Thứ Hai vừa qua, ngày 24/02/2025—là ba năm kể từ ngày Nga xâm lăng Ukraine 22/02/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến White House. Mang theo đề nghị Âu châu đưa 30.000 quân sang Ukraine sau khi có ngưng bắn với Nga. Lực lượng này của Âu châu sẽ có Hoa Kỳ làm “hậu vệ” (backstop) án ngữ ở phía sau.

Trở về Pháp, ông Macron không nhận được hứa hẹn nào của ông Trump về việc trên.

Hôm nay, ngày 27/02/2025, Thủ tướng Anh, Sir Keir Starmer họp với Tổng thống Donald Trump tại White House. Cũng về việc ngưng bắn tại Ukraine.

Tại cuộc họp báo ở White House, Thủ tướng Anh trả lời câu hỏi về “backstop for Europe” là: “The President says the deal has to come first …”. Và không nói đến “backstop.” [White House Joint Press Conference – Feb 27, 2025 phút 21:01-21:31]

Về sáng kiến của Pháp và Anh với 30.000 quân Âu châu, tờ The Telegraph (Anh) vào ngày 25/02/2025, đăng bài Europe couldn’t replace the US in Ukraine, even if it wanted to. Tác giả là Daniel DePetris, Fellow at Defense Priorities.

Xin mời quý vị bạn đọc theo dõi phần chuyển ngữ.

Ghi chú: Ngày mai, 28/02/2025, Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ gặp Tổng thống Trump tại White House “to finalize a critical minerals deal“.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Macron và Starmer nên chấm dứt mưu mô vô ích của họ nhằm phỉnh Trump để bảo đảm an ninh của Kyiv.

Macron and Starmer should end their futile ploy to trick Trump into guaranteeing Kyiv’s security

Trước chuyến thăm viếng Toà Bạch Ốc lần đầu tiên từ khi Donald Trump trở lại cầm quyền, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hội ý với Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer và đưa ra lập trường chung: Âu châu sẵn sàng đưa hàng chục ngàn quân của họ vào Ukraine sau khi ngưng bắn được thoả thuận với Nga. Kế hoạch này liên quan tới việc triển khai 30.000 quân của lực lượng châu Âu đến tập trung tại nhiều thành phố của Ukraine đàng sau đường ranh ngưng bắn, và tùy thuộc vào Hoa Kỳ trong vai trò được biết đến là “hậu vệ” (backstop) nhằm làm cho việc phòng thủ răn đe (deterrent) được khả tín hơn dưới mắt người Nga.

Macron nhấn mạnh điểm này nhiều lần trong các buổi họp tại Washington vào đầu tuần. Tổng thống Pháp thậm chí còn có vẻ cố gắng đẩy đưa Trump để trở thành một phần trong kế hoạch của ông. Nhưng không được. Trump chỉ tái khẳng định lập trường của ông là thoả thuận hòa bình cần được đàm phán càng sớm càng tốt.

Nhưng có thể nào Âu châu giải quyết được vấn đề Ukraine bằng chính khả năng của họ không ngay cả khi họ muốn làm vậy? Cho dù có những lời cam kết vội vã của Anh và Pháp về việc gia tăng chi tiêu quốc phòng trong vài ngày qua, không ai không thể không hoài nghi.

Từ khi Liên Xô sụp đổ cho đến khi Nga toàn diện xâm lăng Ukraine vào tháng 2 năm 2022, châu Âu hài lòng nhìn thấy khả năng phòng thủ của họ co rút lại và sự sẵn sàng chiến đấu của họ đi xuống (Europe was content with watching its defence capacity atrophy and its readiness decline). Đây là một chọn lựa hữu ý; Âu châu, xét cho cùng, đang tận hưởng một khoản cổ tức hòa bình (peace dividend) tưởng là có được sau khi Liên Xô bị lật đổ. Trong khi chiến tranh ở Bosnia và Kosovo, vào giữa đến cuối thập niên 1990, buộc quân Âu châu phải tham chiến, thì xung đột giữa các đại cường được xem là chuyện của quá khứ. Việc NATO mở rộng sang các quốc gia trong khối Liên Xô cũ và Washington sẵn sàng duy trì vị thế tối cao trên lục địa này có nghĩa là các chính quyền châu Âu có ít hứng khởi để lo lắng nhiều về vấn đề an ninh.

Việc Nga xâm lăng Ukraine đã đảo ngược tính toán này. Bất thình lình, xung đột giữa các đại cường đã là mối đe dọa của ngày-hôm-nay. Từ một quốc gia tương đối ít được biết đến, nằm trong ảnh hưởng của Nga, hiện nay Ukraine trở thành nơi mà Âu châu xem là tuyến đầu giữa các nền dân chủ và chế độ độc tài. Các quốc gia châu Âu đã đóng góp gần 62 tỷ euro vào việc trang bị cho quân đội Ukraine từ khi chiến tranh bắt đầu ba năm trước đây, một khoản tiền lớn để giúp Kyiv duy trì một khả năng phòng thủ đáng nể chống lại một kẻ thù lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, việc đem quân sang Ukraine và cam kết bảo vệ quốc gia này hiển nhiên sẽ là một nhiệm vụ lớn hơn nhiều và tốn kém hơn. Macron và Starmer có vẻ tin rằng châu Âu có thể đảm trách việc này. Điều đó có thể xảy ra nếu chính quyền Trump cung cấp hỗ trợ dưới dạng không yểm (air support), tình báo, trinh sát và giám sát (ISR) hoặc phòng không. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào việc Washington có đồng ý bảo vệ Ukraine và các đối tác châu Âu của họ trong trường hợp Nga vi phạm bất kỳ lệnh ngừng bắn nào hay không — đây chính là điều mà chính quyền Trump muốn tránh, xét đến rủi ro của bất kỳ cuộc xung đột nào có thể leo thang thành đối đầu trực tiếp với nước Nga có vũ khí hạt nhân.

Loại bỏ Hoa Kỳ ra khỏi con toán này và lực lượng phòng vệ (reassurance force) của châu Âu tại Ukraine có nguy cơ trở thành vấn đề nan giải. Người châu Âu vẫn đang tự vùng vẫy để thoát ra khỏi tình trạng ngủ gục trong hàng quân (military slumber) kéo dài ba thập niên. Các đồng minh NATO của Washington ở châu Âu vẫn tùy thuộc nặng nề vào Hoa Kỳ, như một vài tiêu biểu điển hình là khả năng tấn công tầm xa, chỉ huy và kiểm soát, ISR — đặc biệt là thông tin liên lạc qua vệ tinh — và tiếp nhiên liệu trên không. Mức sản xuất đạn dược của châu Âu vẫn còn thiếu, và nếu cuộc chiến ở Ukraine có cho chúng ta thấy được điều gì, thì đó chính là việc sản xuất pháo binh ở quy mô lớn là một yếu tố chính yếu trong việc quản lý một cuộc chiến tranh tiêu hao. Điều tệ hại sau cùng mà Pháp, Anh và các quốc gia châu Âu khác muốn là sự lặp lại của thảm họa Libya năm 2011 — nghĩa là, đồng ý tham gia một chiến dịch quân sự để chỉ thấy ra là chính họ bị thiếu các trang bị căn bản nhất (basic supplies) không thể không có để tiến hành chiến dịch.

Thật không may, đúng thực là châu Âu có những thiếu sót trầm trọng về mặt quân sự. Bộ binh của châu Âu chỉ có một số hữu hạn các hệ thống phòng không cao cấp, và bạn có thể chắc chắn rằng một số quốc gia châu Âu — như Đức và Ba Lan — sẽ không muốn đưa ra cho Ukraine mượn vì lo ngại về những nhược điểm của chính họ. Năm vừa qua, Liên Âu (EU) đã trễ hạn chót, do-họ-tự-đặt-ra, gửi đi một triệu quả đạn đại bác 155 mm cho quân đội Ukraine và phải chật vật tìm trong kho của các quốc gia là cựu thành viên của Hiệp ước Warsaw để cố gắng bù vào sự thiếu hụt. Châu Âu phải chuẩn bị không những để giải quyết các vấn đề này mà còn để duy trì tỷ lệ sản xuất cao trong khoảng thời gian dài, biết rõ rằng bất kỳ thoả thuận ngưng bắn nào được đưa ra ở Ukraine đều có thể bị tan vỡ.

Cũng có những vấn đề về nhân lực cần cân nhắc. Toàn khối châu Âu có gần một triệu rưỡi quân nhân tại ngũ, vì vậy tìm được 30.000 quân để thiết lập một lực lượng phòng vệ ở Ukraine không phải là một thử thách. Nhưng chỉ thuần vào con số thì lại lầm lạc, vì chúng không nói lên được thực tế chính trị. Thí dụ, Đức có thể không đồng ý tham gia nếu Hoa Kỳ không can dự. Các nước khác, như Hungary, sẽ hoàn toàn không tham gia. Một số nước khác, như Ý và Tây Ban Nha, có thể đóng góp bằng một con số tượng trưng để giữ tình đoàn kết, nhưng thực ra, họ có những ưu tiên cao hơn, như gia tăng ngăn chặn di cư bất thường và duy trì an ninh ở Địa Trung Hải. Người Anh có thể có ý định đưa quân tham dự, nhưng quân số của họ không có dư; bất kỳ cuộc điều động nào và các tài nguyên đi kèm như nhân, vật, lực sẽ tạo sức ép lên khả năng hạn chế trong việc hành binh và tiếp vận tầm xa của Vương quốc Anh và buộc London phải phân bổ lại nguồn lực từ các nhiệm vụ khác của NATO.

Không có điều nào trong đó đề cập đến khía cạnh khả tín. Khi đến lúc phải hành động, liệu người châu Âu có sẽ thực sự thực thi thoả thuận ngưng bắn với Nga không? Câu trả lời sẽ xác định rõ sự an ninh Ukraine thực sự ở vào mức độ quan trọng như thế nào đối với lục địa này.

Ngày 27 Tháng 02, 2025
Trần Trung Tín chuyển ngữ