Trần Trung Tín1

Trong tháng 6/89 vừa qua, tôi có đọc được một bài phân tích công phu của ông Vương Hữu Bột mang tựa đề: “Cởi trói ở Việt Nam. Bế tắc trong khoa học xã hội hay bế tắc của chủ nghĩa xã hội” (tạp chí Thế Kỷ 21, số 2, 6/89). Với tương đối đầy đủ các chú thích cần thiết, bài viết nói trên có đề cập đến ông Lý Chánh Trung bên cạnh các tên tuối kỳ cựu ở mặt lý thuyết của Đảng Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Khắc Viện, Trần Văn Giàu, hoặc trẻ trung hơn như Trần Độ.

Ông Lý Chánh Trung xuất hiện trong bài viết nói trên không phải như là một thứ Cộng sản tân tòng đang vỡ lòng học tập chủ nghĩa Mác Lê Nin. Trên những diễn đàn của Đảng, ông Lý Chánh Trung, cùng với các tên tuổi nói trên, hăng hái nghị luận về những bế tắc nhằm tìm ra những giải pháp thích ứng và hữu hiệu cho việc áp dụng chủ nghĩa Mác Lê Nin trên đất nước Việt Nam. Thời điểm được ghi nhận ở đây là khoảng tháng 10, tháng 11 năm 1988. Xin được ghi lại một đoạn trong bài của ông Vương Hữu Bột nói về ông Lý Chánh Trung:

“Điều lạ là Lý Chánh Trung không cười, mà lại có thái độ rất nghiêm trang, khi đưa các đề nghị như phải dậy cả triết học đông, tây trước và sau Mác”… để thấy cái ưu việt của Mác Lê Nin.” Rồi lại đề nghị phải khảo cứu lịch sử các phong trào cách mạng trước Mác, cũng là để “thấy cái ưu việt của chủ nghĩa Mác.” Bàn đến việc nghiên cứu vấn đề dân tộc thì cũng là để có “một lý thuyết tổng quát về dân tộc trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Lênin.” Tóm lại nói gì thì nói Lý Chánh Trung nhất định nói “tính cách ưu việt” của Mác-Lênin, như người ta ôm chặt lấy cái nón trên đầu mình.” (Trang 12, số báo đã dẫn.)

Lùi lại khoảng đầu thập niên 70, nhất là khoảng 1973 trở đi, sau khi hiệp định Paris được ký kết, tên của ông Lý Chánh Trung cũng không xa lạ gì trên các mặt báo. Lúc ấy, nói đến tên quý vị Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung…, một người bình thường có chút hiểu biết, đã liên tưởng ngay đến những đòi hỏi, những lên tiếng thuộc loại “phản chiến,” “hòa bình” (trong ngoặc kép). Những đòi hỏi và kết án nhiều nhất nhắm vào miền Nam Việt Nam, đồng điệu và nhịp nhàng với cường độ tấn công của Cộng sản Bắc Việt trên nhiều trận tuyến, quân sự và chính trị là những điển hình. Tôi đã viết những chữ phản chiến và hòa bình trong đôi ngoặc kép vì chiến tranh đã và đang được người Cộng sản Việt Nam sử dụng để áp đặt một thứ hòa bình trong nô lệ lên người dân Kampuchea và cả lên người Việt Nam nữa mà hơn 10 năm qua chưa một lần được nghe nói đến tên quý vị trên có một lời phản kháng.

Phác qua hai hình ảnh của một mẫu người ở những mốc thời gian cách nhau đến gần 20 năm như một cố gắng tìm hiểu (một cách khái quát) về diễn tiến ở một số mặt nơi mẫu người đó.

Những dòng chữ đang được đọc, được viết lên bởi một độc giả bình thường, thiếu hẳn phương tiện, chẳng hạn như để sưu tầm tài liệu, như một cây viết chuyên nghiệp. Vì vậy, trong bài viết này ông Lý Chánh Trung được nhắc đến nhiều nhất, dựa trên những ghi nhận — có thể được kiểm chứng — của ông Vương Hữu Bột đăng trên số báo đã dẫn.

Dài dòng ghi lại như vậy với mục đích nói lên được phần nào sự ngạc nhiên của tôi sau khi đọc bài: “Dominici Đỗ Minh Trí và Việt Nam quê hương tôi” trên trang Văn Học Nghệ Thuật của nhật báo Người Việt số 1516 ra ngày 24/6/1989. Tác giả bài báo là ông Thế Uyên.

Xin được tóm tắt sơ lược bài báo: phần lớn bài báo viết về linh mục Dominici (nếu tôi không lầm, thì linh mục chính gốc là người Ý) và tác phẩm “Việt Nam quê hương tôi” của linh mục viết bằng tiếng Việt. Phần còn lại, rải rác đây đó, ông Thế Uyên đã đề cập đến những vị Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung…

Cũng như ông Thế Uyên, tôi không phải là một người Công giáo, nhưng tôi rất khâm phục Cha Dominici qua những gì tôi được mắt thấy tai nghe thể hiện nơi những gì Linh mục Làm (viết hoa) cho người Việt tị nạn. Ít ra cũng là ở khoảng thời gian tôi còn ở đảo Galang, Nam Dương.

Cũng vậy, tôi xin được chia sẻ với ông Thế Uyên về những điều ông cảm nhận được qua trước tác của linh mục Dominici Đỗ Minh Trí.

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn bất bình với ông Thế Uyên về việc ông đề cập đến những người như các ông Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung… song song với việc ông miêu tả những đức tính tốt, xứng đáng được đề cao, của linh mục Dominici Đỗ Minh Trí cũng như những người Việt Nam làm Cha Trí hãnh diện.

Xin được trích nguyên văn một đoạn trong bài viết của ông Thế Uyên:

“Vì Cha Trí còn hãnh diện vì những người đã ở lại Việt Nam chứ không di tản sang Mỹ, đã sẵn sàng ở lại bên anh em đồng bào để chia sẻ chén đắng của đau khổ, gánh nặng của nô lệ…” Cha Trí hãnh diện về những người như Cha Thuận dám chia cơm sẻ áo trong chốn lao tù đã đành, ông còn hãnh diện vì nhiều người khác dám chọn ở lại quê hương để phục vụ dân tộc mình, cộng đồng mình dưới muôn vàn khó khăn… Làm linh mục trong những giáo xứ giàu có tiện nghi ở Mỹ tất nhiên dễ dàng hơn rất nhiều lần làm linh mục trong giáo xứ dưới chế độ cộng sản, nhất là cộng sản Việt Nam. Bởi thế, dù tôi không phải là người Công giáo, tôi vẫn thấy ngậm ngùi buồn khi gần đây được đọc trên một vài tờ báo nào đó thấy những lời lẽ chê bai, chụp mũ cộng sản và phản bội dân tộc cho những người như Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan… Những vị này, cùng với các trí thức Công giáo khác như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung… chỉ là những người muốn làm một gạch nối giữa Giáo hội và Đảng, muốn tìm một con đường thỏa hiệp để có thể duy trì đức tin nơi Chúa Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam. Và hơn thế nữa, họ còn muốn tạo ra một thay đổi tới tận thái độ chính trị và kinh tế nơi hàng ngũ tăng lữ và giáo dân: Họ muốn tuân theo tinh thần cả Cộng đồng Vatican 2 mà tạo dựng ra một giáo hội của người nghèo và vì người nghèo. Hơn mười năm qua, họ đã phải chịu rất nhiều khó khăn và còn cả muôn vàn khó khăn đang chờ đợi họ trong tương lai. Bởi thế, ngồi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi miền Tây Bắc xứ Hoa Kỳ khi viết đến những giòng này, tôi không khỏi nhớ tới những con người đó với niềm cảm thông và cảm mến.”

Một sự đề cập song hành như vậy về hai sự việc, một đã được dẫn chứng khá đầy đủ (Cha Dominici, Cha Thuận2) và một chỉ với những phát biểu chung chung, trong sự hiểu biết của tôi, tôi nghĩ là ông Thế Uyên đã không tạo được một sự minh bạch cần phải có dành cho người đọc. Chẳng hạn như điều mà ông Thế Uyên viết là: “gạch nối giữa Giáo hội và Đảng,” “muốn tìm một con đường thỏa hiệp để…” thiết nghĩ cần phải nên được kèm theo những dẫn chứng khả tín. Một dẫn chứng minh bạch trong trường hợp này, tưởng đáng là điều cần thiết. Vì những điều được đề cập đó đã quá bị lạm dụng như những thứ chiêu bài, làm bình phong để che dấu cho những âm mưu dự tính khác.

Hãy nói riêng đến trường hợp của ông Lý Chánh Trung. Dưới ngòi bút của ông Vương Hữu Bột là một ông Lý Chánh Trung: trí thức Cộng sản, luận bàn về những điều cơ bản chiến lược để tìm lối thoát cho Đảng. Thảng hoặc có nghĩ đến dân tộc thì cũng phải là thứ dân tộc đặt “trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Lênin.” Và dưới ngòi bút của ông Thế Uyên là một ông Lý Chánh Trung: “trí thức Công giáo” (chữ của ông Thế Uyên), “muốn làm một gạch nối giữa Giáo hội và Đảng,” muốn “thỏa hiệp để có thể duy trì đức tin nơi Chúa Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam.” Đâu là con người thực của ông Lý Chánh Trung?

Rất nhiều điều đáng quý, đáng phải học, phải phục nơi Cha Dominici, Cha Thuận, như là những tiêu biểu của những người trí thức Công giáo (chữ không ở trong ngoặc kép). Nhưng có điều gì đáng quý, đáng được cảm mến nơi con người “trí thức Công giáo” như mẫu người Lý Chánh Trung, Trương Bá Cần…?

Đọc kỹ lại đoạn văn nói trên của ông Thế Uyên, tôi không biết rằng có phải ý của ông Thế Uyên muốn gửi gấm trong đoạn văn ấy là: những quý ông Cần, Chân Tín, Ngọc Lan, Chánh Trung… là những người đã chọn ở lại quê hương để phục vụ (làm gạch nối, tìm con đường thỏa hiệp) cộng đồng mình, dân tộc mình (duy trì đức tin nơi Chúa Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam)? Và có phải do vậy nên ông Thế Uyên cảm thấy ngậm ngùi buồn khi thấy những người này bị chê bai, bị “chụp mũ cộng sản” hoặc bị nêu danh là “phản bội dân tộc.”

Với riêng tôi, có một khoảng cách quá lớn giữa mẫu người Việt Nam làm Cha Trí hãnh diện — như trường hợp Cha Thuận — và những người Việt Nam mà ông Thế Uyên đang minh danh nhắc nhở với một niềm “cảm thông và cảm mến.” Khoảng cách to lớn ấy là những ngục tù và câm nín.

Tôi đã viết là ông Thế Uyên cần minh bạch hơn về những điều ông đã viết về các vị mà ông gọi là Trí Thức. Vì tôi nghĩ rằng: hẳn là để có được “nỗi nhớ” với “niềm cảm thông và cảm mến” đến “những con người đó,” ông Thế Uyên ắt phải biết khá rõ về chân giá trị của quý vị ấy ở mặt tư tưởng cũng như hành động. Chứ như phần riêng bản thân tôi, tôi chưa hiểu ra được một giáo dân (căn bản cũng là một người dân) nên được quý vị ấy dẫn dắt như thế nào trong việc thỏa hiệp với Đảng. Để, trước nhất, có thể được sống như một Con Người. Ấy là chưa nói gì đến việc duy trì đức tin — lại không phải nơi Mác, Lênin mà — nơi Chúa Kitô.

Riêng về điều mà ông Thế Uyên viết là chụp mũ cộng sản. Đối với quý ông nói trên, là một điều rất có thể đúng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là chỉ với một lời than thở xuông là đủ để chứng tỏ hoặc đủ để biện minh cho quý vị trên là: không Cộng sản, hoặc giới hạn hơn một chút là: không làm lợi cho Cộng sản.

Với riêng tôi, vẫn hãy còn quá sớm để có thể quên đi rằng những quý vị này đã một thời góp phần không ít trong việc gây thêm rối loạn, tạo thêm những bất ổn chính trị ở vào thời điểm mà cuộc đấu trạnh chính trị của miền Nam với kẻ thù Cộng sản đang trong giai đoạn sinh tử (1972-1975).

Còn như trong hiện tại, hãy lấy riêng trường hợp của ông Lý Chánh Trung như là một thí dụ điển hình. Bằng vào những đóng góp trong việc phát triển và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin ở mặt tư duy, lý luận của ông ta, với riêng tôi, ông Lý đang đóng trọn vai trò của một “kỹ sư tâm hồn” cho Đảng. Một thứ kỹ sư có trách vụ nhào nặn, kiến tạo ra những tâm hồn Cộng sản theo những đòi hỏi của Đảng. Với những con người như vậy, dù cỏ đảng tịch hay không, vẫn đáng được lưu ý kỹ hơn những con người Cộng sản thông thường khác. Những con người Cộng sản thông thường, vốn chỉ đáng được xem như là một thứ phó sản (co-product) của chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng đã có thể tự chứng tỏ được sự nguy hiểm của họ.

Tương tự, về điều mà ông Thế Uyên tỏ ý bất bình khi có người nào đó, có tờ báo nào đó nêu tên quý ông trên là những kẻ “phản bội dân tộc,” tôi nghĩ, điều đó còn tùy theo cách nhìn của mỗi người.

Trong quan niệm của cá nhân tôi, cộng tác với kẻ thù, thỏa hiệp với kẻ thù (để rồi kết quả của những hành vi đó chỉ đem đến thêm khổ đau, tan nát cho dân tộc) là những hành động phản bội dân tộc. Cho dù những hành động đó xuất phát từ những cá nhân hay tập thể cao vợi đến đâu đi nữa thì, với tôi, cũng chỉ đáng được kể là những hành động của những phần tử phản bội dân tộc.

Không phải là tôi chưa bao giờ được biết đến những nghị luận về thoả hiệp, cộng tác (hoặc nói một cách khác: hợp tác) với Cộng sản Việt Nam như là một cách khác để có thể phục vụ dân tộc. Lập luận này đã được khai triển khá kỹ trong thời gian gần đây. Triển vọng thành tựu của những lập luận này sẽ như thế nào, trong tương lai, vẫn còn là một nghi vấn to lớn. Nhưng, nghiệm lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ gần cho đến hôm nay những kiểu thỏa hiệp, những loại cộng tác với Cộng sản Việt Nam đã không còn mang một ý nghĩa tương tự như một thứ khổ nhục kế thời Việt Vương Câu Tiễn hoặc như thời Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám.

Hình ảnh và kết quả việc làm của những phần tử tự khoác cho mình các nhãn hiệu: đối lập, cấp tiến, thành phần thứ ba… tại miền Nam trong những năm tháng cuối cùng của một miền Nam đang hấp hối tưởng đã là một minh chứng cần thiết.

Hòa hội, đi đêm, trở cờ, bán đứng, tất cả những hành vi này vào thời điểm đó đều được che dấu sau những từ ngữ hoa mỹ: thỏa hiệp, tôn trọng quyền tự quyết (của nhân dân miền Nam), hòa bình trong danh dự, hòa hợp hòa giải dân tộc…

Và rút lại chỉ là những người dân Việt Nam là còn đó, chết cứng giữa những sự bội phản.

Rất có thể, trong không khí hỗn loạn rối ren ngày đó, một số nhân vật đã bị ngộ nhận. Trả lại sự thật để làm sáng tỏ cho những người đó quả thực là một điều nên làm.

Tuy nhiên, nếu làm, thiết tưởng một sự minh bạch ngọn nguồn bắt buộc phải được xem là những tiêu chuẩn. Ghi nhận, mô tả một hình ảnh đẹp với một số dữ kiện cần có để minh chứng (một điều làm rất đúng) rồi dẫn đến một hình ảnh khác, chỉ với bày tỏ của cảm giác cá nhân, hàm ý nói hình ảnh thứ hai cũng đẹp là một việc làm không đầy đủ. Nếu không muốn nói, một nối kết (connection) như vậy có một vẻ nhập nhằng, không minh bạch, ít ra là đối với tôi trong vị trí của một người đọc.

Trở lại các nhân vật được ông Thế Uyên bày tỏ sự cảm thông và cảm mến, trong một giai đoạn lịch sử đã qua đó, cá nhân tôi đã không cùng chung một thế hệ, không đứng được ngang tầm với quý vị ấy. Do thế, chỉ có thể thấy được một số thành quả biểu kiến của họ. Điều rất dễ khiến tôi có một cái nhìn sai lạc.

Tôi hy vọng rằng qua ông Thế Uyên, trong một dịp khác, từ vị trí của một người đọc, tôi sẽ có dịp được hiểu rõ hơn về con người và hành vi — nhất là hành vi chính trị — của các ông Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung.

Ít ra cũng là để được hiểu thêm về điều mà ông Thế Uyên viết là: “Và hơn thế nữa, họ còn muốn tạo ra một thay đổi tới tận thái độ chính trị và kinh tế nơi hàng ngũ tăng lữ và giáo dân…”

Tôi rất mong được nghe thêm từ ông Thế Uyên về các chi tiết liên hệ như:

  • Thái độ chính trị của chính những quý vị đó (chứ không phải của “hàng ngũ tăng lữ và giáo dân”) đối với Đảng như thế nào?
  • Sự thay đổi ở mặt chính trị, kinh tế mà họ muốn tạo ra rồi sẽ có khả năng đưa người dân (giáo dân, tín hữu) đi về đâu?

Xin được chi tiết hơn là chỉ với những đề cập có tính khẩu hiệu như “của người nghèo và vì người nghèo.”  

Cũng như:

  • Làm thế nào để quý vị ấy có thể tạo ra sự thay đổi?
  • Và, kết cuộc trên thực tế ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi có sự thay đổi? Người dân, quý vị ấy hay Đảng?

Những điều được tôi ghi lên đó đến từ ý nghĩ: không phải bỗng dưng không biết gì hết về tâm tư và hành động của các ông Cần, Ngọc Lan, Chân Tín, Chánh Trung… mà ông Thế Uyên lại hạ bút bày tỏ sự cảm thông và cảm mến trên mặt báo.

* * *

Tưởng cũng nên ghi lại đây ít dòng về điều đã quá bị lạm dụng. Tôi muốn nói đến hai chữ chụp mũ. Quả có rất nhiều phần tử xấu thường xuyên cố ý phá hoại hoặc không có nhu cầu sử dụng đến sự đắn đó suy nghĩ. Hơi một chút đã hô bừa, viết bậy về người khác, về tập thể khác, và không hề chịu lắng nghe tìm hiểu, về những trình bầy, giải thích liên hệ, nếu có.  Đây đúng là một trò chơi bẩn, đáng bị loại bỏ.

Mặt khác, lại cũng có những hô hoán, những ngao ngán là đã bị chụp mũ. Với không một lời giải thích hoặc chỉ với những giải thích mập mờ không minh bạch khi có điều được nêu ra liên quan đến mình hoặc đến những gì mình thích. Theo tôi, đây chính là một cách khỏa lấp hoặc tránh né một sự việc cần được sáng tỏ. Và phải nói là cách này cũng không lấy gì làm sạch, cũng cần phải được lưu ý điều chỉnh.

Suy nghĩ, thắc mắc được nêu ra có liên quan đến một số sự kiện, tùy theo sự hiểu biết cũng như tùy thuộc vào vị trí và cách nhìn của người đặt vấn đề, nêu thắc mắc. Điều nhất định đáng đặt ra phải là sự nghiêm chỉnh của người nêu thắc mắc. Trong tinh thần này, tôi xin được trách nhiệm về điều mình đã viết.

Trước khi kết thúc bài viết, để tránh những hiểu lầm không cần thiết, tôi xin được viết thêm là, trong suy nghĩ của tôi: Đảng Cộng sản Việt Nam là kẻ thù của dân tộc. Viết lên điều này, tôi không hề hàm ý là tất cả mọi người có đảng tịch, có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam đều là kẻ thù của dân tộc và do đó phải bị triệt tiêu.

Ngày 6 tháng 7, năm 1989
           Trần Trung Tín


Mời Đọc Thêm:



Chú thích

  1. Ghi chú cập nhật, ngày 02/4/2021: Bài báo “Về một số điều trong bài báo của Ông Thế Uyên” đã đăng trên nhật báo Người Việt, số ra ngày 14/7/1989. Sau đó, tôi vẫn để ý nhưng không thấy nhà văn Thế Uyên có thêm ý kiến gì trên Người Việt. Cũng không có gì để phải phàn nàn về điều này. Khoảng đầu tháng 10, 1989, rời Hoa Kỳ sang Nhật làm việc trong 2 năm, nên tôi không còn đọc được Người Việt (lúc đó chưa online). Vì thế tôi không biết là ông Thế Uyên có viết gì thêm về cùng đề tài trên Người Việt hay không. Dài dòng như vậy để cho thấy sẽ là một điều không công bằng đối với nhà văn Thế Uyên khi chỉ đăng lại ý kiến viết về ông mà không đăng bài phản hồi của ông, nếu có. Theo Người Việt online, nhà văn Thế Uyên đã qua đời vào ngày 11/6/2013.
  2. Ghi chú cập nhật, ngày 02/4/2021: Trong các bài báo bên trên, viết trong năm 1989, cả nhà văn Thế Uyên và tôi đều có đề cập đến “Cha Thuận” mà chỉ ghi tên mà không ghi đầy đủ tên và họ của ông. Để cho được đầy đủ, xin được chú thích thêm: Với cả tên Thánh thì Cha Thuận là Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928–2002). Sau 30/4/1975, ông bị bắt, đi tù và cải tạo suốt 13 năm. Trong suốt cuộc đời của ông, Đức Cha Thuận là một gương mẫu đáng kính và đáng phục qua những gì mà ông đã thể hiện bằng chính hành động hy sinh và lòng từ ái của ông. Có thể đọc vi.wikipedia.org để biết thêm nhiều chi tiết khác. Trong đó có những phần nhắc đến quý linh mục Trương Bá Cần, Chân Tín, Phan Khắc Từ… những tên tuổi khó quên trong đầu thập niên 1970s khi mà miền Nam Việt Nam đang tứ bề thọ địch và sau đó đã bị bức tử vào ngày 30/4/1975.