo như truyền thống cũ vẫn phụ thuộc vào mậu dịch quốc tế, ông Tập đã đặt nặng vai trò của tiêu thụ nội địa làm động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế cúa Tàu. Ông đã bắt đầu đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng quốc gia và quốc tế, kể cả ký các hợp đồng dài hạn mới với Nga. Sáng kiến mới trong công nghệ bản xứ đã được ưu tiên nhằm ngăn không để Tàu tiếp tục bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài cho các thành phần quan trọng như chất bán dẫn. Hơn thế nữa, ông Tập đã tìm cách giảm thiểu, đến mức độ càng lớn càng tốt, sự lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong các giao dịch kinh tế quốc tế, tính luôn cả việc giảm thiểu cho Bắc Kinh ít bị tổn thương khi trong tương lai có những trừng phạt tài chánh của Mỹ.

Tham dự viên (trong thời kỳ đại dịch) đứng gần một robot khi tham dự Hội nghị Thông Minh Nhân tạo Thế giới tại Thượng Hải, Trung Hoa, ngày 9 tháng 7 năm 2020

Một thay đổi chiến lược nữa dưới thời ông Tập là sự sẵn sàng chấp nhận những rủi ro chính trị lớn hơn nhiều để đạt được những kết quả chiến lược nào đó. Họ Tập đã ngạc nhiên một cách thú vị—ít ra cũng là cho đến gần đây—trước sự vắng bóng của bất kỳ phản đối đáng kể nào của Mỹ trước những theo đuổi các quyền lợi của Tàu (prosecution of Chinese interests), như việc giành chủ quyền đảo ở Biển Đông. Cũng giống như những người tiền nhiệm, họ Tập sẽ không mạo hiểm lao vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào quá sớm với Mỹ vì sợ Tàu có thể thua và như thế có nguy cơ gây rủi ro cho vị thế chính trị của ông ta cũng như tính hợp pháp tối thượng (ultimate legitimacy) của chế độ. Tuy thế, ông Tập đã sẵn sàng vượt qua cách sinh hoạt thận trọng và đồng lòng (consensus) trong chính trị truyền thống của ban lãnh đạo trung ương đảng nhằm đẩy mạnh thêm nhịp độ tiến tới để Trung Hoa đạt được một loạt các mục tiêu của chính sách quốc tế. Một lần nữa, như ghi bên trên, sự sẵn lòng này đã khiến ông Tập về mặt chính trị dễ bị nội bộ đổ lỗi cho là đã quá đà (overreach) nếu bị thất bại trong một chuyển dịch (maneuvers) nào đó, đặc biệt là những loại được xem là đã châm ngòi cho một phản ứng chiến lược nguy hại to lớn đến từ Mỹ vào thời điểm mà sức mạnh quốc gia toàn diện của Tàu vẫn còn lâu lắm mới chiếm được ưu thế (still far from predominant).

Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay trong buổi lễ mà ông Tập nhận bằng danh dự của đại học St. Petersburg State University, ở St. Petersburg, Nga, ngày 6/6/2019

Phản ứng dữ dội của Hoa Kỳ đối với đường hướng của chính sách mới của họ Tập đã khiến hệ thống Trung Hoa chính thức duyệt xét lại để xét xem liệu chu kỳ hai mươi năm của cơ hội chiến lược của Tàu có còn hiệu lực hay không—và nếu không, điều này có ý nghĩa gì đối với đường hướng chung của đại chiến lược của Tàu. Điều này xuất phát từ tác hại ngày càng tăng của cuộc chiến mậu dịch và “chiến tranh công nghệ” của Hoa Kỳ, viễn cảnh Mỹ bắt đầu cuộc tách rời kinh tế to lớn hơn ra khỏi Tàu và một khả thể là Hoa Kỳ lao mình (embarking) vào một cuộc tấn công rộng lớn hơn về mặt chính sách chiến lược nhằm vào Bắc Kinh nhân cơn đại dịch. Trung Hoa cũng đã kết luận rằng hiện có một sự thay đổi quan trọng của lưỡng đảng Hoa Kỳ qua thái độ căn bản của họ đối với Bắc Kinh. Họ đã thận trọng ghi nhận các phiếu bầu của lưỡng đảng tại Hạ viện và Thượng viện về luật pháp chỉ trích Trung Hoa. Họ đã thấy được cảm tính giống như thế xuất hiện trong các buổi họp của các ủy ban trong quốc hội và thông điệp chính trị rộng lớn hơn. Kỷ nguyên của cơ hội chiến lược đó cho Trung Hoa, được công bố vào năm 2002 tại Đại hội Đảng lần thứ 16, giờ đây có thể đang đi vào kết thúc. Tuy nhiên, các phân tích gia Hoa Kỳ nên tạm dừng lại để cân nhắc điều mà các chiến lược gia Trung Hoa ban đầu đã tiên đoán rằng kỷ nguyên này của cơ hội, mà họ khai thác trên sự xao lảng về chính sách đối ngoại và quân sự của Mỹ, sẽ kéo dài hai mươi năm. Xem ra các chiến lược gia Trung Hoa đã đúng về điều này.

Điều chưa rõ ràng là chuyện gì sẽ xảy đến sau việc duyệt xét chiến lược đang được tiến hành tại Bắc Kinh, và những thay đổi thực thụ nào sẽ được đưa vào chiến lược đối phó với Hoa Kỳ. Liệu Tàu có rút lui khỏi vị trí của các chính sách cứng rắn trước đây, ngay cả chỉ là đầu hàng chiến thuật trước sức ép của Mỹ trên một số lãnh vực nào đó? Hoặc sẽ “tiếp tục nhồi thêm” (a doubling down) để chống lại Mỹ mọi mặt trong khi họ Tập chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa? Liệu có điều chỉnh lại cải cách kinh tế trong nước, như nguyên thủy đã dự tính trong bản vẽ của kế hoạch cải cách kinh tế năm 2013 của đảng? Liệu điều này sẽ kèm theo việc mở cửa kinh tế nhiều hơn đối với phần còn lại của thế giới, kể cả Nhật, Âu Châu, Ấn Độ và Đông Nam Á, để làm giảm bớt tác hại của các hành động đe dọa của Mỹ? Hay thay vào đó sẽ có một sự quay ngoặt sang hướng tả bên trong nước, cả về kinh tế và chính trị, kết hợp với một tư thế mới của Tàu chú trọng xuất cảng (mercantilist), dân tộc chủ nghĩa và hiếu chiến hơn? Có lẽ sẽ là sự kết hợp mỗi thứ một chút của những điều trên. Thực tế là hiện nay chúng ta không nắm vững được phần chính sách về chiến lược của Trung Hoa đối với Hoa Kỳ, dễ hiểu nhất là bởi vì các tiến trình duyệt xét của họ sẽ không đi đến kết luận nào cho đến khi họ xác định được mức độ thực sự thay đổi chính sách của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, căn cứ trên một giả định thực tế là chính quyền Biden sẽ không từ bỏ các nguyên tắc căn bản trong học thuyết của chính quyền Trump về cạnh tranh chiến lược chống Tàu, và các mục tiêu chiến lược của ông Tập trên căn bản sẽ không thay đổi, thì sẽ là điều hợp lý khi giả định rằng Chiến lược của ông Tập đối với Hoa Kỳ trong thập niên tới vẫn sẽ được duy trì gần giống như trong nhiều năm qua. Dưới thời họ Tập, luôn luôn có chỗ cho những điều chỉnh chiến thuật khi cần, căn cứ trên nhiệt độ chính trị của mối quan hệ. Không có sự thay đổi lãnh đạo ở Bắc Kinh, thì khó có bất cứ sự thay đổi căn bản nào trong chiến lược của Tàu. Chiến lược của ông Tập đặt trên sự lượng định thực tế là phương cách lưỡng đảng (của Hoa Kỳ) đối phó với Trung Hoa nhìn chung càng ngày càng cứng rắn thêm, có thể sẽ trong thời gian dài, và rằng những cơ hội để “làm lại” (reset) dưới thời chính quyền Biden sẽ bị hạn chế. Thí dụ, vào Tháng 4, 2019, sau khi Bộ Chính trị Trung Hoa bác bỏ dự thảo ban đầu của một hiệp ước mậu dịch với chính quyền Trump, có phúc trình cho biết là ông Tập đã nói “hiện giờ Trung Hoa nên tự chuẩn bị cho những hành động khiêu khích của Mỹ trong ba mươi năm,” nhưng dù vậy điều đó không làm cho Trung Hoa từ bỏ đường lối chiến lược của họ.

Họ Tập cũng mang theo với ông ta một kỳ vọng hợp lý (dù không có nghĩa là chắc chắn) về việc tiếp tục được tại vị trong chính trị sang qua cả thập niên 2030s, và nếu sức khỏe cho phép, sau đó vẫn có ảnh hưởng lớn sau hậu trường. Do đó, với mức độ quyền lực gần như chưa từng có trong hệ thống chính trị của Tàu mà bản thân ông Tập nắm giữ, thì việc ông Tập nghĩ như thế nào đối với những câu hỏi về chiến lược lớn của Mỹ sẽ vẫn là điều trọng yếu trong cách hành xử của Trung Hoa, trên bình diện quốc gia, đối với Hoa Kỳ trong nhiều thập niên trước mặt.

Tính toán của ông Tập vẫn thích hợp với phương cách lý luận chiến lược dài hạn, làm căn bản cho hệ thống của Tàu trong quá khứ: Trung Hoa nên tiếp tục tích lũy sức mạnh quân sự, kinh tế và công nghệ càng nhanh càng tốt, nhưng phải làm sao để không bị lôi cuốn vào những mạo hiểm toàn diện về kinh tế hoặc xung đột quân sự với Hoa Kỳ cho đến khi mà cán cân quyền lực đã nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. Theo cách tính này, sự chuyển đổi đó rất có thể sẽ xảy đến vào cuối thập niên hiện tại hoặc đầu thập niên kế tiếp. Đến thời điểm đó, tại Bắc Kinh sẽ có một giả định rộng rãi cho rằng sự đi lên của Trung Hoa sẽ được Washington, và các thủ đô khác, chấp nhận như là một sự đã rồi (fait accompli); và nếu điều đó được chứng minh là không đúng, thì cũng theo suy nghĩ này, lúc đó sức mạnh của Trung Hoa sẽ cho phép nước này đối phó với bất kỳ cuộc xung đột kinh tế hoặc quân sự nào với Hoa Kỳ mà không có nhiều nguy cơ bị thất bại.

Phù hợp với truyền thống thực dụng của tư tưởng chiến lược Tàu, khát vọng chính trị sâu thẳm nhất của ông Tập là khiến cho Tàu đạt được tham vọng chính yếu trước 2035 mà không phải bắn một phát súng nào, hoặc ít nhất cũng là không bị thiệt hại nặng nề từ sự trả đũa của Mỹ. Đến cuối thập niên này, theo tính toán của ông Tập, nền kinh tế Trung Hoa sẽ lớn hơn nhiều và do đó có khả năng vượt thắng (resilient) mạnh hơn đối với những thủ đoạn chính trị bên ngoài hoặc các trừng phạt kinh tế, tài chánh hoặc công nghệ. Khoảnh khắc mà nền kinh tế Trung Hoa vượt qua Hoa Kỳ sẽ là một biến cố quan trọng trong sự tự cảm nhận của Tàu về việc họ có khả năng hành động đơn phương. Đó sẽ là nguyên nhân cho lễ kỷ niệm trọng đại của quốc gia và được coi là bằng chức xác thực về sự lãnh đạo khôn ngoan của ĐCSTH trong nhiều thập niên. Đây là lý do tại sao thập niên 2020s sẽ là một trong những thập niên nguy hiểm nhất trong lịch sử bang giao Mỹ-Hoa. Tại thập niên này sự cân bằng trên địa bàn rộng lớn về sức mạnh kinh tế và quân sự trong khu vực, cả về thực tế và nhận thức, sẽ có khả năng xuất hiện. Chính trong những tình huống này, lý luận (logic) Thucydidean của Graham Allison cho rằng mối bang giao giữa các đại cường sẽ trở nên bất ổn nhất một khi cường quốc đã vững vàng (là Hoa Kỳ) và cường quốc đang nổi lên (là Trung Hoa) tìm cách thử sức (test) nhau nhiều hơn bao giờ hết, bằng hành động đơn phương, phản ứng bất tương xứng (disproportionate reaction), hoặc ngay cả những biện pháp võ trang “tiên hạ thủ vi cường” (armed preemption).15

Tóm tắt, khi so sánh cách hành xử của ông Tập và ba người tiền nhiệm gần nhất của ông, thì có hai điều khác biệt: Thứ nhất, khoảng cách quyền lực của Trung Hoa và Hoa Kỳ, cả thực tế và nhận thức, hiện đã nhỏ hơn rất nhiều; và thứ hai, bản chất chính trị của họ Tập là đẩy mạnh nhịp độ thay đổi ở bất cứ nơi nào có thể trong những lãnh vực mà các chiến lược gia truyền thống của Tàu thường thích nhìn thấy sự thay đổi tiệm tiến theo thời gian. Một cách ngắn gọn, ông Tập là một người vội vã; những người tiền nhiệm của ông thì không. Những người chỉ trích ông Tập cho rằng việc “đẩy mạnh nhịp độ” này đã đưa đến việc Bắc Kinh phải nhận chịu những rủi ro không cần thiết bằng cách đã khiến cho Hoa Kỳ thay đổi căn bản chiến lược của họ đối với Trung Hoa sớm hơn nhiều và đó là điều không cần thiết hoặc mong muốn. Những người chỉ trích cũng lập luận rằng họ Tập đã đẩy mạnh nhịp độ bình thường trong chiến lược của Tàu để phù hợp với mục tiêu ngắn hạn của ông ta trong sự nghiệp chính trị.

Người Hồng Kông biểu tình ủng hộ nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, ngày 22/12/2019.

Đó là lý do tại sao ông Tập gặp nhiều chỉ trích bên trong Trung Hoa từ những người theo bảo thủ, theo chủ nghĩa quốc gia vì ông ta, một cách không cần thiết, đã khiêu khích Hoa Kỳ để gây ra phản ứng chống Tàu do Mỹ lãnh đạo; hậu quả của việc phát động một cuộc tấn công công khai trên địa bàn rộng lớn chống lại quyền lợi của Hoa Kỳ.16 Đồng thời, họ Tập bị các thành phần cải cách theo chủ nghĩa quốc tế tự do (liberal internationalist) từ cánh tả trong hệ thống chỉ trích vì đã từ bỏ mọi khả thể trong việc Trung Hoa có thể đóng một vai trò lớn hơn, có thể tạo ảnh hưởng qua các thông số (parameters) của trật tự quốc tế hiện hành, trái ngược lại với việc đang làm là tìm cách hoàn toàn thay thế trật tự đó, để rồi hậu quả là tạo ra một liên minh chống Tàu rộng lớn hơn với những lực lượng đối đầu từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi hiện nay ông Tập có thể tìm kiếm những điều chỉnh chiến thuật nào đó để bớt làm lộ ra (những yếu điểm) chính trị của ông ra trước mắt cả hai phe, nhưng ngày nào mà họ Tập còn tại vị thì hầu như sẽ không có khả năng để bất kỳ thay đổi lớn lao nào trong đường hướng chiến lược tổng quan của Tàu sẽ xẩy ra. Tuy nhiên, những đường nứt mới xuất hiện trong giới lãnh đạo ưu tú của Tàu về cường độ và đường hướng của chiến lược quốc tế hiện tại của họ là những yếu tố quan trọng cần được lưu ý cẩn thận khi chính quyền mới lên của Hoa Kỳ phát triển chiến lược đối phó với ông Tập trong tương lai.

Chiến lược của họ Tập cho thập niên 2020s (Xi’s strategy for the 2020’s)


Căn cứ theo những giả định này, đại chiến lược của ông Tập trong thập niên sắp tới có thể sẽ vẫn như những gì đã thấy trong bảy năm qua. Chiến lược đó được thúc đẩy bởi 3 quan ngại mà ông Tập thẩm định là không thể nào hòa giải được (irreconcilable) với Hoa Kỳ:

  1. Mỹ sẽ không bao giờ chịu bình thản “trao lại khúc gỗ chạy tiếp sức” (“passing of the baton”) cho một Trung Hoa hùng mạnh hơn như là một cường quốc đứng đầu toàn cầu, như đã xảy ra cách đây một thế kỷ giữa Anh và Mỹ sau Thế Chiến Thứ Nhất
  2. về mặt ý thức hệ, cơ cấu căn bản của hệ thống chính trị Hoa Kỳ và Trung Hoa không thể hòa giải được, có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ coi nhà nước độc đảng của Trung Hoa là chính danh (legitimate)
  3. Washington sẽ tiếp tục ngăn trở nỗ lực của Tàu nhằm đoàn tụ với Đài Loan

Vì những lý do này, họ Tập nhìn Mỹ và Tàu như đang trong tình trạng chạm trán. Trong khi con người thực dụng (pragmatist) nơi ông Tập thích mang lại được sự phát triển vượt bực cho Trung Hoa mà không xung đột công khai với Hoa Kỳ, thì ở mặt khác, con người thực tế (realist) nơi ông Tập có thể thấy là xung đột với Hoa Kỳ ở dạng này hay dạng khác là điều không thể tránh khỏi. Đối với một nhà lãnh đạo như ông Tập, câu hỏi chiến lược căn bản là khi nào và trong tình huống (circumstance) nào thì ông ta sẽ là người thực dụng hay thực tế.

Binh sĩ của Trung Hoa diễn hành trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga, ngày 24/6/2020. Cuộc duyệt binh, đánh dấu kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế Chiến Thứ Hai

Đối với nước Tàu của họ Tập, thập niên 2020s có thể là một thập niên đầy chông gai thử thách. Với đủ cách chọc phá, cuối cùng ông Tập đã đánh thức được con gấu Mỹ ra khỏi giấc ngủ dài. Sự cứng rắn trong tinh thần quốc gia của Tàu (Chinese nationalist) cũng đã bắt đầu huy động được một con số đang tăng trong các đồng minh Hoa Kỳ ở Âu châu, Á châu và Mỹ châu (mà gần đây vẫn tìm cách giữ vị trí tương đối trung lập khi căng thẳng Mỹ-Hoa gia tăng) để bắt đầu phát triển một chiến lược chung đối phó với thử thách của Tàu trên toàn cầu. Nỗ lực này bao gồm một số đề xuất (proposals) được Liên minh Âu châu (EU) công khai đưa ra vào cuối năm 2020 nhằm thiết lập một mặt trận thống nhất với Hoa Kỳ về mậu dịch, công nghệ, an ninh, nhân quyền và các vấn đề khác.17 Tuy nhiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ vẫn là liệu có thể chuyển bất cứ điều nào trong số này thành một chiến lược mạch lạc, hiệu quả, lâu dài có khả năng chận đứng Tàu nơi các mục tiêu trên toàn cầu và khu vực hay không. Nhìn chung, Trung Hoa đang đánh cuộc rằng điều đó sẽ không xảy ra—dễ thấy nhất là bởi vì Tàu tin rằng các nền dân chủ trên thế giới không còn khả năng duy trì được sự chú tâm chiến lược (strategic focus).

Dù vậy Trung Hoa cũng biết thủ thế, đang lo tìm cách cô lập lại để kinh tế không bị thiệt hại nặng nề trong thập niên sắp tới, trước một tiềm năng là sẽ bị những tác động xấu khi việc tách rời kinh tế (economic decoupling) đang tăng nhanh, rồi những cấm đoán công nghệ và trừng phạt tài chánh của Tây phương, hoặc ngay cả khi bùng nổ ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Bối cảnh kinh hoàng (horror scenario) cho họ Tập và chiến lược của ông ta sẽ là bất kỳ sự hoán vị (permutations) hoặc kết hợp nào trong năm yếu tố:

  • bất ổn chính trị trong nước do thất nghiệp quy mô lớn, có thể do suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch mà các biện pháp cứu vãn trong nội địa của Trung Hoa không thể cân bằng được một cách hữu hiệu, hoặc những lỗi lầm trầm trọng khác trong hướng đi của chính sách kinh tế trung ương
  • một loạt các thiên tai như lũ lụt, thực phẩm khan hiếm (food insecurity) hoặc các đại dịch khác làm công chúng mất tin tưởng vào chế độ và mệnh trời cai trị (the sense of a mandate to rule) của đảng
  • một phản ứng chiến lược toàn cầu được phối hợp mạch lạc để đối phó với đe dọa của Tàu nhắm vào quyền lợi chung và các giá trị của các nền dân chủ trên thế giới, được thành hình do bởi sự thất bại của ông Tập đã không đủ ôn hòa trong quyết định năm 2013 của ông ta,  thay vào đó ông đã cho áp dụng một chính sách mới, cứng cỏi về an ninh và đối ngoại và do bởi các quyết định của ông ta sau năm 2015 áp dụng chiến lược kinh tế trọng thương hơn18
  • một tính toán sai lầm chiến lược của ông Tập với hậu quả là trong cuộc xung đột quân sự công khai quá sớm với Hoa Kỳ đã thất bại không tạo ra được một chiến thắng rõ ràng (clear-cut) cho Trung Hoa, do vậy ngay tự căn bản sẽ làm mất đi tính chính danh của ông ta trong vai trò lãnh đạo và toàn bộ uy tín của đảng
  • cực điểm của sự kết hợp của những điều trên sẽ là một âm mưu chính biến (political putsch) có tổ chức trong đảng chống lại họ Tập trên căn bản là ông ta đã quản lý sai tác hại của đại dịch để ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và vị thế chiến lược toàn cầu của Trung Hoa, cho phép kẻ thù được thành hình trên nhiều mặt trận, thất bại trong việc tận dụng được sự thâm thủng (deficits) của chính quyền Trump để thắng được thêm những người bạn quan trọng ở nước ngoài và tạo mâu thuẫn (drive a wedge) giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, đồng thời gieo mầm cho sự trì trệ kinh tế lâu dài

Ông Tập sẽ tìm cách quản lý và giảm thiểu từng rủi ro này nếu có thể, mặc dù một số rủi ro sẽ nằm ngoài khả năng kiểm soát của ông. Trong những hạn chế này, chiến lược quốc tế của Trung Hoa trong thập niên sắp tới có khả năng bao gồm những điều sau đây:

  1. Trung Hoa sẽ bác bỏ tất cả các hình thức gây sức ép nhân quyền của quốc tế liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, cũng như các hình thức bất đồng chính kiến và tôn giáo ở trong vùng Nội Vi Trung Hoa (China proper)19, khi chế độ mạnh tay gấp đôi qua các hệ thống đàn áp và kiểm soát để bảo vệ nhà nước Leninist. Đảng này tin rằng mối quan tâm của Tây phương đối với nhân quyền được thúc đẩy bởi các khuynh hướng chính trị trong từng giai đoạn, vốn đã bị làm cho suy yếu trong quá khứ bởi các dụ dỗ (inducements) kinh tế và áp lực ngoại giao. Bởi vì Trung Hoa hiện đã mạnh hơn nhiều trong khả năng chống lại bất kỳ lệnh trừng phạt lâu dài nào từ bên ngoài, cho nên bây giờ họ không còn quan tâm nhiều như trước đây.
  2. Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh khả năng chuẩn bị quân sự cho những tình huống khác nhau cho Eo biển Đài Loan, với quan điểm là phải đạt được ưu thế quân sự tuyệt đối đối với Đài Loan và chặn được Hoa Kỳ từ ngoài xa ngay tại chuỗi đảo thứ hai20 vào cuối thập niên. Mục tiêu là khiến Mỹ quyết định không tham chiến để ủng hộ Đài Loan vì sợ có thể thua. Điều này sau đó sẽ khiến Đài Loan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân phục về mặt chính trị với công thức đoàn tụ của Bắc Kinh.
  3. Trung Hoa cũng sẽ tiếp tục tăng cường khả năng quân sự của mình bao gồm bành trướng các lực lượng quy ước và hiện đại hóa, bành trướng và củng cố lực lượng hạt nhân chiến lược. Một phần sự thúc đẩy này là do bởi những tiến bộ của Mỹ trong công nghệ phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo và việc gia tăng dàn trải các dàn phóng chống hỏa tiễn đạn đạo của Mỹ ở Đông Á để đối phó với các tình huống bất ngờ tại Bắc Hàn.
  4. Dự phóng về sức mạnh của Trung Hoa nơi khu vực Ấn Độ Dương sẽ tăng cao, được yểm trợ bởi ngày càng có nhiều địa điểm lưỡng dụng (dual-use) cho cả hải cảng và sân bay trên khắp Nam và Đông Nam Á, Đông Phi và Trung Đông. Sự tranh đua chiến lược giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ đối với các quốc gia vùng Vịnh (Gulf States) sẽ trở nên gay gắt hơn qua việc Hoa Kỳ tương đối đã có đủ khả năng tự túc năng lượng và Trung Hoa đang thay thế Hoa Kỳ trở thành thị trường (mua) năng lượng lớn nhất của vùng Vịnh.
  5. Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh thêm khả năng tự lực kinh tế như được thiết kế, một điều trước đây đã ghi nhận, để sự tăng trưởng kinh tế của Trung Hoa bớt lệ thuộc vào xuất cảng cũng như đạt được sự độc lập hoàn toàn về công nghệ không lệ thuộc vào Tây phương và, thêm nữa, sử dụng những sản phẩm công nghệ mới này, dịch vụ và nền tảng (platforms) để thay thế Hoa Kỳ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp toàn cầu. Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ cố gắng tự do hóa tỉ giá hối đoái và trương mục vốn đầu tư (liberalize China’s exchange rate and capital account) của Trung Hoa trước cuối thập niên, đến lúc đó thị trường tài chánh Trung Hoa sẽ đủ lớn để bù đắp những rủi ro của áp lực kinh tế nước ngoài đối với quyền tự trị về mặt chính trị trong nước của Trung Hoa.
  6. Trung Hoa sẽ tái cộng tác với Hoa Kỳ trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đây là một đề tài được chú ý nhiều hơn tại Washington sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden. Việc Trung Hoa công nhận sự cần thiết phải hành động trên mặt này là do bởi những lo ngại trong nước Tàu về ô nhiễm không khí, khan hiếm nước và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Trung Hoa cũng xem việc tích cực hoạt động trong việc biến đổi khí hậu là quan trọng cho danh tiếng quốc tế của họ trong tương lai, đặc biệt là ở Âu châu. Quan trọng hơn nữa, Trung Hoa coi đây là một nền tảng khả thi trong việc khôi phục lại bang giao Mỹ-Hoa, với ưu tiên hàng đầu của Đảng Dân chủ hiện đang gắn liền với biến đổi khí hậu.
  7. Bước kế tiếp trong BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường) là hợp nhất lại địa lý chính trị và địa lý kinh tế thành một khối chung nhằm hỗ trợ tham vọng của Tàu, biến sáng kiến này thành nền móng cho trật tự “Hoa quy” (“Sinocentric”) toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, với quy mô của những nhu cầu tài chánh có ưu tiên trái ngược nhau giữa quân đội, dân số già đi và tác động tài chánh của đại dịch và suy thoái năm 2020, thì phạm vi của BRI có thể bị thu hẹp lại phần nào so với tham vọng khổng lồ lúc ban đầu của nó.
  8. Có nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng nỗ lực kinh tế và ngoại giao trên khắp Đông Nam Á để hợp nhất lại những thắng lợi mà họ đã đạt được ở Cambodia, Lào, Philippines, Malaysia, Singapore và Miến Điện (Myanmar), đồng thời tập trung sự chú ý vào Indonesia trong thập niên tới.
  9. Trung Hoa sẽ nhắm đến việc thu hút Seoul vào phạm vi ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Tàu, gồm cả việc khiến cho Nam Hàn kết luận rằng Bắc Kinh là lựa chọn tốt nhất cho Nam Hàn để chế ngự bất kỳ mối đe dọa nào trong tương lai từ một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân.
  10. Bắc Kinh sẽ tìm cách đánh bạt (preempt) mọi sáng kiến có thể có của Mỹ nhằm tách Moscow ra khỏi Bắc Kinh, gồm bất cứ nỗ lực nào để làm giảm căng thẳng hoặc ngay cả bình thường hóa bang giao với Nga nhằm gây áp lực chiến lược mới lên Tàu.
  11. Âu châu sẽ trở thành chiến trường quyết định cho sự tranh đua chiến lược Mỹ-Hoa, với việc Bắc Kinh xem các nước thành viên của EU (Cộng đồng Âu châu) là thị trường thay thế cho hàng hóa của Tàu, nguồn thay thế cho vốn và công nghệ, và là nơi ít lên án các hành vi vi phạm nhân quyền và khiêu khích an ninh ở Á châu của Tàu.
  12. Chiến lược của Trung Hoa đối với Nhật Bản và Ấn Độ sẽ không chắc chắn, với các chiến lược trong quá khứ nhằm giảm bớt căng thẳng với Tokyo và New Delhi đã bị đứng khựng lại khi căng thẳng biên giới từ lâu nay đã bắt đầu lại và chiếm ngự hết mọi quan tâm trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Hoa và hai nước trên.
  13. Trung Hoa sẽ đẩy mạnh những nỗ lực thành công của họ cho đến nay trong việc phát triển Phi châu và Mỹ La tinh như những khu vực chịu ảnh hưởng về kinh tế và chính sách đối ngoại. Trung Hoa xem cả hai nơi này là thị trường quan trọng đang lên, cũng như là nguồn phiếu (votes) quan trọng để ủng hộ tham vọng của Tàu trong các định chế đa phương và quốc tế.
  14. Trung Hoa sẽ tìm cách kéo thêm nhiều quốc gia theo về phía họ, thay vì tiếp tục hợp tác với Mỹ để tạo “cân bằng” chống lại Tàu, bằng cách sử dụng đòn bẩy trên mặt thực tế hoặc cảm nhận về việc quyền lực của Mỹ đang bị mất dần. Nhìn chung, Trung Hoa xem tất cả các khu vực trên càng ngày càng theo nghĩa nhị phân (binary) như là những đấu trường tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, và cuối thập niên sẽ tìm cách đẩy cán cân chính trị và chính sách đối ngoại nghiêng hẳn về phía có lợi cho Trung Hoa.  
  15. Trung Hoa sẽ tích cực hoạt động hơn trong việc đưa ra (advancing) các sáng kiến ngoại giao toàn cầu trong Liên Hiệp Quốc và các định chế Bretton Woods, gồm cả những việc ở bên ngoài khu vực của họ, để chứng tỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu.  
  16. Trung Hoa sẽ dùng ảnh hưởng đang gia tăng của họ trong các định chế quốc tế để vô hiệu hóa sự hợp pháp (delegitimize) và lật ngược các sáng kiến, tiêu chuẩn và quy tắc (norms) được xem là thù địch với các giá trị và quyền lợi của Trung Hoa, đặc biệt là về nhân quyền và luật biển. Trung Hoa cũng sẽ tìm cách dùng các quy trình tiêu chuẩn (normative processes) của các định chế này để hợp pháp hóa các khái niệm và sáng kiến quy mô lớn của Trung Hoa gồm luôn cả BRI.
  17. Cuối cùng, Trung Hoa sẽ tìm cách đưa ra một quan niệm mới có thứ bậc về một trật tự mới và phát triển quốc tế được đặt dưới một khái niệm cố ý mông lung (deliberately amorphous concept) của họ Tập về một “cộng đồng có chung định mệnh cho toàn nhân loại (community of common destiny for all mankind).”

Trong tất cả các sáng kiến này, Trung Hoa sẽ tìm cách trở nên tế nhị hơn trong chiến lược ngoại giao và truyền thông quốc tế, học được từ những thất bại của các nhà ngoại giao “chiến binh sói” (“wolf warrior” diplomats) trong thời gian gần đây, và tiếp tục phát triển cán bộ ngoại giao toàn cầu, mạng lưới tình báo và ngân sách ngoại viện. Trong khi nhiều người sẽ chỉ trích nghệ thuật trị quốc bình thiên hạ (statecraft) này của Tàu là đồ gỗ, thô thiển và thường phản tác dụng, nhưng khi nhìn lại sự tiến bộ của họ, có thể đo lường được, từ thập niên trước đây thì rất đáng kể. Trung Hoa đã quan sát kỹ lưỡng sự thành công về ảnh hưởng quốc tế của các quốc gia khác trong lịch sử gần đây, nghiên cứu một cách có hệ thống và tìm cách bắt chước sự thành công của các quốc gia này. Đừng đánh giá thấp khả năng học hỏi và thích nghi trong ngành gián điệp (tradecraft) của Tàu. Về khía cạnh quan trọng này, họ mẫn tuệ (nimble) hơn nhiều so với người Liên Xô trước đây.

Trung tâm của chiến tranh công nghệ (The centrality of the technology war)


Ở ngay giữa tất cả những cân nhắc này, ông Tập vẫn giữ được sự tập trung cao độ vào tiềm năng chiến lược của Trung Hoa có thể thay đổi kết quả của cuộc chiến tranh công nghệ đang diễn ra với Hoa Kỳ. Mối quan tâm này chú trọng đặc biệt vào các chỗ mạnh và chỗ dễ thương tổn trong ngành AI của Trung Hoa vốn đang nhanh chóng tiến hóa. Ông Tập xem AI là ngành kỹ nghệ chiến lược quan trọng nhất của Trung Hoa. Hiện tại, khi so sánh sức mạnh quốc gia trong lãnh vực AI (ở các mặt quan trọng về tài năng, nghiên cứu, phát triển, hardware, dữ liệu và ứng dụng), Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu, Trung Hoa thứ hai và EU đứng thứ ba xa phía sau (distant third). Chỉ nhìn vào sự năng động cạnh tranh (competitive dynamic) Mỹ-Hoa, những điểm mạnh và điểm yếu về AI của mỗi nước được phân bổ không đồng đều trên các thành phần (elements) của cái mà giới kỹ nghệ gọi là “AI stack”21 cần thiết để đứng đầu lãnh vực này trên toàn cầu. “Stack” này được tạo thành từ dữ liệu lớn (big data)22được chọn lọc, phát triển theo quy trình toán học (algorithmic development) để hữu hiệu khai thác (manipulate) các dữ liệu đó, cần đến vi mạch cao cấp (advanced microchips) cho năng lực tính toán để hỗ trợ việc khai thác dữ liệu, và hệ thống “máy học” (machine learning), bao gồm cả hệ thống học theo hệ thần kinh (neural learning systems) để tái tạo lại các nhiệm vụ phân tích phức tạp nhất (the most complex analytical functions), cũng như công nghệ 5G (the fifth-generation wireless technology) cần thiết cho các hệ thống mạng di động kỹ thuật số để thực hiện được việc truyền tải đầy đủ dữ liệu.23

Một nhân viên an ninh canh gác trước bảng “Tiến lên Thông minh” – Advance Intelligence, nơi buổi hội họp thường niên của Huawei Connect ở Thượng Hải, Trung Hoa, ngày 1/9/2019.

Theo cách tính đó, cho đến nay, những điểm mạnh chính yếu của Trung Hoa gồm có khả năng tiếp cận với số lượng dữ liệu khổng lồ ngay ở trong nước, với các ràng buộc pháp lý ở mức tối thiểu (de minimis legal constraints) đối với việc truy cập, với số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học với lương thấp sẵn sàng và có khả năng phân loại các dữ liệu chính yếu cho những ứng dụng của quy trình toán học (algorithmic application), và các công ty năng động như Alibaba và Baidu có khả năng phát triển nhanh chóng các ứng dụng thương mại từ các sáng kiến kỹ thuật AI. Công ty Huawei Technologies của Trung Hoa đã trở thành công ty đứng đầu thế giới về công nghệ, hệ thống và mạng 5G trên toàn cầu, cũng như có công ty con (subsidiary) đáng kể về AI. Tuy nhiên, có nhiều điểm mạnh của Trung Hoa đã được xây dựng trên căn bản của một môi trường dễ dãi trong việc mậu dịch và đầu tư quốc tế, là một môi trường mà Bắc Kinh có thể nhập cảng chất bán dẫn để đáp ứng nhu cầu của họ mà không gặp bất kỳ hạn chế đáng kể nào từ các nhà cung cấp ưu hạng nhất thế giới tại Hoa Kỳ, Nam Hàn và Đài Loan. Bởi vì điều này, kỹ nghệ AI của Trung Hoa tập trung vào việc nhanh chóng phát triển các ứng dụng thương mại AI, thành công trong việc kiếm ra tiền từ nghiên cứu và phát triển (R&D) khó khăn (hard-won) của các nhà cung cấp nước ngoài, thay vì đặt ưu tiên cho chương trình nghiên cứu chính yếu cho AI tại bản xứ. Khuynh hướng này còn được củng cố thêm bởi việc sáp nhập, mua lại công ty và văn hóa (culture) thị trường cổ phiếu của Trung Hoa tưởng thưởng ngay tức thì với lợi nhuận thay vì phải bỏ ra một tỉ lệ chi phí nặng nề không lấy lại được (significant long-term sunk costs) và đầu tư R&D trong thời gian dài như là chuyện bình thường đối với các công ty công nghệ thành công ở Hoa Kỳ. Hậu quả chung của những khuynh hướng này là Trung Hoa bị lệ thuộc vào những vi mạch (microchips) – thành quả của nghiên cứu và phát triển R&D chính yếu là của quốc tế – và vì vậy khiến Trung Hoa đi sau các nơi đứng đầu kỹ nghệ của Hoa Kỳ từ ba đến bảy năm, tùy theo từng loại chip bán dẫn.

Tuy nhiên, cách thế làm việc như trên đã nhanh chóng rơi rụng (rapidly unstuck) từ khi Hoa Kỳ bắt đầu điều chỉnh các luật xuất cảng và đầu tư nước ngoài để hạn chế việc Trung Hoa tiếp cận ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ và các công nghệ cao cấp khác. Từ 2018, chính sách của Hoa Kỳ về AI đã thay đổi 180 độ với việc đưa các công ty AI của Tàu vào danh sách của Bộ Thương mại kiểm soát các thực thể (entities) có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Danh sách này có hiệu quả là cấm xuất cảng chất bán dẫn nào có bất kỳ một nội dung (content) đáng kể nào của Mỹ cho công ty Tàu nếu không có sự miễn trừ rõ ràng của chính quyền Hoa Kỳ. Hơn nữa, đạo luật Foreign Investment Risk Review Management Act, 2018 (Quản lý Xem xét Rủi ro Đầu tư Nước ngoài) đã cho Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States) một quyền hạn lớn hơn trong việc ngăn lại các giao dịch và Đạo luật Export Controls Act, 2018 (Kiểm soát Xuất cảng) hạn chế hơn nữa những xuất cảng công nghệ cơ mật của Hoa Kỳ (sensitive US technology exports).24

Bên cạnh các biện pháp này, chính quyền Trump đã phát động một chiến dịch toàn cầu với các đồng minh và đối tác khắp thế giới để ngăn chặn việc công ty Huawei phát hành (rollout) mạng 5G trên toàn cầu, mặc dù ban đầu có nhiều chính quyền phản đối, nhưng từ đó đã bắt đầu đạt được hiệu quả lớn hơn tại quốc tế. Mối quan tâm lớn hơn nữa đối với Trung Hoa là quyết định của Mỹ thực thi lệnh cấm không cho xuất cảng chất bán dẫn cho Huawei bằng cách áp đặt lệnh cấm tương tự lên bất kỳ nhà sản xuất chip của quốc gia thứ ba mà sản phẩm của họ phải tùy thuộc vào bất kỳ nhu liệu hoặc công nghệ nào của Mỹ. Các biện pháp khác nhau này đã tạo ra một tình thế khó xử chưa từng có đối với chế độ của ông Tập là làm thế nào để có thể lấp đầy sự thiếu hụt chất bán dẫn của họ. Hoặc Tàu phải chấp nhận các chip kém phẩm chất hơn, được sản xuất trong nước theo tiêu chuẩn kỹ nghệ của họ, hoặc họ phải tìm ra các nguồn chip cao cấp từ các quốc gia khác. Còn có cách khác nữa, Bắc Kinh có thể đổ dồn các nguồn tài nguyên của nhà nước thành nỗ lực của anh khổng lồ Hercules để nhanh chóng sản xuất một “AI stack” được kết hợp hoàn toàn bên trong nước Tàu, cố gắng cạnh tranh và vượt qua Hoa Kỳ. Bất chấp những trở ngại đó, ông Tập đã chọn chiến lược thứ hai.

Câu hỏi còn mở ngỏ là như vậy liệu họ Tập có thể thành công với cách này hay không- không những nhảy vọt qua kỹ nghệ AI của Hoa Kỳ, mà còn bảo đảm được các lợi thế to lớn (quantum advantages) đem về cho khả năng cạnh tranh kinh tế quốc gia và quân sự cao cấp của Trung Hoa. Điều này sẽ đòi hỏi sự phát triển của một hệ sinh thái AI (AI ecosystem) của Trung Hoa với sự hợp tác mật thiết, không câu nệ (informal) và lưỡng lợi giữa các định chế nghiên cứu của nhà nước, Quân đội Trung Hoa (PLA) và các công ty tư nhân. Một văn hóa (culture) như thế đã không có trong quá khứ. Trung Hoa cũng sẽ cần cách làm việc cách mạng mới, khích lệ nghiên cứu và phát triển AI, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tuân theo giá thị trường. Nếu, thay vào đó, Trung Hoa áp dụng mô hình cùn nhụt “kinh tế hỗn hợp,” theo đó các công ty tư nhân lớn như Huawei, Alibaba và Baidu được mời lấy cổ phần để “sửa chữa” các xí nghiệp nhà nước trong lãnh vực này — hoặc tệ hơn, cho các xí nghiệp nhà nước khác đầu tư vào các công ty đó – thì kết quả có thể thấy là sẽ tiêu cực. Tuy nhiên, với tầm quan trọng chiến lược của AI, hệ thống của Trung Hoa đã phân bổ nhiều nguồn tài lực ở quy mô lớn cho nhiệm vụ này. Trung Hoa nhìn nhận rằng phần lớn nguồn vốn này sẽ bị phân bổ sai, nhưng Bắc Kinh xem đây là cái giá phải trả trong hệ thống của Tàu để tạo ra tiến bộ từng phần.

Lực lượng quân đội Mỹ trên các phương tiện tấn công thủy bộ gần bờ của Biển Đông trong cuộc tập trận đổ bộ thường niên giữa Philippines và Mỹ ở San Antonio, Zambales, Philippines, ngày 7/10/2016

Vượt qua Hoa Kỳ trong ngành AI là một công trình kéo dài hàng chục năm, thay vì là điều có thể thực hiện được trong thời gian gần. Tuy nhiên, quyết tâm chiến lược của Trung Hoa hiện đã rõ ràng. Trung Hoa cũng ý thức rõ rệt về hậu quả cho kỹ nghiệp bán dẫn của Mỹ nếu lệnh cấm xuất cảng của Washington được thực thi trọn vẹn. Tự chính ngành kỹ nghệ này của Hoa Kỳ lệ thuộc kinh niên vào thị trường Trung Hoa để đạt được những mức lợi nhuận lịch sử. Hơn nữa, chính sự xuất cảng của ngành đã đem lại thu nhập để tài trợ cho sự tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) dẫn đầu thế giới của Hoa Kỳ trong ngành bán dẫn, khiến cho các công ty Hoa Kỳ giữ vững vị trí đứng đầu trong lãnh vực này trên toàn cầu. Nếu nguồn thu nhập từ xuất cảng này bị cắt mất, khó có việc chính quyền Hoa Kỳ bước vào để trợ cấp cho các công ty này, đó là lý do tại sao Trung Hoa tin rằng sẽ tiếp tục có sự “rò rỉ” (“leakage”) đáng kể của các sản phẩm và công nghệ từ một số nhà cung cấp chất bán dẫn của Hoa Kỳ trong vài năm tới.

Vì những lý do phức tạp này, cuộc chạy đua ráo riết giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ để giành ưu thế trong ngành AI về R&D, sáng kiến, ứng dụng thương mại và dàn trải quân sự vẫn tiếp tục trong thập niên tới. Trong bối cảnh chung của cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington, kết quả của cuộc chạy đua công nghệ này đặc biệt quan trọng.

Tượng George Washington nhìn sang Federal Hall ngang qua Wall Street từ New York Stock Exchange, tại Thành phố New York, New York, Hoa Kỳ, ngày 26/10/2020.

Thiết lập một Chiến lược quốc gia lâu dài của Hoa Kỳ để đối phó với Trung Hoa (Establishing a long-term US national China strategy)


Để xác định một chiến lược quốc gia hữu hiệu đối phó với Trung Hoa, có khả năng bảo vệ và đẩy mạnh các quyền lợi quốc gia của mình, Hoa Kỳ phải kỷ luật giống như trong cách thế đã áp dụng để đánh bại Liên Xô. Tuy nhiên, chiến lược này phải được chỉnh sửa lại (tailored) để đối phó với một đối thủ khác và một hoàn cảnh quốc gia và quốc tế hoàn toàn khác. Chỉ có thể hoàn thành được việc theo đuổi chiến lược này một khi hiểu được những quyền lợi quốc gia quan trọng nào của Hoa Kỳ cần bảo vệ, cùng với quyền lợi quốc gia của những người bạn chính yếu, đối tác và đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Quan trọng không kém sẽ là sự mạch lạc rõ ràng về các nguyên tắc tổ chức sẽ chi phối chiến lược theo thời gian và việc phát triển, xác định và tiến hành nội dung chi tiết của chiến lược này trong vòng sáu tháng đầu tiên của chính quyền Biden. Thời điểm của những mơ mộng chính trị hão (political whims), những sáo ngữ màu mè (tropes) được đề ra từ nhóm tập trung thảo luận (focus group) và sự hỗn loạn của ngành hành pháp đã qua. Chính quyền Trump đã làm tốt việc báo động về Trung Hoa. Việc chính quyền Trump tuyên bố chiến lược mới về “cạnh tranh chiến lược” là điều quan trọng. Tuy nhiên, việc chính quyền này thực thi chiến lược đó đã bị hỗn loạn (chaotic). Điều đang có nguy cơ bị hiểm họa chính là trật tự tự do quốc tế của thời hậu chiến mà Hoa Kỳ đã xây dựng và, nói chung, đã duy trì trong bảy mươi năm qua.

Định nghĩa quyền lợi chính yếu của quốc gia Hoa Kỳ Hoa Kỳ (Defining US core national interests)


Chiến lược của Hoa Kỳ phải đặt nền tảng trên định nghĩa về quyền lợi chính yếu của quốc gia. Đây phải là sản phẩm của một quá trình có kỷ luật, có giới hạn thời gian, giữa các cơ quan với nhau. Nền tảng này cũng phải được sự chấp thuận của giới lãnh đạo của tất cả các ủy ban quốc hội có liên quan, mặc dù điều này chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Những đúc kết này của lưỡng đảng sau đó nên được kết hợp trong một đặc lệnh của tổng thống (presidential directive) như vậy mới có thể nhận được sự tiếp tục chấp nhận giữa các chính quyền kế tục.

Các quyền lợi chính yếu của Hoa Kỳ nên bao gồm những điều sau đây:

  • bảo vệ Hoa Kỳ khỏi mối đe dọa bị vũ khí hạt nhân tấn công, hoặc đe dọa hay sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác (weapons of mass destruction), kể cả bất kỳ mối đe dọa tương tự từ các tác nhân phi quốc gia (nonstate actors)
  • bảo đảm sự đáng tin cậy của chiếc dù hạt nhân của Hoa Kỳ được mở ra che chở cho đồng minh đã ký kết hiệp ước, cũng như làm tròn (honoring) các trách vụ an ninh khác của Hoa Kỳ đối với đồng minh đã ký kết các hiệp ước riêng lẻ
  • giữ vững hiệu quả hoạt động của mạng lưới toàn cầu gồm bốn mươi bảy đồng minh trong hiệp ước của Hoa Kỳ, và sự hỗ trợ chính trị cần thiết tại bên trong và bên ngoài nước để giữ vững mạng lưới đó
  • duy trì ưu thế quân sự trong chiến tranh quy ước của Hoa Kỳ trên toàn cầu đối với bất kỳ đối thủ nào khác, trong mọi tình huống và trong tất cả các công nghệ, nền tảng (platforms) và lãnh vực quân sự hiện tại và đang nổi lên gồm cả AI, không gian và không gian mạng, do đó chặn đứng bước nhảy vọt chiến lược của bất kỳ quốc gia nào khác muốn vượt qua
  • duy trì ưu thế quân sự trong chiến tranh quy ước hiện đang có trong khu vực Indo-Pacific để Hoa Kỳ có thể chiếm ưu thế khi có xung đột vũ trang, do đó sẽ làm chùn bước Trung Hoa trước bất kỳ thách thức quân sự nào
  • võ trang Đài Loan để nước này có thể, sát cánh cùng Hoa Kỳ, làm nản lòng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang, tấn công mạng hoặc phong tỏa hải quân nào trong tương lai của Tàu, và trong trường hợp có bất kỳ hành động nào như vậy, thì trang bị quân đội Đài Loan để đánh bại nó, phải thừa nhận rằng thất bại không làm được như vậy sẽ gây ra sự sụp đổ lòng tin đặt vào Hoa Kỳ trong các bảo đảm an ninh, kể cả giữa các đồng minh đã ký kết hiệp ước
  • chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xói mòn chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku và những đặc khu kinh tế (EEZ) của Nhật, phải thừa nhận thất bại rằng không làm được như vậy sẽ làm suy bại Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1951
  • ngăn cản bất kỳ bước tiến mới nào của Tàu giành thêm chủ quyền đảo tại Biển Đông, phải thừa nhận rằng thất bại không làm được như vậy sẽ làm cho các quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ thông qua việc duy trì các quy tắc tự do hàng hải trở nên vô giá trị và còn xói mòn thêm sự tín nhiệm Hoa Kỳ trong đầu óc của các đồng minh trong vùng Indo-Pacific
  • duy trì vị thế của Hoa Kỳ là một nền kinh tế quốc gia lớn nhất toàn cầu được tính bằng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) theo ti giá thị trường hối đoái, hoặc, nếu không thể đạt được điều đó, thì thiết lập một thực thể kinh tế chung (economic condominium) với các đồng minh dân chủ quan trọng mà khi hợp lại, tính chung, vẫn lớn hơn Trung Hoa, phải thừa nhận rằng thất bại không duy trì được ưu thế kinh tế sẽ khiến Trung Hoa đẩy mạnh thêm nữa các hành vi chiến lược cứng rắn của họ trên trường quốc tế
  • giữ vững sự lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trong tất cả các thể loại quan yếu của công nghệ quan trọng mới nổi lên, gồm cả AI, hoặc hợp chung với các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ để cùng lãnh đạo
  • duy trì đồng đô la Mỹ trong tư thế bản vị của dự trữ tiền tệ toàn cầu (global reserve currency) gồm cả trong thị trường tiền tệ kỹ thuật số và các nền tảng công nghệ-tài chánh khác đang nổi lên
  • ngăn ngừa thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu bằng cách bảo đảm rằng tất cả quốc gia đều phải có hành động cần thiết, tương xứng với kích thước chất khí thải nhà kính (greenhouse emission) mà quốc gia cúa họ thải ra trong quá khứ và tương lai, nhằm để giữ nhiệt độ của địa cầu chỉ gia tăng trong vòng 1.5° C trong thế kỷ này
  • bảo vệ, mở rộng và khi cần, cải tổ trật tự tự do quốc tế căn cứ theo luật lệ hiện hành và hệ thống đa phương gắn liền với trật tự trên do Hoa Kỳ xây dựng từ 1945, cũng như các nền tảng lý tưởng vững chắc của Hoa Kỳ, bao gồm hệ thống chính trị và an ninh quốc tế được neo cứng (anchored) tại Liên Hiệp Quốc; hệ thống kinh tế toàn cầu được neo cứng trong các định chế Bretton Woods và căn cứ trên các nguyên tắc của mậu dịch mở (open trade), đầu tư, công nghệ và thị trường chất xám (talent markets); cũng như trật tự trong luật pháp quốc tế, nhân đạo và hướng đi của nhân quyền (human-rights order) tuân theo những giao ước tôn trọng 3 nguyên tắc chính yếu25

Đồng ý về những nguyên tắc tổ chức căn bản cho một chiến lược lâu dài của quốc gia (Agreeing on the basic organizing principles for a long-term national strategy)


Một chiến lược mới của Hoa Kỳ về Trung Hoa phải được xây dựng trên các nguyên tắc tổ chức trung ương (central organizing principles) có thể đứng vững trong nhiều thập niên trước mặt. Cần lưu ý rằng phải mất bốn mươi năm để đánh bại Liên Xô kể từ lúc áp dụng học thuyết bao vây ngăn chặn (the doctrine of containment) vào năm 1948 cho đến các biến cố cuối cùng trong năm 1989-1991. Cũng cần nhắc lại rằng năm 2049 là thời điểm cuối cùng của ông Tập để Trung Hoa đạt được vị thế siêu cường kinh tế và quân sự và trở thành trung tâm của một trật tự mới cho toàn cầu. Do đó, các nguyên tắc được Hoa Kỳ theo đuổi phải không thay đổi trong một thời gian dài, trong khi cũng phải thừa nhận rằng việc hoạch định chính sách cho được chính xác sẽ cần thiết phải tiến hóa (evolve) cho tương ứng với bối cảnh luôn thay đổi theo từng giai đoạn. Bài phân tích này đề nghị mười nguyên tắc chính yếu để hướng dẫn chiến lược tương lai của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, chiến lược của Hoa Kỳ phải đặt căn bản trên bốn cột trụ chính của sức mạnh của Mỹ: sức mạnh của quân đội quốc gia; vị thế của đồng đô la Mỹ trong tư thế bản vị của dự trữ tiền tệ toàn cầu và là cột trụ chính của hệ thống tài chánh quốc tế; lãnh đạo trong công nghệ toàn cầu, khi công nghệ đã trở thành yếu tố quyết định chính của sức mạnh quốc gia trong tương lai; và các giá trị của tự do cá nhân, công bằng và pháp quyền (the rule of law) mà quốc gia này tiếp tục theo đuổi, dù gần đây có những chia rẽ và khó khăn chính trị. Trong khi sẽ còn có nhiều tranh luận về các chi tiết của chiến lược, bất cứ điều gì làm suy yếu một hay nhiều cột trụ này sẽ gây ra thiệt hại lớn lao cho toàn bộ. Điều kiện tiên quyết cho sự thành công của chiến lược rộng lớn hơn để chống lại Trung Hoa là mỗi trụ cột này đều phải được tích cực nuôi dưỡng và củng cố. Nếu không, chiến lược sẽ thất bại.

Thứ hai, chiến lược của Hoa Kỳ phải bắt đầu bằng việc khắc phục những nhược điểm về định chế và kinh tế trong nước. Sự thành công của việc Trung Hoa trỗi dậy đặt trên một chiến lược tỉ mỉ, được tiến hành trong hơn ba mươi lăm năm, nhận diện được và giải quyết được những yếu điểm về cơ cấu kinh tế của Trung Hoa trong lãnh vực sản xuất, mậu dịch, tài chánh, nhân lực và bây giờ là công nghệ. Trung Hoa đã đạt được những bước tiến lớn trong tất cả các lãnh vực này, mặc dù nước này vẫn còn bị trở ngại bởi những yếu kém nội tại (endemic) trong cơ cấu kinh tế và chính trị của mình. Sức mạnh to lớn của Hoa Kỳ nằm ở chỗ nó không điều hành một nền kinh tế kế hoạch. Tuy nhiên, danh sách những gì cần phải khắc phục vẫn còn dài: hạ tầng cơ sở của Mỹ suy sụp; những thất bại của các trường học trong việc giảng dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán; không có khả năng để đồng ý về một chiến lược cân bằng và lâu dài về chính sách di dân; và một định chế không đủ năng lực để giải quyết những bất đồng chính trị căn bản trong nước. Không giải quyết được những nhược điểm này, Trung Hoa sẽ thắng.

Thứ ba, chiến lược của Hoa Kỳ chống lại Trung Hoa phải được neo cứng vào cả hai yếu tố: giá trị và quyền lợi quốc gia. Đây là điều đã từ lâu làm Hoa Kỳ khác biệt hẳn với Trung Hoa dưới mắt nhìn của thế giới. Bảo vệ các giá trị tự do phổ quát và trật tự tự do quốc tế, cũng như duy trì sức mạnh toàn cầu của Hoa Kỳ, phải là hai cột trụ song sinh trong lời kêu gọi vũ trang của Hoa Kỳ (America’s global call to arms). Hoa Kỳ phải biện luận cho một đề xuất (proposition) đơn giản là việc duy trì phần sau (quyền lực của Mỹ) vẫn thiết yếu cho việc bảo tồn phần trước (trật tự tự do quốc tế). Lập luận này đánh thẳng vào ngay trọng tâm của chiến lược Trung Hoa, muốn tìm cách công khai phá hủy các giá trị tự do vì đã từ lâu Bắc Kinh xem đó là mối đe dọa lớn nhất cho sự trường tồn của chế độ Cộng sản tại lục địa. Tuy nhiên, nếu sự cạnh tranh chiến lược Mỹ-Hoa chỉ đơn giản trở thành cuộc thi đua quyền lực giữa Mỹ và Hoa, trong đó mục tiêu là bảo vệ quyền lợi chính yếu của mỗi quốc gia chống lại quốc gia kia, thì cuối cùng, phần còn lại của thế giới sẽ nhìn thấy đó chỉ là: một cuộc tranh đua tàn bạo giữa hai quốc gia ở thời sơ khai (atavistic) về mặt văn hóa, chủng tộc và thậm chí cả nền văn minh để giành lấy quyền tối thượng trong toàn cầu. Rất lưu tâm đến những hiểm họa chính trị khi tham gia vào một cuộc tranh luận chung quanh những giá trị bao quát về các khái niệm phổ quát về tự do, họ Tập đã thuận ý (embraced) với lập luận về văn minh qua các bài xảo biện (rhetoric) trong nước và quốc tế của mình, trong đó ông ta đem gói (wraps) Tàu vào một thế giới dũng cảm mới mẻ của “Đông phương,” đứng sát ngay bên cạnh một trật tự suy đồi, cũ kỹ của “Tây phương.” Phương cách này đã khéo léo vận dụng ngôn ngữ của văn hóa quốc gia nhằm che đậy bản chất lý tưởng cốt cán của chủ nghĩa Mác-Lê-nin của họ Tập, là thay thế chủ nghĩa tư bản dân chủ bằng chủ nghĩa tư bản độc tài như là một chuẩn mực (norm) được chấp nhận trong thế giới đang phát triển.

Nói rộng ra, Hoa Kỳ sẽ không thể xây dựng một liên minh quốc tế hết lòng chung sức, có thể nói như vậy, chống lại Trung Hoa nếu sự kêu gọi chỉ thuần túy đặt trên căn bản là để bảo vệ quyền lợi và quyền lực của Hoa Kỳ. Có thể có tranh luận tại một số quốc gia thứ ba về việc quốc gia nào tử tế (benign) hơn trong vị trí của một siêu cường được ưa thích hơn trong tương lai (Hoa Kỳ hoặc Trung Hoa), và đây cũng có thể là cuộc tranh luận mà Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, một lời kêu gọi rộng rãi hơn để bảo vệ các ý tưởng và lý tưởng của trật tự tự do quốc tế, và hệ thống đa phương làm căn bản cho trật tự thế giới, thì dễ có nhiều cơ hội nhận được sự ủng hộ chính trị rộng lớn hơn từ các nền dân chủ lớn ở Á châu, Âu châu và các nền dân chủ khác, cũng như dư luận quốc tế, khi so sánh với lời trình bày đơn sơ, thô thiển (primitive) về quyền lực và quyền lợi của Hoa Kỳ. Vì những lý do này, tựa đề được công bố của chiến lược mới để đối phó với Trung Hoa có thể chỉ đơn giản là Defending Our Democracies (Bảo Vệ Nền Dân Chủ Của Chúng Ta). Có một logic trong tựa đề trên: Chữ “Defense” hàm ý nói đến cơ quan của quốc gia có thể sử dụng cả quyền lực cứng và quyền lực mềm; chữ “democracy” hàm ý bao gồm toàn thể các lý tưởng kết hợp một số lớn các quốc gia có cùng mục đích chung chung quanh một nền chính trị, kinh tế mở (open economies), xã hội mở và pháp quyền, bao gồm cả luật pháp quốc tế; và chữ “our” muốn nói rằng đây không chỉ là một chuyện riêng của Hoa Kỳ.

Bốn Ngoại trưởng: Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ), Toshimitsu Motegi (Nhật Bản), Marise Payne (Úc) và Mike Pompeo (Hoa Kỳ) trước cuộc họp Tứ Bộ trưởng ở Tokyo, Nhật Bản ngày 6/10/2020.

Thứ tư, chiến lược của Hoa Kỳ phải hoàn toàn được phối hợp với các đồng minh chính yếu để thống nhất hành động đối phó với Trung Hoa. Điều này không liên quan gì đến việc làm cho đồng minh cảm thấy thích (feel good) hoặc thích hơn. Làm như vậy vì hiện nay Hoa Kỳ cần họ để chiến thắng. Như đã ghi nhận, Trung Hoa rất đặt nặng tính toán tối hậu của họ trên sự cân bằng quyền lực toàn diện đang xoay chuyển (evolving) giữa Hoa Kỳ và chính họ. Thực tế là, khi khoảng cách quyền lực giữa Tàu và Mỹ thu hẹp trong thập niên 2020s, thì yếu tố đáng tin cậy nhất để có thể thay đổi sự việc đó sẽ là sức mạnh của Mỹ có được tăng cường thêm bởi sức mạnh của các đồng minh chính yếu của họ hay không. Thí dụ, nếu sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ ở Á châu được gia tăng vì được cộng thêm quân đội và kinh tế của ba quốc gia dân chủ khác trong khối G20, như Nhật Bản, Nam Hàn và Úc, thì cán cân chiến lược sẽ thay đổi đáng kể. Nếu, trên toàn cầu, GDP và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ được tăng cường vì được cộng thêm được sức mạnh của Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Hòa Lan và Canada, thì phương trình chiến lược cũng sẽ thay đổi dữ dội. Một liên minh do Mỹ dẫn đầu cuối cùng cũng có thể bao gồm các đối tác chiến lược quan trọng khác, như Ấn Độ, Mexico, Nigeria, Nam Dương và Singapore, để tạo ra một tầng (layer) hợp tác chiến lược thứ nhì, rộng lớn hơn. Điều phải có để sự thay đổi như vậy trở nên có ý nghĩa trong tính toán toàn cầu, chứ không phải chỉ thay đổi trên lý thuyết, phải là mức độ hợp tác chiến lược chưa từng có giữa các quốc gia này qua một chiến lược toàn diện, kết hợp, đồng lòng giữa các đồng minh (pan-allied) để đối phó với Trung Hoa. Mức độ hợp tác này chưa từng xảy ra trước đây dọc theo các sứ mạng lịch sử và tụ điểm địa lý (geographic focuses) khác nhau của các cấu trúc liên minh hiện có của Hoa Kỳ ở Á châu, Âu châu và các nơi khác. Liên minh đa phương giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Âu châu đã đặt trọng tâm vào Liên Xô và, sau khi tan rã, là Nga. Các liên minh của Hoa Kỳ ở Á châu, nói chung, có đặc tính là quan hệ song phương, và chỉ mới gần đây mới chính yếu tập trung vào việc chống lại Trung Hoa.

Mức độ khó khăn mà Hoa Kỳ sẽ gặp phải trong việc đạt được mục đích chung với các đồng minh về chính sách đối phó với Trung Hoa sẽ rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Đã có sự chuyển động đáng kể theo hướng này, càng được đẩy mạnh thêm bởi phản ứng hung hăng của Tàu đối với bất kỳ chỉ trích nào về trách nhiệm của họ đối với nguồn gốc và sự lan truyền của COVID-19 trên khắp thế giới, phản ứng này ở một số khía cạnh nào đó là một loại chiến tranh tâm lý mới, do bởi chế độ lo sợ rằng vấn đề này sẽ đi thẳng vào chính ngay tim của sự chính danh ngay trong nước và trên trường quốc tế của Đảng Cộng sản Tàu. Đại dịch năm 2020 đã tạo ra một cơ hội chiến lược độc nhất để Hoa Kỳ củng cố lại vị trí lãnh đạo của mình trên toàn thế giới — một cơ hội mà cho đến nay Washington đã lãng phí. Tuy nhiên, tính theo mức độ giận dữ sâu đậm vẫn đang tiếp tục trên toàn cầu về vai trò của Tàu trong đại dịch, thì cơ hội này vẫn chưa hoàn toàn bị mất hẳn. Những khó khăn trong việc phát triển một chiến lược cho mọi đồng minh chống lại Trung Hoa sẽ rất là ghê gớm (formidable). Đặc biệt, lực kéo kinh tế của thị trường Trung Hoa là một hấp dẫn (incentive) đáng kể và ngày càng gia tăng để các nước thứ ba duy trì quan hệ ngoại giao tích cực với Bắc Kinh, thể hiện qua việc gần đây có ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa Trung Hoa và mười bốn quốc gia Á châu-Thái Bình Dương khác. Do đó, nỗ lực ban đầu nên được giới hạn ở một số ít các quốc gia có tầm vóc khá lớn mà khi gộp chung lại tổng số trọng lượng chiến lược của họ sẽ là con số đáng kể. Làm được công việc tỉ mỉ này với các đồng minh quan trọng sẽ là yếu tố thiết yếu để thúc đẩy bất kỳ thay đổi căn bản nào trong cách hành xử của Tàu đối với quốc tế trong tương lai và điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách khiến cho Bắc Kinh kết luận rằng cán cân quyền lực chắc chắn không di chuyển theo hướng của họ.

Thứ năm, chiến lược chống Tàu của Hoa Kỳ cũng phải giải quyết các nhu cầu chính trị và kinh tế rộng lớn hơn của các đồng minh và đối tác chính thay vì giả định rằng họ sẽ chọn đứng chung một vị trí chiến lược, được phối hợp để chống Tàu vì thiện ý từ con tim của họ. Thiện chí đặt căn bản trên giá trị (Values-based goodwill) vẫn còn tồn tại. Những đồng minh này cũng biết rằng họ được hưởng lợi từ sự bảo đảm an ninh tối hậu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trừ phi Hoa Kỳ cũng đối phó được với một thực tế hiển hiện là Trung Hoa ngày nay đã trở thành đối tác thương mại chính yếu của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các đồng minh lớn của Hoa Kỳ, còn không thì chỉ riêng một thực tế kinh tế căn bản này cũng sẽ càng ngày càng ảnh hưởng lên sự sẵn lòng của các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ để họ thách thức cách hành xử càng lúc càng cứng rắn trên mặt quốc tế của Tàu. Thí dụ, trường hợp của Úc, một đồng minh thân cận của Mỹ, thực tế là trong năm 2019 Trung Hoa đã chiếm 30% xuất cảng của Úc. Nếu Trung Hoa đóng cửa thị trường của họ đối với hàng xuất cảng của Úc do bởi khủng hoảng địa lý chính trị, thì nền kinh tế Úc sẽ bị co rút lại (contraction) ở một con số đáng ngại 8.5%, do đó sẽ đẩy nước này rơi vào suy thoái kinh tế (recession), với những hậu quả chính trị to lớn trong nước đối với chính phủ đương nhiệm vào lúc đó. Trong khi thí dụ về Úc có thể là cực đoan, Trung Hoa là đối tác thương mại lớn nhất hoặc nhì của mọi quốc gia trong khu vực Á châu-Thái Bình Dương. Một sự thật địa lý chính trị khó nghe là Trung Hoa đã trở thành một thanh nam châm kinh tế khổng lồ đối với phần còn lại của thế giới. Đây không chỉ là trường hợp xuất cảng toàn cầu, khi Trung Hoa hiện chiếm 16.2% tổng số xuất cảng của thế giới (trong khi Hoa Kỳ đứng thứ hai với 10.6%). Một khuôn mẫu (pattern) tương tự cũng thể hiện trong nhập cảng hàng hóa toàn cầu, theo đó Trung Hoa chiếm 11% tổng sản lượng thế giới, có nghĩa là hầu hết các công ty lớn không thể dễ dàng bỏ qua thị trường Trung Hoa trong bất kỳ chiến lược phát triển kinh doanh đáng giá nào. Một khuôn mẫu tương tự như thế vẫn chưa được phát triển nơi với các dòng vốn đầu tư toàn cầu trực tiếp từ nước ngoài (global foreign direct investment flows, FDI), với Trung Hoa chiếm 9% tổng số vốn FDI toàn cầu đổ vào (global inbound FDI), đứng sau Hoa Kỳ với 16%. Tuy nhiên, Trung Hoa đã cạnh tranh được với Hoa Kỳ về dòng vốn FDI xuất ra nước ngoài (outbound FDI flows), chiếm 8.9% tổng số toàn cầu so với 9.5% của Hoa Kỳ trong năm 2019. Theo thời gian, một khuôn mẫu tương tự có thể xuất hiện với các thị trường vốn toàn cầu nói chung, sáng kiến trong công nghệ, và tiêu chuẩn sản phẩm. Không biết chắc chắn là cuộc suy thoái toàn cầu do đại dịch gây ra sẽ đẩy mạnh những khuynh hướng này đi nhanh hơn nữa tới mức nào. Nói một cách khác, lực hướng tâm (centripetal force) tạo ra bởi kích thước ngoại khổ (sheer scale) của sức nặng kinh tế của Trung Hoa trên thế giới tự nó đã là một thử thách lớn lao nhất về mặt cấu trúc đối với sự đoàn kết trong tương lai của đồng minh khi đối phó với thách thức của Tàu. Điều này đã là mục tiêu trọng tâm của Trung Hoa trong chiến lược toàn cầu của họ là: trở thành một nền kinh tế không thể không có của thế giới.

Vì những lý do này, Hoa Kỳ chỉ có một chọn lựa rõ rệt duy nhất là mở cửa nền kinh tế của mình cho tự do mậu dịch và, nếu có thể, mở ra các hiệp ước đầu tư với các đồng minh dân chủ của mình và phần còn lại của thế giới tự do. Điều này phải đặt căn bản trên các nguyên tắc hoàn toàn có tính cách hỗ tương có qua, có lại (reciprocity). Đó là lý do tại sao chính quyền Obama có những nỗ lực nhằm bảo đảm mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương ở Á châu và mối quan hệ tương tự xuyên Đại Tây Dương; điều đó đã thể hiện yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược địa lý chính trị của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa. Điều này đã cung cấp thành phần kinh tế thiết yếu đã bị thiếu trong chiến lược địa lý chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao Trung Hoa cương quyết phản đối cả hai sáng kiến ​​này. Thành phần lãnh đạo cao cấp của Bắc Kinh ngay lập tức nhận bắt được sự quan trọng của những sáng kiến này. Bắc Kinh nhận ra rằng các khối mậu dịch như vậy sẽ trở thành một đối trọng chiến lược lớn đối đầu với chiến lược toàn cầu của họ, vốn đặt căn bản trên sự lệ thuộc của nền kinh tế quốc tế ngày càng phải dựa vào Tàu, dần dần sẽ làm cho các chính sách đối ngoại của quốc tế phải tuân theo (compliance) Tàu, và cuối cùng là sự rạn nứt của các liên minh Hoa Kỳ. Còn có một quan trọng song hành đối với đại chiến lược của Hoa Kỳ là biến các nền kinh tế Hoa Kỳ, Canada và Mexico hợp lại thành một thực thể kinh tế Bắc Mỹ.26

Điều này không những quan yếu đối với sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của chính Hoa Kỳ; mà tầm quan trọng của nó cũng còn nằm ở chỗ dần dần mở cửa thị trường to lớn và đang phát triển, kết hợp lại có đến năm trăm triệu người, cho phần còn lại của thế giới dân chủ. Nhắc lại một lần nữa, điều này nên và chỉ có thể xảy ra trên nguyên tắc tiếp cận hoàn toàn có tính cách hỗ tương (reciprocal access) đối với tất cả các thị trường tham gia. Sự thay đổi sâu đậm này trong chiến lược kinh tế của Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi Washington phải tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo lịch sử của mình trong lịch trình tự do hóa mậu dịch toàn cầu, có nghĩa là đảo ngược lại lộ trình bảo hộ (protectionist course) mới đây của mình. Do đó, nguyên tắc chính yếu cho chính quyền Biden trong chiến lược đối phó với Trung Hoa cần nên là một chính sách kinh tế không chỉ đơn thuần tìm cách hạn chế lại các cơ hội kinh tế của chính Trung Hoa, mà còn là một nguyên tắc thừa nhận rằng Hoa Kỳ phải sử dụng đòn bẩy toàn cầu của mình để mở ra các cơ hội kinh tế to lớn và mới mẻ cho chính Hoa Kỳ cũng như cho các đồng minh dân chủ quan trọng của họ.

Công nhân đặt thiết bị viễn thông 5G trên tháp T-Mobile US Inc ở Seabrook, Texas, Hoa Kỳ ngày 6 tháng 5 năm 2020

Nói một cách khác: không chỉ tạo ra một liên minh của các nền dân chủ lớn, mà còn là tạo ra một liên minh của các nền kinh tế tự do. Nếu khía cạnh kinh tế này trong chiến lược tương lai của Hoa Kỳ để đối phó với Trung Hoa không được giải quyết, phần còn lại của chiến lược được đề nghị trong bài viết này sẽ không thực hiện được. Đối với toàn cầu, tiêu đề chính trị quốc gia của thập niên 1990s vẫn hoàn toàn có giá trị: “It’s the economy, stupid.” (“Đó là vấn đề kinh tế, đồ ngu.”)27

Thứ sáu, Hoa Kỳ phải cân bằng lại bang giao với Nga, dù thích hay không. Hữu hiệu làm cho các liên minh của Hoa Kỳ vững mạnh thêm là điều rất quan trọng. Tách Nga ra khỏi Trung Hoa trong tương lai cũng quan trọng tương đương. Để Nga hoàn toàn trôi dạt vào vòng tay chiến lược của Trung Hoa trong thập niên vừa qua sẽ bị xem như là một lỗi lầm địa lý chiến lược (geostrategic) lớn nhất của nhiều chính quyền liên tiếp của Hoa Kỳ. Điều đó không phải là để biện hộ cho bất kỳ đức hạnh nào của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Mà đó chỉ là để cho thấy rằng gần như trong cả hai thập niên vừa qua rõ ràng là Tàu, chứ không phải Nga, mới là thách thức chiến lược chính yếu của Hoa Kỳ trong thế kỷ tới. Trong khi vẫn còn là một kẻ quấy rối gây khó chịu trong dài hạn (strategic irritant) đối với các quyền lợi của Hoa Kỳ, nước Nga ngày nay không còn là một mối đe dọa chiến lược lớn lao nữa. Tuy nhiên, sự quan trọng của Nga cho chiến lược tương lai của Mỹ có thể được nhìn thấy ở một mức độ khác thường trong việc hiện nay Putin và Tập đã đạt đến sự chung sức chiến lược (strategic condominium) chỉ trong một thời gian tương đối ngắn và từ đó sức mạnh của đòn bẩy chiến lược của Tàu đã gia tăng đáng kể. Sự cộng tác song phương của họ hiện gồm cả quân đội; tình báo và an ninh nội địa; năng lượng, mậu dịch và đầu tư; và sự điều hợp chính sách đối ngoại gồm cả bên trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các hình thức phối hợp đa phương khác. Quan trọng nhất, sự liên kết này có nghĩa là Trung Hoa không còn phải quan tâm về đường biên giới dài phía bắc chung với nước láng giềng Nga, một quốc gia mà họ đã có quan hệ thù địch trong hầu hết bốn trăm năm qua. Bình thường hóa bang giao với Nga đã cho phép Bắc Kinh có thể điều động nguồn lực quân sự, ngoại giao và lãnh đạo quan trọng của Trung Hoa sang những nơi khác. Đây là một thương tổn nghiêm trọng đến quyền lợi của Hoa Kỳ trên toàn cầu.

Tuy thế, Moscow và Bắc Kinh vẫn còn tiếp tục căng thẳng trên một số lãnh vực quan yếu. Những căng thẳng này phát sinh từ những lo ngại của Nga về toan tính lâu dài của Trung Hoa trong việc thu phục lại đất cũ (revanchism) liên quan đến những khu vực rộng lớn của lãnh thổ Trung Hoa đã nhượng cho Moscow trong nhiều thế kỷ, gồm cả Mãn Châu; những quan ngại lâu nay của Nga bắt nguồn từ việc dân số ít và giảm dần ở vùng Viễn Đông của Nga và đem so với dân số quá lớn của Trung Hoa nằm ở phía nam, vốn là những điều càng làm tăng thêm sự bồn chồn lo lắng cho những người Nga theo chủ nghĩa dân túy (populist) trước mức độ di dân chính thức và không chính thức của người Tàu; Càng ngày sự hiện diện của Trung Hoa càng gia tăng về mặt kinh tế và chiến lược trong vùng các nước cộng hòa Trung Á, vốn theo truyền thống là khu vực ảnh hưởng của Nga; Bắc Kinh hung hăng mưu tìm quyền lợi của họ ở Bắc Cực, cũng là một vùng ảnh hưởng khác của Nga, vốn đã tự xưng là một quốc gia “gần Bắc Cực;” và phản ứng chính trị ở Nga đối với việc tàn phá cây rừng của Nga và các ngành kỹ nghệ lấy mất đi tài nguyên một cách bất hợp pháp khác ở các vùng biên giới viễn đông của Nga để đáp ứng nhu cầu của người Tàu, thường được làm ngơ đi do bởi tham nhũng và được tài trợ bởi đồng tiền bất chính của Tàu.

Vì tất cả những lý do này, Hoa Kỳ phải bắt đầu thiết lập một sự tái cân bằng đầy ý nghĩa trong bang giao của mình với Moscow. Nga sẽ không trở thành bạn hay đối tác chiến lược của Mỹ, đừng nói gì đến chuyện là đồng minh. Phần lớn mối bang giao tốt đẹp đã bị mất đi từ khi Hoa Kỳ và Tây phương lần đầu tiên trừng phạt Moscow sau cuộc xâm lăng của Nga vào Crimea và Donetsk vào năm 2014. Do đó, có nhiều khả năng là Nga sẽ khai thác bất kỳ sự “làm lại” (reset) nào trong mối bang giao với Washington nhằm gia tăng khả năng sử dụng đòn bẩy của họ đối với cả Bắc Kinh và Washington. Chung quy là vì Moscow phẫn uất (resents) khi thấy mối quan hệ giữa họ với cả hai nước Mỹ-Hoa càng ngày càng trở nên bất bình đẳng. Tuy nhiên, sẽ là một lợi ích lâu dài cho Mỹ trong việc ngăn chặn không để đôi bạn (entente) Moscow-Bắc Kinh tiến xa thêm nữa, mà chỉ đến mức cả hai trở thành một liên minh nhưng chỉ trên danh nghĩa. Để làm được như vậy, Hoa Kỳ nên có những nỗ lực để phơi bày trước công luận Nga là hầu như trong mọi trường hợp Tàu đều xem thường người Nga (run roughshod) trước những quyền lợi kinh tế, nhạy cảm chính trị và niềm tự hào dân tộc của Nga. Hoa Kỳ cũng phải chuẩn bị để nhượng bộ Moscow một vài điều. Có thể cần làm như thế để đạt được sự hỗ trợ của Nga trong việc đưa Tàu vào bàn đàm phán về việc bành trướng và hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh. Hoặc Hoa Kỳ cũng có thể làm như vậy đối với Bắc Hàn.

Thứ bảy, một chiến lược hữu hiệu của Hoa Kỳ và đồng minh đối phó với Trung Hoa phải tập trung nhắm vào các rạn nứt bên trong nội bộ của chính trị nước Tàu nói chung và liên quan đến sự lãnh đạo của ông Tập nói riêng. Như đã ghi nhận trước đây, một lỗi lầm căn bản trong chiến lược của Hoa Kỳ là đã tấn công Tàu như là một khối, do đó đã cho họ Tập và giới lãnh đạo có lý cớ để vận dụng được cảm tính của chủ nghĩa dân tộc và niềm tự hào văn minh để kéo người Tàu quây quần lại (circle the wagons) bảo vệ Đảng Cộng sản Trung Hoa. Cũng như một lỗi lầm đáng kể khác là đã tấn công vào ngay chính ĐCSTH một cách thô bạo. ĐCSTH có đến chín mươi mốt triệu đảng viên, mà nếu tính chung, sẽ là một quốc gia đông dân hơn cả Đức. Tuy nhiên, thực tế chính trị là dưới sự lãnh đạo của ông Tập, ĐCSTH cực kỳ chia rẽ, vì những nguyên do đã ghi nhận. Các nhà lãnh đạo cao cấp, gồm cả các cựu ủy viên Bộ Chính trị, đã vô cùng tức giận trước đường lối chính sách và phong cách lãnh đạo chính trị của ông Tập, và giờ đây họ lo sợ cho chính mạng sống của họ và sinh kế trong tương lai của gia đình họ. Điều đặc biệt độc hại về chính trị trong sự trộn lẫn này là các bài báo trên các phương tiện truyền thông quốc tế về khối tài sản to lớn đã được phúc trình là gia đình ông Tập và các thành phần trong nhóm thân cận của ông như Li Zhanshu, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (National People’s Congress) đã tích lũy được. Quả là một chiến lược chẳng tế nhị gì cả khi không phân biệt và xem toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản chỉ như một đối tượng duy nhất trong khi có sự hiện hữu của những rạn nứt này. Làm như vậy lại cho phép họ Tập một lần nữa có thể kêu gọi sự bảo vệ của người khác (circle the wagons), lần này là để chiến đấu cho quyền lợi của tất cả các đảng viên để bảo toàn sự sống còn của tập thể. Bởi đó, bất kỳ chiến lược nào có mục tiêu được công bố là “lật đổ Đảng Cộng sản” thì đều hoàn toàn tự thất bại. Thay vào đó, ngôn ngữ công khai và trọng tâm hoạt động phải là “Đảng Cộng sản của Tập” (Xi’s Communist Party). Điều này đánh thẳng vào ngay tim (heart) của những rạn nứt trong chính trị đương thời của Tàu.

Một người biểu tình cầm cờ của Đài Loan và Hoa Kỳ để ủng hộ Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen trong khi dừng chân tại Burlingame, California ngày 14/01/2017 sau chuyến viếng thăm Mỹ-Latin

Có người sẽ chống lại lập luận này trên căn bản là bất kỳ thay thế ông Tập bằng bất cứ ai đều có thể dẫn đến tệ hại hơn nhiều. Điều đó khó có thể xảy ra, dựa trên những chỉ trích nội bộ rằng ông Tập đã đưa đất nước và nền kinh tế đi quá xa về phía cánh tả, trong khi chủ nghĩa dân tộc và sự cứng rắn trên trường quốc tế của ông đã đẩy nước Tàu đi quá xa và bị cô lập. Vì thế, bất kỳ sự thay đổi lãnh đạo nào cũng có thể thích nghi được với những thay đổi chính sách nhằm giảm bớt những sự thái quá này. Nếu sự thay đổi lãnh đạo không xảy ra, thì mục tiêu là tối đa hóa các áp lực chính trị nội bộ lên họ Tập để làm giảm bớt chính sách của Tàu theo ý của ông ta hoặc rút lại (roll back) những sáng kiến ​​quốc tế khác nhau của ông ta. Bằng cách nào đi nữa, thì đây cũng là những chọn lựa tốt đẹp hơn so với hướng đi hiện tại của Tàu. Những người khác có thể lập luận rằng không có thách thức chiến lược nào xuất phát từ Trung Hoa và nhắm vào Hoa Kỳ có thể được giải quyết một cách hữu hiệu trừ khi bản thân đảng cộng sản này hoàn toàn biến mất và được thay thế bằng một nền dân chủ đa nguyên. Điểm yếu của lối phê bình này nằm ở chỗ là đã giả định rằng việc kích thích để làm cho Đảng Cộng sản sụp đổ là một điều mà bằng cách nào đó có thể đạt được trong tương lai gần. Như đề cập trước đây, ĐCSTH có thể sụp đổ theo thời gian vì những mâu thuẫn sâu sắc nội bộ vẫn hiện hữu giữa các sứ mạng chính trị và kinh tế đương thời của nó; nhưng, cũng như Liên Xô, điều đó sẽ được tạo ra bởi các biến đổi (dynamics) ngay tự chính bên trong hệ thống của Trung Hoa. Áp lực bên ngoài có thể giúp đỡ hoặc cản trở quá trình thay đổi nội bộ lâu dài này, nhưng bất kỳ chiến dịch nào rõ ràng nhằm lật đổ Đảng Cộng sản đều có nhiều khả năng cản trở hơn là đẩy mạnh mục tiêu đó đi nhanh hơn. Một chiến dịch để lật đổ đảng cũng bỏ qua thực tế là dưới thời cả 5 nhà lãnh đạo thời hậu Mao trước ông Tập, Trung Hoa đều có thể làm việc có hiệu quả với Hoa Kỳ, bất kể những nhà lãnh đạo này có tham vọng lâu dài gì cho với đất nước của họ. Cuối cùng, theo lập luận lật đổ đảng, chúng ta nên đình chỉ việc phán đoán về tương lai của Trung Hoa có thể sẽ như thế nào trong trường hợp hệ thống chính trị hiện tại sụp đổ hoàn toàn. Hình thức chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Nga thời hậu cộng sản của Putin mang lại một bài học đáng giá (salutary lesson) về vấn đề này. Vì những lý do đó, tất cả các phản ứng chính trị và chính sách của Hoa Kỳ đối với chiến lược hiện tại của Trung Hoa nên được tập trung qua ống kính duy nhất chiếu vào một mình ông Tập.

Thứ tám, chiến lược của Hoa Kỳ phải không bao giờ được quên bản chất hiện thực bẩm sinh (innately realist nature) của chiến lược Tàu mà Hoa Kỳ đang tìm cách đánh bại. Giới lãnh đạo Tàu nể trọng sức mạnh và khinh thường yếu đuối. Họ xem trọng tính kiên định (consistency) và xem thường sự do dự (vacillation). Trung Hoa không tin vào những khoảng trống chiến lược. Trong thế giới quan hiện thực của Bắc Kinh, hoặc là Mỹ hiện diện, chiếm giữ không gian chiến lược, hoặc là Tàu. Không có chỗ cho trung lập. Mặc dù ngoài mặt, Bắc Kinh tán thưởng những khoảnh khắc “hai bên cùng có lợi” (win-win) và chê bai “trò chơi mạnh được yếu thua” (“zero-sum game), nhưng chiến lược mà họ đem ra thực hiện trong thực tế không thương tiếc thì lại là mạnh được yếu thua. Bắc Kinh luôn phân tích những gì Hoa Kỳ làm chứ không phải những gì Hoa Kỳ nói. Tàu mong đợi các chính phủ khác nói láo (to lie) về ý định chiến lược của họ bởi vì đó là những gì Tàu làm. Các nhà chính trị và ngoại giao Hoa Kỳ phải không bao giờ bị lay chuyển bởi những phản đối của Trung Hoa về việc Hoa Kỳ không nhạy cảm đối với những sự vụ nhạy cảm của Tàu. Đây là một thủ đoạn chính trị của một đảng và nhà nước theo chủ nghĩa Lênin được thiết kế nhằm làm cho các quốc gia tự do dân chủ cảm thấy bất an, không hợp lẽ và cực đoan đối với các khối cử tri của họ. Đằng sau tất cả các tính toán chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Hoa chỉ là quyền lực: làm thế nào để che giấu nó, làm thế nào để phóng đại nó, làm thế nào để tận dụng nó, và khi nào thì đem ra dàn trận, dù bí mật hay công khai. Mọi thứ khác đều quan trọng hạng nhì.

Thứ chín, chiến lược của Hoa Kỳ phải hiểu rằng ngay tại thời điểm này Trung Hoa vẫn đang rất bồn chồn lo ngại (highly anxious) về xung đột quân sự với Hoa Kỳ, nhưng thái độ này sẽ thay đổi khi cán cân quân sự chuyển dịch (shifts) trong thập niên tới. Nếu xung đột quân sự nổ ra giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ, và Trung Hoa không chiến thắng một cách quyết định (decisively), thì—với sự tuyên truyền trong nước của đảng trong nhiều năm loan truyền về một sự trỗi dậy không thể tránh được của Tàu—họ Tập có thể sẽ ngã xuống và toàn thể tính hợp pháp chính trị của chế độ sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, sự bồn chồn lo ngại của Tàu về khả thể của một tổn thất như vậy sẽ dần dần giảm bớt khi cán cân quân sự trong khu vực tiếp tục chuyển sang hướng có lợi cho Bắc Kinh trong những năm tới. Điều này áp dụng cho cả hai tình huống có thể xảy ra ở Biển Đông và Đài Loan. Tuy nhiên, điều này ít áp dụng hơn tại khu vực Biển Hoa Đông (East China Sea), một nơi mà Nhật Bản được xem là một đối thủ đáng sợ, và là một nơi mà bất kỳ thua thiệt nào trước Nhật Bản sẽ đem lại tàn phá ghê gớm hơn về mặt chính trị đối với sự tín nhiệm ĐCSTH trong nước còn hơn là bị thua trước Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ cần đến những phán đoán chiến lược cẩn trọng về thời điểm và cách thức đương đầu với Tàu ở mặt quân sự tại Biển Đông (South China Sea), với một phương cách khả thi được đề nghị dưới đây. Trường hợp Đài Loan, nếu Tàu tung ra một hành động quân sự hoặc bán quân sự (paramilitary) chống lại Đài Loan và Hoa Kỳ không phản ứng, hoặc trực tiếp với các lực lượng của Hoa Kỳ hoặc cung cấp đầy đủ yểm trợ cho Đài Loan để hỗ trợ việc phòng thủ hòn đảo, thì Hoa Kỳ cần hiểu rằng ngay tại điểm đó sự tín nhiệm vào chiến lược chung của Hoa Kỳ tại khắp Á châu sẽ bốc hơi biến mất. Đây cũng là phán quyết chung (collective judgment) tại Bắc Kinh, Đài Bắc và hầu như ở mọi thủ đô tại Á châu. Hiệu quả của phần còn lại trong chiến lược của Hoa Kỳ chống lại Trung Hoa cũng sẽ sụp đổ, trong khi đó niềm tự kiêu (hubris) về chính trị ở trong nước và quốc tế của Bắc Kinh về sự “thành công” đã thu phục được Đài Loan sẽ trở thành một động lực mới trong cách hành xử của Tàu trên toàn cầu. Để tránh điều này, xây dựng Đài Loan với một sức mạnh quốc gia về quân sự và kinh tế đủ hữu hiệu để có thể làm chùn bước (deterrent) của Tàu phải là điều chính yếu bắt buộc (central imperative) nơi chiến lược của Hoa Kỳ. Điều này sẽ làm giảm đi, nhưng không loại bỏ hẳn, những rủi ro liên quan đến các quyết định làm thay đổi lịch sử (epoch-making decisions) sẽ đối diện bất kỳ chính quyền nào của Hoa Kỳ trong tương lai khi phải đứng trước nhu cầu đáp trả lại hành động của Tàu dùng bạo lực (hard-power) nhắm vào Đài Loan.

Thứ mười, đối với họ Tập cũng vậy, “Đó là vấn đề kinh tế, đồ ngu.” (“It’s the economy, stupid.”) Không tính đến chuyện bị đánh bại trong tương lai bởi quân sự, thì yếu tố lớn nhất có thể đóng góp vào sự sụp đổ của ông Tập là thất bại về kinh tế. Điều đó có nghĩa là thất nghiệp ở quy mô lớn và mức sống của dân Tàu bị rớt xuống thấp. Có công việc làm đầy đủ và nâng cao mức sống là những yếu tố quan yếu trong hợp đồng xã hội bất thành văn giữa dân Tàu và ĐCSTH kể từ sự hỗn loạn của thời Cách mạng Văn hóa. Đó là lý do tại sao nhược điểm (vulnerability) chính trị của ông Tập bên trong nước đã gia tăng kể từ năm 2017 khi sự tăng trưởng kinh tế bắt đầu mất lực (phần lớn bởi vì những thay đổi về chính sách do chính ông Tập đưa ra). Tuy nhiên, các tình cảnh đó sẽ phải trở nên tồi tệ thêm rất nhiều trước khi bất kỳ tác động chính trị trực tiếp nào có thể được cảm thấy nơi trung tâm của đảng. Có nhiều tình huống mà điều trên có thể xảy ra: sự sụp đổ trong xuất cảng của Trung Hoa tiến xa thêm; ảnh hưởng của các đợt COVID-19 tái diễn sẽ tác động lên giới tiêu thụ và việc làm ở khu vực dịch vụ trong nội địa của Tàu; hoặc sụp đổ tài chánh gây ra bởi các công ty tư nhân không trả nổi nợ (defaults) trong khi khu vực ngân hàng đã mắc nợ chồng chất. Tái tạo được sự tăng trưởng kinh tế lâu dài hiện nay đang là mối quan tâm chính trị lớn nhất của Tàu. Chỉ riêng yếu tố này cũng cần được am hiểu tường tận trong khung chiến lược của Hoa Kỳ chống lại Trung Hoa.

II. Gộp Chung Lại Tất Cả: Nội Dung Của Một Chiến Lược Hữu Hiệu Của Hoa Kỳ Chống Lại Trung Hoa (Putting It All Together: The Content Of An Effective US China Strategy)

Hãy lưu ý đến định nghĩa bên trên về quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ, cũng như các nguyên tắc tổ chức cho sự phát triển lâu dài của chiến lược Hoa Kỳ, theo đó nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền mới (của Biden) là soạn thảo một chiến lược hữu hiệu cho quốc gia trong đó có một nội dung với đầy đủ chi tiết hoạt động để đối phó với Trung Hoa.

Khi làm như vậy, chính quyền đương nhiệm phải rõ ràng trong các cân nhắc nội bộ về các chính sách và các hành xử nào của chính quyền Trung Hoa mà Hoa Kỳ có ý muốn thay đổi. Hoa Kỳ phải xác định hành động nào của Tàu mà Mỹ sẽ tìm cách làm chùn bước (deter) và hành động nào, nếu thất bại trong việc làm chùn bước, thì quốc gia Hoa Kỳ sẽ tìm cách đánh bại Trung Hoa qua các biện pháp trực tiếp bằng quân sự, kinh tế hoặc các cách đối phó khác. Những phương cách này không loại trừ lẫn nhau (mutually exclusive). Bất kỳ một chiến lược hữu hiệu nào của Hoa Kỳ sẽ gồm có sự kết hợp của cả hai cách được thận trọng cân nhắc.

  • Thứ nhất, điều quan trọng đầu tiên là Hoa Kỳ phải xác định những lằn ranh màu đỏ của mình sẽ không cho phép Trung Hoa vượt qua trong bất kỳ tình huống nào. Những điều quan yếu này cần phải được truyền đạt (communicate) tới cả Trung Hoa và các đồng minh của Hoa Kỳ.
  • Thứ hai, điều rất căn bản cho uy tín và sự tín nhiệm chiến lược của Hoa Kỳ trên toàn cầu là các lằn ranh đỏ này sau đó phải được bắt buộc thi hành (enforced), hoặc bằng thuyết phục chính trị, chủ động làm chùn bước (active deterrence), hoặc bằng sức mạnh kinh tế, tài chánh hay quân sự. Một sự mơ hồ trong chiến lược liên quan đến các lằn ranh đỏ truyền thống, chẳng hạn như làm chùn bước các hành động (của Tàu) nhắm vào Đài Loan, và gần đây ở Biển Đông, luôn luôn được Bắc Kinh diễn dịch rằng sự mơ hồ đó là một sự nhu nhược (weakness) của Mỹ. Kết quả là điều này đã khuyến khích những phiêu lưu lớn hơn nữa của Tàu.
  • Thứ ba, quan trọng không kém cho Hoa Kỳ là phải minh bạch trong những cân nhắc nội bộ về những phương tiện cụ thể nào mà Mỹ đã chuẩn bị để đem ra sử dụng nhằm làm chùn bước hoặc đánh bại những hành vi (behaviors) của Tàu mà trước đó đã được xác định (defined).
  • Thứ tư, điều quan trọng là phải minh bạch về những hành động nào của Tàu được xem là không mong muốn (undesirable) nhưng vẫn có thể chấp nhận được trong khuôn khổ toàn bộ chiến lược của Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ sẽ tích cực cạnh tranh với Bắc Kinh.
  • Chót hết, chiến lược của Hoa Kỳ cũng nên minh bạch về những lãnh vực nào mà Hoa Kỳ vẫn còn có ý muốn tiếp tục cộng tác với Trung Hoa.

Tiến trình phân tích này nên đúc kết (produce) thành những danh sách đã được đồng ý về các hành động bị cấm, các hành động cần phải tích cực làm nản lòng (actively discouraged) và những hành động khoan thứ (tolerated) được. Tiến trình này cũng nên đề ra một căn bản trong việc phân bổ các nguồn tài nguyên của Hoa Kỳ và đồng minh để đem ra sử dụng tại những mục tiêu có cách hành xử (behavioral targets) đã được xác nhận (identified) trong chiến lược. Thí dụ: với lời tuyên bố công khai của ông Tập vào năm 2015 về việc không quân sự hóa các đảo mà Tàu giành chủ quyền (reclaimed islands) ở Biển Đông, thì Hoa Kỳ nên đưa ra quyết định bắt họ Tập phải thực thi lời cam kết của chính ông ta. Việc Hoa Kỳ thất bại không phản ứng lại sự bội tín (breach of faith) này, một lần nữa, đã được Bắc Kinh coi đó là bằng chứng cho thấy sự nhu nhược của Mỹ. Hoa Kỳ nên quyết định xem lằn ranh màu đỏ ở Biển Đông của mình khi được xác định có tuân theo hay không tuân theo các sự dàn trải (deployments) hiện hành của Tàu, dàn trải quân sự mới đây, hoạt động giành thêm chủ quyền các đảo ở xa hơn, hay các hành động quân sự, bán quân sự hoặc “vùng tương tranh” (gray zone) của Trung Hoa nhắm vào tài sản (assets) của bất cứ quốc gia nào khác cũng đang tranh chấp chủ quyền trên các đảo đó. Quyết định nơi nào sẽ là đường màu đỏ thực tế sẽ rất khó; tuy nhiên, đường màu đỏ phải được xác định và lập ra. Rồi sau đó cần phải có sự phối hợp sự chuẩn bị về mặt ngoại giao và quân sự để sẵn sàng cho tình huống dự phòng (contingency) khi xẩy đến. Đây là phần phân tích, làm sáng tỏ và phân loại các cách hành xử đáng chú ý của Trung Hoa (targeted Chinese behaviors), hợp lại cùng với việc chuẩn bị các biện pháp đối phó đã được đồng ý, thì hiện nay đó là điều tuyệt đối cần thiết.

Căn cứ trên những hiểu biết này, nội dung hoạt động của chiến lược Hoa Kỳ cần chứa đựng năm thành phần chính:

  1.  các biện pháp của quốc gia nhằm xây dựng lại sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ;
  2. những đường màu đỏ của Hoa Kỳ;
  3. các lãnh vực cạnh tranh chiến lược được thừa nhận;
  4. các lãnh vực vẫn tiếp tục cộng tác; và
  5. hoàn toàn tham dự vào cuộc chiến ý thức hệ đang diễn ra với Trung Hoa trong nội địa và quốc tế.

Các biện pháp quốc gia nhằm xây dựng lại sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ (National measures to rebuild American economic and military strength)


Bài viết này không đưa ra một lượng định tổng kết (net assessment)28 về các điểm mạnh và yếu trong chiến lược của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bài viết vẫn được thực hiện ở cùng một mức độ phân tích nghiêm nhặt giống như khi Hoa Kỳ lượng giá Trung Hoa. Nguyên tắc này đặc biệt áp dụng cho danh sách đang dài thêm với các nhược điểm bên trong nước Mỹ. Nếu không chữa trị, không có một đại chiến lược nào sẽ làm được chuyện chống lại đối thủ Trung Hoa (kinh tế, ngoại giao hoặc quân sự). Phải nhất thiết lưu tâm rằng tính toán của Trung Hoa về đường lối chiến lược trong tương lai của họ phần lớn sẽ được định hình bởi lượng giá của họ về các lực đẩy trong tương lai của sức mạnh Hoa Kỳ. Bắc Kinh muốn biết liệu Hoa Kỳ có quyết tâm chính trị quốc gia (national political resolve) để sửa chữa những nhược điểm trong xã hội và kinh tế của mình hay không. Nếu kinh tế thất bại trong tương lai, gia tăng dân số, gia tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế, đều ở mức độ thấp, thì Hoa Kỳ khó có thể cung ứng được những khả năng quân sự ở một địa bàn và quy mô rộng lớn vốn là điều rất cần thiết để giữ vững những quyền lợi của Hoa Kỳ trong tương lai trên toàn cầu. Hoặc Hoa Kỳ sẽ không nhất thiết có đủ khả năng để duy trì vai trò dẫn đầu về mặt sáng kiến công nghệ, một điều đã từ lâu là nền móng cho việc Hoa Kỳ vẫn đứng vững ở vị trí hàng đầu. Khi George Kennan viết “bức điện tín dài” (“long telegram”) và “Điều X” (“X Article”) vào năm 1947-1948, với phân tích của ông chú trọng vào điều mà cuối cùng sẽ khiến Liên Xô thất bại, ông cho rằng mô hình kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục thành công mà không cần đến sự can thiệp của ngoại lực. Sự khác biệt giữa thời đó và bây giờ là ngày nay giả định đó không còn có thể dùng được nữa. Công việc trước mắt vượt ra khỏi tầm mức chỉ cần lo đối phó với các nhược điểm nội tại của Trung Hoa, mà còn phải đối phó luôn cả với các nhược điểm của Hoa Kỳ. Không làm được cả hai, Hoa Kỳ sẽ thất bại.

Danh sách của các nhiệm vụ chính yếu trong nước mà Hoa Kỳ phải giải quyết như một phần của bất kỳ chiến lược hữu hiệu nào để đối phó với Trung Hoa của họ Tập thì cũng quen thuộc. Những nhiệm vụ phải giải quyết này tất cả đều thuộc về cấu trúc, dài hạn và chỉ có kết quả sau khi đầu tư công sức vào từ một thập niên hoặc hơn. Những điều này bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn trong, những phần sau:

  • đảo ngược lại việc đang suy giảm đầu tư vào hạ tầng cơ sở quan yếu của kinh tế quốc gia bao gồm những hệ thống di động 5G
  • đảo ngược lại việc đang suy giảm đầu tư của chính quyền vào lãnh vực giáo dục nơi các ngành STEM (Science, Technology, Engineering and Mathematics), trường đại học và nghiên cứu khoa học căn bản
  • bảo đảm là Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu trong các ngành quan trọng về sáng kiến trong công nghệ kể cả AI (thông minh nhân tạo)
  • phát triển một sự đồng ý chính trị mới mẻ về bản chất và tỉ lệ di dân vào Hoa Kỳ trong tương lai để bảo đảm việc dân số Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng, vẫn trẻ trung và tránh sự suy giảm dân số quá mức (demographic implosions) đang đe dọa nhiều nền kinh tế đã phát triển và đang nổi lên, kể cả Trung Hoa, trong khi vẫn giữ được những người giỏi nhất và sáng giá nhất từ khắp thế giới đến Hoa Kỳ để học
  • điều chỉnh hướng tiến dài hạn của ngân sách Hoa Kỳ để cuối cùng nợ quốc gia được duy trì trong khoảng các thông số có thể chấp nhận được, để có thể áp dụng chính sách tiền tệ mới, gia tăng khối lượng tiền tệ lưu hành (expansionary monetary policy) mà không tạo ra khủng hoảng lạm phát và làm yếu đi vai trò của đồng đô la Mỹ
  • giải quyết hoặc tối thiểu cũng là làm giảm đi sự chia rẽ nghiêm trọng hiện là nét đặc thù trong hệ thống chính trị, định chế và văn hóa, vốn làm suy yếu khả năng đồng ý, làm ra và gắn bó với các quyết định lâu dài của quốc gia vốn là nền móng để củng cố các sức mạnh lịch sử và khai thác những vận hội mới
  • giải quyết câu hỏi quan trọng về quyết tâm chính trị trong tương lai của quốc gia nhằm bảo vệ, xây dựng và ngay cả mở rộng trật tự tự do quốc tế, thay vì chấp nhận hoặc đón nhận một làn sóng mới của chủ nghĩa cô lập mà sẽ không thể tránh khỏi việc kéo Hoa Kỳ hướng vào bên trong thay vì hướng ra bên ngoài — và chứng minh Tàu đã sai lầm trong tính toán rằng quyết tâm này của Mỹ đang suy yếu

Đây có vẻ như là một danh sách vô phương thực hiện được với những ràng buộc của hệ thống chính trị hiện tại của Hoa Kỳ. Nhưng đó cũng đã là quan điểm chính trị phổ biến vào năm 1941 khi Hoa Kỳ cần được huy động và cũng như cuối thập niên 1950s khi phải đương đầu với thách thức hạt nhân của Liên Xô. Thử thách này trong hiện tại không khác với những gì đã được nhận thấy trước đây về mặt phạm vi và quy mô. Điều bắt buộc phải có là một mức độ đồng lòng mới mẻ của lưỡng đảng trong các khu vực quan yếu nơi quốc gia dễ bị thương tổn, vốn là điều chưa từng thấy ​​trong nhiều thập niên. Quả là một mất mát to lớn khi, về mặt chính sách, có những ứng phó được đưa ra để chống lại những thách thức nguy hại lại bị xem là do tinh thần đảng phái, hoặc để yên cho phép sự thách thức của Trung Hoa ăn mòn và làm băng hoại hệ thống chính trị Hoa Kỳ bằng cách làm suy yếu và chia rẽ người Mỹ để chống lại nhau. Mỗi thành phần trong danh sách trên cần được xem như là một vấn đề an ninh quốc gia thay vì chỉ là một phần thông thường của sự chia rẽ chính trị nội bộ. Do đó, sự lãnh đạo chính trị và chính sách để thực hiện tất cả bảy điều ghi trên cần được điều động từ Tòa Bạch Ốc, nhưng với sự hoàn toàn hỗ trợ của lãnh đạo quốc hội. Điều này phải theo hệ thống. Lịch trình cải tổ trong nước phải được giao cho Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, để cho các cơ quan cùng làm việc với nhau theo một tiến trình kín đáo (inward-facing) thực hiện lịch trình này. Cách này phải song hành với lịch trình được điều khiển bởi cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, người có trách nhiệm đề ra các đường hướng công khai với quốc tế (outward-facing international dimensions) của chiến lược chống Trung Hoa của chính quyền Hoa Kỳ.

Làm chùn bước và ngăn ngừa Trung Hoa để không vượt qua những lằn ranh đỏ của Hoa Kỳ (Deterring and preventing China from crossing US red lines)


Danh sách những lằn ranh đỏ của Hoa Kỳ nên ngắn, tập trung và có biện pháp thi hành (enforceable). Chiến thuật của Tàu trong nhiều năm qua là làm nhòa đi những lằn ranh đỏ có thể dẫn đến một cuộc đối đầu công khai với Mỹ quá sớm ngoài ý muốn của Bắc Kinh. Vì lý do này, Tàu không dùng chiến lược đã được công bố để cho thấy những chuyển đổi thực sự trong cách hành xử của họ, vì rằng làm như vậy dễ tạo ra phản ứng trong chính trường Hoa Kỳ hơn là nếu họ giữ im lặng. Qua nhiều thập niên, Bắc Kinh đã học được rằng hầu hết các cuộc tranh luận chính trị ở Washington đều xảy ra chung quanh những nghị luận (rhetoric) chính trị công khai hơn là từ hành vi của chính sách bí mật (covert policy behavior). Trung Hoa cũng đã khai triển nhiều kỹ thuật nhằm bảo đảm rằng những phủ nhận của họ có vẻ hợp lý đối với những gì mà bộ máy đảng-nhà nước của họ đang làm trên khắp thế giới, sử dụng các phương tiện mềm mỏng hơn là phương tiện quân sự cứng rắn để khẳng định quyền lợi của mình ở bất cứ nơi nào họ có thể (chẳng hạn như việc Tàu mở rộng việc tận dụng các đoàn tàu đánh cá, lực lượng bảo vệ bờ biển, tàu thuyền và các phương tiện khác, thay vì là tàu hải quân, ở Biển Đông).

Vì thế, Hoa Kỳ phải hết sức minh bạch về những hành động nào của Trung Hoa mà Hoa Kỳ sẽ tìm cách làm chùn bước và nếu thất bại, theo sau sẽ là sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ. Những điều này nên được thông báo thật rõ ràng với Bắc Kinh qua các đường dây ngoại giao cao cấp để cảnh tỉnh Tàu (is placed on notice). Thông tin này chỉ nên được công khai hóa nếu và chỉ khi việc làm chùn bước thất bại và Hoa Kỳ đã khởi động (initiated) hành động trả đũa. Đây là điều cần phải làm để đạt được sự chấp nhận và ủng hộ (buy-in) của quần chúng Hoa Kỳ và đồng minh.

Danh sách các đường ranh màu đỏ nên có các yếu tố sau:

  • bất kỳ hành động nào dùng đến vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học của Tàu chống lại Mỹ hoặc đồng minh, hoặc của Bắc Hàn mà Trung Hoa đã không có hành động cả quyết (decisive action) để ngăn ngừa hành động như vậy của Bắc Hàn  
  • bất kỳ tấn công quân sự nào của Tàu vào Đài Loan hoặc các đảo ngoài khơi của họ, gồm luôn cả phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng quan trọng vào hạ tầng cơ sở và các định chế công cộng của Đài Loan
  • bất kỳ tấn công nào của Tàu vào lực lượng Nhật Bản dùng để bảo vệ chủ quyền của Nhật trên quần đảo Senkaku và khu độc quyền kinh tế (EEZ, exclusive economic zone) của họ chung quanh Biển Hoa Đông
  • bất kỳ hành động thù địch lớn nào của Tàu ở Biển Đông nhằm chiếm đóng thêm và quân sự hóa các đảo, dàn trải vũ lực chống lại các quốc gia khác đang có tranh chấp chủ quyền, hoặc ngăn chặn sự hoàn toàn tự do hoạt động hàng hải của Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh
  • bất kỳ tấn công nào của Tàu vào lãnh thổ có chủ quyền hoặc các phương tiện quân sự của các đồng minh đã ký kết hiệp ước với Hoa Kỳ

Các phương tiện (assets) nên được Hoa Kỳ (và đồng minh, khi thích hợp) dàn ra để hỗ trợ cho từng khu vực có ranh giới đỏ này sẽ thay đổi. Những vấn đề này không nên được đem ra tranh luận trước công chúng. Tuy nhiên, lý lẽ trong chính sách vẫn rõ ràng: trong mỗi trường hợp, là để báo cho chính quyền của ông Tập biết đến sự quan trọng nổi bật của những lằn ranh đỏ này và Mỹ sẽ làm chùn bước Tàu, và nếu cần sẽ đánh bại, bất kỳ hành động nào của Tàu vi phạm những lằn ranh đỏ đó. Trung Hoa sẽ dễ bị sững sờ (stunned) trước sự minh bạch chiến lược tới mức độ này. Người Tàu đã trở nên quen thuộc với một Hoa Kỳ đã trở nên không muốn đối đầu với Trung Hoa hoặc chỉ thỉnh thoảng và tạm bợ làm điều đó. Chắc chắn, Trung Hoa sẽ thăm dò để xem Hoa Kỳ sẽ nghiêm chỉnh đến mức độ nào trong việc tiến hành chiến lược mới này – bằng cách nhận ra được mắt xích yếu nhất trong sợi xích. Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho những thăm dò loại này của Tàu. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là hầu hết những lằn ranh đỏ này đều nằm trong những cuộc tranh luận nội bộ bên trong hệ thống của Tàu về việc liệu họ Tập có đã đẩy Hoa Kỳ đi quá xa hay không.

Các khu vực quan yếu đáng lo ngại về an ninh quốc gia (Areas of major national security concern)


Có một danh mục khác liên quan đến những quan ngại chính yếu về mặt an ninh quốc gia Hoa Kỳ cũng cần được bảo đảm là phải có phản ứng của Hoa Kỳ, nhưng không nhất thiết phải mang tính chất quân sự. Đó là những lợi ích an ninh quốc gia không thuộc loại sinh tử (nonvital), nhưng vẫn rất quan trọng. Có nhiều dụng cụ trong túi đồ nghề (tool kit) của Hoa Kỳ có thể được đem ra dùng cho những mục đích này để không những sẽ gửi đi một thông điệp đến các giới lãnh đạo cao cấp của Tàu là có đường ranh giới đỏ đã bị vượt qua, mà còn gây ra cho Tàu nỗi đau đớn thực sự và có thể đo lường được. Một lần nữa, những điều này nên được thông báo trước qua ngả bang giao mật ở cấp cao. Danh sách này nên gồm có:

  • sự tiếp tục từ chối bởi Trung Hoa, trong khoảng thời gian đã được xác định trước, không tham gia các cuộc đàm phán nghiêm chỉnh, song phương hoặc đa phương, về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, với mục tiêu nhằm đạt được một giới hạn trong chương trình hiện đại hóa và bành trướng hạt nhân của Trung Hoa 
  • bất kỳ hành động nào của Tàu đe dọa an ninh của các phương tiện/tài sản (assets) không gian của Hoa Kỳ hoặc các hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu
  • bất kỳ cuộc tấn công mạng to lớn nào của Tàu vào bất cứ hạ tầng cơ sở kinh tế, xã hội hoặc chính trị quan yếu nào của chính quyền Mỹ hoặc đồng minh
  •  bất kỳ hành động gây hấn (belligerence) nào – quân sự hoặc kinh tế – ở quy mô lớn chống lại các đồng minh trong hiệp ước của Hoa Kỳ hoặc các đối tác chiến lược quan trọng khác, gồm cả Ấn Độ
  • bất kỳ hành động diệt chủng hoặc tội ác chống lại loài người nhắm vào bất kỳ nhóm nào bên trong Trung Hoa

Như đã ghi bên trên, điều quan trọng là danh sách các lằn ranh đỏ chiến lược của Hoa Kỳ nên ngắn, tập trung và có biện pháp thi hành được (enforceable). Bất kỳ thất bại nào trong việc trừng phạt các vi phạm (enforce) lằn ranh đỏ sẽ được Bắc Kinh diễn dịch là thêm một thí dụ khác nữa về sự nhu nhược của Mỹ và sẽ khuyến khích Tàu đẩy mạnh các thách thức đi xa thêm nữa. Quả thực, các giới chức lão luyện (establishment) về an ninh quốc gia của Tàu, trong chỗ riêng tư, đã sững sờ về mức độ phản kháng ít ỏi mà Bắc Kinh đã gặp phải liên quan tới hành động trong nhiều lãnh vực khác nhau của họ trong những năm gần đây. Kết quả là điều này đã tạo ra cho người Tàu một mức độ kiêu ngạo và khinh thường kiểu “lên lớp diễn thuyết của Mỹ.” (“American speechmaking.”) Do đó, căn cứ theo những gì đã học được, các giới chức này của Tàu càng ra sức đẩy mạnh cho đến khi đụng phải tuyến kháng cự cụ thể và rồi, chỉ đến khi đó, họ mới điều chỉnh hướng đi cho đến khi nhận ra được một chỗ sơ hở (aperture) khác. Bởi đó, khả năng trừng phạt những vi phạm (enforceability) là chìa khóa để bảo đảm cho sự tín nhiệm chiến lược. Từ đó, lý luận căn bản cho việc chấp nhận sư phân loại các phản ứng của Hoa Kỳ, trước tiên nhất và quan trọng nhất là phải hết sức cẩn thận trong việc tính toán, lượng định các lằn ranh màu đỏ đã được xác định, và theo sau là danh sách các mối quan ngại chính yếu về an ninh quốc gia.

Trung Hoa mong đợi ngày mà họ sẽ không còn sợ hãi bất kỳ hành động trả đũa nào của Hoa Kỳ. Trong tâm lý của giới lãnh đạo Tàu, sở hữu một nền kinh tế to lớn hơn nền kinh tế của Hoa Kỳ sẽ đánh dấu một mốc thành đạt quan trọng trong tính toán này. Sau khi vượt qua mốc thành đạt đó, có thể là vào cuối thập niên hiện tại, rất có thể sẽ khiến Bắc Kinh kết luận rằng trước bất kỳ mối đe dọa nào của Mỹ trong tương lai về các biện pháp trừng phạt tài chánh và kinh tế, Tàu đều có thể an toàn bỏ qua. Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là khi nào một mốc thành đạt tương tự – về hiệu lực của những đe dọa của Mỹ sẽ đưa ra hành động quân sự chống lại Tàu khi họ vi phạm các lằn ranh đỏ hoặc các quyền lợi an ninh chính yếu khác của Mỹ – sẽ được vượt qua trong đầu ông Tập. Tuy nhiên, điều quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ là họ phải hiểu rằng chưa có mốc thành đạt nào (kinh tế hay quân sự) đã bị vượt qua. Hoa Kỳ vẫn chưa bị xem là một “con cọp giấy.” Kết quả của những lượng giá của Trung Hoa về sự tiến hóa (evolution) trong tương lai của sức mạnh quốc gia của Hoa Kỳ, sự sẵn lòng sử dụng sức mạnh đó và một quyết tâm hữu hiệu làm chùn bước Tàu, trước những hành động của Tàu vào thời gian đó, sẽ cho biết đường hướng chiến lược trong tương lai của họ.

Các khu vực cạnh tranh chiến lược được công bố (Areas of declared strategic competition)


Làm chùn bước (detering) hành vi chiến lược nào đó của Tàu, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, là một chuyện. Trừng phạt (punishing) các hành vi khác tại những nơi mà quyền lợi an ninh quốc gia chính yếu của Hoa Kỳ đang bị nguy hiểm lại là chuyện khác. Tuy nhiên, việc cho phép một hình thức cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn, đặc biệt là trong các lãnh vực ngoại giao và kinh tế, cũng là một phần quan trọng của chiến lược hoàn toàn được hiệu chỉnh. Gộp lại chung cả ba danh mục (categories) trong khuôn khổ chiến lược duy nhất là điều có thể làm được. Lý do thiết yếu cho việc bao gồm “cạnh tranh chiến lược” là để giải quyết những lãnh vực nơi mà hai quốc gia có mâu thuẫn rõ rệt trong lịch trình của chính sách, nhưng những mâu thuẫn này lại được đánh giá là có thể được giải quyết bằng phương cách khác hơn là các biện pháp đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, hoặc bằng các biện pháp cưỡng chế hoặc các biện pháp trừng phạt đáng kể khác. Từ đó có thể đi đến nhận xét là dù các quyền lợi đang bị đe dọa là quan trọng (important), nhưng tự bản chất đó không phải là vấn đề sống còn (existential) hay nghiêm trọng (critical). Những quyền lợi này vẫn có thể liên quan đến các khu vực trong chính sách đang có hoạt động chuẩn bị cho việc sử dụng vũ lực, chẳng hạn như các khu vực liên quan đến sự chuẩn bị lâu dài về quân sự và kinh tế. Hoặc chúng có thể bao gồm các khu vực, mà tự bản chất, sẽ không bao giờ can dự đến việc sử dụng các phương tiện giết người. Tuy nhiên, đặc tính chung cho tất cả các khu vực cạnh tranh chiến lược này phải là sự tin tưởng rằng Hoa Kỳ có thể và sẽ thắng (prevail), với những sức mạnh và giá trị căn bản của Hoa Kỳ vẫn đủ sức cung ứng một bàn tay mạnh mẽ hơn để tham dự cuộc chơi trong một môi trường quốc tế vẫn còn mở, cạnh tranh.

Những khu vực cạnh tranh chiến lược chống lại Trung Hoa nên gồm có những điều sau đây:

  • giữ nguyên lực lượng Hoa Kỳ ở mức độ hiện tại trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (bởi vì làm khác đi sẽ khiến Tàu kết luận là Mỹ đã bắt đầu rút lui ra khỏi các cam kết liên minh của mình), trong khi vẫn tiếp tục hiện đại hóa học thuyết, nền tảng và khả năng quân sự để bảo đảm việc mạnh mẽ làm chùn bước tiến của Tàu trong một vùng rộng lớn
  • ổn định bang giao với Nga và khuyến khích Nga và Nhật cũng làm như vậy
  • kết thúc hiệp ước Bộ Tứ (Quad) có khả năng hoạt động đầy đủ với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc bằng cách khuyến dụ Ấn Độ từ bỏ những ngần ngại (reservations) sau cùng về mặt chiến lược và chính trị của họ chống lại một thỏa thuận như vậy  
  • tạo điều kiện thuận lợi cho việc bình thường hóa bang giao giữa Nhật Bản-Nam Hàn để ngăn chặn (bán đảo) Triều Tiên tiếp tục trôi theo hướng chiến lược của Trung Hoa
  • đặt ưu tiên cho các mối quan hệ mậu dịch, đầu tư, phát triển, ngoại giao và an ninh giữa Hoa Kỳ và từng quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là với các đồng minh của Hoa Kỳ là Thái Lan và Philippines, để ngăn ngừa Đông Nam Á không trôi xa hơn về hướng chiến lược của Trung Hoa
  • bảo vệ đồng đô la Mỹ trong tư thế bản vị của dự trữ tiền tệ toàn cầu (global reserve currency)
  • bảo vệ các công nghệ quan yếu mới của cả Hoa Kỳ và đồng minh, không để người Tàu mua lại
  • kết hợp lại, ở mức độ lớn nhất có thể làm được, các nền kinh tế Hoa Kỳ, Canada và Mexico vào một thị trường không ranh giới (seamless market) của năm trăm triệu người để củng cố sức mạnh kinh tế trong trường kỳ so với Trung Hoa
  • tái đàm phán về hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương và sau đó gia nhập
  • đàm phán với Liên minh Âu châu về quan hệ đối tác mậu dịch và đầu tư xuyên Đại Tây Dương và gia nhập, cùng với các hiệp ước khác trong tương lai về công nghệ hoặc các vấn đề khác
  • bắt buộc Trung Hoa phải thực thi các cam kết của họ về tự do hóa mậu dịch và đầu tư, trợ cấp nhà nước, bán phá giá và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hợp tác với bạn bè và đồng minh, qua một cơ chế đã được cải tổ (reformed) để giải quyết tranh chấp mậu dịch đa phương
  • cải tổ và làm sống lại (reviving) tổ chức WTO (World Trade Organization), bộ máy giải quyết tranh chấp của nó và sự chính trực của luật mậu dịch quốc tế thay vì cứ để (mậu dịch) dần dần trôi về phía chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu
  • đầu tư ở quy mô lớn, cùng với các đồng minh của Hoa Kỳ, trong Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực, để cung cấp cho các nền kinh tế đang đi lên một phương tiện hữu hiệu để tài trợ cho sự phát triển hạ tầng cơ sở quốc gia của họ, vì vậy khuyến khích việc dùng Ngân hàng Thế giới (kể cả các tiêu chuẩn quản trị minh bạch của nó) như một chọn lựa đáng tin cậy thay vì dùng đến BRI (Sáng kiến Vòng đai và Con đường của Tàu)
  • phục hồi sức sống cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các định chế đa phương và quốc tế khác như là những nền móng căn bản của quản trị chính trị toàn cầu
  • xây dựng lại Bộ Ngoại Giao kể cả ngân sách hoạt động và các thứ bực nhân sự để có thể cạnh tranh ngoại giao với Trung Hoa trên toàn cầu
  • gia tăng viện trợ phát triển nước ngoài của Hoa Kỳ qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và thành lập các cơ quan nhân đạo của LHQ để cùng với đồng minh của Hoa Kỳ duy trì ưu thế tặng dữ (donor dominance) hơn hẳn Trung Hoa qua việc phối hợp phân phối viện trợ toàn cầu
  • củng cố, kiên trì với các hiệp ước quốc tế hiện hành, các thỏa thuận định chế đa phương về nhân quyền để duy trì áp lực đa phương lên cả những thực hành nhân quyền trong nước Tàu cũng như tính chính danh chính trị quốc tế của Cộng Đảng Trung Hoa

Mỗi khu vực này tự chính nó đều quan trọng và Trung Hoa hiện có một chiến lược khả thi nhằm tìm cách chiếm lấy ưu thế trong mỗi khu vực đó. Trung Hoa hy vọng rằng bằng cách chiếm được ưu thế trên tất cả các mặt trận này, thông qua sự kết hợp quân sự, kinh tế và ngoại giao chính trị, họ sẽ điều chỉnh thành công mối tương quan lực lượng toàn cầu để có lợi về phía Tàu chống lại Mỹ. Đây là điều được thiết kế để bổ túc cho những nỗ lực song hành của Quân đội Tàu (PLA) nhằm thay đổi cán cân quyền lực quân sự đem lại lợi thế cho Tàu. Thách đố khó khăn của Hoa Kỳ là phải đảo ngược lại điều này bằng cách khai triển một chính sách đối ngoại và phương tiện kinh tế ghê gớm của mình, hợp cùng với các đồng minh trong quan hệ đối tác.

Các khu vực có thể tiếp tục hợp tác chiến lược (Areas of continued strategic cooperation)


Hiện có nhiều khó khăn khác về mặt chính sách mà vì quyền lợi của Hoa Kỳ, cùng của đồng minh, vẫn cần tiếp tục tham gia vào hợp tác chiến lược song phương hoặc đa phương với Trung Hoa. Đây không phải là để làm cho người Mỹ cảm thấy thích hơn (feel better) hoặc để “làm đẹp” (be nice) với người Tàu. Làm như vậy là vì trong những khu vực này, thay vì chống lại thì hợp tác với Bắc Kinh là cách tốt nhất để nâng cao lợi ích của Hoa Kỳ. Ngay cả vào những lúc căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô, vẫn có một số ít các khu vực giới hạn mà Washington và Moscow cùng làm việc với nhau để tạo ra những kết quả mang lại lợi ích cho cả hai bên và cho cả toàn thế giới. Sự hợp tác này đã được thấy rõ trong nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí khác nhau. Hơn nữa, qua việc vẫn duy trì các khu vực có thể tiếp tục hợp tác chiến lược với Bắc Kinh, Hoa Kỳ cung cấp một tín hiệu rõ ràng cho phần còn lại của hệ thống chính trị Trung Hoa rằng Washington vẫn sẵn sàng làm việc với Trung Hoa trong khoảng giới hạn của các thông số trong trật tự quốc tế hiện hành. Bằng cách làm điều này, Hoa Kỳ đang gửi tín hiệu đến các thành phần ôn hòa hơn tại Trung Hoa rằng nếu Bắc Kinh ngưng các nỗ lực hoạt động nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong một trật tự đặt căn bản trên quy tắc hiện hành, thì Washington sẽ hoan nghênh sự tham gia hoàn toàn của Trung Hoa vào các định chế quản trị toàn cầu, như trong quá khứ. Nói cách khác, nếu Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của thời hậu Tập Cận Bình quyết định quay trở lại con đường ôn hòa hơn ở trong nước và làm việc trong hệ thống quốc tế đang hiện hữu ở nước ngoài, thì phạm vi hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ nhanh chóng mở rộng. Trong bối cảnh hiện tại, các khu vực hợp tác chiến lược với Trung Hoa sẽ gồm những phần sau đây:

  • đàm phán với Trung Hoa về một thỏa ước kiểm soát vũ khí hạt nhân để lần đầu tiên đem Trung Hoa vào hệ thống kiểm soát vũ khí toàn cầu và ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới
  • cộng tác trong việc thực sự gỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn
  • đàm phán về các thỏa ước song phương về chiến tranh và gián điệp mạng
  • đàm phán về các thỏa ước song phương về việc sử dụng không gian cho hòa bình
  • đàm phán về các phương thức (protocols) nhằm hạn chế các hệ thống vũ khí tự điều khiển bởi AI (thông minh nhân tạo) trong tương lai
  • hợp tác trong khối G20 về sự ổn định kinh tế vĩ mô (macroeconomic) và tài chánh toàn cầu để ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng và suy thoái toàn cầu trong tương lai
  • hợp tác đa phương qua khối G20 và Quy Ước Khung của Liên Hiệp Quốc (UN Framework Convention) về Biến đổi Khí hậu, cộng tác song phương về cắt giảm khí nhà kính toàn cầu (greenhouse gas) và cộng tác ba phía với Ấn Độ, quốc gia thải ra khí nhà kính (emitter) lớn thứ ba trên thế giới
  • cộng tác trong dự án nghiên cứu toàn cầu về các công nghệ mới khám phá về khí hậu (breakthrough climate technologies) bao gồm việc lưu trữ năng lượng mặt trời dài hạn, như là một phần của hiệp hội nghiên cứu toàn cầu
  • hợp tác trong nghiên cứu đặt căn bản trên AI về y tế và dược phẩm trong tương lai để phát triển các ứng phó mới đối với các loại bệnh nặng ảnh hưởng đến cả hai quốc gia, kể cả ung thư
  • hợp tác trong việc phát triển cách hữu hiệu thông báo và quản lý đại dịch trong tương lai cho toàn cầu, cũng như phát triển thuốc chủng ngừa

Và bên nào giỏi nhất, bên đó sẽ chiến thắng trong cuộc chiến về ý tưởng trên toàn cầu (And may the best side win in the global battle for ideas)


Ý tưởng vẫn còn là vấn đề quan trọng trong chính trị và bang giao quốc tế. Nó không chỉ là một câu hỏi về sự cân bằng quyền lực, dù đó là một điều quan yếu. Cách thế cúa một dân tộc suy nghĩ như thế nào về chính họ, về các thể loại xã hội được xây dựng, về các nền kinh tế đang phát triển và về các chính thể (polities) vẫn theo đà tiến hóa (evolve) để giải quyết những khác biệt, tất cả những điều này đều ảnh hưởng sâu xa đến việc định hình những thế giới quan. Cuộc chạy đua này về ý tưởng sẽ tiếp tục. Ông Tập đã ném xuống trước mặt Hoa Kỳ và Tây phương một thách thức về ý thức hệ với một quan niệm về mô hình của tư bản độc tài (authoritarian capitalist model ) và cái mà ông ta gọi là cộng đồng với một tương lai chia sẻ cho nhân loại (community with a shared future for mankind). Đối với người dân Bắc Mỹ, Âu châu và những nơi khác, những người tin tưởng vào các nền kinh tế mở, vào các xã hội có công lý (just societies) và vào các hệ thống chính trị cạnh tranh, thì khó khăn của thách đố này là phải tiếp tục tin tưởng vào hiệu quả vẫn có ngay tự bản chất của những ý tưởng mà họ tin theo.

Ngôi sao chỉ đường cho khối ý tưởng phức tạp này vẫn cực kỳ đơn giản: tự do. Về điểm đó, đã có rất ít thay đổi kể từ tuyên bố của Franklin D. Roosevelt vào năm 1941 về “Bốn Tự do,” ( “Four Freedoms,”) khi ông đề ra một khuôn khổ lý tưởng thẳng thắn để đối đầu với những lời kêu gọi thấp kém (baser appeals) kích động các yếu tố quốc gia, chủng tộc, bản sắc và “hiệu quả” vốn là trung tâm của cuộc tấn công ý thức hệ của các quyền lực phát xít ở thời đại đó. Thử thách ngày nay mang một màu sắc khác. Trung Hoa đã đón nhận một hình thức theo chủ nghĩa tư bản trong khi lại lập luận rằng chủ nghĩa tự do và dân chủ không phù hợp với lịch sử, văn hóa, dân số, hoàn cảnh quốc gia và những nhạy cảm chính trị căn bản của họ. Hoa Kỳ và Tây phương phải tiếp tục giữ cho các căn nhà tự do-dân chủ-tư bản của chính họ được theo đúng trật tự. Nhưng cho đến nay, có lập luận cho rằng những vấn đề trong khuôn khổ này đòi hỏi phải đối xử với một thế giới quan độc tài đối lập bằng một sự tôn trọng ngang hàng, trong một thế giới mới mẻ can đảm và tương đối đạo đức nào đó, thì lập luận này vừa điên rồ (fatuous), vừa nguy hiểm.

Nói cách khác, một chiến lược hữu hiệu của Hoa Kỳ chống lại Trung Hoa phải bảo đảm rằng không những các nguyên tắc căn bản của chiến lược làm chùn bước (deterrence), cạnh tranh, cộng tác và, bất cứ chỗ nào cần đến, để đối đầu với Trung Hoa phải được thiết lập rõ ràng, mà Hoa Kỳ còn phải tích cực tham gia vào trận chiến lớn lao cho những giá trị của tương lai chung của thế giới. Trên thực tế là từ lâu nay, Trung Hoa đã phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh về ý thức hệ chống lại nền dân chủ tự do. Tây phương đã im lặng trong cuộc chiến đó quá lâu. Hoa Kỳ bây giờ nên cho thấy mọi tin tưởng rằng, trong thế giới của ý tưởng, của tự do chính trị và kinh tế, được rèn luyện bởi công lý xã hội, có thể và sẽ chiếm ưu thế. Lập trường của Hoa Kỳ nên là: thêm một lần nữa, hãy để cho cuộc chiến về ý tưởng bắt đầu. Hãy để sự tranh đua giành lấy những con tim và khối óc trên toàn cầu được diễn ra một cách nghiêm chỉnh, và chiến thắng sẽ về tay ai có lý lẽ tốt nhất.

Đảng Cộng sản Trung Hoa tin chắc rằng (makes no bones about the fact), theo quan điểm của họ, nền dân chủ tự do, ngay tự căn bản, đã bất toàn (flawed). Thế giới quan của họ cho rằng đó là một điều bình thường khi đem bạo lực của đảng và nhà nước ra sử dụng để loại bỏ thành phần đối lập chính trị; rằng cũng là điều hết sức bình thường khi đảng và nhà nước quyết định tác phẩm văn chương nào bạn được phép đọc hoặc phim ảnh nào bạn có thể xem. Ngay cả khi có người chấp nhận rằng thế giới quan của ĐCSTH chỉ có giá trị với chính Trung Hoa, nhưng không ở nơi khác, thì điều này cũng đã thất bại không giải thích được lý do tại sao hàng triệu công dân Tàu tiếp tục tìm kiếm nơi ẩn trú an toàn (sanctuary), cơ hội và giáo dục ở Hoa Kỳ và, rộng lớn hơn, ở Tây phương, trong khi rất ít người, nếu có, di chuyển theo hướng ngược lại. Nói cách khác, chiến lược hữu hiệu của Hoa Kỳ chống lại Trung Hoa phải bảo đảm rằng không những các nguyên tắc căn bản của chiến lược làm chùn bước (deterrence), cạnh tranh, cộng tác và, ở nơi cần, thì đối đầu phải được đem ra đối phó với Trung Hoa, mà Hoa Kỳ còn phải tích cực tham gia vào một chiến trận lớn lao cho những giá trị của tương lai chung của thế giới. Thực tế là từ lâu nay Trung Hoa đã phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh ý thức hệ chống lại nền dân chủ tự do. Tây phương đã im lặng quá lâu trong cuộc chiến đó. Hoa Kỳ bây giờ nên thể hiện mọi tự tin rằng, trong thế giới của ý tưởng, tự do chính trị và tự do kinh tế, được rèn luyện bởi công lý xã hội, có thể và sẽ thắng thế. Lập trường của Hoa Kỳ nên là: hãy để cho cuộc chiến về ý tưởng bắt đầu thêm một lần nữa. Hãy để sự tranh đua giành lấy những con tim và khối óc trên toàn cầu được diễn ra một cách nghiêm chỉnh, và chiến thắng sẽ về tay ai có lý lẽ tốt nhất.

Thực hiện (Implementation)


Bất kỳ chiến lược mới nào của Hoa Kỳ đối phó với Trung Hoa đều phải được thực hiện một cách hữu hiệu nếu muốn tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào. Chiến lược này phải được tiến hành một cách kiên trì, toàn diện và ở nhiều cấp khác nhau: xây dựng lại nền móng sức mạnh quốc gia của Hoa Kỳ; áp dụng các biện pháp trừng phạt Tàu khi vi phạm các lằn ranh đỏ chiến lược; phải có hành động trả đũa bất kỳ sự vi phạm nào của Trung Hoa đối với các quyền lợi an ninh quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ; tập hợp (marshaling) sức mạnh quốc gia Hoa Kỳ và sức mạnh quốc tế qua một phương cách quy mô để cạnh tranh chiến lược; hợp tác chiến lược với Bắc Kinh khi xứng đáng với các quyền lợi của Hoa Kỳ, đồng minh và toàn cầu; dốc toàn lực toàn cầu để bảo vệ (full-throated global defense) nền dân chủ tự do trước thách thức hiện nay của tư bản độc tài, bao gồm cả cuộc tấn công từng đợt (rolling attack) nhắm vào những thất bại của hệ thống Trung Hoa tại nội địa; và phối hợp và thực hiện chiến lược này với sự tham dự đầy đủ của các đồng minh chính yếu của Hoa Kỳ ở Á châu và Âu châu. Chiến lược bảy phần này phải được thực hiện trên bình diện quốc gia, song phương, khu vực, đa phương và toàn cầu. Đây cũng là cách thực hiện của Trung Hoa trong nhiều thập niên. Nhắc lại, đây là một nơi mà đồng minh không còn là chuyện tùy tiện (optional) mà là điều quan yếu (critical), vì họ thường có thể đạt được những gì mà Hoa Kỳ không thể, cho dù ở tại các quốc gia, hoặc vùng, hay định chế nào đó. Hoa Kỳ luôn luôn nên ghi nhớ rằng Trung Hoa không có đồng minh nào ngoài Bắc Hàn, Pakistan và Nga, điều này đã đặt Bắc Kinh vào một thế chiến lược bất lợi đáng kể so với Hoa Kỳ trên toàn cầu. Đồng minh là một lợi thế lớn lao. Một phương cách như thế sẽ đòi hỏi một mức độ chưa từng có trong việc phối hợp chính sách quốc gia và quốc tế của Hoa Kỳ. Sẽ phải xây dựng lại Sở Ngoại giao Hoa Kỳ (US Foreign Service) và cơ quan USAID (U.S. Agency for International Development). Sẽ phải hoàn toàn kết hợp các nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chánh và Bộ Thương mại, Văn phòng Đại diện Mậu dịch Hoa Kỳ, USAID và cộng đồng tình báo. Điều này có nghĩa là các cố vấn an ninh quốc gia trong tương lai (được tăng cường với các nhân viên yểm trợ ở cấp cao giỏi nhất và sắc bén nhất) sẽ cần phải đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân trong việc phối hợp đầy đủ và thực hiện chiến lược lâu dài của Hoa Kỳ chống lại Trung Hoa.

III. Kết Luận (Conclusion)

Để bất kỳ chiến lược quốc gia nào trong tương lai của Hoa Kỳ đối phó với Trung Hoa có hiệu quả, việc đầu tiên là chiến lược đó phải khả thi (operationalized) thay vì chỉ là những gì được tuyên bố. Như đã trình bày nhiều lần trong bài viết, điều mà Hoa Kỳ nói sẽ ít quan trọng hơn những gì họ làm. Bước đầu tiên, Hoa Kỳ phải thiết lập bộ máy nhà nước để phát triển, được sự đồng ý, và thực hiện một chiến lược như vậy cho tất cả các cơ quan của Hoa Kỳ với sự hỗ trợ hoàn toàn của giới lãnh đạo cao cấp trong quốc hội. Chiến lược đó phải có thẩm quyền (authoritative), dưới dạng pháp lệnh của tổng thống (presidential directive) 29. Chiến lược này phải lâu dài, được thực hiện trong ba mươi năm tới. Vì vậy, chiến lược này cũng phải được lưỡng đảng ủng hộ, có khả năng tồn tại qua nhiều cuộc bầu cử và chính quyền. Hoa Kỳ cũng phải làm việc với các quốc gia đối tác cùng hiệp ước trong khối G7, NATO và Á châu về chiến lược chung chống lại Trung Hoa với các cơ chế được xây dựng có khả năng lượng định thường xuyên để đo lường mức độ thành công trong việc hoàn thành được toàn thể các mục tiêu của chiến lược.

Có người đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có khả năng để hữu hiệu huy động quốc gia để đáp ứng được với thách thức Trung Hoa như Kennan và chính quyền Truman đã làm với thách thức của Liên Xô ở hai thế hệ trước. Cũng có người đặt câu hỏi liệu vẫn còn có đủ sự khôn ngoan quốc gia (national wisdom) để sáng chế (devise) ra được một loại chiến lược khả thi với đầy đủ chi tiết hoạt động có thể dẫn đến thành công hay không: tìm được sự cân bằng cần thiết giữa việc kiềm chế các hành vi của Tàu khi cần, hợp tác với Trung Hoa khi thích hợp và luôn luôn làm Tàu phải chùn bước trước những toan tính về bất kỳ hình thức nào của hành động quân sự hoặc gây hấn chính trị (political aggression). Cũng vậy, vẫn còn những người khác nghi ngờ về việc không có đủ sự đoàn kết trong quốc gia và quyết tâm vượt qua lằn ranh chia rẽ đảng phái khi cần, không những để bảo tồn ý tưởng về nền cộng hòa, mà còn để vẫn là ngọn hải đăng cho thế giới. Mục đích của những trang giấy này là để lập luận rằng không những đó là điều có thể mà còn là điều cần thiết. Nếu không, các thế hệ hiện tại sẽ chứng tỏ họ không xứng đáng là những người kế thừa của thế hệ người Mỹ vĩ đại nhất, những người đã đánh bại chế độ chuyên chế để bảo vệ không những quốc gia này mà còn là cả thế giới.

Làm cách nào để đo lường được sự thành công của chiến lược mới này của Hoa Kỳ chống lại Trung Hoa? Đó là khi, ở vào giữa thế kỷ này, Hoa Kỳ và các đồng minh quan trọng tiếp tục ngự trị trên cán cân quyền lực của khu vực và toàn cầu ngang qua tất cả các chỉ số chính yếu của quyền lực; đó là Trung Hoa đã bị chùn bước (deterred) không tiến chiếm Đài Loan bằng quân sự, và chùn bước không đưa ra bất kỳ hình thức nào khác của hành động quân sự để đạt được các mục tiêu trong khu vực; đó là trật tự tự do quốc tế căn cứ trên luật lệ đã được củng cố, tăng cường và mở rộng, chống lại chủ nghĩa phi tự do đang gia tăng trong thời điểm hiện tại; đó là họ Tập đã bị thay thế bởi một ban lãnh đạo đảng ôn hòa hơn; và đó là chính người dân Trung Hoa đã đặt câu hỏi và thách thức đề xuất của Đảng Cộng sản đưa ra từ cả một thế kỷ rằng nền văn minh cổ xưa của Trung Hoa sẽ mãi mãi được an bài (destined) trong một tương lai độc tài.

San Jose, Ngày 26 tháng 4, 2021
Trần Trung Tín chuyển ngữ



Chú thích

  1. Có thể tham khảo thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/City_upon_a_Hill – Trong ngôn ngữ chính trị của Hoa Kỳ, ‘the city upon a hill’ có ý nói Hoa Kỳ hành xử như là ‘một hải đăng của hy vọng’ – Người dịch
  2. Xi’s speech was quoted by journalist Gao Yu, translated by Seeing Red in China, and posted by Sophie Beach, “Leaked Speech Shows Xi Jinping’s Opposition to Reform,” China Digital Times, January 27, 2013, accessed December 2020, https://chinadigitaltimes.net/2013/01/leaked-speech-shows-xi-jinpings-opposition-to-reform/
  3. The NSS can be found at: https://nssarchive.us/national-security-strategy-2017/
  4. Richards J. Heuer Jr. defined mirror-imaging in intelligence work as “filling gaps in the analyst’s own knowledge by assuming that the other side is likely to act in a certain way because that is how the [United States] would act under similar circumstances.” See Heuer Jr., Psychology of Intelligence Analysis (McLean, Virginia: Center for the Study of Intelligence, Central Intelligence Agency, 1999), chapter six, accessed November 24, 2020.
  5. For a good introduction to Xi’s personal history and psychology, see Evan Os- nos, “Born Red: How Xi Jinping, An Unremarkable Provincial Administrator, Became China’s Most Authoritarian Leader Since Mao,” New Yorker, April 6, 2015, https://www.newyorker.com/magazine/2015/04/06/born-red
  6. Jackie Northam, “For U.S. and China, Coronavirus Adds Pressure to Relationship Already Under Strain,” NPR, February 14, 2020, https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2020/02/14/806096040/for-u-s-and-china-coronavirus-adds-pressure-to-relationship-already-under-strain%C2%A0
  7. This section is based heavily on the works of K.M. Rudd, including his address to cadets at the United States Military Academy in West Point, New York, on March 5, 2018, https://asiasociety.org/policy-institute/understanding-chinas-rise-under-xi-jinping
  8. Có thể tham khảo thêm:  https://www.investopedia.com/terms/b/brettonwoodsagreement.asp – Người dịch
  9. While Xi now frequently uses the term “community of common destiny for mankind,” or alternatively “community with a shared future for mankind,” the definition of the term has so far been left deliberately vague. It is possible that China’s leaders have themselves not yet settled on what it should mean, instead introducing and seeding it into international discourse as a conceptual phrase before fleshing out a precise meaning that is deemed most useful. This is a common practice in CCP discourse.
  10. non-convertible currency = loại tiền tệ không được mua hay bán trên thị trường mua bán ngoại tệ (foreign exchange market) – Người dịch
  11. Có thể tham khảo thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/China_Plus_One – Người dịch
  12. In 2018, the CCP abolished constitutional limits on presidential terms and broke the norms on mandatory retirement age. The question in 2022 is whether the party will in fact vote to grant him a third term.
  13. Sonali Jain-Chandra, “Chart of the Week: Inequality in China,” International Monetary Fund blog, September 20, 2018, https://blogs.imf.org/2018/09/20/chart-of-the-week-inequality-in-china/ “China–Rapid Assessment of the Impact of COVID-19 on Employment,” International Labour Organization policy brief, July 2020, https://www.ilo.org/emppolicy/areas/covid/WCMS_752056/lang–en/index.htm
  14. “China’s Debt Problem Is Really an Asset Problem,” Financial Times, March 11, 2020, https://www.ft.com/content/17943d46-62fa-11ea-b3f3-fe4680ea68b5.
  15. Graham Allison likens the two to a rising Athens challenging Sparta and explores potential outcomes in his book: Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? (Boston: Mariner Books, a division of Houghton Mifflin Harcourt, 2017).
  16. See, for example, Richard McGregor’s article, “Beijing Hard-liners Kick Against Xi Jinping’s Wolf Warrior Diplomacy: Foreign Policy Hawks Concede That Current Strategy Is Winning China No New Friends,” Nikkei Asia, July 28, 2020, https://asia.nikkei.com/Opinion/Beijing-hard-liners-kick-against-Xi-Jinping-s-wolf-warrior-diplomacy
  17. “EU Proposes Fresh Alliance with US in Face of China Challenge,” Financial Times, November 29, 2020, https://www.ft.com/content/e8e5cf90-7448-459e-8b9f-6f34f03ab77a; Orange Wang, “EU Ambassador to China Hits Out at ‘Wolf Warrior Diplomacy,’ Urges Beijing to Cherish ‘Deng Xiaoping Legacy’,” South China Morning Post, December 10, 2020, https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3113414/eu-ambassador-china-hits-out-wolf-warrior-diplomacy-urges; Stuart Lau, “German Politicians Call for US, Europe to Form United Front on China,” South China Morning Post, October 26, 2020, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3107141/german-politicians-call-us-europe-form-united-front-china; Jakob Hanke Vela and David M. Herszenhorn, “EU Seeks Anti-China Alliance on Tech with Biden,” Politico, November 30, 2020, https://www.politico.eu/article/eu-seeks-anti-china-alliance-on-tech-with-joe-biden/
  18. Xi launched an ambitious program for market reform at the Third Plenum of the Chinese Communist Party’s Eighteenth Congress in 2013. However, this pro-gram was essentially abandoned following the 2015 crash of China’s stock market, which shocked Chinese leadership and led them to reembrace state-owned enterprises and other state controls on the free-market economy.
  19. Có thể tham khảo thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/China_proper – Người dịch
  20. Có thể tham khảo thêm: Tham Vọng Của Trung Hoa Và Chiến Lược Biển Xanh (Blue Water Navy Strategy) – Người dịch
  21. Có thể tham khảo thêm: https://ndiastorage.blob.core.usgovcloudapi.net/ndia/2019/solic/Shaneman.pdf – Người dịch
  22. Có thể tham khảo thêm: Khoa Học Dữ Liệu: Data Science – Người dịch
  23. See, for example, the conclusions of University of Oxford researchers on China’s relative advantages and disadvantages in AI. Jeffrey Ding, Deciphering China’s AI Dream: The Context, Components, Capabilities, and Consequences of China’s Strategy to Lead the World in AI, Centre for the Governance of AI, Future of Humanity Institute, University of Oxford, March 2018, http://www.fhi.ox.ac.uk/wp-content/uploads/Deciphering_Chinas_AI-Dream.pdf.
  24. “CFIUS Reform Under FIRRMA,” Congressional Research Service, CRS In Focus article IF10952, updated February 21, 2020, accessed November 28, 2020, https://fas.org/sgp/crs/natsec/IF10952.pdf; “Export Controls: New Challenges,” Congressional Research Service, CRS In Focus IF11154, March 22, 2019, accessed November 28, 2020, https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IF/IF11154.
  25. Principle One: Human Rights-based approach; Principle Two: Leave no one behind; Principle Three: Gender Equality & Women’s Empowerment. Có thể tham khảo thêm: https://unsdg.un.org/2030-agenda/universal-values – Người dịch
  26. The United States-Mexico-Canada Agreement, signed in 2018 to replace the North American Free Trade Agreement and sometimes referred to simply as the “New NAFTA,” is a step in this direction, but insufficient. While reducing trade tariffs, increasing market access, and providing new intellectual property protections, it falls short of the seam-less free trade zone (more akin to the European Common Market) described above.
  27. Có thể tham khảo thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/It%27s_the_economy,_stupid#:~:text=It%20is%20often%20quoted%20from,for%20them%20to%20focus%20on. – Người dịch
  28. Có thể tham khảo thêm: https://www.defense.gov/Our-Story/Office-of-the-Secretary-of-Defense/Office-of-Net-Assessment/ – Người dịch
  29. Có thể tham khảo thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Presidential_directive – Người dịch

2 Comments

  1. Giang Trung Nguyen

    Xin cảm ơn anh Trần Trung Tín đã bỏ rất nhiều thời giờ để dịch 1 tài liệu quá rộng lớn, trải trên nhiều lãnh vực, thật là công phu.

    • editor

      Xin cám ơn anh Giang đã đọc và góp ý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *