Trước những xáo trộn trên thế giới tại Âu Châu, với chiến tranh Ukraine-Nga, và Trung Đông, với Syria mới bị lật đổ, Iran và chiến tranh truyền đời giữa Israel và Hồi giáo, và từ vị trí của Hoa Kỳ nhìn sang Thái Bình Dương, thì xem ra “Mặt Trận Miền Tây vẫn Yên tĩnh”All Quiet on the Western Front. Nhưng, trước một Trung Hoa “nước lớn” kiêu ngạo muốn làm bá chủ thế giới, thì với Hoa Kỳ, những “yên tĩnh” đó chỉ như sự lặng yên ngột ngạt của chờ đợi, của chuẩn bị cho ‘cơn bão Đại Hán.

Liên quan đến ‘cơn bão Đại Hán’, tạp chí Foreign Affairs đăng bài tiểu luận của Rush Doshi: The Trump Administration’s China Challenge vào ngày 29/11/2024. Rush Doshi là một trong những chuyên gia có thẩm quyền về Trung Hoa, và là tác giả của quyển sách nổi tiếng The Long Game: China’s Grand Strategy to Displace American Order (2021). Blog Góp Nhặt Cát Đá đã giới thiệu quyển sách này vào tháng 8/2021: Trường Trận: Chiến lược Quy mô của Tàu để Thay thế Trật tự của Mỹ.

Thông thạo Hoa ngữ, tốt nghiệp PhD về political science và government tại Harvard, ông Doshi là Director of the Initiative on China Strategy tại Council on Foreign Relations và còn là Assistant Professor tại Edmund A. Walsh School of Foreign Service của Georgetown University. Từ 2021 đến tháng 3, 2024, ông Doshi là Deputy Senior Director for China and Taiwan Affairs tại Hội đồng An ninh Quốc gia – National Security Council (NSC) trong chính quyền Biden.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Tái xây dựng lại sức mạnh của Mỹ là một việc sẽ cần đến sự đồng lòng ở trong và ngoài nước—và cả từ chính Trump

Dự đoán về chính sách của chính quyền Trump sắp tới về Trung Hoa—và phản ứng có thể có của Trung Hoalà một trò chơi đoán mò. Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất, phương cách làm việc trên căn bản lợi nhuận của Donald Trump thường khác với phương cách làm việc của nhóm của ông với kế hoạch lâu dài để thắng đối phương (competitive approach). Những xung lực đối nghịch đó sẽ xác định nhiệm kỳ thứ hai của ông. Nhưng bất kể đến sự bất định xoay quanh cách hành xử của chính quyền Trump, thì thử thách chính yếu mà họ phải đối mặt rất rõ rệt: là phải đặt Hoa Kỳ ngay vào một vị trí vượt thắng Trung Hoa khi mà cánh cửa quan yếu của cuộc chạy đua bắt đầu đóng lại.

Trong thời gian đầu của chính quyền Biden, các giới chức cao cấp đã họp lại, đọc tin tình báo và kết luận rằng thập niên 2020s là thập niên quyết định trong cuộc cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Hoa. Không chỉnh đốn lại được cách hành động, thì Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ càng ngày càng bị Trung Hoa vượt qua về mặt công nghệ, phải lệ thuộc vào Trung Hoa về mặt kinh tế, và bị đánh bại về mặt quân sự ở Biển Đông hoặc Eo biển Đài Loan.

Chính quyền mới của Trump sẽ dẫn Hoa Kỳ đi qua nửa phần thứ hai của thập niên quyết định. Có nhiều việc phải làm. Những người được Trump chọn để lo về an ninh quốc gia, đặc biệt là Mike Waltz—cố vấn an ninh quốc gia, Marco Rubio— ngoại trưởng, và Elise Stefanik—đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, hiểu rõ nhiệm vụ trước mặt và có quan điểm phù hợp với sự đồng thuận đang gia tăng của lưỡng đảng về nhu cầu phải vượt thắng Trung Hoa. Trong việc theo đuổi kế hoạch lâu dài để thắng đối phương, chướng ngại lớn nhất của họ có thể lại là chính thói quen của Trump thích thỏa thuận (dealmaking), giao dịch trên lợi nhuận, và khen lao (flattery) Chủ tịch Tập Cận Bình, là những điều có khi làm suy giảm hiệu lực của những phương cách cứng rắn hơn của các cộng sự viên của ông, kể cả việc nới rộng kiểm soát xuất cảng và lên tiếng bảo vệ nhân quyền, cùng các biện pháp khác, lần đầu và không là lần cuối (the first time around).

Nếu các thành viên mới của chính quyền Trump có thể khắc phục thử thách đó, họ sẽ có cơ hội cải thiện vị trí tranh đua của Mỹ. Thu ngắn khoảng cách trong thập niên quyết định này có thể cần đến việc xây dựng đặt nền trên công trình của Tổng thống Joe Biden, giống như việc xây dựng của thời Biden đã đặt trên công trình của thời Trump trước đó. Chính quyền Biden tập trung vào việc tái xây dựng sức mạnh của Mỹ bằng cách tập trung vào các nền tảng trong nước và mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, một phương cách được tóm tắt trong nhãn hiệu “đầu tư, liên kết, cạnh tranh” (“invest, align, compete” tagline). Công thức đó cũng có thể được dùng như là một cách để thực hiện quan niệm của chính quyền Trump “hòa bình qua sức mạnh” (“peace through strength”). Nhưng việc tái xây dựng sức mạnh của Mỹ cũng sẽ đòi hỏi chính quyền Trump phải thực hiện những nỗ lực mới, một điều phụ thuộc vào sự hỗ trợ (support) của lưỡng đảng trong quốc hội và sự đồng lòng (buy-in) của quần chúng Mỹ.

Sức Mạnh Bắt Đầu Từ Trong Nước Strength Starts At Home

Một số câu hỏi cấp bách nhất về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa tập trung quanh các câu hỏi về chính sách trong nước, vốn kiến tạo nền tàng cho sức mạnh của Mỹ. Nhưng nền tảng của sức mạnh đó đã bị suy thoái, nhất là từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chính quyền Trump sẽ cần phải thực hiện các cải cách quan trọng về mặt cơ cấu để cải sửa những yếu điểm này.

Hoa Kỳ cần sửa chữa hệ thống kỹ nghệ quốc phòng (defense industrial base) của mình để nhanh chóng ngăn chặn Trung Hoa và, nếu cần, đánh bại họ trong một cuộc xung đột có thể xảy ra. Ngay hiện giờ, trong vòng một tuần giao tranh liên tục Hoa Kỳ sẽ dùng hết toàn bộ đạn dược của mình và sẽ phải khó nhọc để xây dựng lại các tàu chạy trên mặt nước (surface vessels) sau khi bị chìm, với khả năng đóng tàu của quốc gia còn thấp hơn một trong những hải xưởng đóng tàu lớn của Trung Hoa. Chính quyền Trump bắt buộc phải tập trung vào việc cùng một lúc xúc tiến và đẩy mạnh cả hai nhiệm vụ trên hai mốc thời gian khác nhau (making progress on two timelines): cần hai-năm để đưa thêm các hệ thống không người lái và tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trong vùng Indo-Pacific (Ấn Độ-Thái Bình Dương), cũng như cần năm-đến-mười-năm để phục hồi kỹ nghệ đóng tàu của Hoa Kỳ, vốn đã bị suy thoái trong nhiều thập niên mà không có một khu vực thương mại nào có đủ khả năng để duy trì kỹ nghệ này ở mức vẫn vận hành được tốt đẹp.

Washington cũng cần bảo vệ hạ tầng cơ sở quan trọng của mình trước những tấn công mạng. Trung Hoa đã xâm nhập hạ tầng cơ sở quan yếu của Hoa Kỳ—là nơi hàng triệu người Mỹ bị lệ thuộc, gồm các hệ thống nước và khí đốt, giao thông, và viễn thông—nhằm kích động hỗn loạn, gieo rắc kinh hoàng và làm giảm đi ý chí của Hoa Kỳ khi có xung đột. Một khi đầu tư vào khả năng tấn công, chính quyền Trump cũng phải tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ qua sự kết hợp các biện pháp quản lý, luật mới bắt các công ty phải chịu trách nhiệm về việc phòng thủ mạng lỏng lẻo, và đặt thêm nỗ lực tạo ra các kỹ thuật tân kỳ nhằm tạo thêm nhiều phức tạp chống lại khả năng xâm nhập mạng lưới của Hoa Kỳ.

Chót hết, Hoa Kỳ cần đầu tư vào việc tái kỹ nghệ hóa và lãnh đạo kỹ thuật (invest in reindustrialization and technological leadership). Tính ra Trung Hoa nắm hơn 30% ngành sản xuất toàn cầu (global manufacturing), có thể sáng chế thành công, đang ngày càng dẫn đầu trong các khu vực của tương lai (increasingly leads in the sectors of tomorrow) và đang chuyển hướng một lượng tư bản vốn rất lớn sang khu vực sản xuất khi thị trường nhà cửa của họ bị trì trệ. Kết quả là, một “cú sốc Trung Hoa” (“China shock”) thứ hai tương tự như cú sốc đã làm tràn ngập thị trường Hoa Kỳ với những hàng hóa rẻ tiền của Trung Hoa vào đầu thế kỷ này, sẽ đe dọa tương lai của Hoa Kỳ như là một cường quốc công nghiệp và khiến Hoa Kỳ lệ thuộc vào Trung Hoa nhiều hơn là Trung Hoa lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Giải quyết vấn đề này sẽ đòi hỏi không những thuế nhập cảng mà còn cả các chính sách công nghiệp để kích thích sản xuất và ngành công nghiệp kỹ thuật cao, và phối hợp với đồng minh và đối tác. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào các đồng minh, như thuế nhập cảng, sẽ làm phức tạp thêm việc Hoa Kỳ muốn chiêu mộ họ trong nỗ lực chống lại thặng dư sản xuất của Trung Hoa.

Để xúc tiến được chương trình nghị sự trong nước, chính quyền Trump không thể chỉ tuỳ thuộc vào thẩm quyền của ngành hành pháp. Mà chính quyền Trump sẽ cần sự hỗ trợ đáng kể rất quan trọng của lưỡng đảng trong quốc hội. Chính quyền Biden đã đưa ra một số sáng kiến về các vấn đề ​​trong nước theo cách này, bao gồm việc thông qua dự luật hạ tầng cơ sở và đạo luật CHIPS and Science Act, và chính quyền Trump có thể làm như vậy.

Chính quyền Trump cũng cần vận động quần chúng Mỹ. Kể từ vụ tấn công 9/11 năm 2001, mọi tổng thống Mỹ đều có bài diễn văn vào giờ cao điểm (primetime) từ Phòng Bầu dục đề cập đến một số khía cạnh của chính sách về Trung Đông. Không ai làm như vậy đối với Trung Hoa. Trump có thể cân nhắc đến việc phát biểu trước toàn dân chính sách về Trung Hoa, nhưng bằng cách nào mà ông đóng khung được bản chất của cuộc cạnh tranh với Trung Hoa thì sẽ quan trọng hơn việc ông có đọc diễn văn như vậy hay không. Với cách nói rành mạch nhưng không kích động, nhấn mạnh vào sự cạnh tranh (competition) nhưng không nhất thiết đối đầu (confrontation), và trực tiếp nối thẳng sự cạnh tranh với Trung Hoa với quyền lợi của dân Mỹ, Trump có thể kêu gọi quần chúng Mỹ, xã hội dân sự, giới học thuật và khu vực doanh nghiệp hợp lại đàng sau các nỗ lực của chính quyền.

Hợp Quần Gây Sức Mạnh – Strength In Numbers

Trung Hoa là một thách thức của Mỹ một phần do bởi kích thước. Dân số Trung Hoa nhiều gấp bốn lần dân số Hoa Kỳ. Đây là một nhà nước kỹ nghệ dẫn đầu thế giới (the world’s leading industrial state) và là đối tác mậu dịch lớn nhất của hơn 100 quốc gia. Để có thể cạnh tranh, Hoa Kỳ cần đạt đến một kích thước tương ứng. Để có thể trực tiếp đối đầu với Trung Hoa ở kích thước đó, con đường tốt nhất cho Hoa Kỳ là phải tìm đến các đồng minh và đối tác.

Sức mạnh của Mỹ lưu chuyển từ mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác phong phú của mình. Thêm vào việc chỉnh sửa những vấn đề về cơ cấu trong nước, chính quyền Trump sẽ cần nỗ lực thêm trong việc phối hợp với các quốc gia thân thiện trong hai lĩnh vực chính: kinh tế và kỹ thuật, và an ninh.

Để tránh cú sốc Trung Hoa thứ hai và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái kỹ nghệ hóa, chính quyền Trump sẽ cần hợp lại các thị trường của đồng minh và đối tác và liên kết với họ về các biện pháp thuế nhập cảng và những quy định bảo vệ kỹ nghệ Tây phương. Và để duy trì sự lãnh đạo kỹ thuật, chính quyền này sẽ cần hợp tác về mặt kiểm soát xuất cảng để ngăn chặn công nghệ nhạy cảm rơi vào tay Trung Hoa.

Để ngăn ngừa sự gây hấn của Trung Hoa ở Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, chính quyền Trump nên xây dựng trên những thành công do bởi sự hợp tác của chính quyền Biden trong khu vực, gồm liên minh AUKUS, là một quan hệ đối tác an ninh ba bên nhằm cung cấp cho Úc khả năng tàu ngầm hạt nhân; Quad, nhóm bộ tứ Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản hợp lại với nhau; và những nỗ lực nhằm đa dạng hóa sự hiện diện của những lực lượng quân sự Hoa Kỳ trên khắp Úc, Nhật, Papua New Guinea, Philippines và các nơi khác. Biện pháp đó đã làm nhụt đi nguy cơ của các hệ thống tên lửa của Trung Hoa gây nguy hại cho các lực lượng Hoa Kỳ gần Trung Hoa và cho phép Hoa Kỳ hoạt động uyển chuyển và vững chãi hơn. Về mặt phòng thủ răn đe (deterrence), việc này đòi hỏi phải cung cấp cho các đồng minh và đối tác những khả năng quân sự bất đối xứng (asymmetric capabilities) qua việc bán vũ khí và bằng cách đồn trú các đơn vị quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ của họ, như Hoa Kỳ đã làm gần đây qua việc dàn trải hệ thống tên lửa Typhon ở Philippines, nhằm gây ra những tổn thất cho hành động xâm lấn của Trung Hoa. Và cuối cùng, gần như chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ phải hợp tác với các đồng minh và đối tác để gây thêm tổn thất kinh tế và chính trị cho chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Hoa tại Á Châu, gồm cả các lệnh trừng phạt và tuyên bố được phối hợp trong phản ứng đối với hoạt động quân sự của Trung Hoa. Không thể thực hiện được bước nào trong các bước nói trên nếu Hoa Kỳ hành động chỉ một mình.

Việc chính quyền Trump có thể đạt được sự hợp tác trên các ưu tiên này hay không còn tuỳ thuộc vào cách họ đối xử với các đồng minh và đối tác. Giới lãnh đạo Âu Châu, với những lý do chính đáng, sợ rằng Trump sẽ đánh thuế nhập cảng lên nền kinh tế của các quốc gia châu Âu, cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, tạo sức ép lên Âu châu để gia tăng chi tiêu quốc phòng, và có thể mưu tìm một cách thức hòa hoãn riêng của Mỹ (possibly pursue its own form of détente) với Nga trong hy vọng rằng sự gia tăng thân thiện của Hoa Kỳ có thể làm yếu đi mối quan hệ Nga-Hoa. Các giới chức trong chính quyền nên dùng đòn bẩy của họ đối với các quốc gia Âu Châu để tạo ra một sự tái phối trí rộng rãi hơn (broader realignment) trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, để bảo đảm Âu Châu tăng cường khả năng phòng thủ, gia tăng hỗ trợ cho Ukraine, và áp đặt các biện pháp kinh tế và công nghệ cứng rắn hơn đối với Trung Hoa, chẳng hạn như kiểm soát xuất cảng, phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ. Phương cách này sẽ khôn khéo hơn là tiếp tục đòi hỏi trọn gói nhượng bộ ngay lập tức và sáng chói trong ngắn hạn sẽ phương hại đến các liên minh mà không tái phối trí được họ một cách có ý nghĩa. Tương tự, ở Á Châu, các mối đe dọa trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump về việc rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi các nước đồng minh, đòi trả tiền thêm cho các căn cứ của Hoa Kỳ, hoặc từ bỏ các cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ đều được dùng như những đòn bẩy thực sự của Hoa Kỳ. Nhưng những điều đó đã không tính đến một thực tế là các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực còn phải quan tâm đến tình hình chính trị nội bộ của họ, trong đó cử tri thường phản ứng tiêu cực trước áp lực công khai từ Hoa Kỳ. Một phương cách xử sự khéo léo của chính quyền Trump để chiêu mộ họ vào cùng chiến lược chống Trung Hoa sẽ có hiệu quả hơn.

Đe Doạ, Tháu Cáy, Và Hứa HẹnThreats, Bluffs, And Promises

Về phía Bắc Kinh, họ đã thực hiện các bước chuẩn bị đối phó với chính quyền sắp tới của Trump. Họ rất quan ngại về lời đe dọa Trump sẽ áp đặt 60% thuế nhập cảng lên hàng hóa Trung Hoa và đã có dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng trả đũa bằng thuế nhập cảng, kiểm soát xuất cảng, và các lệnh trừng phạt của chính họ, cũng như trấn áp (crackdowns) các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Hoa. Nếu các quan chức Trung Hoa tin rằng hành động trả đũa sẽ khiêu khích Trump leo thang hơn nữa, họ có thể sẽ kiềm chế, giống như đã hành xử trong cuộc chiến tranh mậu dịch ở nhiệm kỳ đầu của Trump. Tuy nhiên, nếu họ tin rằng sự trả đũa có thể khiến chính quyền Trump phải lùi bước vì sợ lạm phát gia tăng hoặc rủi ro cho các công ty then chốt của Mỹ, thì có nhiều khả năng họ sẽ phản ứng mạnh bạo, ngay cả có thể tìm cách “tiến 2 bước, lùi 1 bước” (escalate to de-escalate), một chiến thuật mà Bắc Kinh đã duyệt xét trước khi nhắm đến Micron, một hãng sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, và việc mới áp dụng kiểm soát xuất cảng lên các nguyên tố đất hiếm trong phản ứng trước việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng. Nhưng có một khả thể thứ ba: nếu Trump đánh 60% thuế vào thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ tổng thống và tỏ ra ít quan tâm đến thương lượng, và Trung Hoa kết luận rằng những rủi ro đối với nền kinh tế của họ (và danh tiếng của họ Tập) là những gì đe doạ đến sự tồn vong và không thể chịu đựng được (existential and intolerable), thì Bắc Kinh có thể không còn lựa chọn nào khác hơn ngoài việc phản ứng mạnh mẽ, bất kể đến phản ứng sẽ có của Hoa Kỳ.

Không rõ việc Trump đe dọa đánh thuế nhập cảng là chiến thuật đàm phán nhằm làm Trung Hoa phải thay đổi cách hành xử của họ, hoặc đó là chính sách không-thể-thương-lượng (nonnegotiable) của chính quyền Trump nhằm để tách Hoa Kỳ ra khỏi Trung Hoa hay hoặc đó là một sự trộn lẫn của cả hai. Đối với Bắc Kinh, kết quả tốt nhất có thể là hy vọng vào phần đầu tiên bên trên và, qua sự trộn lẫn giữa trả đũa và ngoại giao cá nhân, sẽ đưa đẩy đến một điều đình có thể gồm các biện pháp về mậu dịch, công nghệ và ngay cả chống ma túy. Để nâng cao khả thể đạt đến được một kết quả như vậy, sự trả đũa của Bắc Kinh đầu tiên có thể nhắm vào các công ty có quan hệ thân cận với Trump, kể cả Tesla của Elon Musk, để làm Mỹ nản lòng trong việc leo thang (incentivize de-escalation). Các quan chức Trung Hoa cũng có thể tìm cách tách Trump ra khỏi các cộng sự viên cứng rắn hơn của ông và nhắm vào những điều mà cá nhân Trump thích (play to his direct self-interest), như họ đã làm trong các cuộc đàm phán sau khi bắt đầu chiến tranh mậu dịch Hoa Kỳ-Trung Hoa trong nhiệm kỳ đầu của ông. Chiến lược của họ đưa đến kết quả là Trump không cho việc Trung Hoa đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông là quan trọng, bày tỏ sự ủng hộ các trại tập trung của nước này ở Tân Cương, đề nghị dỡ bỏ kiểm soát xuất cảng nhắm vào Huawei và ZTE, và ngay cả chấp nhận một thỏa thuận mậu dịch mà không đề cập đến cách hành xử chèn ép cạnh tranh kỹ nghệ của Trung Hoa (China’s industrial policy practices). Căn cứ theo những sự việc đã qua đó, có một khả thể là Bắc Kinh sẽ đưa ra một cuộc mặc cả to lớn với Trump theo đó việc kiểm soát xuất cảng chất bán dẫn và các chính sách không-thể-thương-lượng của Hoa Kỳ, có thể gồm cả chính sách của Hoa Kỳ— Đài Loan, sẽ được trực tiếp đàm phán với Bắc Kinh. Điều này đáng phải làm cho các thành viên có khuynh hướng cạnh tranh trong chính quyền Trump quan ngại. Một đề xuất như vậy cần nên bị bác bỏ.

Con đường khôn khéo nhất cho chính quyền Trump về việc đánh thuế nhập cảng có thể là con đường “luộc ếch” (“boil the frog”: ẩn dụ dựa theo một thí nghiệm khoa học vào thế kỷ 19: Bỏ ếch vào nồi nước ở nhiệt độ thường. Rồi đun nóng từ từ. Đến lúc nước sôi, ếch bị luộc chết mà vẫn không biết. – TTT) bằng cách tăng dần—hoặc dọa tăng—thuế nhập cảng, thay vì đánh thuế toàn bộ ngay lập tức. Cách này sẽ làm Bắc Kinh khó xử khi muốn phản ứng mạnh mẽ và tố cáo Hoa Kỳ là thế lực duy nhất gây rối loạn hệ thống mậu dịch. Cách này sẽ cho các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài có thời gian để điều chỉnh. Và điều này có thể cho phép Hoa Kỳ lấy ra được (extract) những nhượng bộ đáng kể từ Bắc Kinh bằng cách cho các nhà lãnh đạo Trung Hoa một khoảng không gian chính trị để bàn thảo trong nội bộ để tiến đến một thỏa thuận thay vì lập tức dồn họ vào chân tường và bắt buộc họ phải trả đũa.

Ngoài chiến tranh mậu dịch, Bắc Kinh sẽ tìm cách hành xử như một nhà lãnh đạo toàn cầu và miêu tả Hoa Kỳ là quốc gia đang nhanh chóng tuộc dốc. Bảy năm trước đây, trong phản ứng khi Trump đắc cử lần đầu tiên, họ Tập đã cố gắng đặt Trung Hoa vào vị trí của người cổ võ cho khuynh hướng toàn cầu hóa tại Davos, tuyên bố rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt dòng vốn tư bản, công nghệ, sản phẩm, kỹ nghệ và con người giữa các nền kinh tế… đều đi ngược lại trào lưu của lịch sử.” Cuộc chiến tranh mậu dịch cho thấy một cơ hội như vậy. Nhưng lần này, ngoài việc tuyên bố mình là người cổ võ cho hệ thống kinh tế toàn cầu, họ Tập có thể nhắm đến việc đặt Trung Hoa vào vị trí, dù là chuyện khó tin, của một trung gian hoà giải các cuộc xung đột hiện nay tại Trung Đông và Âu Châu.

Bắc Kinh cũng tin rằng việc căng thẳng với chính quyền Trump đòi hỏi họ phải cải thiện quan hệ với các cường quốc khác. Họ đã tăng cường liên lạc và tương tác ngoại giao với Âu Châu và Nhật Bản và mưu tìm một thỏa thuận nhằm giảm bớt căng thẳng biên giới với Ấn Độ. Trung Hoa đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, không phải chỉ để làm giảm đi áp lực đặt lên họ mà còn là để đưa ra một giải pháp thay thế theo đó các quốc gia này có thể chuyển sang nếu thấy cách đối xử của Washington là nặng tay trừng phạt. Bắc Kinh nhìn mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ như là một lợi thế chính yếu của Washington trong cuộc đua tranh địa lý chính trị, và họ hy vọng rằng việc chính quyền Trump thứ hai gây tổn hại đến các mối quan hệ đối tác đó—như chính quyền thứ nhất đã làm—có thể tạo các cơ hội mới cho họ. Vi thế, Trump không nên vô tình làm lợi cho Bắc Kinh theo cách này (not to play into Beijing’s hand in this way).

Việc chính quyền Trump làm cách nào sẽ hình thành được một chính sách ngoại giao song phương với Trung Hoa vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Các đường dây liên lạc hiệu quả nhất vẫn qua Toà Bạch Ốc, như thời Biden, là nơi ngoại giao ở cấp lãnh đạo và kênh liên lạc (channel) giữa cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ và giám đốc ủy ban đối ngoại Trung Hoa (China’s foreign affairs commission director) thì rất quan trọng không phải chỉ để quản trị sự cạnh tranh mà còn để trực tiếp truyền đạt những “cấm kỵ” (redlines). Chính quyền Trump có thể được lợi qua việc khởi động lại Cơ quan Quản trị An ninh Quốc gia (National Security Administration)— kênh liên lạc hàng ngang (level channel) do chính quyền Biden phát triển. Nhưng ngoại giao ở cấp lãnh đạo, mà với khuynh hướng làm việc của Trump là hay tùy tiện (improvise) và tìm kiếm thỏa thuận (seek deals), thì duy trì được một kế hoạch lâu dài để thắng đối phương sẽ là một việc khó khăn hơn.

Đặt sang một bên câu hỏi về ngoại giao song phương và thuế nhập cảng, chính quyền Trump sẽ phải đối phó với một chính sách đối ngoại chủ động và đối đầu hơn của Trung Hoa. Eo biển Đài Loan, sau một thời gian ngắn bớt căng thẳng, thì hiện đang thêm căng thẳng trở lại vì Bắc Kinh nghi ngờ sự lãnh đạo của chính quyền mới tại Đài Loan và những cuộc tập trận quan trọng của Trung Hoa thường xuyên diễn ra quanh Đài Loan. Vệc Trung Hoa tiếp tục quấy nhiễu các tàu của Philippines, kể cả các sự vụ xảy ra ở Second Thomas Shoa làm một số thủy thủ Philippines bị thương và có nguy cơ đẩy Hoa Kỳ đến chỗ phải thực thi các cam kết quốc phòng. Những sự việc này đã đặt Biển Đông ngay bên bờ khủng hoảng. Trung Hoa cũng đang hỗ trợ cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine theo những cách trơ tráo hơn, cung cấp cho Nga vật liệu cho cơ sở kỹ nghệ quốc phòng và, theo tình báo Âu Châu, hỗ trợ sát thương (lethal assistance).

Đối với nhóm chuyên lo về an ninh quốc gia sắp lên nắm quyền, thì giải quyết những khiêu khích của Trung Hoa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi phải thu xếp các xung đột ở Trung Đông và Âu Châu sẽ là cả một thử thách. Chính quyền Trump không nên để bị cuốn hút vào những xung đột đó và cần đặt ưu tiên trong việc khôi phục lại (revitalizing) các nguồn sức mạnh của Mỹ. An ninh quốc gia không chỉ đơn giản nằm ở nơi chính sách đối ngoại. Các cộng sự viên của Trump nên nhớ rằng chìa khóa cho thập niên quyết định này không chỉ là những gì Hoa Kỳ làm ở nước ngoài. Mà những gì Hoa Kỳ làm trong nước để cải thiện vị thế cạnh tranh của mình có thể còn quan trọng hơn.

Trần Trung Tín chuyển ngữ ◆ Ngày 10/12/2024


Mời Đọc Thêm: