Vừa rồi, do một người bạn chuyển đến qua email, tôi có cơ hội đọc được bài nhận định của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: Khinh Trí Thức1.

Ngay từ nhận xét đầu tiên trong bài, phải nói rằng tôi hoàn toàn đồng ý với những điều nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết:

Ở giới lãnh đạo Việt Nam, có một nghịch lý: một mặt, họ có vẻ chuộng bằng cấp, ai cũng có vẻ muốn có bằng cấp thật cao và tạo cơ hội cho các cán bộ dưới quyền có bằng cấp thật cao, kể cả bằng giả hoặc bằng dỏm; nhưng mặt khác, họ lại không che giấu được sự khinh bỉ cố hữu đối với trí thức.

Về điều trích dẫn từ nhà văn Nguyễn Thành Long được ghi phía dưới, thì dù đã đọc qua rồi, cũng là điều vẫn cần nên phải được lập lại:

“Khi đọc tài liệu Văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông, tôi còn nhớ nguyên văn một câu gây ấn tượng dai dẳng trong tôi: ‘Trí thức là cục phân’. Chúng tôi phải tin theo điều này và tự phủ nhận bản thân mình.” (Phong Lê (chủ biên) (1995), Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-1854 [sic], Hà Nội: nxb Khoa học xã hội, tr. 527)

Và một đoạn khác trích từ phát biểu của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh:

Lần khác nữa, trong buổi họp mặt giữa Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư đảng, với khoảng 100 văn nghệ sĩ Hà Nội, vào tháng 10 năm 1987, Nguyễn Đăng Mạnh phát biểu: “Lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ.”

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng ghi lại rõ rệt thái độ xấc xược của ông Đinh Đức Thiện đối với giới trí thức qua lời kể của nhà văn Vũ Thư Hiên:

“Có một thời sự thiếu học được coi là niềm tự hào – người ít học là người có quá khứ trong sạch, không dính với thực dân, phong kiến. Ðinh Ðức Thiện tự hào về sự thiếu học của mình lắm. Ông vỗ ngực đồm độp: ‘Xem tao đây này, tao chẳng có cái bằng chó nào hết, thế mà tiến sĩ kỹ sư sợ tao một phép. Chúng nó ỷ có học, nhưng học gì lũ chúng nó, học vẹt ấy thì có, rời sách vở ra là chịu chết. Trí thức mà không có thực tế chỉ là cục c… Chính tao này, tao chỉ đạo kỹ thuật cho chúng nó, chứ ai? Nghe cái bọn quen bơ thừa sữa cặn ấy chỉ có mà ăn cháo, ăn cháo!’’

Tưởng cũng nên nhắc lại, ông Đinh Đức Thiện là em ruột của ông Lê Đức Thọ, người đã từng nắm giữ một chức vụ đầy quyền uy: Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1956 đến 1982, và còn là người cầm đầu phái đoàn của Bắc Việt tham dự Hòa Đàm Paris 1973.

Mặc dù đồng ý với những nhận xét của tác giả Nguyễn Hưng Quốc và quý vị được trích dẫn trong bài Khinh Trí Thức, tuy thế, sau khi đọc xong, tôi không khỏi không có một vài suy nghĩ và ý kiến.

Vì không chuyên nghiên cứu về văn nghệ sĩ hoặc trí thức tại Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa nói chung, hay tại Bắc Hà nói riêng, cho nên những suy nghĩ và ý kiến của tôi đặt căn cứ nhiều trên những gì đã đọc được trong bài Khinh Trí Thức.

Trí Thức và vấn đề Tư Cách

Như đã ghi bên trên, những nhận xét trong bài Khinh Trí Thức rất chính xác. Và còn phải nói rằng những sự việc này đã được tường trình từ lâu, và đã khá quen thuộc với người đọc có quan tâm.

Tuy vậy, khi những nhận xét trong bài xem ra chỉ chú trọng nhiều đến “giới lãnh đạo Việt Nam” thì nhìn chung, tôi nghĩ, bài viết đã như bị hụt hẫng.

Tương tự như một phương trình toán có hai vế mà khi đưa ra chỉ thấy có một.

Cái vế bị thiếu này chính là những nhận xét hay trình bày về tư cách của đa số trong giới văn nghệ sĩ, trí thức mà bài viết đã bàn đến.

Nói một cách khác, những nhà chuyên khảo cứu, phê bình cũng phải nên cho người đọc biết đến những “thông tin” cùng là nhận xét trung thực của họ về việc:

  • Những vị văn nghệ sĩ, trí thức này có sống và hành xử đúng đắn như những người ưu tú xứng đáng với sự tôn trọng mà xã hội dành cho họ? 
  • Hay họ đã thường trực sống và hành xử một cách tệ hại so với những kỳ vọng mà xã hội đã đặt vào những thành phần ưu tú, trí thức?
  • Cũng như, dù biết là bị lãnh đạo khinh khi, tại sao họ vẫn tiếp tục “sống” trong sự bảo bọc của đảng, của lãnh đạo?  

Đúng, những câu hỏi trên là những gì rất khó nghe đối với người bình thường.

Nhưng, những câu hỏi trên sẽ không thể là những điều “khó nghe” đối với người trí thức vì họ là thành phần sở hữu được những giá trị tinh thần đặc biệt.

Và một trong những giá trị tinh thần đặc biệt này phải là sự can đảm trí thức.

Chính sự can đảm trí thức đó đã cung cấp cho thành phần ưu tú này một khả năng đối diện với sự thực, dù có khi rất “nhức nhối,” để tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.

Vấn đề còn lại là những vị trí thức đó có thường xuyên “dám” tự đặt ra cho chính họ những câu hỏi như vậy hay không?

Hay những giới bình luận, báo chí, hoặc những nhà phê bình có “nhắc nhở” họ bằng những câu hỏi “khó nghe” như vậy hay không?

Tại Việt Nam trong thời gian vài năm gần đây, đã thấy có những dấu hiệu rất đáng phấn khởi trước việc có một số quý vị nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các vị khoa bảng, và cả giới quân đội, lên tiếng chỉ trích lãnh đạo hoặc nộp đơn từ bỏ đảng.

Tuy vậy, con số quý vị đã lên tiếng đó vẫn còn quá khiêm nhường so với “đại bộ phận” trí thức trong nước.

Ngoài ra, khi tìm hiểu thêm, quả là một sự ngạc nhiên thú vị khi thấy có tên những vị thuộc hàng “đại cổ thụ” trong lãnh vực sinh hoạt của họ.

Đáng tiếc là có vị phải mất đến 62 năm2 tuổi đảng mới “tỉnh” ra và nhận chân được sự thực và tìm ra được dũng khí để nói lên được lời “tạ từ” với đảng.

Những ngạc nhiên đi từ thú vị sang đến đáng tiếc đã làm nẩy ra một số câu hỏi:

  • Cái lý tưởng, cái trí thức của đa số những vị này đã bị lạc đi đâu mất trên con đường đời ưu tú của họ trong suốt một khoảng thời gian quá lâu như vậy?
  • Hay lý tưởng, trí thức đó đã bị thui chột trước đặc quyền, đặc lợi mà lãnh đạo dành cho một “trí thức” con cưng (hay nặng nề hơn: tay sai) của chế độ?
  • Hay họ đã chọn sự im lặng để bảo vệ cái định chế “trí thức” đầy “sĩ khí,” để gìn giữ cái huyền thoại “văn nghệ sĩ” đầy “khí phách,” và để cho cái “tôi” ưu việt của tầng lớp “ưu tú (elite)” vẫn được ung dung cao ngạo?

Nếu phần trả lời cho các câu hỏi bên trên nói lên một thực trạng tồi tệ, và nhất là với một thành phần trí thức như vậy, thì than trách làm sao được khi “trí thức” bị những giới chức quyền ra mặt khinh khi, và miệt thị?

Vì vậy, thay vì chỉ chú trọng vào vấn đề “Lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc trí thức” (tương tự như phát biểu của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh tại buổi họp giữa Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư đảng, và khoảng 100 văn nghệ sĩ Hà Nội, vào tháng 10, 1987), thì hành động đúng đắn nhất của giới trí thức phải là tập trung can đảm để giải quyết vấn đề: “Trí thức phải làm gì để không bị lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc?”

Ngày nào mà giới trí thức này vẫn không có đủ can đảm để mạnh dạn và thẳng thắn “nhìn lại” và “đối diện” với con người trí thức thực sự của chính họ, thì ngày đó họ vẫn như những “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh”3 tiếp tục úp mặt ngủ vùi trong cái lồng son “trí thức” của họ.

Khi đó, “trí” của họ chẳng thể “thức” được để lo “tắm gội” lột xác. Và như thế, kết quả sẽ là toàn bộ giới “trí thức” này vẫn mang nặng một mùi… Mao đã gọi.

Người Việt có câu: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Thực tế là có không ít các “trí thức” không quan tâm đến ý nghĩa thực sự của câu nói trên qua sự việc họ chỉ biết nặng phần “trách nhân” mà nhẹ phần “trách kỷ.”

Rất có thể là những vị đó không đặt nặng vào phần “trách kỷ” vì ngại rằng như thế sẽ là “vạch áo cho người xem lưng.” Và những “bạch hoá” như vậy sẽ làm mất đi “giá trị” của giới tinh hoa, trí thức ưu tú mà chính họ cũng là một thành viên.

Một khi giới trí thức không tự đem lại được cho họ giá trị và phẩm cách cao đẹp, thì vòng quay “biện chứng” giữa “Lãnh đạo khinh bỉ Trí thức” và “Trí thức ‘phê bình’ Lãnh đạo” đơn giản sẽ chỉ là một chu trình “tái chế (recycle)” thay phiên nhau phục vụ cho nhu cầu của từng thời kỳ “thắt chặt” hay “cởi mở” do lãnh đạo quyết định.

Nếu giới trí thức cứ vẫn cam chịu chấp nhận làm một thứ vệ tinh “ăn theo” quay quanh quỹ đạo của đảng, thì lãnh đạo chính là “nguồn sáng soi đường” cho trí thức.

Và sự hiện diện của một tầng lớp trí thức như thế sẽ chỉ có thể là một thứ “trang sức đại trà” lòe loẹt và rẻ tiền dùng để phục vụ cho việc đánh bóng giới lãnh đạo.

Như thế đó, theo người Mỹ: “They deserve each other.” (Họ xứng đáng với nhau.)

Còn người Việt bình dân thì dễ thường hay phát biểu là: “Trông chúng nó thật xứng đôi, vừa lứa.”

Những Kẻ Sĩ Tiêu Biểu

Thực ra, trong giới văn nghệ sĩ cũng còn có những con người đúng thật là kẻ sĩ chân chính. Điển hình như nhà thơ Hữu Loan và Vũ Hoàng Chương.

Có thể nói chắc chắn mà không sợ bị lầm lẫn: Là con người cho nên những vị như Hữu Loan, hay Vũ Hoàng Chương cũng đều sợ chết, sợ khổ, sợ bị đầy đọa. Nhưng chắc chắn những thứ sợ đó không làm hai vị này sợ bằng bị mất tư cách con người.

Đối với những chế độ độc tài, như cộng sản, thì người trí thức hay kẻ sĩ chân chính sẽ không bao giờ được các chế độ này trân quý.

Nhưng, nếu đa số các vị ưu tú, trí thức sống và hành xử được như Hữu Loan hay Vũ Hoàng Chương thì có lẽ họ đã ít bị các giới chức quyền đó nặng lời khinh miệt.

Người Thơ Bận Việc Làm Người4

Xin được mạn phép trích lại một phần nói về nhà thơ Hữu Loan của nhà thơ Nguyễn Duy:

Ông là nhà thơ đàn anh, người đồng hương xứ Thanh của tôi, nơi nổi tiếng “địa linh, nhân kiệt”. Ông cũng thuộc lọai “nhân kiệt”, không chỉ là “hào kiệt” mà còn là “cùng kiệt”, một thường dân kiệt quệ theo nghĩa đen.

Hồi còn ở quê, Đò Lèn, huyện Hà Trung, giáp với huyện Nga Sơn quê ông, tôi chỉ biết ông qua lời đồn và giai thọai. Cha tôi từng đẩy xe thồ suốt những năm 60 thế kỉ trước, từng quen biết với ông Tú Loan, tức nhà thơ Hữu Loan một thời. Có lần cha tôi hỏi, mày đi học có biết thơ của ông xe thồ này không? Tôi nói không, (nhà trường hồi đó không dạy thơ Hữu Loan). Cha tôi nói ông Tú Loan hay chữ lắm, đỗ tú tài Tây, làm quan cách mạng thời khởi nghĩa bốn lăm, thời kháng chiến chống Pháp, làm thơ nổi tiếng, nhưng rồi chỉ vì cái tính ngang tàng, ngang bướng mà bỏ về làm dân đen, cũng bị bắt chẹt, bị nghèo đói xơ xác, đi thồ đá, thồ dưa, thồ chiếu, đủ thứ…Cha tôi cũng là dân nhà giàu phá sản sau thời kì “cải tạo kinh tế” nên rất thông cảm với ông Tú Loan và tỏ vẻ kính nể ông xe thồ này lắm…Cho đến đầu thập niên 70, sau mấy năm làm lính, khi theo học khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi mới được đọc thơ Hữu Loan. Rồi gần hai mươi năm sau tôi  mới được gặp ông…

Tôi gọi cho mấy người bạn văn nghệ, những người sùng bái thơ Hữu Loan. Chúng tôi quyết định đãi ông một bữa trưa sao cho ông thích thú. Hồi đó, ở công trường Mê Linh, trước tượng đức Thánh Trần, có một nhà hàng đặc sản, chuyên các món rùa và rắn.

Hỏi, ông có sợ món rắn hổ mang bành không, rắn độc đấy.

Ông nói rắn đâu có độc bằng người, người độc “tau” chả sợ, sợ chi rắn độc.

Thế là, nhà hàng cho biểu diễn màn múa vờn rắn độc, một con rắn hổ cỡ hai kí, ngóc cổ, bành mang, phun khe khè… Sau đó, rượu huyết rắn, mật rắn, quả tim rắn đập thoi thóp trong cái li nhỏ dành cho ông nuốt sống, và các món khác mà ông gọi chung là một bữa tiệc “hùng vĩ”.

Tiếp đến tiệc trà. Chúng tôi ngẩn ngơ nghe ông đọc thơ vanh vách, giọng sang sảng. Một bữa tiệc thơ “dữ dội”, những Đèo cả, Màu tím hoa sim, Hoa lúa, Những làng đi qua … Bài Vè Thanh Hóa “Khu bốn đẩy ra/ khu ba đẩy vào/ muốn chạy sang Lào/ thì Lào không nhận…” là do ông truyền cho tôi bữa đó. 

Rồi Hữu Loan kể vắn tắt về những năm tháng ông sống, cả trong kháng chiến, sau hòa bình, và nhất là thời gian cực kì gian nan, lận đận ở chính quê nhà, sau khi ông bỏ Hà Nội về làng.

Một cuộc đời thật ngang tàng, ngang trái mà cũng thật hiên ngang.

Một cuộc đời tất tả, bận rộn.

Chúng tôi hỏi, ông bận việc gì nhất?

Ông thản nhiên: “Bận việc làm người”… 

Tp. HCM, 19.3.2010 – Nguyễn Duy

*******

Vũ Hoàng Chương: Con Người Dại Hay Con Người Can Đảm5

Xin trích lại phần nói về nhà thơ Vũ Hoàng Chương của Sông Lô tại buổi “họp văn nghệ” sau 30/4/75 tại Sài Gòn. Trước các văn nghệ sĩ “đại thụ” Bắc Hà, có cả đại quan “thái thú văn nghệ” Tố Hữu, nhà thơ họ Vũ đã thản nhiên “bình thơ” Tố Hữu:

Sau đây là lời của Vũ Hoàng Chương do người có bổn phận điếu đóm đêm hôm ấy thuật lại.

“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.

Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được “đóng khung” tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên. Đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh Nghị thật xác đáng, tôi chịu.

Nhưng thơ không phải chỉ có thế. Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt. Tức chưa phải là hay. Thơ hay vừa phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ nói cho đến nơi, là ở đây, có nghĩa là thơ phải thực.

Tố Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ VN, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ VN yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca, nhưng trước hết phải biết bà mẹ VN đó có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?

Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài “Đời Đời Nhớ Ông”, Tố Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

Chắc chắn là không có một bà mẹ VN nào, kể cả bà Tố Hữu mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu ta đang mổ xẻ.

Một tình tự không chân thực, dù được luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay mà chỉ là thơ khéo làm, đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thơ thợ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi cho một tuyên truyền nào đó. Tố Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Những bà mẹ VN trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm“.

Rồi ông kết luận, hai câu lục bát của Tố Hữu, theo ý mình, chỉ là những lời thơ khéo, không thể so sánh với những câu thơ của những nhà thơ vừa nêu ở trên, bản chất khác hẳn.

Lời thẩm định trên của Vũ Hoàng Chương đã gây sôi nổi, sôi nổi vì bất bình nhiều hơn là vì tranh luận. Một vài cử tọa muốn đẩy họ Vũ đến chỗ bí, để hóa giải thẩm định ngược dòng của ông. Họ đã yêu cầu ông nói về thơ và sự thực mà ông đã đưa ra để chê Tố Hữu và cùng nghĩ rằng Vũ Hoàng Chương khó lòng mà đưa ra một luận cứ vững vàng được. Nhưng Vũ Hoàng Chương cứ vẫn ôn tồn “giải trình” tiếp:

Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại tình tự hư hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng, nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo, nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy. Tôi xin nhắc: Sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca. Vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời. Sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.

Hình như những ngày sau “cái đêm hôm ấy” Vũ Hoàng Chương đã bị bắt đi học tập và chết vào ngày 06 tháng 9 năm 1976 khi được tha về không bao lâu, có người nói Vũ Hoàng Chương là người dại, nhưng cũng có người nói Vũ Hoàng chương là người can đảm.

Theo tôi, ở vị trí kẻ sĩ, ông là một con người tự do, con người tự do của kẻ sĩ không phải quỳ lụy trước bất cứ một áp lực nào, con người tự do của kẻ sĩ tự nó đã có tính tự trọng cao và là con người can đảm.

Như Phùng Quán nói:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không bảo yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không bảo ghét thành yêu

Những người nói ông dại, không biết phía sau chữ dại ấy có ẩn chứa gì không? Nhưng sao thấy nó bất ổn quá chừng, nó chỉ biện minh được một điều duy nhất, đó là tính yếu kém của con người, nói rõ hơn, nó như dấu diếm một cái gì vừa bí hiểm vừa hèn hạ. Hơn nữa, nếu ai đó nói cách xử sự của thi sĩ họ Vũ trong hoàn cảnh như vậy là dại, cũng có thể với hàm ý là, giữ sự im lặng trong hoàn cảnh như vậy là hành động của kẻ trí? và nếu vậy thì sẽ không có bài viết này.  …

Sông Lô

*******

Để kết thúc phần ý kiến riêng này, xin mượn ý của một câu Anh ngữ:

      • Respect is earned not given. (Sự tôn trọng không do ban phát mà được hình thành từ công khó của mình.)

Đối với giới trí thức, dù ở Việt Nam hay hải ngoại, thì điều ghi trên cũng vẫn phải được áp dụng. Giới trí thức không phải là một ngoại lệ được đặc biệt miễn trừ.

Muốn được tôn trọng, giới trí thức phải chứng tỏ là họ sở hữu một tài năng và – quan trọng nhất phải là – một tư cách đáng trọng.

Một điều rất hiển nhiên là trước bất kỳ một hành trình nào, điều đầu tiên phải làm là bắt đầu bằng bước đi thứ nhất.

Quyết định từ bỏ môi trường mà Trí thức bị “Lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc” chính là bước đi thứ nhất trong cuộc hành trình đi tìm một giá trị đúng nghĩa cho họ.

Chắc chắn đây sẽ là một hành trình đầy cam go và khổ ải trong những bước đi kế tiếp trong trường kỳ cho những thành phần trí thức bị lãnh đạo khinh bỉ.

Tuy nhiên, khi hành trình kết thúc, có thể nói rằng Trí thức đã được thăng hoa, và vượt lên trên Lãnh đạo (trước đó vẫn khinh bỉ họ).

Còn như ngược lại, nếu sự chọn lựa của trí thức là “duy trì nguyên trạng,” và chấp nhận sinh hoạt trong môi trường mà họ vẫn bị khinh bỉ, thì đó cũng không phải là điều đáng phải quá ngạc nhiên.

Nhưng, đến lúc đó, Trí thức không thể tiếp tục tự lừa dối mình mà phải có đủ thành thực và can đảm để nhìn nhận rằng đó là sự lựa chọn có ý thức của họ.

Khi đó – không thể đổ lỗi là vì “hoàn cảnh” hay vì “Lãnh đạo” mà – chính Trí thức phải chịu trách nhiệm và “Sống” cùng với những hệ quả của chọn lựa đó của họ.

Trần Trung Tín – Ngày 23 tháng 12, 2021


Mời đọc thêm:

Mời nghe nhạc phẩm Quán Bên Đường:

Giọng nữ:   Rồi em, hỏi anh làm chi? Cầm bút, để viết ngày đêm… Anh viết gì?
Giọng nam:   Đời thối, anh phải nói là thơm. Ngòi bút là chiếc cần câu… Miếng cơm…

Giọng nữ:   Em hỏi: Nghệ thuật là chi? Là đui. Là điếc. Là câm… Mà đi.


Chú thích

  1. Bài viết Khinh Trí Thức đăng ngày 25/11/2021 tại:
    https://www.facebook.com/hungquoc.nguyen.771/posts/3201992963410327
    Nếu không vào được Facebook, có thể đọc bài này tại:
    https://www.ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/7167-khinh-tri-th-c-nguy-n-hung-qu-c
  2. Xem:
       2.1  https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%C3%AAn_Ng%E1%BB%8Dc
       2.2  https://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_H%E1%BA%A3o
  3. Truyện ngắn của Phùng Cung:
        https://vietmessenger.com/books/?title=connguagiacuachuatrinh
    Về tác giả Phùng Cung, xin xem:
        http://thuykhue.free.fr/stt/p/phungcung.html
  4. http://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/HuuLoan/ThuongNhoHuuLoan.htm
  5. https://trieuxuan.info/nhung-bai-viet-ve-thi-hao-vu-hoang-chuong