Trần Thi
Vào những năm đầu tiên của thời hậu “giải phóng,” khoảng 1979-80, khi chiến trường Tây Nam với Kampuchea lên cao điểm và quân Trung Cộng tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam, thì giới trai tráng trong Nam như lên cơn sốt.
Trong miền Nam, được “vinh hạnh trúng tuyển” nghĩa vụ quân sự, có muốn hay không thì cũng bị đẩy sang Kampuchea để “giải phóng” nước bạn, hoặc để chết như “bộ đội cách mạng” cuồng nhiệt muốn lấy thân mình “lấp lỗ châu mai” để xây dựng thành trì xã hội chủ nghĩa.
Còn từ phương Bắc, thì mối họa truyền kiếp “bá quyền sô vanh nước lớn (chauvinism)” thuộc nhà Đại Hán và người anh em cộng sản Việt Nam “môi hở răng lạnh” “núi liền núi, sông liền sông” đang xâu xé tàn sát lẫn nhau.
Bên nào thắng thì người dân Việt Nam cũng đều chết dở, sống dở!
Trong bối cảnh đó, Hùng tình cờ gặp lại người bạn cũ của ông anh của Hùng. Anh tên Kha, tốt nghiệp Cao học Sử, Đại học Sàigòn, đi dạy học, rất hiền lành, không uống rượu, không hút thuốc. Hùng đã nghĩ, hiền lành như anh Kha thì trong thời buổi nhiễu nhương này chỉ có là bị nghiền nát.
Gặp lại, thì mới biết anh Kha đã bỏ ngang không còn đi dạy học nữa. Làm giáo viên có “hộ khẩu” để được ở thành phố và không bị đầy đi “kinh tế mới” còn là ước mơ của nhiều người khác.
Nhưng anh Kha đã bỏ dạy và đi đạp xích lô để kiếm sống. Vì như anh từ tốn cho biết anh không thể “đứng lớp” giảng cho học sinh nghe những điều mà chính anh cũng không tin là đúng. Biết như vậy, Hùng rất thán phục, và từ đó hay đến thăm anh Kha hơn.
Dù vậy, đến chơi với anh Kha nhiều lần, Hùng lại bắt đầu cảm thấy “khó chịu” vì thường thấy anh Kha hay ngồi thiền.
Nghĩ thầm trong bụng, giờ này “bọn nó” đem chùa chiền làm chỗ họp Đoàn, họp Thiếu nhi hết rồi. Còn tiếng loa của công an phường khóm nó át tiếng chuông chùa từ hồi nào, thì bây giờ còn lo tu tập cái gì nữa?
Một hôm đi vượt biên hụt, xuýt bị công an biên phòng bắt. Chạy thoát về nhà được, Hùng sang anh Kha định rủ đi uống cà phê.
Thì thấy “thầy” đang “xả thiền.”
Cũng vì nể phục anh Kha rất nhiều, nên Hùng chỉ nhẹ nhàng hỏi anh Kha ngày ngày tụng kinh, thắp hương để làm chi vậy?
Anh Kha: “Anh đang cố gắng tu tập để tâm có được chữ Bi.”
Hùng, đã bắt đầu hơi “nóng máy”:
“Giả sử có kẻ giặc cướp giết người bị truy nã và chạy đến anh Kha. Và vì lòng thương người, vì hai chữ từ bi, thì anh Kha phải chứa chấp, dung tha nó? Rồi sau đó, thoát cơn hoạn nạn, bọn này lại tiếp tục hại người, thì ‘Bi’ kiểu này chỉ có nước là… bi đát.”
Anh Kha vẫn từ tốn:
“Cho nên mình phải tu tập thêm để có Trí. Để phân biệt được đúng hay sai và rồi hành xử cho thích hợp.”
Thấy câu chuyện bắt đầu rẽ sang một hướng khác, Hùng nhẹ giọng lại, tò mò hỏi thêm:
“Khi cái Trí của anh Kha cho biết là cần phải triệt tiêu những thành phần cướp của giết người đó, thì anh có làm không? Vì thứ nhất là anh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng vì bị trả thù. Kế nữa là khi triệt tiêu các thành phần này, thì chính anh cũng đã vi phạm nguyên tắc ‘cấm sát sinh’ của Đạo Phật, thì đâu còn tu hành gì nữa?”
Cũng vẫn nhẹ nhàng, anh Kha nói:
“Đến lúc đó mình phải trau giồi thêm phần Dũng. Để có can đảm làm những gì mà Trí của mình nhận ra và can đảm chấp nhận hậu quả của việc mình phải làm, và có khi phải mất mạng của mình nữa.”
Mẩu đối thoại ngắn này đã làm Hùng phải suy nghĩ nhiều. Rồi sau đó vì phải lo vượt biên, Hùng cũng ít dịp đến thăm anh Kha.
Nhưng Hùng cũng biết là có lần lo được cho người em trai của anh có chỗ để lên tàu vượt biên, anh Kha đã đem chỗ đó nhường cho một người quen của anh bạn, mới trốn trại “học tập cải tạo,” để đi trước và cũng không phải mất tiền.
Tò mò hỏi, thì anh Kha chỉ nói người em trai của anh, đang trốn nghĩa vụ quân sự, có bị bắt thì tệ lắm cũng chỉ bị tù, còn anh bạn trốn trại đó mà bị bắt lại thì có khi bị mất mạng. Cho nên anh ấy cần được đi trước.
Rồi Hùng may mắn vượt thoát được. Sau này, cũng được tin là chuyến tàu vượt biên của anh Kha đã bị mất tích.
Mấy mươi năm sau, Hùng vẫn nhớ mãi câu truyện của anh Kha. Một câu truyện hẳn cũng có thể được xếp vào loại Chuyện Tu Hành.
Trần Thi – Ngày 02/12/2016
Anh Kha trong câu chuyện có lẽ là một người theo đạo Khổng hơn là đạo Phật. Theo thiển ý của mình thì đạo Chúa lấy từ bi là phương cách, đạo Phật dạy cách giải thoát (trong khuôn khổ cá nhân), đạo Khổng dạy một số đức hạnh để một người trở thành (lãnh đạo) hữu ích cho xã hội . Ðạo Khổng chú trọng đến sự an lạc của xã hội, đạo Phật chú trọng đến trí tuệ giải thoát, và đạo Chúa chú trọng đến niềm tin vào Ðấng Sáng Tạo và Ðấng Cứu Thế.
Về phương diện tôn giáo, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ và kính phục những ai thực sự sống theo đúng với niềm tin của họ và thể hiện bằng chính hành động thay vì chỉ là rao giảng hay phán truyền.
Thời trước 75, sau khi đọc quyển Chúa Đã Khước Từ của dịch giả Lê Khắc Cầm, nguyên tác The Martyred của Richard E. Kim, tôi rất khâm phục những vị thực sự dám sống và chết cho niềm tin của họ.
Dĩ nhiên, điều ghi trên không áp dụng cho những kẻ mê muội và cuồng tín của bất cứ tôn giáo nào, điển hình là những jihads.
Ở đây, tôi có suy nghĩ khác với anh Lân về việc xem đạo Khổng là một tôn giáo. Theo http://www.britannica.com, Confucianism (Khổng giáo) là một thế giới quan, một đạo đức xã hội, một ý thức hệ chính trị, một truyền thống học thuật và một lối sống… (Confucianism, a Western term that has no counterpart in Chinese, is a worldview, a social ethic, a political ideology, a scholarly tradition, and a way of life…)
Cũng theo http://www.britannica.com, mặc dù vẫn thường được xếp chung với những tôn giáo lớn trong lịch sử, Khổng giáo khác các tôn giáo khác ở chỗ không là một tôn giáo có tổ chức. (Although often grouped with the major historical religions, Confucianism differs from them by not being an organized religion.)
Cũng hơi lạm bàn về hai chữ tôn giáo, nếu nhìn theo cấu trúc của một tôn giáo, theo đó tôn giáo có: Giáo chủ, Kinh (Bible), giáo điều, niềm tin, tín đồ, các vị Thánh…, thì mặc dù vẫn bài bác và triệt để triệt hạ các tôn giáo khác, chính Cộng Sản lại là một thứ tôn giáo mới, xét theo phương diện tổ chức của một tôn giáo.
Cám ơn anh Lân với những “thought provoking” comments. ❤-TTTín
Cái rốt ráo của Đạo Phật là không còn luân hồi nữa.
Khì nào còn trong tam giới là còn luân hồi. Mình có đi đến cảnh giới nào đi nữa mà cảnh giới đó còn năm trong dục giới, sắc giới hoặc vô sắc giới thì khi hết tuổi thọ trong cảnh giới đó mình phải rớt lại ( trở về đơn vị gốc) là cõi dục giới, trong cõi này có cao thấp là tùy theo nghiệp.
Đức Phật nói trong kinh Tứ Niệm Xứ đây là con đường độc nhất dẫn đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, đoạn tận khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn. Ðó là bốn niệm xứ. Quán Thân Thọ Tâm Pháp v.v…
Kha lờ quờ này chỉ cần trả lời Hùng 3 búa là hiện tại ở đây không có ai cướp của giết người chạy trốn cả hãy chánh niệm.
(y chang như lời sau cùng của Đức Phật, tất cả các pháp hũu vi đều vô thường, các con hãy giử chánh niệm)
Cám ơn cư sĩ Rong Chơi Bốn Mùa đã góp ý kiến.
Người Việt có câu nói rất trác tuyệt: Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Tức là biết vậy.
Nhưng khổ một điều là khi rơi vào tình trạng “nửa biết, nửa không” thì không hiểu sẽ được xếp vào “phạm trù” nào.
Suy ngẫm những điều cư sĩ Rong Chơi Bốn Mùa commented, thấy có chỗ “đọc đi” nghĩ là “biết”, nhưng “đọc lại” thì lại thấy “biết” theo chiều hướng khác. Có khi lại thấy 2 cái “biết” đó “chỏi” nhau và không “make sense” gì cả. Như đang rơi tự do vào vùng “twilight zone” của những tâm hồn … “Ai tỉnh ai điên” của ông Cung Tích Biền! 😃
Thành ra, đành phải tìm cách chống chế là: Bản thân còn hệ lụy nhiều vào Hai Mùa Mưa Nắng đối nghịch nhau ― như Thiên Đàng vs Địa Ngục. Mãi mà vẫn chưa sang được ngay cả vùng cận của… Ba Mùa! Thành ra Bốn Mùa vẫn chỉ là điều gì đó ngoài tầm với. Mà lại được thanh thản Rong Chơi Bốn Mùa thì đúng là một ước mơ, mà chắc tôi không thể nào đạt được trong… Hai Mùa Mưa Nắng! 😃
Xin cảm tạ cư sĩ đã từ Bốn Mùa Rong Chơi lại chịu khó thả bước quay lại Hai Mùa Mưa Nắng và có hảo ý chia sẻ một chút xíu huyền diệu của Rong Chơi Bốn Mùa. -TTTín