Cuối tháng 4, 2019, tôi có đọc được bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của nhà thơ Đỗ Trung Quân, nổi tiếng tại Việt Nam. Bài thơ kết thúc bằng những câu:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Quê Hương, Không Phải Mỗi Người Chỉ Một

Phải nói là sau khi đọc hết bài thơ nói trên, tôi khá thất vọng về sự cảm nhận và hiểu biết của tác giả bài thơ này về hai chữ “quê hương.”

Đến nay, suốt hơn quá nửa đời người (có thể gọi là “thọ,” theo cách tính của người Việt), tôi đã được sống một đời sống có ý nghĩa tại một nơi xa lạ mà – với một sự trân trọng hết mực – tôi đã tuyên thệ “Xin chọn là quê hương.”

Và nơi đó không phải là Việt Nam.

Mai này khi nằm xuống và bắt đầu một hành trình “miên viễn, một đi không bao giờ trở lại” thì chuyện “chung sự” đó cũng sẽ xảy ra trên vùng đất lạ mà – từ rất lâu – tôi đã “Xin chọn là quê hương.”

Và nơi đó cũng không phải là Việt Nam.

Bởi đó, khi đọc những vần thơ:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

thì đối với tôi, cho dù tác giả những vần thơ đó có là thi hào, thi bá gì đi nữa, thì thơ như thế của quý vị này chỉ nói lên được tiếng nói loanh quanh trong thế giới riêng của họ và không vượt khỏi được cái chủ quan chật hẹp của họ.

>>> Quê hương mỗi người chỉ một <<<

Vậy nữa sao?

Chẳng phải là thế giới này đã từ lâu không còn phải là một mặt phẳng bị “độc quyền sở hữu” bởi bất cứ một thực thể nào?

Tương tự, quê hương cũng không phải là một nơi mà chỉ có một chính thể, tôn giáo hay ý thức hệ với tín đồ và môn đệ của họ mới “có quyền yêu mến.”

Nên biết rằng, bên ngoài “quê hương” Việt Nam, còn có hơn cả triệu người Việt đang sống tại nhiều nơi trên thế giới, như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ Châu, Úc Châu, và cả Á Châu như Nhật Bản, Đài Loan, hoặc Đại Hàn…

Trong số đó, có rất nhiều người có nhiều hơn MỘT quê hương trong tâm thức và đời sống hàng ngày của họ.

Bởi đó, nói theo cách nói của “văn học cách mạng,” thì những vần thơ giống như bên trên chỉ là những vần thơ mang tích cách “cục bộ.”

Neil deGrasse Tyson (1958 – ), một nhà vật lý thiên văn của Hoa Kỳ, đã nói lên một điều cũng không quá khó hiểu: “The Universe is under no obligation to make sense to you.” (Vũ trụ không có bổn phận phải có ý nghĩa đối với bạn.)

Có hiểu được điều bên trên thì may ra quý vị nhà thơ, nhà văn sẽ bớt được tình trạng xem cảm hứng, hay sáng tạo của họ như thể là “phản ánh” của một “chân lý” của cả một thế giới thực ngoài đời.

Cái thế giới thực ngoài đời đó vừa muôn màu, muôn sắc, vừa “không có bổn phận phải có ý nghĩa” đối với bất cứ một ai – kể cả nhà thơ, nhà văn, hay nhà tư tưởng.

Dù có ra sức vặn vẹo, bẻ cong đến mức nào đi nữa, chắc chắn “ngòi bút” của quý vị trên cũng không thể bắt cái thế giới thực đó phải vận hành theo khuôn khổ của một thế giới tiền chế đã được định hình, hay được khuôn vẽ sẵn, theo ý của họ.

Phỏng Vấn của RFA

Vì không theo dõi cho nên tôi không biết quá trình lịch sử của bài thơ. Gần đây, khi tìm hiểu thêm, tôi đọc được bài phỏng vấn nhà thơ Đỗ Trung Quân do phóng viên Mặc Lâm, RFA thực hiện ngày 05/10/2008,1 và thấy được một số điều đáng chú ý.

Về lai lịch của câu thơ cuối cùng “Sẽ không lớn nổi thành người,” tác giả cho biết:

“Tôi đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn Quàng Đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một đoạn, đúng ra là một câu, cái câu cuối cùng.”

Phóng viên Mặc Lâm hỏi:

“Và sau khi biết bị báo Khăn Quàng Đỏ tự tiện sửa thơ của mình như vậy thì anh có phản ứng gì không, và những lần tái bản sau thì bài thơ có được sửa lại cho đúng không ạ?”

Nhà thơ Đỗ Trung Quân trả lời, chú trọng về việc tái bản, và chấm dứt bằng đoạn:

… Thưa anh, bây giờ thì nói như thế thì tôi có một phản ánh lại là chị Việt Nga là người biên tập bài này,cũng như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã mất rồi, tôi là người còn sống, nói thế nào đó nó cũng là khó ở chỗ là những người đã mất thì không nói lại được và tôi rất ngần ngại.

Chỉ cần tinh ý một chút, người đọc có thể “giải mã” phần “thuyết minh” khéo léo đầy “màu sắc nhân bản” bên trên để thấy sự thực trần trụi chỉ là:

  • Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã đưa người chết ra làm bình phong để che chở, biện minh cho việc ông tránh né không đề cập đến một số điều quan trọng trong bài thơ Bài Học Đầu Cho Con mà ông là tác giả.

Những điều quan trọng đó là:

      • sự nguyên thủy (authenticity)
      • sự chân thật (genuineness)
      • sự toàn vẹn (integrity)

Nhìn theo khía cạnh văn học, nghệ thuật thì với bất cứ bài thơ hoặc tác phẩm của bất cứ tác giả nào, ở vào bất kỳ không gian hay thời điểm nào, nếu không có sự nguyên thủy, chân thật, và toàn vẹn, thì bài thơ đó, hoặc tác phẩm đó chỉ có thể “sống” như một sinh vật không có xương sống (backbone).

Phỏng Vấn: Hành Trình Tìm Sự Thật

Cũng phải cám ơn phóng viên Mặc Lâm đã thực hiện cuộc phỏng vấn.

Nhờ thế người đọc mới thấy thêm được chút ánh sáng sau “bức màn… bỏ lửng.” [Hai chữ “bỏ lửng” – rất chính xác – cũng đã được nhà thơ Đỗ Trung Quân dùng đến trong bài phỏng vấn.]

Tuy nhiên, nếu phải xếp hạng, thì cuộc phỏng vấn này chỉ đáng được xếp vào hạng dưới trung bình.

Yes, phóng viên Mặc Lâm có hỏi về việc “thơ tặc” (báo Khăn Quàng Đỏ tự tiện sửa thơ) nhưng bị “vờ đi” không trả lời vào chi tiết.

Yes, việc “vờ đi” không trả lời vào chi tiết, dĩ nhiên, nằm trong thẩm quyền của nhà thơ Đỗ Trung Quân.

Nhưng khi đó thì tinh thần làm việc và khả năng chuyên môn của người phóng viên chuyên nghiệp đã để ở đâu mà phóng viên Mặc Lâm không tiếp tục hỏi thêm một số “follow up questions” (tạm dịch là câu hỏi ‘bồi dưỡng’) để tìm thêm sự thật?

Có Cần Phải “Nói” với “những người đã mất…”?

Để giúp cho nhà thơ tác giả không phải “Nói” với “những người đã mất thì không nói lại được,” thì sau đây là vài câu hỏi ‘bồi dưỡng’ điển hình – thiết tưởng đã có thể được dùng trong phần phỏng vấn:

  1. Nhà thơ Đỗ Trung Quân nghĩ thế nào về việc bài thơ của ông bị “lắp hậu” (plug-in)? Ông có chấp nhận việc bị “lắp hậu” hay không?  Nếu không, thì ông đã có phản ứng gì? [Có thể dùng chữ khác như:  xâm phạm (violated), nhiễm trùng (infected), loang lổ (tarnished), lường gạt (cheated), cướp cạn (hijacked)… Take your pick!] 
  2. Ấn bản #2 (1991) và ấn bản #1 (1986) khác nhau nơi phần “lắp hậu” bị cắt và bài thơ bị “bỏ lửng” ngay chỗ cắt. Trong ấn bản #1, bài thơ đã xúc phạm nhiều người, và với ấn bản #2, liệu sự xúc phạm đó có được “xóa sạch?” Hay ấn bản #2, mà ông còn gọi là “nguyên bản,” chỉ để đánh bóng cho “thơ Đỗ Trung Quân” được “trong sáng” hơn?  Và để người đọc khắp nơi, nhất là các “Khúc ruột ngàn dặm,” dễ dàng đón nhận hơn?
  3. Được nhà thơ cho biết “thơ tặc” đã “lắp hậu” bài thơ của ông. Dù vậy, trừ phi đã chính thức tuyên bố từ bỏ bài thơ, còn không thì đó vẫn là tác phẩm của ông. Trong tinh thần trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, ông có nghĩ rằng nhà thơ Đỗ Trung Quân nên tạ lỗi với độc giả về những tai hại mà “sự cố lắp hậu” này  gây ra không? Hay là nhà thơ chỉ cần “đổ tại người chết,” rồi đem cắt phần “lắp hậu,” và “bỏ lửng” là xong?  [Hai chữ “tạ lỗi” mượn từ tựa đề bài thơ Tạ Lỗi Trường Sơn của cùng tác giả.]
  4.  …

Những câu hỏi bên trên chỉ để tìm hiểu thêm về nhà thơ qua những phát biểu trực tiếp của ông về những uẩn khúc chung quanh bài thơ Bài Học Đầu Cho Con.

Hiểu được suy nghĩ của nhà thơ tác giả về những “sự cố” liên quan đến thơ của ông là điều cần thiết để hiểu được con người thật của nhà thơ Đỗ Trung Quân.

Hiểu được con người thật của nhà thơ, người đọc sẽ có thể hiểu thơ của người thơ Đỗ Trung Quân một cách đúng đắn hơn.

Đáng tiếc là phóng viên Mặc Lâm đã chẳng hỏi thêm được những câu hỏi có thể giúp người đọc nhận chân ra được người thơ Đỗ Trung Quân.

Rất có thể sẽ có “excuse:” Vì thời giờ eo hẹp, nên segment phỏng vấn chỉ có vậy.

Tại Hoa Kỳ, trong môi trường làm việc nghiêm chỉnh mà công việc làm bị đóng khung trong một thời lượng cố định bị hạn chế, thì câu trả lời cho phần biện bạch trên sẽ là: Find ways to make time. Or find a new career that suits your talents. (Hãy tìm cách để ‘làm ra giờ.’ Hoặc hãy tìm nghề mới hợp với tài năng của bạn.)

Hoặc ngắn gọn như Tổng Thống Harry Truman: If you can’t stand the heat, get out of the kitchen. (Nếu bạn chịu nóng không nổi, hãy bước ra khỏi nhà bếp.)

Chữ và Nghĩa

Khoảng 1970-73, trên Văn, Văn Học hay Bách Khoa (tôi không còn nhớ chính xác), nhà văn Võ Phiến phàn nàn nhà văn Nhật Tiến về việc đã sửa một (01) chữ trong bài viết của ông từ đúng thành sai. Đúng ra, Nhật Tiến chỉ sửa một dấu mũ.

Võ Phiến (gốc người miền Trung) viết “xao lảng” và Nhật Tiến (gốc người miền Bắc) đã sửa thành “xao lãng”2.

Võ Phiến cũng biết Nhật Tiến là một biên tập viên (editor) có tinh thần trách nhiệm; thấy chữ sai chính tả thì phải sửa. Chứ Nhật Tiến không thêm hay bớt chữ hoặc câu văn nào trong bài viết của Võ Phiến.

Điều Nhật Tiến đã thiếu sót khi sửa chính tả là ông đã không đối chiếu với tự điển mà chỉ căn cứ theo cách phát âm của ông. Nhật Tiến sau đó đã xin lỗi.

Đọc được trao đổi của hai vị nhà văn theo tinh thần tôn trọng chữ nghĩa như thế đúng thực là một “teacheable moment” cho tôi đang học trung học vào thời đó.

Đổi Đời

Từ đó đến nay: Vật đổi sao dời.

Trở lại thời xưa, chỉ có mỗi một dấu mũ, mà hai nhà văn Võ Phiến và Nhật Tiến đã làm “to chuyện” và hao tốn biết bao nhiêu thời giờ và giấy mực!

Sang đến thời nay, bị câu thơ lạ “lắp” vào ngay chính giữa cái “cửa… hậu” của bài thơ mà chẳng thấy tác giả của bài thơ tỏ vẻ “đau đớn” hay “phàn nàn” gì hết cả.

Mà chỉ thấy tác giả … Bỏ Lửng …

Đúng thực là đổi đời! Mỗi thời mỗi khác!

Nhưng theo “truyền thống quê hương(!)” thì bao giờ ‘trong cái khó cũng ló cái khôn.’

Nhìn từ quan điểm tích cực này, đem “tích hợp” lại cả hai ấn bản (1986 – lắp hậu, và 1991 – bỏ lửng), thì bài thơ Bài Học Đầu Cho Con xứng đáng tiêu biểu cho sự “cộng hưởng” của Trường phái Thơ Lắp Hậu trong kỷ nguyên Văn Hóa Bỏ Lửng!

Cần lưu ý là: “Thưởng thức” loại Thơ Lắp Hậu này xong, thì thường là phải nhận chịu một “thú đau thương” mà, rất chính xác, người Mỹ gọi là… pain in the ass!

Dù vậy, nhà thơ tác giả vẫn kiên cường, nhất định không chịu… “rên” lên tiếng nào và vẫn cứ thế mà… “bỏ lửng” trong bao năm qua. Thế mới là “tuyệt vời!”

Chỉ cần sở hữu một tài nghệ “bịt mũi bưng tai” vào hàng thượng thừa nói trên là nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng đã thừa sức đưa danh tiếng của ông “cất cánh” bay vượt “hồn thơ” – cũng của ông – dễ thường có đến vài thập kỷ. Một điều rất xứng đáng được người đời vỗ tay hết lời khen ngợi!

Do vậy, mai đây khi nghiên cứu thời kỳ văn học này, các nhà bình luận thơ không thể không lưu ý đến một hiện tượng rất đặc thù và vô tiền khoáng hậu trong Thơ Mới – Văn Hóa Mới.

Hiện tượng đó là: “Thơ Lắp Hậusống mãi trong sự nghiệp … Bỏ Lửng.”

Trần Trung Tín – Ngày 25/02/2021


Mời đọc thêm:

Chú thích

  1. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Friendly-chat-with-poet-do-trung-quan-and-the-popular-opinion-about-his-poem-que-huong-mlam-10052008133008.html
  2. Trong Việt Nam Tự Điển, nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn 1970, chỉ có chữ “xao lảng” và không có chữ “xao lãng.” Nhưng có chữ “xao nhãng.”