Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Âu Châu, cần đối mặt với sự thực: Trump quá dễ đoán

Trong những ngày gần đây, Âu Châu bị chấn động bởi quyết định đơn phương của Tổng Thống Donald Trump để Mỹ họp riêng với Nga nhằm tìm cách giải quyết Chiến Tranh Ukraine. Nhưng Âu Châu và Ukraine không được mời tham dự.

Quyết định này gây ra các cơn bão chỉ trích tại Hoa Kỳ và nhất là tại Âu Châu. Dư luận các nơi thường gán cho quyết định đó là do bởi Trump là người ngang ngược (rogue) và không đoán trước được (unpredictability).

Quyết định trên của Trump khiến Âu Châu nổi giận vì nghĩ rằng ông phản bội Ukraine, muốn bỏ rơi NATO, làm vừa lòng Nga vì là “tay sai” của Putin…

Để sang một bên các phát biểu và ngôn ngữ “vội giận, mất khôn,” thì quan điểm trên khá hữu lý nếu chỉ xét đến tương quan giữa Âu Châu và Hoa Kỳ.  

Tuy thế, hiện nay ưu tiên quan tâm của Mỹ không còn là Âu Châu mà đã chuyển sang khu vực Indo-Pacific để đối phó với Trung Cộng trong dài hạn.

“Tín hiệu” dễ nhận thấy nhất là đã không có vị lãnh đạo quốc gia nào từ Âu Châu được mời đến White House để “viếng thăm hữu nghị” Tổng Thống Donald Trump kể từ khi ông nhậm chức ngày 20/01/2025 cho đến nay, ngày 23/02/2025.

Nếu không “chối bỏ sự thực” khi lượng định sự việc, thì quyết định trên của ông Trump không phải là điều quá ngạc nhiên; ngay cả đối với các nhà nghiên cứu tại Âu Châu.

Xin mời quý vị theo dõi bài tiểu luận: Europeans, face facts: Trump is all too predictable của Nick Witney, Senior Policy Fellow, đăng trênThe European Council on Foreign Relations website, ngày 20/2/2025, qua phần chuyển ngữ bên dưới.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump đã khởi động bằng một biến động lớn. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần vứt bỏ mặt nạ “không thể đoán trước được” và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Donald Trump’s second presidency has got off to a shocking start. Europeans leaders need to drop the “unpredictability” façade and double down on support for Ukraine

Nick Witney – Senior Policy Fellow

Thực tế kinh hoàng của nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai của Donald Trump đang hiện diện tại đây. Hầu hết các nhà lãnh đạo Tây Âu—nhận ra rằng sự chối bỏ sự thực của năm ngoái không còn đúng nữa—đã không còn cách gì khác hơn là phải hoàn toàn lấy lòng (Trump). Họ làm mọi cách để tránh bất đồng quan điểm với các sắc lệnh của chế độ mới tại Washington; khi đây là điều không thể tránh khỏi (ví dụ như đối với Greenland), thì cách giải thích mà họ ưa thích đưa ra là ám chỉ rằng người tổng thống mới này “không thể đoán trước được.” Kèm theo đó là sự hàm ý tự an ủi rằng, nếu người châu Âu không phản ứng thái quá, có thể Trump sẽ làm điều gì khác hơn—hoặc ngay cả đổi ý.

Đáng buồn thay, trong khi Trump có thể quái dị (erratic) và hỗn loạn (chaotic) trong cách đưa ra chương trình nghị sự của ông, thì ở cấp độ chiến lược ông ta đang làm gần đúng y như những gì ông đã hứa. Phương cách giải quyết chiến tranh ở Ukraine của ông, như được khai triển một cách tàn bạo trong những ngày gần đây, hoàn toàn phù hợp với các hành vi và tuyên bố trong quá khứ của ông.

Ông đã hứa hẹn một nhiệm kỳ tổng thống “trừng phạt – retribution“—cho nên các nhà lãnh đạo châu Âu không thể nói là thực sự kinh ngạc trước sự thù địch cá nhân rất sâu đậm đối với Volodymir Zelensky. Trên tất cả, tổng thống Ukraine đã từ chối chỉ thị của Trump, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, để đào bới thông tin dơ bẩn về Hunter Biden. Do đó, trong suy nghĩ của Trump, không còn gì phải nghi ngờ là Zelensky phải chịu trách nhiệm cho cuộc luận tội đầu tiên của ông.

Kể từ khi làm tổng thống lần đầu, Trump đã cho thấy rõ sự tức giận của ông đối với một NATO “lỗi thời – obsolete” và theo quan điểm của ông thì người Âu châu đang xem ông là kẻ ngốc về phần chi tiêu quốc phòng. Nhưng ông cũng, nói chung, cảm thấy một sự khinh miệt nội tại (visceral contempt) nhiều hơn đối với các giá trị của châu Âu (được J.D. Vance bày tỏ rõ rệt tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước) và đặc biệt là EU (Liên minh Châu Âu), nói riêng.

Sự say mê của ông với Vladimir Putin từ lâu nay đã được thể hiện trước công chúng, nổi bật rõ ràng tại hội nghị thượng đỉnh Helsinki năm 2018 đáng xấu hổ. Trump thực sự chịu ảnh hưởng của Putin (Trump truly is in Putin’s thrall): ông có đủ mọi lý do để bỏ rơi Ukraine, để theo đuổi điều mà ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã mô tả tại Riyadh là “một cơ hội hợp tác tuyệt hảo với người Nga, về mặt địa lý chính trị trong các vấn đề có lợi ích chung, và, thẳng thắn mà nói về mặt kinh tế trong các vấn đề mà hy vọng sẽ tốt đẹp cho thế giới.”

Là một người cổ điển theo chủ nghĩa “nước Mỹ trước nhất,” Trump đã lập đi lập lại ác cảm của ông đối với việc tham gia vào “các cuộc chiến tranh ngoại quốc” trong khi cho thấy rằng các thỏa thuận hòa bình được tung hô là ông sẵn sàng ký kết thay vào đó tính ra chỉ là trao cho phía bên kia (Triều Tiên, Taliban) gần như bất cứ điều gì mà họ yêu cầu.

Vì vậy, trong khi quả thực người Âu châu khó tưởng tượng được cả loạt diễn biến tồi tệ hơn là những gì xảy chung quanh chiến tranh Ukraine so với những diễn biến trong vài ngày qua, thì thực sự ra chúng ta có nên mong đợi điều gì khá hơn không? Hiện giờ, đã đến lúc phải đối diện với sự thật, và phải phản ứng thích hợp—và làm được vậy, thì cần đến hai khung thời gian tương ứng.

Thứ nhất, người châu Âu phải dồn tối đa nỗ lực để giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu. Điều này bao gồm tiền bạc—kể cả nhiều tài sản của Nga bị đóng băng—vũ khí và huấn luyện. Đây là điều sẽ hoàn toàn có thể khiến người châu Âu chi ra nhiều tiền để cứu vãn những thứ không thể cứu vãn được. Nhưng lòng dũng cảm và sức chịu đựng bền bỉ của Ukraine là điều đáng ngạc nhiên, và Nga cũng có những vấn đề riêng của họ trong việc duy trì nỗ lực chiến tranh của mình.

Hơn thế nữa, sẽ chẳng có gì hại nếu ít nhất có một số người châu Âu tiếp tục bày tỏ sự sẵn sàng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để ủng hộ một thỏa thuận hòa bình. Nhưng một khả năng “hậu vệ” (backstop) đáng tin cậy của Hoa Kỳ sẽ là điều thiết yếu cho một lực lượng như vậy—và khả thể đó có vẻ như cực kỳ mỏng manh. Bên cạnh đó, thỏa thuận hòa bình duy nhất hiện có thể thấy trước được là kế hoạch của Putin-Trump cho một Ukraine bị giải giới, tơi tả, được điều hành bởi những tay sai của Moscow (thí dụ, mô hình Georgia). Người châu Âu có thể thấy rằng sẽ có ít lợi ích cho họ trong việc chấp nhận điều đó.

Thứ hai, nhìn vào giai đoạn trường kỳ trước mắt, các nhà lãnh đạo châu Âu là những người thực sự muốn chống lại sự thống trị của Nga áp đặt lên lục địa của họ (và danh sách giới hạn các thành viên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Paris của Emmanuel Macron là sự nhìn nhận muộn màng rằng chắc chắn không phải là tất cả mọi thành viên của EU) cần thực sự lập kế hoạch cho việc tự bảo vệ mình mà không cần đến Hoa Kỳ.

Khổ não về việc làm cách nào để tìm được thêm tiền cho quốc phòng là điều cần, nhưng chưa đủ. Như chính Zelensky đã nói rõ trong bài diễn văn tại Munich, tiền bạc rất quan trọng—nhưng không quan trọng bằng quyết tâm và các biện pháp phòng thủ đúng đắn. Tìm được tiền—và thuyết phục được giới cử tri mất niềm tin, mệt mỏi vì chiến tranh—thực sự có thể dễ dàng hơn nếu các nhà lãnh đạo có một bảng tường trình rõ ràng về những gì cần phải làm.

Những cấu trúc nào của lực lượng quân sự mà người châu Âu hiện phải xây dựng, rồi nên dàn trải chúng bằng cách nào? Chúng nên được chỉ huy và kiểm soát ra sao? Có thể cứu vãn những “yểm trợ chiến đấu” (“enablers”) của NATO, chẳng hạn như thông tin liên lạc, cơ sở tình báo và các cấu trúc hạ tầng khác, đến mức nào nếu, khi nào, hoặc khi Hoa Kỳ rút đi các lực lượng của họ? Những khả năng quân sự mới nào mà người châu Âu cần phát triển và thích hợp chọn lựa cho chính họ—và với mức độ khẩn cấp nào?

Những điều này nằm trong những câu hỏi thực tế khó khăn mà đòi hỏi phải có câu trả lời. Người Âu châu cần phải tự phòng thủ chống lại một sa hoàng hiện đại của Nga đang tìm cách khôi phục đế quốc cũ, được kích động bởi một vị tổng thống Mỹ ngang ngược (a rogue American president) người đã từng nói đến việc khuyến khích người Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” (“to do whatever the hell they want”) đối với các đồng minh NATO. Lời phát biểu “Ồ, có lẽ ông ta không có ý đó” thực sự không còn hiệu quả nữa.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 23/02/2025


The European Council on Foreign Relations ghi chú:

  • The European Council on Foreign Relations does not take collective positions. ECFR publications only represent the views of their individual authors.
  • Hội đồng Châu Âu về Bang giao Quốc tế không đưa ra lập trường tập thể. Ấn phẩm của ECFR chỉ nói lên quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

4 Comments

  1. Trung Nguyen

    Anh Tín, Tôi vừa đọc xong bài chuyển ngữ của anh. Trước nhất là tôi phải rate 5 stars cho bài chuyển ngữ nầy. Thật là rõ ràng và lưu loát. Xin cảm ơn anh nhiều lắm

    • editor

      Xin cám ơn anh Trung Nguyen đã góp ý. -TTTín

  2. vanpho

    Rất rõ ràng để thấy được chính sách của chính quyền Trump (Mỹ) với Châu Âu….
    Cảm ơn bạn Tín thật nhiều…

    • editor

      Nhưng mà Mr. Trump “ăn nói” cho lọt tai, dễ nghe, theo kiểu mật ngọt chết ruồi của career politician, thì hay hơn.

      Vì chắc khi thiên hạ nghe xong rồi, rủi có bị “đi luôn” thì ông ta cũng ít bị… giũa thảm! 😎 Thân mến. -Tín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *