Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Trường Trận: Chiến lược Quy mô của Tàu để Thay thế Trật tự của Mỹ

Ngày 02/8/2021 vừa qua, Brookings Institution, một think tank của Hoa Kỳ, thành lập năm 1916, đã có bài tiểu luận giới thiệu quyển sách The Long Game: China’s Grand Strategy To Displace American Order, tác giả Rush Doshi.

Theo Kevin Rudd, Chủ tịch Asia Society và cựu Thủ tướng Úc: “The Long Game đem đến phần lớn những gì thiếu vắng trong cuộc tranh luận về quan hệ Mỹ-Hoa: Cái nhìn sâu sắc về bản chất của hệ thống và chiến lược theo Lenin của Trung Hoa.

Theo Graham Allison, Professor of Government, Harvard Kennedy School: “Quyển sách cần phải đọc đối với bất cứ ai đang đánh vật với China Challenge. Việc Doshi phân tích cẩn thận các tài liệu bằng Hoa ngữ cho thấy rằng Trung Hoa đang theo đuổi một chiến lược quy mô chặt chẽ nhằm đảo lộn trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

Graham Alliso còn là tác giả của quyển sách nổi tiếng Destined for War: America, China, and Thucydides’s Trap (2017). Theo đó Thucydides’s Trap được dùng để mô tả khuynh hướng đi đến chiến tranh khi cường quốc đang nổi lên đe dọa sẽ thay thế cường quốc đang hiện hữu để giành lấy quyền bá chủ khu vực hay toàn cầu.


Ghi chú của Biên tập viên (Brookings Institution): Sau đây là phần trích từ quyển sách “The Long Game: China’s Grand Strategy to Displace American Order” (“Trường Trận: Chiến lược Quy mô của Tàu để Thay thế Trật tự của Mỹ”) của Rush Doshi, cựu Thành viên Nghiên cứu của Brookings Institution.

Phần giới thiệu này tóm tắt lập luận của quyển sách. Nó giải thích sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa là trên phương diện trật tự khu vực và toàn cầu, phác thảo ra trật tự do Trung Hoa lãnh đạo có khả thể giống như thế nào, tìm hiểu tại sao chiến lược quy mô (grand strategy) lại có tầm quan trọng và nghiên cứu nó bằng cách nào, cũng như thảo luận về những quan điểm đối chọi về việc liệu Trung Hoa có một chiến lược quy mô hay không. Quyển sách lập luận rằng Trung Hoa đã tìm cách thay thế trật tự khu vực và toàn cầu của Mỹ theo thứ tự liên hoàn của bộ ba “chiến lược thay thế” (“strategies of displacement”) được theo đuổi ở các lãnh vực quân sự, chính trị và kinh tế. Chiến lược đầu tiên trong bộ ba chiến lược này tìm cách làm giảm đi hiệu năng (to blunt) trật tự của Mỹ trong khu vực. Chiến lược thứ hai tìm cách xây dựng (to build) trật tự của Trung Hoa trong khu vực. Và chiến lược thứ ba—một chiến lược bành trướng (a strategy of expansion)—hiện nay đang tìm cách thực hiện cả hai chiến lược trên trên toàn cầu. Phần giới thiệu giải thích rằng những thay đổi trong chiến lược của Trung Hoa được định hình từ sâu thẳm do bởi những biến cố quan trọng làm thay đổi hẳn nhận thức của Trung Hoa về sức mạnh của Mỹ.

Giới Thiệu

Đó là vào năm 1872, và khi Lý Hồng Chương viết, Trung Hoa đang ở vào thời điểm của biến động lịch sử. Vừa là quan, vừa là tướng của triều đại nhà Thanh, Lý Hồng Chương đã cống hiến phần lớn cuộc đời của ông để cải tổ một đế chế đang hấp hối. Lý Hồng Chương thường được đem ra so sánh với một người đương thời là Otto von Bismarck, kiến ​​trúc sư của sự thống nhất và sức mạnh quốc gia của Đức. Bismarck là người mà bức chân dung của ông ta, được biết là, ông Lý cho lưu giữ để lấy cảm hứng.1

Giống như Bismarck, ông Lý đã thành công trong việc tận dụng kinh nghiệm quân sự của ông để tạo ra tầm ảnh hưởng đáng kể, trong cả chính sách đối ngoại và quân sự. Ông Lý là nhân tố chính yếu có công trong việc dập tắt cuộc nổi loạn của Thái Bình Thiên Quốc kéo dài trong mười bốn năm—là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong suốt thế kỷ 19—đã chứng kiến ​​một nhà nước thần quyền Thiên chúa giáo (a millenarian Christian state) trỗi dậy từ khoảng trống quyền lực càng ngày càng lớn của nhà Thanh để phát động cuộc nội chiến làm thiệt hại sinh mạng của hàng chục triệu người. Chiến dịch chống lại quân nổi loạn đã đem đến cho ông Lý một sự lượng giá cao nơi vũ khí và kỹ thuật của Tây phương, rồi nỗi sợ hãi những kẻ ăn thịt người (predations) từ Âu châu và Nhật Bản, cùng là một quyết tâm trong việc tự tạo sức mạnh và hiện đại hóa người Tàu—và quan trọng nữa là—ảnh hưởng và uy tín để làm một điều gì về việc đó.

Lý Hồng Chương (Li Hongzhang, tiếng La Mã là Li Hung-chang), 1896. Source: Alice E. Neve Little, Li Hung-Chang: His Life and Times (London: Cassell & Company, 1903).

Và như thế vào năm 1872, ở một trong các thư từ của ông, Lý Hồng Chương đã thể hiện những suy nghĩ của ông về những biến đổi long trời lở đất (groundbreaking) về mặt địa lý chính trị và kỹ nghệ mà ông đã thấy trong đời sẽ đưa đến mối đe dọa cho sự sống còn của nhà Thanh. Trong một bản văn ủng hộ đầu tư nhiều hơn vào việc đóng tàu của Trung Hoa, Lý Hồng Chương đã viết một dòng mà từ đó đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều thế hệ: Trung Hoa đang trải qua “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong ba ngàn năm.”2

Trung Hoa đang trải qua “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong ba ngàn năm.” (China was experiencing “great changes not seen in three thousand years.”)

Lý Hồng Chương (1823 – 1901)

Câu nói nổi tiếng rộng khắp đó đối với nhiều người Tàu theo chủ nghĩa dân tộc là một nhắc nhở về sự ô nhục của chính đất nước họ. Lý Hồng Chương, cuối cùng, đã thất bại trong việc hiện đại hóa Trung Hoa, thua Nhật Bản trong một cuộc chiến tranh và ký Hiệp ước Shimonoseki với Tokyo. Nhưng đối với nhiều người, đường lối của ông Lý là điều có thể tiên đoán được và chính xác—sự suy tàn của Trung Hoa là kết quả của việc Nhà Thanh không có khả năng ước tính được sự biến đổi của các sức mạnh địa lý chính trị và kỹ nghệ ở mức độ chưa từng thấy trong ba ngàn năm, những sức mạnh đã làm thay đổi cán cân quyền lực quốc tế và mở ra cho Trung Hoa một “Thế kỷ Ô nhục” (“Century of Humiliation”). Đây là những khuynh hướng mà tất cả nỗ lực của ông Lý đều không thể đảo ngược được.

Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ 2013. Source: Reuters

Nếu đường lối của ông Lý đánh dấu cao điểm của sự ô nhục của Trung Hoa, thì đường lối của ông Tập đánh dấu thời điểm cho sự trẻ lại (rejuvenation) của Trung Hoa.

Nếu họ Lý nói đến bi kịch, thì họ Tập nói đến cơ hội.

Hiện nay, đường lối của Lý Hồng Chương đã được nhà lãnh đạo Trung Hoa Tập Cận Bình điều chỉnh lại để mở đầu cho một giai đoạn mới trong chiến lược quy mô của Trung Hoa thời hậu Chiến tranh Lạnh. Kể từ 2017, trong nhiều bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của quốc gia, ông Tập đã tuyên bố rằng thế giới đang ở giữa “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ” (“great changes unseen in a century”). Nếu đường lối của ông Lý đánh dấu cao điểm của sự ô nhục của Trung Hoa, thì đường lối của ông Tập đánh dấu thời điểm cho sự trẻ lại (rejuvenation) của Trung Hoa. Nếu họ Lý nói đến bi kịch, thì họ Tập nói đến cơ hội. Nhưng cả hai đều nắm được một điều thiết yếu: đó là trật tự của thế giới lại một lần nữa bị đe dọa bởi những chuyển đổi chưa từng có về mặt địa lý chính trị và kỹ thuật, và điều này đòi hỏi một sự điều chỉnh chiến lược.

Đối với ông Tập, nguồn gốc của những thay đổi này là sức mạnh của Trung Hoa ngày càng tăng và thêm nữa là điều mà nước này xem là sự tự hủy diệt hiển nhiên của Tây phương. Vào ngày 23 tháng 6, 2016, Vương quốc Anh đã bỏ phiếu tách ra khỏi Liên minh Âu châu. Rồi, hơn ba tháng sau đó một chút, một trào lưu dân túy bộc phát mạnh đã đưa Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ. Theo quan điểm của Trung Hoa—vốn rất nhạy cảm đối với những thay đổi trong nhận thức của họ về sức mạnh và sự đe dọa của Mỹ—thì hai sự kiện này đã gây chấn động. Bắc Kinh tin rằng các nền dân chủ mạnh nhất thế giới đang rút lui ra khỏi trật tự quốc tế mà họ đã giúp gầy dựng lên ở nước ngoài và họ đang phải vật vã để tự cai quản bên trong nhà của họ. Phản ứng kế tiếp của Tây phương đối với đại dịch coronavirus vào năm 2020, và sau đó là vụ tấn công vào Điện Capitol (Quốc Hội) của Hoa Kỳ bởi những thành phần cực đoan vào năm 2021, đã củng cố thêm cảm nghĩ là “thời gian và động lực tiến tới đều ở phía của chúng ta,” (“time and momentum are on our side,”) như Tập Cận Bình đã nói ngay sau khi những biến cố đó xẩy ra.3 Thành phần lãnh đạo và giới ưu tú trong chính sách đối ngoại của Trung Hoa tuyên bố rằng một “thời khoảng của cơ hội lịch sử” (period of historical opportunity) đã xuất hiện để Trung Hoa bành trướng trọng tâm chiến lược của họ từ Á châu ra đến toàn cầu và những hệ thống quản trị của nó.

Hiện chúng ta đang ở vào những năm đầu của những gì sắp xảy đến—một Trung Hoa không chỉ tìm kiếm ảnh hưởng khu vực như nhiều cường quốc làm, nhưng như Evan Osnos lập luận, “họ đang chuẩn bị để định hình cho thế kỷ hai mươi mốt, giống như Hoa Kỳ đã hình thành khuôn khổ cho thế kỷ hai mươi.”4 Cuộc đua tranh giành ảnh hưởng đó sẽ là cuộc cạnh tranh toàn cầu, và Bắc Kinh tin tưởng với lý do thích đáng rằng thập niên kế tiếp có thể sẽ quyết định được kết quả.

Tham vọng của Trung Hoa là những gì và liệu họ có chiến lược quy mô để đạt được những tham vọng đó hay không? Nếu có, thì chiến lược đó là gì, những gì đã hình thành ra nó, và Hoa Kỳ nên làm gì đối với chiến lược này?

Khi tiến vào giai đoạn mới của sự tranh đua dữ dội này, chúng ta thiếu hẳn câu trả lời cho những câu hỏi căn bản quan trọng. Tham vọng của Trung Hoa là những gì và liệu họ có chiến lược quy mô để đạt được những tham vọng đó hay không? Nếu có, thì chiến lược đó là gì, những gì đã hình thành ra nó, và Hoa Kỳ nên làm gì đối với chiến lược này? Đây là những câu hỏi căn bản cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ khi phải đương đầu với một thử thách địa lý chính trị lớn nhất thế kỷ này, bởi vì sự hiểu biết về chiến lược của đối thủ sẽ phải là bước đầu tiên để đối phó với nó. Tuy nhiên, khi sự căng thẳng giữa các cường quốc bùng lên, sẽ không có một sự hoàn toàn đồng ý về những câu trả lời.

Quyển sách này cố gắng đem đến câu trả lời. Trong những lập luận và cấu trúc của nó, nguồn gây cảm hứng cho quyển sách một phần đến từ các nghiên cứu về chiến lược quy mô của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.5 Những công trình này đã phân tích lý thuyết và thực hành của “những chiến lược bao vây ngăn chặn” (“strategies of containment”) nhắm vào Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Quyển sách này tìm cách phân tích lý thuyết và thực hành của “những chiến lược thay thế” (“strategies of displacement”) của Trung Hoa nhắm đến Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh.

Để làm được như vậy, quyển sách này tận dụng cơ sở dữ liệu gốc (original database) của các tài liệu của Đảng Cộng sản Trung Hoa—hồi ký, tiểu sử và hồ sơ nhật sự (daily records) của các giới chức cao cấp—được cẩn thận thu thập và sau đó chuyển sang dạng điện toán (digitized) trong nhiều năm từ các thư viện, hiệu sách ở Đài Loan và Hồng Kông, và các trang web thương mại điện tử (e-commerce) của Trung Hoa (xem Phụ lục). Nhiều tài liệu trong số này đưa người đọc đến đàng sau những cánh cửa khép kín của Đảng Cộng sản Trung Hoa, đem họ vào bên trong các cuộc họp và những định chế (hay cơ quan) lo về chính sách đối ngoại cao cấp của Đảng, và giới thiệu độc giả đến với nhiều nhân vật lãnh đạo chính trị, tướng lãnh và ngoại giao Trung Hoa chịu trách nhiệm về việc nghĩ ra và thực hiện chiến lược quy mô của Trung Hoa. Trong khi không có một tài liệu chính nào chứa được hết toàn bộ chiến lược quy mô của Trung Hoa, thì phần đại cương (outline) của nó có thể được tìm thấy được qua nhiều thư khố (corpus). Bên trong những tài liệu này, Đảng sử dụng các tuyên bố xếp theo thứ bậc tiêu biểu cho sự đồng ý trong nội bộ về những vấn đề quan yếu để định hướng cho con tàu nhà nước và những tuyên bố này có thể tìm lại được (traced) theo thời gian. Điều quan trọng nhất trong những tuyên bố này là đường lối của Đảng (the Party line), sau đó là huấn thị (guideline), và cuối cùng là chính sách (policy), cùng các thuật ngữ khác. Hiểu được những điều này đôi khi đòi hỏi không những phải thông thạo tiếng Trung Hoa, mà còn phải thông thạo các khái niệm về ý thức hệ cổ hủ và tưởng như không thể xuyên phá được như “những sự thống nhất biện chứng (dialectical unities)” và “chủ nghĩa duy vật lịch sử (historical materialism).”

Lập luận được Tóm tắt

Quyển sách lập luận rằng trọng tâm của sự cạnh tranh Mỹ-Hoa từ thời Chiến tranh Lạnh là trật tự khu vực và hiện nay là trật tự toàn cầu. Quyển sách tập trung vào các chiến lược mà các cường quốc đang nổi lên như Trung Hoa sử dụng để thay thế một bá chủ đã ngự trị như Hoa Kỳ mà vẫn tránh được chiến tranh. Vị thế bá chủ trong trật tự khu vực và toàn cầu xuất hiện từ ba “hình thức kiểm soát” rộng lớn được sử dụng để điều tiết (regulate) cách hành xử (behavior) của các quốc gia khác: khả năng cưỡng chế (coercive capability) (buộc phải tuân theo), khuyến dụ đồng ý (khuyến khích có thưởng) (consensual inducements (to incentivize it)) và tính chính danh (legitimacy) (để được chính đáng chỉ huy) (to rightfully command it). Đối với các quốc gia đang trỗi dậy, hành động thay thế bá chủ một cách hòa bình bao gồm hai chiến lược rộng rãi thường được theo đuổi theo trình tự. Chiến lược thứ nhất là phải làm giảm được hiệu năng của quốc gia bá chủ trong việc thực thi các hình thức kiểm soát đó, đặc biệt là những hình thức kiểm soát được nới rộng đến quốc gia đang trỗi dậy; cuối cùng vẫn là, sẽ không có quốc gia đang trỗi dậy nào lại có thể thay thế quốc gia bá chủ nếu nó vẫn tiếp tục nằm dưới sự độ lượng của quốc gia bá chủ. Chiến lược thứ hai là tạo dựng các hình thức kiểm soát quốc gia khác; vì quả thực, không một quốc gia đang trỗi dậy nào lại có thể trở thành bá chủ nếu nó không thể duy trì được sự nể trọng đến từ các quốc gia khác thông qua những đe dọa cưỡng chế, những khuyến dụ đồng ý hoặc sự chính danh chính đáng. Trừ khi cường quốc đang trỗi dậy đó phải trước tiên làm yếu đi quốc gia bá chủ, còn không thì các nỗ lực tạo dựng trật tự mới có nhiều khả thể sẽ trở nên vô ích và bị chống lại dễ dàng. Và cho đến khi một cường quốc đang nổi lên đã thực hiện thành công ở một cấp độ cao việc làm giảm hiệu năng của đối thủ và xây dựng tốt trong khu vực “sân nhà” của họ, thì quốc gia đó vẫn còn quá dễ bị thương tổn trước ảnh hưởng của quốc gia bá chủ để họ có đủ tự tin chuyển sang chiến lược thứ ba, bành trướng toàn cầu, vốn theo đuổi cả việc làm giảm hiệu năng của đối phương và xây dựng ở cấp độ toàn cầu để thay thế quốc gia bá chủ trong vị trí lãnh đạo quốc tế. Hợp chung lại, những chiến lược này ở những cấp khu vực và rồi đến toàn cầu cung cấp một phương tiện thô bạo cho sự thăng tiến của những thành phần ưu tú theo chủ nghĩa dân tộc trong Cộng Đảng Trung Hoa, vốn là những kẻ mưu tìm sự phục hồi Trung Hoa nhằm đem quốc gia này trở về lại đúng vị trí của nó và làm đảo ngược lại sự sai lệch lịch sử của ảnh hưởng áp đảo trên toàn cầu của Tây phương.

Đây là một khuôn mẫu mà Trung Hoa đã đi theo, và trong việc duyệt xét lại các chiến lược để thay thế Mỹ của Trung Hoa, quyển sách lập luận rằng sự thay đổi từ một chiến lược sang chiến lược kế tiếp đã được kích hoạt bởi sự gián đoạn sâu xa trong biến số quan trọng nhất trong việc định hình chiến lược quy mô của Trung Hoa là nhận thức của họ về sức mạnh và sự đe dọa của Mỹ. Chiến lược đầu tiên của Trung Hoa (1989–2008) nhắm đến việc thay thế Mỹ là Bắc Kinh âm thầm làm giảm đi sức mạnh của Mỹ đè lên họ, đặc biệt là ở Á châu, và sự việc đó xuất hiện sau ba thảm họa Thiên An Môn, Chiến tranh Vùng Vịnh (Gulf War), và sự sụp đổ của Liên Xô đã đưa Bắc Kinh đến chỗ hết sức cảnh giác về sự đe dọa của Hoa Kỳ. Chiến lược thứ hai của Trung Hoa (2008–2016) nhắm đến việc thay thế Mỹ là Bắc Kinh tìm cách xây dựng nền móng căn bản để nắm quyền bá chủ khu vực ở Á châu, và chiến lược này được đưa ra sau cuộc Khủng hoảng Tài chánh Toàn cầu, sự việc này đã khiến Bắc Kinh xem sức mạnh của Mỹ đang suy giảm và khuyến khích họ để chọn phương cách hành xử với nhiều tự tin hơn. Hiện nay, với sự kêu gọi về “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ” theo sau vụ Brexit, cuộc bầu lên Tổng thống Trump và đại dịch coronavirus, Trung Hoa đang tung ra một chiến lược thứ ba nhắm đến việc thay thế Mỹ, một chiến lược mở rộng nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ và xây dựng lực lượng của họ trên toàn thế giới để thay thế Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Trong các chương cuối cùng, quyển sách này dùng đến những hiểu biết sâu sắc về chiến lược của Trung Hoa để hình thành một chiến lược quy mô bất đối xứng của Hoa Kỳ để đối phó lại—một chiến lược lấy ra ngay từ bài bản của chính Trung Hoa—và tìm cách chống lại tham vọng khu vực và toàn cầu của Trung Hoa mà không phải đua tranh theo kiểu một đổi một: đô la-với-đô la, tàu chiến-với-tàu chiến, hay mượn nợ-với-mượn nợ (dollar-for-dollar, ship-for-ship, or loan-for-loan).

Quyển sách cũng minh họa trật tự theo kiểu của Trung Hoa có thể trông giống như thế nào nếu Trung Hoa có thể đạt được mục tiêu “làm trẻ lại quốc gia” nhân dịp 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049. Ở mức độ khu vực, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Hoa đã lớn hơn một nửa GDP của cả Á châu và chi tiêu quân sự của Trung Hoa đã bằng một nửa chi tiêu quân sự của tất cả Á châu, điều này đang khiến khu vực này bị mất cân bằng và đã đẩy khu vực về phía phạm vi ảnh hưởng của Trung Hoa. Một trật tự của Trung Hoa được hoàn toàn thực hiện cuối cùng có thể liên quan đến việc các lực lượng Mỹ rút khỏi Nhật Bản và Đại Hàn, chấm dứt các liên minh khu vực của Mỹ, Hải quân Hoa Kỳ xem như bị loại khỏi Tây Thái Bình Dương, Trung Hoa được các nước láng giềng tôn kính, thống nhất với Đài Loan và giải quyết xong những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trật tự theo khuôn khổ của Trung Hoa có thể sẽ có nhiều cưỡng chế hơn so với trật tự hiện tại, trật tự đó được ưng thuận theo những cách thế chính yếu chỉ làm lợi cho những thành phần ưu tú có liên kết (connected elites) ngay cả phải làm thiệt hại đến khối công chúng được bỏ phiếu, và hầu hết được xem là hợp pháp đối với một số ít những người mà nó trực tiếp khen thưởng. Trung Hoa sẽ đem bố trí trật tự này theo những cách làm tổn hại đến các giá trị tự do, với những luồng gió độc tài thổi mạnh hơn nữa qua khắp khu vực. Trật tự ở nước ngoài thường là sự phản ảnh của trật tự ở bên trong nước và việc xây dựng trật tự theo cách của Trung Hoa rõ ràng sẽ là phi tự do (illiberal) so với việc xây dựng trật tự theo cách của Hoa Kỳ.

Ở mức độ toàn cầu, trật tự của Trung Hoa sẽ can dự đến việc nắm lấy nhiều cơ hội của “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong thế kỷ” và thay thế Hoa Kỳ để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Điều này đòi hỏi phải thành công trong việc quản lý được rủi ro chính yếu đổ ập đến từ “những thay đổi lớn”—Washington không sẵn lòng vui vẻ chấp nhận chuyện đi xuống—bằng cách làm suy yếu các hình thức kiểm soát hỗ trợ cho trật tự toàn cầu của Mỹ trong khi lại tăng cường cho các hình thức kiểm soát như vậy để hỗ trợ cho một sự thay thế của Trung Hoa. Trật tự đó sẽ lan rộng qua một “khu vực có ảnh hưởng cực lớn” ở Á châu cũng như “quyền bá chủ một phần” trong các khu vực của thế giới đang phát triển mà dần dần có thể bành trướng ra để bao trùm luôn các trung tâm kỹ nghiệp hóa của thế giới—một viễn ảnh mà vài nhà văn nổi tiếng của Trung Hoa mô tả bằng cách sử dụng huấn thị cách mạng của Mao là “lấy nông thôn bao vây thành thị” (“surround the cities from the countryside”).6 Theo những nguồn có thẩm quyền hơn, thì họ xếp phương cách này vào các thuật ngữ ít kích động hơn, cho là trật tự của Trung Hoa sẽ được neo giữ (anchored) trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative- BRI) của Trung Hoa và Cộng đồng của Vận mạng Chung (Community of Common Destiny) của nó, đặc biệt là phần BRI được dùng để tạo ra các mạng lưới có khả năng cưỡng chế, khuyến dụ đồng ý (consensual inducement) và tính chính danh.7

Một vài chiến lược nhằm để đạt được trật tự toàn cầu này đã lộ rõ trong các diễn văn của ông Tập. Về mặt chính trị, Bắc Kinh sẽ giữ (project) vai trò lãnh đạo đối với sự quản trị toàn cầu và các định chế quốc tế, tách rời ra các liên minh Tây phương và thúc đẩy các chuẩn mực chuyên chế trước sự mất mát của những giá trị tự do. Về mặt kinh tế, nó sẽ làm suy yếu các lợi thế tài chánh đã bảo đảm cho sự bá chủ của Hoa Kỳ và nắm lấy các cao điểm chỉ huy của “cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ tư” từ thông minh nhân tạo cho đến điện toán lượng tử, với một Hoa Kỳ đang suy thoái biến thành một quốc gia “không còn kỹ nghệ hóa (deindustrialized) nói tiếng Anh của cộng hòa châu Mỹ Latinh, chuyên môn về hàng hóa, bất động sản, du lịch và có thể còn là trốn thuế xuyên quốc gia.”8 Về mặt quân sự, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ thiết trí một lực lượng ở đẳng cấp thế giới với các căn cứ trên khắp thế giới có thể bảo vệ quyền lợi của Trung Hoa trong hầu hết các khu vực và ngay cả trong các lãnh vực mới như không gian, các vùng cực và biển sâu. Thực tế là các khía cạnh của viễn kiến này hiển hiện rõ rệt trong các bài diễn văn cao cấp đã là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy tham vọng của Trung Hoa không chỉ bị giới hạn ở Đài Loan hoặc thống trị vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Cuộc “đấu tranh giành làm chủ” (“struggle for mastery”), có thời đã chỉ giới hạn ở Á châu, nay đã qua sang trật tự toàn cầu và tương lai của nó. Nếu có hai con đường đưa đến bá chủ—một đường khu vực và một đường toàn cầu—thì hiện nayTrung Hoa đang theo đuổi cả hai.

Nhìn thoáng qua trật tự mà Trung Hoa có thể có thì dễ bị kinh ngạc, nhưng đó không nên là điều quá ngạc nhiên. Hơn một thập niên trước đây, Lý Quang Diệu—chính trị gia có viễn kiến, người đã xây dựng một Singapore hiện đại và bản thân ông có biết các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Hoa—đã được phỏng vấn: “Các nhà lãnh đạo Trung Hoa có nghiêm chỉnh về việc thay thế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số một ở Á châu và trên thế giới không?” Ông ta đã trả lời bằng một tiếng “yes” mạnh mẽ. “Dĩ nhiên. Tại sao không?” ông bắt đầu, “Họ đã thay đổi một xã hội nghèo nàn bằng một phép mầu kinh tế để giờ đây trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giớ —đang trên đúng đường… để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.” Trung Hoa, ông nói tiếp, khoe khoang về “một nền văn hóa 4,000 năm với 1.3 tỷ người, với một nguồn tài năng khổng lồ để sử dụng. Thì làm thế nào mà họ không khao khát để trở thành số một ở Á châu, và theo thời gian lên tới thế giới?” Trung Hoa đang “phát triển ở tốc độ không thể tưởng tượng được vào 50 năm trước đây, một sự biến đổi mạnh mẽ không ai dự đoán được,” ông nhận xét, và “mọi người Trung Hoa đều muốn một Trung Hoa giàu mạnh, một quốc gia thịnh vượng, tiến bộ và có năng lực công nghệ như Mỹ, Âu châu và Nhật Bản.” Ông ta chấm dứt phần trả lời bằng một nhận định quan trọng: “Ý thức được sự thức tỉnh lại về vận mệnh (reawakened sense of destiny) là một sức mạnh cực kỳ lớn lao…. Trung Hoa muốn là Trung Hoa và được chấp nhận như vậy, chứ không phải như là một thành viên danh dự của Tây phương.” Trung Hoa có thể muốn “chia sẻ thế kỷ này” với Hoa Kỳ, có thể là “cùng ngang bằng (co-equals),” ông lưu ý, nhưng chắc chắn không phải như thuộc cấp (subordinates).9

Tại Sao Chiến Lược Quy Mô Lại Quan Trọng

Chưa bao giờ nhu cầu cần đến sự hiểu biết đúng đắn về các ý định và chiến lược của Trung Hoa lại cấp bách như bây giờ. Trung Hoa hiện đang đặt ra cho Hoa Kỳ một thách thức không giống như bất kỳ thách thức nào mà Hoa Kỳ đã từng đối mặt. Hơn một thế kỷ qua, không có đối thủ hay liên minh đối thủ nào của Hoa Kỳ lại có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt tới mức 60% GDP của Hoa Kỳ. Ngay cả Đức Wilhelmine trong Thế Chiến I, hoặc tổng hợp lại sức mạnh của Đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã trong Thế Chiến II, hoặc như Liên Xô khi ở vào cao điểm của sức mạnh kinh tế của họ cũng chưa bao giờ vượt qua định mức này.10 Và còn nữa, đây là một mốc thành đạt mà chính Trung Hoa đã lặng lẽ đạt được vào đầu năm 2014. Khi điều chỉnh theo giá cả tương ứng của hàng hóa (relative price of goods), thì nền kinh tế của Trung Hoa đã 25% lớn hơn nền kinh tế Hoa Kỳ.11 Rõ ràng Trung Hoa là đối thủ cạnh tranh nổi bật nhất mà Hoa Kỳ phải đối diện và đường lối mà Washington đưa ra để đối phó với sự nổi lên của Trung Hoa để trở thành siêu cường sẽ định hình những khả thể xảy đến trong thế kỷ tới (shape the course of the next century).

Điều ít rõ ràng hơn, ít ra cũng là từ phía Washington, là liệu Trung Hoa có một chiến lược quy mô hay không và đó có thể là những gì. Quyển sách này định nghĩa chiến lược quy mô như là một lý thuyết của quốc gia về cách mà quốc gia đó có thể đạt được các mục tiêu chiến lược với chủ đích, được phối hợp và thực hiện qua nhiều phương tiện của guồng máy nhà nước—quân sự, kinh tế và chính trị. Điều làm cho chiến lược quy mô trở nên “quy mô” không đơn thuần chỉ là tầm vóc của các mục tiêu chiến lược mà còn qua yếu tố là các “phương tiện” đặc thù được cùng phối hợp để đạt được mục tiêu đó. Kiểu phối hợp đó thì hiếm, và hệ quả là đa số các cường quốc không có một chiến lược quy mô.

Tuy nhiên, khi các quốc gia thực sự có những chiến lược quy mô, thì họ có thể định hình lại lịch sử thế giới (reshape world history). Đức Quốc xã vận dụng một chiến lược quy mô sử dụng các công cụ kinh tế để trói buộc các nước láng giềng, xây dựng quân đội để đe dọa và tạo liên kết chính trị để bao vây các đối thủ của họ—cho phép Đức vượt xa các cường quốc cạnh tranh trong một thời gian đáng kể mặc dù GDP của Đức ít hơn một phần ba GDP của các nước đó gộp lại. Trong Chiến tranh Lạnh, Washington đã theo đuổi một chiến lược quy mô mà đôi khi đã dùng đến sức mạnh quân sự để ngăn chặn sự xâm lược của Liên Xô, viện trợ kinh tế để làm giảm bớt ảnh hưởng của cộng sản, và những định chế chính trị để gắn liền các quốc gia tự do với nhau—giới hạn lại ảnh hưởng của Liên Xô mà không có chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Cách mà Trung Hoa cũng làm tương tự để kết hợp lại các công cụ của chính quyền nhằm theo đuổi các mục tiêu bao quát trên toàn cầu và khu vực là một lãnh vực vẫn nhận được nhiều suy đoán nhưng ít được nghiên cứu nghiêm ngặt dù là có những hậu quả to lớn. Sự phối hợp và lập kế hoạch dài hạn can dự đến chiến lược quy mô đem đến cho nhà nước sức mạnh và ảnh hưởng vượt lên trên những gì họ mà đang có (to punch above its weight); vì Trung Hoa đã là một cường quốc nặng ký, nếu nước này có một kế hoạch mạch lạc điều hợp được nền kinh tế 14 ngàn tỷ USD của họ cùng với lực lượng hải quân biển xanh (blue-water navy) và ảnh hưởng chính trị đang gia tăng trên toàn thế giới—và Hoa Kỳ hoặc bỏ sót hoặc hiểu sai điều đó—thì những gì sẽ xảy đến trong thế kỷ 21 có thể đem lại những phương cách gây tai hại cho Hoa Kỳ và các giá trị tự do mà nước này đã từ lâu bảo vệ.

Washington khá muộn màng trong việc nhận ra thực tế này, và kết quả là sự tái thẩm định lại chính sách đối phó với Trung Hoa của họ trong hơn một thế hệ. Tuy nhiên, ngay giữa sự tái thẩm định này, có sự bất đồng ý kiến to lớn về khoản Trung Hoa muốn gì và họ sẽ đi đến đâu. Có một số người tin rằng Bắc Kinh có tham vọng toàn cầu; lại có một số khác cho rằng chú tâm của Bắc Kinh phần lớn đặt nặng vào khu vực. Một số nói rằng Trung Hoa có kế hoạch 100 năm được phối hợp ; một số khác lại cho rằng đó chỉ là chuyện thời cơ (opportunistic) và dễ sai lầm. Có kẻ dán cho Bắc Kinh một nhãn hiệu là một cường quốc mạnh bạo theo chủ nghĩa xét lại; kẻ khác lại xem nó như là một thành viên có đầu óc tỉnh táo (sober-minded stakeholder) của trật tự hiện hành. Một số người nói Bắc Kinh muốn Hoa Kỳ ra khỏi Á châu; và số khác cho rằng Bắc Kinh dung chứa được (tolerates) một Hoa Kỳ trong vai trò khiêm tốn. Nơi mà các phân tích gia càng ngày càng đồng ý là ý kiến về việc Trung Hoa gần đây càng quyết đoán (assertiveness) là sản phẩm của cá tính (personality) của Chủ tịch Trung Hoa họ Tập—một quan niệm sai lầm đã bỏ qua sự đồng thuận của Đảng có từ lâu đời mà cách hành xử của Trung Hoa thực sự bắt rễ từ đó. Thực tế là các cuộc tranh luận hiện thời vẫn còn chia rẽ về rất nhiều câu hỏi căn bản liên quan đến chiến lược quy mô của Trung Hoa—và không chính xác ngay cả trong các lãnh vực quan trọng đã được đồng ý—đang gây ra trở ngại, nhất là bởi vì mỗi câu hỏi đều chứa đựng những hệ quả bao hàm trong chính sách (policy implications) cực kỳ khác nhau.

Cuộc Tranh Luận Chưa Ngã Ngũ

Quyển sách này bước vào một cuộc tranh luận phần lớn chưa được giải quyết về chiến lược của Trung Hoa giữa “những kẻ hoài nghi” và “những người tin tưởng.” Vẫn chưa thuyết phục được những kẻ hoài nghi là Trung Hoa có một chiến lược quy mô để thay thế Hoa Kỳ ở khu vực hoặc toàn cầu; ngược lại, những người tin tưởng cũng đã không thực sự cố gắng thuyết phục.

Thành phần hoài nghi là một nhóm có kiến thức sâu rộng. “Trung Hoa vẫn chưa hình thành một ‘chiến lược quy mô’ thực sự,” một thành viên ghi nhận, “và câu hỏi đặt ra là liệu họ có muốn làm như vậy chút nào hay không.”12 Những người khác lý luận rằng những mục tiêu của Trung Hoa vẫn còn trong giai đoạn “tiên khởi” (“inchoate”) và rằng Bắc Kinh thiếu hẳn một “chiến lược được xác định rõ rệt.”13 Các tác giả Trung Hoa như Giáo sư Wang Jisi, nguyên chủ nhiệm Khoa Bang giao Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, cũng ở trong trường phái hoài nghi. “Không có chiến lược nào mà chúng tôi có thể nặn óc nghĩ ra để có thể bao gồm tất cả các khía cạnh của lợi ích quốc gia của chúng tôi,” ông lưu ý.14

Những thành phần hoài nghi khác tin rằng mục tiêu của Trung Hoa có giới hạn, với lập luận cho rằng Trung Hoa không muốn thay thế Hoa Kỳ ở khu vực hoặc toàn cầu và vẫn chính yếu duy trì sự chú tâm vào sự phát triển và ổn định trong nước. Một giới chức của Tòa Bạch Ốc có rất nhiều kinh nghiệm vẫn chưa bị thuyết phục về “niềm khát khao của ông Tập là vứt bỏ Hoa Kỳ ra khỏi Á châu và tiêu diệt các liên minh khu vực của Hoa Kỳ.”15 Các học giả nổi tiếng khác nhấn mạnh hơn vào điểm: “[Một] khái niệm cực kỳ méo mó là giả định quá phổ biến hiện nay là Trung Hoa tìm cách tống (eject) Mỹ ra khỏi Á châu và khuất phục khu vực. Thực ra, không có một bằng chứng xác thực nào về sự hiện hữu của những mục tiêu như vậy của Trung Hoa.”16

Ngược lại với những người hoài nghi này là những người tin tưởng. Nhóm này bị thuyết phục rằng Trung Hoa có một chiến lược quy mô để thay thế Hoa Kỳ ở khu vực và toàn cầu, nhưng họ đã không đưa ra được một công trình làm việc nào để thuyết phục những thành phần hoài nghi. Bên trong chính quyền, một vài giới chức tình báo hàng đầu—gồm cả cựu giám đốc tình báo quốc gia Dan Coates—đã công khai tuyên bố rằng “tự căn bản, Trung Hoa tìm cách thay thế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới” nhưng đã không (hoặc có lẽ không thể) khai triển thêm, họ cũng không gợi ý rằng mục tiêu này được kèm theo bởi một chiến lược cụ thể.17

Bên ngoài chính quyền, chỉ có một số ít công trình gần đây cố gắng minh chứng sự vụ một cách đầy đủ. Nổi tiếng nhất là quyển sách bán chạy nhất mang tên One Hundred Year Marathon của Michael Pillsbury, nhân viên của Ngũ Giác Đài (Bộ Quốc Phòng Mỹ), dù quyển sách lập luận hơi quá đáng là Trung Hoa đã có kế hoạch quy mô bí mật để làm bá chủ toàn cầu từ năm 1949 và, ở những chỗ chính yếu, thì quyển sách lại nặng nề dựa vào tin tức của cá nhân có thẩm quyền và giai thoại (anecdote).18 Nhiều quyển sách khác cũng đi đến những kết luận tương tự và đúng hơn, nhưng lại thiên về trực giác hơn là khắt khe thực nghiệm (rigorously empirical) và đúng ra có thể thuyết phục được nhiều hơn với cách làm việc theo khoa học xã hội và dựa trên một cơ sở chứng minh phong phú hơn.19 Một số ít các tác phẩm về chiến lược quy mô của Trung Hoa lại nhìn từ góc độ rộng hơn nhấn mạnh vào quá khứ xưa cũ hoặc tương lai xa xôi, nhưng bởi đó lại cống hiến ít thời giờ hơn cho khoảng thời gian quan yếu tính từ thời hậu Chiến tranh Lạnh cho đến hiện tại vốn là tâm điểm của sự cạnh tranh Mỹ-Hoa.20 Cuối cùng, một số tác phẩm kết hợp giữa phương cách nhiều thực nghiệm hơn và những lập luận cẩn thận và chính xác về chiến lược quy mô đương thời của Trung Hoa. Những tác phẩm này tạo thành nền tảng cho phương hướng thực hiện quyển sách này.21

Quyển sách này, vốn dựa trên nghiên cứu của nhiều người khác, cũng hy vọng sẽ có một chỗ đứng riêng biệt trong những khía cạnh quan yếu. Những khía cạnh đó bao gồm việc đứng từ quan điểm khoa học-xã hội thuần nhất để xác định và nghiên cứu chiến lược quy mô; một lượng lớn các văn bản tiếng Trung Hoa hiếm khi được trích dẫn hoặc trước đây không có được; một nghiên cứu có hệ thống về những chỗ mù mờ quan yếu (key puzzles) trong cách hành xử ở mặt quân sự, chính trị và kinh tế của Trung Hoa; và xem xét kỹ càng các biến số ảnh hưởng đến việc hình thành sự điều chỉnh chiến lược. Hợp lại, hy vọng quyển sách này sẽ đóng góp vào cuộc tranh luận về một Trung Hoa đang nổi lên với một phương pháp riêng biệt (unique method) cho việc vén lên được chiếc màn che bao phủ chiến lược quy mô của Trung Hoa một cách khe khắt và có hệ thống.

Bên Trong Chiến Lược Quy Mô

Có gặp khó khăn thử thách trong việc giải mã chiến lược quy mô của đối phương từ những hành vi khác thường của họ thì đó cũng không phải là điều mới lạ. Ở những năm trước Thế Chiến I, một nhà ngoại giao người Anh, Eyre Crowe, đã viết một bản văn quan trọng dài 20,000 chữ “Bản ghi nhớ về Hiện Trạng của Quan hệ giữa Anh với Pháp và Đức”(“Memorandum on the Present State of British Relations with France and Germany”) cố gắng giải thích hành vi của một nước Đức đang trỗi dậy trải rộng trên nhiều mặt.22 Crowe là một nhà quan sát nhạy bén về quan hệ Anh-Đức với một đam mê và cách nhìn về chủ đề trên được chỉ dẫn bởi chính di sản của ông ta (informed by his own heritage). Sinh ở Leipzig và học ở Berlin và Düsseldorf, Crowe lai Đức một nửa, nói tiếng Anh nặng giọng Đức (German-accented English), năm 21 tuổi ông gia nhập Văn phòng Ngoại giao Anh. Trong Thế Chiến I, hai bên gia đình người Anh và Đức của ông đã ở trong tình trạng chiến tranh với nhau theo đúng nghĩa đen—cháu trai người Anh của ông đã bỏ mạng trên biển trong khi người anh họ người Đức của ông trở thành Tham mưu trưởng Hải quân Đức.

Nhà ngoại giao người Anh Eyre Crowe (1864-1925). Source: Wikimedia Commons

Trong khuôn khổ công trình nghiên cứu phức tạp của ông, Crowe biện luận rằng “sự lựa chọn phải nằm ở giữa… hai giả thuyết”— mà mỗi giả thuyết ông đưa ra đều giống như lập trường của những người hoài nghi và tin tưởng ngày nay đối với chiến lược quy mô của Trung Hoa.

Crowe, viết bản ghi nhớ (memorandum) vào năm 1907, đã tìm cách phân tích một cách có hệ thống các hành vi khác thường, phức tạp và có vẻ như rời rạc của người Đức về mặt đối ngoại, để xác định xem Berlin có một “thiết kế quy mô” nào để làm nền móng cho những hành vi đó hay không, và để làm báo cáo lên cấp trên những khả thể. Để “hình thành và chấp nhận một lý thuyết phù hợp với tất cả các dữ kiện chính xác về chính sách đối ngoại của Đức,” trong khuôn khổ công trình nghiên cứu phức tạp của ông, Crowe biện luận rằng “sự lựa chọn phải nằm ở giữa… hai giả thuyết”— mà mỗi giả thuyết ông đưa ra đều giống như lập trường của những người hoài nghi và tin tưởng ngày nay đối với chiến lược quy mô của Trung Hoa.23

Giả thuyết thứ nhất của Crowe là Đức không có chiến lược quy mô, mà chỉ có cái mà ông gọi là “khả năng lãnh tụ (statesmanship) mơ hồ, lẫn lộn và không thực tế.” Theo quan điểm này, Crowe đã viết, rất có thể là “nước Đức không thực sự biết là chính cô ta đang lái xe ở đâu, và tất cả các hoạt động ồn ào và náo động (excursions and alarums), cùng tất cả những mưu đồ ám muội của cô ta không đóng góp vào việc thiết kế vững chãi một hệ thống của chính sách được suy tính cẩn trọng và hết mực tuân theo.”24 Ngày nay, lập luận này phản ánh lập luận của những người hoài nghi cho rằng chính trị quan liêu của Trung Hoa, đấu đá nội bộ, các ưu tiên kinh tế và phản ứng máy móc theo dân tộc chủ nghĩa, tất cả đều toa rập để cản trở Bắc Kinh không để họ xây dựng hoặc thực hiện một chiến lược bao quát. 25

Giả thuyết thứ hai của Crowe là các yếu tố quan trọng trong cách hành xử của người Đức được phối hợp với nhau thông qua một chiến lược quy mô “với chủ ý nhắm đến việc thiết lập bá quyền của Đức, ban đầu ở Âu châu, và cuối cùng là trên thế giới.”26 Crowe sau cùng đã chấp nhận phiên bản dè dặt hơn của giả thuyết này, và ông kết luận rằng chiến lược của Đức đã “bắt rễ sâu xa trong vị trí tương ứng của hai nước,” với việc Berlin không hài lòng trước viễn cảnh phải tiếp tục giữ vị trí kẻ dưới (subordinate) của Luân Đôn.27 Lập luận này phản ánh vị trí của những người tin tưởng vào chiến lược quy mô của Trung Hoa. Điều đó cũng giống như lập luận của quyển sách này: Trung Hoa đã theo đuổi nhiều chiến lược khác nhau để thay thế Hoa Kỳ ở cấp độ khu vực và toàn cầu, mà căn bản được thúc đẩy bởi vị trí tương ứng của họ với Washington.

Đáng lưu ý là những câu hỏi mà bản ghi nhớ (memorandum) của Crowe đã tìm tòi có một điểm rất giống với những câu hỏi mà chúng ta đang ôm ghì ngày hôm nay đã không bị thất lạc nơi các giới chức Hoa Kỳ. Henry Kissinger trích dẫn từ bản ghi nhớ trong quyển On China. Max Baucus, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Hoa, thường xuyên đề cập đến bản ghi nhớ này với những người Tàu đối thoại với ông như một cách vòng vo gián tiếp (roundabout way) để hỏi về chiến lược của Trung Hoa.28

Bản ghi nhớ của Crowe có một di sản không thuần nhất, với những đánh giá vào thời đó bị chia rẽ trong việc xem ông liệu có đúng về nước Đức hay không. Tuy nhiên, nhiệm vụ mà Crowe đặt ra, cho tới hôm nay, vẫn rất quan yếu và không kém phần khó khăn, đặc biệt bởi vì Trung Hoa là “mục tiêu cứng nhắc” cho việc thu thập thông tin. Hy vọng rằng phương pháp của Crowe sẽ được cải thiện với một phương cách khác có khả năng “thanh lọc” kỹ càng hơn trong khoa học xã hội (more rigorous and falsifiable approach anchored in social science29). Như chương kế tiếp bàn vào chi tiết, quyển sách này lập luận rằng để xác định được sự hiện hữu, nội dung và sự điều chỉnh chiến lược quy mô của Trung Hoa, các nhà nghiên cứu phải tìm ra được bằng chứng về:

  1. những khả năng chiến lược quy mô trong các định chế an ninh quốc gia;
  2. những khả năng chiến lược quy mô trong các định chế an ninh quốc gia và
  3. sự tiến hành chiến lược quy mô trong cách hành xử của nhà nước.

Nếu không đi theo phương cách như vậy, thì bất kỳ phân tích nào cũng đều dễ trở thành nạn nhân của các loại thành kiến tự nhiên trong “nhận thức và nhận thức sai lầm” một điều thường tái diễn trong những lượng định các quyền lực khác.30

Tóm Tắt Các Chương

Quyển sách này lập luận rằng, kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh, Trung Hoa đã theo đuổi một chiến lược quy mô nhằm thay thế trật tự của Mỹ trước tiên là ở cấp khu vực và hiện giờ là ở cấp toàn cầu.

Chương 1 đưa ra định nghĩa về chiến lược quy mô và trật tự quốc tế, và rồi tìm hiểu bằng cách nào mà các cường quốc đang lên (rising powers) lại thay thế được trật tự của bá quyền (hegemonic order) thông qua các chiến lược làm giảm sức mạnh của đối phương, xây dựng và bành trướng.

Chương này cũng giải thích bằng cách nào mà nhận thức về sức mạnh và sự đe dọa của bá quyền đang ngự trị đã ảnh hưởng đến cường quốc đang lên trong việc họ chọn lựa các chiến lược quy mô.

Chương 2 tập trung vào Đảng Cộng sản Trung Hoa như là một mô liên kết của một định chế (the connective institutional tissue) cho chiến lược quy mô của Trung Hoa. Là một định chế dân tộc chủ nghĩa nổi lên từ men yêu nước ở cuối thời nhà Thanh, Đảng hiện đang tìm cách khôi phục Trung Hoa để đem nó trở về đúng vị trí trong thứ bực toàn cầu vào năm 2049. Là một định chế theo chủ nghĩa Lenin với cấu trúc tập trung, tàn nhẫn vô luân (ruthless amorality) và là đội ngũ tiền phong Leninist tự xem mình đang điều khiển dự án quốc gia, Đảng sở hữu một “khả năng quy mô chiến lược” để phối hợp nhiều công cụ của guồng máy nhà nước trong khi theo đuổi lợi ích quốc gia và xem nhẹ các lợi ích trong phạm vi khác. Cùng hợp chung lại, sự định hướng theo dân tộc chủ nghĩa của Đảng giúp đề ra những mục tiêu cho chiến lược quy mô của Trung Hoa trong khi chủ nghĩa Lênin cung cấp cho họ công cụ để hoàn thành những mục tiêu đó. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cũng Đảng đó đã đứng ngồi không yên trong vòng trật tự của Liên Xô, thì ngày nay khi Trung Hoa đang vươn lên, Đảng này khó có thể vĩnh viễn chịu đựng được vai trò thuộc cấp trong vòng trật tự của Mỹ. Cuối cùng, chương này tập trung vào Đảng như một đối tượng nghiên cứu, lưu ý rằng việc cẩn thận duyệt xét lại nhiều ấn phẩm đồ sộ của Đảng có thể cung cấp một cái nhìn thấu suốt vào các khái niệm chiến lược quy mô của Đảng như thế nào.

Phần I bắt đầu với Chương 3, tìm hiểu giai đoạn làm giảm hiệu năng của địch trong chiến lược quy mô của Trung Hoa thời hậu Chiến tranh Lạnh bằng cách sử dụng các văn bản của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Chương này cho thấy rằng đang xem Hoa Kỳ như một đồng minh giai đoạn (quasi-ally) để chống lại Liên Xô, Trung Hoa đã thay đổi, xem Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất và là “đối thủ chính” (“main adversary”) của họ khi ba biến cố đau thương xảy ra: Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, Chiến tranh vùng Vịnh, và Sự Sụp đổ của Liên Xô. Đáp lại, Bắc Kinh đã đưa ra chiến lược làm giảm hiệu năng dưới huấn thị của Đảng là “che giấu khả năng và chờ đợi thời cơ” (“hiding capabilities and biding time”). Chiến lược này vừa là công cụ (instrumental) vừa là chiến thuật. Các nhà lãnh đạo Đảng đã rõ rệt buộc huấn thị này vào nhận thức về sức mạnh của Hoa Kỳ như được ghi nhận trong các cụm từ “sự cân bằng của các lực lượng quốc tế” (“international balance of forces”) và “đa cực” (multipolarity), và một cách âm thầm và không cân xứng (asymmetrically) Trung Hoa đã tìm cách làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở Á châu thông qua các công cụ quân sự, kinh tế và chính trị, mỗi công cụ này được xét đến trong ba chương kế tiếp.

Chương 4 xét đến việc làm giảm hiệu năng đối thủ ở lãnh vực quân sự. Chương này cho thấy ba biến cố thảm kịch nói trên đã khiến Trung Hoa chuyển đổi chiến lược từ “kiểm soát biển” (sea control), gia tăng chú tâm vào việc nắm giữ vùng lãnh thổ biển ở tầm xa, sang “từ khước biển” (sea denial), chú trọng vào việc ngăn chặn không cho quân Mỹ đi ngang qua, kiểm soát hoặc can thiệp vào các vùng biển gần Trung Hoa. Sự thay đổi đó đưa đến nhiều thử thách, vì vậy Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ “bắt kịp ở một số khu vực nhưng không được vậy ở một số khu vực khác” và họ thề sẽ xây dựng lên “bất cứ điều gì làm kẻ thù lo sợ” để hoàn thành mục tiêu đó—kết quả là họ hoãn lại việc mua các tàu chiến đắt tiền và dễ bị tổn thương như hàng không mẫu hạm và thay vào đó đầu tư vào những vũ khí “từ khước biển” bất đối xứng (asymmetric denial weapons) rẻ tiền hơn. Bắc Kinh, tiếp đó, đã xây dựng một kho mìn lớn nhất thế giới, tên lửa đạn đạo chống chiến hạm đầu tiên trên thế giới và hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới—tất cả nhằm làm suy yếu sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.

Chương 5 xét đến việc làm giảm hiệu năng đối thủ ở lãnh vực chính trị. Chương này cho thấy ba biến cố thảm kịch nói trên đã khiến Trung Hoa đảo ngược lại việc trước đây mà họ chống đối để gia nhập vào các định chế trong khu vực. Bắc Kinh sợ rằng các tổ chức đa phương như Tổ chức Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation- APEC) và Hiệp hội của Diễn đàn Khu vực của các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations Regional Forum – ARF) có thể bị Washington dùng để xây dựng một trật tự tự do cho khu vực hoặc ngay cả là một NATO của Á châu, vì vậy Trung Hoa đã gia nhập nhằm làm giảm sức mạnh của Mỹ. Trong những tổ chức này, Trung Hoa làm đình trệ sự tiến triển của định chế, khai thác các quy tắc của định chế để trói tay không cho Hoa Kỳ tự do vận dụng, và hy vọng sự tham gia của họ sẽ trấn an các nước láng giềng đang lưỡng lự cân nhắc, còn như ngược lại thì các quốc gia đó sẽ bị cám dỗ để tham gia một liên minh đối trọng do Hoa Kỳ dẫn đầu (US-led balancing coalition).

Chương 6 xét đến việc làm giảm hiệu năng đối thủ ở lãnh vực kinh tế. Chương này đưa ra lập luận ba biến cố thảm kịch đã phô ra sự phụ thuộc trần trụi của Trung Hoa vào thị trường, vốn và công nghệ của Hoa Kỳ—rõ nhất là qua các lệnh trừng phạt thời hậu Thiên An Môn và sự đe dọa của Washington đòi thu hồi quy chế tối huệ quốc (most-favored-nation, MFN) trong mậu dịch dành cho Trung Hoa, vốn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế của họ. Bắc Kinh đã tìm cách không tách rời ra khỏi Hoa Kỳ mà thay vào đó họ cột cứng lại việc tùy nghi sử dụng sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ, và họ đã nỗ lực để loại bỏ quy chế MFN ra khỏi sự duyệt lại (review) của quốc hội Hoa Kỳ thông qua việc đã đạt được “quan hệ mậu dịch bình thường dài hạn (permanent normal trading relations),” tận dụng các cuộc đàm phán trong APEC và Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization, WTO) để có được quy chế đó.

Vì các nhà lãnh đạo Đảng rõ rệt buộc chặt việc làm giảm hiệu năng vào sự lượng định sức mạnh của Mỹ, điều đó có nghĩa là khi những nhận thức đó thay đổi, thì chiến lược quy mô của Trung Hoa cũng thay đổi theo. Phần II của quyển sách tìm hiểu giai đoạn thứ hai trong chiến lược quy mô của Trung Hoa, vốn tập trung vào việc xây dựng trật tự khu vực. Chiến lược này diễn ra dưới sự sửa đổi huấn thị của Đặng Tiểu Bình “che giấu khả năng và chờ đợi thời cơ,” để thay vào đó là một chiến lược nhấn mạnh vào việc “tích cực hoàn thành một điều gì đó” (“actively accomplishing something”).

Chương 7 tìm hiểu việc xây dựng chiến lược này trong các văn bản của Đảng, qua đó đã cho thấy sự kinh động của Cuộc Khủng hoảng Tài chánh Toàn cầu (Global Financial Crisis) khiến Trung Hoa nhìn Hoa Kỳ như là đang suy yếu và đã khuyến khích họ chuyển sang chiến lược xây dựng. Chương này bắt đầu bằng việc kỹ lưỡng duyệt xét các luận bàn (discourse) của Trung Hoa về “đa cực” và “sự cân bằng của các lực lượng quốc tế.” Sau đó, cho thấy rằng Đảng đã tìm cách đặt nền móng cho trật tự—khả năng cưỡng chế, trả giá đồng thuận (consensual bargains) và tính chính danh—dưới sự bảo trợ của huấn thị đã được hiệu chỉnh “tích cực hoàn thành một điều gì đó” do nhà lãnh đạo Trung Hoa Hồ Cẩm Đào ban hành. Giống như chiến lược làm giảm hiệu năng của địch trước đó, chiến lược này được thực hiện qua nhiều công cụ của guồng máy nhà nước—quân sự, chính trị và kinh tế—mỗi nơi nhận một phần.

Chương 8 tập trung vào việc xây dựng ở lãnh vực quân sự, nhắc lại Cuộc Khủng hoảng Tài chánh Toàn cầu đã đẩy nhanh thêm sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Trung Hoa từ chú tâm duy nhất vào việc làm giảm sức mạnh của Mỹ qua việc từ chối trên biển (sea denial) sang một chú tâm mới là xây dựng trật tự qua việc kiểm soát mặt biển (sea control). Trung Hoa hiện đang tìm kiếm khả năng để trấn giữ các đảo xa, bảo vệ các tuyến đường biển, can thiệp vào các nước láng giềng và cung cấp hàng hóa an ninh công cộng (public security goods). Cho những mục tiêu này, Trung Hoa cần một cấu trúc sức mạnh khác, một cấu trúc mà trước đây họ đã hoãn lại chưa thực hiện vì sợ rằng cấu trúc này sẽ dễ bị thương tổn trước Hoa Kỳ và gây lo ngại cho các nước láng giềng. Đây là những rủi ro mà hiện nay Bắc Kinh, với nhiều tự tin hơn, sẵn sàng chấp nhận. Trung Hoa đã nhanh chóng tăng cường đầu tư vào hàng không mẫu hạm, chiến hạm trên mặt biển, chiến hạm đổ bộ, lực lượng thủy quân lục chiến và các căn cứ ở nước ngoài.

Chương 9 tập trung vào việc xây dựng ở lãnh vực chính trị. Chương này cho thấy cuộc Khủng hoảng Tài chánh Toàn cầu đã khiến Trung Hoa rời bỏ chiến lược làm giảm hiệu năng của đối thủ như thế nào để tập trung vào việc gia nhập và làm ngưng trệ các tổ chức khu vực để bước sang qua chiến lược xây dựng có liên quan đến việc thành lập các định chế của họ. Trung Hoa đã dẫn đầu trong việc ra mắt Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu (Asia Infrastructure Investment Bank, AIIB) và nâng cao và định chế hóa (institutionalization) một tổ chức mà trước đây ít người biết đến là Hội nghị về Tương tác và Các Biện pháp Xây dựng Tự tin ở Á châu (Conference on Interaction and Confidence-Building Measures in Asia, CICA). Sau đó, Trung Hoa dùng các định chế này, với sự thành công lẫn lộn, như những công cụ để định hình trật tự khu vực trong các lãnh vực kinh tế và an ninh theo các chiều hướng mà họ ưa thích.

Chương 10 tập trung vào việc xây dựng ở lãnh vực kinh tế. Chương này lập luận rằng cuộc Khủng hoảng Tài chánh Toàn cầu đã giúp Bắc Kinh rời bỏ thế thủ trong chiến lược làm giảm hiệu năng nhắm vào các đòn bẩy kinh tế của Mỹ để bước sang thế công với chiến lược xây dựng được thiết kế để xây dựng những năng lực kinh tế cưỡng chế và đồng thuận của Trung Hoa. Ngay trung tâm của nỗ lực này là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Hoa, họ mạnh mẽ sử dụng guồng máy kinh tế quốc gia để chống lại các nước láng giềng, và nỗ lực để đạt được ảnh hưởng tài chánh lớn hơn.

Bắc Kinh đã dùng các chiến lược làm giảm hiệu năng đối phương và xây dựng này để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở Á châu và để kiến tạo những nền tảng cho bá quyền (của họ) trong khu vực. Sự tương đối thành công của chiến lược rất đáng chú ý, nhưng tham vọng của Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khi Washington bị thấy là vấp ngã một lần nữa, thì chiến lược quy mô của Trung Hoa đã xoay chuyển (evolved)—lần này theo hướng toàn cầu hơn. Phần III của quyển sách tập trung vào chiến lược quy mô thứ ba của Trung Hoa, là chiến lược bành trướng toàn cầu, nhằm tìm cách không những làm giảm hiệu năng của Hoa Kỳ mà đặc biệt là còn xây dựng trật tự toàn cầu và thay thế Hoa Kỳ trong vị trí lãnh đạo của họ.

Chương 11 luận bàn về buổi bình minh của chiến lược bành trướng của Trung Hoa. Chương này lập luận rằng chiến lược này xuất hiện sau khi ba biến cố khác xảy ra, lần này gồm có Brexit, cuộc bầu lên Donald Trump và phản ứng yếu kém lúc ban đầu của Tây phương đối với đại dịch coronavirus. Trong giai đoạn này, Đảng Cộng sản Trung Hoa đã đạt được một đồng thuận mâu thuẫn nhau (paradoxical consensus): họ kết luận rằng Hoa Kỳ đang rút lui trên toàn cầu nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng thức dậy trước sự thách thức song phương của Trung Hoa. Trong tư tưởng của Bắc Kinh, “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ” đang diễn ra và đem đến cho Trung Hoa một cơ hội để thay thế Hoa Kỳ như là một quốc gia đứng đầu toàn cầu vào năm 2049, với thập niên kế tiếp được xem là tối quan trọng cho mục tiêu này.

Chương 12 bàn luận về “cách thức và phương tiện” trong chiến lược bành trướng của Trung Hoa. Chương này cho thấy về mặt chính trị, Bắc Kinh tìm cách đưa ra cho họ vai trò lãnh đạo trong việc quản trị toàn cầu và các định chế quốc tế và đẩy mạnh các khuôn mẫu độc tài (autocratic norms). Về mặt kinh tế, Bắc Kinh sẽ làm suy yếu các lợi thế tài chánh đã bảo đảm cho quyền bá chủ của Hoa Kỳ và chiếm lấy các cao điểm của “cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ tư.” Và về mặt quân sự, Trung Hoa sẽ thực sự đưa quân đội của họ lên thành lực lượng quân sự toàn cầu với các căn cứ ở nước ngoài trên khắp thế giới.

Chương 13, chương cuối của quyển sách, phác thảo ra cách ứng phó của Hoa Kỳ đối với tham vọng của Trung Hoa trong việc tống xuất Hoa Kỳ ra khỏi trật tự khu vực và toàn cầu. Chương này chỉ trích cả những người ủng hộ chiến lược đối đầu không hiệu quả (counterproductive) lẫn những kẻ thỏa hiệp với một trong những món lợi lớn, cả hai thành phần bên trên đều không đánh giá đúng đắn những sóng gió bên trong của Hoa Kỳ và những tham vọng chiến lược của Trung Hoa. Chương này thay vào đó đưa ra lập luận về một chiến lược cạnh tranh bất đối xứng, một chiến lược không đòi hỏi phải cạnh tranh trên căn bản một-đổi-một, đô la-với-đô la, tàu chiến-với-tàu chiến, hay mượn nợ-với-mượn nợ (dollar-for-dollar, ship-for-ship, or loan-for-loan).

Phương cách giải quyết có hiệu quả về chi phí này nhấn mạnh vào việc phủ nhận quyền bá chủ của Trung Hoa ngay từ khu vực nhà của họ (home region) và—lấy ra ngay tự bài bản của chính Trung Hoa trong chiến lược làm giảm hiệu năng của đối phương—tập trung vào việc hủy hoại các nỗ lực của Trung Hoa ở Á châu và trên toàn thế giới bằng những cách ít tốn kém hơn nỗ lực xây dựng bá quyền của Bắc Kinh. Đồng thời, chương này lập luận rằng Hoa Kỳ cũng nên theo đuổi việc xây dựng trật tự, tái đầu tư vào chính những nền tảng chính yếu của trật tự toàn cầu của Hoa Kỳ mà Bắc Kinh hiện đang tìm cách làm suy yếu. Cuộc thảo luận này nhằm thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng ngay cả khi phải đối diện với những thử thách bên trong và ngoài nước, Hoa Kỳ vẫn có thể bảo đảm được lợi ích của mình và chống lại sự lan rộng của phạm vi ảnh hưởng phi tự do—nhưng chỉ làm được điều đó nếu nhận ra rằng chìa khóa để đánh bại chiến lược của đối phương là đầu tiên phải hiểu được chiến lược đó.

San Jose, Ngày 12 tháng 8, 2021
Trần Trung Tín chuyển ngữ,


Bài đọc thêm:


Tác Giả của The Long Game: China’s Grand Strategy To Displace American Order

Rush Doshi là cựu giám đốc của Brookings China Strategy Initiative và thành viên trong Brookings Foreign Policy. Ông cũng là cựu thành viên của Yale Law School’s Paul Tsai China Center. Hiện nay, ông đang giữ chức vụ Director for China trong Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council, NSC) của chính quyền Biden.



Chú thích

  1. Harold James, Krupp: A History of the Legendary British Firm (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2012), 51.
  2. For this memo, see Li Hongzhang [李鸿章], “Memo on Not Abandoning the Manufacture of Ships” [筹议制造轮船未可裁撤折], in The Complete Works of Li Wenzhong [李文忠公全集], vol. 19, 1872, 45. Li Hongzhang was also called Li Wenzhong.
  3. Xi Jinping [习近平], “Xi Jinping Delivered an Important Speech at the Opening Ceremony of the Seminar on Learning and Implementing the Spirit of the Fifth Plenary Session of the 19th Central Committee of the Party” [习近平在省部级主要领导干部学习贯彻党的十九届五中全会精神专题研讨班开班式上发表重要讲话], Xinhua [新华], January 11, 2021.
  4. Evan Osnos, “The Future of America’s Contest with China,” The New Yorker, January 13, 2020, https://www.newyorker.com/magazine/2020/01/13/the-future-of-americas-contest-with-china.
  5. For example, John Lewis Gaddis, Strategies of Containment: A Critical Appraisal of American National Security Policy during the Cold War (Oxford, U.K.: Oxford University Press, 2005).
  6. Robert E. Kelly, “What Would Chinese Hegemony Look Like?,” The Diplomat, February 10, 2014, https://thediplomat.com/2014/02/what-would-chinese-hegemony-look-like/; Nadège Rolland, “China’s Vision for a New World Order” (Washington, DC: The National Bureau of Asian Research, 2020), https://www.nbr.org/publication/chinas-vision-for-a-new-world-order/.
  7. See Yuan Peng [袁鹏], “The Coronavirus Pandemic and the Great Changes Unseen in a Century,” [新冠疫情与百年变局], Contemporary International Relations [现代国际关系], no. 5 (June 2020): 1–6, by the head of the leading Ministry of State Security think tank.
  8. Michael Lind, “The China Question,” Tablet, May 19, 2020, https://www.tabletmag.com/sections/news/articles/china-strategy-trade-lind.
  9. Graham Allison and Robert Blackwill, “Interview: Lee Kuan Yew on the Future of U.S.-China Relations,” The Atlantic, March 5, 2013, https://www.theatlantic.com/china/archive/2013/03/interview-lee-kuan-yew-on-the-future-of-us-china-relations/273657/.
  10. Andrew F. Krepinevich, “Preserving the Balance: A U.S. Eurasia Defense Strategy” (Washington, DC: Center for Strategic and Budgetary Assessments, January 19, 2017), https://csbaonline.org/uploads/documents/Preserving_the_Balance_%2819Jan17%29HANDOUTS.pdf.
  11. “GDP, (US$),” World Bank, 2019, https://data.worldbank.org/indicator/ny.gdp.mktp.cd.
  12. Angela Stanzel, Jabin Jacob, Melanie Hart, and Nadège Rolland, “Grand Designs: Does China Have a ‘Grand Strategy’” (European Council on Foreign Relations, October 18, 2017), https://ecfr.eu/publication/grands_designs_does_china_have_a_grand_strategy/#.
  13. Susan Shirk, “Course Correction: Toward an Effective and Sustainable China Policy” (remarks, National Press Club, Washington, DC, February 12, 2019), https://asiasociety.org/center-us-china-relations/events/course-correction-toward-effective-and-sustainable-china-policy.
  14. Quoted in Robert Sutter, Chinese Foreign Relations: Power and Policy since the Cold War, 3rd ed. (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2012), 9–10. See also Wang Jisi, “China’s Search for a Grand Strategy: A Rising Great Power Finds Its Way,” Foreign Affairs 90, no. 2 (2011): 68–79, https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2011-02-20/chinas-search-grand-strategy.
  15. Jeffrey A. Bader, “How Xi Jinping Sees the World, and Why” (Washington, DC: The Brookings Institution, 2016), https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2016/07/xi_jinping_worldview_bader-1.pdf.
  16. Michael Swaine, “The U.S. Can’t Afford to Demonize China,” Foreign Policy, June 29, 2018, https://foreignpolicy.com/2018/06/29/the-u-s-cant-afford-to-demonize-china/.
  17. Jamie Tarabay, “CIA Official: China Wants to Replace US as World Superpower,” CNN, July 21, 2018, https://www.cnn.com/2018/07/20/politics/china-cold-war-us-superpower-influence/index.html. Daniel Coats, “Annual Threat Assessment,” (testimony, January 29, 2019), https://www.dni.gov/files/documents/Newsroom/Testimonies/2019-01-29-ATA-Opening-Statement_Final.pdf.
  18. Alastair Iain Johnston, “Shaky Foundations: The ‘Intellectual Architecture’ of Trump’s China Policy,” Survival 61, no. 2 (2019): 189–202, https://doi.org/10.1080/00396338.2019.1589096; Jude Blanchette, “The Devil Is in the Footnotes: On Reading Michael Pillsbury’s The Hundred-Year Marathon” (La Jolla, CA: UC San Diego 21st Century China Program, 2018), https://china.ucsd.edu/_files/The-Hundred-Year-Marathon.pdf.
  19. Jonathan Ward, China’s Vision of Victory (Washington, DC: Atlas Publishing and Media Company, 2019); Martin Jacques, When China Rules the World: The Rise of the Middle Kingdom and the End of the Western World (New York: Penguin, 2012).
  20. Sulmaan Wasif Khan, Haunted by Chaos: China’s Grand Strategy from Mao Zedong to Xi Jinping (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2018); Andrew Scobell, Edmund J. Burke, Cortez A. Cooper III, Sale Lilly, Chad J. R. Ohlandt, Eric Warner, J.D. Williams, China’s Grand Strategy Trends, Trajectories, and Long-Term Competition (Santa Monica, CA: RAND Corporation, 2020), https://www.rand.org/pubs/research_reports/RR2798.html.
  21. See Avery Goldstein, Rising to the Challenge China’s Grand Strategy and International Security (Stanford, CA: Stanford University Press, 2005); Aaron L. Friedberg, A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia (New York: W. W. Norton, 2012); David Shambaugh, China Goes Global: The Partial Power (Oxford, U.K.: Oxford University Press, 2013); Ashley J. Tellis, “Pursuing Global Reach: China’s Not So Long March toward Preeminence,” in Strategic Asia 2019: China’s Expanding Strategic Ambitions, eds. Ashley J. Tellis, Alison Szalwinski, and Michael Wills (Washington, DC: National Bureau of Asian Research, 2019), 3–46, https://www.nbr.org/publication/strategic-asia-2019-chinas-expanding-strategic-ambitions/.
  22. For the full text, as well as the responses to it within the British Foreign Office, see Eyre Crowe, “Memorandum on the Present State of British Relations with France and Germany,” in British Documents on the Origins of the War, 1898–1914, eds. G. P. Gooch and Harold Temperley (London: His Majesty’s Stationary Office, 1926), 397–420.
  23. Ibid., 417.
  24. Ibid., 415.
  25. Ibid., 415.
  26. Ibid., 414.
  27. Ibid., 414.
  28. Interview
  29. Ghi chú thêm: Học thuyết Falsifiability được Karl Popper (1902-1994), một triết gia người Anh gốc Áo, có ảnh hưởng trong môn triết lý của khoa học (philosophy of science), giới thiệu trong quyển Logik der Forschung (1934), đến năm 1959 được dịch sang Anh ngữ trong quyển The Logic of Scientific Discovery – https://en.wikipedia.org/wiki/Falsifiability.

    Triết lý của khoa học (philosophy of science) là một ngành của triết học quan tâm đến nền tảng (foundations), phương pháp (methods), và hàm ý của khoa học (implications of science) – https://en.wikipedia.org/wiki/Philosophy_of_science.

    Theo Popper, một lý thuyết trong khoa học thực nghiệm không bao giờ có thể chứng minh được, nhưng lý thuyết đó có thể bị làm cho sai lạc, có nghĩa là lý thuyết đó có thể (và nên) được xét nghiệm kỹ lưỡng bằng những thí nghiệm chắc chắn. (According to Popper, a theory in the empirical sciences can never be proven, but it can be falsified, meaning that it can (and should) be scrutinised with decisive experiments – https://en.wikipedia.org/wiki/Karl_Popper.

  30. Robert Jervis, Perception and Misperception in International Politics (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1976).

2 Comments

  1. TrantuanngocK28

    Càng ngày Tín càng có nhiều bài sưu khảo có giá trị. Cám ơn Trần Trung Tín đã bỏ thì giờ để sưu tầm và viết.

    • editor

      Cám ơn NT Trần Tuấn Ngọc. -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *