Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Tag: phê bình

Dị Biệt Nơi Phan Nhật Nam Và John Duffy Về Trận Charlie, 1972

Đầu tháng 7, 2022, Tổng Thống Biden trao  thưởng Medal of Honor cho Thiếu Tá John J. Duffy, vị Sĩ quan Cố vấn của Tiểu Đoàn 11 Dù, vì ông đã có những hành động anh hùng và nghĩa cử cao đẹp đối với các chiến hữu của ông trong Tiểu Đoàn 11 Dù nơi Trận chiến tại Căn cứ Hỏa lực Charlie, Nam Việt Nam, 1972.

Dù 50 năm đã qua, sự việc trên vẫn đem lại cho tôi những hình ảnh về chiến sự và hy sinh xương máu của quân dân Miền Nam chống lại sự xâm lăng của cộng sản trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.  

Với tâm trạng đó, tôi đã đọc tập thơ The Battle for “Charlie” của John J. Duffy.

Nơi tập thơ này, sự chiến đấu dũng cảm và hy sinh kinh hoàng của những người lính Tiểu Đoàn 11 Dù được ghi lại bằng những giản dị và sắc nét đến lạnh người.

Là một sĩ quan cố vấn, Duffy có thể “thấy” trước được số phận của đơn vị. Nhưng là một chiến binh của Tiểu Đoàn 11 Dù, ông đã sát cánh lăn xả cùng đồng đội chiến đấu cho đến giây phút cuối.

Dù vậy, ở vào những lúc nguy ngập nhất, Duffy vẫn giữ được “bình thản” để có thể “nhìn” sâu vào những hỗn mang, chết chóc đang vật vã ngay trước mắt.

Trong những phút giây đó, Duffy đã mở ra quyển sổ tay cảm nhận của ông để ghi nhanh những hào hùng cao ngất và những nỗi đau tận cùng của đồng đội khi cả tiểu đoàn bị đè bẹp, chết cứng ngay tại tâm điểm của những giao lộ tử thần.

Qua The Battle for “Charlie,” Duffy như “vẽ” lại được những thảm khốc và bi hùng mà cả binh sĩ và sĩ quan Tiểu Đoàn 11 Dù phải đương đầu và nhận chịu.

Sau khi đọc hết tập thơ này, tôi đã cố gắng ghi lại một số cảm nghĩ trong bài viết Người Khinh Binh Cuối Cùng Tại Căn Cứ Hỏa Lực Charlie, đăng ngày 30/7/2022.

Rồi ít lâu sau, tình cờ được anh bạn gửi đến một link cho bài viết Mặt sau tấm huy chương gắn trễ! 1 của nhà văn Phan Nhật Nam, đề ngày 15/7/2022. 

Continue reading

Khinh Trí Thức 2.0

Vừa rồi, do một người bạn chuyển đến qua email, tôi có cơ hội đọc được bài nhận định của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: Khinh Trí Thức2.

Ngay từ nhận xét đầu tiên trong bài, phải nói rằng tôi hoàn toàn đồng ý với những điều nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết:

Ở giới lãnh đạo Việt Nam, có một nghịch lý: một mặt, họ có vẻ chuộng bằng cấp, ai cũng có vẻ muốn có bằng cấp thật cao và tạo cơ hội cho các cán bộ dưới quyền có bằng cấp thật cao, kể cả bằng giả hoặc bằng dỏm; nhưng mặt khác, họ lại không che giấu được sự khinh bỉ cố hữu đối với trí thức.

Về điều trích dẫn từ nhà văn Nguyễn Thành Long được ghi phía dưới, thì dù đã đọc qua rồi, cũng là điều vẫn cần nên phải được lập lại:

“Khi đọc tài liệu Văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông, tôi còn nhớ nguyên văn một câu gây ấn tượng dai dẳng trong tôi: ‘Trí thức là cục phân’. Chúng tôi phải tin theo điều này và tự phủ nhận bản thân mình.” (Phong Lê (chủ biên) (1995), Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-1854 [sic], Hà Nội: nxb Khoa học xã hội, tr. 527)

Và một đoạn khác trích từ phát biểu của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh:

Lần khác nữa, trong buổi họp mặt giữa Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư đảng, với khoảng 100 văn nghệ sĩ Hà Nội, vào tháng 10 năm 1987, Nguyễn Đăng Mạnh phát biểu: “Lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ.”

Continue reading

Người Tù Nhân Chứng Năm Xưa

Thời gian qua đi quá lâu và tôi đã không còn nhớ chính xác khi nào là lần đầu tiên đọc được bài thơ Bắt Đầu Lại của Nhã Ca. Có một điều chắc chắn là tôi đã đọc bài thơ đó – khá lâu – sau ngày 30/4/1975. Và từ đó cứ bị ray rứt mãi với hai câu kết:

Bắt đầu lại đời ta, các con
Bắt đầu lại từ chỗ bôi xóa mẹ

Nhã Ca làm bài thơ này vào khoảng năm 1972. Tôi cũng không biết Nhã Ca làm ra bài thơ trên khởi đi từ ưu tư hay biến động nào trong tâm tư của bà.

Nhưng lần đầu tiên đọc hai câu thơ đó – khá lâu – sau ngày 30/4/1975, tôi có cảm giác lạnh buốt như đang đọc một lời tiên tri đã được đưa ra từ trước để cảnh cáo mọi người về một điều đại bất tường sẽ xẩy đến. Nhưng chẳng ai quan tâm lưu ý. Cho đến khi đã quá muộn!

Continue reading

Quê Hương Mỗi Người Chỉ Một?

Cuối tháng 4, 2019, tôi có đọc được bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của nhà thơ Đỗ Trung Quân, nổi tiếng tại Việt Nam. Bài thơ kết thúc bằng những câu:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Quê Hương, Không Phải Mỗi Người Chỉ Một

Phải nói là sau khi đọc hết bài thơ nói trên, tôi khá thất vọng về sự cảm nhận và hiểu biết của tác giả bài thơ này về hai chữ “quê hương.”

Đến nay, suốt hơn quá nửa đời người (có thể gọi là “thọ,” theo cách tính của người Việt), tôi đã được sống một đời sống có ý nghĩa tại một nơi xa lạ mà – với một sự trân trọng hết mực – tôi đã tuyên thệ “Xin chọn là quê hương.”

Và nơi đó không phải là Việt Nam.

Continue reading

Về một số điều trong bài báo của Ông Thế Uyên

Trần Trung Tín3

Trong tháng 6/89 vừa qua, tôi có đọc được một bài phân tích công phu của ông Vương Hữu Bột mang tựa đề: “Cởi trói ở Việt Nam. Bế tắc trong khoa học xã hội hay bế tắc của chủ nghĩa xã hội” (tạp chí Thế Kỷ 21, số 2, 6/89). Với tương đối đầy đủ các chú thích cần thiết, bài viết nói trên có đề cập đến ông Lý Chánh Trung bên cạnh các tên tuối kỳ cựu ở mặt lý thuyết của Đảng Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Khắc Viện, Trần Văn Giàu, hoặc trẻ trung hơn như Trần Độ.

Continue reading