Ngày 15/9/2021, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố sự ra đời của hiệp ước an ninh AUKUS.

Ngày 16/9/2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhao Lijian chỉ trích AUKUS có “não trạng kẻ thắng người bại (zero-sum mentality) lỗi thời của Chiến tranh Lạnh và nhận thức hẹp hòi về địa lý chính trị” đã “làm thêm căng thẳng” cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và gây nguy hại cho nỗ lực ngăn ngừa việc gia tăng vũ khí hạt nhân.

Ngày 17/9/2021, Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc về để “tham khảo.” Pháp tố cáo Tổng Thống Biden đã đâm sau lưng họ và xử sự giống như người tiền nhiệm Donald Trump sau khi Paris bị đẩy ra khỏi hợp đồng cung ứng tàu ngầm cho Úc.

Xin mời đọc phần chuyển ngữ “Hiệp ước AUKUS: Âm hưởng chiến lược to lớn và lâu dài” của bài báo The strategic reverberations of the AUKUS deal will be big and lasting đăng trên The Economist, London ngày 19/9/2021.


Một chuyển dịch sâu xa nơi mặt địa lý chính trị đang xảy ra

Hiếm khi bạn có thể nhìn thấy được các mảng cấu trúc của địa lý chính trị đang di động ngay trước mắt mình.

Cuộc khủng hoảng Kênh Suez năm 19561, Nixon đến Trung Hoa năm 1972 và Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 là những thí dụ đang còn trong ký ức đương thời.

Trong tuần lễ vừa qua, việc công bố hiệp ước phòng thủ ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ (được vụng về viết tắt thành AUKUS: Australia, the United Kingdom và the United States) đã đem đến thêm một sự thể khác trong số các sự kiện hiếm hoi đó.

Hiệp ước AUKUS dự kiến một phạm vi rộng lớn bao gồm các hợp tác ngoại giao và kỹ thuật, từ an ninh mạng cho đến thông minh nhân tạo, nhưng ngay tại cốt lõi là một thỏa thuận bắt đầu sự cố vấn để giúp Úc có được một hạm đội tàu ngầm nguyên tử (dù không võ trang vũ khí hạt nhân). Hậu quả đến từ sự thỏa thuận này là Úc hủy bỏ một hợp đồng, trị giá hàng chục tỷ Mỹ kim, đã ký kết với Pháp vào năm 2016 về tàu ngầm chạy bằng diesel-điện.

HMS Vigilant, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của NATO.
https://www.theaustralian.com.au/world/the-strategic-reverberations-of-the-aukus-deal-will-be-big-and-lasting/news-story/d148a64968cb68a5b258eef6ce5e867c

Ngày 15 tháng 9, 2021, khi cùng với các thủ tướng Úc, Scott Morrison và Anh, Boris Johnson ra thông báo về AUKUS, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng đó là về việc “đầu tư vào nguồn sức mạnh to lớn nhất của chúng ta — là các liên minh của chúng ta”.

Tuy nhiên, Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, đã phản ứng với một sự thịnh nộ (fury) có thể hiểu được. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi đó là một cú “đâm sau lưng” (a “stab in the back”).

Ngày 17 tháng 9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh triệu hồi các đại sứ Pháp tại Washington và Canberra (dù không triệu hồi đại sứ tại Luân Đôn).

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Photo: AFP
Pháp gọi Anh là “bánh xe thứ ba” trong hiệp ước và họ đã không triệu hồi đại sứ tại Luân Đôn.
https://www.theaustralian.com.au/world/the-strategic-reverberations-of-the-aukus-deal-will-be-big-and-lasting/news-story/d148a64968cb68a5b258eef6ce5e867c

Mối đe dọa Trung Hoa

Âm hưởng mạnh mẽ của hiệp ước AUKUS cho thấy sự chuyển đổi sâu sắc mà nó đem lại. Đối với Hoa Kỳ, đây là một chuyển dịch nổi bật nhất trong quyết tâm đáp ứng lại những gì mà họ xem là mối đe dọa từ Trung Hoa càng ngày càng tăng, đặc biệt là thách thức hàng hải mà quốc gia này đặt ra tại Thái Bình Dương.

Không những Mỹ chia sẻ những viên ngọc quý của công nghệ quân sự, hệ thống tạo lực đẩy (propulsion plant) cho tàu ngầm nguyên tử, chỉ với một đồng minh thứ hai trong vòng 63 năm (lần thứ nhất là với Anh). Mà họ còn cho thấy Mỹ đang mạnh mẽ gửi ra một tín hiệu về sự cam kết lâu dài của họ đối với điều mà họ gọi là “Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.

Nhiều quốc gia trong khu vực cùng chia sẻ cảm giác bị Trung Hoa đe dọa đã hoan nghênh hiệp ước này. Hiện giờ hiệp ước AUKUS sẽ đem đến một khung nền có sức mạnh (potent backdrop) cho cuộc họp mặt trực diện đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bộ tứ (the Quad) — Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản — tại Washington vào ngày 24 tháng 9. Tháng trước, giữa sự rút lui hỗn loạn ra khỏi Kabul, đã có dư luận đề cập đến việc Mỹ thiếu hẳn khả năng chịu đựng (staying power) và sự mất mát niềm tin giữa các đồng minh của họ. Nhưng với tất cả sự giận dữ tại Paris, hiệp ước AUKUS đã làm thay đổi nguồn dư luận đó.

“Điều nổi bật hơn nữa của sự vụ này cho thấy Hoa Kỳ đang đặt nặng thêm tin tưởng (doubling down) vào các đồng minh của họ, và các đồng minh của họ cũng đang đặt nặng thêm tin tưởng vào Hoa Kỳ,” Michael Fullilove của Lowy Institute, một think tank ở Sydney, cho biết. “Bất hạnh thay, Pháp lại là nạn nhân nhận lãnh sự thiệt hại (collateral damage).”

Dưới mắt người Úc, những phát triển đưa đến sự hình thành hiệp ước AUKUS phần lớn đã được làm ra tại Trung Hoa (made in China). Chính áp lực nặng nề mà Trung Hoa đè lên Úc, thí dụ nổi bật nhất trong thời gian vừa qua là phản ứng của họ đối với lời kêu gọi của Úc về một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, đã đưa đến sự quan tâm cấp thiết bằng nhiều cách để đẩy lui những áp lực này.

Việc Thủ tướng Úc Scott Morrison quyết định bãi bỏ thỏa thuận với Pháp đã nói lên mức độ tin tưởng của Úc vào đồng minh Mỹ và những hấp dẫn của kỹ thuật tàu ngầm mà Úc sẽ có được. Photo: AFP https://www.theaustralian.com.au/world/the-strategic-reverberations-of-the-aukus-deal-will-be-big-and-lasting/news-story/d148a64968cb68a5b258eef6ce5e867c

Bước đi dũng cảm của Úc

Vứt bỏ (ditching) một hợp đồng tàu ngầm đã ký với Pháp là một bước đi dũng cảm. Mặc dù thỏa thuận với Naval Group, một công ty mà nhà nước của Pháp nắm giữ đa số cổ phần, đã gặp phải nhiều khó khăn qua việc chi phí leo thang và sự chậm trễ, và có ít bạn bè quen biết trong giới chính trị gia hoặc báo chí, tuy nhiên đây là một trong những hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của Úc và đã được xem là quá lớn để có thể bị vứt đi (too big to dump).

Việc chính quyền Úc đã làm như vậy, mặc dù có tiềm năng sẽ bị phạt nặng, phản ánh cả quy mô mà Úc đặt niềm tin vào Mỹ với tư cách là đồng minh và sức hấp dẫn của kỹ thuật tàu ngầm mà họ sẽ có được: tàng hình lâu hơn (far stealthier) và với tầm hoạt động xa hơn rất nhiều so với những tàu ngầm chạy bằng diesel-điện.

Anh quốc có thể ít quan trọng nhất trong bộ ba AUKUS; chắc chắn như vậy, vai trò của Anh bị xem nhẹ trong quyết định của Pháp qua việc Pháp không triệu hồi đại sứ của họ tại Luân Đôn (ông Le Drian gọi Anh là “bánh xe thứ ba” “third wheel” trong thỏa thuận). Ngay cả như thế, đối với ông Johnson, hiệp ước này minh họa được vai trò của nước ông đang thay đổi trên thế giới. Hiệp ước này cũng phù hợp với nỗ lực của thời hậu-Brexit nhằm phát huy một “Global Britain” (“Anh quốc Toàn cầu”) (được tân Ngoại trưởng, Liz Truss, nhiệt thành ủng hộ). Và hiệp ước này đưa ra một bằng chứng rõ ràng cho “sự nghiêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã đưa ra trong bản duyệt xét toàn diện về chính sách đối ngoại và quốc phòng được công bố vào tháng Ba.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington and Canberra. Photo: AFP
https://www.theaustralian.com.au/world/the-strategic-reverberations-of-the-aukus-deal-will-be-big-and-lasting/news-story/d148a64968cb68a5b258eef6ce5e867c

Cơn thịnh nộ của Pháp

Đối với người Pháp, cũng vậy, hiệp ước AUKUS làm kết tinh lại những gì mà họ xem là thực tế sâu sắc trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là ý tưởng Âu châu cần có thêm nhiều “quyền tự quyết chiến lược” (“strategic autonomy”) để không bị lệ thuộc quá mức (depend excessively) vào Mỹ. Tuy nhiên, phản ứng nín lặng nơi các đối tác của Pháp tại Âu châu đã ném ra một sự ngờ vực quen thuộc về mức độ nghiêm chỉnh của một quyền tự quyết như vậy. Sau khi tin tức về thỏa thuận AUKUS được loan báo, một viên chức Đức đã kêu gọi “sự liền lạc và thống nhất” (“coherence and unity”) giữa các cường quốc Tây phương, mà theo ông sẽ cần “rất nhiều cố gắng” để đạt được.

Pháp đã kết luận rằng họ sẽ tranh đấu để được đối xử công bằng khi đối mặt với phản ứng của các đồng minh nói tiếng Anh (Anglophone) để cùng đứng chung với nhau (thỏa thuận tay ba đến từ phần đứng đầu của “Five Eyes” – là một liên minh chia sẻ thông tin tình báo – bao gồm ba quốc gia nói trên cộng thêm Canada và Tân Tây Lan). Nhưng sự thịnh nộ của người Pháp, đặc biệt là nhắm vào Úc, cũng bắt nguồn từ cảm giác của một cá nhân bị phản bội.

Điều đó vượt ra ngoài sự mất đi một hợp đồng khổng lồ, quả là đau đớn. Pháp tin rằng họ có một vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Pháp có khoảng 7,000 quân và có gần hai triệu công dân, gồm cả ở các lãnh thổ hải đảo của họ như New Caledonia và French Polynesia.

Bản đồ Úc, New Caledonia và French Polynesia của Pháp và các đảo tại Nam Thái Bình Dương, theo https://tapa.gla.ac.uk/wp-content/uploads/2020/09/locator-map-austral-islands.jpg
Quần đảo French Polynesia gồm có: the Society Islands, Tuamotu Archipelago, Gambier Islands, Marquesas Islands, và Tubuai Islands. Thủ phủ (the capital) của khu vực này là, Papeete, nằm trên đảo Tahiti, theo https://www.britannica.com/place/French-Polynesia.

Pháp đã vẫn tận tụy xây dựng điều mà họ nghĩ là một mối quan hệ chưa bao giờ gần gũi với Úc đến như thế. Như chỉ mới vừa qua, vào ngày 30 tháng 8, thông cáo từ các cuộc tham khảo ở cấp bộ trưởng Úc-Pháp đã nói về “sức mạnh của quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta” trên nhiều lãnh vực, và nhấn mạnh đến “sự quan trọng của chương trình Future Submarine (Tàu ngầm Tương lai)”.

Nhưng, ngay cả tại hội nghị thượng đỉnh đó cũng như tại nhiều hội nghị khác trong những tháng khi hiệp ước AUKUS đang được hình thành, thì Pháp đều không được cho biết bất kỳ điều gì về việc đó. “Sáu tháng bí mật” là cả “một sự diễn xuất ngoạn mục,” François Heisbourg, một chuyên gia người Pháp về chính sách đối ngoại, người mà qua tổ chức nghiên cứu (think-tank) của ông ta đã nhiều năm can dự vào việc vun trồng mối quan hệ với Úc.

Việc Joe Biden bất nhã (graceless) trong việc thông báo sự ra đời của AUKUS đã diễn ra ngay sau khi chính quyền của ông đã kém cỏi thực hiện việc rút quân ra khỏi Afghanistan. Photo: AFP
https://www.theaustralian.com.au/world/the-strategic-reverberations-of-the-aukus-deal-will-be-big-and-lasting/news-story/d148a64968cb68a5b258eef6ce5e867c

Hành động táo bạo chiến lược – strategic coup

Hệ quả liên đới (fallout) xảy ra tại Pháp là một trong nhiều dấu hiệu báo trước về những gì có vẻ như là một hành động táo bạo chiến lược đối với ba thành viên của AUKUS. Ý tưởng của chính quyền (Mỹ) muốn làm việc chung với đồng minh để ngăn chặn Trung Hoa là điều rất có ý nghĩa. Nhưng sự chia rẽ to lớn với đồng minh chính yếu — một đồng minh với những quan tâm nghiêm chỉnh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương — thì khó có thể giúp ích được gì. Hiện thời, phải cần đến những nỗ lực sáng tạo từ nhóm AUKUS để gắng làm giảm đi sự tổn hại đó.

Thứ hai, qua việc này có điều cần nói về chính sách ngoại giao của Mỹ. Người Pháp chắc chắn sẽ buồn lòng, nhưng việc đối xử với họ quả là một sự bất nhã (graceless). Điều đó lại xảy ra ngay sau khi chính quyền Biden đã tệ hại thực hiện việc rút quân ra khỏi Afghanistan. Một thí dụ về sự bất tài (incompetence) trong chính sách đối ngoại là điều đáng tiếc; nhưng để cho nhanh chóng xảy ra hai lần liên tiếp thì đó lại giống như là cùng một khuôn (pattern). Đó không phải là một điều báo trước sự tốt đẹp trong việc quản trị mối quan hệ với Trung Hoa, vốn can dự đến nhiều yếu tố cạnh tranh quân sự, kinh tế thị trường tự do (economic laissez-faire) và hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí.

Thứ ba, chính sách đối ngoại của Mỹ thường bị chỉ trích, kể cả bởi ông Biden, là đã đặt quá nhiều chú trọng vào khía cạnh quân sự và không chú trọng đủ đến mặt ngoại giao và các phương tiện khác. Sáng kiến tàu ngầm nguyên tử là một bước lớn trên mặt trận phòng thủ quốc phòng, nhưng Trung Hoa càng ngày càng trở nên hùng mạnh trong khu vực trên các mặt trận kinh tế và tài chánh.

Trung Hoa phản ứng trước hiệp ước AUKUS bằng cách chỉ trích “não trạng chiến tranh lạnh” (“cold-war mentality”) của nó. Nhưng ngay hôm sau, Trung Hoa lại nộp đơn xin gia nhập CPTPP2, một hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương gồm 11 quốc gia mà Mỹ đã giúp khởi động như là một cách để hạn chế ảnh hưởng của Trung Hoa, nhưng rồi sau đó đã từ bỏ.

Không có cách nào để nhanh chóng sửa chữa những sai lầm của Mỹ trong chính sách kinh tế. Thật vậy, sự cạnh tranh giữa Trung Hoa và Mỹ, cùng với các đồng minh của họ, sẽ diễn ra qua nhiều lãnh vực trong nhiều năm. Đó là một thách thức địa lý chính trị đặc thù (defining geopolitical challenge) của thế kỷ 21. Và hiện nay với hiệp ước AUKUS, Mỹ đã tạo dựng được một điểm đứng mới mẻ dễ nhận thấy được (a new landmark) trên bản đồ địa lý chính trị.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 22/9/2021



Chú thích

  1. Khủng hoảng Kênh Suez, còn được biết đến như là cuộc chiến tranh Ả Rập-Do Thái lần thứ hai, là cuộc xâm lăng Ai Cập vào cuối năm 1956 của Do Thái, theo sau là Vương quốc Anh và Pháp. Mục đích là giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Suez cho các cường quốc Tây phương và loại bỏ Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, người vừa quốc hữu hóa công ty quản lý kênh đào Suez Canal Company, do nước ngoài sở hữu. Sau khi cuộc giao tranh bắt đầu, áp lực chính trị từ Hoa Kỳ, Liên Xô và Liên Hiệp Quốc đã khiến Do Thái, Anh và Pháp phải rút lui. Toàn bộ diễn tiến này đã làm Vương quốc Anh và Pháp bị mất mặt và tăng cường thêm sức mạnh cho Nasser. Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Suez_Crisis – Phụ chú của người dịch.
  2. CPTPP là chữ viết tắt của The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnershi. CPTPP là một hiệp định mậu dịch giữa 11 quốc gia: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mễ Tây Cơ, Tân Tây Lan, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP thoát thân từ hiệp định TPP (the Trans-Pacific Partnership, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) vốn chưa bao giờ có hiệu lực do bởi Hoa Kỳ đã rút lui. Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Comprehensive_and_Progressive_Agreement_for_Trans-Pacific_Partnership – Phụ chú của người dịch.