Hiểu rõ tham vọng muốn làm bá chủ mặt biển, cung cách suy nghĩ, và nhược điểm của Trung Hoa, có lẽ khó có ai hơn được Nhật Bản. Trong cố gắng tìm hiểu về chiến lược trên mặt đại dương của Trung Hoa, xin giới thiệu một nghiên cứu phân tích của cựu Phó Đô Đốc Hải Quân Nhật, Yoji Koda1, được CNAS (Center For A New American Security) công bố vào tháng Ba, 2017: China’s Blue Water Navy Strategy and its Implications.
– We need to do more to take interests in the sea, understand the sea, and strategically manage the sea, and continually do more to promote China’s efforts to become a maritime power.
– Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để đạt được quyền lợi trên biển, hiểu biển, và khiển dụng biển một cách chiến lược, và tiếp tục làm nhiều hơn nữa để nâng cao các nỗ lực của Trung Hoa để trở thành một sức mạnh trên biển cả.
-Xi Jinping (Tập Cận Bình)
Trần Trung Tín chuyển ngữ
MỞ ĐẦU
Trong những năm gần đây, Trung Hoa vẫn thách thức những tiêu chuẩn quốc tế hiện hành đã ổn định từ lâu về hàng hải, và được thể hiện qua Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS), luật pháp quốc tế thông dụng (customary international law), và các tiêu chuẩn quốc tế về cách hành xử trên mặt biển.
Trung Hoa đã thách thức bằng những tuyên bố đơn phương về chủ quyền sâu rộng của họ trên những phần lãnh thổ hay vùng biển và bằng những thủ đoạn thô bạo (heavy-handed maneuvers) trong những vùng biển chung quanh, đặc biệt là vùng Biển Đông (South China Sea – SCS) và Biển Hoa Đông (East China Sea – ECS).
Việc Trung Hoa sẵn sàng mạnh mẽ thực hiện những bước đơn phương nhằm áp đặt ảnh hưởng của họ lên những vấn đề hàng hải đều có liên quan mật thiết đến các mục tiêu quốc gia của họ.
Một cách tổng quát, Trung Hoa có năm (05) mục tiêu quốc gia:
- Bảo toàn thẩm quyền không giới hạn của đảng cộng sản Trung Hoa;
- Bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Hoa;
- Nâng cao phúc lợi xã hội và phẩm chất cuộc sống của người dân Trung Hoa;
- Xây dựng và duy trì một tư thế hạt nhân chiến lược có thể so sánh với tư thế của Hoa Kỳ;
- Xây dựng cho Trung Hoa một khả năng viễn chinh toàn cầu, điều mà Hoa Kỳ vốn vẫn độc quyền bấy lâu nay trong nhiều thập kỷ.
Ngoại trừ mục tiêu số 1, hiển nhiên các mục tiêu còn lại đều liên hệ đến sức mạnh hàng hải/hải quân (maritime/naval) và quan hệ Mỹ-Hoa.
Để thực hiện mục tiêu số 2, Trung Hoa cần xây dựng được một vị thế phòng thủ sâu kín hoặc có nhiều lớp phòng thủ (a defense-in-depth/layered-defense posture) ngay nơi vùng biển chung quanh họ. Để đạt được vị thế này, Trung Hoa dự định nắm lấy quyền kiểm soát các đặc điểm hàng hải (maritime features) trong vùng biển lân cận cho những mục đích quốc phòng của họ, càng nhiều càng tốt bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, chính sách này chắc chắn sẽ đưa đến sự cọ sát trầm trọng với những quốc gia láng giềng. Thêm nữa, khi thực hiện mục tiêu này, Trung Hoa thường xuyên thách thức những chuẩn mực quốc tế lâu đời và gây ra những vấn nạn phức tạp cho cộng đồng thế giới.
Về việc này, vì có sự cách biệt quá lớn về sức mạnh quân sự giữa quân đội Trung Hoa và những quốc gia mà họ thách thức, cho nên chỉ các lực lượng của Hoa Kỳ trong vùng mới là thực thể duy nhất có thể ngăn chận được những toan tính của Trung Hoa muốn dùng sức mạnh quân sự để thực hiện những mục tiêu của họ.
Trong trường hợp có khủng hoảng khu vực hoặc chiến tranh, chưa kể đến việc đụng độ quân sự trực tiếp giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Hoa, thì chỉ để có thể phòng thủ nội địa và bảo vệ được các quyền lợi quốc gia của họ, rõ ràng là bằng mọi cách Trung Hoa cần phải ngăn chặn sự can thiệp của các lực lượng Hoa Kỳ.
Vì lý do đó, Trung Hoa đã phải phát triển một chiến lược cho riêng họ nhằm làm Hoa Kỳ chùn bước trước mọi can thiệp và, cuối cùng, Trung Hoa sẽ giữ Hoa Kỳ ở bên ngoài khu vực vào bất cứ lúc nào và với bất cứ giá nào. Đây cũng là lý do tại sao Trung Hoa thường cứng rắn trong những vấn đề hàng hải. Những điều này cũng là những nguyên lý an ninh căn bản của chiến lược A2/AD (Anti-Access/Area Denial)2 của Trung Hoa sẽ được bàn luận trong phần kế tiếp.
Tương tự, mục tiêu số 3 của Trung Hoa gắn liền với quyền phổ quát (universal right) được tự do sử dụng biển và được an toàn/an ninh trên những hải trình trên mặt biển (Sea Lines of Communication – SLOCs) dành cho bất cứ quốc gia nào. Nhưng trong lãnh vực này, Trung Hoa thích thu hẹp và giới hạn lại những nguyên lý căn bản. Chính vì thế đã sản sinh ra những bất đồng mạnh mẽ giữa Trung Hoa và những quốc gia khác trong vùng, gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Mục tiêu số 4 cũng tương tự như sự tranh đua của chiến lược hàng hải hạt nhân và sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô cũ. Hiện tại, Trung Hoa phải đối đầu với các lực lượng của Hoa Kỳ thường trực trú đóng tại những khu vực chung quanh. Vì lý do đó, lẽ tự nhiên là Trung Hoa chắc chắn sẽ phải đua tranh với những lực lượng hùng hậu của hải quân Hoa Kỳ.
Mục tiêu số 5 liên quan đến khả năng có thể vươn tới bất cứ nơi nào trên toàn cầu của Hoa Kỳ, vốn được hỗ trợ bởi cả luật pháp quốc tế thông dụng (customary international law) và sự độc quyền viễn chinh trên toàn cầu mà hải quân Hoa Kỳ đang nắm giữ. Cho dù có một quyết tâm mạnh mẽ để trở thành một đại cường mới, Trung Hoa vẫn là kẻ đến sau. Do vậy để có thể thực hiện mục tiêu số 5, họ phải đối đầu với các trật tự trong lãnh vực hàng hải tại khu vực và trên toàn cầu, và các trật tự đó đã bị hải quân Hoa Kỳ khống chế trong hầu hết mọi trường hợp.
Như đã khảo sát bên trên, rõ ràng là có nhiều bất đồng về các nguyên tắc căn bản của các vấn đề hàng hải giữa hai quốc gia và hải quân của họ. Theo quan điểm đó, sẽ rất đúng khi ước tính rằng Trung Hoa đang thách thức các chuẩn mực này vì họ vẫn nghĩ rằng các chuẩn mực quốc tế ngày nay đa số đã bị Hoa Kỳ kiểm soát và bất lợi cho chính sách hàng hải của Trung Hoa. Vì vậy, Trung Hoa cố gắng làm suy yếu ảnh hưởng trên toàn cầu của Hoa Kỳ và hải quân của họ bằng bất cứ giá nào, và trong tương lai Trung Hoa vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy.
Phương cách của Trung Hoa để giải quyết các vấn đề quốc tế có vẻ như được hình thành bởi những kết hợp linh động của bốn chiến lược liên kết lẫn nhau:
- Một khi các luật lệ này có lợi cho họ, Trung Hoa hoàn toàn tuân theo các luật lệ đó;
- Cố gắng đẩy mạnh các diễn dịch luật lệ thế giới theo một phương cách riêng biệt (unique) và làm lợi cho họ, khi có chỗ có thể diễn dịch lỏng lẻo hơn để hỗ trợ cho vị thế của Trung Hoa;
- Khi luật lệ hoàn toàn bất lợi, họ tuyên bố hoàn toàn không đồng ý hoặc không biết luật đó;
- Và cuối cùng, dùng mọi thủ đoạn để tạo ra một quy luật mới làm thay đổi các chế độ hiện hành khi các tiền lệ hoặc thì yếu kém hoặc không còn hiện hữu.
Tùy theo bản chất của vấn đề, Trung Hoa sẽ chọn lựa và áp dụng một hay nhiều phương cách nói trên sao cho có lợi nhất cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và bảo toàn quyền lợi của họ.
Những thủ đoạn chiến thuật chính trị này của Trung Hoa dễ làm rối trí (confuse) cộng đồng quốc tế, gồm luôn cả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Do vậy sẽ làm phức tạp thêm cho cộng đồng quốc tế khi cần phải có những phản ứng nhanh chóng và dứt khoát.
Lúc sau này, những chiến lược mạnh mẽ (assertive) hơn đòi hỏi Trung Hoa phải có khả năng vươn tới (reach) và có ảnh hưởng vượt ra xa khỏi bờ biển của họ. Trong suốt hai thập kỷ xây dựng, hải quân Trung Hoa đã tạo được những tiến bộ và mở rộng đáng kể cả về lượng và phẩm, và hải quân là một trong những thành phần chính yếu hỗ trợ việc tuyên bố chủ quyền biển của Trung Hoa.
Dù vậy, hải quân Trung Hoa vẫn còn có nhiều vấn đề làm cho nó yếu kém hơn so với riêng hải quân Hoa Kỳ, cũng như so với sự kết hợp của hai đồng minh hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mặt khác những hạn chế về mặt địa lý chính trị đối với Trung Hoa đã ngăn trở hoạt động của hải quân Trung Hoa phía bên ngoài vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông (East and South China Seas).
Vì vậy câu hỏi phải đặt ra là: vốn đã là một anh khổng lồ địa phương rồi, liệu hải quân Trung Hoa có thể nào thực sự là một “hải quân biển xanh” (blue-water navy)3 có thể mở rộng ảnh hưởng của Trung Hoa trong khu vực bằng cách hoạt động liên tục ra xa khỏi Biển Đông và Biển Hoa Đông – nghĩa là ở Thái Bình Dương và/hoặc Ấn Độ Dương? Trở ngại gì có thể ngăn cản hải quân Trung Hoa để họ không hoạt động tầm xa được?
Bài viết này sẽ đưa ra những lập luận để chứng tỏ rằng trở ngại chính cho sự vươn lên của hải quân Trung Hoa nằm ở chỗ liệu họ có thể kiểm soát được những yếu điểm nút chặn (choke-points) chính yếu trong các vùng biển tiếp cận ngay bên cạnh họ- những yếu điểm dễ bị thương tổn bởi sự ngăn chận của các quốc gia khác, quan trọng nhất là Hoa Kỳ.
Việc Trung Hoa nỗ lực để gây ra tổn thất nặng nề cho Hoa Kỳ và đồng minh nếu các quốc gia này có hành động quân sự bên trong “chuỗi đảo đầu tiên” (“first island chain”) không phải chỉ là vì những vấn đề như tái thống nhất của Đài Loan, mà còn là để tạo ra một bàn đạp cho Trung Hoa có thể bành trướng hải phận và không phận của họ sang những vùng có ảnh hưởng đến toàn thể khu vực (maritime and air commons).
Bài viết này sẽ phác thảo ra chiến lược đó, bàn luận về các nỗ lực của hải quân Trung Hoa để xây dựng khả năng của họ và trình bày những nhược điểm có thể làm suy yếu chiến lược này và cuối cùng kết luận rằng chỉ có một cách mà Washington và các đồng minh, đặc biệt là Tokyo, có thể giới hạn tham vọng Trung Hoa trên mặt biển và đó là cách tiếp tục duy trì sự kiểm soát những điểm nút chặn chiến lược (strategic chokepoints).
CHÍNH SÁCH VÀ CHIẾN LƯỢC A2/AD CỦA TRUNG HOA
Được phát triển bởi các nhà tư tưởng hải quân phương Tây, khái niệm Chống Truy Cập (Anti-Access, A2) và Phủ Nhận Khu Vực (Area Denial, AD) là một lý thuyết tổng quát, khi đem ra áp dụng sẽ có lợi cho người yếu kém (inferior) để đối phó với đối phương mạnh hơn (superior) trong kỷ nguyên của vũ khí tầm xa rất chính xác. Tại môi trường an ninh hiện nay ở khu vực Indo-Asia-Pacific, rõ ràng Trung Hoa là kẻ yếu và Hoa Kỳ là kẻ mạnh. [Ghi chú: Để cho đơn giản, trong các phần từ đây về sau, người dịch sẽ dùng A2/AD theo như nguyên bản thay vì Chống Truy Cập/Phủ Nhận Khu Vực.]
A2/AD là chiến lược Trung Hoa áp dụng để đạt được các mục tiêu quốc gia của họ mà không trực tiếp đụng độ với lực lượng mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ trong khu vực. So với Mỹ, Trung Hoa vẫn yếu kém hơn trong thập niên 2020s và có thể cả thập niên 2030s. Thách đố lớn nhất cho các mục tiêu quốc gia của họ vẫn là Hoa Kỳ và các lực lượng trong khu vực, vốn được hình thành bởi liên minh Nhật-Mỹ.
Vì vậy, Trung Hoa đã phát triển một chính sách và chiến lược để giữ những lực lượng của Hoa Kỳ đứng bên ngoài khu vực bằng cách phô diễn hoặc “hàm ý” cho thấy khả năng của hải quân Trung Hoa có thể phá hủy những sức mạnh chính yếu của Hoa Kỳ, hàng không mẫu hạm, trong những vùng biển cách xa Trung Hoa lục địa. Bên cạnh các hệ thống mới như hỏa tiễn đạn đạo chống tàu chiến, Trung Hoa sẽ điều động tàu ngầm và máy bay cất cánh từ bờ biển được trang bị hỏa tiễn hành trình chống tàu (anti-ship cruise missiles).
Nhưng vì sự cách biệt quá rõ rệt về sức mạnh giữa hai bên, Trung Hoa sẽ rất dễ bị bại trận khi đụng độ toàn bộ, trực diện (an all-out, head-on military clash) với lực lượng của Hoa Kỳ. Do đó, Trung Hoa đã đề xướng ra những khả năng chiến đấu “bất đối xứng” (“asymmetric” combat capabilities) để vô hiệu hóa sự yếu thế của hải quân Trung Hoa so với các lực lượng của Hoa Kỳ, và có thể đương đầu với những hoạt động chiến tranh kỹ thuật cấp cao (high-end warfare operations).
Để tiến hành những cuộc hành quân với khả năng chiến đấu tân tiến nhất thế giới, các lực lượng của Hoa Kỳ hoàn toàn lệ thuộc vào các kỹ năng cấp cao. Ngoài khả năng tấn công chiến lược và chiến thuật đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ, những khả năng chiến tranh kỹ thuật cấp cao bao gồm: hoạt động trong không gian; sử dụng mạng lưới kỹ thuật số; chiến tranh mạng; tận dụng radar và các hệ thống dưới mặt nước; điều khiển vô tuyến truyền thông; thu thập hình ảnh; và tiến hành các phần vụ Chỉ huy, Kiểm soát, Truyền thông, Điện toán, Tình báo, Giám sát (Surveillance) và Trinh sát (Reconnaissance) – tất cả những điều này làm cho quân đội Hoa Kỳ trở thành những lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, những khả năng chiến tranh bất đối xứng (asymmetric warfare capabilities) của Trung Hoa có thể được mô tả như là nhắm vào “mạng lưới thần kinh” nối kết não bộ (tổng hành dinh) và các bắp thịt (lực lượng chiến đấu nơi tuyến đầu) của quân đội Hoa Kỳ. Bởi thế, nếu các mạng lưới thần kinh này, hoặc ngay cả khi chỉ có một phần, bị tiêu hủy hoặc bị vô hiệu hóa, thì dù não bộ và các bắp thịt vẫn còn sống, sẽ có rất nhiều tác động tiêu cực đặt lên các lực lượng Hoa Kỳ và tạo ra rối loạn đủ để làm suy thoái phần lớn khả năng chiến đấu của họ.
Khi đó, các lực lượng Hoa Kỳ sẽ mất đi lợi thế áp đảo đối với hải quân Trung Hoa, và có thể trở thành “vịt què” (sitting duck) dễ dàng bị quét sạch, thậm chí bởi những lực lượng yếu kém hơn của Trung Hoa. Ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ vẫn duy trì được chiến thắng, họ sẽ phải trả một giá cao hơn rất nhiều so với giá của trận chiến đối xứng lực-đối-lực (symmetric force-on-force combat).
Quả là điều rất có ý nghĩa đối với Trung Hoa và quân đội của họ khi đạt được mục tiêu mà không phải tham dự vào trận chiến một mất một còn với các lực lượng Hoa Kỳ, vốn sẽ đưa đến những thiệt hại mà lãnh thổ và quân đội Trung Hoa không thể chấp nhận được, và cũng không thể gánh chịu nổi.
Chìa khóa để làm được những điều trên là Bắc Kinh phải thành công trong việc chứng tỏ cho Washington thấy là khái niệm A2/AD (Anti-Access/Area Denial) tiềm ẩn những lợi thế quyết định nghiêng về phía Trung Hoa.
Một cảm nhận như vậy có thể làm suy nhược quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì sự hiện diện của họ tại những căn cứ hải ngoại (forward presence) cùng là sự can thiệp của họ trong khu vực. Trong lãnh vực này, mục tiêu đích thực của chiến lược A2/AD chính là “tâm và trí” (“hearts and minds”) của các nhà lãnh đạo và người dân Hoa Kỳ.
TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CỦA QUÂN ĐỘI TRUNG HOA
Sau một loạt cải cách trong năm 2016, quân đội Trung Hoa, có tên chính thức là Quân đội Giải phóng Nhân dân – QĐGPND (People’s Liberation Army – PLA) được chia thành năm quân chủng:
- Bộ binh (tên chính thức: QĐGPND Lực lượng Trên Bộ; PLA Ground Force)
- Hải quân (tên chính thức: QĐGPND Hải quân; PLA Navy)
- Không quân (tên chính thức: QĐGPND Không lực; PLA Air Force)
- Lực lượng Hỏa tiễn (tên chính thức: QĐGPND Lực lượng Hỏa tiễn; PLA Rocket Force)
- Lực lượng Yểm trợ Chiến lược (tên chính thức: QĐGPND Lực lượng Yểm trợ Chiến lược; PLA Strategic Support Force)
Cũng vẫn còn có những mâu thuẫn trái ngược trong nhiệm vụ và văn hóa giữa ba quân chủng: Bộ binh, Không quân, và Hải quân.
Ngoài vấn đề Đài Loan, vốn đã là trọng tâm trong việc hoạch định và hiện đại hóa quân đội Trung Hoa từ năm 1949, thì Bộ binh (1.6 triệu nhân viên) và Không quân (400 ngàn nhân viên) đều chính yếu là các lực lượng phòng vệ biên giới trên đất liền và không phận bên trên lãnh thổ (territorial airspace), chú tâm vào các quốc gia láng giềng như: Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Bắc Hàn và nhiều nước khác. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là hai lực lượng này chỉ thuần túy giữ nhiệm vụ phòng thủ. Nói cho đúng hơn, họ được giao nhiệm vụ bảo vệ Trung Hoa bằng cách kết hợp khả năng để tấn công và tiêu diệt kẻ thù.
Thêm nữa, không quân Trung Hoa cũng từng là lực lượng phòng vệ chống lại không lực của kẻ thù và cũng đã từng yểm trợ những cuộc hành quân của bộ binh. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1990s, không quân Trung Hoa bắt đầu mở rộng khu vực địa lý hoạt động ra ngoài không phận bên trên lãnh thổ của họ để sang tới các khu vực biển cách xa bờ biển Trung Hoa. Đây rõ ràng là một sự nhịp nhàng ăn khớp với sự bành trướng của Trung Hoa thể hiện qua những vận dụng xảo quyệt (maneuvers) để tiến vào những vùng biển chung quanh.
Cùng với các trách nhiệm khác, hiện nay lực lượng máy bay ném bom và chiến đấu cơ của không quân Trung Hoa cũng được giao cho nhiệm vụ tấn công hải quân địch ở các vùng biển xa xôi.
Ba hòn đảo nhân tạo, với các sân bay cho chiến đấu cơ và oanh tạc cơ, gần đây đã được xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Từ các sân bay này, máy bay của không quân Trung Hoa sẽ có thể bay qua các khu vực trong Biển Đông rất xa Trung Hoa lục địa để thực hiện các phi vụ giám sát và có thể cả các hoạt động phòng vệ hay tấn công nhắm vào Hoa Kỳ và các lực lượng khác trong khu vực.
Nếu cách hành xử mới này của quân đội Trung Hoa trong Biển Đông (SCS), chẳng hạn như việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa của họ thành công tốt đẹp, thì đó sẽ trở thành một môi trường hoạt động cực kỳ đáng lo ngại; lấy thí dụ như, một hàng không mẫu hạm của hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vùng Biển Đông sẽ phải lo ngại về sự đe dọa đến từ không trung.
Tuy nhiên, hiện nay, bộ binh và hải quân Trung Hoa chính yếu chỉ có thể hoạt động mạnh mẽ ở bên trong và chung quanh lãnh thổ của họ. Họ thiếu hẳn một khả năng viễn chinh quy mô như của Hoa Kỳ, theo đó quân đội Hoa Kỳ có thể sử dụng các mạng lưới của các căn cứ quân sự trải rộng trên thế giới và các hạ tầng cơ sở yểm trợ được cung cấp bởi nhiều quốc gia đồng minh và thân thiện.
Hải quân Trung Hoa trước đây chỉ là một lực lượng nhỏ bé dùng để bảo vệ bờ biển và hoàn toàn là một yếu tố phụ so với bộ binh. Nhưng từ giữa thập niên 1990s, hải quân Trung Hoa đã trở nên một thành phần quan yếu cùng với các quân chủng khác, nhất là vì vai trò yểm trợ và thực thi chiến lược A2/AD. Có những dấu hiệu cho thấy điều này vẫn còn đúng. Trái ngược với bộ binh và không quân, hải quân Trung Hoa có vẻ như vẫn đang nhắm tới việc chuyển mình từ hải quân “nước-nâu” (brown-water coastal navy – hải quân sông ngòi) sang hải quân “biển-xanh” (blue-water navy) với khả năng viễn chinh và năng lực hoạt động trên biển cả trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việc chính quyền Trung Hoa dành ưu tiên phân phối tài nguyên cho hải quân Trung Hoa trong hơn 15-20 năm qua đã đưa đến những sự thành công đáng kể trong chiều hướng này.
Trở ngại chính đối với hải quân Trung Hoa để họ có thể thực sự trở thành hải quân “biển xanh” nằm ở yếu tố chính trị: bởi vì thiếu vắng những đồng minh mạnh mẽ, Trung Hoa chỉ có một vài căn cứ quân sự đang hoạt động và có đầy đủ khả năng yểm trợ, được cung cấp bởi những quốc gia đồng minh hoặc thân thiện. Về mặt này, có những khác biệt rõ ràng và đáng kể giữa việc truy cập (access) các căn cứ quân sự và hạ tầng cơ sở quốc tế mà các lực lượng Hoa Kỳ vẫn đang thụ hưởng so với một số ít những hải cảng và phi trường tại những quốc gia thân hữu mà quân đội Trung Hoa có thể dùng. Có vẻ như hiểu rõ được thực tại này, Trung Hoa đã vừa bắt đầu việc xây dựng một căn cứ hải quân khổng lồ tại Djibouti.
Sức Mạnh của Hải Quân Trung Hoa Đến Thập Niên 2030s
Hải quân Trung Hoa đã phát triển nhanh chóng trong suốt 20 năm qua, và đã trở thành lực lượng hải quân đứng thứ nhì trên thế giới, được hỗ trợ bởi nhiều thập niên Trung Hoa tăng trưởng kinh tế và nhận được phân phối tài nguyên mạnh mẽ của chính quyền. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc sẽ dần dần chậm lại, khuynh hướng đáng khích lệ nói trên dành cho hải quân Trung Hoa được ước tính sẽ kéo dài ít nhất thêm 10 năm nữa. Sau đây là một số ước tính về hải quân Trung Hoa vào năm 2030:
1. Hải quân Trung Hoa trong thập niên 2030s
Lực lượng tàu ngầm:
- Tàu ngầm có hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử (Strategic Submarine Ballistic Nuclear): 2 (Jin) và 4 (Mới, Type-096). Tổng số: 6
- Tàu ngầm nguyên tử lực: 2 (Shang) và 10 (Mới, Type-095). Tổng số: 12
- Tàu ngầm loại thường: 16 (Yuan) và 20-30 (Mới, Type-039C). Tổng số: 36-46
Hàng không mẫu hạm:
- 1 (Liaoning – Liêu Ninh, Renovated-prototype: Tân trang) và 2 (Mới). Tổng số: 3
Lực lượng trên mặt biển:
- Khu trục hạm mang hỏa tiễn có hướng dẫn (DDG: Guided Missile Destroyer): 2 (Luzhou), 6 (Luyang-II), 30 (Luyang-III) and 4 (Mới, Type-55)
- Chiến hạm nhỏ mang hỏa tiễn có hướng dẫn (FFG: Guided Missile Frigate): 2 (Jiangkai-I) and 50 (Jiangkai-II)
Tổng số: 40 DDG + 52 FFG
Lực lượng Cung cấp Tiếp tế Lưu Động (Mobile Logistic Supply Ship Force):
- Tàu hỗ trợ tốc chiến (AOE, Fast combat support ship): 8 (Fuchi) and 4 (Mới). Tổng số: 12 AOE
Lực lượng Thủy Bộ (Amphibious Force):
- Tàu đổ bộ (LPD, Landing platform/dock): 6 (LPD-Yuzhao)
- Tàu tấn công (LHD, Landing helicopter deck): 3 (Mới, LHD-Type-81)
Tổng số: 6 LPD + 3 LHD
Không quân của hải quân (Naval Aviation):
- Oanh tạc cơ hạng trung (Medium Bomber Force): 60; 2016: 30 H-6G
- Khu trục chiến đấu cơ, dưới đất liền (Attack Fighter, F/A, Land-based): 300 Next Generation; 2016: 300 JH-7, J-10, J-11, J-15
- Khu trục chiến đấu cơ, trên hàng không mẫu hạm (Attack Fighter, F/A, Carrier-based): 60 (2 CAG, 30 per CAG); 2016: 24 Su-33, 6 J-15
- Máy bay tuần thám (MPA: Maritime Patrol Aircraft)/Máy bay chiến tranh điện tử (EW: Electronic Warfare)/Máy bay thám báo điện tử (AWACS: Airborn Warning And Control System): 80 (40 trong Hạm đội Biển Đông and 40 trong Hạm đội Biển Nam); 2016: 9 Y-8 MPA, 7 Y-8 ELINT, 10 Y-8 AEW
- Trực thăng (ASW, Anti-Submarine Warfare: loại săn tiềm thủy đĩnh): 100 (Shipboard, đậu trên tàu); 100 (Land Based Operations: đậu dưới đất); 10 AEW (Airborn Early Warning: Máy bay tiền thám; Carrier-based, đậu trên hàng không mẫu hạm) ; 2016: 25 Z-9C, 19 Ka-28, 10 Ka-31
2. Ba Hạm Đội: Liệu có đủ để thực hiện chính sách ngoại giao và an ninh của Trung Hoa?
Hiện nay, hải quân Trung Hoa có ba hạm đội:
- Hạm đội Biển Bắc (North Sea Fleet) trách nhiệm hoạt động trên Biển Hoàng Hải;
- Hạm đội Biển Đông (East Sea Fleet) trách nhiệm hoạt động trong Biển Hoa Đông (East China Sea), vòng quanh các Quần Đảo Tây Nam của Nhật Bản và ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan và Eo biển Bashi;
- Hạm đội Biển Nam (South Sea Fleet) trách nhiệm hoạt động trong Biển Đông (South China Sea).
Tuy nhiên, vì phạm vi và nhịp độ của các hoạt động hàng hải và các vận dụng thủ đoạn (maneuvers) của Trung Hoa trở nên chủ động và quyết đoán hơn so với trước đây, nên khu vực trách nhiệm của hải quân Trung Hoa cũng sẽ lớn hơn và mở rộng sang đến vùng biển xung quanh vượt ra ngoài các khu vực hải hành truyền thống (traditional sailing areas) ở gần lục địa Trung Hoa.
Một xu hướng nổi bật gần đây là hải quân Trung Hoa đã gia tăng các hoạt động tầm xa vượt qua khỏi khu vực trách nhiệm truyền thống: Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông, và những điều này có thể cho chúng ta một số gợi ý về chiến lược điều binh và các khái niệm hoạt động mới, cũng như học thuyết hải quân đã được hiệu chỉnh của hải quân Trung Hoa.
Trong nhiều năm qua, các đơn vị của hải quân Trung Hoa đã bắt đầu hoạt động trong những vùng biển nêu trên, vượt ra khỏi khu vực trách nhiệm truyền thống của hạm đội, thí dụ: vùng biển cả ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thêm nữa, việc điều động hải quân Trung Hoa đến Vịnh Aden để chống hải tặc đã trở thành một hoạt động hàng năm, liên tục từ năm 2008, và Trung Hoa cũng thỉnh thoảng gửi ra một đội tàu đi xa hơn nữa để đến Địa Trung Hải và ngay cả Biển Đen.
Tương tự, mặc dù ở mức độ tiệm tiến, trong vài năm vừa qua hải quân Trung Hoa đã bắt đầu gia tăng sự hiện diện của họ tại Ấn Độ Dương, là nơi có mặt của một số các quốc gia hải đảo thân thiện, và trong vùng bờ biển của các quốc gia Đông Phi vốn là nguồn nhập cảng tài nguyên thiên nhiên chính và là những thị trường có tiềm năng trong tương lai.
Trong khu vực Á Châu và Thái Bình Dương, các đơn vị của hải quân Trung Hoa đã tăng cường sự có mặt hoạt động, cả ở khu vực giữa Thái Bình Dương, quê hương của 14 quốc gia Hải đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands nations), và vùng biển phía tây của Nam Mỹ. Quan hệ giữa Trung Hoa và vài quốc gia Nam Mỹ đang phát triển dọc theo các quỹ đạo thì tương tự như giữa Trung Hoa và một số quốc gia châu Phi đề cập ở trên.
Mặt khác, quân đội Trung Hoa cũng đặt chú tâm vào mục tiêu kế tiếp là nỗ lực tăng cường khả năng hoạt động/hành quân hỗn hợp giữa năm quân chủng mới thành lập. Điểm quan trọng được nhấn mạnh là tạo lập được sự phối hợp giữa hải quân và không quân Trung Hoa, cũng như giữa ba hạm đội của hải quân Trung Hoa hoạt động tại những khu vực địa lý khác nhau. Sự kết hợp nói trên sẽ cho phép Trung Hoa tận dụng được khả năng quân sự của họ để chống lại các lực lượng của Hoa Kỳ đã trấn đóng sẵn tại các căn cứ ngoại biên (forward-deployed forces) và đang hoạt động trong khu vực.
Quân đội Trung Hoa đã chủ động tiến hành các cuộc tập trận chung để thực hiện mục tiêu thứ hai này. Các đơn vị hải quân Trung Hoa từ các hạm đội Đông và Nam Hải hầu như hàng ngày đều tiến hành các hoạt động kết hợp nhiều hạm đội trong các vùng biển khác nhau ở Tây Thái Bình Dương. Trong hầu hết các cuộc tập trận, các đơn vị của hải quân Trung Hoa đã được sự tham gia của các đơn vị của không quân Trung Hoa băng ngang qua chuỗi các Quần đảo Tây Nam của Nhật (Japan’s Southwestern Islands; Ryukyu) xuyên qua một trong những điểm nút chặn chiến lược (strategic choke points). Hải quân và không quân Trung Hoa đã gia tăng nhịp độ hoạt động ngang qua các đảo Ryukyus trên đường tiến sang vùng biển phía Tây Thái Bình Dương hoặc Biển Đông.
Liên quan đến sự vụ trên, Trung Hoa đã bắt đầu đưa một số đơn vị hỗn hợp hải-không quân vào vùng Biển Nhật Bản qua Eo biển Tsushima, một điểm nút chặn chiến lược khác kể từ những ngày của Chiến Tranh Lạnh, nhằm để tăng cường sự có mặt của lực lượng Trung Hoa quanh Nhật Bản và cải thiện tư thế hợp tác với những đơn vị đối tác của quân đội Nga.
Đặc biệt là trong khoảng thời gian cuối tháng 12 năm 2016 và đầu tháng 1 năm 2017, hải quân Trung Hoa đã điều động hàng không mẫu hạm Liêu Ninh xuất phát từ căn cứ Qingdao hướng tới Biển Hoa Đông (ECS) và Biển Đông (SCS). Hàng không mẫu hạm này đã chuyển tiếp tại Biển Hoa Đông, đi qua một trong những khoảng hở trong chuỗi quần đảo Tây Nam của Nhật Bản, và tiến vào Tây Thái Bình Dương. Từ đó, Liêu Ninh rẽ sang hướng Tây đi vào eo biển Bashi và tiến xuống Biển Đông. Sau khi viếng thăm căn cứ hải quân Sanya mới hoàn tất trên đảo Hải Nam, Liêu Ninh đã quay trở ra Biển Đông, và tiến hành nhiều cuộc thực tập huấn luyện tại đó. Sau đó, chuyển hướng qua eo biển Đài Loan, và trở về lại Qingdao. Đã có những phúc trình là Liêu Ninh chú tâm vào việc thực tập các phi vụ cho máy bay của mẫu hạm và các cuộc tập trận hải quân khác nhau trong suốt thời gian tương đối ngắn này.
Những việc thay đổi hành trình và thực tập ngoài biển cả gần đây đã cho thấy sự tương phản quá rõ rệt trong những hoạt động trên biển của hải quân Trung Hoa so với quá khứ. Những cuộc huấn luyện về việc điều động tàu bè lúc sau này đã đặt nặng về mặt quân sự.
Thực ra, quân đội Trung Hoa, đặc biệt là hải quân và không quân, đã bắt đầu phát triển những khả năng hoạt động mới để sẽ hỗ trợ cho chiến lược A2/AD (Anti-Access/Area Denial) trong các vùng biển và bầu trời lân cận. Những mục tiêu chính yếu của Trung Hoa và quân đội của họ là làm ngưng lại và làm giảm đi sự trú đóng của quân đội Hoa Kỳ tại các căn cứ ở ngoại quốc (forward presence) trong thời bình, cũng như khi có sự can thiệp của Hoa Kỳ trước những cuộc khủng hoảng hoặc khi có chiến tranh. Muốn thực hiện được các mục tiêu trên Trung Hoa cần phải chứng tỏ rằng các khả năng hoạt động hỗn hợp phức tạp của họ có thể đương đầu được với những liên kết hợp nhất của liên minh Nhật-Mỹ.
Về phương diện này, hiển nhiên là Trung Hoa nhắm tới việc cắt đứt và/hoặc làm suy yếu những mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh Châu Á. Chẳng hạn, liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ là một yếu tố không thể thiếu để cho các lực lượng của Hoa Kỳ có thể hoạt động trong khu vực. Càng tự tin và thường xuyên có nhiều cuộc điều động các đơn vị của quân đội Trung Hoa ở các khu vực chung quanh Nhật Bản thì lại càng dễ tạo ra một tác động tâm lý lên các giới chức Nhật có trách nhiệm hoạch định kế hoạch, vốn vẫn luôn luôn lo lắng về mức độ đáng tin cậy của phía Hoa Kỳ.
Ngoài hiệu quả của việc ngăn chặn phòng ngừa, trong trường hợp xảy ra những cuộc xung đột thực sự, thì Trung Hoa cũng muốn là quân đội của họ tham chiến và tiêu diệt các lực lượng Hoa Kỳ tại những vùng biển càng xa càng tốt. Khả năng và tư thế hoạt động tầm xa ngoài “biển xanh” (“Blue-water” out-of-area capabilities and postures) có thể giúp thực hiện được tất cả các mục tiêu này, cũng như có thể phổ biến rộng rãi sự tinh vi của quân đội Trung Hoa và cung cấp được sự phòng thủ chặt chẽ. Đối với Trung Hoa và quân đội của họ, những yếu tố này cung cấp được một động lực thiết yếu để hải quân Trung Hoa tiếp tục lớn mạnh thành một hải quân “biển xanh” thực sự.
Hải quân Biển xanh của Trung Hoa (Blue-Water Navy)
Như đã mô tả bên trên, để hoàn toàn có khả năng thực hiện các mục tiêu chiến lược của Trung Hoa, vốn là mục đích chính yếu của chiến lược A2/AD, thì hải quân Trung Hoa phải có khả năng hoạt động đáng kể trong những vùng biển tầm xa, kéo dài đến Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nhìn từ cấu trúc của lực lượng và khả năng hoạt động, thì có vẻ như hải quân Trung Hoa có được một vài đặc điểm có thể giúp nó trở thành một lượng hải quân “biển-xanh” có thực lực. Tuy nhiên, cùng một lúc, hải quân Trung Hoa cần phải sắp xếp, tổ chức lại các mục tiêu thực hiện của ba hạm đội để có thể thực thi hai nhiệm vụ khác nhau và đối nghịch với nhau:
- Bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Hoa trong mỗi khu vực trách nhiệm của hạm đội.
- Tiến hành các hoạt động tầm xa để chống lại các lực lượng Hoa Kỳ hoạt động xa hơn trong khu vực.
Từ bản chất, đặc tính của mục tiêu thứ nhất thuộc về mặt phòng thủ và mục tiêu thứ hai nghiêng nhiều về mặt tấn công, thí dụ như để ngăn chặn và tấn công các lực lượng hải quân Hoa Kỳ.
Hai nhu cầu hoạt động hoàn toàn khác nhau này có thể được mô tả là “nước và dầu.” Trong bối cảnh này, hải quân Trung Hoa cần thiết lập hai đơn vị hành quân mới:
- Một là đội tàu hải quân (flotilla) được đặc chế (custom-made) và dành riêng để hoạt động ở Ấn Độ Dương và đi xa hơn nữa đến các vùng biển phía Tây Âu Châu;
- Hai là những hàng không mẫu hạm hoạt động độc lập với ba hạm đội “phòng thủ” của hải quân Trung Hoa, nhưng có thể được đem ra sử dụng như sức mạnh của quốc gia ở tầm xa (out-of-area power projection) hoặc để hỗ trợ các hạm đội.
Một chủ đề khác cần được cân nhắc thận trọng là thực tế địa lý đã giới hạn lại và làm giảm đi tham vọng của hải quân Trung Hoa muốn trở thành một lực lượng hải quân đích thực trên đại dương. Không như Nhật Bản và Hoa Kỳ có các căn cứ hải quân hoàn toàn mở cửa ra cho Thái Bình Dương, tất cả các căn cứ của hải quân Trung Hoa đều ở bên trong Biển Hoa Đông (ECS), hoặc Hoàng Hải (Yellow Sea), hay Biển Đông (SCS).
Điều này có nghĩa là tất cả lực lượng của hải quân Trung Hoa bị kềm giữ (contained) trong những vùng biển mà một nửa đã bị vây kín bởi hàng loạt chuỗi đảo, cũng như bởi các quốc gia quần đảo quanh Biển Đông.
Để cho hải quân và không quân Trung Hoa có thể hoạt động bên ngoài vùng duyên hải ngay bên cạnh, các đơn vị của họ phải vuợt qua một số điểm nút chặn (choke points) để có thể đi ra và tiến vào các vùng biển và không phận tương ứng.
Việc này đã làm phức tạp hóa các mục tiêu của quân đội Trung Hoa nhằm để có được một lực lượng hải quân thực sự trên biển cả, và để cho lực lượng không quân của họ tự do hoạt động trong không phận bên trên vùng Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đối với hải quân Trung Hoa, trong thời bình, thì việc qua lại những điểm nút chặn này không bị cản trở bởi bất cứ lực lượng hải quân hay quốc gia nào khác, và tình trạng này sẽ không thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp cũng như khi có chiến tranh, việc phân bố và điều động các đơn vị của hải quân Trung Hoa có thể trở nên vô cùng khó khăn và bị trở ngại.
Có nhiều điểm nút chặn bao quanh khu vực trách nhiệm của hải quân Trung Hoa, ví dụ như Quần đảo Tây Nam của Nhật, giữa Đài Loan và Phi, trong vùng lãnh hải của Phi và Nam Dương, và Eo biển Malacca. Với Trung Hoa, tất cả những điểm nút chặn này đều bị kiểm soát bởi quốc gia khác, và thường ra, các quốc gia này tương đối thân thiện cả với Washington và Tokyo hơn là với Bắc Kinh.
Một điểm đáng quan tâm nữa là, trong trường hợp khẩn cấp hoặc/và vào thời chiến tranh mà Hoa Kỳ và Trung Hoa có can dự, thì các quốc gia trung lập có thể sẽ nỗ lực kiểm soát các điểm nút chặn này, ngay dù họ làm như vậy chỉ là để giữ vững sự trung lập của họ.
Nhất định là hải quân Trung Hoa không thể để mặc cho các đơn vị hành quân của họ bị lệ thuộc vào sự xa xỉ của “tự do” đi lại và chuyển vận ngang qua các điểm nút chặn như vậy. Vì khi các đồng minh của Mỹ có những hoạt động để ngăn chặn sự qua lại tại những điểm nút chặn này, thì Trung Hoa sẽ có thể gặp phải nhiều khó khăn to lớn. Thí dụ như, một quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản có thể khoá cứng các điểm nút chặn trong chuỗi Quần đảo Tây Nam bằng cách đem các đơn vị của Lực Lượng Tự Vệ Nhật (Japan Self-Defense Forces) ra trấn đóng tại đó, kết quả là các đơn vị của hải quân Trung Hoa không được phép di chuyển qua các nút chặn này để ra biển rộng chống lại các lực lượng của hải quân Hoa Kỳ. Trong bối cảnh này, Trung Hoa và hải quân Trung Hoa khó có thể tránh được các cuộc đụng độ quân sự với Lực Lượng Tự Vệ của Nhật Bản để tháo gỡ nút chặn này.
Thêm nữa, Lực Lượng Tự Vệ Nhật sẽ chặn đứng và kiểm soát Eo biển Bashi, và các lực lượng của Úc có thể chặn đứng và kiểm soát các vùng biển bên ngoài các điểm nút chận trong những khu vực ở ngoài khơi các vùng biển gần các quần đảo Philippines và Nam Dương. Các lực lượng Hoa Kỳ cũng sẽ khoá lại các điểm nút chặn được kiểm soát bởi các quốc gia trung lập để ngăn ngừa các đơn vị của hải quân Trung Hoa, không để họ tiến ra được biển cả để tấn công hải quân Hoa Kỳ.
Vì vậy, đối với Trung Hoa và hải quân Trung Hoa, các đặc điểm địa lý của vùng biển thuộc Trung Hoa có thể chính là những chướng ngại khó khăn nhất của họ để có thể trở thành một lực lượng hải quân biển xanh thực thụ. Dĩ nhiên, Trung Hoa có nhiều chọn lựa để giải quyết hoặc làm giảm thiểu vấn nạn này, nhưng đúng thực là Trung Hoa sẽ phải trả những giá lớn lao cho bất kỳ giải pháp nào.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là tư thế chính trị tương đối bị cô lập của Trung Hoa có thể ngăn cản hải quân Trung Hoa không để họ trở thành một lực lượng hải quân biển xanh đúng nghĩa. Để cho bất kỳ quân đội nào, đặc biệt là hải quân, có thể hoạt động ở các khu vực xa đất mẹ, thì điều không thể thiếu được là phải có những căn cứ trú đóng tại nước ngoài.
Trong bối cảnh này, những gì đã giúp các lực lượng của Hoa Kỳ trở thành một thế lực toàn cầu chính là số lượng lớn các căn cứ ở nước ngoài mà họ được phép sử dụng và được cung cấp bởi nhiều mạng lưới liên minh khác nhau. Cấu trúc trên đã thực sự cho phép các lực lượng của Hoa Kỳ có tầm hoạt động trên toàn cầu. Trung Hoa đang cố gắng sửa chữa sự thiếu hụt này, chẳng hạn như qua việc xây dựng căn cứ cho quân đội Trung Hoa ở Djibouti. Nhưng, cố gắng đơn lẻ loại này thì quá nhỏ và quá yếu kém khi đem so sánh với hệ thống đồng minh của Hoa Kỳ.
TÓM LƯỢC
Hải quân Trung Hoa đã phát triển nhanh chóng và có tiềm năng to lớn để trở thành một hải quân biển xanh thực sự. Tuy nhiên, cũng rõ ràng là Trung Hoa và hải quân Trung Hoa sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề để có thể thực hiện được mục tiêu của họ là trở thành một lực lượng hải quân biển xanh.
Do đó, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ cần chuẩn bị để đối phó với chiến lược của Trung Hoa bằng chính sự phối hợp chính xác để tập trung vào yếu tố khó khăn nhất, và không thể tránh khỏi, đã cản trở hải quân Trung Hoa: đó là việc họ bị vây bọc một nửa bởi Biển Hoa Đông (ECS) và Biển Đông (SCS).
Một câu hỏi then chốt cho Tokyo và Washington là làm thế nào trong thời chiến Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể chắc chắn nắm giữ được sự kiểm soát những điểm nút chặn chiến lược của những vùng biển này?
Nói một cách khác, để có thể tiếp tục duy trì một vị thế thuận lợi đối với quân đội Trung Hoa, thì hai lực lượng quân đội của Nhật Bản và Hoa Kỳ phải duy trì được khả năng giữ rịt lại các con chim hoang dại to lớn (hải quân và không quân Trung Hoa) trong những chiếc lồng được thiên nhiên cung cấp (Biển Hoa Đông và Biển Đông). Cả Nhật Bản và Hoa Kỳ cần phát triển khả năng này càng sớm càng tốt để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Hoa.
Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 29/10/2017
Tài liệu tham khảo online:
- www.cnas.org/publications/reports/chinas-blue-water-navy-strategy-and-its-implications
- en.wikipedia.org/wiki/Blue-water_navy
- missiledefenseadvocacy.org/missile-threat-and-proliferation/todays-missile-threat/china-anti-access-area-denial-coming-soon/
- gentleseas.blogspot.com/2015/02/possible-japanese-submarine-deployment.html
- news.usni.org/wp-content/uploads/2015/04/2015_PLA_NAVY_PUB_Print.pdf#viewer.action=download
- www.straitstimes.com/asia/east-asia/high-tension-as-chinese-warships-enter-taiwan-strait
- cimsec.org/strategic-architectures/9941
- Các bản đồ trong bài được cung cấp (nhờ Google) với hy vọng sẽ giúp bạn đọc dễ theo dõi bài phúc trình hơn.
Chú Thích:
- Chú thích của người dịch: Về hưu năm 2008, Phó Đô Đốc Yoji Koda có hơn 36 năm phục vụ Hải Quân Nhật Bản. Ông là học giả (fellow) tại Fairbank Center for Chinese Studies của Đại Học Harvard. Những nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản là những đóng góp rất quan trọng cho những phân tích và nhận định của trung tâm Center For A New American Security (CNAS) về chiến lược trên mặt biển của Trung Hoa.
- Chú thích của người dịch – Theo missiledefenseadvocacy.org, Anti-Access/Area Denial (A2/AD) là nỗ lực để phủ nhận quyền tự do di chuyển của kẻ thù trên chiến trường.
- Chống truy cập (Anti-Access, A2): Mục đích chính là để ngăn chặn sự chuyển quân của kẻ thù vào một khu vực hoạt động. Phương cách hoạt động thiên về tấn công: Sử dụng máy bay tấn công, tàu chiến, và tên lửa đạn đạo chuyên biệt được thiết kế để tấn công các mục tiêu chính.
- Phủ nhận khu vực (Area Denial, AD): Mục đích chính là nhằm chối bỏ sự tự do hành động của kẻ địch ở các khu vực nằm trong sự kiểm soát thân thiện (friendly control). Phương cách hoạt động thiên về phòng thủ: Sử dụng các hệ thống phòng không và phòng thủ biển.
Nga và Trung Hoa đã áp dụng chiến lược A2/AD tại Crimea và Biển Đông để làm gián đoạn sự tự do hàng hải của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Việc làm này đã đi ngược lại quyền lợi của Hoa Kỳ và đồng minh, làm họ dễ bị tấn công (vulnerable) khi hoạt động tại các địa phương và khu vực này.
- Chú thích của người dịch: Theo wikipedia.org, Blue-water navy là một hải lực có khả năng hoạt động trên toàn cầu, chính yếu là qua những vùng biển sâu của đại dương (a blue-water navy is a maritime force capable of operating globally, essentially across the deep waters of open oceans…). “Blue-water navy” là một từ ngữ địa lý hàng hải trái ngược với từ Brown-water navy (hải quân sông ngòi) và Green-water navy (hải quân cận duyên). Blue-water navy thường gồm có một hay nhiều hàng không mẫu hạm.
Leave a Reply