Cuộc họp của khối G-7 lần thứ 47 đã diễn ra tại Cornwall, Vương Quốc Anh, trong ba ngày 11–13 tháng Sáu, 2021.

Nhóm G-7 có bảy quốc gia hội viên là: Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp và Ý.

Liên minh Âu châu tham gia vào tất cả các cuộc thảo luận với tư cách khách mời và được đồng đại diện bởi Chủ tịch Hội đồng Âu châu (the President of the European Council) và Chủ tịch Ủy ban Âu châu (the President of the European Commission).

Vương quốc Anh cũng đã mời các nhà lãnh đạo Úc Đại Lợi, Ấn Độ, Nam Phi và Nam Hàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo (the Leaders’ Summit) với tư cách là các quốc gia khách mời.

Tại cuộc họp báo hôm Chủ nhật, ngày 13/6/21, Tổng thống Biden nói rằng hội nghị thượng đỉnh đã là một sự “cộng tác phi thường” giữa các quốc gia tham dự. Các nhà lãnh đạo G-7 đã đồng ý về hành động nhắm đến trường hợp của các hồ sơ vi phạm nhân quyền của Trung Hoa và biến đổi khí hậu sau ba ngày hội đàm.

Tổng thống Biden cho biết tổ chức G-7 đang “cạnh tranh với các chế độ chuyên quyền” và ông hoan nghênh cách ứng phó của họ đối với Trung Hoa và Nga.

Cũng chính vì chính sách ngoại giao hung hãn của Bắc Kinh đã khiến Liên minh Âu châu lượng định lại thỏa thuận đầu tư quan trọng mà họ đã ký với Bắc Kinh ngay khi ông Biden mới lên nhậm chức. Vào lúc đó, sự việc này được xem là đòn giáng mạnh vào kế hoạch của tân tổng thống Biden nhằm khôi phục lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Vào tháng 3 vừa qua, Liên minh Âu châu và Anh đã có biện pháp trừng phạt Trung Hoa vì những vụ vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Việc này đã khiến Bắc Kinh trả đũa bằng các hình phạt đối với các nhà lập pháp, học giả và viện nghiên cứu của Liên minh Âu châu và Anh. Thời gian ngắn sau đó, Liên minh Âu châu đã hoãn loại thỏa thuận đầu tư của họ với Trung Hoa.

“Rõ ràng là tư thế cứng cỏi của Trung Hoa trên toàn cầu đã làm một số đối tác mậu dịch của chúng ta thức tỉnh lại và khiến họ phải lùi lại một bước và suy nghĩ lại về tư thế của họ đối với Trung Hoa, và trong vài trường hợp đã đưa họ đến gần với Hoa Kỳ hơn,” Wendy Cutler, cựu phó đại diện thương mại Hoa Kỳ nói.

Các nhà ngoại giao cũng ghi nhận rằng Trung Hoa còn gây hấn nhiều hơn đối với các quốc gia láng giềng. Sau khi Úc đặt câu hỏi tại Tổ chức Y tế Thế giới về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, Trung Hoa đã đáp trả bằng một loạt các hạn chế mậu dịch đối với hàng xuất cảng của Úc. Trung Hoa cũng đưa ra một danh sách các đòi hỏi chính trị, như đòi công nhận các tuyên bố có chủ quyền của họ trên các phần lãnh thổ đang có tranh cãi ở Biển Đông.

Một trong những đề nghị chính yếu của ông Biden với nhóm G-7 là chương trình về hạ tầng cơ sở toàn cầu nhằm để đối đầu với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Hoa. Và đề nghị này đã được đưa vào bản đúc kết công bố của hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên công bố này không bao gồm bất kỳ chi tiết cụ thể nào trong việc các quốc gia trong nhóm cam kết bỏ bao nhiêu tiền ra đóng góp.

So với các tuyên bố trước đó của G-7, lần này ngôn ngữ đề cập đến Trung Hoa bén nhọn hơn và đi xa hơn trong việc chỉ ra các hành vi vi phạm nhân quyền và kinh tế của Bắc Kinh. Tuy vậy đàng sau hậu trường, các nhà lãnh đạo Âu châu đã có vẻ chống lại việc ông Biden muốn mạnh tay trong việc đặt Trung Hoa vào vị trí phải chịu trách nhiệm về những việc trên.

Ông Biden đã đặt trọng tâm của toàn bộ chuyến đi của ông chung quanh khái niệm bảo vệ nền dân chủ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa độc tài. Nhưng một số người ở  Âu châu thấy rằng công thức quá đơn giản nói trên – giữa dân chủ đối với độc tài chuyên chế – không phản ảnh đúng với thực tế là có nhiều quốc gia cuối cùng vẫn sẽ phải phụ thuộc vào Tàu hoặc Nga dưới cách này hoặc cách khác.

Thành công nổi bật  nhất trong hội nghị là cam kết chung của các nhà lãnh đạo là sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều thuốc chủng ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hoặc có thu nhập trung bình, trong đó Hoa Kỳ góp 500 triệu liều. Tuy nhiên, ngay cả một vài thành viên của G-7 vẫn đang còn vật lộn trong việc chích ngừa cho dân của họ.

Rõ ràng là lãnh tụ của các quốc gia trong G-7 thực sự cảm thấy nhẹ nhõm trước việc không phải đương đầu với Donald Trump như vài năm trước mà thay vào đó là một Joe Biden.

Nhưng hy vọng vào kết quả tốt đẹp sau khi có hội nghị thượng đỉnh G-7 cũng không thể làm giảm đi được ý thức ngày càng ngày càng tăng là họ cần phải bước ra khỏi cái bóng che và sự ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ ở Washington DC.

G-7 sẽ cho thế giới thấy “rằng liên minh này và những nhà lãnh đạo của họ đang quay trở lại sau thời Trump và đại dịch để đối phó với các vấn đề toàn cầu,” điều phối viên xuyên Đại Tây Dương của chính quyền Đức, Peter Beyer, đã cho biết. Tuy nhiên, ông nói, “đó không đơn thuần chỉ là việc đem một liên minh Tây phương cũ quay trở lại, mà đúng hơn là để đúc ra một liên minh Tây phương mới.”

“Bốn năm của Trump đã gây ra rất nhiều sự ngờ vực, nhưng cũng từ đó đã đưa đến một niềm tin mới là Âu châu nên bớt phục tùng Mỹ hơn,” một nhân viên làm việc trong hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Âu châu và Hoa Kỳ cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Bloomberg trước khi khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Âu châu, Charles Michel, người sẽ tham dự G-7, cho biết “Liên minh Âu châu có thể dẫn đầu khi nói đến các ý tưởng cho thế giới.” Ông trích dẫn ra các chủ đề của hội nghị thượng đỉnh từ hành động nhằm biến đổi khí hậu đến thuế và giấy chứng nhận chích ngừa, ông nói rằng Liên minh Âu châu có nhiều ảnh hưởng hơn là những gì được biết đến và “đôi khi ở Âu châu, chúng tôi quên mất điều đó.”

Quan điểm đó của Âu châu khác với việc chính quyền Biden nhấn mạnh đến việc Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo trong thời hậu Trump.

Trên tờ Washington Post ra ngày 05 tháng 6, 2021, có đăng bài ý kiến (op-ed) của Tổng thống Biden, trong đó có ghi: “Dù đó là việc chấm dứt đại dịch Covid-19 ở khắp mọi nơi, hay đáp ứng được những đòi hỏi của một cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng, hoặc đối đầu với các hoạt động nguy hại của chính quyền Trung Hoa và Nga, thì Hoa Kỳ phải dẫn dắt toàn thế giới từ một vị trí mạnh mẽ.”

Theo Bloomberg, các giới chức của Âu châu nói về sự thất vọng của họ đối với các chính sách của Biden vì xem ra vẫn mang một số dấu ấn theo tư thế America First (Nước Mỹ trước tiên) của Trump.

Liên minh Âu châu đã nêu lên các quan ngại của họ với Hoa Kỳ về việc chính quyền Biden bất ngờ rút quân khỏi Afghanistan, một nơi có quân đội của nhiều quốc gia thành viên của Liên minh Âu châu, trong đó có Đức. Một giới chức nói rằng chính quyền mới của Hoa Kỳ có vẻ như dựa trên thiện chí (thay vì chính sách) chỉ vì người đứng đầu là Biden mà không phải là Trump.

Cũng như, những tranh chấp với Hoa Kỳ về đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vẫn còn dai dẳng. Việc này là một điểm căng thẳng đã được Trump đưa ra và vẫn được duy trì dưới thời Biden. Trong khi phía Đức, bà Merkel xem đó là vấn đề của riêng Đức và Âu châu, theo một viên chức của Đức. [Nord Stream 2 là đường ống kép có chiều dài 1,230 km (764 mile) có khả năng cung cấp gấp hai lần công suất của tuyến đường hiện đang có dưới biển từ các mỏ khí đốt ở Nga đến Âu châu. Nord Stream nguyên thủy được khai trương vào năm 2011.]

Francoise Nicolas, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu tại Viện Bang giao Quốc tế Pháp ở Paris, nói: “Chúng tôi mong sẽ có nhiều thay đổi hơn với Biden.”

Theo CNN, trong hội nghị G-7 lần này, Tổng thống Biden cũng nhận thấy một số điều đã thay đổi. Các đồng minh của Mỹ, bị choáng váng dữ dội sau biến động chính trị của thời Tổng thống Trump, đang càng ngày càng nỗ lực để xác định các chính sách đối ngoại riêng của họ tách rời với chính sách của một quốc gia có nền chính trị nội bộ vẫn bị nhem nhuốc, rối loạn (mired in dysfunction).

Theo Bloomberg, Trump không cần giấu giếm sự xem thường (disdain) của ông ta đối với Liên minh Âu châu, NATO và cá nhân bà Merkel.

Năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã gây ra sững sờ cho các đồng minh Tây phương của Washington trong chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông, đã quở trách (scolding) họ đã không đóng góp phần của họ (fair share) cho quốc phòng cho được công bằng.

Sau 4 năm sóng gió dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì những ngôn ngữ thân thiện và lời hứa hẹn của người kế nhiệm, Tổng thống Joe Biden, là “Nước Mỹ đã trở lại” khi ông họp với các đồng minh Tây phương, cũng chưa đủ để làm khối G-7 và Liên minh Âu châu yên tâm.  Họ vẫn lo ngại là quả lắc của nền chính trị Hoa Kỳ lại sẽ rớt ngược lại lần nữa sau 4 năm thời Tổng thống Joe Biden.

David O’Sullivan, cựu đại sứ Liên minh Âu châu tại Washington, nói: “Liệu đây có phải là sự gián đoạn  giữa Trump 1.0 và Trump 2.0? Không ai có thể biết được.”

Trên căn bản đó, trong thời điểm hiện nay với chính quyền của Tổng thống Biden, thì Liên minh Âu châu, nói chung, vẫn tận dụng mọi cơ hội để tăng cường mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Nhưng đúng theo như nhận xét của một viên chức của Đức, “nhìn từ Berlin, mặc dù những năm của Trump đã qua, bài học còn lại vẫn là Âu châu sẽ phải đứng trên đôi bàn chân của mình.”

Tương tự, khi nói chuyện trước các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh, bà Merkel đã thẳng thắn nói rằng có ông Biden ngồi vào ghế của Mỹ tại hội nghị G-7 không phải là dấu chấm hết cho các vấn đề đang đối mặt với thế giới.

Nhưng bà Merkel nói điều đó có nghĩa là nhóm G-7 có thể làm việc với “sự hăng hái” mới để giải quyết các vấn đề đó.

Trần Trung Tín – Ngày 14 tháng 6, 2021

Tham khảo:

  1. https://finance.yahoo.com/news/attending-her-last-g-7-030017080.html
  2. https://www.reuters.com/world/us/america-may-be-back-g7-allies-doubts-about-us-democracy-linger-2021-06-11/
  3. https://www.politico.com/news/2021/06/11/biden-g-7-unite-against-china-493258
  4. https://www.cnn.com/2021/06/13/politics/takeaways-from-biden-at-the-g7/index.html
  5. https://www.cnn.com/2021/06/13/world/meanwhile-in-america-june-14-intl/index.html

Bài đọc thêm:

  1. https://gopnhatcatda.com/chinh-tri/my-bat-tay-voi-nga-de-chong-trung-hoa
  2. https://gopnhatcatda.com/chinh-tri/trump-toi-hau-thu-cho-nato