Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Trật Đường Rầy

Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet, 

Rudyard Kipling (1865-1936)


3T

Ở trại tị nạn trên đảo của Indonesia tới tháng 11/1982, thì tui đi định cư. Thời đó, tui “lên kế hoạch” qua tới Mỹ là lo đi làm liền! Hồi lên máy bay, nghe pilot dặn dò đủ thứ. Ráng hết sức, tui mới nghe được có một câu duy nhứt: “Fasten your seat belts.” Tới khúc đó là thấy “kế hoạch” đi làm bị “trật đường rầy” mất tiêu rồi!

Bởi vậy, tới Mỹ phải tính lại. Lẹ lẹ lo kiếm đường đi học. Tuổi tui hồi đó cũng gần ba “bó” chớ ít ỏi gì. Ở Mỹ đụng thứ gì cũng tiếng Anh. Mà tiếng Anh của tui giỏi dữ lắm! Có hai lớp ESL (English as a Second Language)—cho dân lạng quạng tiếng Anh—thì thi xếp lớp, tui đậu lớp chót.

Đi học ESL, tui ngán nhứt là màn viết essays (luận văn). Nói dóc bằng tiếng Việt, chắc tui cũng thuộc hàng… cao thủ! Nhưng tới hồi viết, bứt tóc tới sói đầu mà kiếm hoài cũng không ra chữ. Còn qua tới tiếng Anh, thì thua đẹp!

Kỳ đó lớp tui học trúng ông professor là dân thứ thiệt. Có Ph. D. Anh văn, qua tuổi nghỉ hưu lâu rồi, nhưng ổng còn đi dạy vì khoái truyền nghề cho thiên hạ. “Sư phụ” này khó tánh số một về chuyện viết tiếng Anh cho trúng tần số.

Có lần ông professor cho lớp viết essay với đề tài: Kể lại truyện ngắn hay nhứt của xứ mình. Phải nộp cái outline (dàn bài) và sau khi ổng OK, thì mới được viết essay.

Nói tới truyện ngắn, Việt Nam mình thiếu chi truyện hay. Hồi mới qua, tui hăng dữ lắm, muốn đem cái hay, cái lạ của người Việt ra giới thiệu với người Mỹ. Cho nên tui tính kể lại truyện “Từ Thức về trần”1 hoặc “Giấc mộng kê vàng.”2

Ôm đầu nghĩ thêm chút xíu nữa là thấy tim đập bịch bịch. Hai truyện đó hay thì hay thiệt mà thâm thúy nữa. Nhưng chắc kiếp sau đầu thai thành Mỹ con và uống thêm thuốc liều, tui mới có gan viết mấy truyện như vậy bằng tiếng Anh.

Tính tới tính lui, thấy tiếng Anh thì nghèo mà tài viết thì bèo, thì phải lo kiếm mấy truyện thiệt đơn giản để viết. Có dở tệ, thì hồi đọc, chắc ông professor cũng hiểu được chút đỉnh. Như vậy mới mong qua được con trăng với lớp này.

Thời 1983, đâu có Google để mò lên đó kiếm truyện tiếng Việt. Nhưng hên thì thôi, tui nhớ ra truyện Tái Ông Thất Mã! Chánh gốc truyện này là của Tàu. Nhưng bị… “Việt Nam hóa” từ lâu đời rồi, nên tui có lấy ra xài chắc cũng hổng sao!

Để cho tên truyện nghe hổng giống là của Tàu, tui chế đại ra cái tên mới tinh: The old man, his son, and the mare.

Còn dàn bài truyện “Ông già, thằng con, và con ngựa cái” thì… thẳng như ruột ngựa:

  1. Có ông già, thằng con, và con ngựa cái sống ở bìa rừng. Trúng bữa mưa hung bão dữ giựt sập chuồng, làm con ngựa cái mất hồn chạy vô rừng mất tiêu.
  2. Chòm xóm tội giùm ông già gặp xui. Ông già nói phang ngang: Chưa chắc xui.
  3. Tới mấy ngày tiếp, vì không quen ở rừng, con ngựa cái kiếm đường về nhà. Còn dụ khị được thêm con ngựa đực theo về.
  4. Chòm xóm mừng cho ông già gặp hên. Ông già nói đâm hơi: Chưa chắc hên.
  5. Tới bữa có nắng, thằng con trai đem con ngựa rừng ra tập. Gặp thứ ngựa đực cứng đầu, nó quăng thằng con xuống đất té gẫy giò.
  6. Thời gian sau, nhà nước bắt “nghĩa vụ quân sự.” Đám thanh niên cỡ tuổi thằng con ông già bị “trúng tuyển” hết. Riêng thằng con ông già được tha.

Cầm cái dàn bài gọn bưng đem nộp, thấy chắc ăn như bắp. Ai dè, chưa tới năm phút sau, ông professor kêu lên, đưa trả lại. Trong cái outline, ổng ghi hai chữ đỏ chét bự tổ chảng “Why?” sau hai chỗ “Chưa chắc xui” và “Chưa chắc hên.”

Ngó lời phê của ông professor, tui bị “mất phê” liền. Gủy thần ôi, chuyện như dzậy thì nó phải dzậy. Còn ở hai khúc đó, cắc cớ chi mà hỏi lý do tại sao mà ông già ba tri đó hổng thấy là xui (hoặc hên), thì biết cắt nghĩa sao để nghe cho đặng?

Đem cái dàn bài lên hỏi lại là trật chi mà bị quăng ra, thì ông professor nói cái dàn bài này “makes no sense.” Khơi khơi viết “Chưa chắc xui/hên” mà rồi hổng có chỗ nào cho biết lý do tại sao “Chưa chắc xui/hên” thì thiệt là “nonsense!”

Trời đất! Uống nước máy xứ Mỹ chưa đủ mười hai tháng, thì tui biết nói chi cho ông professor Mỹ—có nguyên một bụng tiếng Anh—này ổng biết là mấy truyện của Việt Nam mình thì phải “bí hiểm” như dzậy mới “câu” được độc giả chớ!

Xách cái outline về lại chỗ ngồi, rầu thúi ruột. Thấy “trật đường rầy” nữa rồi! Kiểu này ngó bộ là thua trước giờ xổ số!

Đi học, phải lấy tới mấy lớp mới đủ 12 units để là full time student thì mới xin được “viện trợ tài chánh” (financial aid). Điểm cũng phải là từ hạng C trở lên (A là nhứt, F là chót). Còn mà bị dưới điểm C, thì qua năm sau, viện trợ bị cắt. Khỏi làm đơn khiếu nại chi cho mất công.

Tối ngày cắm đầu lo viết essays, tốn giờ khủng khiếp. Mà viết không được và còn không có giờ học môn khác nữa là sẽ tới màn … hết cơn bĩ cực, tới thời chết luôn!

Ngó tới, ngó lui, thấy hổng còn giờ, tui—tỉnh bơ như người Hà Nội—chơi cái màn tình Vờ. Coi như ông professor đã ưng cái dàn bài. Và… Cứ thế mà triển khai!

Phần chi tiết câu truyện, tui viết y chang theo dàn bài. Nhưng để hổng bị ông professor quăng bài ra như kỳ trước vì “makes no sense,” kỳ này tui phải gồng mình, ráng họa thêm chút đỉnh “phụ đề” và “lời bàn,” đại khái như sau:

“Câu truyện trên có ý nói cái xui bữa nay có thể là hạt giống cho cái hên ngày mai. Mà cái hên ngày mai có thể là nguồn lực cho cái xui bữa mốt.”

“Nobody can predict the future. Thus, we just do what must be done today and let the future take care of itself.”

Biết là có “ảo ngôn” trong đó, nhưng làm dzậy là để cho ông professor dễ bắt mắt!

Tới bữa nộp bài, còn ngán là ông professor nhớ ra là ổng đâu có OK cái outline đó. Hồi đi lên bàn ổng, tui núp sau lưng mấy đứa trong lớp cho chắc ăn. Rủi xui bị nhớ mặt, bài bị quăng ra, lãnh con F là cái chắc. Thì coi như viết bài hổng được!

Ai dè, tuần sau nhận lại bài, mở ra coi, thấy ông professor phê hai chữ: “Wise story!” Và cho điểm tối đa. Khỏi nói, tui mừng hết lớn, còn hơn thằng con trai ông già nghe tin được tha “nghĩa vụ quân sự!” Hồi đó có ai cho tiền, tui cũng hổng ngu gì mà đem lên hỏi tại sao dàn bài bị quăng ra mà bài viết thì được khen Wise story!

Phải rán nín thở qua sông cho lẹ, nhưng cái tánh ưa thắc mắc nó làm tui bị lấn cấn hoài về chuyện cái outline và bài essay bị “trật đường rầy.”

Tới năm 1990, tui qua Nhựt đi làm. Có bữa ở trong sở, mấy bạn đồng nghiệp—toàn là người Nhựt—xì xào gì đó, rồi qua bàn tui ngồi, rủ cuối tuần đi thăm một chùa nhỏ ở ngoại ô Tokyo. Ngó bộ mấy bạn này muốn “surprised” tui chuyện chi.

Mà thiệt, tới nơi thấy ông sư trụ trì là người Việt. Hỏi ra mới biết, ông sư qua Nhựt du học năm 1965. Học hết đại học, ổng ở lại Nhựt, đi làm. Rồi cả chục năm sau mới xuống tóc đi tu. Cái chùa là của ông sư thầy giao lại.

Nghe ổng nói, khỏi hỏi tui cũng biết là dân “Bắc Kỳ chín nút (1954).” Ông sư tự giới thiệu tên là Tâm, và nói tui kêu ổng bằng anh cho thân tình.

Mấy bạn người Nhựt cũng biết điệu lắm. Họ xin phép đi thăm mấy chỗ khác gần đó, để hai người Việt xa xứ dễ tâm tình bằng tiếng Việt.

Thăm hỏi một hồi rồi cũng hết chuyện nói. Bỗng khi không tui nhớ tới chuyện hồi còn đi học. Đem ra hỏi anh Tâm vụ “trật đường rầy” giữa outline và essay về “Ông già, thằng con, và con ngựa cái.”

Nghe xong tự sự, anh Tâm suy nghĩ một chặp, rồi từ từ nhỏ nhẹ:

“Tây phương rất duy lý. Họ ít tin vào cảm nhận vì cảm nhận thường bị cảm tính phù động chi phối. Khi gặp một điều không lý giải được, họ dễ xem điều đó là ‘nonsense.’ Như trong toán, chỉ sai một chỗ là sai toàn bộ; tương tự, trong câu truyện, khi một sự việc chính yếu bị đánh giá là ‘nonsense’ thì toàn bộ câu truyện ‘makes no sense.'”

“Đông phương thì hơi khác. Khi gặp phải sự việc không lý giải được, họ gắng không để bị hoàn toàn bế tắc ở chỗ không lý giải được đó. Mà vẫn tiếp tục lắng nghe, quan sát và ghi nhận diễn tiến của mọi sự liên hệ. Nhờ vậy, mới có thể ‘thấy’ ra được ‘cái toàn thể.’ Rồi khi ‘Thông’ được cái ‘Chung,’ thì cũng là lúc ‘Đạt’ được mọi cái ‘Riêng.'” 

“Như vị professor nọ, khi Thông được toàn bộ sự vụ, thì ông cũng tự động Đạt được mọi lý giải minh bạch về những gì mà trước đó ông thấy là ‘nonsense.’

“Ở trường hợp này, cái khung duy lý của Tây phương không còn có khả năng độc quyền ‘quản chế’ được sự suy nghĩ và cảm nhận của vị professor đó.” 

Sau lời giải thích, anh Tâm còn mỉm cười ghẹo tui bằng “tiếng Nam” rặc:

“Đâu có trật đường ‘gầy.’ Hai bên chạy trên hai đường ‘gầy’ khác nhau mờ!”

Nghe anh Tâm nói, tui thấy nhẹ mình. Khúc “trật đường rầy” ác đạn này chận ngang cổ họng tui từ hồi nào tới giờ, nay mới được gỡ bỏ. Tui hết lời cám ơn anh Tâm đã “đả thông kinh mạch” cho tui.

Trời ngả chiều, mấy anh bạn người Nhựt quay trở lại. Tui cám ơn mấy bạn đó đã dẫn lên thăm chùa, và gặp sư. Rồi cả đám cúi đầu chào và cám ơn sư Tâm đã bỏ giờ ra tiếp khách thập phương. Đi lẹ ra ga, bọn tui leo lên xe điện về lại Tokyo.

Tự bữa đó tới nay, lời giảng giải rành rẽ của sư Tâm về chuyện “trật đường rầy” vẫn là bài học quý giá biết mấy cho tui trong cách nhìn đời.

3T – Ngày 01 tháng 6, 2021


Mời Đọc Thêm:

Chú Thích:

  1. Từ Thức: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AB_Th%E1%BB%A9c – Nhà văn Mỹ, Washington Irving (1783–1859), cũng viết một truyện ngắn có không khí “thất lạc trong cõi trần gian.” Truyện ngắn này mang tên Rip Van Winkle https://americanliterature.com/author/washington-irving/short-story/rip-van-winkle
  2. Truyện ngắn Giấc mộng kê vàng: https://thuvienhoasen.org/a33837/giac-mong-ke-vang.

    Hoặc theo một “ấn bản mới,” Chiều Tốc Độ, với những diễn giải rất “khoa học” 😊 https://gopnhatcatda.com/y-tim-loi/truyen-ngan/chieu-toc-do

2 Comments

  1. AD

    Cảm ơn anh 3T. Chỉ riêng câu chuyện Mã Tái Ông đã là câu chuyện hay rồi, truyện này kể lại sự khác biệt trong suy nghĩ Tây-Ta trên nên câu chuyện đó lại càng thú vị. Tưởng là “trật đường rầy”, mà Chưa chắc đã “trật đường rầy”.

    Professor hiểu được một phần là nhờ nhân vật “tui” đã giải thích được cái ý niệm “chung” của câu chuyện (mà tôi cho rằng nhiều người “Ta” cũng chưa thật sự hiểu).

    Lúc đọc tới hai câu này, tôi vừa tâm đắc lại vừa băn khoăn:
    “Câu chuyện trên có ý nói cái xui bữa nay có thể là hạt giống cho cái hên ngày mai. Mà cái hên ngày mai có thể là nguồn lực cho cái xui bữa mốt.”

    “Nobody can predict the future. Thus, we just do what must be done today and let the future take care of itself”

    Hai câu này rõ ràng không cùng phải là “phiên bản” dịch của nhau. Sau mới nhận ra, chúng không phải dịch word-by-word mà là cùng thông điệp, phiên bản Anh và Việt có thể có những “hơi thở” và “cá tính” trình bày khác nhau. Tưởng “Trật đường rầy”, nhưng là hai đường song sinh 😀

    • editor

      > Hai câu này rõ ràng không cùng phải là “phiên bản” dịch của nhau.

      Đúng vậy, hai câu này khác nhau và có hai mục đích riêng biệt.

      Cũng đúng như bạn AD nhận xét, câu tiếng Anh không phải là “phiên bản” dịch câu tiếng Việt. Trong bài essay đem nộp, câu tiếng Việt cũng được chuyển ngữ sang tiếng Anh, theo đúng ý nghĩa của câu.

      Câu tiếng Việt đó là nhằm “đúc kết” các “tình tiết” trong truyện để nói lên cái “moral of a story”, cái ý câu truyện muốn nói, theo quan điểm của người Việt.

      Còn câu tiếng Anh là nhằm để “giải thích” câu truyện theo… “phương pháp luận” (buzzword, huh!) 😀 kiểu Mỹ để cho ông professor khỏi phê là … nonsense, như trong lần làm dàn bài!

      Hồi đó mà ông professor xuống tay phê bài essay là “nonsense,” thì “3T” tui chỉ có nước thăng thiên độn thổ thành… “2 Lúa”!🙏

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *