I am doing everything I can to end the war with dignity for Ukraine this year
Volodymyr Zelenskyy, President of Ukraine – Ukrainian News, Jan. 2025
Trần Trung Tín
Ngày 24 tháng Hai, 2022: Nga đã đem 200.000 quân mở cuộc tấn công xâm lăng Ukraine. Bắt đầu cho Chiến tranh Nga-Ukraine.
Ngày 26 tháng Hai, 2022, theo tin của toà đại sứ Ukraine tại Anh: Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ đưa ông ra khỏi Kyiv, thủ đô của Ukraine.
Cũng theo tin này, Zelenskyy nói với Hoa Kỳ: “Cuộc chiến đang ở đây; Tôi cần đạn dược, không cần chuyến đi.” (“The fight is here; I need ammunition, not a ride.”)
Trong những ngày đầu cuộc chiến tranh, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tin là quân Nga sẽ nhanh chóng tiến chiếm thủ đô Kyiv và lật đổ chính quyền Ukraine.
Nhưng, Ukraine chứng minh rằng Putin đã sai lầm quá lớn: Sau hơn ba năm khởi chiến, quân Nga vẫn không thể vào được thủ đô Kyiv.
Mặt khác hai bên đều tổn thất nặng nề. Cho đến đầu tháng 3, 2025, quân Nga chiếm đóng khoảng 20% lãnh thổ phía Đông (màu đỏ) của Ukraine.

Ukraine và cuộc chiến tranh ủy nhiệm
Mặc dù các chiến binh của họ dũng cảm chiến đấu, Ukraine vẫn không thể sánh được với Nga – một cường quốc quân sự với vũ khí nguyên tử.
Về mặt vũ khí đạn dược, Ukraine còn đứng vững được cho đến nay là hoàn toàn nhờ vào sự trợ giúp từ các quốc gia Âu Châu, và nhất là Hoa Kỳ.
Về mặt chính trị, ngoại giao trên thế giới, Tổng thống Zelenskyy cũng đã liên tục nỗ lực trên mặt trận quan trọng này cho quốc gia của ông.
Tại các quốc gia nơi ông đến, Âu châu và Mỹ châu, Tổng thống Zelenskyy được đón nhận như một biểu tượng của sự chiến đấu bất khuất của Ukraine trước sự xâm lăng tàn bạo của Nga.

Tuy nhiên, đàng sau sự ngưỡng mộ và những yểm trợ kinh tế và vũ khi của các quốc gia đồng minh dành cho Ukraine, còn là một thực tế chính trị rất phũ phàng mà Ukraine phải đương đầu với chính các đồng minh này.
Từ vai trò chiến đấu chống quân xâm lăng Nga để bảo vệ đất nước lúc ban đầu, Ukraine đã bị đẩy sang vai trò “chiến đấu cho dân chủ và chống độc tài” trong cuộc chiến tranh uỷ nhiệm (proxy war) — với sự hỗ trợ của đồng minh Âu châu và Mỹ —để Ukraine ngăn chặn quân xâm lăng Nga, không để họ tiến sang Tây Âu.
Đàng sau những mỹ từ “đồng minh,” “đoàn kết,” “tuyến đầu giữa dân chủ và độc tài” – “the front line between democrats and authoritarians,” thì Ukraine vẫn chỉ đơn thân trên chiến địa. Song song với những danh xưng sáng ngời như “chiến sĩ cho tự do” là những thiệt hại nặng nề về nhân lực, tài lực chồng chất lên Ukraine.
Chưa hết, bên cạnh những thương tổn đó, sẽ vẫn luôn luôn là những tính toán lạnh lùng của các quốc gia “đồng minh” đang hỗ trợ Ukraine. Những tính toán lạnh lùng đó là để quốc gia của họ bỏ ra tài lực và nhân lực ít nhất, và đem lại lợi lộc cho quốc gia của họ nhiều nhất.
Đó là một thực tế chính trị rất tàn nhẫn mà một quốc gia ở vào thế yếu và bị rơi vào giữa gọng kìm trong sự tranh chấp của các cường quốc đều phải đối mặt.
Các thế lực lớn quanh chiến tranh Ukraine
Hiện đang tương tranh trong cuộc chiến tranh là ba cường quốc: Nga, EU (Liên minh Âu châu; với NATO về quân sự), và Mỹ.
◆ Nga: là kẻ xâm lăng, với Vladimir Putin có giấc mộng Đại Nga, muốn bành trướng lãnh thổ để trở lại thời kỳ của Liên Bang Xô Viết, đã sụp đổ năm 1991.
◆ EU (NATO): Từ vài thập niên qua EU đã không lưu tâm đúng mức đến quốc phòng, và gần như đã “giao khoán” việc phòng thủ Âu châu cho Mỹ 1.
Về phần tài trợ cho Ukraine, EU cũng không gánh chịu toàn bộ các khoản tiền để giúp Ukraine, đang là tuyến đầu ngăn chặn sự bành trướng của Nga.
Về mặt quân sự, việc EU gửi quân sang góp sức tại Ukraine, nếu có yêu cầu, vẫn chỉ là một “dự tính” đang được “nghiên cứu.”
◆ Mỹ: Cho đến nay, Ukraine khó đứng vững được trước sự tấn công của Nga nếu không có sự trợ giúp của Mỹ. Riêng đối với NATO, nhiều lần Mỹ đã yêu cầu các thành viên trong NATO gia tăng tiền chi tiêu cho quốc phòng của họ.
Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine, các quốc gia NATO đã cam kết sẽ chi ra 2% GDP của mỗi quốc gia để chi tiêu vào quốc phòng.

Nhưng nhiều thành viên NATO đã không thực thi cam kết đó. Như Đức và Pháp lần đầu tiên đạt được chỉ tiêu 2% GDP là vào năm 2024. Trước đó, đa số các thành viên NATO đều không đạt được chỉ tiêu này.
Hiện nay, chính quyền Trump không muốn tiếp tục yểm trợ Ukraine như trước đây. Họ muốn chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine, càng nhanh càng tốt.
“Redline” của Zelenskyy
Zelenskyy muốn có “bảo đảm an ninh” (security guarantees) cho Ukraine vì:
- Putin là kẻ lật lọng dối trá, và không có biện pháp kiềm chế, thì không thể tin tưởng vào “thiện chí hoà bình” của Putin qua những văn bản, giấy tờ.
- Năm 1994, Ukraine đã ký với Nga và Mỹ Trilateral Statement để giải trừ vũ khí nguyên tử. Đổi lại Ukraine nhận được “economic support” (yểm trợ kinh tế) và “security assurances” (lời hứa không gây hại an ninh) của Mỹ và Nga.
- Năm 2022, Nga tấn công Ukraine, vì lời hứa đó (security assurances) không có giá trị của những bảo đảm an ninh (security guarantees)—trong một “package” mà Zelenskyy muốn có cho Ukraine với nội dung có thể tương tự như Điều V của Hiến chương NATO – Article V of NATO.
“Redline” của Trump
Trump cần cả hai phe Ukraine và Nga ngồi vào bàn hội nghị, với những giới hạn:
- Trump không muốn Mỹ đứng ra “bảo đảm an ninh” cho Ukraine vì sẽ khiến Nga nghi ngại rằng lực lượng “bảo vệ hoà bình” của Mỹ đồn trú tại Ukraine, sát biên giới Nga, là một đe doạ trực tiếp đến Nga.
- Trump cũng không muốn Mỹ làm “hậu vệ” (backstop) cho lực lượng bảo vệ hoà bình của Âu châu. Vì như vậy, Âu châu lại vẫn sẽ “hiên ngang” đứng sau lưng Mỹ, với nhiều hứa hẹn suông và ít hành động thích đáng, như từ nhiều năm qua. Trump muốn thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này.
- Trump tin rằng sự hiện diện của Mỹ tại Ukraine trong vai trò cộng tác hoặc tái thiết kinh tế cho Ukraine đã đủ là một “bảo đảm an ninh” cho Ukraine vì Nga sẽ không dám tấn công vào các quyền lợi kinh tế của Mỹ tại Ukraine.
Biến chuyển chính trị về chiến tranh Ukraine
✦ Ngày 18/02/2025: Tại Saudi Arabia, hai phái đoàn Mỹ và Nga gặp nhau để bàn về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine, và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin. Phái đoàn Mỹ gồm ngoại trưởng Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia, Mike Waltz và đặc sứ vùng Trung Đông, Steve Witkoff, đã họp cùng phái đoàn Nga gồm ngoại trưởng Sergei Lavrov và cố vấn hàng đầu của Putin về chính sách ngoại giao Yuri Ushakov. Cuộc họp này không có sự hiện diện của Ukraine hay EU.
✦ Ngày 24/02/2025: Đánh dấu ba năm Nga xâm lăng Ukraine, Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết ES-11/7 với nội dung Advancing a comprehensive, just and lasting peace in Ukraine lên án sự xâm lăng của Nga vào Ukraine. Không như trước đây, lần này Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống (Against). Còn Ấn Độ và Trung Hoa không bỏ phiếu vì vắng mặt (Abstain).
✦ Ngày 24/02/2025: Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đến Toà Bạch Ốc gặp Trump với đề nghị đưa 30.000 quân bảo vệ hòa bình của Âu châu sang Ukraine, với lực lượng “hậu vệ” (backstop) là của Hoa Kỳ. Macron trở về và không nhận được sự cam kết của Trump.
✦ Ngày 27/02/2025: Thủ tướng Anh, Keir Starmer, đến Toà Bạch Ốc gặp Trump về nhiều vấn đề, trong đó có đề nghị của Macron về 30.000 quân của Âu châu. Như Macron, Starmer cũng không nhận được sự cam kết của Trump.
✦ Ngày 28/02/2025: Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, đến Toà Bạch Ốc, để ký kết với Tổng thống Trump một thoả ước quan trọng về khoáng sản.
Nhưng thay vì ký kết, cuộc họp đã bùng nổ thành một “chiến trường” làm náo động cả thế giới.
Xem Youtube video của White House: President Trump and Ukrainian President Zelenskyy in Oval Office, Feb. 28, 2025.
“Hành trang phó hội” của Zelenskyy
✦ Trước ngày đến họp tại White House, chắc chắn Zelenskyy phải hoàn toàn nắm vững chi tiết các biến chuyển chính trị vô cùng bất lợi cho Ukraine như ghi trên.
✦ Món nợ chính trị với Trump: Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, Zelenskyy khước từ yêu cầu của Trump để điều tra Hunter Biden về việc “làm ăn” bên Ukraine, liên quan đến việc Trump bị luận tội (impeachment).
✦ Ủng hộ đối thủ của Trump: Trong mùa bầu cử tổng thống 2024, bà Đại sứ của Ukraine tại Hoa Kỳ đã thu xếp cho Zelenskyy đến thăm xưởng chế tạo đạn dược tại Pennsylvania— “tiểu bang chiến địa” rất quan trọng trong cuộc bầu cử.

Cuộc viếng thăm này của Zelenskyy được Team Trump xem là để vận động cho bà Phó Tổng thống Kamala Harris—ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ. Mặc dù bà Harris và Thượng nghị sĩ Bob Casey (ảnh bên trên) đều thất cử, nhưng ấn tượng xấu về Zelenskyy nơi Trump càng thêm đậm nét.
✦ Buổi sáng ngày 28/02/2025, trước khi “vào hang cọp,” một nhóm các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của cả hai đảng Dân Chủ (DC) và Cộng Hoà (CH), gồm Lindsey Graham, CH-South Carolina., Chris Coons, DC-Delaware, và Amy Klobuchar, DC-Minnesota, và vài vị khác, đã họp với Tổng thống Zelenskyy để “khuyến khích” (“encouraging” ) và “chỉ dẫn” (“coaching”).

“Really good bipartisan meeting before President Zelensky heads to the White House. We stand with Ukraine” – Amy Klobuchar posted on X, Feb. 28, 2025.
✦ Theo ABC News, trong buổi họp này, Thượng nghị sĩ Graham và vài vị khác đã thúc giục (urged) ông Zelenskyy là trong buổi họp đừng có để bị “sập bẫy” (“take the bait”) của Trump. Ông Graham còn sỗ sàng (blunt) nói thẳng với ông Zelenskyy là nên “khúm núm một chút” (“suck up a bit”) và cám ơn ông tổng thống cho nhiều (thank the president extensively).
Những trình bày trên cho thấy trước khi đến White House gặp Trump vào ngày 28/02/2025, Zelenskyy đã được chuẩn bị trước. Và chắc chắn Zelenskyy biết là sẽ có nhiều khó khăn và trở ngại to lớn đang chờ đón ông tại đó.
Bi kịch chính trị của thế kỷ
Có thể nói gần như tất cả mọi người trong giới báo chí, chính trị, ngoại giao… cả đồng minh lẫn kẻ thù của Ukraine đều nghĩ là buổi họp ký kết sẽ nhanh chóng kết thúc với những bắt tay “hữu nghị” giữa Ukraine và Mỹ.
Thế nhưng, cả thế giới đều “kinh hoàng” trước những trận “mưa pháo” và “phản pháo” tới tấp trong cuộc đụng độ nẩy lửa giữa Tổng thống Zelenskyy và Tổng thống Trump cùng Phó tổng thống J.D. Vance, ngay tại White House.

Trận “song đấu” giữa Ukraine (Zelenskyy) và Mỹ (Trump và J.D. Vance) có thể được ví như là cuộc chiến giữa cậu bé David và ông khổng lồ Goliath. Nhưng “ông khổng lồ” không ngã gục mà “cậu bé” cũng không đạt được chiến thắng.
Khi thấy Zelenskyy tay không rời khỏi White House, không ít dư luận cho rằng Zelenskyy thiếu khôn ngoan, kém ngoại giao nên đã “nghênh ngang” làm chuyện trứng chọi đá. Hoặc nói theo kiểu Mỹ là: Bite the hand that feeds you.
Mặt khác, về phía Mỹ, Tổng thống Trump và Team Trump cũng bị nhiều dư luận phê phán là ỷ mạnh, thô bạo ức hiếp người yếu kém, cô thế. Cũng như, Team Trump đã “dàn dựng” (setup) và “phục kích” (ambush) Tổng thống Zelenskyy.
Rồi các bình luận gia, từ đủ mọi băng tần, đủ mọi quốc tịch, cuồng Trump, chống Trump, thương Zelenskyy, ghét Zelenskyy cứ thế mà “thuyết minh,” “luận giải” về sự thể nóng bỏng đã diễn ra trên “võ đài chính trị” ngay tại White House.
Hãy không bàn đến sự việc này trong chiều hướng như trên. Mà hãy tập trung vào một khía cạnh khác. Đó là xét đến kết quả trên “bảng ghi điểm” của hai bên.
Sau cuộc “oanh kích tự do” nói trên, “kiểm điểm quân số” hai bên thì:
✦ Ukraine―Zelenskyy: Được gì? Mất gì?
✦ Hoa Kỳ―Trump: Được gì? Mất gì?
Ukraine―Zelenskyy: Được gì? Mất gì?
Mục đích chính của Zelenskyy trong lần họp đó với Trump là muốn Ukraine có được bảo đảm an ninh trước khi ký kết thoả ước về khoáng sản.
Tuy nhiên, có khá nhiều phần trăm là Zelenskyy đã biết trước phía Mỹ sẽ không đáp ứng đòi hỏi hay yêu cầu như vậy của ông vì những toan tính, sắp xếp cho nhu cầu chiến lược lâu dài của họ, như đã tóm tắt trong phần ‘”Redline” của Trump’.
Do vậy, câu hỏi hợp lý kế tiếp sẽ là: Đã biết vậy, tại sao Zelenskyy lại “húc đầu vào tường” để gây thêm xích mích, căng thẳng với Team Trump?
Kết quả trước mắt là rõ ràng Zelenskyy không được lợi gì cả từ Team Trump!
Thế nhưng, khi cho NỔ “long trời, lở đất” ngay tại White House, Zelenskyy đã đưa vận mạng của Ukraine ra trước công luận thế giới để Ukraine không bị “thế giới” lãng quên trong những giờ phút quyết định. Và còn để những toan tính, mưu mô trên bàn cờ chính trị của các cường quốc không thể nhận chìm Ukraine.
Tiếng NỔ vang dội đó còn đánh thức Âu châu ra khỏi cơn mê ngủ nhiều thập niên:
Trước một Putin tham vọng và một nước Nga hiếu chiến: An Ninh của Ukraine hôm-nay chính là An Ninh của Âu châu ngày-mai.
Trước sức tấn công của Nga, như Trump đã “đỏ mặt, tía tai” to tiếng: Không có Mỹ trợ giúp, Ukraine chỉ có thể đứng vững trong hai tuần!
Và Trump thẳng thừng nói với Zelenskyy về việc thoả thuận với Nga:
Hoặc các anh sẽ thỏa thuận hoặc chúng tôi sẽ rút ra, và nếu chúng tôi rút ra, các anh sẽ phải giải quyết lấy. Tôi không nghĩ điều đó sẽ tốt đẹp, nhưng các anh sẽ phải giải quyết lấy.
You’re either gonna make a deal or we are out, and if we’re out, you’ll fight it out. I don’t think it’s gonna be pretty, but you’ll fight it out.”
Rõ ràng là: Không còn có thể trông chờ vào người Mỹ—như một “The world leader”—để tiếp tục đứng ra giúp bảo vệ Ukraine bằng quân sự.
Một cách vắn tắt:
- Tiếng nói vô vọng của Zelenskyy trong buổi họp lịch sử đó như tiếng kêu cứu thống thiết của Ukraine: Mayday! Mayday!
- Qua “máy truyền tin” đại chúng, các đồng minh Âu châu cũng nhận được tín hiệu khẩn cấp báo nguy của Ukraine: SOS! SOS!
- Các lãnh tụ tại Âu châu chắc chắn nhận được và họ phải tự hỏi: What’s Next?
Để trả lời câu hỏi “What’s Next?”: Chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau trận “hỗn chiến” tại White House giữa Zelenskyy và Trump & J.D. Vance, Âu châu đã cấp tốc triệu tập hội nghị thượng đỉnh về Ukraine tại London, Anh, ngày 02/3/2025.
Với sự tham dự của 16 vị nguyên thủ của các quốc gia: Anh (tổ chức), Ba Lan, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Hoà Lan, Italia, Na Uy, Pháp, Phần Lan, Romania, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, và Ukraine.
Cùng là hai vị đứng đầu hai ủy ban trong EU và ông tổng thư ký của NATO.

Theo tin PBS, ngày 2/3/2025: Thủ tướng Anh, Keir Starmer, nói với các lãnh tụ đến họp hội nghị thượng đỉnh là họ phải nhanh chóng bước ra và tiếp tục hỗ trợ Kyiv và đối phó với “khoảnh khắc chỉ một lần trong một đời” (“once in a generation moment”) cho an ninh của châu Âu.
Có thể nói chắc và hoàn toàn không sợ sai là:
Nếu Zelenskyy không dám cho “Nổ Lớn” tại Toà Bạch Ốc, thì Âu châu sẽ không triệu tập hội nghị thượng đỉnh Sunday về Ukraine như trên. Và nếu như thế, an ninh của Ukraine rồi sẽ chỉ là chuyện “bên lề” của Âu châu.
Còn sau cuộc họp lịch sử trên tại White House, cá nhân của Zelenskyy đã bị mất gì? Ông chẳng mất gì đáng kể, nếu so với việc Ukraine bị mất.
Hoa Kỳ―Trump: Được gì? Mất gì?
Sau buổi họp lịch sử đó, hẳn Tổng thống Trump phải nên cám ơn Tổng thống Zelenskyy vì nhờ đó mà “Message” của ông đã đến thẳng các giới lãnh đạo và cả toàn thể Âu châu một cách mạnh mẽ và dõng dạc:
Âu châu phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm chính yếu về an ninh lãnh thổ của chính họ tại lục địa Âu châu.
Đúng như điều mà chỉ hai ngày sau buổi họp trên, tại hội nghị thượng đỉnh Sunday tại London ngày 02/3/2025, Thủ tướng Anh đã nói:
Cùng với các nước khác, châu Âu phải gánh vác trọng trách nặng nề nhưng để hỗ trợ hòa bình nơi lục địa của chúng ta và để thành công, nỗ lực này phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Chúng tôi đang làm việc với Hoa Kỳ về điểm này.
Together with others, Europe must do the heavy-lifting but to support peace in our continent and to succeed, this effort must have strong US backing. We’re working with the US on this point.
Ngoài ra, nhờ Zelenskyy, Trump có cơ hội phô diễn con người chính trị “rất thật” và vô cùng “sống động” của ông qua ống kính TV để đến với khán giả toàn thế giới!
Qua đó, các lãnh tụ thế giới—cả bạn lẫn thù—đều có thể thấy Trump “dám nói, dám làm” và không màng đến chuyện “political correctness” hay “lịch thiệp ngoại giao,” để “Message” của ông không thể bị “hiểu lầm!”
Đã có rất nhiều dư luận phê bình là Trump làm như vậy đối với Zelenskyy là để làm vừa lòng Putin/Nga. Điều phê bình này không sai.
Nhưng việc “làm vừa lòng” đó không phải là vì Trump sợ Putin hay sợ Nga mà trước tiên là để Putin/Nga có thể “yên tâm” chịu bàn chuyện hoà bình với Ukraine.
Xa hơn nữa, có thể Trump còn nhằm làm thân với Nga để “kéo” Nga ra khỏi quỹ đạo của Tàu. Nếu không vào quỹ đạo của Mỹ, thì Nga cũng có thể giữ trung lập. Như vậy vẫn tốt hơn là để Nga lúc nào cũng nặng lòng xem Mỹ là “Enemy No. 1”.
Cũng tương tự, trong Chiến Tranh Lạnh, Tổng thống Nixon đã thân chinh sang viếng thăm Chủ tịch Mao vào năm 1972, ngay tại Bắc Kinh—và ông Mao không sang Washington để viếng thăm đáp lễ. Khi đó cũng có dư luận trong nước Mỹ chỉ trích Nixon là đã “xuống nước.” Tuy nhiên, ông Mao rất vừa lòng trước sự “xuống nước” của Nixon. Sau khi đạt được sự “thân thiện” hơn của Trung Hoa, Mỹ đã bớt lo về “gánh nặng Á châu” và tập trung vào khối Sô Viết bên Âu châu.
Chiến Tranh Lạnh chấm dứt năm 1991, Liên Bang Xô Viết vỡ ra thành 15 quốc gia, trong đó có Nga. Từ đó, Nga và Âu châu không còn là ưu tiên #1 của Hoa Kỳ.
Hiện nay, mối lo chính yếu nhất của Hoa Kỳ là một Trung Hoa đầy tham vọng và ngày càng bành trướng. Đó là điều chính quyền Trump đã công khai công bố.
Còn sau “trận đấu võ tự do” với Zelenskyy, trên “bảng ghi điểm” Trump đã mất gì? Chắc chắn Trump mất đi “lòng yêu mến” của những người vốn đã ghét Trump!
Sân khấu chính trị thế giới và diễn viên chính
Nhìn lại Trump và Zelenskyy—hai nhân vật chính trong buổi họp lịch sử tại White House, thì thấy họ có điểm tương đồng. Đó là cả hai đều có “background” về kịch nghệ và diễn xuất.
Zelensky xuất thân là kịch sĩ hài hước (comedian) trở thành Tổng thống.
- Là diễn viên hài hước, còn thêm sáng tác (create) và sản xuất (produce) bộ phim truyền hình của Ukraine: Servant of the People (2015 TV series)
- Có nhiều khả năng trong việc tạo hình ảnh tốt cho mình trước công chúng qua phong thái “người hùng đang đi đầu trong công cuộc bảo vệ đất nước”
- Biết cách tận dụng phương tiện truyền thông để khơi dậy lòng yêu nước và cảm xúc của người dân Ukraine; và gây được sự đồng cảm của quốc tế
Trump đáng được kể vào hàng bậc thầy của showbiz cũng trở thành Tổng thống.
- Từng là host của The Apprentice (American TV series) trong 12 năm
- Diễn xuất có hạng trong vai “ông Ác” và có biệt tài “chọc điên” thiên hạ
- Biết cách tạo ra “sự kiện” để thu hút sự chú ý và tạo ảnh hưởng lên dư luận
Không thể biết là hai “diễn viên chính trị” Zelenskyy và Trump có “đọc trước” kịch bản “Bi Kịch Chính Trị Của Thế Kỷ” được diễn xuất tại White House hay không.
Tuy nhiên, xét theo phương diện truyền thông đại chúng, thì cả hai “tài năng” trên đều đã diễn xuất tuyệt hảo trên sân khấu chính trị và đưa ra được trước công luận thế giới sự bi đát của một Ukraine cùng kiệt, nếu không được cứu giúp.
Hy vọng rằng nhờ vào “hai diễn viên chính trị” có tầm vóc thế giới này mà trong những ngày sắp tới an ninh của Ukraine có nhiều cơ hội được cải thiện và bảo đảm hơn —với sự quan tâm và hành động đúng mức của Âu châu và cả Hoa Kỳ.
Trần Trung Tín ✦ Ngày 5 tháng 3, 2025
Chú Thích:
-
Nhưng nếu Âu châu muốn có tiếng nói về tương lai của chính mình, họ sẽ cần phải tìm ra ý chí để thay đổi điều này, và phải làm nhanh. Phải vứt bỏ niềm tin cũ, thoải mái tin rằng vai trò chính yếu của chính quyền chỉ là để cung cấp các dịch vụ và tái phân phối phúc lợi của nhà nước, trong khi quốc phòng được cung cấp bởi người trả thuế cách xa cả một đại dương. Châu Âu phải tái vũ trang, và phải nhanh cấp kỳ, với hội nghị thượng đỉnh tại London, Chủ Nhật ngày 02/3/2025, đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình này.
The Telegraph, February 28, 2025: Yet if Europe wishes to have any say over its own future, it will need to find the will to change this, and fast. The old, comfortable belief that the primary role of government is to provide the services and redistribution of the welfare state, while defence is provided by taxpayers an ocean away must be discarded. Europe must rearm, and at pace, with Sunday marking the first step in this process.
Một bài viết, tổng hợp quá xuất sắc!
Chính xác, cập nhật hoá tài liệu , trình bày mạch lạc.
Không nghi ngờ gì nữa! Người viết đã vượt xa các đàn anh. Tương lai còn thấy những bài mà không ai có khả năng phản biện.
Xin cám ơn anh Tuan Ngoc Tran. -TTTín
Xin cám ơn tác giả Trần Trung Tín,
Bài viết với đầy đủ những dữ kiện trung thực cùng những nhận định, phân tích rất logic, thuyết phục, giúp một người sống hai nơi, Âu Châu và Hoa Kỳ như tôi thấu hiểu được nội tình, bớt ưu tư hơn để hy vọng về một nền hòa bình thực sự và bền vững cho Ukraine.
Vốn là một người lính cầm súng và từng bị đồng minh quay lưng, tôi rất cảm thông cho số phận của Ukraine và đặc biệt ngưỡng phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của dân, quân Ukraine dưới tài lãnh đạo của TT Zelensky. Họ đúng là một dân tộc anh hùng. Cầu mong chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ không vì bất cứ lợi ích gì mà bỏ rơi họ. Xin cầu nguyện cho họ giữ được quê hương trong an bình và danh dự!
Họ rất xứng đáng để được như thế!
Xin cảm tạ anh Phạm Tín An Ninh. -TTTín
Anh Tín, Bài tổng kết và phân tích của anh rất có gia trị. Tôi đề nghị anh lưu trữ bài viết nầy để những ai chưa đọc bây giờ thì sẽ có cơ hội đọc sau nầy.
Xin cám ơn ý kiến của anh Trung Nguyen. Bài đăng trên web cũng là một cách lưu trữ để người đến sau có thể đọc được thưa anh. Còn một cách nữa là in sách, mà chắc cũng còn lâu lắm mới thực hiện được! 😀 -TTTín
Cảm ơn anh TTTín- Bài phân tích khách quan. Đọc thấy hiểu biết ra, chứ không giống mấy bố viết chính trị cứ tù mù- thích ai thì viết ngon lành, không thích thì chửi bới- Em đã đọc một số bác viêt, nhưng không thể đọc hết bài- bởi cái tâm không trong sáng, viết theo cảm tính yêu ghét riêng. Chúc anh và gđ an vui. ĐT
Cảm ơn anh Đỗ Trường. Đã là người thì ai cũng có cảm tính yêu ghét hết cả. Nhưng mà, theo tôi nghĩ, khi đã viết xuống cho người khác đọc, thì cũng phải nên biết tôn trọng người đọc và cả tôn trọng chinh mình nữa, cho nên cần nên viết cho công bình một chút. Cám ơn anh đã chia sẻ ý kiến. -TTTín
Bài viết của anh TTT là một tổng kết và nhận xét rất hay, tinh tế, và đầy đủ về màn trình diễn của “Trump-Vance vs Zelenskyy”. Cá nhân tôi không có gì thêm/bớt hay bàn ra/tán vào gì cả, ngoài vài ý nghĩ rất cá nhân:
* Màn trình diễn nói trên khiến Âu châu giật mình là ông Trump đã chứng tỏ là người không chỉ nói chơi, mà làm thiệt. Thế cho nên đã lập tức … họp thượng đỉnh để tìm cách đối phó. Thế nhưng qua mấy cuộc họp, thì kết quả cũng chỉ là văn thư, nghị quyết, hứa hẹn linh tinh rất … Tây mà thôi.
* Các cuộc họp thượng đỉnh, hạ đỉnh, đi đêm, đi ngày … của dân Tây vẫn không hề quên lời … nhắc nhở là Mỹ luôn phải “giúp đỡ” bằng tiền và, đương nhiên, cả sinh mạng của thanh niên Mỹ.
Ngày xưa, trong chúng ta, có nhiều người cũng mặc áo lính, cầm súng đánh giặc. Nhưng là đánh giặc để giữ miền Nam tự do, chứ đâu phải đánh giặc cho Tây, để chúng ngồi rung đùi uống rượu vang, ăn cheese và tán phét.
Những người Mỹ gốc Việt có con cháu đang phục vụ trong quân đội Mỹ, hiện cầm súng đánh giặc đâu đó trên thế giới nghĩ sao? Có giật mình như dân Tây hay không? Chắc không thể ngồi uống bia, rung đùi xem tin tức, nghe lời bàn chính trị trên TV, mà quặn thắt ruột gan khi nghĩ đến câu thơ:
“Chàng từ khi vào nơi gió cát
Đêm trăng này nghỉ mắt nơi đâu?”
Và rồi có cay mắt với câu:
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn.”
* Bản tính của con người là thương hại kẻ yếu, thế nhưng sao không tự biết rằng Âu châu không yếu?
– Pháp đã từng thống trị Việt Nam và Đông dương cả trăm năm, bây giờ vẫn còn nhiều thuộc địa.
– Anh có thuộc địa khắp thế giới. Chẳng thế mà có câu “Mặt trời không bao giờ lặn ở vương quốc Anh.”
– Đức đã một thời làm điên đảo cả thế giới, và hiện nay là giàu nhất Âu châu.
Toàn là “dân Tây anh hùng và vĩ đại” cả. Thế tại sao bây giờ dân Mỹ vẫn phải góp tiền giúp họ? Con cháu Mỹ vẫn luôn phải cầm súng đánh trận cho dân Tây?
Vẫn biết trong chúng ta cũng có người có lòng đại từ bi, to hơn nòng đại bác. Thế nhưng cá nhân chúng tôi chưa từng đi tu, nên nghĩ rằng “đóng thuế nuôi Tây” và đưa con cháu đi “đánh giặc hộ cho Tây” thì cũng xin lỗi trước và nói tiếng “không” đi sau.
Đóng thuế, góp tiền nuôi Tây thì được, vì đóng thuế là bắt buộc, còn tiền đưa cho ai thì chưa chắc Elon Musk đã biết hết. Thế nhưng, ít ra, cũng biết là rất nhiều tiền thuế của dân Mỹ, trong đó có chúng tôi, được dùng để nuôi Tây, và bây giờ chúng vẫn vừa chửi, vừa chế nhạo, vừa giơ tay biểu quyết, ký nghị quyết … đòi thêm.
Thôi, chúng tôi xin tạm dừng ở đây, tuy chưa đủ tiêu chuẩn “5 bullet points” của Elon Musk, nhưng nếu thêm hai bullet nữa, thì nếu không phải là đạn thật, thì cũng là những câu chửi thề. Nhưng chửi thề thì người đọc phải nghe chứ Tây nó có nghe đâu !!!
Cám ơn anh BPT đã nói đến “5 bullet points” của Elon Musk, mà chỉ mới đưa ra “3 bullet points” thôi:
– Pháp đã từng thống trị Việt Nam và Đông dương cả trăm năm, bây giờ vẫn còn nhiều thuộc địa.
– Anh có thuộc địa khắp thế giới. Chẳng thế mà có câu “Mặt trời không bao giờ lặn ở vương quốc Anh.”
– Đức đã một thời làm điên đảo cả thế giới, và hiện nay là giàu nhất Âu châu.
Xin mạn phép được góp thêm “2 bullet points” còn thiếu. 😀
– Nga: đế quốc Nga đang “giãy chết”, mà thói thường trước khi chết thì phải “giãy dụa” để tìm cách hồi sinh.
– Ukraine: “nút chặn” quân Nga “tây tiến” để “hồi sinh” đang sắp bị “gỡ bỏ.”
Lần này mà Âu châu không “seriously” điều chỉnh lại cách “xử thế” của họ và tiếp tục muốn “gamble” với Trump, thì họ sẽ có nhiều dịp để “Fight it out”, nói theo ngôn ngữ của Trump.
Chỉ tội nhất là những người dân lành và các chiến sĩ của Ukraine. -TTTín
TTT: Nga: đế quốc Nga đang “giãy chết”, mà trước khi chết thì phải “giãy dụa” để hồi sinh.
BPT: Nếu gọi Nga là đế quốc thì gọi Pháp và Anh là gì? Binh pháp có nói rằng “Không nên dồn ai đến bước đường cùng. Có đánh cũng phải chừa cho địch một đường lui, đường sống. Dồn địch đế bước đường cùng thì nó còn gì ngoài việc cùng chết cả?” Cá nhân chúng tôi, kiếp trước, đã từng tham chiến, và đã từng đối diện với hoàn cảnh để đưa đến quyết định “táp pi”. Nhưng may là chưa tận số, nên mới còng ngày hôm nay để … tán phét.
NATO lập ra để chống sự bành trướng của Liên Xô. Nay Liên Xô đã vỡ tan, chỉ còn Nga. Thế nhưng Âu châu vẫn muốn vây Nga, và Ukraine là vùng địa dư rộng lớn còn hỏ ở phía tây. Ukraine gia nhập NATO thì Nga chỉ còn đường chạy lên Bắc cực mà thôi. Tại sao không ai có ý kiến là Ukraine trở thành quốc gia Trung Lập? Ukraine đất rộng, người đông, dân trí thông minh, can đảm, đồng thời là vựa lúa của Âu châu. Nếu Ukraine là quốc gia Trung Lập thì “win win” cho cả thế giới.
Theo thiển ý thì nếu Ukraine không trung lập, thì miền đông (biên giới giữa Ukraine và Nga), nên trở thành DMZ, và Mỹ sẽ khai thác quặng mỏ ở nơi này. Như thế Mỹ sẽ phải bảo vệ lợi ích quốc gia ở đấy, và Nga chắc cũng chẳng muốn “vuốt râu” Mỹ. Nơi đây cũng xin nhắc lại là, Nga dã ngỏ lời là “Nước Nga có nhiều quặng mỏ và đất hiếm hơn Ukraine, đông thời muốn mời Mỹ bỏ tiền vào để khai thác.” Đây là thực tế, Nga là quốc gia thứ tư trên thế giới về quặng mỏ và đất hiếm.
Tóm lại, nước Nga phải “giãy dụa” là “điều kiện ắt có và đủ” để tìm đường sống.
TTT: Ukraine: “nút chặn” quân Nga “Tây tiến” để “hồi sinh” đang sắp bị gỡ bỏ.
BPT: Ukraine gia nhập NATO là “bít đường” hay “bao vây tứ phía” nước Nga. Hay đúng ra, như đã nói ở trên, là Nga không còn đường thoát, ngoài Bắc cực. Nghĩa là không chết đói thì chết rét. Đằng nào cũng chết. Thế thì tại sao lại không “Xông vào chỗ chết để tìm đường sống.” Bao nhiêu người Việt Nam sau 30 tháng tư 1975 đã làm như thế? Kết quả ra sao? Rất nhiều người trong chúng ta có câu trả lời rõ ràng.
Nếu gọi Nga có mộng “Tây tiến” thì cũng nên gọi NATO là “Đông tiến”. Như thế nếu cả đôi bên dừng quân thì hiển nhiên là việc nên làm. Và đây là việc ông Trump đang làm. Ngày xưa Mạnh Tử (?) đã từng phát ngôn “Đi mòn chân khắp thiên hạ cũng không thể tìm thấy ai làm việc gì mà không có lợi cho họ cả.” Thế cho nên hoà bình ở Ukraine là có lợi cho cả “thiên hạ”. Mà “thiên hạ” ngày nay lớn hơn đất tàu rất nhiều.
Nên nhớ, quy luật bất thành văn của chiến tranh là khi ký kết hoà bình thì vùng đất nào cắm cờ của phe nào thì chủ quyền sẽ thuộc về bên đó. Điều này đã chứng minh cho việc chủ quyền sau Thế chiến Thứ Nhì ở nước Đức, và ở Việt Nam, sau hiệp định Paris 1973. Cá nhân chúng tôi đã từng phải đi “gỡ cờ” cả năm trời “mệt không nghỉ.” Thế cho nên việc ông Zelenskyy muốn đòi lại Crimea và vùng đông Ukraine là không thể tự dưng mà được.
Tóm lại, không buộc Nga vào chỗ chết, và không “gỡ bỏ” Ukraine là sách lược của ông Trump đang làm. Theo thiển ý thì nếu Khổng Minh, Tư Mã Ý và Tôn Tử của tàu có đội mồ sống dậy, sau khi đã được thông dịch viên dịch cho hiểu sách lược của ông Trump, thì cũng phải cúi đầu chào. Nhân đây cũng xin nhắc là các nhân vật của tàu chỉ là nhân vật được tiểu thuyết hoá, còn việc làm của ông Trump là đang hiện ra trước mắt chúng ta. Cho dù giới truyền thông cánh tả vẫn tìm cách “xoay sở, vặn vẹo” tin tức, thì cũng có người nhìn ra sự thật.
TTT: Chỉ tội nhất là những người dân lành và chiến sĩ của Ukraine.
BPT: Đồng ý với câu nhận xét trên của TTT. Cá nhân chúng tôi đã từng viết “Người lính là người thiệt thòi nhất. Họ có thể thiệt thòi cả sinh mạng để gìn giữ an ninh cho dân chúng, toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia. Thế nhưng họ lại thường được nhắc nhở là chiến sĩ vô danh.” (Xin dừng lại vài phút để vào phòng vệ sinh, đóng cửa, chửi thề …)
Câu hỏi ở đây là “Tại sao ông Zelenskyy không muốn hoà bình? Như thế có nghĩa là ông ta không thương dân và không thương lính.”
Có người sẽ nói: Ông Zalenskyy không muốn trao đổi khoáng sản với Mỹ để đổi lấy hoà bình. Vì như thế sẽ giống như “bán nước”.
Câu trả lời là “Giữa việc mất một phần khoáng sản hay mất nước thì chọn bên nào? Vả lại Ukraine không có khả năng khai thác khoáng sản thì có cũng như không. Đồng thời vùng đất mà Mỹ muốn hiện đang nằm trong tay của Nga, nghĩa là đã mất rồi, thì có đồng ý cho không cho Mỹ, cũng không thể coi là mất đất được, chứ nói chi là để đổi lấy hoà bình. Dùng khoáng sản để Mỹ phải bảo vệ lợi ích của họ, Nga không dám, hay không muốn, xâm lăng thì có khác gì là Mỹ đã bảo đảm an ninh cho Ukraine?”
Ai có lý luận nào khác xin lên tiếng, để chúng tôi được “rộng tầm hiểu biết.”
Bài viết súc tích, có nhiều nghiên cứu cứu công phu, rất sâu sắc, đáng được đọc kỹ và chiêm nghiệm.
Rất hãnh diện và cảm ơn Trần Trung Tín, người khóa đàn em đồng môn Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Đà Lạt), nhưng xứng đáng là đàn anh của Lê Tùng trong ngành nghiên cứu và viết lách.
Xin cám ơn Niên trưởng Lê Tùng K25 (đã hơi quá lời). -Trần Trung Tín, K31 (Thế hệ cuối cùng của Trường Võ Bị)
Đây là bài viết có tầm chuyên nghiệp và có một cái tâm của một chính nhân quân tử, trọng lẽ phải và đạo đức trong cuộc đời.
Cám ơn tác giả, một CSVSQ K31 của Trường VBQGVN. Tôi rất hãnh diện về Trần Trung Tín.
Anh Nguyễn K20
Xin cám ơn Niên trưởng Anh Nguyễn K20. Quả tình những nhận xét ưu ái của NT đã làm tôi phải “tự soi gương” lại.
Thực sự thì khi viết tôi chỉ cố gắng lượng định cả hai mặt của một vấn đề, và cả mọi bên có can dự vào sự việc, theo quan điểm và quyền lợi của từng mỗi bên, cho dù thường là đối chọi nhau.
Mà những cố gắng lượng định hay phân tích này phải dựa trên những yếu tố có thực càng nhiều càng tốt, và phải cố giữ cho được công bằng, dù là tương đối. Cá nhân tôi thường nghĩ là công việc của người viết là trình bày vấn đề một cách mạch lạc và công minh với đầy đủ dẫn chứng, và sau đó để tự chính người đọc đón nhận, suy xét và đánh giá sự việc.
Do vậy, người viết không nên vo tròn, bóp méo sự việc theo chủ quan của họ nhằm để “dẫn dắt” hay muốn “ép buộc” người đọc để “theo” về phía mình. Khi sử dụng đến những “chiêu trò” như thế, theo tôi, là đã “chơi không điệu” với người đọc. Là không tôn trọng người đọc. Cho nên tôi tránh xa. Và nguyên tắc làm việc của tôi, nếu có thể gọi là vậy, cũng chỉ giản dị như vậy thôi.
Xin cảm tạ mỹ ý của NT Anh Nguyễn K20. Và tôi hy vọng là sẽ không để NT cùng quý bạn đọc “thất vọng” vì quý vị và các bạn đã bỏ thì giờ đọc những bài viết, ở nhiều thể loại, trên blog Góp Nhặt Cát Đá.
Sự đón nhận của quý vị đã thực sự là một phần thưởng quý báu cho tôi. Xin cảm tạ một lần nữa. -Trần Trung Tín