Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Lần này thế giới không phạm lỗi: Chưa sẵn sàng với Trump—như thời 2016

Cuộc Cách mạng Pháp (1789-99) đã làm thay đổi cả lục địa Âu châu. Thời hậu Cách mạng Pháp, Hoàng tử Metternich (1773–1859), một nhà chính khách và ngoại giao lỗi lạc của Áo, đã để lại câu nói thời danh: “When France sneezes, Europe catches a cold.” 

Nhưng kể từ Great Depression 1929, câu nói trên đã được cải đổi thành: “When the U.S. sneezes, the world catches a cold.”  (“Khi Hoa Kỳ hắt hơi, thì thế giới bị cảm lạnh.”)  Cho đến nay, câu nói này vẫn được dùng đến mỗi khi Hoa Kỳ có biến động lớn.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2024 không phải là một biến động. Tuy nhiên, khi đảng Cộng Hoà đề cử cựu tổng thống Donald Trump ra tranh cử tổng thống, thì khả thể trở lại nắm chính quyền của ông Trump đã là một “biến động” cho các trung tâm quyền lực trên thế giới.

Về “biến động” này, ngày  POLITICO đã ấn hành bản phúc trình: The world wasn’t ready for Trump in 2016. It’s not making that mistake this time.  Đồng tác giả là: Paul McCleary, Christoph Schiltz, Stefanie Bolzen, Jacopo  Barigazzi, và Philipp Fritz

Bản phúc trình được viết khi tổng thống Joe Biden còn tranh cử.  Hiện nay bà phó tổng thống Kamala Harris, đảng Dân Chủ, đã thay thế ông Biden ra tranh cử tổng thống.  Dù vậy, thế giới, nói chung, và Âu châu, nói riêng, hẳn vẫn cần đến “kế hoạch dự phòng” như POLITICO đã phúc trình.  Xin mời quý vị đọc bản phúc trình bằng Việt ngữ.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Các đồng minh NATO của Mỹ đang gia tăng sản xuất vũ khí, tham khảo các cố vấn của Donald Trump và tổ chức các cuộc mật đàm với nhau để nhanh chóng chuẩn bị cho sự trở lại của ông.

Tại Brussels, các giới chức của NATO đã thảo ra một kế hoạch khoá cứng sự hỗ trợ quân sự dài hạn cho Ukraine để chính quyền có thể mới lên của Trump không thể cản trở được.

Tại Ankara, các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã duyệt xét lịch trình thực hiện chính sách (policy road map) của dự án Heritage Foundation’s Project 2025 để tìm ra manh mối trong các hoạch định của Donald Trump về Syria.

Tại Atlanta, Austin và Lincoln, Nebraska, các bộ trưởng hàng đầu từ Đức và Canada đã gặp các thống đốc đảng Cộng Hòa để nâng cao mối quan hệ với phe hữu của Mỹ.

Và tại Washington, sự trở lại của Trump là đề tài chính yếu trong các buổi họp có điểm tâm hàng tháng giữa các đại sứ từ các nước Âu châu. Có lần trong một buổi họp, có vị đặc sứ hàng đầu của một quốc gia đã hỏi các đồng nghiệp rằng có phải họ đang can dự vào một chuyện tầm phào (fool’s errand) hay không.

“Liệu chúng ta có thể nào thực sự chuẩn bị được cho Trump không?” người này hỏi, theo lời của một nhà ngoại giao cao cấp khác. “Hoặc chúng ta nên chờ và xem thực tế mới sẽ như thế nào?”

Có rồ dại (folly) hay không thì những chuẩn bị đó vẫn được tiến hành.

Hơn sáu tháng trước khi tổng thống Mỹ kế tiếp lên nhậm chức, đã có một nỗ lực được đặc biệt đẩy mạnh khắp liên minh NATO, và xa hơn nữa, nhằm đối phó với sự chuyển giao quyền lực có thể xảy ra tại Mỹ. Với việc Tổng thống Joe Biden xếp hạng kém trong việc tái tranh cử, nhiều đồng minh dự đoán rằng vào thời điểm này sang năm, họ sẽ phải giao dịch (deal) với một chính quyền mới của Trump — một chính quyền được định nghĩa bởi sự hoài nghi về châu Âu, một áp lực gay gắt của chủ nghĩa cô lập của cánh hữu và một quyết tâm cứng rắn đưa việc đối đầu với Trung Hoa lên trên các ưu tiên toàn cầu khác.

Vào thời gian tiền hội nghị thượng đỉnh NATO nhóm họp trong tuần này tại Washington1, hai tờ báo POLITICO (Mỹ) và Well (Đức) đã cùng hợp tác thực hiện một tường trình lượng định về việc thế giới đang chuẩn bị như thế nào cho việc Trump có thể quay lại Toà Bạch Ốc; các phóng viên của hai tờ báo này phỏng vấn hơn 50 nhà ngoại giao, nhà lập pháp, chuyên gia và chiến lược gia chính trị tại các quốc gia NATO và nơi khác. Nhiều người trong số những vị đó được phép ẩn danh để nói về các vấn đề nhạy cảm trong lãnh vực ngoại giao và an ninh quốc tế.

Những ghi nhận trong phần tường trình này là bức tranh của một thế giới đã khuất phục trước ý chí của Trump và đang hối hả tìm cách tự bảo vệ nhằm tránh khỏi những gián đoạn và khủng hoảng mà ông có thể kích động.

[What emerged from this reporting was a picture of a world already bending to Trump’s will and scrambling to inoculate itself against the disruptions and crises that he might instigate.]

Tổng thống Donald Trump (vào lúc đó) tuyên thệ nhậm chức trong lễ nhậm chức tại phía Tây của Toà nhà Quốc Hội (Capitol) Hoa Kỳ, ngày 20/01 /2017. | Pool photo by Jim Bourg

Trên nhiều phương diện, các quốc gia thành viên NATO cảm thấy tự tin hơn nhiều vào khả năng của họ để ứng xử với Trump so với bảy năm rưỡi trước đây khi ông mới lên nắm quyền như là một người hoàn toàn nghiệp dư trên diễn trường thế giới. Có được điều trên một phần là do bởi các quốc gia này hiện đang chuẩn bị để đối phó với sự hồi sinh chính trị của ông.

Những chuẩn bị của họ được xếp thành ba loại.

Thứ nhất, nỗ lực mưu tìm việc mở rộng quan hệ cá nhân với Trump và các cố vấn của ông, với hy vọng xây dựng được các mối quan hệ có thể giúp làm giảm tối đa sự xung đột.

Thứ hai, thay đổi nhiều chính sách nhằm làm hài lòng Trump và liên minh chính trị của ông, chính yếu là bằng cách xoa dịu những phàn nàn của Trump về việc Âu châu đã không bỏ ra đủ chi tiêu quốc phòng.

Thứ ba, phát triển những biện pháp ngoại giao và pháp lý mới mẻ để che chở cho các ưu tiên của NATO không bị chính quyền Trump can thiệp làm suy yếu.

Nhìn chung, bắt đầu có vẻ giống như đã có một chiến lược hợp lý để quản lý sự hỗn loạn của một thế giới do Trump lãnh đạo. Nhưng, ngay cả các nhà lãnh đạo NATO lèo lái phương cách này cũng thừa nhận rằng phần lớn dự án này cuối cùng có thể vẫn bị đặt dưới sự khoan hồng của ngẫu hứng cá nhân của Trump. (Still, even the NATO leaders driving this approach acknowledge that much of this project may ultimately be at the mercy of Trump’s individual whims.)

“Hiển nhiên, thử thách lớn nhất là chúng tôi không biết — và tôi nghĩ, cũng không ai biết, chính xác — ông ta sẽ làm gì,” một nhà ngoại giao từ một quốc gia NATO nói.

Khi Trump nhậm chức lần đầu, Tây phương tương đối yên tĩnh, và các đồng minh của Hoa Kỳ hy vọng nhiều là có thể chờ cho sự suy đồi chính trị của Mỹ qua đi trong bốn năm. Lần này, suy nghĩ của họ đã khác, hiện nay rõ ràng là chủ nghĩa Trump không phải là một thứ thời trang mau tàn (passing fad) — và NATO đang đối đầu với những mối đe dọa cấp bách hơn nhiều cho an ninh Âu châu.

Khá ngạc nhiên, lần này không có sự hoảng loạn tràn lan về việc Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO, như ông từng đe dọa trong quá khứ. Nhưng nếu các đồng minh không nhìn thấy đó như một tình huống có thể xảy ra, thì liên minh vẫn luôn trong một tâm trạng căng thẳng — đó là trạng thái run sợ chỉ được vạt nhọn thêm bởi sức mạnh đang lên của những thành phần hoài nghi trong NATO hữu phái ở Pháp và các nơi khác trên lục địa Âu châu.

Theo Camille Grand, cựu phụ tá tổng thư ký NATO và là viên chức quốc phòng Pháp, hiện nay liên minh này tiến đến (approaching) Trump bằng cách rất khác cách họ đã làm trong năm 2017.

“Lần trước, dễ hơn nhiều vì không có chiến tranh,” theo Grand, người đứng cùng liên minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. “Bây giờ, chúng tôi đang ở trong một môi trường mà cuộc đối thoại thì thực sự, thực sự khác biệt.”

Chính trị của Trump là chuyện cá nhân ◆ Trump Politics is Personal

Gần hai tuần trước khi các nhà lãnh đạo NATO đến Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh, đã có tin đồn nhanh chóng lan truyền khắp thế giới ngoại giao: Trump đã có kế hoạch mang lại hòa bình cho Ukraine.

Nghệ thuật thương thảo này được biết là dựa trên một đe dọa thô bạo: Nếu Vladimir Putin từ chối đàm phán chấm dứt chiến tranh, Hoa Kỳ sẽ ào ạt đổ thêm vào Ukraine nhiều vũ khí hơn thế nữa. Và nếu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy từ chối ngồi vào bàn đàm phán với Nga, Hoa Kỳ sẽ rút lại sự hỗ trợ quân sự dồi dào của họ.

Ở đây có một trở ngại lớn. Đó là kế hoạch này không do chính Trump đưa ra mà do nhiều đồng minh và những người tự xưng là đại diện của ông lưu hành tin đó trong các giới chính trị và ngoại giao — mỗi người đều tự nhận là người phát ngôn cho cựu tổng thống và rồi lại quảng cáo cho một đường dây liên lạc trực tiếp quay trở ngược lại ông ta. Duyệt xét lại kỹ càng, thì rõ rệt là không có bản vẽ (blueprint) bí mật nào đã được Trump chấp thuận để chấm dứt chiến tranh.

Lính Ukraine bắn trọng pháo CAESAR do Pháp sản xuất về các vị trí của Nga tại vùng Donetsk vào ngày 27 tháng 6. | Roman Pilipey/AFP via Getty Images

Khi cuộc bầu cử đến gần, các đồng minh của Hoa Kỳ phải có nhiệm vụ phân định ai là sứ giả đích thực của Trump và ai là kẻ giả mạo. Một nhân viên toà đại sứ xác nhận rằng họ đã tiếp xúc với nhiều người tự nhận là phát ngôn cho Trump, “nhưng không luôn luôn rõ rệt là họ thân cận với ông ta đến mức nào.”

Nhưng, nhân viên này nói, “chúng tôi cần đến tham dự những cuộc họp đó.”

Kết quả là một cuộc săn lùng sôi nổi để tìm ra cách tiếp cận với những người thân cận nhất với Trump — và với chính Trump.

“Đó là một cuộc chạy đua để được là người cuối cùng nói chuyện với ông ta trước khi ông lấy quyết định,” một viên chức quốc phòng Âu châu nói.

Bài học mà các đồng minh của Mỹ rút ra được từ chính quyền đầu tiên của Trump là mối quan hệ cá nhân là tối quan trọng với cựu tổng thống và những người thân cận nhất với ông. Trump đã tạo được những mối quan hệ nồng ấm trong tư cách tổng thống với nhiều nhà lãnh đạo ở một phạm vi rộng lớn, từ Shinzo Abe và Jair Bolsonaro đến Boris Johnson và Kim Jong Un, tất cả đều dùng đến mối liên hệ cá nhân trực tiếp đó để làm lợi cho chính họ.

Từ khi Trump chắc chắn được đảng Cộng Hòa đề cử, tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda và cựu thủ tướng Nhật Bản, Taro Aso, đã đích thân đến thăm ông. Tương tự, David Cameron, cựu ngoại trưởng và thủ tướng Anh, đã dùng chuyến viếng thăm Mar-a-Lago để thuyết phục Trump ủng hộ nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Những đề nghị được chuyển đến nhiều nơi trong Đảng Cộng Hòa: François-Philippe Champagne, bộ trưởng người Canada giúp hướng dẫn những chuẩn bị liên quan đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ, đã gặp các thống đốc đảng Cộng Hòa, gồm cả Henry McMaster của tiểu bang South Carolina và Jim Pillen của Nebraska, nhấn mạnh sự ổn định quốc tế là mối quan tâm chung, theo tin của một người được tóm tắt về các cuộc họp. Mùa thu năm ngoái, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock viếng thăm Texas để gặp Thống đốc Greg Abbott, một người mạnh mẽ ủng hộ Trump, đưa ra lời đề nghị thân hữu nhưng cũng bày tỏ sự bất đồng sâu sắc của bà với Abbott về quyền phá thai.

Trump chào đón Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Trump Tower ngày 17/4. Duda là một trong số nhiều nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự tôn trọng với Trump kể từ khi ông chắc chắn được đảng Cộng Hòa đề cử. | Stefan Jeremiah/AP

Trong những tuần vừa qua, nhiều nhà ngoại giao từ các quốc gia thành viên NATO đã âm thầm đến Washington để gặp giới học thuật bảo thủ (conservative academics) và những người có liên quan đến các nhóm nghiên cứu mà họ tin rằng có thể có một số ảnh hưởng đến chính sách của Trump. Những cuộc họp có vẻ có kết quả, một vị đại sứ nói. Nhưng có một không khí bất trắc vây quanh họ.

“Chúng tôi không biết những người chúng tôi gặp liệu có sẽ thực sự vẫn còn ở đó hay không nếu Trump được bầu làm tổng thống,” một giới chức của NATO nói trong một cuộc đàm luận tại tổng hành dinh ở Brussels.

Có lẽ chuyến thăm viếng màu mè nhất để làm thân (the most ostentatious outreach) với Trump và liên minh MAGA vào mùa xuân năm nay đến từ David Lammy, ngoại trưởng đối lập (shadow foreign secretary) của Anh vào thời điểm đó, và đã được bổ nhiệm làm ngoại trưởng của Anh vào tuần trước sau cuộc bầu cử ở đó. Suốt chuyến viếng thăm Washington vào tháng 5, Lammy đã gặp các đồng minh của Trump và những người MAGA nổi tiếng, gồm có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và J.D. Vance. Trong những nhận xét trước công chúng, Lammy nói những chỉ trích NATO của Trump thường bị “hiểu lầm,” và rằng vị cựu tổng thống này chính ra chỉ muốn Âu châu chi ra nhiều hơn cho quốc phòng.

Đây là một sự quay đầu 360 độ bất ngờ của Lammy, người mà trước đây mô tả Trump là một kẻ kỳ thị chủng tộc và “thù ghét phụ nữ, có cảm tình với tân phát xít hận thù xã hội” (a racist and  a “woman-hating, neo-Nazi-sympathizing sociopath”). Nhưng chuyến đi Washington của ông dường như có một mục đích rõ rệt: mở đường cho mối quan hệ với Trump trong chính quyền — và để cử tri Anh chắc chắn biết là ông ta (Lammy) đang làm điều đó.

Buổi gặp gỡ của ông ta với ban vận động tranh cử của Trump là kết quả của cố gắng cầu thân lặng lẽ, kiên trì (quiet, persistent outreach), và Chris LaCivita, cố vấn cao cấp trong ban vận động tranh cử của Trump, đã sắp xếp lại thời biểu của ông ta để gặp Lammy tại văn phòng của RNC.

Trong chuyến viếng thăm Washington vào tháng 5, David Lammy — lúc đó là ngoại trưởng đối lập của Anh — đã gặp các đồng minh của Trump và những người nổi tiếng của MAGA, gồm cả Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và J.D. Vance. | Paul Ellis/AFP via Getty Images

Theo những người thông thạo, thì đó là một cuộc đàm thoại thoải mái. Lammy giải thích vai trò ngoại trưởng đối lập của ông, mà hệ thống của Mỹ không có tương đương, và nói về gia đình của ông có những quan hệ như thế nào với Hoa Kỳ. LaCivita tóm tắt cho Lammy biết tình hình cuộc vận động tranh cử của Trump.

Chỉ ít phút sau khi cuộc gặp gỡ kết thúc, câu chuyện về cuộc họp đã xuất hiện trên tờ London Times và Daily Mail, làm ban vận động tranh cử của Trump sửng sốt.

Một cố vấn của Trump, nhận ra mục đích cuộc đàm thoại là cho dân Anh — để có thể nói rằng họ đã nói chuyện (với Trump) — kinh ngạc trước việc Đảng Lao Động tiết lộ tin ngay cả trước khi Lammy rời tòa nhà: “Họ đã viết sẵn toàn bộ việc này.”

Chuyến đi làm thân MAGA của Lammy gây khó chịu cho một số nhà lãnh đạo cánh tả nghiêng về trung tâm (center-left) ở hai bên bờ Đại Tây Dương, luôn cả Toà Bạch Ốc. Một nhà ngoại giao Anh nói có những đảng viên Dân Chủ cao cấp “rất, rất bực mình với David,” đặc biệt là ông ta đã nhận được những mối quan hệ nồng ấm với những người Dân Chủ, kể cả Barack Obama. Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói Toà Bạch Ốc của Biden không lưu tâm.

Nhà ngoại giao Anh này nói, theo tính toán của họ, thì chuyến đi của Lammy đã hoàn thành nhiệm vụ được đề ra.

“Trong thế giới của toà đại sứ và Văn phòng Bộ Ngoại giao, Lammy được xem là đã làm tốt công việc và đó là một chuyển dịch khôn khéo của đảng Lao Động đi nước đôi đề phòng (a smart move for Labour to hedge their bets) trường hợp họ phải đối phó với chính quyền Trump trong vòng sáu tháng nữa,” nhà ngoại giao này nói.

Tiền, Tiền, Tiền ◆ Money, Money, Money

Nếu phần lớn nghị trình làm việc xuyên Đại Tây Dương của Trump có vẻ lỏng lẻo (fluid) và bị chi phối bởi cảm tính (impulse-driven), thì ông ta hoàn toàn kiên định ở một điểm: Ông muốn các quốc gia Âu châu tiêu tiền nhiều, nhiều hơn nữa cho việc phòng thủ của chính họ.

Càng ngày, Trump càng được toại nguyện theo ý của ông. (Increasingly, Trump is getting his way.)

Âu châu có lý do chính đáng để gia tăng chi tiêu quốc phòng mà không liên quan gì đến Trump. Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine trong năm 2022 đã làm vỡ vụn ảo tưởng tại nhiều thủ đô ở Âu châu cho rằng Putin có thể được đối xử gần giống như một người bạn (a quasi-friend), hoặc rằng tham vọng đế quốc của ông ta có thể bị chặn lại tại Crimea và một số khu vực nhỏ bé của Đông Âu.

Nhưng mối đe dọa từ Nga càng trở nên khiếp đảm hơn đối với châu Âu vì sự mâu thuẫn của Trump đối với những cam kết của NATO về an ninh chung. Vị cựu tổng thống này đã công khai gay gắt chỉ trích những thành phần trễ nải chi ra kinh phí quốc phòng ở châu Âu và nơi khác, trút ra sự bực bội (venting frustration) rằng phần lớn thế giới cứ dựa vào tiền thuế của dân Mỹ để trả cho các nhu cầu an ninh nước ngoài. Đầu năm nay, Trump nói rằng ông ta sẽ cho Nga toàn quyền “làm bất cứ thứ quái quỷ gì mà họ muốn” (“do whatever the hell they want”) với đồng minh NATO nào không làm đủ bổn phận chi tiêu quốc phòng của họ.

Trong diễn văn tháng 6, Trump than trách việc dòng tiền của Mỹ tiếp tục đổ vào nỗ lực chiến tranh tại Ukraine. “Nó không bao giờ chấm dứt,” ông gay gắt chỉ trich.

Phần lớn liên minh NATO đã chuyển hướng đầu tư sang quốc phòng để vừa ngăn chặn Nga vừa làm hài lòng Trump. Có 23 trong số 32 quốc gia thành viên NATO được đánh giá là chi ra 2% hoặc hơn của GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của họ cho quốc phòng, đạt được mục tiêu đã đề ra cho NATO vào năm 2014.

Chiến xa của quân đội Na Uy tham gia tập trận quân sự của NATO tại Đức vào ngày 8/4. Vào tháng 4, Na Uy công bố kế hoạch 12 năm chi ra 152 tỷ Mỹ kim cho quốc phòng, phần lớn tập trung vào sản xuất hoả tiễn và pháo binh. | Ronny Hartmann/AFP via Getty Images

Jens Stoltenberg, tổng thư ký sắp mãn nhiệm của NATO, đã đưa những con số này ra khoe tại một buổi họp ở Washington vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh và cũng sẽ làm nổi bật điểm này y hệt như vậy tại hội nghị. Theo nhiều giới chức NATO có can dự trong các cuộc bàn thảo nội bộ, chiến lược của liên minh là cung cấp cho Trump một thông điệp nhắm đến cử tri của ông để ông có thể nhận lấy công lao là đã làm cho NATO trở nên công bằng và hiệu quả hơn (take credit for making the alliance fairer and more effective).

Vài quốc gia gần đây đã phác ra các kế hoạch đầy tham vọng mới mẻ để mở rộng khả năng quân sự của họ. Vào tháng 4, Na Uy công bố kế hoạch 12 năm chi ra 152 tỷ Mỹ kim cho quốc phòng, tập trung rất nhiều vào sản xuất hoả tiễn và pháo binh.

Romania, đã ký một thỏa thuận trị giá 4 tỷ Mỹ kim để mua hoả tiễn Patriot dưới thời chính quyền Trump, đang giúp mở rộng nơi sẽ sớm trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của NATO tại châu Âu. (Sự trở lại của Trump “không nằm trong danh sách của… những mối quan tâm lớn” cho quốc gia này, theo một viên chức Romania.)

Tại Ba Lan, nơi đã chi ra hơn 4% GDP cho quốc phòng, nhiều nhất so với bất cứ quốc gia nào khác trong NATO, một vài viên chức đang gây sức ép lên phần còn lại của châu Âu để họ phải theo kịp. Duda, vị tổng thống cánh hữu thân với Trump, kêu gọi các thành viên NATO đạt tới mục tiêu chi ra là 3% (to hit a 3 percent spending target).

Pawel Kowal, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ba Lan, trong một cuộc phỏng vấn nói rằng sự chuẩn bị quan trọng nhất cho quốc gia của ông và các quốc gia khác là những khoản đầu tư này.

“Không còn nghi ngờ gì hết cả, Âu châu phải tự lo cho an ninh của mình, cuối cùng phải xem mối đe dọa từ Nga là có thực, giúp Ukraine và tự trang bị vũ khí, gồm cả việc phát triển một hệ thống phòng không chung,” Kowal, cũng là đặc sứ của chính quyền Ba Lan tại Ukraine, nói.

“Vladimir Putin phải suy nghĩ tối thiểu là ba lần trước khi lượng định việc tấn công NATO,” Kowal nói. “Nếu châu Âu mạnh hơn, sẽ có cơ hội tốt là chúng ta cũng sẽ dễ hòa thuận (get along) hơn với Trump.”

Dù thế, không phải tất cả đồng minh của Mỹ đều đáp ứng với sự nhiệt thành như vậy trước những đòi hỏi của thời điểm này.

Hai trong số những quốc gia giàu có nhất trong NATO, là Ý và Canada, còn xa mới đến được định mức 2% ngay cả khi đòi hỏi về an ninh cho NATO tiếp tục gia tăng. Tương tự là một số đồng minh nhỏ hơn, gồm cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã phải đối diện với sự phiền trách một cách công khai ít thấy của lưỡng đảng Hoa Kỳ vào tháng 5 khi hơn 20 thượng nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ viết cho ông nói rằng họ “cực kỳ thất vọng” vì Canada đã “thất bại không làm tròn bổn phận” của mình đối với NATO. Trudeau thừa nhận rằng còn có “nhiều điều để làm” cho quốc phòng của Canada, nhưng trong nhiều năm đã không có sự thay đổi chính sách lớn lao nào theo chiều hướng đó.

Áp lực chính trị đè lên các quốc gia này và các quốc gia khác sẽ gia tăng trong những tháng tới, không chỉ từ Trump mà còn từ các quốc gia láng giềng của họ. Riho Terras, cựu chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ Estonia, hiện là thành viên trung hữu (a center-right member) của Nghị viện Âu châu, nói thẳng ra điều này.

“Tôi không sợ Trump rút khỏi Âu châu,” Terras nói. “Tôi sợ rằng Âu châu không muốn chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng.”

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen, nói với POLITICO lúc cuối cuộc họp các ngoại trưởng của EU tại Luxembourg, cho biết Âu châu không thể làm chao đảo cuộc bầu cử của Hoa Kỳ — nhưng Âu châu có thể tự làm thành “một đối tác hết sức hấp dẫn đối với Hoa Kỳ.”

“Chắc chắn chúng ta nên thường xuyên chú tâm vào các vấn đề nơi chúng ta có ảnh hưởng và đó là xây dựng khả năng tự phòng thủ và răn đe của chúng ta mạnh chừng nào hay chừng đó,” Valtonen nói, rồi thêm: “Và tôi đoán, đó cũng là điều mà ông Trump đã vẫn kêu gọi.”

Chống-Trump hay Hợp-Trump ◆Trump-Proof vs. Trump-Compatible

Tại cuộc họp giữa tháng 6 của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, các thành viên của liên minh đã đồng ý trên nguyên tắc về một kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát sự hỗ trợ của NATO cho Ukraine. Cho đến thời điểm này, Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc tổ chức viện trợ quân sự qua một đơn vị 300 người được biết đến là Security Assistance Group-Ukraine (Nhóm Phụ tá An ninh-Ukraine), trụ sở đặt tại một văn phòng quân sự của Hoa Kỳ tại Wiesbaden, Đức.

Stoltenberg đề xướng ra một cấu trúc khác: bàn giao trách nhiệm quản trị viện trợ cho chính NATO, và đặc biệt cho các quốc gia đối tác châu Âu. Trên lý thuyết, điều này khiến việc quản lý viện trợ trở nên “chống-Trump” (this would make the administration of aid “Trump-proof”), như một số nhà ngoại giao nói. Dự kiến sẽ đạt đến quyết định sau cùng tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

Nếu được thực hiện, kế hoạch này sẽ dần dần chuyển giao quyền kiểm soát viện trợ cho một nhóm gồm 200 binh sĩ NATO tại thành phố Mons của Bỉ — nhóm sẽ tiếp tục làm việc với Hoa Kỳ, nhưng dưới cờ của NATO.

Trung tướng Antonio A. Aguto, Jr. (ở giữa), tướng chỉ huy Security Assistance Group-Ukraine, trò chuyện với các chỉ huy cao cấp tại khu vực huấn luyện ở Đức, vào ngày 7/2. | Jarvis Mace/U.S. Army National Guard

Những kế hoạch giống như kế hoạch trên, được nghĩ ra để giảm thiểu tác hại của các sắc lệnh của Trump lên các ưu tiên chung của NATO, có thể bị thử nghiệm dữ dội nếu Trump trở lại nắm quyền.

Có những nơi khác cũng thích điều này, không riêng Âu châu mà Á châu và ngay cả Washington, nơi mà vào tháng 12 năm ngoái, đa số thành viên lưỡng đảng tại Hạ Viện và Thượng Viện bỏ phiếu thuận để tổng thống không thể rút khỏi NATO mà không có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc Hội. Đó là biện pháp rõ ràng nhắm đến việc khoá tay Trump hoặc một tổng thống tương lai có cùng quan điểm với ông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây thừa nhận rằng một đồng minh khác của Mỹ, là Nam Hàn, đang làm áp lực để được sớm gia hạn một thỏa thuận giúp trả tiền cho 28,000 quân nhân Hoa Kỳ đồn trú tại đó. Thỏa thuận hiện tại không hết hạn cho đến 2025, nhưng đàm phán lại với Trump có thể khó khăn hơn nhiều, căn cứ trên những phàn nàn thường xuyên của ông về phí tổn hỗ trợ của Mỹ cho Nam Hàn.

Harry Harris, đô đốc đã về hưu và cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn, nói là quốc gia này có vẻ đang “phòng bị cho việc có thể có một chính quyền Trump 2 — họ đã xem phim này rồi và rất là đau khổ.” (“hedging against a possible Trump 2 administration — they’ve seen this movie and it was very painful.”)

Nhưng không rõ những dàn xếp chính thức này thực sự có thể hạn chế được Trump đến mức nào nếu ông ta nắm giữ quyền lực tổng thống.

Đối với tất cả sự quyết tâm tại một vài thủ đô châu Âu để tiến đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump với sự lạc quan tương đối, thực tế rõ ràng không thể tránh khỏi là không ai trên lục địa này thực sự biết nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể hỗn loạn (chaotic) như thế nào.

Ông khó có thể được làm dịu nhẹ lại bởi các bộ trưởng quốc phòng và giới chức trong nội các như các vị tiền nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của ông — những người kỳ cựu trong Chiến tranh Lạnh và cựu chiến binh như Mike Pompeo, H.R. McMaster, Jim Mattis và John Kelly — mà suốt cả sự nghiệp, họ đã làm việc cùng đồng minh trong khuôn khổ một cấu trúc truyền thống của chính sách đối ngoại.

Một vài cố vấn của Trump đã khiến châu Âu lo ngại với những phát biểu mơ hồ về cam kết của Mỹ bảo vệ các đồng minh NATO bằng toàn bộ sức mạnh quân sự của Mỹ. Ông Elbridge Colby, cựu viên chức cao cấp của Ngũ Giác Đài, được xem có triển vọng sẽ đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump 2, đã nhiều lần làm các đồng minh phiền lòng khi nói rằng Hoa Kỳ không thể trải rộng quá mức ở Âu châu để phương hại đến việc chống lại Trung Hoa (the U.S. cannot overextend itself in Europe at the expense of countering China).

Trong một cuộc phỏng vấn, Colby đã cho thấy có những giới hạn đối với những gì Hoa Kỳ có thể làm để chống lại một số thể loại của hành động xâm lăng của Nga, chẳng hạn như việc tấn công vào các quốc gia vùng Baltic.

“Hiệp ước NATO không bắt buộc chúng tôi phải gửi đi toàn bộ quân đội của chúng tôi. Henry Kissinger được xem là có lần đã nói rằng các (hiệp ước) liên minh không phải là những hợp đồng tự sát,” Colby nói, và thêm rằng ông lo ngại về việc để Hoa Kỳ “dễ bị tổn thương trước cú dứt điểm của Trung Hoa” (leaving the U.S. “vulnerable to a knockout blow by China”).

Đầu năm nay, Trump nói ông sẽ cho Nga toàn quyền “làm bất cứ thứ quái quỷ gì mà họ muốn” với đồng minh NATO nào không làm đủ bổn phận chi tiêu quốc phòng của họ. | Brendan Smialowski/AFP via Getty Images

Hannah Neumann, thành viên của Nghị viện châu Âu đại diện cho Đảng Xanh của Đức, nói rằng người châu Âu cũng nên ghi nhớ rằng Trump ở vào nhiệm kỳ cuối cùng của một tổng thống nếu tái đắc cử — và có thể còn có nhiều biến động hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai. Neumann, người ngồi trong một tiểu ban quản trị an ninh và quốc phòng, gợi ý rằng châu Âu không thể để bị rủi ro vì tự mãn.

“Ông ta đã công bố 100,000 điều điên rồ (foolish things). Ông ta là một kẻ bất kham (a loose cannon),” Neumann nói về Trump. “Quả là ngây thơ khi không suy nghĩ đến các tình huống có thể xẩy ra và chuẩn bị cho một số điều ngay trước mắt chúng ta, trong trường hợp Trump làm suy yếu hoặc ngay cả rời bỏ NATO.”

Trong chuyến thăm Washington vào mùa xuân, một cố vấn của Trump đã hé mở cho thấy phương cách đập-nát-vụn (smash-it-up approach) sẽ có thể giống như thế nào, ông ta đưa ra một loạt những phiền trách gay gắt về quốc phòng châu Âu với Anders Fogh Rasmussen, cựu thủ tướng Đan Mạch và tổng thư ký NATO, và Fabrice Pothier, giám đốc điều hành công ty tư vấn quốc tế của Rasmussen.

Trong một cuộc điện đàm, Pothier nhớ lại, người cố vấn này đã mở tung ra “một loại công kích (rant) của Trump về việc đồng minh Âu châu không chi đủ tiền,” nêu ra rõ tên của các quốc gia nào đang lơ là về mặt quốc phòng.

“Người đó liên tục hỏi Anders: Ông sẽ trừng phạt họ như thế nào? Ông sẽ trừng phạt họ như thế nào?” Pothier nhớ lại, ông nói thêm: “Bang giao quốc tế thực sự không vận hành như thế.”

Rồi, ông thừa nhận rằng chẳng bao lâu họ có thể làm được cách đó — và các đồng minh phải thích nghi với thực tế đó.

“Ngắn gọn, tôi sẽ nói: Đừng gắng tự mình chống-Trump, nhưng hãy gắng làm cho mình hợp-Trump,” Pothier khuyến cáo. “Tôi không tin vào cách chống-Trump, mà tôi nghĩ tương đối có hiệu quả trong lần đầu. Tôi nghĩ ngày nay chúng ta đang đối diện với một Trump loại khác.”

[“In one line, I would say: Don’t try to Trump-proof yourself, but try to make yourself Trump-compatible,” Pothier advised. “I’m not buying the Trump-proof approach, which I think worked relatively well the first time. I think today we are facing a different kind of Trump.”]

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 16/8/2024


Đã có đề nghị nên có phần song ngữ Anh và Việt để dễ đối chiếu. Để xem phần song ngữ, quý vị đã ghi danh với e-group “gncd-2021@googlegroups.com” có thể:

▶︎ Click vào link:  Thế giới sẵn sàng với Trump 2.0
▶︎ Click vào “screenshot: Song ngữ Anh-Việt” phía dưới. ⬇︎

Screenshot: Song ngữ Anh-Việt

Chú thích

  1. Hội nghị thượng đỉnh NATO (NATO summit) tại Washington diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/7/2024. — Ghi chú của người dịch

2 Comments

  1. Duke Vuong

    Cảm ơn anh Tin đã gửi một bài chuyển dich từ
    anh ngu thật sát nghĩa và rất hay.

    • editor

      Rất vui khi biết anh Duke… vui sau khi đọc bản dịch. -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *