3T1

Hồi tháng 10, 2018, nước Mỹ chấn động vì chiến dịch “Vượt Biên 2.0.” Theo một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc, tính tới ngày 22 tháng 10 có chừng 7,000 dân của ba nước Guatemala, Honduras và El Salvador tham gia chiến dịch. Trong đó có chừng 2,300 trẻ nít.

Tới ngày 29 tháng 10, AP News loan tin là nhóm thứ hai đã bước vô tới bên trong xứ Mễ, với tựa đề: 2nd group of migrants enters Mexico as main caravan resumes.

Bắt nguồn từ ba nước Guatemala, Honduras và El Salvador, đoàn Vượt Biên 2.0 băng qua biên giới phía Nam nước Mễ. Rồi di chuyển lên phía bắc, đi qua hết nước Mễ. Sau cùng là vượt qua biên giới phía Bắc nước Mễ để vô Mỹ.

Được giới truyền thông kêu là “Migrant Caravan,” đoàn lữ hành di dân đã làm chiến dịch “Vượt Biên 2.0” động trời này bốc lửa phừng phừng, muốn đốt cháy rụi luôn mấy cái đài TV bên Mỹ!

Cũng như ngày 6 tháng 11, 2018 sắp tới, Hoa Kỳ có bầu cử vào giữa nhiệm kỳ tổng thống để chọn các Dân Biểu và 1/3 tổng số Thượng Nghị Sĩ của Thượng Nghị Viện.

Khỏi nói cũng biết là mấy chuyện di dân bất hợp pháp, nhập cảnh lậu này sẽ um sùm trong khi tranh cử, giành ghế trong quốc hội Mỹ.

Còn trên màn hình TV, thì cả chục đội… “bóng nói” đem “trái banh” migrant caravan ra đá tới, đá lui. 

Ui cha, xếp lớp trên mấy cái ghế bình luận gia…  Có thày bàn… Có cô luận… Đủ hết!

Mấy danh tài “bóng nói” này, ông bà nào cũng ưa đeo lên cái mặt nạ “nghiêm và buồn.”  Nhưng cái miệng của mấy người đó thì hết biết, hổng có hồi nào kéo da non nổi.

Muốn khen cỡ nào, muốn chê kiểu nào, mấy người này làm được tuốt luốt hết.

Nói nghe giống như dân chuyên nghiệp cũng có, mà theo kiểu rờ mu rùa cũng có luôn!

Mở TV qua trái, nghe nói migrant caravan có quyền vượt biên giới vô bên trong nước Mỹ xin tị nạn…

Mở TV qua phải, nghe là phải chấm dứt mấy vụ nhập cảnh bất hợp pháp…

Bởi thời 1981, leo lên ghe đi vượt biên tị nạn rồi trở thành dân boat people, cho nên 3T tui cũng bị bứt rứt dữ lắm khi coi TV thấy chiếu tới mấy phần tin này.

Hồi vượt biên trốn khỏi Việt Nam, tui được tàu vớt. Rồi được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees) bảo trợ và được đưa vô trại tị nạn trên đảo của Indonesia.  Khi tới đảo, văn phòng Cao Ủy kêu lên làm giấy tờ. Thấy trong hồ sơ cá nhân của tui ở phần Nationality (quốc tịch) ghi là Statelessness2 (Không Quốc Gia).

Hồi đó ngó thấy vậy cũng thấm buồn. Nhưng sau này mới biết nhân viên cao ủy làm vậy là do theo luật quốc tế áp dụng cho dân tị nạn.

Đó là chuyện dân tị nạn được sự che chở, bảo bọc của Cao Ủy Tị Nạn và được các quốc gia khác nhận cho tạm trú trong các trại tị nạn trên nước của họ.

Nhưng mà, qua tới phần nước Mỹ nhận cho định cư, thì theo tiêu chuẩn nào mới được nước Mỹ coi là người tị nạn chớ?

Thời còn ở trại tị nạn, thì tui ngơ ngơ ngáo ngáo. Đâu biết mốc xì gì về mấy chuyện khác biệt giữa dân tị nạn (refugee), di dân hợp pháp (legal immigrant), hay di dân bất hợp pháp (illegal immigrant).

Bây giờ, kiếm sơ sơ trên Internet, thấy có chỗ ghi:

Ai là người tị nạn? Là một người ở ngoài Hoa Kỳ đang tìm kiếm nơi ẩn trú an toàn. Hoa Kỳ, trên căn bản của luật quốc tế, định nghĩa “người tị nạn” là một người ở bên ngoài quốc gia mà họ có quốc tịch, mà người đó không thể hoặc không có ý muốn quay trở lại quốc gia đó vì sự ngược đãi hoặc vì sự sợ hãi có căn cứ là họ bị ngược đãi vì chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên trong một nhóm xã hội riêng biệt hoặc ý kiến chính trị3.

Nhớ lại hồi sau 1979, nhằm giảm bớt những thảm nạn kinh hoàng của thuyền nhân vượt biển, thế giới và chánh quyền cộng sản Việt Nam đồng ý lập ra chương trình ra đi có trật tự mang tên là Orderly Departure Program, viết tắt ODP, quen đọc là Ô-đi-pi.

Nhưng với mấy người ra đi theo “diện” Ô-đi-pi, thì dù có giấy xuất cảnh, có vé máy bay, và sắp lên đường, tui cũng dám cá 100 ăn 1 là có cho thêm tiền cũng hổng có ông bà Ô-đi-pi nào dám cả gan làm chuyện động trời là “mang cờ” đi diễn hành cho đúng điệu “ra đi có trật tự.”

Mà có lì như dân vượt biên Việt Nam, cũng còn khuya mới dám chơi ngon như dân migrant caravan: Mở màn chiến dịch Vượt Biên 2.0 bằng mấy chuyến… “Ô đi Van” công khai và rầm rộ làm thế giới xanh mặt hết!

Cỡ hơn 40 năm về trước, thế giới đặt tên thuyền nhân Việt Nam vượt biển là boat people.

Sau này, dân Việt có người kêu boat people là dân Ô đi ghe, và kêu dân vượt biên bằng đường bộ là dân Ô đi bộ. Vì cả hai đều là là anh em bà con với dân Ô-đi-pi!

Nói tới táo bạo và liều mạng là có dân vượt biên Ô đi ghe và Ô đi bộ. Nhưng tới hồi “lên đường,” ai nấy đều lo trốn chui, trốn lủi. Sức mấy mà dám nổi đình, nổi đám, thùng thùng beng beng làm rùm mấy chuyện vượt biên. Giống như mấy người migrant caravan trong “chiến dịch” Vượt Biên 2.0.

Hổng dám um sùm là bởi dân Việt tị nạn bị cộng sản áp bức và hành hạ tối trời ngay trên quê hưong của họ. Để mấy chuyện vượt biên bị “bể” ra là có nước tiêu luôn.

Còn dân migrant caravan?  Có cả ngàn mạng leo lên hàng dài “Ô đi Van,” mở máy xe chạy rầm rầm, tỉnh bơ như đi… hành hương!  Có sợ thằng tây con đầm nào đâu?

Tính trốn qua nước khác xin “tị nạn,” mà còn có màn hùng dũng đưa cao lá cờ của nước họ ra để cho thiên hạ lé mắt nhìn thấy “chánh nghĩa” chói lọi của dân xứ họ! Như dzậy mới thiệt là tài! Hay thiệt là… hài?

Đi đầu đoàn người là cờ của El Salvador – https://www.bbc.com/news/world-latin-america-45910779

Ngó mấy cây cờ giương cao, khi không nhớ tới bài Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu:

Cờ bay, cờ bay, trên thành phố thân yêu… Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu! Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào…

… Oops! … Trật đường rầy rồi, cha nội!  … Ngó dzậy mà hổng phải dzậy!

Mấy người migrant caravan có mang cờ theo thiệt. Nhưng mà cờ đó hổng có bay trên thành phố thân yêu của họ mà là vác theo đi nghinh ngang trên đường vượt biên 2.0 xâm nhập vô nước người khác!

Là dân “tị nạn” mà đi thành hàng dài trên nước khác và cầm cờ của nước mình đưa lên ngon lành giống như là diễn hành mừng quốc khánh của nước mình. Chuyện như vậy mới là ngộ thiệt là ngộ chớ!

Rầm rộ tính xâm nhập vô nước khác, vác cờ của nước mình đi đầu, bộ tính làm chuyện cắm cờ, chiếm đất, giành dân tại nước của người ta hay sao chớ? Mấy thứ đó coi hổng lọt con mắt người phàm chút xíu nào hết.

Trong đoàn migrant caravan này lẽ tất nhiên có người đúng là dân tị nạn. Và nước Mỹ sẽ đón nhận những người đó, cũng như đã từng làm đối với nhiều dân xứ khác, như người tị nạn Việt Nam hồi thập niên 1970s và 1980s.

Cũng trong thập niên 1980s, có hàng trăm ngàn người El Salvador rời bỏ đất nước họ vì chiến tranh và nước Mỹ đã đón nhận họ như những người tị nạn.

Nhưng hổng phải bất cứ thời nào, bất cứ ai cũng có thể bước đại qua biên giới Mỹ và khơi khơi đòi Mỹ phải đón nhận họ như là những người tìm đường tị nạn (asylum seekers).

Theo migrationpolicy.org, tính tới 2008, dân El Salvador sống tại Mỹ gần bằng 1/5 tổng số của dân El Salvador4.

Còn từ 2008 tới nay, có thêm chừng 10 năm, thì hổng biết con số tăng thêm là bao nhiêu, nhứt là sau mấy đợt “tổng công kích” của hàng hàng lớp lớp migrant caravan như gần đây!

Ai mà biết được… Theo đà này không chừng mai mốt đây dân El Salvador sẽ khăn gói, xách cờ ùn ùn kéo qua Washington DC bắt Quốc Hội Mỹ phải nhận cho El Salvador làm tiểu bang 51 của nước Mỹ!

Mà nói thí dụ, tới hồi có muốn xin làm tiểu bang 51 Mỹ của, thì El Salvador cũng phải ‘get in line’ xếp hàng sau lưng Puerto Rico để chờ tới phiên. Chớ đâu phải rần rần kéo qua Mỹ và muốn đòi cái gì là phải được cái đó đâu?

Còn tính qua Mỹ để kiếm công ăn chuyện làm, đoàn tụ gia đình, hoặc di dân thì cũng phải lo nộp đơn xin và đợi cứu xét như thiên hạ mấy xứ khác chớ.

Từ hồi nào tới giờ, ai nộp đơn xin qua Mỹ đều phải xếp hàng. Đàng hoàng như vậy mới được. Đâu có chuyện rầm rầm đạp cửa nhà người ta tỉnh bơ tiến vô xâm nhập gia cư bất hợp pháp rồi còn la làng đòi vô làm cha nhà thờ nữa đây?

Migrant Caravan – Đi đầu có cờ của Guatemala – Tháng 10, 2018

Nói gì thì nói, thiệt tình thì cũng mừng cho đoàn migrant caravan là kéo đi ban ngày, ban mặt hết bữa này qua bữa nọ, giống như biểu tình “đồng khởi,” mà hổng bị tụi công an nó rượt hay bị bọn biên phòng nó xả súng bắn theo xối xả cho chết luôn, như hồi dân Việt tị nạn trốn chạy cộng sản.

Mấy chục năm trước, dân tị nạn Việt Nam cũng đông lắm. Nhưng còn lâu mới có chuyện đòi vô cho được nước Mỹ mới chịu định cư, như mấy ông mấy bà “Ô đi Van” đang làm cú Vượt Biên 2.0 bây giờ. Chơi kiểu đó kêu là chơi cha còn chưa chịu, mà còn đòi làm ông cố nội thiên hạ.

Vượt biên tới được bến bờ tự do là mừng thấy bà tổ, giống như chết đi sống lại.

Có quốc gia nào mở lòng nhơn đạo chịu làm quốc gia đầu tiên nhận cho định cư (the first country of asylum)5 là coi như phải nhận.

Hồi đó, có muốn đi Mỹ cỡ nào đi nữa, nhưng khi phái đoàn các nước thuộc loại “the first country of asylum” như Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, Na Uy… rộng mở vòng tay để nhận, thì dân Việt tị nạn phải chấp nhận đi định cư tại nước đó.

Còn mà chơi bảnh, “chê” không chịu định cư tại quốc gia đầu tiên nhận mình làm người tị nạn, và tính chuyện nằm chờ thời, đợi quốc gia “ngon” mà mình muốn, thì ráng mà “tử thủ” ở đảo.

Vì sau đó sẽ không có phái đoàn của nước nào khác muốn rớ tới nữa. Lúc đó các phái đoàn nhận người tị nạn sẽ không còn coi mình là người tìm đường tị nạn (asylum seeker), đáng được cứu xét, mà họ sẽ coi mình là thành phần “đi chợ trời tị nạn” (asylum shopping)6.

Tử thủ ở đảo chừng 5, 10 năm, thì lên chức “chúa đảo.” Tới hồi mấy kho gạo sấy và đồ hộp móng heo của Cao Ủy Tị Nạn cạn sạch, thì giải tán trại tị nạn. Mạng nào còn kẹt bên đảo mà không có nước nào nhận, đều bị trả về Việt Nam.

Còn như chuyện dân “Ô đi Van,” thấy Đại Sứ Mễ tại Mỹ là ông Gerónimo Gutiérrez cho biết Mễ đã nhận cho người migrant caravan ở lại Mễ theo diện tị nạn (refugee status), nhưng chỉ cỡ hơn 2,000 người nộp đơn. Còn số đông còn lại thì nhứt quyết… “Bắc tiến” trực chỉ biên giới Mễ-Mỹ để tiến vô Mỹ. 

Hổng chịu ở lại định cư tại Mễ, là quốc gia đầu tiên chịu nhận tị nạn, mà tiếp tục tiến qua Mỹ “đi chợ trời tị nạn” (asylum shopping) là bởi mấy người “Ô đi Van” này tính chuyện ăn thua đủ. Vì luật di trú của Mỹ có mấy lỗ hổng bự tổ chảng, nên mấy người đó muốn khai thác tối đa để lọt vô bên trong đất Mỹ bằng mọi giá. 

Vượt qua biên giới Mễ và vô được tới bên trong đất Mỹ rồi, nếu được nhận làm dân tị nạn hợp pháp, thì tốt. Còn không thì bị bắt, cũng tốt luôn. Hổng nhằm nhò gì.

Vì rủi có bị bắt thì trước sau gì cảnh sát Mỹ cũng thả ra ngoài và gởi tới chỗ nào đó trên nước Mỹ cho sống tạm và chờ ngày ra tòa án di dân để được cứu xét.

Cái vụ “quân tử chệt” bắt rồi thả ra liền, theo kiểu này, Mỹ nó kêu là “Catch and release”7 giống y chang màn “bắt cóc bỏ dĩa.”

Còn chuyện tới ngày bị kêu ra tòa? Hồi đó, thì mất tích luôn, khỏi kiếm! Trốn được vô bên trong nước Mỹ rồi, bộ ngu sao mà đem đầu ra tòa trình diện để bị bắt lại?

Bởi dzậy, nói cho ngay tình, cũng hổng thể hoàn toàn đổ lỗi cho mấy người di dân nhập cảnh lậu vô Mỹ. Mà chuyện này xảy ra một phần lớn cũng tại luật pháp của Mỹ còn ầu ơ ví dầu quá.

Cũng giống như có căn nhà ngon lành mà hổng chịu xây hàng rào cho chắc, hổng chịu gài cửa cho kỹ, thì hỏi sao thiên hạ bên ngoài hổng ào vô ở… chùa! Chuyện đó dễ hiểu quá mà.

Ở Mỹ này, có thiếu giống gì mấy ông, mấy bà dân biểu, nghị sĩ hổng có muốn đụng tay rớ tới mấy chuyện sửa đổi luật để chấm dứt tình trạng di dân bất hợp pháp.

Nhưng tới hồi dân Mỹ quá mệt mỏi, chán nản và than trời vì mấy màn di dân lậu, thì hồi đó mấy ông, mấy bà nội “dân biểu” mới nhẩy ra “biểu dân” “triển hạn” thêm cho mấy ngài đó vài nhiệm kỳ nữa để mấy ngài lo “làm,” lo “sửa” luật di trú!

Thiệt tình mà nói, mấy chuyện di dân của Mỹ này là chuyện dài mệt thở của xứ hợp chủng quốc và rất phức tạp.

Tính toán hay ho cỡ nào cũng hổng giải quyết được chuyện di dân ở lậu này cho ngon lành để cho mọi người ai cũng 100% dzui trong bụng.

Mà lạng quạng bàn tới bàn lui một hồi, hổng chừng 3T tui dám sẽ bị chửi rủa thê thảm là hổng có trái tim… màu xanh!

Còn không thì 3T tui cũng dễ bị “thiên hạ” giũa đẹp: Ngó lại coi! Hồi trước cũng từ bên ngoài được “cho vô Mỹ,” tới bây giờ vô tới Mỹ rồi lại muốn “đóng cửa” không cho người khác đi sau mình vô. Đúng là thứ ích kỷ tổ cha!

Hey, hey, hey! Có muốn nói tới chuyện “cho vô Mỹ,” thì phải ráng nói cho đàng hoàng, đầy đủ. Đừng có làm chuyện ăn nói chụp giựt, nhẩy nhổm la làng!

Từ hồi nào tới giờ, hổng phải chỉ có dân Việt Nam mà còn cả triệu người, hoặc là tị nạn (refugees), hoặc là đoàn tụ gia đình, hay di dân hợp pháp (legal immigrants)…, của cả mấy chục nước khác được “cho vô Mỹ” bằng con đường hợp pháp.

Không những 3T tui không chống đối mà còn hết mình ủng hộ mấy vụ “cho vô Mỹ” bằng con đường hợp pháp nữa. OK?

Còn mà đột nhập bất hợp pháp vô quốc gia (hay gia cư) của người khác là một chuyện đại trật.

Và 3T tui không có sợ thằng tây con đầm nào mà phải cúi đầu công nhận và ủng hộ mấy chuyện tầm bậy đó.

Rồi hổng chừng tới hồi cứng họng, thời mấy ông mấy bà “có đầu óc tiến bộ” thế nào cũng mở ra mấy cái “ô pạc lưa” (haut parleur) la làng: Ở Mỹ hổng được bao lăm mà lo ôm hun cái bàn tọa của mấy thằng Mỹ trắng; học đòi làm chuyện “racist,” và bày đặt “kỳ thị” dân xứ Châu Mỹ Latin!

Lưu ý chút xíu, sẽ thấy: Đụng tới mấy chuyện “gân gà của Tào Tháo,” nuốt không vô, nhả không ra, thì mấy mạng khoái ra cái điều “kách miệng nhân nghĩa, dân phiền” thường là ưa phang ra chiêu số “kỳ thị,” hay “racist” để người khác ý với họ sợ mất hồn và tắt tiếng luôn. Khi đối phương im re, thì đúng là… “chí nhơn” đã thay “cường bạo!”

Mấy vụ này, Mỹ nó kêu là cheap silencing tactic, còn Việt mình thì kêu là chụp mũ, bịt miệng người khác.

Hmmm, ngó đi, ngó lại thì ai cũng biết, bên Mỹ này làm chuyện gì thời cũng bị đóng thuế, ngoại trừ chuyện… NÓI.

Thành thử, mấy thày mấy bà đó, có mạng nào càm ràm, chửi rủa chi, thì thây kệ, ráng làm phước tiếp tục ghẹo thêm mấy phùa để cho mấy cái lỗ nói đó có chuyện để la làng cho khỏe phổi.

Chớ biết làm sao bây giờ? Cấm cản gì nổi. Hổng lẽ đang ở Mỹ mà đi nói chiện với mấy người đó bằng tiếng… Fáp?

Bởi là đứa khoái phong thái của người dân quê miệt vườn của miền Nam, cho nên 3T tui rất chuộng cái màn cám cảnh sanh tình: Thấy sao nói dzậy, người ơi!

3T – Ngày 30 Tháng 10, 2018



Chú thích

  1. Cập nhật ngày 12/3/2021: Dùng footnotes. Thêm chú thích về luật lệ liên quan đến tị nạn, di dân.
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Statelessness: In international law, a stateless person is someone who is “not considered as a national by any state under the operation of its law”. Some stateless people are also refugees. However, not all refugees are stateless, and many people who are stateless have never crossed an international border.
  3. https://immigrationforum.org/article/fact-sheet-u-s-refugee-resettlement/: Who is a refugee? A person outside the U.S. seeking refuge. The U.S., based on international law, defines “refugee” as a person outside the country of his or her nationality, who is unable or unwilling to return to that country because of persecution or a well-founded fear of persecution based on his or her race, religion, nationality, membership in a particular social group, or political opinion.
  4. https://www.migrationpolicy.org/article/salvadoran-immigrants-united-states-2008
  5. https://www.refworld.org/cgi-bin/texis/vtx/rwmain/opendocpdf.pdf?reldoc=y&docid=4bab55da2 The concept of first country of asylum – “A country shall be considered to be a first country of asylum for a particular applicant for asylum if: a. s/he has been recognized in that country as a refugee and can still avail him/herself of that protection; or b. s/he otherwise enjoys sufficient protection in that country, including benefiting from the principle of non refoulement provided that s/he will be readmitted to that country …”
  6. https://en.wikipedia.org/wiki/Asylum_shopping: Asylum shopping is the practice by asylum seekers of applying for asylum in several states or seeking to apply in a particular state after transiting other states.
  7. https://en.wikipedia.org/wiki/Catch_and_release_(immigration): In United States immigration enforcement, “catch and release” refers to a practice of releasing a migrant to the community while he or she awaits hearings in immigration court, as an alternative to holding them in immigration detention.