Ngày nay Internet còn được sử dụng như một thứ vũ khí để khống chế người dân. Trong lãnh vực này Bắc Kinh là bậc thầy. Tuy vậy, vẫn có những công ty của Hoa Kỳ muốn tuân phục sự độc quyền thông tin của Bắc Kinh, như được ghi nhận trong bài báo Google Is Handling the Future of the Internet to China đăng trên Foreignpolicy, ngày 10/9/18. Tác giả bài báo là bà Suzanne Nossel hiện là CEO của Hội Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America). Bà từng làm phó phụ tá (deputy assistant) Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong chính quyền của Tổng Thống Obama.
Trần Trung Tín chuyển ngữ
Tháng Năm vừa qua, Google đã lặng lẽ sửa đổi văn bản có ghi rõ nguyên tắc làm việc của công ty (corporate code of conduct), và họ đã xóa bỏ câu “Không làm kẻ ác độc” (Don’t be evil) – một khẩu hiệu nổi tiếng đã gắn liền với công ty này từ năm 2000. Quả là những phát giác đáng kinh ngạc khi được biết rằng các nền tảng (platforms) tạo thành mạng truyền thông xã hội và internet lại có thể gây ra những cản trở chính trị và những hình thái mới của chiến tranh mạng vô hình (stealthy cyberwarfare). Tuy nhiên, để tránh không làm chuyện ác độc tại Silicon Valley xem ra lại còn là một việc khó khăn hơn thế nữa. Trong một thế giới khi mà một tên khủng bố bên Twitter lại có thể là một chiến sĩ cho tự do của Facebook, thì để một quy trình luận lý (algorithm) lượng định được ý nghĩa của một phần nội dung nào đó để quyết định đem nó lên trên hoặc dìm xuống dưới có thể phải can dự đến những câu hỏi đau đầu về sự diễn dịch, có chủ ý (hay không) và bối cảnh văn hóa (cultural context) của phần nội dung đó.
Nhưng ở giữa tất cả những mù mờ về mặt đạo đức và những lãnh vực xa lạ trong việc vận hành một nền tảng internet mà nền tảng đó kiểm soát được những khu vực rộng lớn của các diễn đàn trên toàn cầu và gặt hái được những doanh thu tương xứng, thì vẫn có vài vấn đề nan giải lại dễ giải quyết hơn những vấn đề khó khăn khác. Đó là lý do tại sao sự tiết lộ các kế hoạch của Google để mở rộng một cách đáng kể vai trò vẫn còn nhỏ bé của họ trên thị trường Trung Hoa – thông qua việc Google có thể sẽ cho ra đời một bộ máy tìm kiếm có kiểm duyệt (censored search engine) được biết qua mã hiệu là Dragonfly (Con Chuồn Chuồn) — đã khơi động lên một sự náo loạn như vậy.
Những kế hoạch này bị tiết lộ qua các tài liệu đã bị lọt sang bên tờ báo Intercept. Tờ báo này báo cáo1 rằng các mẫu sản phẩm đầu tiên (prototypes) và các cuộc đàm phán với chính quyền Trung Hoa đã tiến xa, tạo được nền móng căn bản cho việc có thể bắt đầu sử dụng dịch vụ này sớm nhất là vào đầu năm 2019. Đến cuối tháng Tám, một nhóm các tổ chức hoạt động cho tự do diễn đạt (free expression) và nhân quyền đã gửi ra một lá thư chung công bố rằng việc ứng dụng một hệ tìm kiếm bằng chữ Hoa tiêu biểu cho “một sự đầu hàng đáng phải báo động của Google về nhân quyền.” Sáu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đứng đầu là Marco Rubio và Mark Warner, đã gửi thư2 tới CEO của Google là Sundar Pichai, đòi hỏi phải có trả lời cho một loạt những truy vấn về ý định của công ty.
Tuần trước, Hội Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) đã gửi một thư ngỏ3 cho các giám đốc điều hành Google nói rõ ra các vấn đề và những đối tượng cụ thể về nhân quyền, mà theo các quy tắc kiểm duyệt của Trung Hoa, sẽ bị đối đãi một cách áp bức và dối trá bởi bất kỳ một nền tảng thông tin (information platform) nào đang hoạt động trong quốc gia này. Các nhân viên của Google cũng lên tiếng: Hơn 1,400 người đã ký một lá thư gửi cho ban điều hành nói rằng dự án Trung Hoa “đưa đến những vấn đề khẩn cấp về luân lý và đạo đức” và họ đòi hỏi phải có thêm nhiều minh bạch trước khi thực hiện bất kỳ kế hoạch nào.
Khi chứng tỏ được rằng một công ty dù hùng mạnh như Google cũng không thể chống lại được sự quyến rũ của thị trường Trung Hoa, mặc dù với các điều kiện khó khăn để gia nhập, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh chiến dịch vận động của họ để tạo lập lại sự quản trị internet toàn cầu theo các điều kiện của họ. Khái niệm thiên đường (utopia) của một mạng lưới internet kết hợp mọi người ngang qua biên giới quốc gia, nuôi dưỡng sự tự do lưu chuyển thông tin, và cho phép sự thật và lẽ phải để chiến thắng đã bị tấn công nhiều mặt. Sự tương nhượng (trade-off), cho đến nay, chỉ là chuyện các quốc gia hay đặt vấn đề về việc kiểm soát internet đã bị mất đi sự truy cập vào những dịch vụ trực tuyến mạnh mẽ và sáng tạo nhất của thế giới để nhường lại đặc ân đó cho các nhà cung cấp địa phương (tại Trung Hoa).
Nếu Google sẵn sàng cộng tác với Trung Hoa, thì các chính quyền ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập và các nơi khác sẽ có thêm nhiều lý do để củng cố các biện pháp riêng của họ nhằm kiểm soát nội dung và ý kiến. Ở vào thời điểm khi mà ngay cả tổng thống Hoa Kỳ cũng tấn công Google và các nền tảng khác về việc thiên vị và gian lận, thì việc Google gửi ra tín hiệu sẵn lòng cúi đầu trước một chính quyền không tôn trọng luật pháp sẽ nói lên một sự thụt lùi nghiêm trọng cho các quyền của người công dân được tận dụng công nghệ kỹ thuật số (digital technology) như là một công cụ đem lại sức mạnh cho họ.
***
Google không lạ gì với thị trường Trung Hoa hay với những vấn đề nan giải về mặt luân lý tại thị trường này. Vào năm 2000, khởi đầu Google cung cấp bộ máy tìm kiếm với phiên bản tiếng Hoa. Tuy vậy, sự thể có lúc bị ngăn chận và chậm lại do bị sàng lọc khi đi qua Bức Tường Lửa Vĩ Đại của Trung Hoa (China’s Great Firewall) đã làm dịch vụ này trở nên khó khăn và không đáng tin cậy trên lục địa Trung Hoa. Vào năm 2006, Google đã bắt đầu cho Google.cn hoạt động tại Trung Hoa, và đồng ý ngăn chặn một số trang web để đổi lại việc nhận được giấy phép hoạt động. Công ty Google hứa sẽ cho người dùng tại lục địa Trung Hoa được biết khi nào thì các kết quả tìm được bị giữ lại và tránh cung cấp các dịch vụ đòi hỏi phải lưu trữ vào trong các máy chủ của Trung Hoa các dữ liệu riêng tư của người dùng. Cùng lúc đó, các dịch vụ internet bản xứ của Trung Hoa như Baidu và Tencent bắt đầu mạnh lên. Các giới hữu quyền Trung Hoa đã trâng tráo tận dụng các dịch vụ trực tuyến của Tây phương để theo dõi và truy tìm những người bất đồng chính kiến. Trong một sự việc khét tiếng xảy ra vào năm 2007, đã có tiết lộ cho biết Yahoo đem nộp thông tin riêng tư về hai ký giả theo yêu cầu của giới hữu trách Trung Hoa, đưa đến những án tù 10 năm cho hai nhà báo và một sự náo động toàn cầu trước cảnh tượng một công ty Hoa Kỳ phản bội người sử dụng sản phẩm của họ để chiều lòng một chế độ độc tài. Yahoo đã giải quyết vụ kiện với gia đình của hai ký giả này, thìết lập một quỹ 17 triệu Mỹ kim để hỗ trợ những người Trung Hoa bất đồng chính kiến, và phải đối diện với cuộc điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ mà trong đó Dân biểu Tom Lantos đã khiển trách nặng nề, “Trong khi về mặt kỹ nghệ và tài chánh, quý vị là những ông khổng lồ, thì về mặt luân lý, quý vị là những chú lùn.4”
Không phải chỉ có riêng Yahoo. Vào năm 2008, nhà học giả và hoạt động về nhân quyền của Trung Hoa tên Guo Quan đã dọa kiện Yahoo và Google về việc đã loại bỏ tên của ông ra khỏi kết quả tìm kiếm bên trong Trung Hoa. Ông viết trong một thư ngỏ5: “Để kiếm tiền, Google đã trở thành một con chó nô lệ cho Bắc Kinh vẫy đuôi ngay gót chân của những người Cộng sản Trung Hoa.” Ông Quan đã bị tù 10 năm từ 2009. Cùng năm đó, với cáo buộc là Google đã không ngăn chặn đúng mức các nội dung khiêu dâm, chính quyền Trung Hoa đã phạt Google bằng cách giới hạn tầm hoạt động của công ty này và làm lợi cho đối thủ hàng đầu của Google tại địa phương là công ty Baidu.
Tháng Giêng năm 2010, Google đã đưa ra một bản văn6 tuyên bố rằng họ sẽ ngưng kiểm duyệt các kết quả tìm được bằng tiếng Hoa và chuẩn bị rút ra khỏi thị trường. Google thông báo rằng dịch vụ đó đã là mục tiêu của các cuộc tấn công nhằm để xâm nhập (hacking) các trương mục Gmail của các nhà bảo vệ nhân quyền người Trung Hoa và những người ủng hộ họ trên khắp thế giới. Bản công bố của công ty đã phản ảnh nguyện vọng và đường hướng của Google tại Trung Hoa, cho biết họ đã bước vào đất nước này “với niềm tin là việc gia tăng sự truy cập (access) thông tin cho mọi người ở Trung Hoa và một hệ thống Internet cởi mở hơn sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn so với sự khó chịu của chúng tôi khi đồng ý kiểm duyệt một số kết quả.” Bản văn này tiếp tục nói rằng bốn năm sau, trước sự liên tục tấn công và theo dõi, “cộng thêm với những nỗ lực trong năm qua để hạn chế thêm nữa tự do ngôn luận trên mạng … chúng tôi không còn muốn tiếp tục kiểm duyệt kết quả tìm được của chúng tôi trên Google.cn. … Chúng tôi biết rằng điều này đồng nghĩa với việc phải đóng cửa Google.cn, và có thể là cả các văn phòng tại Trung Hoa.” Sau những cố gắng thương lượng để ở lại Trung Hoa bằng cách chuyển hướng lưu lượng truy cập tại địa phương sang qua trang mạng của Google đặt tại Hồng Kông bị thất bại, Google đã thực sự rút ra khỏi thị trường Trung Hoa vào cuối năm đó, chỉ duy trì sự hiện diện tượng trưng và một ít nhân viên.
Không phải là điều khó hiểu về việc tại sao các ông chủ công ty Google lại trở nên tiếc nuối thị trường Trung Hoa. Theo báo cáo tháng Chín năm 2017 của công ty tư vấn Boston Consulting Group, với hơn 700 triệu người dùng (gần như bằng cả hai thị trường lớn nhất – Ấn Độ và Hoa Kỳ – cộng lại) và gần 100 tỷ Mỹ kim doanh thu, Trung Hoa đã trở thành thị trường internet lớn nhất thế giới tính theo nhiều con số đo lường, và chỉ đứng sau Hoa Kỳ ở phần chi tiêu trực tuyến (online spending). Hướng đi lên trong tương lai gần như vô hạn định. Với con số rất lớn và đang đi lên của khối dân số lưu động tại nông thôn, tốc độ tăng trưởng trong việc dùng internet tại Trung Hoa vượt xa bất kỳ thị trường nào khác, trong khi tỷ lệ thâm nhập vào mạng internet (internet penetration rates) vẫn còn kém xa so với các nước G-20 khác. Đứng ngay phía sau các công ty khổng lồ của Hoa Kỳ là Google, Amazon và Facebook, thì năm trong số 10 công ty internet lớn nhất thế giới là của Trung Hoa, bao gồm Tencent, Alibaba và Baidu. Trung Hoa cũng còn là nhà của khoảng từ 29 đến 40 phần trăm các công ty được xếp vào loại “unicorns” (“kỳ lân”) của thế giới – được định nghĩa là công ty khởi nghiệp tư nhân (start-ups) có trị giá hơn 1 tỷ Mỹ kim. Để cho công ty đứng đầu trên toàn cầu bị chận lại bên ngoài một thị trường ngày càng trở nên thiết yếu và năng động, thì điều này có thể gây ra những rủi ro dài hạn cho thương nghiệp của Google.
Tính theo những số đo đó, sẽ không ngạc nhiên khi thấy ban quản trị của Google vẫn tiếp tục tìm cách để trở lại Trung Hoa. Trong một thời gian dài, các CEO và chính trị gia Tây phương đã thuyết giảng quan điểm cho rằng việc phát triển sâu rộng quan hệ thương mại và văn hóa giữa Trung Hoa và phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ làm cho sự siết chặt của Bắc Kinh ở mặt tự do chính trị và tự do ngôn luận bị nứt rạn. Lý thuyết này đã tùy tiện cả quyết rằng ngay cả nếu, trong ngắn hạn, các công ty như Google buộc phải vứt bỏ các giá trị mẫu mực của công ty để tham gia vào thị trường, thì theo thời gian sự hy sinh đó có thể biện minh được vì sự hiện diện của họ ở Trung Hoa sẽ dần dà tạo ra được sự nới lỏng các ràng buộc đó. Năm 2005, vào cuối chuyến viếng thăm Trung Hoa, Thủ tướng Anh lúc đó là Tony Blair đã lộng ngôn (gushed) cho rằng “ở một đất nước đang phát triển rất nhanh, nơi mà 100 triệu người hiện đang sử dụng internet, và đó sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới … có một động lực không thể ngưng lại được đang hướng tới sự tự do chính trị rộng lớn hơn.”
Blair đã sai lầm chết người. Bất cứ động lực ngắn hạn nào có lần đã hiện diện đều dần dần bị chết đứng trong năm 2013 với sự đang lên của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã mở ra một thời kỳ thắt chặt, củng cố sự đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí, bất đồng chính kiến, quyền biểu tình và các quyền tự do dân sự khác. Tiền đề cho rằng sự tương nhượng (trade-offs) ngắn hạn của các công ty Tây phương để đóng góp vào sự tự do hóa theo một khuynh hướng tất yếu trong dài hạn là một tiền đề có thể là hợp lý khi Google và những công ty khác mới bước vào Trung Hoa ở đầu thập niên 2000s. Nhưng đó không phải là chuyện bây giờ. Như được ghi nhận trong bản báo cáo tháng Ba 7 của Hội Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America), có tiêu đề “Những Nguồn Cung Cấp Tin Bị Cấm: Chính quyền Kiểm soát Truyền thông Xã hội tại Trung Hoa” (“Forbidden Feeds: Government Controls on Social Media in China”), chung quanh khu vực internet đang phát triển của Trung Hoa đã có dựng lên bức tường vây bọc để ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài. Bắc Kinh đã tạo ra những luật lệ và các mô thức (paradigms) hoạt động rất thủ cựu, được cứng rắn thi hành, gần như được triệt để tuân phục và hiếm khi bị thách thức. Người Trung Hoa đang liên tục thực hiện các phương pháp kỹ thuật mới để theo dõi và truy lùng, cũng như ban hành các luật mới nhằm khóa miệng các băng tần truyền hình bất đồng chính kiến và vô hiệu hóa những phương pháp tránh né.
Phúc trình của PEN America ghi: “Những ai dám thử thách các giới hạn kiểm duyệt trực tuyến của Trung Hoa có thể đối diện với sự đe dọa, mất việc làm, bị phạt tù nhiều năm, hoặc thấy mình bị buộc phải sống lưu đày. … Bản chất mơ hồ và rộng lớn của các luật kiểm duyệt của Trung Hoa có nghĩa là ‘lằn ranh đỏ’ về việc đăng tải hoặc trò chuyện trên truyền thông xã hội sẽ được vẽ đi vẽ lại liên tục, và đối với những tác giả và các bloggers tham dự vào hoạt động xã hội muốn tiếng nói của họ được nghe qua phương tiện trực tuyến thì phải đối diện với những chọn lựa khó khăn: phải chấp nhận may rủi khi tự do phát biểu, tự kiểm duyệt, hoặc rút lui khỏi cuộc đối thoại hay phải rời khỏi đất nước.”
Đối với các công ty truyền thông tại Trung Hoa, không có chuyện tự do chao đảo vượt ra ngoài mạng lịnh của chính quyền. Phúc trình còn ghi thêm: “Hệ thống pháp lý của Trung Hoa cưỡng bức các công ty truyền thông xã hội trong nước phải là những thành phần tham gia tích cực trong việc giám sát và kiểm duyệt người dùng sản phẩm của họ. Các công ty Trung Hoa không có chọn lựa nào khác hơn là phải hoạt động cho phù hợp với đòi hỏi của chính quyền. Trong khuôn khổ kiểm duyệt hiện có, đơn giản là không có cách nào để các công ty truyền thông xã hội nước ngoài hoạt động ở Trung Hoa mà không trở thành đối tác tích cực trong nỗ lực của chính phủ nhằm bịt miệng những người bất đồng thông qua kiểm duyệt, theo dõi hàng loạt (mass surveillance) và đưa ra những truy tố về tội hình sự.”
Phương cách của Trung Hoa đặt nền tảng trên một quan niệm triết lý rộng lớn về internet, đặt tiền đề trên một khái niệm về chủ quyền không gian mạng (cyber sovereignty), một lối nhìn “bác bỏ quan niệm toàn cầu (universalism) của internet để ủng hộ ý tưởng cho rằng mỗi quốc gia có quyền định hình và kiểm soát internet trong vòng biên giới của chính nó.” Trung Hoa đang tích cực làm việc để xuất cảng khái niệm này sang các quốc gia độc tài khác và sang các diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để được các nơi đó chấp nhận. Mô thức này trực tiếp đối nghịch với ý tưởng về một internet mở rộng mà các nhà hoạt động cho quyền kỹ thuật số (digital rights activists), các tổ chức nhân quyền, các nhà lãnh đạo kỹ thuật, và ngay cả Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận. Tuy nhiên, vì đang thèm muốn tiến vào thị trường Trung Hoa, các CEO Tây phương đã bắt đầu nhũn nhặn trong các công bố của họ, khéo léo bỏ qua những khác biệt thiết yếu giữa một mạng internet mở rộng và một mạng internet bị chính quyền khống chế.
***
Trong bối cảnh này, các kế hoạch của Google về khát vọng muốn trở lại Trung Hoa bị lộ ra ngoài đã cho thấy nhiều bất ổn. Tờ báo Intercept đã báo cáo rằng tất cả các trang web bị chặn lại ở Trung Hoa, gồm luôn cả BBC và Wikipedia – sẽ không tìm được trên Google, kết quả tìm thấy sẽ được thay thế bằng một công bố không nhận trách nhiệm (disclaimer) ghi là “một số kết quả tìm được có thể bị bỏ đi theo luật định.” Những câu hỏi được xếp loại “truy vấn nhạy cảm” (“sensitive queries”) sẽ được cho vào “sổ bìa đen,” có nghĩa là mọi người, những chủ đề và hình ảnh bị chính quyền cấm đoán sẽ bị xóa bỏ không hiện diện dưới bất kỳ hình thức nào qua Google. Ngại rằng sẽ có những biện luận cho rằng, với ưu thế rất lớn của những công ty tại địa phương, vai trò của Google trên thị trường sẽ không đáng kể, cho nên các tài liệu bị lộ ra ngoài nói rõ rằng Google đang lập kế hoạch đối đầu với đầu máy tìm kiếm (search engine) của Trung Hoa đang chiếm ưu thế là Baidu. Trong khi đầu máy tìm kiếm của Microsoft mang tên Bing đã hoạt động tại Trung Hoa trong nhiều năm mà không thu hút sự chỉ trích đáng kể nào, nó chiếm được một phần nhỏ hơn của thị trường Trung Hoa – chỉ 1.27% – so với Google, tám năm sau khi đóng cửa trên lục địa Trung Hoa. Google không phải là một tay chơi ở bất cứ nơi nào, và cũng không có ý định sẽ trở thành một ở Trung Hoa.
Những vấn đề nan giải về đạo đức gây ra bởi các kế hoạch của Google rất là sâu rộng. Đối với những cá nhân người Trung Hoa mà vì lý do nào đó lại làm ngược lại với chính quyền, thì với viễn ảnh họ bị xóa tên không còn tồn tại trên Google sẽ là một ấn bản vô nhân đạo phiên bản mới của việc bị công bố là không có quốc tịch trong thế giới kỹ thuật số, hoặc bị xem là người không được công nhận (persona non grata) hay nói một cách khác là không xứng đáng được quyền rất đơn giản là được hiện hữu ở nơi quốc gia đang sống. Đối với những người bình thường sử dụng các dịch vụ của Google, chính quyền Trung Hoa sẽ có quyền tuyệt đối để vào bên trong các máy chủ của Google để truy tìm những dữ liệu cá nhân của người dùng — chẳng hạn như tìm xem trước đó họ đã vào Google để tìm kiếm những tin tức gì (search history). Một phụ lục cho báo cáo của PEN America ghi lại các trường hợp của 80 công dân Trung Hoa đã bị là đối tượng, bị giam giữ, hoặc bị truy tố vì những đăng tải trực tuyến. Danh sách này gồm những người như nhà văn Wu Yangwei, đã bị giam giữ và bị trần truồng khám xét sau khi quảng bá một phản đối tự do báo chí trực tuyến; người phụ nữ hoạt động nhân quyền Su Changlan, đã bị kết tội “chống phá chính quyền” (subversion) vì đăng các bài báo và bình luận ủng hộ các cuộc biểu tình mang dù của Hồng Kông (Hong Kong’s Umbrella); và blogger Duan Xiaowen, đã bị bỏ tù và tra tấn vì viết blog về sự tham nhũng của chính quyền. Một thí dụ nổi bật khác về nhà bất đồng chính kiến trực tuyến là việc người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2010, Liu Xiaobo, đã mất vì ung thư gan vào năm ngoái trong khi thụ án 11 năm tù một phần vì vai trò của ông trong việc soạn thảo bản kiến nghị trực tuyến “Charter 08” (Điều Khoản 08) về tự do và dân chủ. Triển vọng của việc Google giúp tạo dựng các vụ án nhắm vào những tiếng nói dũng cảm như vậy thật là kinh hoàng.
Đứng về mặt kỹ thuật, những công bố của Google về việc không nhận trách nhiệm và những thỏa thuận sử dụng, có thể đặt người sử dụng Google trong tình trạng báo động là những gì mà họ muốn tìm qua Google (và, có khả năng là, những emails, bản văn và tài liệu tùy thuộc vào phạm vi dịch vụ mà Google cung cấp) tất cả đều dễ dàng nằm trong tầm tay của chính quyền. Tuy nhiên, với cách hoạt động như trên, mô hình kinh doanh của Google, vốn tùy thuộc vào sự tự do luân lưu của thám hiểm và khám phá, đã hoàn toàn đối chọi với sự cực kỳ thận trọng bắt buộc phải có để tránh gây ra sự soi mói của chính quyền. Khi người dùng bị bắt và bị truy tố vì đã truyền bá những ý tưởng bất đồng qua những giao tiếp cá nhân trên Google, thì công ty này đang đóng vai trò của một nhà thầu chuyên cung cấp những bằng chứng thiết yếu để kết tội người dùng.
Việc Google tuân theo các chỉ thị kiểm duyệt của Trung Hoa cũng sẽ có một tác động méo mó, không thể tránh khỏi trên những diễn đàn trực tuyến trong một quốc gia đông dân nhất thế giới, sẽ làm khuất lấp sự thật, sẽ thực hiện những điều được chính quyền chính thức bảo trợ, phủ nhận lịch sử và đẩy mạnh sự đàn áp các nhóm bị bức hại. Có những ước tính cho thấy hàng năm, các cơ quan của chính quyền Trung Hoa đã đưa ra hàng ngàn chỉ thị kiểm duyệt riêng biệt, bắt buộc tất cả các công ty phải tuân thủ các chỉ thị kiểm duyệt này và đặt họ dưới sự đe dọa sẽ bị trừng phạt nặng nề hoặc bị đóng cửa vĩnh viễn. Bàn luận về các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, sự độc lập của Đài Loan, và các quyền của người Tây Tạng đều bị cấm ngặt, và những ai vi phạm những nghiêm ngặt này phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc. Ngoài ba chủ đề đứng đầu tối kỵ này, Google có thể bị bắt buộc phải từ chối không cung cấp cho người dùng những thông tin quan trọng về các mối đe dọa về sức khỏe và an toàn một khi thông tin đó tạo ra một ánh sáng tiêu cực chiếu lên nhà nước, kể cả những việc như chích ngừa, ô nhiễm và kiểm soát bệnh tật.
Những người sử dụng Google để tìm kiếm thông tin về những vi phạm nhân quyền, bao gồm luôn cả việc bắt giữ hàng trăm nghìn người dân tộc thiểu số lan rộng ra ở vùng Tân Cương của Trung Hoa – sẽ chỉ tìm thấy những bảng phúc trình đã được cạo sửa nói về các chiến dịch chống nhũng lạm của chính quyền. Các bài báo hoặc bài viết đăng trên web đặt câu hỏi về việc Trung Hoa thường xuyên sử dụng các lời thú tội bị cưỡng bách sẽ bị cấm chỉ, nhằm để giúp ngăn chặn những hành vi tàn bạo này để không bị giám sát. Các chủ đề khác mà chắc chắn sẽ vượt ra khỏi vùng bị hạn chế là những gì nói về quyền của các dân tộc thiểu số khác; sự ngược đãi và chết sớm của các tù nhân chính trị Trung Hoa; những buộc tội và phiên tòa vì lý do chính trị nhắm vào các nhà hoạt động, luật sư nhân quyền và các học giả độc lập; và những diễn dịch vượt ra ngoài phạm vi pháp lý (extrajudicial renderings) của công dân Trung Hoa và nước ngoài trên khắp Á châu. Ở nơi nào mà Google đã xác định thế đứng của họ như của một nhà vô địch của phong trào #MeToo, thì Google sẽ bị đòi hỏi kiểm duyệt phong trào đó và các phong trào liên hệ ở Trung Hoa, làm như thế Google đã không cho những người sống còn sau những vụ tấn công và lạm dụng tình dục có được một tiếng nói cực kỳ cần thiết.
Các giám đốc điều hành của Google đưa ra quan điểm cho rằng tất cả các nền tảng kỹ thuật số (digital platforms) phải tuân theo pháp luật tại địa phương ở các quốc gia mà họ hoạt động và làm như vậy thường phải gồm luôn việc áp đặt một số hình thức kiểm duyệt. Thí dụ như, tại Đức, việc chối bỏ không nhìn nhận có sự việc Đức Quốc Xã thủ tiêu nguời Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai (Holocaust) và các hình thức khác với các loại diễn vãn thù ghét đều bị nghiêm cấm, thí dụ như, với hình phạt nghiêm ngặt dành cho các nền tảng internet đã xao lảng việc loại bỏ nội dung xúc phạm đó. Các nền tảng internet là những thực thể được tạo ra để mưu tìm lợi nhuận chứ không phải là các tổ chức nhân quyền. Giống như mọi thương nghiệp khác, họ cân nhắc những sự việc có khi đối chọi nhau và những tình huống phải đương đầu, trong đó các tiêu chuẩn giá trị của công ty có khi va chạm với những tính toán về kinh doanh. Nhưng sau khi Google đã đi đến quyết định nổi tiếng là rút lui khỏi Trung Hoa nhiều năm trước đây vì vấn đề nguyên tắc để phản đối các chính sách xâm phạm và cưỡng chế của Trung Hoa, thì giờ đây việc Google chọn trở lại Trung Hoa sẽ mang lại một chiến thắng to lớn cho Bắc Kinh và cho chiến dịch vận động của họ nhằm thiết lập một chủ quyền không gian mạng trong một trật tư toàn cầu. Như vậy, đối với những người Trung Hoa dùng internet thích âm nhạc, thích theo dõi giới nổi tiếng (celebrity content), tìm công thức nấu ăn hoặc video, việc có một số nội dung nào đó bị loại bỏ vì đã vượt quá giới hạn được nghiêm ngặt quy định, thì điều đó cũng dễ được họ quên đi – hoặc ít khi được lưu ý ngay từ lúc đầu. Hàng chục triệu người Trung Hoa sử dụng internet rồi sẽ quen thuộc với một vũ trụ – mà trong đó không có sự hiện hữu của những bất đồng ý kiến, xung đột và khó chịu. Tối thiểu là, cho đến ngày nay, họ nhận ra rằng các hệ thống mà họ sử dụng là dùng toàn tiếng Hoa và họ nhận biết rằng bên ngoài biên giới của họ vẫn còn có sự hiện hữu của những hệ thống internet khác. Với một Google đang trở nên một thực thể mới tại Trung Hoa và hoạt động dưới sự chi phối của các điều kiện tương tự như đang áp dụng cho các dịch vụ địa phương hiện đang có, thì ngay cả khái niệm cho rằng có một hệ thống internet lớn rộng hơn, cởi mở lớn hơn nằm đâu đó ở bên ngoài rồi cũng sẽ tàn phai.
***
Tín hiệu gửi ra bởi một công ty internet lớn nhất thế giới cho thấy nó phải tuân theo những mệnh lệnh của Trung Hoa mà một thời nó đã xa lánh sẽ phê chuẩn và hợp thức hóa (legitimize) các luật lệ đàn áp của Bắc Kinh. Hơn thế nữa, ngay cả khi các giới chức của Google bằng cách nào đó cảm thấy thoải mái với những quy định nghiêm ngặt được áp đặt lên họ như là điều kiện để cho công ty được bắt đầu hoạt động lại tại Trung Hoa, thì những điều kiện chi phối sự hiện diện của công ty sẽ mãi mãi tùy thuộc vào sự tùy tiện của chính quyền Trung Hoa. Google đã mô tả quyết định rời Trung Hoa cách đây tám năm là “cực kỳ khó khăn.” Với một thị trường Trung Hoa đã nở rộ lên từ dạo đó, và với những gượng nhẹ để làm bớt đi sự phẫn nộ kèm theo việc Google có thể tái xuất hiện tại Trung Hoa, thì một sự rút lui lần thứ hai sẽ lại càng đau đớn hơn. Những thiệt thòi về mặt tài chính trong việc rút ra khỏi thị trường này sẽ khiến cho chính quyền Trung Hoa có trong tay một đòn bẩy có sức mạnh gần như vô giới hạn: Điều gì sẽ xảy ra nếu chính quyền này muốn chọn việc kiểm duyệt tất cả phần quan trọng nói về các chính sách của Trung Hoa hoặc của các đồng minh của họ? Hoặc cấm tất cả các mô tả thuận lợi cho Hoa Kỳ? Đã vượt qua những gì mà Google đã từng mô tả là “lằn ranh đỏ,” thì Google sẽ vô phương có thể thiết lập lại bất cứ lằn ranh mới nào.
Hơn nữa, một khi đòn bẩy gài vào Google đã được tái thiết lập, không dễ gì Bắc Kinh sẽ chỉ đưa ra những yêu sách có giới hạn chỉ bên trong nội địa của họ. Năm nay, Trung Hoa đòi hỏi các hãng hàng không toàn cầu bắt đầu liệt kê Đài Loan như là một phần của Trung Hoa, không chỉ là danh sách dùng bên trong lục địa, mà còn trên tất cả các trang web, danh sách giá vé và khuyến mãi trên toàn cầu. Hầu như tất cả các hãng máy bay đều lập tức tuân theo. Với sự phát triển của thị trường điện ảnh Trung Hoa, hiện nay các hãng phim Hollywood đã đưa những kiểm duyệt của Trung Hoa vào trong tiến trình sản xuất các phim hành động nhằm bảo đảm cho những lần cắt xén sau cùng – để phát hành trên toàn cầu – sẽ thoát được tập đoàn kiểm duyệt chuyên chăm lo cho phần hồn của nhà nước. Kết quả là các phim nhắm đến thành công lớn về mặt tài chánh (blockbusters) được viết và quay sao cho tránh không làm Bắc Kinh bị khó chịu. Sự gia tăng ảnh hưởng của các Viện Khổng Tử do chính quyền Trung Hoa tài trợ tại các đại học Hoa Kỳ đưa đến một kết quả như thể có một bàn tay kiểm duyệt trong bóng tối vẫn lảng vảng nơi các hội nghị học thuật và bên trong các khuôn viên đại học.
Một khi sự kinh doanh mới của Google tại Trung Hoa bắt đầu hoạt động lại, sẽ không có gì ngăn cản được Bắc Kinh trong việc tìm cách khống chế việc tham khảo liên quan (references) đến Đài Loan sẽ được giải quyết như thế nào, không phải chỉ ở các website bên trong Trung Hoa mà còn là trên toàn cầu. Trung Hoa còn có thể đòi hỏi phải tuân theo khuôn khổ của họ để giải quyết các cuộc biểu tình tại Đài Loan, Hồng Kông, hay bên trong đại lục hoặc chuyện gì xảy ra khi có người tìm kiếm tin tức về những người bất đồng chính kiến như Liu Xiaobo hoặc các chủ đề như nhân quyền. Trong khi các giám đốc điều hành Google có thể tin rằng khi ở bên ngoài biên giới của Trung Hoa, công ty của họ sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu cầu như vậy, nhưng chẳng có gì có thể bảo đảm được chuyện này. Nếu Bắc Kinh giữ được ưu thế và ép được Google phải tuân theo khuôn khổ của họ khi trình bày những gì mà Bắc Kinh xem là các chủ đề nhạy cảm trong suốt phần còn lại của thế giới, thì đúng là khi đó Trung Hoa sẽ tung ra một đòn chí tử đối với các nguyên tắc quốc tế về tự do ngôn luận và suy tưởng.
Khi đối diện với những nhân viên vẫn còn mù mờ trong cuộc họp vào giữa tháng Tám, Pichai, CEO của Google, khẳng định rằng những kế hoạch của công ty tại Trung Hoa vẫn còn lâu mới hoàn tất, ông ta nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều lựa chọn. Google đã không sai lầm khi vẫn để mắt đến Trung Hoa và xem xét mọi góc độ khi phân tích để xét xem liệu công ty có thể bước vào thị trường này mà không bị rơi vào tình trạng lợi bất cập hại. Tuy nhiên, với một kích thước, tầm nhìn và ảnh hưởng to lớn của công ty, Google hoàn toàn không thể xem thường những hậu quả xấu có thể xảy ra nếu nó quay lưng lại không phải là chỉ đối với các nhà tư tưởng độc lập ở Trung Hoa mà còn là với cả một hệ thống giá trị vốn đã là nền móng vững chắc cho một hệ thống internet mở rộng và ngay cho cả sự vươn lên của chính Google. Sự công hiệu của chủ nghĩa độc tài Trung Hoa – hiệu quả của nó trong việc đẩy mạnh sự tăng trưởng và làm giảm bớt sự nghèo đói, thành công của nó trong việc kết hợp chủ nghĩa tư bản thị trường với thiểu số nắm quyền trong Đảng Cộng sản, cùng khả năng mở cửa cho sự toàn cầu hóa trong khi vẫn khóa kín lại những ý tưởng họ không muốn thấy – có thể làm cho một số người đã tự hỏi trong vòng riêng tư là liệu có phải việc đề kháng chống lại sự đàn áp của Bắc Kinh chỉ là chuyện vô ích. Quả là một cám dỗ khi nghĩ đến chuyện gạt sang một bên những suy nghĩ về những người Trung Hoa bất đồng chính kiến, bị bao vây và cô lập, để thay vào đó bằng ước muốn phục vụ hàng triệu người trẻ Trung Hoa khác, đầy tham vọng, và đang nỗ lực, vốn là những người có đầy đủ mọi lý do để tránh đụng chạm đến các đường rầy chính trị thứ ba.
Trong bài diễn văn với nhân viên Google vào tháng trước, Pichai nói: “Trở lui lại một bước, tôi thực sự tin rằng chúng ta có tạo ra một tác động tích cực khi tham gia vào các hoạt động trên toàn thế giới, và tôi không thấy bất cứ lý do gì tại sao điều đó lại sẽ khác đi tại Trung Hoa.” Nhưng trong phần còn lại của thế giới, Google đã mang đến cho mọi người những công cụ mới có sức mạnh để tìm kiếm và khám phá thông tin. Còn ở Trung Hoa, các công cụ như vậy đã hiện hữu, đang hoạt động trong vòng bị giới hạn nghiêm ngặt của chính quyền. Tất cả những gì Google có thể đem đến cho Trung Hoa mà quả thực là mới lạ sẽ chỉ là một thứ môn bài (imprimatur) của một trong những thương hiệu mạnh nhất trên thế giới về một hệ thống kiểm duyệt và kiểm soát internet không ai có thể so sánh được – đó là một hệ thống đang xiết chặt, bành trướng và đại diện cho một đối trọng ghê gớm đối với các giá trị và nguyên tắc đã cho phép Google vươn lên và lớn mạnh ngay từ lúc đầu tiên.
Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 23/9/2018
Chú thích
- https://theintercept.com/2018/08/01/google-china-search-engine-censorship/
- https://www.scribd.com/document/385394775/08-03-2018-Letter-to-Mr-Pichai-Re-Censorship-in-China
- pen.org/open-letter-google-concerns-project-dragonfly/
- https://www.nytimes.com/2007/11/07/technology/07yahoo.html
- www.theregister.co.uk/2008/02/07/chinese_dissident_to_sue_google_and_yahoo/
- www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2010/01/12/AR2010011202903.html?noredirect=on
- pen.org/research-resources/forbidden-feeds/
Leave a Reply