Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Vấn đề nước Mỹ của Âu Châu – Europe’s America Problem

▸  Ngày 04/ 4/1949: Thành lập North Atlantic Treaty Organization  (NATO). Đầu tiên có 12 quốc gia thành viên.  Tổng hành dinh: Brussels, Bỉ

▸  Ngày 31/12/1991: Liên Xô sụp đổ.  Vỡ ra thành 15 nước: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Russia (Nga), Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine và Uzbekistan.

▸  Ngày 01/11/1993: European Union (EU) được thành lập với 6 quốc gia sáng lập:  Đức, Pháp, Ý, Hoà Lan, Bỉ, và Luxembourg.

✔︎ Ngày 10/3/2016: Tổng thống “Obama Unhappy with Allies, Upset at Free Riders” (“Obama Không Vui với Đồng minh, Khó chịu với Những Kẻ “Đi Xe Chùa”)

✔︎ Ngày 12/7/2018: Tổng thống “Donald Trump unleashed havoc at NATO on Thursday, threatening to pull out if America’s allies don’t boost military spending..” (“Donald Trump đã gây náo loạn tại NATO vào buổi họp ngày thứ Năm, qua việc đe dọa rút khỏi NATO nếu đồng minh của Mỹ không gia tăng chi tiêu quân sự…”)

✔︎ Một cách khái quát:  NATO đã đang trở thành Vấn Đề của Mỹ!

Đến 2024, NATO và EU đều thêm lớn mạnh. NATO: 32 quốc gia; EU: 27 quốc gia.  

Tuy nhiên, khi chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, và trước tình hình chính trị không ổn định của nước Mỹ―nổi bật nhất là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2024―thì “Nước Mỹ lại trở thành Vấn Đề của Âu Châu.” 

Như được ghi nhận trong bài báo Europe’s America Problem đăng trên Foreign Affairs ngày 23/8/2024. Tác giả là hai vị nữ lưu chuyên gia về Ngoại giao Thế giới và Quan hệ Hoa Kỳ và Âu Châu:  Giovana De Maio  (Ý) và Célia Belin (Pháp).

Mở đầu bài báo Europe’s America Problem:

Whether Trump Wins or Loses, the Continent Needs a New Strategy Toward the United States. – Giovana De Maio & Célia Belin

Xin mời quý vị đọc phần chuyển ngữ, với tựa đề: Vấn đề Nước Mỹ của Âu Châu.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Dù Trump Thắng hay Thua, Lục Địa này vẫn Cần một Chiến Lược Mới để Đối Phó với Hoa Kỳ.

Trong bài diễn văn tại Munich vào tháng 2, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris khẳng định rằng cam kết của Washington đối với các đồng minh NATO “cứng như thép.” Hiện được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử tổng thống, phần lớn mong đợi đặt nơi Harris là bà sẽ duy trì sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đối với Ukraine và giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác Châu Âu nếu bà kế nhiệm ông trong chức vụ cao nhất. Trong khi đó, đối thủ đảng Cộng Hoà của bà, Donald Trump, đã tuyên bố vào tháng Hai rằng Nga có thể làm “bất cứ thứ quái quỷ gì mà họ muốn” (“whatever the hell they wanted”) đối với các thành viên NATO nào không chi ra đủ cho quốc phòng, nhắc nhở người Châu Âu rằng ông không xem trọng cả NATO lẫn liên minh của Hoa Kỳ (HK).

Sau cuộc bầu cử tháng 11, một trong hai quan điểm rất khác biệt về bổn phận của HK tại Âu Châu sẽ thắng thế tại Washington. Bên kia Đại Tây Dương (ĐTD), người Châu Âu đang cuống cuồng (frantically) cân nhắc hệ quả của mỗi kết quả, hy vọng tìm ra một công thức kỳ diệu để bên nào lên họ cũng thành công.

Thế nhưng sửa soạn những biện pháp dự phòng chi tiết mà chỉ tuỳ thuộc vào việc ai sẽ thắng cử thì đó là một phương cách sai lầm. Âu Châu phải đưa ra được một kế hoạch chung để giao tiếp (engage) với HK sau năm nay. Nếu không hợp lại thành một liên minh thống nhất, họ dễ phải tranh nhau để được là người bạn tốt nhất của HK hoặc phải đưa ra các sáng kiến ​riêng để giữ HK tiếp tục can dự tại Châu Âu, ngay cả khi những nỗ lực đó phương hại đến các quốc gia Âu Châu khác.

Bất kể ai cư ngụ tại Toà Bạch Ốc vào tháng 1, 2025, Châu Âu vẫn cần một chiến lược trong đó cân nhắc những thay đổi quan trọng gần đây trong chính trị toàn cầu, tại HK và trong chính mối quan hệ xuyên ĐTD. Sự thèm thuồng (appetite) của phần còn lại của thế giới muốn HK đứng ra đảm nhận các trách nhiệm toàn cầu đang suy giảm, và một sự đa cực hỗn loạn đang trên đà đi lên. Trong khi, người Mỹ ngày càng ủng hộ việc cắt giảm chi phí và chủ nghĩa bảo hộ, và các chính trị gia HK dường như quan tâm nhiều đến Trung Hoa hơn là Nga.

Viễn cảnh nhiệm kỳ thứ hai của Trump đã làm gia tăng những quan ngại vốn đã bắt đầu phát triển ở Châu Âu từ 2016, khi hai cú shocks của vụ Brexit và Trump thắng cử đã gieo rắc nhiều ngờ vực về sức mạnh của dự án Châu Âu và sự đáng tin cậy của đồng minh chính yếu của họ. Vài năm qua, Liên minh Âu Châu (EU – European Union) đã thực hiện một số bước để đáp ứng với sự bất ổn định này, xây dựng những khung sườn của chính sách (policy frameworks) cho mối quan hệ với Trung Hoa và các mục tiêu của họ tại khu vực Ấn Độ Dương—Thái Bình Dương, củng cố an ninh kinh tế và an ninh mạng, và lượng định môi trường chiến lược và quốc phòng của họ.

Cũng đã hơi trễ để EU phải lượng định lại mối quan hệ của mình với HK. Bất kể điều gì xảy ra vào tháng 11, Âu Châu sẽ cần định nghĩa quyền lợi chung của họ là gì trong quan hệ đối tác xuyên ĐTD, quyết định điều gì họ muốn bảo vệ và điều gì họ mong đợi từ HK. Với một chiến lược được thiết kế theo một số ưu tiên chính yếu—bao gồm sự hợp tác với HK để ngăn chặn Nga và ổn định Trung Đông, bảo vệ sự thịnh vượng và tự do hành động của Âu Châu giữa sự tranh giành của HK và Trung Hoa, và hợp tác với Washington để đối phó với các thách thức toàn cầu—Châu Âu có thể đưa ra một tiếng nói mạnh mẽ, mạch lạc và thống nhất về các vấn đề liên quan đến HK. Đồng ý về những lợi ích cần khuyến khích và bảo vệ, kể cả làm thế nào hay nhất để chia sẻ trách nhiệm với HK, là cách duy nhất mà người Châu Âu có thể tránh được tình trạng một quốc gia EU (xé lẻ) chống lại quốc gia khác và lượn lờ chạy theo (navigate) những bất ổn của chính trị Mỹ.

BIỂN ĐỘNG TRƯỚC MẶT

Một chính quyền Trump thứ hai sẽ là một kết quả đặc biệt gây trở ngại cho mối quan hệ xuyên ĐTD. Trump không tin rằng HK và Châu Âu cùng chia sẻ các lợi ích an ninh cốt lõi. Thay vào đó, ông tin rằng Châu Âu đang khai thác (exploiting) HK để trợ cấp tài chánh (subsidize) cho an ninh của họ, một quan điểm khó làm cho ông duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc bảo vệ Ukraine như chính quyền Biden. Trump đã nhiều lần nói ông sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để “trong vòng 24 giờ” chấm dứt cuộc chiến tranh tại Ukraine do Putin phát động, mà nhiều phần có thể sẽ hy sinh lợi ích an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để làm như vậy. Người cùng liên danh với Trump, Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance, đã nhiều lần lên tiếng chống đối gửi thêm viện trợ của HK cho Ukraine và cổ võ cho việc đem chuyển các tài nguyên và sự chú tâm của HK sang Đông Á. Các nhà lãnh đạo Châu Âu do vậy lo ngại rằng khả thể trở lại của Trump sẽ gây ra tổn hại không thể cứu vãn được cho sự cam kết của HK tại Âu Châu và mời gọi thêm những hành động gây bất ổn của Nga vượt ra khỏi Ukraine.

Nhưng điều này không đơn thuần chỉ vì Trump. Sự nhiệt tình ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Ukraine đang yếu đi tại Washington, và số lượng vũ khí dự trữ của HK bị giảm khiến Quốc Hội phải ngưng giao vũ khí cho Ukraine vào đầu năm nay, đưa đến những tổn thất trên chiến trường. Công chúng HK đang có áp lực nhằm phá vỡ thói tật của Hoa Kỳ tham dự vào các cuộc chiến tranh bất tận, vốn dẫn đến cuộc rút quân khỏi Afghanistan rất hỗn loạn và điều động tồi tệ và có thể đưa đến quyết định vội vã tương tự là cắt đi sự hỗ trợ cho Ukraine. Theo một cuộc thăm dò của Pew Research Center được thực hiện vào tháng Bẩy, 50 phần trăm người Mỹ “rất lo ngại” hoặc “cực kỳ lo ngại” rằng chiến tranh Ukraine có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa, và 42 phần trăm nghĩ rằng nó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh của HK với Nga. Ngay cả nếu bà Harris được bầu vào tháng 11, phần viện trợ thêm cho Ukraine vẫn cần được chấp thuận tại Thượng Viện, nơi mà có thể đảng Cộng Hòa sẽ chiếm đa số và dưới áp lực từ cánh “Nước Mỹ trước nhất” (“America first” wing) trong đảng, một viện trợ như vậy sẽ bị từ chối.

Mặc dù sự cam kết vững chắc của chính quyền Biden đối với NATO đã đóng vai trò thiết yếu trong việc tập hợp người Châu Âu để có hành động chống Nga và nuôi dưỡng sự đoàn kết xuyên ĐTD, ưu tiên hàng đầu của Washington vẫn là Trung Hoa. Chính quyền Biden đã duy trì sự cân bằng tương đối giữa số lượng viên chức cao cấp làm việc về Châu Âu và những người tập trung vào Châu Á, nhưng kích thước của nhóm sau đã tăng lên so với các chính quyền trước. Các nhà hoạch định chính sách của HK càng ngày càng nhìn mậu dịch, công nghệ và liên minh qua lăng kính cạnh tranh với Trung Hoa. Hơn nữa, các chính sách của Biden cho thấy mục tiêu của sự cạnh tranh vượt trội Bắc Kinh chiếm ưu tiên tại Washington cao hơn quan hệ kinh tế xuyên ĐTD và xuyên Thái Bình Dương hoặc tuân theo các quy tắc của World Trade Organization (WTO). Chính quyền đương thời thực sự đã làm cứng rắn thêm cách của Trump đối phó với Trung Hoa qua các chính sách quan trọng nổi bật kiểm soát công nghiệp và xuất cảng, gồm cả Inflation Reduction Act (Đạo luật Giảm lạm phát) và Đạo luật CHIPS và Science Act. Đạo luật này mang lại những lợi thế đầu tư quan trọng cho các công ty công nghệ xanh sản xuất sản phẩm của họ tại HK, khuyến khích các nhà sản xuất Châu Âu dời nhà máy của họ (sang Mỹ) và làm suy yếu nỗ lực của Châu Âu để mở rộng các ngành công nghiệp xanh của chính họ.

VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT

Khi các thủ đô Châu Âu chuẩn bị cho tháng 11, rõ ràng là có sự căng thẳng. Những quốc gia như Cộng hòa Séc (Czech Republic) đang mua vũ khí của HK và ký các thỏa thuận an ninh song phương với HK như là một bảo hiểm chống lại khả thể của một Washington không còn quan tâm và đem tài lực của họ chuyển hướng sang Châu Á. Mặc dù các quốc gia khác, như Lithuania, chỉ có sự hiện diện hạn chế ở Ấn Độ Dương—Thái Bình Dương, nhưng họ vẫn soạn thảo các chiến lược khu vực để cho Washington thấy rằng họ sẽ giúp kiềm chế Trung Hoa—và với hy vọng rằng HK, đổi lại, sẽ không bỏ qua mối quan ngại về an ninh của họ về Nga. Một vài bình luận gia người Đức đã lập luận ủng hộ việc hạ thấp các hạn chế của EU đối với các công ty HK để họ đầu tư vào Châu Âu, thắt chặt mối quan hệ của HK với lục địa này, vì họ nghĩ rằng loại thỏa thuận vì lợi nhuận này có thể làm “bắt mắt” một chính quyền Trump mới có tiềm năng lên nắm quyền.

Những nhà ngoại giao Châu Âu đang đổ dồn về Washington để nói chuyện với các nhân viên tại Heritage Foundation, một tổ chức nghiên cứu (think tank), nơi tuyên bố đang xây dựng nền móng ý thức hệ (ideological groundwork) và đi tìm tài năng cho nhiệm kỳ mới của Trump. Thông điệp chính của họ là trấn an các vị có thể trở thành nhà hoạch định chính sách trong tương lai vốn đang nghi ngại về giá trị của các liên minh Châu Âu của HK; Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, chẳng hạn, trong diễn văn tháng Một, đã nhấn mạnh là các thành viên NATO khác đã hợp lại cung cấp nhiều viện trợ cho Ukraine hơn Washington. Nhưng những vị đại diện này cũng muốn tìm ra những gì có thể và không thể đàm phán với chính quyền thứ 2 có tiềm năng lên nắm quyền của Trump. Họ muốn biết điều gì có thể giữ HK tiếp tục tham gia tại Châu Âu và tốn phí ở mức nào. Tuy nhiên, điều mà họ không thực sự hiểu được là phương cách chú trọng về lợi nhuận này (a transactional approach) chỉ có thể đem lại lợi ích tạm thời. Hợp tác bền vững đòi hỏi sự hiểu biết chung về các lợi ích chiến lược. Và nếu mỗi quốc gia Châu Âu cứ xé lẻ tìm kiếm mối quan hệ song phương với Washington, thì kẻ ở thế thượng phong luôn luôn sẽ là HK.

Sự quyến rũ của việc bỏ qua Brussels và mưu tìm một quan hệ song phương (với HK) sẽ tồn tại chừng nào mà Châu Âu vẫn thiếu vắng một lượng định thống nhất, rõ rệt về các quyền lợi căn cốt của họ trong quan hệ với đối tác chính. Nếu các quốc gia Châu Âu cùng làm việc chung thay vì riêng lẻ, Washington sẽ phải trang trọng đối xử với họ và nhìn nhận những quyền lợi của quan hệ đối tác với Châu Âu như một khối. Các sáng kiến ​​mới dưới thời chính quyền Biden đã tạo ra cơ hội bàn luận nghiêm chỉnh, nhưng hiện nay chúng phải được mở rộng và tăng cường. Hội đồng Mậu dịch và Công nghệ EU-HK, một diễn đàn thảo luận về các thử thách trong công nghệ và phối hợp các cách giải quyết về mậu dịch toàn cầu, đã chứng tỏ rất hữu ích trong việc hỗ trợ các lệnh trừng phạt xuyên ĐTD nhắm vào Nga, trong khi các hội nghị thượng đỉnh HK-EU đã tạo nhiều cơ hội để có lập trường mạnh mẽ hơn, thống nhất hơn đối với cả Nga và Trung Hoa.

Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng các diễn đàn này tốt hơn, Châu Âu cần đạt được sự đồng thuận về chiến lược nhắm tới HK. Điều này sẽ cho những tham dự viên Âu Châu trong cuộc đối thoại có một tiếng nói rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong các giao dịch với Washington và, sau cùng, sẽ làm Châu Âu trở thành đối tác đáng tin cậy hơn của HK. Bằng cách thương thảo chiến lược này ở cấp EU, các nhà hoạch định chính sách Châu Âu sẽ bảo đảm rằng chiến lược này sẽ được hỗ trợ bởi các quy định và hành động cụ thể thông qua các định chế của EU. Chiến lược này cũng sẽ đem đến cho từng quốc gia một cẩm nang tham chiếu (a frame of reference) để sử dụng khi điều hướng các mối quan hệ riêng của họ với HK. Ba Lan, quốc gia kế tiếp đến phiên giữ chức chủ tịch EU trong sáu tháng, vào lúc đầu năm 2025, có thể bắt đầu quá trình này. Ngay cả nếu một chiến lược chính thức chỉ ràng buộc các quốc gia thành viên EU, thì cuộc thảo luận cũng nên gồm luôn cả Vương quốc Anh và các quốc gia khác ngoài EU, như Ukraine và Moldova, vì họ đóng vai trò quan trọng trong an ninh và thịnh vượng của Châu Âu.

VẤN ĐỀ AN NINH

Khi các quốc gia Châu Âu bắt đầu bàn luận về chiến lược ở cấp liên minh EU để ứng phó với HK, cần có một số mục tiêu rõ rệt để chỉ dẫn cho suy nghĩ của họ. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là ngăn chặn Nga không để thắng cuộc chiến Ukraine và làm nản lòng Nga để không xâm lăng thêm nữa. An ninh Châu Âu tuỳ thuộc vào việc hoàn thành cả hai mục tiêu trên, và Châu Âu phải đặt ưu tiên cao cho các lợi ích này trong những giao dịch/thương thảo với Washington. Bất kể kết quả của cuộc bầu cử HK vào tháng 11 như thế nào, các quốc gia Âu Châu sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ tài chánh và quân sự cho Ukraine—và họ nên rõ ràng cho HK biết rằng Âu Châu mong đợi HK cũng làm như vậy. Nếu các điều kiện phù hợp cho một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến xuất hiện, Châu Âu phải tìm kiếm sự bảo đảm từ Washington là HK sẽ không làm ngơ các lợi ích an ninh của Châu Âu—gồm cả việc ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU và NATO của Ukraine. Cả Ukraine và Châu Âu, được đại diện bởi EU hoặc một nhóm được chọn gồm các quốc gia Châu Âu, phải có mặt tại bàn đàm phán.

Để bày tỏ sự cam kết của họ đối với đồng minh Mỹ, các quốc gia Âu Châu hiện nay phải có hành động để hỗ trợ cho việc phòng thủ lâu dài và phục hồi kinh tế dài hạn của Ukraine và giúp họ tiến lên thành thành viên của EU. Họ cũng phải nhắc nhở Washington rằng sức mạnh của liên minh ĐTD đã duy trì hòa bình ở Châu Âu và giúp ổn định trật tự quốc tế trong nhiều thập niên—và cảnh cáo rằng thất bại không trấn áp được chủ nghĩa phục hận của Nga ở Ukraine và ngăn chặn sự xâm lăng bành trướng thêm sẽ làm suy yếu những thành quả đó và khuyến khích các đối thủ của HK trên toàn thế giới.

Các quốc gia Âu Châu cũng phải củng cố NATO―cột trụ của Châu Âu―bằng cách đứng ra gánh vác thêm nhiều trách nhiệm. Làm như vậy sẽ tạo cho liên minh có một khả năng ứng phó hữu hiệu hơn để đương đầu được với những thay đổi chính trị ở HK, cũng như làm cho tiếng nói của Châu Âu mạnh mẽ thêm đối với đối tác quan trọng của mình là HK. Hiện giờ, có thêm hai nước EU, Phần Lan và Thụy Điển, gia nhập liên minh, thì lại càng có nhiều phần chồng lẫn lên nhau hơn bao giờ hết giữa sự phòng thủ EU và sự phòng thủ NATO. EU nên nhân cơ hội này để gia tăng hợp tác của họ với NATO, và các quốc gia thành viên EU cần nên bảo đảm các dự án quốc phòng của chính họ tương hợp với các tiêu chuẩn và kế hoạch của NATO. Bất kể HK có còn hay không còn tham gia với NATO dưới một chính quyền mới, thì Châu Âu vẫn cần mở rộng vai trò của họ trong hệ thống tiếp vận (logistics) và chỉ huy của liên minh, cũng như đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục để vận chuyển quân nhân và thiết bị ngang qua các biên giới. Họ có thể bắt đầu quá trình này bằng cách sắp xếp các cuộc trao đổi nhân sự giữa EU và NATO và bằng cách cải thiện việc chia sẻ thông tin giữa hai định chế này.

Những đầu tư của các quốc gia Âu Châu phải nhắm vào các mục tiêu quốc phòng để trám vào những lỗ hổng trong khả năng của họ, điều này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc của họ vào HK—thí dụ, máy bay không người lái, hệ thống phòng không và phi đạn, tiếp nhiên liệu trên không và bất kỳ lãnh vực nào khác mà quân đội Châu Âu lệ thuộc vào khả năng của HK. Các quốc gia thành viên EU có thể hợp tác với các đồng minh và đối tác NATO khác, gồm cả Vương quốc Anh và Canada, để gia tăng sự sản xuất này. Và trong vòng các định chế của EU, vị ủy viên EU kế tiếp mà phạm vi thẩm quyền gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng có thể xác định được những thay đổi về quy định cần thiết để làm cho sự mở rộng này có thể thực hiện được. Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng nên đưa ra những lý lẽ thuyết phục với các đối tác HK của họ rằng việc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Châu Âu nằm trong lợi ích dài hạn của HK. Một Châu Âu có thể lo được an ninh trên lục địa và xa hơn nữa là một lợi thế địa lý chính trị cho HK.

NGÔN NGỮ CỦA QUYỀN LỰC

Âu Châu nên tham gia với HK về mặt Trung Hoa. Một nỗ lực chung xuyên ĐTD nên đưa ra cách giải quyết các hoạt động mậu dịch gài bẫy (predatory trade practices) và thái độ thù địch gây hấn trong khu vực của Trung Hoa, cũng như ngăn không để Bắc Kinh trốn khỏi trách nhiệm của họ đối với các thử thách trên toàn cầu. Các quốc gia Âu Châu đóng một vai trò trong sự ổn định và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương—Thái Bình Dương, từ việc theo đuổi hợp tác kinh tế, môi trường và hạ tầng cơ sở với các đối tác Á Châu cho đến việc tham gia các cuộc diễn tập tự do hàng hải và khuyến khích việc hợp tác đa phương về các vấn đề khí hậu và quản trị đại dương (ocean governance). Ở nhiều nơi trong các lãnh vực này, các ưu tiên của Châu Âu và HK bị chồng lấn lên nhau. Nhưng EU phải được tự do quyết định phương cách riêng của mình đối với Trung Hoa, gồm các quyết định về cách bảo vệ các ngành chiến lược, chẳng hạn như công nghệ xanh, và khi nào thì tìm kiếm sự hợp tác với Bắc Kinh. Mặc dù sự phối hợp xuyên ĐTD là điều quan yếu, nhưng Châu Âu có thể không cùng đồng hành với Hoa Kỳ trên mọi điểm và Washington không nên đánh giá chiến lược Trung Hoa của Châu Âu như là một thử thách của lòng trung thành. Âu Châu cũng có thể giữ vai trò trung gian cho đối thoại và trao đổi học thuật giữa sự thù địch Hoa Kỳ-Trung Hoa, giữ cho các kênh được mở ra với các chuyên gia và xã hội dân sự (civil society1) của HK và Trung Hoa, cũng như với các quốc gia đang lo lắng về việc phải lựa chọn hoặc HK hoặc Trung Hoa. Để tránh bất đồng về vấn đề này, Châu Âu nên yêu cầu HK cố gắng tách biệt các nỗ lực kiềm chế và tranh thắng với Trung Hoa ra khỏi chính sách mậu dịch và an ninh của họ đối với Âu Châu.

Hợp tác với HK về chính sách Trung Đông cũng phải là yếu tố nổi bật trong chiến lược của Âu Châu. Châu Âu có quá nhiều lợi ích kinh tế và an ninh có thể bị nguy hại nếu để tuỳ thuộc duy nhất vào một Washington để giải quyết các vấn đề phát sinh ở đó. Và nếu EU chỉ đứng bên lề thay vì đứng thẳng lên cho nhân quyền và pháp quyền, thì điều đó sẽ làm sứt mẻ đến sự tin tưởng của quốc tế mà họ đã xây dựng trong vai trò của một người thúc đẩy các giá trị này. Trong ngắn hạn, EU và HK nên gia tăng các nỗ lực ngoại giao để kết thúc chiến tranh ở Gaza và ngăn ngừa một cuộc chiến tranh khu vực. Châu Âu và Washington nên cùng nhau đẩy mạnh để phục hồi một tiến trình chính trị cho một nền hòa bình hợp lý và bền vững (a just and sustainable peace) giữa Do Thái và Palestine. Và về lâu dài, Châu Âu nên ngưng việc “giao khoán” (outsourcing) chính sách Trung Đông cho HK. Châu Âu nên chủ động hơn trong việc làm giảm căng thẳng tạo ra do bởi Trung Hoa, Iran và Nga can thiệp vào khu vực, cũng như là hợp tác với Washington và các đối tác trong khu vực về các nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan và kiểm soát sự lan rộng vũ khí hạt nhân (nuclear nonproliferation).

Về mặt kinh tế, Châu Âu phải bảo đảm rằng sự cạnh tranh của Hoa Kỳ không gây thiệt hại đến sự thịnh vượng của Châu Âu. Các chính phủ và định chế của Châu Âu nên tìm kiếm những quan hệ đối tác lưỡng lợi với các công ty HK và làm việc với Washington để kích thích sự tăng trưởng cho cả Tây phương và xa hơn nữa, tăng cường an ninh kinh tế và tránh sự phân hoá kinh tế toàn cầu. Nhưng Châu Âu không nên tham gia vào một mối quan hệ rõ rệt thuần lợi nhuận (an explicitly transactional relationship) đánh đổi an ninh của lục địa cho những mối lợi kinh tế. Nếu HK áp đặt thuế quan lên mọi nơi, kiểm soát xuất cảng các mặt hàng đã thành phẩm (secondary export controls) hoặc các hoạt động cạnh tranh không công bằng, Âu Châu nên tuỳ tiện sử dụng các công cụ mậu dịch có trong tay để giữ cho quyền lợi của mình không bị thiệt hại. EU cũng phải lượng định các nhược điểm của mình liên quan đến HK và phải có hành động thích nghi để bảo vệ các lãnh vực chiến lược và tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh cho các nhà vô địch công nghệ Châu Âu. Điều này có thể bao gồm việc áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với công nghệ đặc biệt (specific technologies) và cung cấp nguồn tài trợ đáng kể cho nghiên cứu và sáng kiến để thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu các chính sách của HK gây áp lực kinh tế lên bất kỳ quốc gia nào của Châu Âu, phần còn lại của EU phải sẵn sàng để đưa ra một phản ứng tập thể.

Một chiến lược thống nhất để đối phó với Hoa Kỳ sẽ cho những tham dự viên Âu Châu trong cuộc đối thoại có một tiếng nói rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong những giao dịch của họ với Washington.

A unified strategy toward the United States will give European interlocutors a clearer and more forceful voice in their dealings with Washington.

Bất kể chính quyền kế nhiệm của HK tìm đến với mối quan hệ xuyên ĐTD như thế nào đi nữa, Âu Châu nên vẫn tiếp tục mưu tìm sự hỗ trợ và cam kết của HK để đối phó với các thử thách toàn cầu. Một vấn đề quan trọng mà Châu Âu sẽ cần sự giúp đỡ của Washington là việc cải tổ cấu trúc tài chánh quốc tế, bao gồm IMF (International Monetary Fund) và World Bank, để các tổ chức này hữu hiệu hơn trong việc làm giảm những hệ quả nguy hại của sự cạnh tranh công nghiệp và cung cấp nguồn tài trợ với lãi xuất phải chăng cho các nước có nguồn thu nhập thấp để hỗ trợ họ trong quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế xanh (green transition) và làm cho sức chịu đựng của họ được mạnh mẽ thêm trước biến đổi khí hậu.

Theo đuổi sự phát triển lâu bền và đạt được các mục tiêu về khí hậu là những ưu tiên cao cho Châu Âu. Trong những giao dịch với Washington, các quốc gia Châu Âu phải nhấn mạnh điều họ mong đợi nơi HK là một đối tác không lay chuyển trong việc xây dựng một thế giới không thải ra thán khí (net-zero world), bằng cách hợp tác và tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang công nghiệp xanh. Châu Âu nên hợp tác với các chính quyền tiểu bang của HK và khu vực tư nhân để thực thi các tiêu chuẩn khí hậu cao, gầy dựng sự hợp tác giữa các mạng lưới doanh nghiệp (channels of cooperation) để duy trì được sự hoạt động ngay cả khi chính quyền Trump giảm ưu tiên hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp liên bang.

Trật tự đặt trên luật lệ (rules-based order) sẽ mạnh hơn, và thế giới sẽ an toàn hơn và thịnh vượng hơn, nếu các quốc gia Châu Âu có thể chống lại ý muốn có được quan hệ song phương và lợi nhuận (resist bilateral and transactional relationships) với HK và thay vào đó là hợp tác với Washington như một khối thống nhất. Các quốc gia Âu Châu có thể chật vật trong việc giữ thăng bằng và điều đình sự khác biệt giữa những lợi ích riêng tư và tập thể của họ khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thay đổi. Nhưng họ phải thành công để Châu Âu có thể dự liệu trước những thử thách và có hành động độc lập, xây dựng thay vì bị rơi vào thế thủ hoặc cấp thời phản ứng thiếu chuẩn bị. Như Josep Borrell, đại diện cao cấp của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, nói khi nhậm chức vào 2019, cũng đã hơi trễ để Châu Âu “học nói thứ ngôn ngữ của quyền lực,“ kể cả khi đối phó với đồng minh quý giá và quan trọng nhất của mình (it is high time that Europe “learn to speak the language of power,” including when dealing with its most valuable and important ally). Bất kể ai chiếm ngự Văn Phòng Bầu Dục (Oval Office) trong năm tới, thì một định nghĩa mạch lạc về lợi ích và kỳ vọng của Âu Châu đối với HK sẽ đóng góp cho mối quan hệ giữa hai bên được lành mạnh hơn.

Trần Trung Tín chuyển ngữ
US Labor Day: Ngày 02/9/2024


Để có thể xem phần song ngữ Anh-Việt, quý vị đã ghi danh với e-group “gncd-2021@googlegroups.com” có thể:

▶︎ Click vào link: Vấn đề nước Mỹ của Âu Châu – GoogleSheet
▶︎ Click vào “screenshot: Song ngữ Anh-Việt” phía dưới. ⬇︎

screenshot: Song ngữ Anh-Việt

Chú thích

  1. Civil society ≈ non-governmental and not-for-profit organizations – các tổ chức không thuộc chính quyền (NGO) và không vì lợi nhuận – TTT

2 Comments

  1. Phạm Minh Hùng

    Hi Anh Trần Trung Tín,

    Trước tiên cám ơn bài chuyển dịch Europe’s America Problem rất công phu và tuyệt xảo của Anh cho tôi hiểu thêm về vấn đề Europe’s Problem phải đối mặt với kỳ bầu cử lần này ở Mỹ.

    Do ứng cử viên lần này là sự có thể trở lại của chính quyền Trump mới có câu:

    Whether Trump Wins or Loses, the Continent Needs a New Strategy Toward the United States.
    The Continent meaning included Europe’s Problem, meaning NATO’s Problem also!

    NATO’s Problem

    NATO được thành lập bởi 12 quốc gia từ Châu Âu và Bắc Mỹ vào ngày 4 tháng 4 năm 1949 được ký kết bởi TT Harry S. Truman tại Washington
    Kể từ đó, 20 quốc gia khác đã gia nhập NATO thông qua 10 lần nới rộng (vào những năm 1952, 1955, 1982, 1999, 2004, 2009, 2017, 2020, 2023 và 2024).
    Điều 10 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương[NATO] nêu rõ cách thức cũng như nguyên tắc để các quốc gia quanh vùng có thể tham gia Liên minh.
    Điều này khẳng định là tư cách thành viên cho bất kỳ “Quốc gia trong cộng đồng Châu Âu nào ở vị thế bị thúc đẩy từ các nguyên tắc của Hiệp ước muốn gia nhập và đóng góp vào an ninh trong khu vực Bắc Đại Tây Dương”.

    Mọi quyết định mời một quốc gia tham gia vào Liên minh quân sự này đều được Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định chính trị chính của NATO, dựa trên căn bản, cơ sở đồng thuận giữa tất cả các Đồng minh.

    Do sự đóng góp vào NATO không công bằng khiến bấy giờ TT Trump phải đánh tiếng cảnh báo [warning!] mặc dù:

    – Does NATO have a membership fee?
    There is not a set membership fee that NATO countries pay. Each country contributes a given amount toward the NATO general budget. This amount is based on a formula that considers the country’s economic income. Countries who make more money pay more to NATO.

    The 2% of GDP guideline is an important indicator of the political resolve of individual Allies to contribute to NATO’s common defence efforts. In 2024, 23 Allies are expected to meet or exceed the target of investing at least 2% of GDP in defence, compared to only three Allies in 2014.

    Qua lời phát biểu của Ứng cử viên, Cựu TT Donald Trump vận động tại Conway, South Carolina:
    – “You don’t pay your bills, you get no protection. It’s very simple,”

    Có phải vì lời phát biểu trên mới nảy sinh bài viết của Giovanna De Maio and Célia Belin
    August 23, 2024?

    Thân chào Anh Trần Trung Tín

    Chúc vui

    Phạm Minh Hùng

    • editor

      Xin cảm tạ anh Phạm Minh Hùng đã chịu khó đọc một bài dài ngoằng mà còn bỏ thêm giờ để viết chia sẻ ý kiến. Tôi xin được reply chút chút thêm vào vài điều trong comment của anh:

      > The 2% of GDP guideline is an important indicator of the political resolve of individual Allies to contribute to NATO’s common defence efforts. In 2024, 23 Allies are expected to meet or exceed the target of investing at least 2% of GDP in defence, compared to only three Allies in 2014.

      Con số 2% of GDP được NATO quyết định đồng ý vào năm 2014 sau khi Nga sát nhập Crimea. Dù vậy, đại đa số thành viên của NATO đã không giữ đúng cam kết của họ. Cho đến lúc bị Mr. Trump “nói thẳng, nói thật” ngay tại hội nghị thượng đỉnh NAO năm 2018, thì mới có thêm 1 số thành viên chi ra cho đúng mức 2% của GDP.

      Còn việc: “In 2024, 23 Allies are expected to meet or exceed the target of investing at least 2% of GDP in defence, compared to only three Allies in 2014.” thì như tôi đọc được ở một bài báo nào đó, xem ra con số này được tăng lên vì 2 yếu tố:

      1. Chiến tranh Ukraine do Nga khởi xướng vào năm 2022 vẫn còn tiếp diễn
      2. Khả thể của một chính quyền Trump 2.0 (sẽ “điểm danh”, kiểm điểm “quân số”!)

      > Qua lời phát biểu của Ứng cử viên, Cựu TT Donald Trump vận động tại Conway, South Carolina:
      > – “You don’t pay your bills, you get no protection. It’s very simple,”

      > Có phải vì lời phát biểu trên mới nảy sinh bài viết của Giovanna De Maio and Célia Belin August 23, 2024?

      Tôi không nghĩ chỉ vì lời phát biểu mới đây của ông Trump là nguyên do chính để hai vị trên viết bài.

      Lý do dễ hiểu là khi làm research và nhìn vào cách hành xử thực sự của các chính quyền Mỹ (của cả Cộng Hoà và Dân Chủ), thì hai tác giả trên (và nhiều người khác từ Âu, từ Mỹ) đều có thể thấy là “Ưu tiên cao” của Mỹ sẽ phải tập trung về Châu Á để đối đầu với Trung Hoa.

      Người Mỹ không thể để bị Trung Hoa đánh bại và “take over” chỉ vì họ để Mỹ bị “sa lầy” tại Âu châu do bởi EU hay NATO cứ tiếp tục luộm thuộm và Trung Hoa cứ tiếp tục lớn mạnh.

      Cũng nên lưu ý rằng Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn và Úc và cả Đài Loan là những quốc gia “kín tiếng” nhưng cộng lại đều là một “liên minh” có trọng lượng cho Mỹ tại khu vực Indo-Pacific.

      Hãy thử nhìn vào nước Mỹ, cả về mặt kỹ nghệ (điển hình là các hãng Google, Microsoft và …) và chính trị, thì từ nhiều năm nay, đã có nhiều gương mặt gốc Ấn Độ giữ vai trò nổi bật. Nothing comes out of thin air! 😀 -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *