Thời gian qua đi quá lâu và tôi đã không còn nhớ chính xác khi nào là lần đầu tiên đọc được bài thơ Bắt Đầu Lại của Nhã Ca. Có một điều chắc chắn là tôi đã đọc bài thơ đó – khá lâu – sau ngày 30/4/1975. Và từ đó cứ bị ray rứt mãi với hai câu kết:

Bắt đầu lại đời ta, các con
Bắt đầu lại từ chỗ bôi xóa mẹ

Nhã Ca làm bài thơ này vào khoảng năm 1972. Tôi cũng không biết Nhã Ca làm ra bài thơ trên khởi đi từ ưu tư hay biến động nào trong tâm tư của bà.

Nhưng lần đầu tiên đọc hai câu thơ đó – khá lâu – sau ngày 30/4/1975, tôi có cảm giác lạnh buốt như đang đọc một lời tiên tri đã được đưa ra từ trước để cảnh cáo mọi người về một điều đại bất tường sẽ xẩy đến. Nhưng chẳng ai quan tâm lưu ý. Cho đến khi đã quá muộn!

Chẳng phải là sau 30/4/1975 và ngay cả cho đến bây giờ, Miền Nam đã bị người cộng sản Việt Nam – bằng đủ mọi thủ đoạn, đủ mọi mưu mô – ra sức Bôi Xóa?

Mươi năm sau, khi đọc The Cuckoo’s Egg, một trong những best sellers của The New York Times năm 1990, tôi lại bị “động tâm” khi thấy Cliff Stoll, tác giả của quyển sách, ghi lại một ước định trong giới thiên văn Hoa Kỳ khi họ làm việc:

If you don’t write it down, it did not happen. (Nếu bạn không ghi được điều đó xuống, thì điều đó đã không xảy ra.)

Cả hai điều mà Nhã Ca và Cliff Stoll viết bên trên đã ám ảnh tôi khá nhiều mỗi khi nghĩ đến hoàn cảnh của một Việt Nam cộng sản.

Gộp chung lại điều mà Nhã Ca và Cliff Stoll đã viết, thì có lẽ sẽ không xa sự thực lắm khi nói lên một nhận xét:

  • Khi người cộng sản Việt Nam “Bắt đầu lại từ chỗ bôi xóa mẹ.”
  • Và rồi: “Nếu bạn, nếu chúng ta không viết xuống được, không ghi lại được những điều đã xẩy ra.”
  • Thì chắc chắn: “Những điều đã xẩy ra đó sẽ hoàn toàn bị bôi xóa sạch!”

Những điều bên trên không phải được ghi lên vì những thành kiến. Mà đó là những chuyện đã và hiện vẫn đang diễn ra tại Việt Nam.

Nhìn ra bên ngoài Việt Nam, thì những sự việc tương tự cũng đã xẩy ra và được ghi nhận bởi người đã từng phải sống dưới những chế độ áp bức bạo tàn.

Điển hình là trường hợp của Milan Kundera (1929- ). Ông là một nhà thơ, nhà văn, và còn là một cựu đảng viên đảng cộng sản Tiệp Khắc sống lưu đày tại Pháp từ năm 1975. Milan Kundera bị tước quyền công dân của Czechoslovakia (Tiệp Khắc) vào năm 1979, và mới nhận được quyền công dân của Czech vào năm 2019.

Trong quyển The Book of Laughter and Forgetting của Milan Kundera, đã có ghi:

“Bước đầu tiên trong việc hạ sát một dân tộc là xóa sạch trí nhớ của nó. Tiêu hủy sách vở, văn hóa, lịch sử của dân tộc đó. Rồi cho kẻ nào đó viết sách mới, chế tạo ra một văn hóa mới, phát minh ra một lịch sử mới. Chẳng mấy chốc quốc gia đó sẽ bắt đầu quên hiện tại và quá khứ. Thế giới chung quanh dân tộc đó còn quên nhanh hơn nữa.“  

“The first step in liquidating a people is to erase its memory. Destroy its books, its culture, its history. Then have somebody write new books, manufacture a new culture, invent a new history. Before long the nation will begin to forget what it is and what it was. The world around it will forget even faster.” –  https://bookhaven.stanford.edu/tag/milan-hubl/

Trở lại những tháng năm sau ngày 30 tháng 4, 1975 tại Việt Nam. Đó là một thời kỳ cực kỳ hãi hùng và đen tối nhất của miền Nam.

Một thời kỳ mà dù 40 năm sau đó, anh Lê Tùng, tác giả của đoản văn Cắt Tranh, vẫn không thể quên được những gì đã xẩy ra cho bạn bè, đồng đội, và cả cho chính anh – vốn là những tù nhân “cải tạo” bị tù khổ sai, không bản án, dưới chế độ cộng sản trong thời điểm đó.

Và anh Lê Tùng đã làm điều mà anh phải làm là Viết!

Bằng chữ viết, anh Lê Tùng đã ghi lại những thương đau, khổ ải của những tù nhân “cải tạo.”

Và thêm nữa, như một chứng nhân, anh còn ghi lại được một điều thật đáng ghê tởm: Sự tàn ác vô nhân tính của con người cộng sản Việt Nam, của “cách mạng!”

Qua Cắt Tranh, anh Lê Tùng đã lưu giữ lại được những thảm nạn của Việt Nam, và những thể hiện rõ nét của những tâm địa tồi tàn của con người cộng sản – một điều mà hơn ai hết, những người cộng sản Việt Nam muốn hoàn toàn bôi xóa.

Cùng với những nhân chứng khác, đã từng bị đầy đọa trong các trại cải tạo khắp nơi tại Việt Nam, anh Lê Tùng đã góp phần viết lên sự thực của những trại tù khổ sai được mỹ hóa dưới danh xưng “trại học tập cải tạo.”

Những dòng chữ viết của anh cho Cắt Tranh đã hòa lẫn với nước mắt, máu, và cả với xác người – kết quả của sự tàn bạo vô nhân có hệ thống của chính sách “học tập cải tạo” được thi hành bởi những gã cai tù lang sói đội lớp cán bộ.

Nói cho chính xác hơn, anh Lê Tùng đã không viết. Anh chỉ ghi lại những gì mà anh đã phải trải qua và đã phải chứng kiến – không phải như một người bàng quan mà chính là một nạn nhân trong cuộc đã may mắn còn sống sót.

Những dòng chữ trong Cắt Tranh đã không “cất cánh bay bổng” như được vẽ vời trong “hư cấu.” Cũng không mượt mà, huyễn hoặc, nửa tỉnh nửa mê.

Mà những dòng chữ trong Cắt Tranh đã nặng chĩu những máu xương và tủi nhục. Những dòng chữ đó đã phải cắn răng chịu đựng những chà đạp, hành hạ và còn phải oằn lưng cõng theo cả xác người.

Trong Cắt Tranh, không hề có những “Kinh Kha sang Tần” hay “người hùng” trở về từ cõi chết. Mà chỉ có những cảnh đời nghiệt ngã và những sự thật gớm ghiếc của chế độ cộng sản nơi trại “học tập cải tạo.”

Trong Cắt Tranh, không hề có chính sách khoan hồng, hay đoàn kết dân tộc. Mà chỉ có sự trả thù vô nhân tính của con người cộng sản, của chính quyền cộng sản.

Nhưng vượt lên trên những khốn khổ, khốn nạn nhất trong đời của người tù cải tạo vẫn là Tình Người và Tình Chiến Hữu của Người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Đó mới chính thực sự là những điều. Phải được viết lên. Cũng như. Những tội ác vô nhân tính của con người và chế độ cộng sản. Phải được ghi xuống. 

Để những điều đã xẩy ra đó không thể bị bôi xóa.

Trần Trung Tín – Tháng 4, 2021

Một chút về tác giả của Cắt Tranh:

  • Anh Lê Tùng là cựu sinh viên sĩ quan (SVSQ) Khóa 25 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN).  Khi đi “lao động cải tạo,” ghi trong Cắt Tranh, anh Lê Tùng là người đã cõng anh Phạm Văn Hùng, người đàn em Khóa 26 đã đạp trúng mìn, về trạm xá và nhờ đó anh Phạm Văn Hùng còn được sống.
  • Khi còn là SVSQ (1968-1972), anh Lê Tùng đại diện cho TVBQGVN tham dự đại hội Điền Kinh Thể Thao của Quân khu II và 2 lần đoạt giải nhất các môn chạy bán trường lực 800m và 1,500m; và trường lực 5,000m và 10,000m. 
  • Định cư tại Hoa Kỳ vào tháng 6, 1991 theo diện HO #7, đến năm 1994 anh bắt đầu dạy toán cho lớp 9-12 tại trung học Skyline High School, Dallas, Texas. Sau 21 năm dạy toán trung học, anh về hưu năm 2015. Cho đến tháng 4/2021, ở vào tuổi 75, anh vẫn “chạy sáng” 5km hằng ngày. Chạy sáng là một phần của chương trình huấn luyện thể chất của Võ Bị mà hiện nay có lẽ chỉ mỗi cựu SVSQ Khóa 25 Lê Tùng là còn “theo kịp” chương trình huấn luyện. 

Disclosure:

Để cho được minh bạch với người đọc, xin ghi thêm: Người viết bài này là CSVSQ của Khóa 31 và đúng theo truyền thống của TVBQGVN, tôi phải gọi tác giả của Cắt Tranh là Niên Trưởng Lê Tùng.