3T

Hồi đầu tháng 8/2016 mới rồi, nghe tin tức nói chánh quyền Mỹ của ông Tổng Thống Obama trong năm sẽ cho vô Mỹ ít nhứt là 10,000 người Syria tị nạn.

Ngẫm nghĩ lòng vòng một hồi, cái thằng 3T tui nhớ lại hồi người Việt mình đi tị nạn cộng sản thời mấy chục năm dìa trước.

Hồi đó, cỡ khoảng sau 1981, ở trại tị nạn bên đảo Galang, Indonesia, trước khi đi định cư tại Mỹ, mọi người từ 18 tuổi trở lên đều bị bắt buộc theo học một lớp C.O. trong 3 tháng để học về mấy điều thường thức cần biết khi sanh sống tại Hoa Kỳ. Kêu là C.O. vì đó là viết tắt của hai chữ Cultural Orientation.

Trong lớp học C.O., thày cô là dân bản xứ người Indo và giảng dạy bằng tiếng Anh.

Hồi đó, cái thằng 3T tui cũng bày đặt bon chen làm volunteer phụ giáo (teacher aid) cho một lớp C.O. để dịch tiếng Anh qua tiếng Việt giúp cho bà con tị nạn mình.

Học viên tị nạn cũng bị thi xếp lớp. Còn 3T tui thì được xếp làm phụ giáo cho lớp toàn là người không biết tiếng Anh.  Mà anh thày người Indo chắc cũng mới tốt nghiệp.

Học viên trong lớp thì đa phần thấy toàn là dân gốc miệt vườn. Còn không thời cũng sống ở mấy làng xa tỉnh nhỏ, Rạch Dừa, Ấp Ông Trịnh, Cà Mau, Phan Rang. Hoặc ở mấy chỗ hóc bà tó, bên mấy cái xẻo, cái cồn gì đó. Nghe tới mấy cái tên là thấy điếc vì hổng biết đó là chỗ nào hết. Lớn tuổi thì đàn ông là dân lao động chưn tay. Mà tới mấy bà thời chữ nghĩa tiếng Việt chắc cũng hổng có mấy.

Ngày qua ngày, vô lớp thì mạng nào mạng nấy cũng gục lên, gục xuống. Ngáp gió. Mà không đi học lớp C.O. đầy đủ, thì khỏi đi định cư. Cho nên có ù ơ dzí dầu cỡ nào chăng nữa thì cũng phái ráng có mặt cho hết giờ học, rồi đi dìa. Thành ra có học được con khỉ, con tiều gì đâu.

Nhưng mà tới ngày học trúng bài Kế hoạch hóa gia đình (Family planning) thì đúng thiệt là nhớ đời.

Bữa đó, anh thày người Indo đứng trước lớp giảng tới mấy phương pháp “kế hoạch hóa gia đình” lận!

Trong đó có “phương pháp tự nhiên.” Cái này thời người bình dân mình ưa kêu là phương pháp… “mưa sa ngoài quan ải” đó!

Mèng đéc thánh thần ơi! Tội nghiệp mấy đứa con gái nhỏ nhỏ cỡ 18, 20 tuổi.  Nghe tới mấy thứ này thì sượng trân, mặt đỏ rần rần.

Mấy thằng đực rựa mới lớn thì khỏi nói! Tụi nó nhẩy lên nhẩy xuống in như ngựa tới hồi mắc chứng kinh phong.

Còn mấy ông mấy bà lớn lớn tuổi một chút thì coi bộ thấy cũng rành sáu câu mấy chuyện này.

Anh thày người Indo đương ngon trớn giảng, thì khi không có một bà sồn sồn người Việt gốc Hoa, dân Chợ Lớn, nói tiếng Việt cũng lạng quạng, mặt mày coi cũng ngộ ngộ, khơi khơi giơ tay nói tớp:

“Cái nị à, tui thấy cái fương fáp lày xài hổng lược.”

Cái thằng 3T tui dịch lại cho anh thày nghe.  Anh ta hỏi lại: “Tại sao dzậy?”

Bà Tàu-Việt này phom phom trả lời ngon lành:

“Tại tới hồi ló, sức mấy mà mấy ổng chịu… gúc ga.”

Trời đất, guỷ thần ơi! Nguyên một lớp nó cười rần rần.

Anh thày Indo đứng đó ú ớ. Cái thằng tui cũng cười quá xá. Chịu hết nổi. Cười muốn chết nghẹn. Làm gì mà kịp dịch qua tiếng Anh cho anh thày Indo nghe.

Chưa kịp tỉnh hồn, thời có một ông già dân miền Tây lái xe lam, kêu là bác Năm, im re từ hồi đầu lớp tới giờ, khi không như bị chọc nóng, ổng khai pháo:

“Hứ, chớ hổng phải tới hồi đó mấy bà ôm riết?  Còn lâu mới có màn thả ra!”

Trúng đài mấy thằng ôn dịch mới lớn. Ui cha, tụi nó hò, nó la, nó giậm chưn, gõ bàn đánh trống.

Mà cái miệng còn la rùm trời: “Dô. Dô. Góa ‘đả’! Góa ‘đả’!”

Tội nghiệp mấy đứa con gái, hổng biết có khoái nghe không, nhưng đứa nào đứa nấy tắt tiếng hết. Muốn độn thổ. Nhưng ngó qua ngó lại, không biết trốn đi qua chỗ nào nữa.

Còn bà người Tàu-Việt này, chắc cũng thuộc hàng đại sư tỉ của Kim Hoa Bà Bà.

Đâu có chịu thua bác Năm, ông già miệt vườn, một cách dễ dàng như dzậy.

Bả khoát tay phân bua:

“Cái lày là tui nói thiệt. Tui có tới mấy lứa con. Lứa nào cũng tính fương fáp. Mà lứa nào cũng bị… trật.  Dzì ổng hổng chịu… gúc ga.”

Tới hồi này thì mấy thằng nhóc ôn dịch nó nhảy dựng, cà tưng cà tưng còn hơn mấy chục lần hồi còn trên ghe vượt biên kêu gào người ta tới vớt.

Ông bác Năm coi bộ bị “nóng máy.”  Trong lớp, có hồi nào mà thấy ông bác Năm này có ý kiến, ý cò gì đâu? Dzậy mà bữa nay ổng xửng cồ:

“Dzậy chớ hổng lẻ cái bản mặt tui như dzầy mà lại ba xạo hay sao? Tui đây cũng ‘sáo’ (=6) mặt con.  Dzợ bé hổng tính. Biết bùa mấy bà hết!”

Tới nước này thì mấy đứa con gái thì mặt đỏ như mặt trời.

Mà mấy thằng đực rựa thì đưa tay bóp miệng chu mỏ, huýt gió từng chặp. Bắt nhịp với tiếng chưn giậm rầm rầm theo nhịp từng chập: “Dô… Dô…  Bác Năm!  Cho tới luôn đi bác tài!”

Một ông, một bà, một Việt một Tàu, một già, một… sồn sồn, coi bộ hổng ai chịu thua ai trong cuộc “tranh tài” đem kinh nghiệm “sống… thiệt” của bản thân ra để “đối chất” trong một “lively debate.”

Lớp học C.O. này tưng bừng, sống động góa xá chời! Rổn rảng ì xèo còn hơn một cái chợ chồm hổm. Dzui thì thôi!

Cả lớp ồn ào và anh thày giáo Indo hết biết là cái gì.  Ảnh hối tui dịch lại cho nghe miết.

Tới hồi thằng tui ngớt cười, bắt kịp hơi thở và dịch lại cho ảnh nghe. Thì tới phiên anh ta ôm bụng cười lăn lộn, cười chảy hết nước mắt, thở không ra hơi.

***

Bây giờ đây, cả chục năm sau, ngồi nhớ lại mới thấy hồi đó cuộc đời dân tị nạn lưu lạc toàn là những trắc trở chồng chất phía trước và hàng hàng lớp lớp lo âu đeo dính sau lưng.

Mà trước mặt thì thấy minh mông vô định.  Nghĩ tới mấy ngày đó, thấy ghê thiệt.

Bởi cho nên hồi đó có được mấy phút giây hiếm hoi cười cho đời bớt khổ như dzậy, thời thiệt là quý còn hơn nắng dữ gặp mưa rào. Hổng bao giờ quên được.

                            3T – Ngày 01/9/2016


Mời Đọc Thêm: