Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Úc Đại Lợi trước viễn ảnh chiến tranh với Trung Cộng

Ngay giữa thời điểm hỏa tiễn và bom đạn đang nổ bùng giữa Hamas và Do Thái, vào tháng 5, 2021, thì tại Washington DC đã diễn ra cuộc họp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, và Ngoại trưởng Úc Đại Lợi, Marise Payne.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Úc đến Hoa Kỳ không phải như là một đặc sứ con thoi để giúp tái lập hòa bình, hay ngưng bắn giữa Hamas và Do Thái.

Mà Ngoại trưởng Úc Marise Payne đến Washington để tham khảo với đồng minh Hoa Kỳ để đối phó với sự cưỡng chế càng ngày càng gia tăng của Trung Cộng nhắm vào nước Úc – một đồng minh lâu đời và đáng tin cậy của Hoa Kỳ.

Trận chiến ngoại giao giữa tam quốc: Tàu – Úc – Mỹ

I. Ngày 13 tháng 5, 2021:  Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Úc Marise Payne, đã có buổi họp báo chung tại phòng tiếp tân Ben Franklin Room của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Trong phần công bố trước báo chí của nhị vị Ngoại trưởng, rõ ràng có một thông điệp được nhắn gửi đến Bắc Kinh.1

Xin tóm lược một vài điều quan trọng trong lời phát biểu của hai vị Ngoại trưởng:

Ngoại Trưởng Mỹ Blinken:  Hoa Kỳ và Úc là đồng minh lâu đời, đã sát cánh chiến đấu bên nhau gần như trong mọi xung đột (conflict) hay chiến tranh kể từ Thế Chiến thứ I đến nay. Hoa Kỳ và Úc còn cộng tác chung với Ấn Độ và Nhật Bản trong liên minh Bộ Tứ (the Quad) để đưa ra một viễn kiến chung cho một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đáng để ý nhất là điều Ngoại Trưởng Mỹ Blinken nói:

  • Tôi nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ Úc một mình trên sân, hoặc có lẽ tôi nên nói là một mình chơi trên sân, trực diện với sự cưỡng chế kinh tế bởi Trung Hoa. Đó là điều mà đồng minh làm. Chúng ta chung lưng bảo vệ lẫn nhau để từ một vị trí của sức mạnh tập thể chúng ta có thể đối mặt với những đe dọa và thách thức.

(I reiterated that the United States will not leave Australia alone on the field, or maybe I should say alone on the pitch, in the face of economic coercion by China. That’s what allies do. We have each other’s backs so we can face threats and challenges from a position of collective strength.)

Australia’s Foreign Minister Marise Payne at a press briefing with US Secretary of State Antony Blinken.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne cùng với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong buổi họp báo

Ngoại trưởng Úc Payne:  Kỳ vọng được sống tự do dưới chế độ pháp quyền; có thể làm việc, mậu dịch, thịnh vượng dưới một hệ thống luật pháp công bằng. Cùng với các đối tác như nhóm Bộ Tứ (the Quad), Úc và Hoa Kỳ cho thấy những gì mà nền dân chủ có thể đem đến. Hoan nghênh việc tiếp tục tham gia và sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đánh giá cao việc chính quyền Biden-Harris đã đặt nặng sự quan tâm vào quan hệ đối tác và liên minh.

Đáng để ý nhất là điều Ngoại Trưởng Úc Payne nói:

  • Tôi hy vọng rằng sự hỗ trợ mà Úc nhận được từ Hoa Kỳ sẽ mang lại niềm tin cho những quốc gia khác. Không cần biết là những thách thức đối với chủ quyền của bạn phát xuất từ đâu. Mọi quốc gia đều nên biết rằng có một cộng đồng toàn cầu có thể hỗ trợ lẫn nhau trong kỳ vọng căn bản nhất của bản sắc quốc gia. Như với tự do cá nhân, cũng như với chủ quyền quốc gia. Úc và Hoa Kỳ và liên minh liên kết chúng ta lại chính là nền tảng cho những giá trị được chia sẻ này.

(I hope that the support Australia has received from the United States gives confidence to others. It doesn’t matter where challenges to your sovereignty come from. All countries should know that there is a global community that can support one another in this most basic expectation of nationhood. As with the freedom of individuals, so with the sovereignty of states. Australia and the United States and the alliance that binds us are a bedrock for these shared values.)

II.  Ngày 6 tháng 5 năm 2021:  Đúng 1 tuần trước ngày họp báo của hai Ngoại trưởng Úc-Mỹ nói trên, Trung Hoa tuyên bố đình chỉ đối thoại kinh tế với Úc sau khi có quyết định của Ngoại trưởng Úc Marise Payne, công bố ngày 21 tháng 4, năm 2021, hủy bỏ thỏa thuận hợp tác với Sáng kiến Vòng đai và Con Đường (BRI).

III. Ngày 21 tháng 4, năm 2021: Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết bà đã quyết định hủy bỏ bốn thỏa thuận, trong đó có hai thỏa thuận mà tiểu bang Victoria đã đồng ý với Trung Hoa, vào năm 2018 và 2019, về hợp tác với Sáng kiến Vòng đai và Con Đường. Ngoại trưởng Payne cho biết: “Tôi xem bốn thỏa thuận này là không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc hoặc đi ngược lại với quan hệ ngoại giao của chúng tôi.”

Về quyết định trên của chính quyền Úc, Tòa Đại sứ Trung Hoa tại Úc đã bày tỏ “sự hết sức không hài lòng và cực lực phản đối” việc hủy bỏ này. “Đây là một hành động không hợp lý và khiêu khích khác mà phía Úc đã thực hiện chống lại Trung Hoa,” Tòa Đại sứ lên tiếng trong một tuyên bố. “Điều đó càng cho thấy rằng chính quyền Úc không có sự nghiêm chỉnh trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Trung Hoa và Úc.” Tòa Đại sứ Trung Hoa nói, hành động mới nhất của Úc chắc chắn sẽ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương.2

Chuẩn bị tâm tư cho lời nguyền của chiến tranh

Ngày 25 tháng 4, 2021: Là Anzac Day của Úc (tương tự Memorial Day), Secretary của Bộ Nội vụ Úc (Department of Home Affairs of Australia), Mike Pezzullo, lên tiếng cảnh cáo là Úc phải chuẩn bị cho xung đột quân sự có thể xẩy ra, trong khi luôn luôn nỗ lực giảm thiểu khả thể chiến tranh xảy ra.

Trong phát biểu nhân Ngày Anzac, ở vào năm mà quan hệ Trung Hoa-Úc tiếp tục xấu đi, ông Mike Pezzullo nói với nhân viên của bộ, “Trong một thế giới căng thẳng và triền miên sợ hãi, tiếng trống của chiến tranh (drums of war) đang vang vọng, có lúc nghe loáng thoáng từ xa, và có lúc khác lại ầm ĩ và chưa bao giờ gần như vậy.”

Pictured is Secretary of the Home Affairs Department Mike Pezzullo.
Secretary của Bộ Nội Vụ (Department of Home Affairs) của Úc, Mike Pezzullo (AAP)

Ông Pezzullo nói, “Ngày nay, khi các quốc gia tự do lại nghe thấy tiếng trống đang đập và lo lắng quan sát việc quân sự hóa các vấn đề mà chúng ta đã gặp, mà cho đến những năm gần đây, vẫn được nghĩ rằng đó không thể là chất xúc tác cho chiến tranh, thì chúng ta hãy tiếp tục tìm kiếm cơ hội cho hòa bình, trong khi, một lần nữa, đúng vậy, một lần nữa, chuẩn bị tâm tư cho lời nguyền của chiến tranh (bracing again, yet again, for the curse of war).”3

Cũng trong ngày Anzac Day, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Peter Dutton, cũng bày tỏ mối quan tâm về lập trường của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Ông Dutton nói với đài ABC của Úc rằng khả năng xung đột “không thể bị loại bỏ” khi Trung Hoa đẩy mạnh kế hoạch của họ buộc Đài Loan phải thống nhất với Tàu. Ông cũng nhấn mạnh rằng các lực lượng của Úc sẽ sẵn sàng hành động nếu được gọi đến.4

Pictured is Australia's Defence Minister Peter Dutton.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Peter Dutton (AAP)

Trước đó, ông Peter Dutton nói với đài truyền hình Channel Nine’s Today rằng Úc sẽ không khấu tấu (kowtow) trước Trung Hoa khi bị đe dọa, “Chúng ta sẽ không để các giá trị của chúng ta bị tổn hại, chúng ta sẽ không từ bỏ chủ quyền của mình.”5

Trung Hoa: “Người cổ võ cho hòa bình thế giới

Ngày 26 tháng 4 năm 2021: Tại cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Wang Wenbin nói Trung Hoa tìm kiếm “sự thống nhất hòa bình,” và kêu gọi Úc cần phải “hiểu rõ tính chất nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan.” Phát ngôn viên Wang Wenbin cũng đã cảnh cáo ông Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, về nhận xét của ông, đồng thời cho rằng ông đã gửi ra “những tín hiệu sai lạc.”6

Ngày 28 tháng 4 năm 2021: Khi bị hỏi về lời bình luận của ông Pezzullo, Secretary của Bộ Nội vụ Úc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa, Zhao Lijian, đã gắn cho một số chính trị gia ở Canberra nhãn hiệu là “cực kỳ vô trách nhiệm.” Ông nói: “Một số cá nhân chính trị gia Úc, vì quyền lợi vị kỷ, thường đưa ra những tuyên bố kích động sự đối đầu và gây hoang mang trước mối đe dọa chiến tranh (hype up threat of war), vốn là điều cực kỳ vô trách nhiệm và sẽ không ai nghe theo.” “Những người này là những kẻ gây rối thực sự. Tôi nhận thấy rằng nhiều người ở Úc đã bày tỏ sự không chấp thuận trên mạng xã hội, nói rằng những ngôn ngữ bốc lửa như vậy là quá quắt và cực kỳ điên rồ.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Hoa Zhao Lijian

Trong thời gian gần đây, chính quyền Morrison đã nêu lên những lo ngại của họ về mối đe dọa mà Trung Hoa gây ra đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Úc cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hồng Kông và Đài Loan, nơi Bắc Kinh đang thúc đẩy nỗ lực thống nhất. Tuy nhiên, ông Zhao cáo buộc Canberra làm hoen ố danh tiếng của Trung Hoa bằng những tuyên bố vô căn cứ và bịa đặt.

Ông Zhao tuyên bố: “Trung Hoa là người cổ võ cho hòa bình thế giới (promoter of world peace), đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế.”7

Nỗi quan ngại của một số chuyên gia an ninh quốc phòng Úc về chiến tranh với Tàu

Ngày 11 tháng 4, 2021: Trong buổi nói chuyện tại University of Adelaide khi nhận bằng tiến sĩ danh dự, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc (28/8/2018 – 26/5/2019), Christopher Pyne, cảnh cáo rằng chiến tranh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể nổ ra chỉ trong vòng năm đến mười năm nữa.

Ông Christopher Pyne nói: “Năm năm trước, tôi đã nói chiến tranh rất khó xảy ra, bây giờ tôi phải nói rằng có nhiều khả thể chiến tranh có thể xảy ra so với thời đó. Không phải chiến tranh mạng, mà là một cuộc chiến thực sự có tổn thất nhân mạng, tiêu diệt các nền tảng quân sự, với những kẻ xâm lược và những người bảo vệ ở các chiến tuyến khác nhau,” ông nói với các sinh viên tốt nghiệp. “Đây không phải là điều để tạo chú ý gây tranh cãi (rhetoric), mà đây là điều mà các bạn và tôi có thể phải đối đầu trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.”8

Trước đó, Giám đốc Điều hành Học Viện Chính sách Chiến lược của Úc, Peter Jennings, cho biết Úc sẽ không có nơi nào để trốn tránh (hide) nếu Trung Hoa chọn con đường sử dụng vũ lực đối với Đài Loan. Ông nói với Sky News: “Bạn nên tin rằng Hoa Kỳ sẽ mong đợi sự giúp đỡ của hai đồng minh chính yếu trong khu vực – Nhật Bản và Úc – để đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Đài Loan. Đây là điều mà chúng ta sẽ không thể trốn thoát được (escape), theo như tôi thấy.”

Giáo sư John Blaxland, chuyên gia về an ninh của Đại học Quốc gia Úc, nói với Channel Nine’s Today, nhận xét của ông Pezzullo là “rợn mình” (chilling) nhưng “chừng mực” (sobering) và đó là lời nhắc nhở rằng “sự rủi ro đang lên cao” (stakes are getting high). Giáo sư Blaxland cho biết bài phát biểu của ông Pezzullo là lời cảnh tỉnh đối với Chính phủ Liên bang và các nhà hoạch định quốc phòng.9

Đầu Tư Vào Quốc Phòng

Ngày 31 tháng 3, 2021: Phát biểu trong buổi khai trương Trung tâm Liên kết Hợp nhất Raytheon Úc tại Adelaide, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố Úc sẽ bắt đầu chế tạo hỏa tiễn được hướng dẫn (guided missiles) với sự hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ vì Úc tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ.

Ông Morrison cho biết trong giai đoạn đầu tiên này, Úc sẽ chi ra 1 tỷ đô la Úc (761 triệu USD) – là một phần của kế hoạch với khoản ngân sách đầu tư khổng lồ trong 10 năm tới vào quốc phòng. Ông nói, “Tạo ra được khả năng bảo vệ chủ quyền của chính chúng ta trên đất Úc là điều thiết yếu để giữ cho người Úc được an toàn.”10

Ngày 01 tháng 7, 2020: Chính quyền Morrison đã loan báo sẽ đầu tư 270 tỷ đô la Úc (190 tỷ USD) trong 10 năm tới để nâng cấp khả năng và hiệu năng của Lực lượng Phòng vệ Úc nhằm giữ an toàn cho dân Úc trong khi bảo vệ quyền lợi của quốc gia trong một môi trường toàn cầu đang thay đổi.

Qua Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 (2020 Defence Strategic Update) được công bố cùng ngày, chính quyền Morrison báo hiệu một sự thay đổi chính yếu trong thế đứng của Úc trên phương diện quốc phòng, khi Úc đặt ưu tiên vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Australia prepares massive defence boost in 'dangerous' world | Military  News | Al Jazeera
Thủ tướng Úc, Scott Morrison công bố “2020 Defence Strategic Update” tại Canberra, July 1, 2020, đồng thời loan báo 270 tỷ Úc kim (190 tỷ USD) gia tăng kinh phí quốc phòng trong 10 năm tới (AP)

“Ưu tiên hàng đầu của tôi là giữ an toàn cho người dân Úc,” Thủ tướng Morrison nói. “Chính quyền Liên bang cam kết sẽ bảo đảm việc trang bị Lực lượng Phòng vệ Úc để có thể đáp ứng các thách thức trong khu vực của chúng ta ngày càng gia tăng trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và để đạt được các mục tiêu của chúng ta trong việc ổn định, hòa bình và an ninh trong khu vực.”

“… Chính sách phòng thủ chiến lược mới của chúng ta bảo đảm rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực quan trọng đối với Lực lượng Phòng vệ Úc của chúng ta và được đặt ưu tiên trong các quyết định mà chúng tôi đưa ra về việc dàn trải và hình thành các cơ cấu và khả năng của lực lượng của chúng ta.”11

Khi Thủ Tướng Morrison phát biểu trước Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc (Australian Defense Force Academy), ông nói rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “tâm điểm của sự cạnh tranh chiến lược đang nổi lên và nguy cơ tính toán sai lầm – và ngay cả xung đột – đang lên cao.”

“Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nơi chúng ta sinh sống – và chúng ta muốn một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, có chủ quyền, không bị cưỡng ép và không bị chỉ đạo,” ông nói thêm mà không chỉ đích danh quốc gia nào.12

Emerging Perspectives of the Indo – Pacific - Dr. Syama Prasad Mookerjee  Research Foundation
Bản đồ khu vực Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương)

Với những căng thẳng gia tăng về các yêu sách lãnh thổ giữa Tàu và Ấn và ở Biển Đông, ông Morrison nói, “Nguy cơ của tính toán sai lầm và ngay cả xung đột thì tăng cao. Việc hiện đại hóa quân sự trong khu vực đang ở tốc độ chưa từng có.” Ông nói thêm: “Mối quan hệ giữa Mỹ – Hoa tốt nhất cũng chỉ ở mức gây gổ vì họ cạnh tranh để giành lấy ưu thế tối cao về chính trị, kinh tế và công nghệ.”13

“Sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ đưa đến rất nhiều căng thẳng và có rất nhiều nguy cơ tính toán sai lầm,” Ông Morrison nói với Channel Seven của Úc. “Và vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng để định hình thế giới mà chúng ta đang sống trong điều kiện tốt nhất có thể có, và sẵn sàng ứng phó và giữ đúng vai trò của chúng ra trong việc bảo vệ và phòng thủ nước Úc.”14

Peter Jennings, từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói rằng thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Bạch Thư Quốc phòng cuối cùng được công bố, đặc biệt là trong kỷ nguyên COVID-19. Ông Jennings cho biết “chỉ có duy nhất một quốc gia có đủ năng lực và khao khát muốn thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo một cách thế đi ngược lại quyền lợi của Úc.”

Ông Jennings nói tiếp “Khi nói về những hành vi xấu xảy ra trong khu vực, sự thôn tính sáp nhập lãnh thổ, cưỡng bức, tạo ảnh hưởng đến nội tình chính trị của nước khác, sử dụng các cuộc tấn công mạng – thì thực sự chỉ có một quốc gia đang làm điều đó ở mức độ công nghiệp. Đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”15

Giáo sư Rory Medcalf, Trưởng Khoa An ninh Quốc gia của Đại học Quốc gia Úc, nói rằng công bố trên cho thấy Úc đang “trở nên nghiêm trọng trong việc làm chùn bước những đe dọa đến Úc và về triển vọng có xung đột vũ trang ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

Ông Medcalf nói: “Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chính quyền Úc đưa ra lựa chọn về loại lực lượng phòng vệ nào mà chúng ta sẽ có trong thế kỷ 21 với sự suy đồi nhanh chóng trong một môi trường chiến lược vào những năm gần đây.” Ông nói thêm: “Chính quyền đã chấp nhận rằng quân đội Úc cần có khả năng để làm chùn bước cuộc xung đột vũ trang bằng chính khả năng của mình và có thể chiến đấu trong khu vực của chúng ta nếu chúng ta phải chiến đấu.16

Chiến lược Biên giới Vĩ đại, Grand Border Strategy, của nhà Đại Hán đối với Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan

So với các nước Tây phương khác, mối liên hệ của Úc và Tân Tây Lan đối với Trung Hoa rất khác biệt. Cả hai đều ở khu vực Á châu – Thái Bình Dương. Về mặt địa lý, họ cách xa các trung tâm quyền lực của Mỹ và Âu châu. Mối quan hệ kinh tế của họ gắn liền với Á châu sâu đậm hơn so với các quốc gia Tây phương khác, và mối quan hệ kinh tế lớn nhất của họ nằm ở Trung Hoa.

Không như các công ty đa quốc gia của Mỹ, Âu châu và Nhật Bản, các công ty của Úc và Tân Tây Lan đầu tư rất ít vào Hoa lục. Thay vào đó, họ bán sang Trung Hoa các mặt hàng thô, chẳng hạn như quặng sắt (Úc) và sữa bột (Tân Tây Lan). Do vậy Úc và Tân Tây Lan ít gặp phải các vấn đề không được tiếp cận thị trường và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ mà các quốc gia phát triển khác thường gặp.

Tại Úc và Tân Tây Lan, các giới học thuật, tình báo, thành viên quốc hội và truyền thông đã trực tiếp phản đối những gì họ xem là can thiệp vào chính trị nội bộ của họ bởi các tổ chức cộng đồng liên kết với Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) và bởi hành vi cứng rắn của Tàu ở Biển Đông và các nơi khác trên thế giới. Cả hai nước này đều chống lại áp lực từ Bắc Kinh đòi hỏi họ cho phép Huawei, công ty viễn thông khổng lồ của Trung Hoa, xây dựng mạng di động 5G mới nhất cho họ.

Theo quan điểm của Trung Hoa, đối với quá trình hiện đại hóa công nghiệp của họ, thì Úc là một nhà cung cấp nguyên liệu thô vô giá và đáng tin cậy. Tương tự như vậy, Tân Tây Lan là một nguồn quan trọng cung cấp thực phẩm an toàn, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa.

Nhưng Trung Hoa luôn luôn để mắt đến lợi thế chính trị trong việc kéo được hai quốc gia này ra khỏi các đồng minh và đối tác truyền thống của họ.

Sau khi xin tị nạn chính trị ở Sydney năm 2005, một nhà ngoại giao Trung Hoa tên Chen Yonglin đã tường trình rằng ông Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư ĐCSTH (15/11/2002 – 15/11/2012) đã vạch ra một kế hoạch để biến Úc trở thành một phần trong “Chiến lược Biên giới Vĩ đại” (Grand Border Strategy) của Trung Hoa để thu nhận tài nguyên thiên nhiên và “biến Úc thành một nước Pháp thứ hai, dám nói ‘NO’ với Mỹ.” Một suy nghĩ cũng tương tự như vậy cho Tân Tây Lan.17

Úc công khai tiếp chiến

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (2015 -2018), đã chỉ trích đích danh Trung Hoa trong việc can thiệp vào chính trường Úc.18 Năm 2018, Úc đã thông qua đạo luật ra lệnh cho các nhân viên (agents) của chính quyền nước ngoài phải đăng ký các cơ quan nước ngoài sử dụng họ và nguồn hỗ trợ ở nước ngoài, cấm các khoản tặng dữ (donations) chính trị từ người nước ngoài và nới rộng định nghĩa về gián điệp.

Thực ra, quan hệ của Úc với Trung Hoa bắt đầu đi xuống từ năm 2016. Trong quá khứ, Canberra thường phải dàn xếp sự căng thẳng với Bắc Kinh về Đài Loan, Tây Tạng, cũng như về liên minh và chính sách quốc phòng của Mỹ.

Trước đó, vào năm 2009, Bắc Kinh đã khó chịu trước một bạch thư quốc phòng được đưa ra dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd tập trung vào các ý nghĩa chiến lược đối với sự trỗi dậy của Trung Hoa. Là người nói được tiếng Tàu và là sinh viên lâu năm về chính trị của Tàu, kinh nghiệm của ông Rudd với Cộng đảng Trung Hoa đã khiến ông ta trở thành một nhà đối thoại cứng rắn với Bắc Kinh.

Nhưng phải cho đến khi Malcolm Turnbull lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Tự Do (Liberal Party), và giữ chức vụ thủ tướng, thì quan hệ của Úc với Bắc Kinh mới đạt đến điểm căng thẳng tột bực.

Là một nhân viên ngân hàng và là một thương gia trước khi trở thành một chính trị gia, Turnbull không phải là một mẫu người điển hình chống phá Trung Hoa. Ông luôn luôn nghĩ đến những cơ hội mà Trung Hoa đưa ra hơn là bất kỳ mối đe dọa nào mà nước này có thể gây ra.

Tuy nhiên, khi nắm giữ Văn phòng Thủ tướng, quan điểm của ông Turnbull đã hoàn toàn thay đổi khi ông vỡ mộng về những phản đối của Trung Hoa trước thiện chí trong chính sách đối ngoại cùng là chiến thuật cứng rắn của nước này trong các tranh chấp song phương.19

Tháng 7, 2016, Bắc Kinh đã tức giận khi Úc ủng hộ quyết định của tòa án quốc tế ở The Hague, ủng hộ Manila bác bỏ các yêu sách chủ quyền ngày càng gia tăng của Tàu ở vùng biển ngoài khơi Philippines.

Ngày 13 tháng 3, 2017, phát biểu trước diễn đàn của International Institute of Strategic Studies tại Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop đã cảnh cáo là Trung Hoa chỉ có thể đạt được toàn bộ tiềm năng kinh tế nếu họ tiếp tục chấp nhận nền dân chủ.

Julie Bishop speaks at a table covered in food and tea.
Ngoại trưởng Julie Bishop ở Singapore để khuyến khích các mối liên hệ giữa Úc và các đối tác chính yếu tại Đông Nam Á (Twitter: @JulieBishopMP)

Bà Bishop cũng đã mạnh mẽ bảo vệ các thể chế dân chủ và các chuẩn mực của khu vực, đồng thời tái khẳng định quan điểm của Chính quyền Úc rằng “Hoa Kỳ phải đóng một vai trò lớn hơn nữa như là một cường quốc chiến lược không thể thiếu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).”20

Tháng 6, 2017: Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Á châu IISS, Đối thoại Shangri-La (IISS Asia Security Summit, Shangri-La Dialogue) lần thứ 16, được tổ chức tại Singarore, với hơn 500 đại biểu từ 48 quốc gia đến tham dự.21

 Các diễn giả được mời phát biểu tại Hội nghị IISS Shangri-La Dialogue – https://www.iiss.org/events/shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2017#:~:text=The%2016th%20Asia%20Security%20Summit,to%204%20June%20in%20Singapore.

Trong bài phát biểu chính thức trước hội nghị (keynote address), Thủ tướng Úc Turnbull cảnh cáo Bắc Kinh về việc áp dụng chính sách ngoại giao cưỡng chế trong khu vực và làm các nước láng giềng xa lánh.

Ông nói: “Trong một viễn ảnh đen tối như vậy của tương lai, chúng ta sẽ nhìn thấy một Trung Hoa đang cô lập những người chống đối họ hoặc không phù hợp với lợi ích của họ, trong khi đó, Trung Hoa sử dụng những thứ ‘quà cáp’ kinh tế của mình để tưởng thưởng cho những kẻ dễ bảo (toeing the line). Trung Hoa đã thu lợi được nhiều nhất từ hòa bình và sự hài hòa (harmony) trong khu vực của chúng ta, và hệ quả sẽ là, Trung Hoa sẽ mất mát nhiều nhất nếu khu vực này bị đe dọa.”22

Đạo quân thứ năm của Tàu

Câu hỏi đáng được đặt ra là tại sao Úc, một quốc gia rất hiền hòa, lại “bỗng nhiên” trở nên một trong những “hot spots” gai góc dưới mắt của Trung Cộng?

Đầu tiên là phải kể đến tài nguyên thiên nhiên giàu có của Úc là miếng mồi ngon cho Tàu.

Kế đến, Úc là thành viên của Five Eyes, một liên minh được thành lập từ năm 1941, chuyên chia sẻ tin tức tình báo chỉ riêng cho 5 quốc gia nói tiếng Anh: Mỹ, Anh, Canada, Úc và Tân Tây Lan.

Nhưng khó chịu hơn nữa là Úc còn là thành viên của Bộ Tứ – the Quad (viết tắt của Quadrilateral Security Dialogue).

Liên minh Bộ Tứ gồm bốn quốc gia Mỹ, Ấn, Nhật, và Úc được thành lập vào năm 2007, do sáng kiến của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Mặc dù cả bốn quốc gia này bị lệ thuộc nặng nề vào đường dây cung cấp (supply chains) của Tàu, nhưng liên minh này bị Tàu nghi ngờ là một “Asian NATO” bao vây ngăn chặn nước này.23 Chắc chắn liên minh Bộ Tứ là cái cọc nhọn mà Trung Cộng hết sức muốn triệt hạ.

Do vậy, khi bẻ gãy và khống chế được Úc, Trung Cộng sẽ có thể:

  1. “Thu hoạch” được khối tiền rừng bạc biển đến từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Úc.  Đó là chưa kể đến việc một xứ sở đất rộng, người thưa của Úc sẽ là một nơi lý tưởng để Tàu di dân sang đó.  Đúng với kế sách của Chiến lược Biên giới Vĩ đại (Grand Border Strategy) của Tàu.
  2. Phá vỡ được liên minh “Asian NATO” (the Quad) là Tàu có thể hùng cứ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).  Và còn tạo áp lực trên mặt biển lên Ấn Độ, với lực lượng hải quân còn yếu kém so với Tàu.
  3. Kiểm soát được vị trí chiến lược của Úc tại Vùng Nam Bán Cầu.

Theo wikipedia.org, dân số và diện tích của Tàu, Úc và tiểu bang California khoảng:

Dân Số (triệu người)

Diện Tích (km2)

1,410.00
                 25.80
                 39.53

9,596,961
7,692,024
    423,970

Những con số trên cho thấy, diện tích của Úc lớn hơn tiểu bang California 18 lần, nhưng dân số 25.80 triệu người của Úc chưa bằng 3/4 dân số của California.

Về phần nước Tàu, diện tích chỉ hơn Úc 1.25 lần, nhưng dân số 1.41 tỷ người của Tàu lớn hơn Úc đến 54.6 lần. Nhìn vào những con số như thế sẽ thấy “bề dầy” của “vòng đai nhân sự” của Úc quá mỏng manh so với nước Tàu.

Tại Úc, có từ 5 đến 10 phần trăm người Úc có tổ tiên (xa hay gần) là người Hoa, và ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Úc được sử dụng tại nhà là tiếng Quan Thoại (Mandarin), đó là chưa tính đến tiếng Quảng Đông (Cantonese).24

Từ lâu Bắc Kinh đã có nhiều tiếng nói mạnh dạn to tiếng ủng hộ họ trong cộng đồng doanh nhân tại địa phương và tại các trường đại học của Úc, vốn càng ngày càng bị lệ thuộc vào kinh doanh từ Trung Hoa. Những thành phần này luôn luôn chỉ trích gắt gao chính quyền Úc về cách giải quyết những vấn đề liên quan đến Tàu.

Năm 2012, Jamie Packer, một trong những tỷ phú giàu có nhất nước Úc, có resort và sòng bài tại Macau, trong một hội nghị tại Úc đã nói: “We, as a country, have to try harder to let China know how grateful we are for their business.” (Chúng ta, như là một quốc gia, phải cố gắng hơn nữa để cho Trung Hoa biết chúng ta biết ơn họ như thế nào để có được kinh doanh của họ.)25

Năm 2018, vice-chancellor của Đại học Sydney, Michael Spence, đã tố cáo Canberra, và nói rộng ra là Thủ tướng Turnbull, về “những điều nhảm nhí về ghét sợ Tàu (Sinophobic blatherings).” Đại học Sydney là đại học lâu đời nhất của Úc, với 67,000 sinh viên và 15,000 du học sinh trả nhiều tiền (high fee-paying) của Tàu.26

Cũng như, năm 2017 là thời điểm Úc thực thi hiệp ước dẫn độ về Tàu; được ký kết 10 năm trước và chỉ còn chờ được phê chuẩn. Đến năm 2017, Trung Hoa đã tích cực vận động hành lang để Úc phê chuẩn. Tuy vậy, việc phê chuẩn đã bị ngưng trệ vào tháng 3, 2017 vì những phản đối trong nội bộ chính trị của Úc.

Kể từ tháng 3, 2017 các quan chức Trung Hoa đã đưa ra lời đe dọa nhẹ nhàng (veiled threats) đến các nhà lãnh đạo Đảng Lao Động Úc, ý nói rằng cộng đồng người Hoa ở Úc sẽ xem Đảng Lao Động là thù địch với Trung Hoa nếu hiệp ước dẫn độ cuối cùng không được thông qua.27

Cũng trong tháng 3, 2017 các nhà lãnh đạo Đảng Lao Động đã gặp Đại sứ Trung Hoa tại Úc, và “sự ủng hộ dành cho Đảng Lao Động trong cộng đồng người Hoa ở Úc đã được đề cập trong cuộc họp.”

Ngày 22 tháng 3, 2017: Theo lời mời của Thủ tướng Turnbull, Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã đến Canberra, bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức của ông tại Úc, trong đó gồm cả thời gian tham dự cuộc Họp thường niên lần thứ năm giữa Thủ tướng Trung Hoa và Úc.28

Ngày 27 tháng 3, 2017: Ông Bill Shorten, lãnh đạo khối đối lập, đã báo cho Thủ tướng Turnbull là Đảng Lao Động không ủng hộ việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ.

Thủ tướng Turnbull bắt buộc phải rút lại hiệp ước. Vì đa số thành viên của Quốc Hội, của cả hai đảng Lao Động và Tự Do, bác bỏ việc thực thi hiệp ước này trên căn bản lập luận là Úc không nên trả người về lại Trung Hoa bởi vì hệ thống pháp lý của quốc gia này bị nhiễu loạn với những vụ ngược đãi nhân quyền.29

Sau đó, theo một tường trình bị tiết lộ cho biết, vào ngày 22 tháng 4, 2017, trong một cuộc họp riêng tại Sydney, Meng Jianzhu, Bí thư Ủy Ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, kiêm Trưởng Ủy ban Quản lý toàn diện Công an Trung ương của Ủy ban Trung ương ĐCSTH, đã nói “là một điều xấu hổ nếu đại diện của chính quyền Trung Hoa phải nói với cộng đồng người Hoa ở Úc rằng Đảng Lao Động không ủng hộ mối quan hệ giữa Úc và Trung Hoa.”30

Có thể nói, hiệp ước dẫn độ về Tàu là một trong những công cụ khủng bố hữu hiệu nhất của cộng sản Tàu nhắm vào cộng đồng người gốc Hoa tại Úc, nhằm khiến họ luôn luôn phải sợ hãi và do đó phải tùng phục đảng.

Do vậy, bác bỏ việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ về Tàu là Quốc Hội Úc đã hữu hiệu ngăn chặn không để cho Trung Cộng vũ trang thêm vũ khí pháp luật để gia tăng sức mạnh cho đạo quân thứ năm của họ tại Úc.

Nhưng không có một vấn đề nào lại thu hút được sự quan tâm chính trị của người dân Úc hơn là cuộc tranh luận về ảnh hưởng và các hoạt động can thiệp của Trung Cộng tại Úc. Dưới bình phong mang tên Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (United Front Work Department), ĐCSTH có cả chương trình công khai và bí mật để giành chiến thắng, hoặc ít nhất cũng là để vô hiệu hóa các nhà lãnh đạo và tổ chức phi đảng phái trong cộng đồng.

Trong quá khứ, công việc của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất phần lớn đặt trọng tâm vào Đài Loan, Hồng Kông và các cộng đồng hải ngoại gốc Hoa ở Đông Nam Á. Nhưng gần đây, Úc và Tân Tây Lan, nơi có một số lượng lớn người di dân và sinh viên đến từ Trung Hoa, đã trở thành những chiến trường mới.

Như trường hợp của Sam Dastyari, trẻ, sinh ra tại Iran, là một thượng nghị sĩ Đảng Lao Động từ tiểu bang New South Wales, đã bị buộc phải từ chức ra khỏi các vị trí trong ủy ban quốc hội sau khi có tin tiết lộ rằng ông này đã lấy tiền từ các nhà tài trợ Trung Hoa dùng cho chi phí cá nhân. Trong vòng vài tháng, một loạt những tiết lộ liên quan đến việc trên đã buộc ông ta cũng phải từ chức khỏi Quốc hội. Hầu hết các câu chuyện về vấn đề này đều quay quanh mối quan hệ của ông ta với Huang Xiangmo, một công dân Tàu là thường trú nhân tại Úc. Vào cuối năm 2018, chính phủ Úc đã thu hồi quyền cư trú của Huang trong khi anh ta ở Hồng Kông.

Sau khi tư cách thường trú nhân của Huang bị hủy bỏ, một lá thư ủng hộ Huang, xuất hiện trên trang nhất của ba tờ báo Hoa ngữ của người Úc gốc Tàu, dưới dạng của một quảng cáo có trả tiền, trong đó có tên của hơn 120 nhóm cộng đồng phản đối quyết định cấm không cho Huang vào Úc. Nhiều nhóm trên được biết là có liên hệ với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.31

Ban Công tác Mặt trận Thống nhất là một ban ngành (deparment) báo cáo trực tiếp với Ủy ban Trung ương ĐCSTH. Ban Công tác này chịu trách nhiệm thu thập tin tức tình báo, quản lý các mối quan hệ và cố gắng tạo ảnh hưởng đến các cá nhân và tổ chức ưu tú trong và ngoài Trung Hoa. Tuy nhiên, Ban Công tác này đặt chú trọng vào những cá nhân hoặc tổ chức bên ngoài Đảng, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, những người có ảnh hưởng xã hội, thương mại hoặc học thuật, hoặc những người đại diện cho các nhóm lợi ích. Bằng mọi nỗ lực, Ban Công tác này tìm cách bảo đảm rằng những cá nhân và nhóm lợi ích này luôn luôn ủng hộ hoặc trở nên hữu dụng cho Đảng; ngược lại bằng mọi cách họ tạo phân hóa và gây chia rẽ nơi những thành phần chỉ trích hay chống đối Đảng.32

Cung cách “ngoại giao nước lớn” của Tàu

Mặc dù Bắc Kinh từ lâu đã chấp nhận hiệp ước an ninh của Úc với Washington, nhưng trong thời gian căng thẳng ngoại giao, họ đã nhắm vào liên minh này trong nhiều năm. Thí dụ, vào giữa thập niên 1990s, tờ People’s Daily (Nhân Dân Nhật Báo), ống loa (mouthpiece) chính thức của đảng, gọi Úc và Nhật là “càng cua” (“crab claws”) của Mỹ trong khu vực, cặp chặt Bắc Kinh và ghì nó xuống.33

Nhưng những ngôn ngữ nặng lời xúc phạm (invectives) của Tàu nhắm vào Úc, cả trong các tuyên bố chính thức và báo chí do đảng kiểm soát, chưa bao giờ rõ ràng và kéo dài như những năm gần đây. Các lời bình luận của Tàu đi từ việc chỉ trích Úc là tay sai của Washington cho đến vô ơn đối với mối quan hệ mậu dịch rộng rãi. Đôi khi, người Tàu còn đổ lỗi cho những lời chỉ trích của Úc là phân biệt chủng tộc.

Sự chỉ trích Úc đến từ tất cả các nơi, các phương tiện truyền thông chính thức và bán chính thức, dưới dạng báo lá cải của đảng, tờ Global Times. Rồi từ các học giả và các quan chức của chính quyền, từ bộ trưởng bộ ngoại giao trở xuống.

Ngay trên trang mạng của Tòa Đại sứ Trung Hoa tại Úc, có ghi nhận định của Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Hoa, Zhao Lijian, với ngôn ngữ rất ‘ngoại dao:

2020/11/19
Hãng tin Bloomberg: Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand và Anh kêu gọi chính quyền Trung Hoa tái cứu xét các hành động chống lại cơ quan lập pháp được bầu lên của Hồng Kông và ngay lập tức phục hồi các thành viên trong Hội đồng Lập pháp. Bộ Ngoại giao có bình luận gì về việc này?

Zhao Lijian: Ý bạn nói là Liên minh Năm Mắt (Five Eyes Alliance), phải không?

Nhân dân Trung Hoa sẽ không gây rắc rối khiêu khích, nhưng chúng tôi không bao giờ chùn bước khi rắc rối đến chận đường. Không cần biết họ có bao nhiêu con mắt, năm hay mười hay cỡ nào đi chăng nữa, bất cứ kẻ nào dám xói mòn chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Hoa, thì hãy cẩn thận đừng để bị chọc vào mắt.

(The Chinese people will not provoke troubles, but we never flinch when trouble comes our way. No matter how many eyes they have, five or ten or whatever, should anyone dare to undermine China’s sovereignty, security and development interests, be careful not to get poked in the eye.)34

Căn cứ theo khẩu khí ‘ngoại dao của vị này, thì có lẽ trước khi về Bộ Ngoại Giao làm phát ngôn viên, hẳn ông Zhao Lijian đã có nhiều năm phục vụ trong các đơn vị đặc công chuyên cận chiến bằng bayonet!

Một trường hợp khác: Sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi cần có cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch coronavirus, Bắc Kinh liên tục hăm dọa tẩy chay kinh tế Úc. Nhưng Thủ tướng Morrison không chùn bước, ông vẫn giữ nguyên lời kêu gọi. Sự việc này đã khiến Bắc Kinh mất bình tĩnh.

Hu Xijin, Chủ bút của Global Times, một tờ báo thuộc loại “dư luận viên” có “đẳng cấp” cao nhất của nhà nước Tàu, trong tháng 4/2020, đã viết trên Weibo, social media của Tàu35:

“Bằng cách nào đó, Úc nhảy lên nhảy xuống hoài hoài. Nó giống như kẹo cao su dính vào dưới đáy giày của Trung Hoa. Đôi lúc bạn chỉ phải kiếm một tảng đá và cạo cho nó rớt ra.”

(“Somehow Australia is jumping up and down again and again. It is like chewing gum stuck to the bottom of China’s shoe. Sometimes you just have to find a rock and rub it off.”)

Global Times, một nhật báo bằng Anh Ngữ trực thuộc tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) của Đảng Cộng sản Trung Hoa, với mỹ danh “Thời báo Toàn cầu” mà có ông Chủ bút sử dụng ngôn ngữ đạt đến “đỉnh cao” của “văn hóa ngoại dao” như thế, thì hẳn các tờ “thời báo nội địa” như The China Times ắt phải có ngôn ngữ “văn minh chợ búa” chắc chắn còn “hay ho” hơn gấp mấy lần!

Qua cung cách đối xử với rất nhiều quốc gia, mà Úc chỉ là một trường hợp điển hình, thì quả thực Trung Cộng và chắc chắn không ít dân Tàu – với dòng máu kiêu ngạo “Đại Hán nước lớn” – đã tự chứng tỏ họ có dư thừa khả năng để biến “sức mạnh mềm” (soft power) thành “sức mạnh bùn” (mud power).

Sức mạnh “mud power” này rất hữu dụng trong việc giúp cho Trung Hoa nhanh chóng lún sâu thêm vào thất bại, một khi họ bắt đầu bị sa lầy với những tham vọng quá tải so với khả năng và phong cách Chauvinism “nước lớn” của quốc gia này.

“Vòng Đai và Con Đường” của Trung Cộng không bao vây được Úc

Việc Bộ Ngoại Giao Úc hủy bỏ hai thỏa thuận với Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường của Trung Hoa, trên thực tế chưa gây ra thiệt hại tài chánh đáng kể cho Bắc Kinh. Nhưng những phản ứng dữ dội của Bắc Kinh nhắm vào Úc trước sự hủy bỏ trên cho thấy Úc đã chạm trúng “điểm nhạy cảm cao” của Bắc Kinh.

Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative), nguyên thủy có tên là “Silk Road Economic Belt,” được ông Tập Cận Bình công bố vào tháng Chín, 2013 khi ông viếng thăm Kazakhstan.36 Sáng kiến này là chiến lược trụ cột của chính sách ngoại giao của ông Tập nhằm thiết lập một hệ thống mậu dịch toàn cầu với nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Tham vọng (hay mục đích) lâu dài của Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường là thay thế được Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (International Monetary Fund)37. Hai định chế trên được hình thành từ Bretton Woods system – là một hệ thống quản trị thương mại và tài chánh thế giới, được thiết lập từ 1944 cho việc tái xây dựng lại hệ thống kinh tế thế giới vào lúc Thế Chiến thứ II đang đi vào tàn cuộc. Thay thế được hay nắm giữ được World Bank và International Monetary Fund là sẽ “cai quản” được tiền tệ toàn thế giới.

Dù vậy, công cụ chiến lược “Sáng Kiến Vòng Đai và Con Đường” (BRI) này hiện nay chưa “đi sâu, đi sát” được vào mọi quốc gia, nhất là những quốc gia có thực lực, và còn đang bị nghi ngờ là một thứ chính sách bẫy nợ (debt-trap policy).

Bởi thế, việc Úc hủy bỏ thỏa thuận với BRI chỉ có thể tạo ra một tác động tiêu cực lên Bắc Kinh trong khi họ nỗ lực đẩy mạnh BRI đến mọi nơi nhằm tạo ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng để khống chế thế giới qua lãnh vực tài chánh.

Thêm nữa là chuyện Úc dám chống đối “vuốt mặt” anh khổng lồ Đại Hán và dễ làm gương xấu cho những kẻ khác noi theo! Như vậy, thì trách sao mà “thiên triều” tại Trung Nam Hải (Zhongnanhai) lại không nổi cơn thịnh nộ với Úc?

Cạnh tranh Địa lý Chiến lược

Trước khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne công du sang Hoa Kỳ, Đại sứ Úc tại Mỹ, ông Arthur Sinodinos, đã có một cuộc phỏng vấn với Hudson Institute, một think tank của Hoa Kỳ, vào ngày 30 tháng 4, 2021.38

Cuộc phỏng vấn khá dài, chỉ xin ghi lại một đoạn mà có lẽ nội dung sẽ không làm người Tàu vui lòng.

Khi đề cập đến tình trạng căng thẳng giữa Úc và Trung Hoa, ông Đại sứ cho biết:

“Chúng tôi không cảm thấy đơn độc. Theo cách mà chính quyền này (của Úc) đã chú trọng vào các đồng minh và đối tác trước khi can qua với Trung Hoa, chúng tôi cảm thấy rằng chính quyền (Úc) đã gửi một thông điệp đến Trung Hoa rằng chúng tôi sẽ tận dụng, chúng tôi, chính quyền (Úc), sẽ tận dụng một trong những sức mạnh đặc biệt của Hoa Kỳ, mạng lưới các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, trong bối cảnh này, nếu bạn thích, thì gọi đó là cuộc cạnh tranh địa lý chiến lược đang diễn ra.”

(We don’t feel we’re alone. In the way this administration has focused on allies and partners before engaging China, we feel that the administration has sent a message to the Chinese that we are going to leverage, we, the administration, are going to leverage one of the unique strengths of the United States, its network of allies and partners, in this, if you like, geo-strategic competition that is going on.)

Xin được kết thúc bài viết bằng lời phát biểu của Đại sứ Úc Arthur Sinodinos.

Trần Trung Tín – Ngày 20 tháng 5, 2021

Bài đọc thêm:



Chú thích

  1. https://www.state.gov/secretary-antony-j-blinken-and-australian-foreign-minister-and-minister-for-women-marise-payne-at-a-joint-press-availability/
  2. https://www.cnn.com/2021/04/22/business/australia-china-belt-and-road-initiative-intl-hnk/index.html
  3. https://au.news.yahoo.com/top-officials-sobering-speech-warning-war-involving-australia-010421076.html
  4. https://au.news.yahoo.com/top-officials-sobering-speech-warning-war-involving-australia-010421076.html
  5. https://au.news.yahoo.com/preposterous-chinas-damning-words-australia-spat-intensifies-083555439.html
  6. https://www.abc.net.au/news/2021-04-27/china-responds-to-dutton-comment/100096928
  7. http://za.china-embassy.org/eng/fyrth/t1872195.htm#:~:text=China%20has%20been%20a%20promoter,a%20defender%20of%20international%20order.&text=We%20urge%20certain%20individuals%20in,to%20regional%20peace%20and%20stability.
  8. https://www.abc.net.au/news/2021-04-12/christopher-pyne-potential-conflict-china-politics/100064226
  9. https://www.9news.com.au/national/china-australia-tensions-top-official-warns-drums-of-war-are-beating/7b51390a-f334-4e44-aeeb-2f22ff5ce9cb
  10. https://www.usnews.com/news/world/articles/2021-03-30/australia-to-build-guided-missiles-to-boost-defense-capacity
  11. https://www.pm.gov.au/media/defending-australia-and-its-interests
  12. https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/australia-boosts-defense-budget-against-coercion/1896319
  13. https://abcnews.go.com/International/wireStory/australia-plans-190-billion-defense-boost-decade-71547054
  14. https://www.abc.net.au/news/2020-06-30/australia-unveils-10-year-defence-strategy/12408232
  15. https://www.abc.net.au/news/2020-06-30/australia-unveils-10-year-defence-strategy/12408232
  16. https://apnews.com/article/9a1fffde814f3d5d0d2c32d1758fba65
  17. Li Mingjiang and Kalyan M. Kemburi, China’s Power and Asian Security (London: Routledge, 2015), 179. https://www.prcleader.org/mcgregor
  18. https://www.theguardian.com/australia-news/2017/dec/09/china-says-turnbulls-remarks-have-poisoned-the-atmosphere-of-relations
  19. https://www.prcleader.org/mcgregor
  20. https://www.abc.net.au/news/2017-03-14/julie-bishop-warns-china-on-need-to-embrace-democracy/8350968
  21. https://www.iiss.org/events/shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2017#:~:text=The%2016th%20Asia%20Security%20Summit,to%204%20June%20in%20Singapore.
  22. https://www.malcolmturnbull.com.au/media/keynote-address-at-the-16th-iiss-asia-security-summit-shangri-la-dialogue
  23. https://www.globaltimes.cn/page/202103/1218189.shtml
  24. https://www.ethnolink.com.au/blog/top-10-languages-spoken-in-australia
  25. https://www.smh.com.au/national/packer-rebuked-over-china-gratitude-20120921-26cep.html
  26. https://www.afr.com/policy/health-and-education/sydney-unis-michael-spence-lashes-government-over-sinophobic-blatherings-20180128-h0pjc4
  27. https://supchina.com/2017/12/05/china-issued-three-veiled-threats-australia-get-extradition-treaty-passed-reports-say/?amp
  28. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1448423.shtml
  29. https://www.abc.net.au/news/2017-03-28/government-pulls-australia-china-extradition-treaty/8392730
  30. https://supchina.com/2017/12/05/china-issued-three-veiled-threats-australia-get-extradition-treaty-passed-reports-say/?amp
  31. https://www.prcleader.org/mcgregor
  32. https://en.wikipedia.org/wiki/United_Front_Work_Department
  33. https://www.aspistrategist.org.au/big-chill-china-australia/
  34. http://au.china-embassy.org/eng/sghdxwfb_1/t1833966.htm
  35. https://www.sbs.com.au/news/china-labels-australia-gum-stuck-to-the-bottom-of-china-s-shoe-over-calls-for-coronavirus-inquiry
  36. https://en.wikipedia.org/wiki/Belt_and_Road_Initiative
  37. https://www.reuters.com/article/us-g7-economy-france/reinvent-international-monetary-order-or-face-chinese-dominance-france-idUSKCN1UB2MZ
  38. https://www.hudson.org/events/1952-virtual-event-a-conversation-with-australian-ambassador-arthur-sinodinos42021

6 Comments

  1. Nguyễn Minh Việt

    WOW! Cám ơn tác giả về bài viết Viễn ảnh chiến tranh giữa Úc Đại Lợi với Tàu Cộng, bài viết gọn và súc tích. Rất thích thú 🙂

    • editor

      Cám ơn anh Việt đã đọc và thích thú.

      • Trantuanngock28

        Bài viết của Trần Trung Tín rất công phu! Dẫn chứng lại mạch lạc! Càng ngày khả năng tham khảo càng sâu sắc!
        Riêng tôi, tôi rất thích trực tiếp dẫn chứng bằng nguyên bản bằng Anh Ngữ, vì đó là hình thức để chúng ta học hỏi cách dùng chữ! Mà cách này thì Tín đi hàng đầu.
        Lần nữa, cám ơn bài viết của cậu .

        • editor

          Cám ơn NT Ngọc. Khi nào từ Úc làm chuyến Mỹ du, NT nhớ tin cho biết. :=)

  2. duc lanh nguyen

    không ngờ 1 người ở Mỹ lại có hiểu biết sâu sắc, chính xác đến thế về hiểm họa chiến tranh với Tàu cộng, nước Úc ở vào thế rất yếu so với Tàu cộng cả về nhân lực lẫn vật lực, dân Úc thì lại không muốn chiến tranh, đảng Lao Động ( Labour Party )- hiện đang là đối lập- lại có khuynh hướng thân Tàu, các chính trị gia Lao Động lại khoái buôn bán, làm ăn và hưởng lợi qua việc được đi du hí Nước Tàu, được các cô gái Tàu chiều chuộng và chắc là túi có thêm tiền rủng rỉnh. Lãnh thổ Bắc Úc đã cho chúng thuê cảng Darwin 99 năm với giá chỉ 506$ triệuAUD ( dưới US$400 triệu), TB Victoria cũng đi đêm với Tàu qua việc chấp thuận dự án BRI với chúng mà không cho biết lý do. Nếu Úc trông chờ đồng minh thì thua ngay vòng đầu, Mỹ mà do ông già Biden cầm cân, đầu óc mụ mị nói năng lung tung lộn xộn thì chết chắc.Hơn nữa con ông là Hunter Biden lại có quan hệ làm ăn với TC thì làm sao mà đánh nhau được đây.

    • editor

      Người Úc thường hay tự ví mình là dân “Down Under” vì Úc ở Nam Bán Cầu, dưới đường xích đạo. Còn như các tuyển thủ bóng rổ, khi gặp đối phương chơi xấu, bị ngã xuống, phải ra khỏi sân để băng bó hoặc tạm nghỉ. Đến lúc tuyển thủ này trở lại sân, chơi vẫn hay, thì sport broadcaster hay tường trình là He’s Down but NOT Out.

      Riêng trường hợp của Úc như vừa rồi, theo https://www.globaltimes.cn/page/202104/1221766.shtml thì: ‘Australia has essentially fired a major shot in what could lead up to a potential trade conflict with China and could face serious consequences for its “unreasonable provocation” against China’, thì có lẽ phải nên kêu Australia là “He is DOWN (under) but just IN (for firing a major shot)!” 👍

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *