Mùa bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2024 đang đến giai đoạn kết thúc. Cuộc bầu cử này đã và đang làm nhiều nơi trên thế giới bị “xao động.” Và cũng có thể nói Âu Châu là một trong những nơi bị – hay ít ra cũng là đã thể hiện – nhiều xao động nhất.
Như vào ngày 31 tháng 10, 2024, trên website của Global Europe đã đăng bài nhận định về Trump, Âu Châu và Đức: Trump 2.0: What is at Stake for Europe and Germany.
Đồng tác giả của bài nhận định trên là:
- Brandon Bohrn, Project Manager – Program Europe’s Future; E-Mail: brandon.bohrn@bertelsmann-stiftung.de
- Dr. Peter Walkenhorst, Senior Project Manager – Program Europe’s Future; E-Mail: peter.walkenhorst@bertelsmann-stiftung.de
Xin mời quý vi, quý bạn xem phần chuyển ngữ của bài nhận định có nội dung rất giá trị, theo nhận xét riêng của người chuyển ngữ.
Trần Trung Tín chuyển ngữ
Nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể đem đến những thay đổi lớn cho Âu Châu—và đặc biệt là Đức. Bị thúc đẩy bởi một chương trình nghị sự đặc kín, cô lập, các chính sách của Trump có thể triệt để định hình lại vấn đề an ninh xuyên Đại Tây Dương, ủng hộ Ukraine, quan hệ kinh tế và mậu dịch, chính sách công nghệ, và tạo thêm sức mạnh cho các thế lực chống dân chủ (anti-democratic) ở Âu Châu. Giới lãnh đạo Âu Châu nên chuẩn bị cho những biến động có thể xảy ra và thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ những lợi ích căn cốt của họ.
✿
Donald Trump có thể trở lại Toà Bạch Ốc, với các cuộc thăm dò cho thấy cách biệt mỏng dính (razor-thin margin) trong khi Ngày Bầu cử 5 tháng 11 đang đến gần. Cuối cùng, vài chục ngàn cử tri tại một số ít các tiểu bang nghiêng ngả (swing states) sẽ quyết định Kamala Harris hay Donald Trump sẽ thắng cử.
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump, dù vậy, sẽ có nhiều tác động đáng ngại hơn nhiều cho Đức và Châu Âu hơn là nhiệm kỳ tổng thống của Kamala Harris. Không bị ràng buộc bởi áp lực tái tranh cử và được bao quanh ngay từ ngày đầu bởi các cố vấn trung thành, Trump có thể theo đuổi chương trình nghị sự gây xáo trộn vượt xa những gì đã làm từ 2017 đến 2021. Không giống như lúc bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, lần này ông được chuẩn bị kỹ càng hơn. Các nhóm nghiên cứu bảo thủ như Heritage Foundation và America First Policy Institute (AFPI) đã soạn thảo những kế hoạch chi tiết về việc triệt để tái cấu trúc guồng máy chính quyền Hoa Kỳ và chính sách đối ngoại cứng rắn, bảo hộ và đơn phương của Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo chính trị và công chúng ở Đức và Châu Âu có vẻ đánh giá thấp những hậu quả mà chính quyền Trump 2.0 có tiềm năng gây ra. Trong khi Ủy ban Âu Châu (European Commission) và nhiều bộ của Đức đã soạn thảo các kế hoạch dự phòng để đối phó với các biện pháp có khả năng đối kháng phát xuất từ chính quyền mới của Trump, thì phương cách “chờ xem” (“wait-and-see”) vẫn chiếm ưu thế ở nơi một số nhà hoạch định chính sách và nhiều nhóm (segments) của công chúng. Nhiều người tiếp tục đặt hy vọng vào chiến thắng của Kamala Harris hoặc, ít nhất, cũng là một nhiệm kỳ tổng thống của Trump ít gây tác động.
Nhưng, thực tế “ứng chiến” (engaging) với các hậu quả sâu rộng của “Trump 2.0” hiện nay là điều tối cần thiết để chuẩn bị và xây dựng sự hỗ trợ chính trị cho các biện pháp thiết yếu cần thiết. Trong các lĩnh vực sau, các chuyển đổi và quyết định chính trị đe dọa tác động đến các lợi ích cốt lõi của Châu Âu và Đức:
- An ninh và NATO, vì Trump có thể rút khỏi NATO hoặc làm cho các cam kết về an ninh của NATO phụ thuộc vào điều kiện là Âu Châu phải có sự gia tăng đáng kể và nhanh chóng trong chi tiêu quân sự của mình.
- Ukraine, vì Trump có thể cắt giảm mạnh hoặc hoàn toàn ngưng hỗ trợ quân sự và tài chánh cho Ukraine, đẩy nước này hướng tới một hiệp ước hòa bình có nhiều nhượng bộ cho Nga. Nếu Châu Âu không đền bù được cho sự cắt giảm của Hoa Kỳ, Kyiv có thể bị buộc phải chấp nhận các điều khoản này.
- Kinh tế và Mậu dịch, vì Trump có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế bằng cách áp đặt mức thuế nhập cảng cao (high tariffs) lên hàng hóa Châu Âu, có khả năng phát động một cuộc chiến tranh mậu dịch (a trade war) với Liên minh Châu Âu (European Union – EU).
- Công nghệ, vì Trump có thể áp lực các công ty công nghệ Châu Âu để họ đồng ý với các biện pháp của Hoa Kỳ để kiểm soát xuất cảng hoặc trừng phạt Trung Hoa, đưa đến việc họ phải tách khỏi một số khu vực của thị trường Trung Hoa.
- Dân chủ và Trật tự Quốc tế, vì Trump có thể đưa Hoa Kỳ hướng tới một “nền dân chủ phi tự do,” (“illiberal democracy”) vốn có thể làm suy yếu các nền dân chủ tự do trên toàn cầu và làm cho mạnh hơn các tác nhân (actors) độc tài và chống-dân chủ (anti-democratic), kể cả ở Châu Âu.
I. An ninh và NATO
An ninh quân sự của Châu Âu ngày nay phụ thuộc phần lớn vào Hoa Kỳ. Thực tế này khiến Đức và các đối tác Châu Âu của họ có rất ít chỗ để xoay xở ứng đối trong trường hợp chính quyền cứng rắn hơn của Trump quyết định chuyển hướng ra khỏi Âu Châu về những vấn đề an ninh. Việc Hoa Kỳ giảm tham gia vào việc phòng thủ Châu Âu buộc Châu Âu phải mạnh mẽ tăng cường năng lực phòng thủ của chính mình dưới áp lực căng thẳng của thời gian. Còn căng thẳng nhiều hơn nữa sẽ là các chính sách, hoặc ngay cả chỉ là những cử chỉ mang tính biểu tượng, ném ra sự ngờ vực về những bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ và việc phòng thủ răn đe hạt nhân mở rộng (extended nuclear deterrence).
Lợi ích của Châu Âu là gì?
Châu Âu muốn lưu giữ Hoa Kỳ như là một đối tác trong chính sách an ninh và phòng thủ, ngay cả dưới chính quyền Trump 2.0. Đồng thời, bất kể là Trump hay không, thì vì lợi ích của chính mình, Âu Châu cần phát triển lớn hơn nữa năng lực và kỹ nghệ quốc phòng của họ trong trung hạn để đạt được một mức độ cao hơn về sự tự trị chiến lược.
Điều gì sẽ thay đổi dưới chính quyền Trump 2.0?
Bất kể ai cuối cùng sẽ bước vào Toà Bạch Ốc, trọng tâm của các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ vẫn là Trung Hoa và khu vực Á Châu—Thái Bình Dương. Âu Châu sẽ đứng thứ yếu sau ưu tiên này và có khả năng sẽ tiếp tục mất đi vị trí tương ứng như hiện tại. Tiến trình dài hạn này, được sự ủng hộ của lưỡng đảng, có thể đem đến những xáo trộn dưới thời tổng thống Trump. Vị cựu tổng thống này đã nhiều lần lên tiếng xem thường NATO, đặt câu hỏi về vai trò của Hoa Kỳ như một cường quốc bảo vệ, và gay gắt chỉ trích người Châu Âu, đặc biệt là Đức, vì chi tiêu quốc phòng thấp của họ. Ông đã nhiều lần đe dọa sẽ hạn chế sự tham gia của Hoa Kỳ vào NATO và đặt câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với phòng thủ tập thể theo Điều 5 (Article 5 of NATO).
Mặc dù việc Hoa Kỳ hoàn toàn rút ra khỏi NATO là điều khó xảy ra, nhưng chính quyền Trump vẫn có thể làm suy yếu đáng kể vai trò cột trụ của Hoa Kỳ trong liên minh. Trump có thể giảm bớt lực lượng quân đội quy ước của Hoa Kỳ đồn trú tại Châu Âu, hạn chế hợp tác về tình báo, giám sát và trinh sát, hoặc thậm chí chấm dứt khả năng răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ.
Các đồng minh NATO sẽ bị áp lực để không những phải đáp ứng mà còn phải vượt quá cam kết chi tiêu quốc phòng hai phần trăm đã được tái khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius 2023. Đặc biệt là Đức, đã bị Trump chỉ trích kể từ nhiệm kỳ đầu của ông, sẽ bị áp lực to lớn nếu không đáp ứng được các mục tiêu này.
Châu Âu có thể làm gì để đẩy mạnh lợi ích của mình?
Vì trọng tâm của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Hoa và Indo—Pacific (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) khó có thể thay đổi, bất kỳ là ai đắc cử tổng thống, cho nên Đức và Châu Âu, trong bất cứ trường hợp nào, đều được khuyến khích tăng cường khả năng phòng thủ của chính họ. Càng quyết tâm theo đuổi mục tiêu này chừng nào thì lại càng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ—do đó gia tăng được khả thể duy trì được sự cam kết ở mức tối thiểu của Hoa Kỳ đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương. Trong bối cảnh này, sẽ là điều hợp lý cho Âu Châu để không chỉ nhấn mạnh mà còn xây dựng trên sự tiến triển đạt được trong chi tiêu quốc phòng ở những năm gần đây (22 trong 30 thành viên Châu Âu của NATO hiện đã đạt được mục tiêu của hai phần trăm trong chi tiêu quốc phòng) và ngay cả đặt ra các mục tiêu nhiều tham vọng hơn cho năm đến mười năm tới. Một phần nào đó trong các nỗ lực gia tăng quốc phòng cũng có thể được thực hiện qua việc mua các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ.
Hơn thế nữa, một Âu Châu mạnh mẽ còn đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ trong sự cạnh tranh toàn diện (systemic competition) với Trung Hoa. Do đó, người Âu Châu nên tỏ ra cho chính quyền Trump 2.0 thấy cách thế họ có thể hỗ trợ Washington trong sự đối đầu với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Châu Âu cần phải sửa soạn để đưa ra những nhượng bộ về chính sách kinh tế và công nghệ nhằm để thuyết phục Hoa Kỳ về giá trị chiến lược của mình như là một đối tác trong lãnh vực này.
II. Ukraine
Kết quả của cuộc chiến tranh Ukraine rất quan yếu cho việc thiết lập một trật tự an ninh mới trên lục địa Châu Âu. Nếu Nga thắng cuộc chiến này, họ có thể mở rộng các nỗ lực bành trướng của họ theo chủ nghĩa tân đế quốc (neo-imperialist) trong các khu vực khác, như vùng Baltics. Tuy nhiên, nếu Kyiv thành công trong việc đánh bại Nga, Ukraine có thể, trong dài hạn, trở nên một thành tố then chốt (cornerstone) của một cấu trúc an ninh mới của Âu Châu.
Hoa Kỳ hiện đang là quốc gia đừng đầu hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự và thứ hai về mặt tài chánh (sau EU và 27 quốc gia thành viên). Do đó, bất cứ sự cắt giảm hoặc hoàn toàn rút đi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đều cần được Âu Châu đền bù.
Lợi ích của Châu Âu là gì?
Chiến thắng của Ukraine là điều kiện tiên quyết tối cần cho việc xây dựng một trật tự an ninh mới cho Châu Âu. Tuy nhiên, đạt được điều này mà không có sự tiếp tục hỗ trợ của Hoa Kỳ là cả một thách đố to lớn. Hoàn toàn đền bù được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ (cho Ukraine), đặc biệt là trong ngắn hạn, sẽ là một thử thách lớn lao về mặt chính trị và tổ chức. Do đó, Châu Âu có lợi ích lớn trong việc bảo đảm rằng Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Kyiv với càng nhiều tài nguyên càng tốt.
Những gì sẽ thay đổi dưới chính quyền Trump 2.0?
Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine “trong vòng 24 giờ” hoặc ít ra là “rất nhanh” nếu tái đắc cử—một điều mà ông nhắc lại sau khi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9, 2024. Chi tiết về việc ông có ý định như thế nào để đạt được mục tiêu này thì vẫn còn thiếu.
Trump đã cổ võ cho nhiều thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine. Ông đã đề nghị một khuôn khổ nhận viện trợ Hoa Kỳ trên căn bản vay mượn (a loan-based framework for U.S. aid) nhưng cũng ám chỉ rằng mọi hỗ trợ có thể ngưng nếu ông trở lại nhiệm sở. Thêm nữa, ông tin rằng việc tháo bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga nên là một phần của hiệp ước hòa bình.
J.D. Vance, ứng cử viên phó tổng thống của Trump, đã đặt câu hỏi về khả năng của Ukraine trong việc duy trì được các nỗ lực quân sự của họ và kêu gọi lập tức chấm dứt ngay viện trợ của Hoa Kỳ. Hơn nữa, ông đã đề xuất một “kế hoạch hòa bình” trong đó đòi Ukraine phi quân sự hóa và nhượng lại các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát. Vance là một trong 18 thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống lại gói viện trợ mới nhất trị giá 61 tỷ đô la Mỹ cho Ukraine.
Châu Âu có thể làm gì để theo đuổi lợi ích của mình?
Nếu sự hỗ trợ về quân sự và tài chánh của Hoa Kỳ cho Ukraine bị cắt giảm đáng kể hoặc hoàn toàn bị rút đi, thì Đức, vì lợi ích của chính mình, sẽ phải gánh vác trách nhiệm làm việc với các đối tác Châu Âu để lấp đầy khoảng trống to lớn đó. Sức mạnh kinh tế của Đức đặt họ vào vị trí then chốt tại Âu Châu. Berlin không những cần cung cấp một phần rất lớn của các nguồn tài chánh cần thiết mà còn phải ở vị trí đảm nhận vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn trong NATO và EU.
Châu Âu cũng cần nhanh chóng thu xếp một gói hỗ trợ quân sự toàn diện để chống lại bất kỳ chiến thuật đầu cơ (= về mậu dịch, tài chánh) hoặc trì hoãn nào. Ở đây, các lợi ích khác biệt giữa các quốc gia Châu Âu có thể bị va chạm. Ngay cả khi đạt được cái-gọi-là hiệp ước hòa bình hay ngưng bắn, thì điều này chỉ có nghĩa là ngay lập tức Ukraine cần đến sự hỗ trợ để tự vệ chống lại các nỗ lực xâm lược tiếp theo của Nga hoặc để răn đe ngăn chặn họ. Điều này đúng dù có hoặc không có sự bảo đảm của Hoa Kỳ.
Một mặt, Châu Âu có thể sẽ không tin vào bất kỳ thỏa ước nào được thực hiện với Trump. Mặt khác, nếu chính họ không đóng góp, Châu Âu sẽ từ bỏ quyền kiểm soát và ảnh hưởng lên các diễn biến và do đó, sự an ninh của chính họ.
III. Kinh tế và Mậu dịch
EU và Hoa Kỳ có mối quan hệ mậu dịch và đầu tư song phương lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba GDP toàn cầu tính theo mãi lực (purchasing power). Mối quan hệ kinh tế này là nền móng cho sự thịnh vượng chung cả hai bờ Đại Tây Dương.
Lợi ích của Châu Âu là gì?
Cho dù có mối liên kết kinh tế chặt chẽ, vẫn có những khác biệt nổi bật trong các chính sách mậu dịch và công nghiệp chưa được giải quyết, ngay cả dưới thời chính quyền Biden. Vượt qua được những xung đột này sẽ đem lại lợi ích chung cho cả hai bên và làm mạnh thêm sức mạnh địa lý kinh tế của Châu Âu và Hoa Kỳ.
Những gì sẽ thay đổi dưới chính quyền Trump 2.0?
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ dễ làm leo thang các xung đột về chính sách kinh tế, có tiềm năng dẫn đến chiến tranh mậu dịch với EU. Tiến triển đạt được trong hợp tác kinh tế dưới thời tổng thống Biden có khả năng sẽ bị đảo ngược và thay thế bằng chính sách mậu dịch bảo hộ và đối đầu hơn của Hoa Kỳ bị thúc đẩy bởi các quan tâm về mặt an ninh quốc gia. Các cố vấn của Trump thậm chí đã đưa đề nghị thành lập một “Hội đồng Chiến tranh Kinh tế” (“Economic War Council”) gồm có Đại sứ Đại diện Mậu dịch Hoa Kỳ (U.S. Trade Representative), cũng như các đại diện từ Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng.
Theo như cách của nhiệm kỳ đầu tiên, Trump có thể sẽ giữ nguyên mức thuế nhập cảng (tariffs) hiện hành và áp đặt các mức thuế mới. Ông đã tỏ cho thấy các đồng minh như EU sẽ không được miễn trừ khỏi chính sách này. Phần 232 (Section 232) của thuế nhập cảng lên thép và nhôm—nguyên thuỷ được Trump áp dụng năm 2018 ở mức 25 phần trăm đối với thép và 10 phần trăm đối với nhôm vì lý do an ninh quốc gia—có khả năng sẽ được áp dụng trở lại. Trump cũng đã công bố kế hoạch áp dụng mức thuế nhập cảng căn bản là 10—20 phần trăm lên tất cả hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ. Những thuế nhập cảng “càn quét” (sweeping tariffs) được Trump và những người ủng hộ xem là cần thiết để bắt buộc các đối tác mậu dịch phải đàm phán và bảo vệ các kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Đức lại có thể bị tấn công, đặc biệt là với việc có thể áp dụng lại thuế nhập cảng xe hơi, là một đe dọa được đưa ra lần đầu tiên vào 2019 nhưng chưa được ban hành.
Chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Hoa sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự kinh tế của Trump, có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ kinh tế EU-Trung Hoa. Trump sẽ không chỉ duy trì các loại thuế nhập cảng hiện hành lên Trung Hoa mà còn mở rộng. Ông cũng có thể thắt chặt kiểm soát xuất cảng, áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Hoa, và ban hành các biện pháp khác để bảo vệ các ngành kỹ nghệ và công nghệ quan yếu—tất cả với mục đích tách Hoa Kỳ khỏi thị trường và hạ tầng cơ sở của Trung Hoa. EU có thể bị áp lực để làm theo, bằng cách có thể áp đặt các lệnh trừng phạt gián tiếp (secondary sacntions). Những trừng phạt này nhằm mục đích ngăn chặn các công ty không phải của Hoa Kỳ trên khắp thế giới không được can dự với các thực thể (entities) có tên trong danh sách bị “chế tài” bởi các lệnh đơn phương trừng phạt trực tiếp của Hoa Kỳ (unilateral U.S. primary sanctions), do vậy mở rộng tầm hạn chế của Mỹ ra khỏi phạm vi thẩm quyền của Hoa Kỳ.
Hơn nữa, Trump xem Hoa Kỳ bị thiệt thòi bởi các quy tắc mậu dịch toàn cầu và các định chế quốc tế như World Trade Organization (WTO – Tổ chức Mậu dịch Thế giới) và International Monetary Fund (IMF – Quỹ Tiền tệ Quốc tế), mà ông tin là các nơi này làm lợi cho các nước như Trung Hoa và Ấn Độ (và, ở mức thấp hơn, là EU) một cách không công bằng trên sự thiệt hại của quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ
Suốt nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã đưa ra ý tưởng rút Hoa Kỳ ra khỏi các tổ chức đa phương này, dù cuối cùng điều đó đã không được ban hành. Hiện nay, Trump và các cố vấn đã bày tỏ ý định hoặc mạnh mẽ giảm bớt sự tham gia của Hoa Kỳ hoặc hoàn toàn rút khỏi WTO và IMF—hành động này sẽ gây ra sự rối loạn lớn lao (massive disruptions) cho mậu dịch toàn cầu và trật tự kinh tế quốc tế.
Châu Âu có thể làm gì để theo đuổi lợi ích của mình?
Trước mối đe dọa hoặc việc áp đặt thuế nhập cảng của chính quyền Trump, thì phản ứng chính yếu phải là nỗ lực do EU dẫn đầu. Ủy ban EU đã chủ động thành lập một lực lượng đặc nhiệm để chuẩn bị cho khả thể này. Vì lợi ích của mình, EU cần đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn so với các mức thuế trả đũa hạn chế được ban hành trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Phản ứng này phải căn cứ trên một chiến lược có tính quyết định, ngăn ngừa (a decisive, preventative strategy) nhằm đạt được một giải pháp qua thương thảo trước khi các thuế nhập cảng có hiệu lực.
Vượt ra khỏi khuôn khổ chính sách mậu dịch, cần phải có những phản ứng được bổ túc và mở rộng hơn về chính sách kinh tế và kỹ nghệ, mặc dù không thể trình bày chi tiết ở đây. Một cách khác có thể bao gồm việc tìm kiếm sự sát cánh mạnh mẽ hơn về các vấn đề liên quan đến Trung Hoa và trình bày điều này như là một mối lợi tiềm tàng cho Trump, tạo nền móng cho sự hợp tác. Trong bối cảnh này, bất chấp những hạn chế của mình, Hội đồng Mậu dịch và Công nghệ EU-Hoa Kỳ (EU-US Trade and Technology Council) đã đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp các lệnh trừng phạt Nga và đẩy mạnh các biện pháp an ninh kinh tế nhắm vào Trung Hoa, xem đó như là điều nằm trong lợi ích của EU để ủng hộ sự tiếp tục các biện pháp này, cho dù dưới một chính quyền mới Trump 2.0.
IV. Công nghệ / Kỹ thuật
Những công nghệ đang nổi lên (emerging technologies) rất quan yếu cho khả năng sáng tạo và cạnh tranh kinh tế của Âu Châu, vốn là yếu tố thiết yếu cho việc bảo đảm sự thịnh vượng của Âu Châu. Tuy nhiên, Âu Châu càng ngày càng rớt lại phía sau Hoa Kỳ trong việc phát triển và áp dụng những công nghệ mới. Đồng thời, cả Âu Châu và Hoa Kỳ đều bị thách thức bởi những tiến bộ công nghệ của Trung Hoa.
Lợi ích của Châu Âu là gì?
Mặc dù có một lợi ích chiến lược trong việc phát triển một chính sách công nghệ chung xuyên Đại Tây Dương, Hoa Kỳ và EU vẫn đang vật lộn để tìm ra một căn bản chung trong về việc chuyển hoá thành số và áp dụng công nghệ (to find common ground in digitalization and technology adoption). Cả hai đều áp dụng các phương cách rất khác nhau—được quy định bởi chính quyền— đối với sáng tạo kỹ thuật. Tuy nhiên, tìm kiếm những thỏa hiệp như là một căn bản cho việc đặt các tiêu chuẩn chung trong lĩnh vực này vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của hai bên bờ Đại Tây Dương—đó là chỉ nói riêng đến việc ngăn không để Trung Hoa trở thành kẻ đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu trong các lãnh vực quan trọng chiến lược.
Điều gì sẽ thay đổi dưới chính quyền Trump 2.0?
Chính sách công nghệ của chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ theo hai đường chính: kiểm soát (= regulate – kiểm soát bằng luật) các công ty công nghệ lớn trong nước và ứng phó với áp lực kiểm soát của Châu Âu, trong khi gia tăng cường độ cạnh tranh với Trung Hoa bằng cách đối xử xem công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia.
Dự kiến là Donald Trump sẽ bảo đảm rằng các công ty công nghệ quan trọng tiếp tục phải đối diện với các biện pháp nghiêm ngặt chống độc quyền. Bất chấp lập trường thân thiện với doanh nghiệp theo truyền thống của đảng Cộng Hòa, sự hoài nghi đối với “Big Tech” ở mức độ cao, phần lớn là vì cảm nhận về sự kiểm duyệt quan điểm bảo thủ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump đã khởi xướng các cuộc điều tra và kiện tụng chống lại các công ty công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Amazon, và Apple về các vấn đề chống độc quyền, kể cả một vụ kiện quan trọng chống lại Google vẫn còn tiếp tục dưới thời chính quyền Biden.
Cả chính quyền Trump và Harris có thể sẽ tiếp tục hạn chế Trung Hoa trong việc tiếp cận với các khu vực công nghệ cao (high-tech sectors) để bảo vệ sự sáng tạo của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trump có thể áp dụng một phương cách quyết liệt hơn, áp lực các công ty Châu Âu để giới hạn công nghệ xuất cảng sang và nhập cảng từ Trung Hoa. Ông có thể mở rộng kiểm soát xuất cảng, đặc biệt là đối với các công nghệ sử dụng cho cả dân sự và quân sự (dual-use technologies) và gia tăng áp dụng các biện pháp trừng phạt gián tiếp (secondary sanctions). Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump ngay cả còn đe dọa sẽ cắt bỏ, không chia sẻ với Đức tin tình báo của Hoa Kỳ nếu Đức cho phép Huawei xây dựng hạ tầng cơ sở 5G.
Châu Âu có thể làm gì để đẩy mạnh lợi ích của mình?
Để hữu hiệu chống lại áp lực từ Washington, EU nên phát triển một chính sách thống nhất về Trung Hoa. Điều này sẽ củng cố thêm vị thế đàm phán của EU với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong các khu vực mà một mình sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ không đủ để thực thi các biện pháp chống lại Trung Hoa và bắt buộc phải hợp tác với Châu Âu.
Khi đi đến việc sát cánh về luật lệ trong công nghệ và phối hợp việc quản trị các công nghệ quan yếu đang nổi lên liên quan đến Trung Hoa, thì những diễn đàn như Hội đồng Mậu dịch và Công nghệ EU-Hoa Kỳ (TTC) có thể đóng vai trò chính yếu trong việc khuyến khích những đối thoại cởi mở và thành thật xuyên Đại Tây Dương. TTC trước đây đã thành công trong các sáng kiến lập tiêu chuẩn (standard-setting initiatives), thiết lập các định nghĩa chung cho các công nghệ đang nổi lên như Thông minh Nhân tạo (Artificial Intelligence) và công nghệ lượng tử (quantum technology), và phối hợp các chuỗi cung ứng chất bán dẫn và trợ cấp.
V. Dân chủ và Trật tự Quốc tế
Nếu Trump thắng cử, sẽ có một khả thể là Hoa Kỳ sẽ phát triển thành một “nền dân chủ phi tự do” (“illiberal democracy”) và mang những đặc điểm thấy rõ của một hệ thống độc tài. Như thế, nền dân chủ lâu đời nhất thế giới có thể rút lui khỏi cộng đồng của các nền dân chủ tự do và những người bảo vệ.
Lợi ích của Châu Âu là gì?
Nền dân chủ tự do cũng đang bị áp lực ở Châu Âu. EU và các quốc gia thành viên phải đối mặt với thử thách kép từ các lực lượng chống lại tự do trong nước và nhũng thử thách tận gốc với các thế lực độc tài ngoại quốc (a dual challenge from anti-liberal forces at home and systemic challenges with authoritarian powers abroad), chính yếu là từ Nga và Trung Hoa. Chủ nghĩa dân túy (populism) và sự phân cực xã hội cũng gia tăng ở Châu Âu. Các đảng phái và tác nhân cực đoan cánh hữu và phản dân chủ đang thách thức các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền ở nhiều nơi. Tuy nhiên, EU vẫn trung thành ủng hộ nền dân chủ tự do. Trật tự dân chủ, với tinh thần trách nhiệm (normative commitments), là nền tảng của EU và là điều kiện căn bản cho sự gắn bó chính trị (political cohesion) và hành động tập thể của EU. Do đó, vì chính lợi ích sống còn của mình, Âu Châu phải bảo vệ và củng cố nền dân chủ trên toàn cầu.
Điều gì sẽ thay đổi dưới chính quyền Trump 2.0?
Trọng tâm của chương trình nghị sự của chính quyền Trump 2.0 là định hình lại toàn diện guồng máy của chính quyền liên bang Hoa Kỳ, nhằm gỡ bỏ cái gọi là “cơ quan nhà nước” để thay thế bằng quyền lực tập trung vào hành pháp (to dismantle the so-called “administrative state” in favor of concentrated executive power). Thành phần tương lai của Quốc hội Hoa Kỳ cũng sẽ rất quan trọng để đạt được mục đích này.
Chính Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ là một “nhà độc tài,” (would be a “dictator,“) dù chỉ là vào ngày đầu tiên của ông. Lời tuyên bố này cần được xem là nghiêm trọng. Như nhiều bài diễn văn và kế hoạch từ Heritage Foundation và America First Policy Institute (AFPI) cho thấy, trụ cột chính gây nhiều tranh cãi của chương trình nghị sự này là “Lý thuyết Hành pháp Thống nhất” ( “Unitary Executive Theory”), qua đó, theo Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ, khẳng định rằng tổng thống nắm giữ toàn quyền kiểm soát ngành hành pháp. Dưới sự diễn giải này, Quốc Hội và ngành tư pháp sẽ chỉ có quyền giám sát hạn chế.
Đây không những chỉ thách thức sự phân quyền truyền thống mà còn làm suy yếu nguyên tắc lâu đời trong việc kiềm chế hành pháp, trao cho tổng thống quyền kiểm soát gần như không giới hạn đối với hoạt động của các cơ quan liên bang. Những kế hoạch này sẽ tập trung quyền lực chính trị trong ngành hành pháp, làm suy yếu hệ thống hiện hành của kiểm soát và cân bằng (checks and balances).
Phương cách của Trump để tái cấu trúc guồng máy công quyền cũng sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Việc phục hồi “Schedule F”—chính sách của Trump cho phép sa thải các công chức chuyên nghiệp (career officials) và thay thế họ bằng những người trung thành chính trị (political loyalists)—sẽ chính trị hóa chính quyền liên bang tới một mức độ chưa từng có. Tác động lâu dài của những thay đổi này có thể còn kéo dài hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông: Sự mất mát khả năng chuyên môn của các định chế này do bởi sa thải các viên chức Hoa Kỳ có nhiều hiểu biết và giàu kinh nghiệm có thể làm suy yếu rất nhiều sự hợp tác song phương, làm mất đi sự tin tưởng và quan hệ đối tác lâu dài, và nghiêm trọng cản trở các nỗ lực ngoại giao.
Trên trường quốc tế, sự gần gũi của Trump với những nhà độc tài và chuyên chế có thể làm cho các lực lượng phi tự do và các đảng cực hữu trên toàn cầu mạnh thêm. Đã có những mối liên hệ về mặt thể chế, qua các tổ chức Heritage Foundation and the Conservative Political Action Conference, giữa các phong trào cánh hữu ở Hoa Kỳ và Âu Châu, có khả năng sẽ được củng cố và mở rộng hơn nữa trong nhiệm kỳ Trump 2.0. Các chính trị gia như Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và các nhân vật độc đoán hoặc phi tự do khác ở Âu Châu sẽ có một đồng minh mạnh mẽ tại Toà Bạch Ốc là người chuộng quan hệ song phương với các nhà lãnh đạo “có đầu óc giống nhau” (liked-minded) hơn là hợp tác với Brussels (=Tổng hành dinh của NATO).
Châu Âu có thể làm gì để đẩy mạnh lợi ích của mình?
Đức và EU nên đào sâu thêm mối quan hệ với các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, chính quyền tiểu bang và địa phương, và các tổ chức xã hội dân sự để nhận ra được các đồng minh và những nhân tố (actors) có đầu óc giống nhau. Các quan hệ đối tác như vậy có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên nền dân chủ và hợp tác đa phương đặt căn bản trên luật lệ, trong khi hỗ trợ việc duy trì các chuẩn mực dân chủ trong trường kỳ.
Trần Trung Tín chuyển ngữ ◆ Ngày 03/11/2024
Tôi rất thích thú khi đọc bài chuyển ngữ của anh Trần Trung Tín. Tôi xin khâm phục cách chuyển ngữ (dịch mà không phải dịch) từ Anh sang Việt của anh rất là chính xác và phù hợp với ngữ văn Việt Nam, mà hiếm thấy những người chuyển ngữ VN khác làm được.
Bài viết của hai tác giả người Mỹ nầy rất có tầm vóc quốc tế. Cá nhân tôi, tôi đồng ý với cái nhìn của cựu TT Trump. Đó là phải cải cách, cách điều hành của chính quyền từng tiểu Bang mà trái ngược với cách điều hành Liên Bang. Thí dụ: Tiểu Bang California đặt ra luật bất cứ ai sống ở California đều có quyền bầu cử TT. Điều nầy không thể chấp nhận được.
Xin cám ơn anh Giang Nguyễn. Hai tác giả này có lẽ là người Đức, thưa anh. Xem email address của họ trong phần giới thiệu, thì thấy họ làm việc cho tổ chức Bertelsmann Stiftung, xin xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Bertelsmann_Stiftung. Tổ chức này được thành lập từ 1977, có trụ sở tại Gütersloh, Germany.
Theo thiển ý, chính quyền Mỹ qua ông Trump muốn “push” Âu Châu phải bỏ thêm công sức của họ (not của Mỹ) nhiều hơn để lo cho an ninh Âu Châu, nhằm để Mỹ rảnh tay đối phó với Trung Cộng. Và hai tác giả trên cũng đưa ra nhận xét là Âu Châu và nhất là Đức phải nhẩy ra gánh vác thêm chuyện của NATO và EU, or else! 😀
Còn chuyện “ì xèo” bên trong nước Mỹ, qua guồng máy chính quyền, thì hai tác giả trên cũng đưa nhận xét khá chính xác, theo ý kiến cá nhân của tôi. Xin cảm tạ anh Giang. -TTTín
Cám ơn dịch giả Trần Trung Tín, đã chuyển ngữ xuất sắc một bài viết rất thời sự mà mọi người, đặc biệt người dân Âu châu đang rất quan tâm!
Theo thiển ý, dù cựu TT D. Trump có trở lại Tòa Bạch Ốc hay không, đây cũng là cơ hội để Âu Châu mở ra tầm nhìn mới, tìm ra những giải pháp thực tiễn để củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế mà không ( hoặc ít) phụ thuộc vào Hoa Kỳ như trước đây!
Tuy nhiên, nếu Cựu TT D. Trump đác cử cũng sẽ tạo nên một biến động không nhỏ trong mối quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Âu châu, đặc biệt cho NATO và các hiệp ước kính tế khác. Điều đáng lo ngại nhất là cuộc chiến giữa Nga – Ukraine. Liệu Ukraine có thể bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của họ hay không, cho dù họ đã (và sẽ) sẳn sàng hy sinh chiến đấu?
Với bài học đau xót VNCH, cá nhân tôi thấy thông cảm và tội nghiệp cho Ukraine. Một đất nước nhược tiểu, vận mệnh quốc gia cuối cùng vẫn không nằm trong tay của họ, cho dù họ đã thực sự anh dũng hy sinh, chiến đấu tới giọt máu cuối cùng!
PTAN
Cám ơn anh Phạm Tín An Ninh đã có “tặng phẩm” – cho tôi “lên chức”! Nhất là đã chia sẻ một số suy nghĩ và quan ngại của một người vừa (có thời) cầm súng, vừa viết văn, và từng sống ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.Và hai bên bờ Thái Bình Dương! 😀
Về những điều anh đề cập, phải nói là liên quan đến đủ mọi lãnh vực, và khó mà trình bày được trong một khoản hạn hẹp trong phần Comments góp ý. Chỉ xin ghi lại 1 vài điểm thật sơ sài cũng như là để góp ý thêm với những chia sẻ của anh.
1. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, thì Âu Châu và NATO (1949) đứng sừng sững như một bức tường đá để chống lại khối cộng sản Sô Viết. Cũng chính vì quyền lợi thiết thực của mình mà Hoa Kỳ đã hết sức ủng hộ Âu Châu và NATO vào lúc đó, nhất là khi Âu Châu còn suy nhược và chưa hồi phục lại được sau Thế Chiến II. Kẻ địch chính của Mỹ lúc đó là Khối Sô Viết Cộng Sản.
2. Ngày 26/12/1991, Chiến Tranh Lạnh đã chính thức kết thúc khi Liên Bang Sô Viết vỡ ra thành 15 nước cộng hoà, trong đó có Ukraine và Nga (lớn mạnh nhất).
3. Hiện nay 2024, Âu Châu đã không còn là một Âu Châu èo uột của hậu Thế Chiến II mà là một Âu Châu rất thịnh vượng. Ngoài ra, kẻ địch chính yếu, mạnh mẽ và nguy hiểm nhất của Mỹ không còn ở Âu Châu mà là ở Á Châu: Trung Cộng. “Target” của Mỹ đã đổi thì “đường nhắm bắn” của họ phải đổi, nếu Mỹ không muốn bị thất bại.
4. Với một kẻ địch nham hiểm và kiên nhẫn như Trung Cộng, mà không tập trung tài nguyên và nhân lực vào cuộc chiến tranh toàn diện (yes, quân sự, kinh tế, mậu dịch, tuyên truyền …) để đánh bại Trung Cộng thì trong dài hạn, Mỹ sẽ đại bại.
Trên căn bản những nhận xét như trên, nếu Âu Châu và NATO vẫn “níu áo” Mỹ để Mỹ bị “kẹt cứng” ở đó, thì Âu Châu và NATO surely sẽ trở thành gánh nặng của Mỹ trong khi họ phải ưu tiên dồn nỗ lực cho một chiến trường mới chống lại một kẻ địch mới, rất mạnh là Tàu.
Kết quả có thể thấy là, nếu Âu Châu và NATO vẫn tiếp tục “mũ ni che tai” như từ vài thập niên qua, thì vì quyền lợi thiết thực của họ, Mỹ bắt buộc sẽ phải “buông” Âu Châu và NATO để đối phó với Tàu.
Khi lên cầm quyền nước Mỹ, dù là Dân Chủ hay Cộng Hoà, là Ông Thiện/Good Cop hay Ông Ác/Bad Cop, thì đến cuối ngày, những vị đó vẫn phải hành xử cho quyền lợi của nước Mỹ.
Hiển nhiên, khi “quay lưng bỏ đi” người Mỹ sẽ bị nguyền rủa là “phản bội đồng minh.” Nhưng với những tay chính trị chuyên nghiệp của “đế quốc Mỹ” thì quyền lợi của Mỹ là trọng tâm của mọi tính toán. Nếu “đầu tư kinh doanh” không xong, thì phải “cut cost” hoặc “vỡ nợ.” Và người Mỹ cũng hiểu rằng thế giới bên ngoài “đến” với Mỹ không vì “yêu” Mỹ mà vì “cần” Mỹ. Đơn giản là như thế.
Về phần Ukraine, thì phải nói rằng sự chiến đấu dũng cảm và hy sinh của những chiến sĩ của họ xứng đáng được tôn vinh và kính trọng, nhất là vị tổng thống, ông VOLODYMYR ZELENSKYY.
Tuy nhiên, như Carl von Clausewitz (1780–1831) một vị Tướng của Phổ (Prussian) và là lý thuyết gia quân sự lừng danh – người đã góp phần trong việc đánh bại Napoleon và đồng minh tại Nga đã viết: “War is not merely a political act but a real political instrument, a continuation of political intercourse, a carrying out of the same by other means,” (On War (1943), pp. 280).” thì nếu chỉ thuần tuý chú trọng về quân sự và èo uột, yếu kém về chính trị, thì đó sẽ không phải là một công thức đem lại chiến thắng cho quốc gia.
Về mặt chính trị của Ukraine, thì đáng buồn là tính từ ngày “thoát Xô”, đa số giới lãnh đạo của quốc gia này đã quá kém.
Thực vậy, Ukraine độc lập khỏi Liên Xô từ tháng 12/1991. Đến ngày 24/2/2022, Nga xâm lăng Ukraine, tính ra giới lãnh đạo Ukraine đã có được 20-30 năm “cư an, tư nguy” và “chuẩn bị” cho việc sẽ bị Nga xâm lăng. Thế nhưng, giới lãnh đạo này đã làm đuợc những gì cho công cuộc bảo vệ Ukraine chống lại tham vọng của Nga?
Đến ngày Nga tấn công Ukraine, xem ra cả quốc gia Ukraine gần như không hề có chuẩn bị kỹ càng cho “sự cố” chết người này. Nhất là Ukraine không xa lạ gì với sự tàn ác và tham vọng đế quốc của Nga.
Lãnh đạo của một quốc gia mà không tiên liệu được trước những gì tai hại nhất có thể xảy đến cho quốc gia của mình tối thiểu là từ 5-10 năm trước mặt để sớm tìm cách ứng phó, thì quốc gia đó khó có cơ may chiến thắng các kẻ thù mạnh hơn họ.
Đáng buồn là những nạn nhân đau khổ nhất của những “không tiên liệu” này là chính người dân và chiến sĩ anh hùng của quốc gia đó!
Xin cảm tạ anh PTAN đã chia sẻ những comments thuộc loại “thought provoking.”. Thân kính. -Trần Trung Tín
Cám ơn anh Trần Trung Tín đã chuyển ngữ một bài nhận định sâu sắc, và phản ánh hiện tình của Mỹ, Âu Châu và thế giới. Đọc bài này để hiểu tại sao các đài phát thanh tiêu biểu của Âu Châu như BBC Luân Đôn hoặc RFI của Pháp, luôn luôn đả kích Trump và đề cao Harris.
Tắt một lời: Âu Châu bạc nhược chỉ muốn lợi dụng, dựa dẫm Mỹ trong các vấn đề an ninh, kinh tế và mậu dịch; nếu Trump đắc cử, mọi chuyện này phải chấm dứt, Âu Châu sẽ không còn lợi dụng được Mỹ, nếu Trump trở thành Tổng Thống Mỹ.
Ngoài Âu Châu ra, Trung Cộng và những quốc gia đang được hưởng lợi từ sự “khờ khạo” của Mỹ cũng đang rất mong Harris thắng cử. Trump không chỉ đương cự với đảng Dân Chủ và cánh tả trong nước Mỹ, mà Trump còn phải chống chọi với những quốc gia đang lợi dụng Mỹ.
SN
Cám ơn anh Sanh Nguyễn đã có góp ý. Về đài phát thanh BBC Luân Đôn hoặc RFI của Pháo, thì tôi không được nghe. Nhưng tôi cũng không ngạc nhiên khi được anh Sanh cho biết như vậy.
Thực ra thì tuỳ theo cách nhìn và lượng giá sự việc của mỗi người và từ đó họ ủng hộ ông Trump hay bà Harris. Và hiển nhiên là giới truyền thông, qua radio, TV, newspaper sẽ ảnh hưởng đến khán giả, độc giả của họ. Còn phải kể đến personality của người được đề cử có hợp với cử tri hay không. Và lá phiếu được bỏ vào thùng phiếu còn bị chi phối bởi cảm tính cũng như sự tỉnh tảo chọn lựa của cử tri. Và … cả tỉ lý do khác mà ai cũng có thể biết! 😀
Tôi không có mấy hiểu biết về Âu Châu nên không thể có ý kiến gì nhiều. Nhưng cứ dựa theo tin đọc được từ một số báo chí, thì thấy đại đa số Âu Châu đều ghét Trump.
Chỉ cần nói đến một điển hình thôi, thì cũng có thể hiểu được phần nào lý do. Ngay tại một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, bằng lối nói sống sượng thẳng thừng Trump đã “vỗ mặt” NATO: No Money, No Honey! Đó là điều mà không một nhà ngoại giao “lịch lãm” nào lại làm trong hội nghị quốc tế.
Cũng nên thông cảm cho Âu Châu về việc họ bị “Ông Ác” Trump làm mất mặt kiểu đó. Tuy thế, cũng nên biết, lịch sự như “Ông Thiện” Obama cũng đã phải “frustrated” với các “đồng minh” và gọi họ là “free riders” (đi xe chùa) – https://www.nbcnews.com/politics/barack-obama/president-obama-frustrated-allies-calls-out-free-riders-n535751 thì Âu Châu cũng nên tự xét lại cho được công bằng.
Cũng là một điều tự nhiên dễ hiểu là bên ngoài đời, thì mấy ai lại không muốn “hưởng” cùa “chùa” và sống như đang đứng thượng trên bục cao của … nhà thờ, thưa anh Sanh! 😀. -TTTín
Rất khâm phục với cách chuyển ngữ thần tốc , đúng thời điểm nhưng không thiếu phần sâu sắc và thích thú …
Cảm ơn dịch giả Trần Trung Tín …
Cám ơn anh Vanpho với những mỹ ý. Thật tình mà nói, nghe khen thì ai mà không thích, nhưng tôi rất là “uncomfortable” với việc được gọi là “dịch giả.” Chẳng qua là vì tự xét, chắc cũng còn xa và lâu lắm tôi mới đạt được tới mức là dịch giả – (thứ “thiệt” không phải “giả”) 😀.
Thực tế là phải đánh vật dữ lắm với chữ nghĩa mới thực hiện được những chuyển ngữ này – mà còn rất nhiều chỗ tôi vẫn thấy còn bị “lấn cấn” vì chưa diễn đạt được đúng với ý thực của nguyên bản.
Lấy thí dụ như chữ administrative state trong nhóm chữ … aiming to dismantle the so-called “administrative state” …, có nơi dịch là: “nhà nước hành chính”.
Nếu dịch từng chữ và ghép đôi lại thành “nhà nước hành chính” thì khi đọc lên, nghe cũng “lọt tai.” Nhưng phần riêng cá nhân, tôi không thể hình dung ra được “nhà nước hành chính” là cái gì!
Và dịch như thế, theo nhận xét riêng, không đúng với ý nghĩa của chữ “administrative state” trong Anh ngữ.
Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Administrative_state: The administrative state is a term used to describe the power that some government agencies have to write, judge, and enforce their own laws. Since it pertains to the structure and function of government, it is a frequent topic in political science, constitutional law, and public administration.
Theo định nghĩa trên, dịch sang tiếng Việt một cách vắn tắt, administrative state có nghĩa: “quyền lực của các cơ quan nhà nước.” Mà vắn tắt thêm nữa thì là “cơ quan nhà nước.”
Trong phần định nghĩa tiếng Anh bên trên của chữ administrative state, thì chữ “agencies” là nói đến các cơ quan của Mỹ như:
◆ CIA: Central Intelligence Agency (Cơ quan Tình báo Trung ương): không chính thức công bố, nhưng ước chừng hơn 21,000 nhân viên.
◆ NSA: National Security Agency (Cơ quan An ninh Quốc gia) với khoảng 32,000 nhân viên.
◆ NASA: National Aeronautics and Space Administration (Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia) với hơn 18,000 nhân viên
◆ CDC: Centers for Disease Control and Prevention (Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật) với hơn 15,000 nhân viên và chuyên viên lo về việc bảo vệ sức khoẻ, chống bệnh dịch.
◆ NIH: National Institutes of Health (Viện Y tế Quốc gia) với hơn 20,000 nhân viên
◆ EPA: The Environmental Protection Agency (Cơ quan Bảo vệ Môi trường) với hơn 18,000 nhân viên, bao gồm cả engineers, scientists, environmental protection specialists, legal, public affairs, financial, and information technologists.
◆ FDA: Food and Drug Administration (Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Thuốc men) với hơn 18,000 nhân viên trong đó có rất nhiều khoa học gia và bác sĩ.
Trên đây chỉ là một số cơ quan nhà nước điển hình trong một vài lãnh vực của Hoa Kỳ.
Cũng là một điều dễ hiểu các nơi này càng ngày càng phát triển và trở nên cồng kềnh, to lớn như một “lãnh địa.” Nếu không có sự giám sát chặt chẽ và hữu hiệu, thì thành phần “chỉ đạo” tại các nơi này sẽ dễ vận hành các cơ quan này như các “sứ quân” có nhiều quyền lực và dưới trướng là một đạo quân gồm những “career officials” hay “bureaucrats” sống lâu lên lão làng, “mọc rễ” trong cơ quan.
Rồi các “cơ quan nhà nước” này dễ trở nên quan liêu, thư lại. Các “chức sắc” ở đó có khi lại kết bè, kết đảng với nhau để bảo vệ vị thế và quyền lợi của họ, cùng là để thi thố những ý tưởng “tuyệt hảo” của họ. Lại cũng có thể có favoritism cho những nhóm lợi ích khác, thí dụ như cơ quan FDA và các đại công ty bào chế dược phẩm, hay chế tạo thuốc chích ngừa, thí dụ như COVID. Cho nên đến một mức nào đó, các nơi này cần phải được cải tổ, như các tác giả bài nhận định đã ghi: … aiming to dismantle the so-called “administrative state” ….
Trở lại phần tiếng Việt, thì theo tôi hiểu, chữ “cơ quan” vẫn thường được sử dụng tại VN như: có họp tại cơ quan, đi trực tại cơ quan, theo đó hai chữ cơ quan ở đây có nghĩa là nơi làm việc.
Và cơ quan theo nghĩa là nơi làm việc thì lại khác xa với “cơ quan” (Agency) của Mỹ như CIA (Central Intelligence Agency) hay FDA (Food and Drug Administration.)
Nhưng mà tôi tìm mãi vẫn không ra được chữ Việt tương đương và đúng ý nghĩa như của chữ tiếng Anh. Thành ra dịch như thế vẫn… “chưa đạt yêu cầu!” Chưa đủ “trọng lượng” của một dịch giả (thiệt), anh Vanpho. 😀. Cám ơn nhã ý của anh. -TTTín