Việc rút quân thảm hại ở Afghanistan đã tạo ra một số “bất bình” tại Âu châu. Điển hình như Tony Blair đã viết trênTony Blair Institute for Global Change vào ngày 21/8/2021: “The world is now uncertain of where the West stands” (Thế giới ngày nay không còn chắc chắn là Tây phương đứng ở chỗ nào). Và “in obedience to an imbecilic political slogan about ending ‘the forever wars.’” (“để vâng theo một khẩu hiệu chính trị ngu xuẩn về việc chấm dứt ‘những cuộc chiến tranh bất tận.'”) Tony Blair là thủ tướng Anh trong thời gian xâm lăng Afghanistan năm 2001.

Tuy nhiên, qua bài báo đăng ngày 25/8/2021 trên website của Atlantic Council, một think tank của Hoa Kỳ, thì thất bại của Hoa Kỳ ở Afghanistan không phá vỡ NATO. Xin giới thiệu phần chuyển ngữ của bài báo Why the US failure in Afghanistan won’t break NATO. Tác giả bài báo Michael John Williams — một nonresident senior fellow với “the Scowcroft Center’s Transatlantic Security Initiative” và là associate professor về bang giao quốc tế tại Đại học Syracuse, New York.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Trái ngược lại với những gì mà một vài nhà quan sát nghĩ, quyết định chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ tại Afghanistan không làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của Âu châu đối với Hoa Kỳ trong vị trí của một nhà lãnh đạo toàn cầu. Thay vào đó, theo các chuyên gia Âu châu và các nhà hoạch định quân sự mà tôi đã nói chuyện với họ, thì điều đó được xem là sự xếp đặt ưu tiên chiến lược để đối phó với các thách thức.

Nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng không nên vội vã thở phào nhẹ nhõm: Sự tiến hành việc rút quân thảm hại đã làm nhem nhuốc sự đánh bóng của chính quyền mới của ông và những tuyên bố là có khả năng chuyên gia về chính sách đối ngoại (expertise in foreign policy). Trong khi đó, đối với NATO, sự thất bại tệ hại này sẽ khiến liên minh quân sự này phải định hướng lại sự chú tâm của họ vào các vấn đề cốt lõi của Âu châu gần với quê hương của họ hơn.

Vì đoàn kết — không phải vì an ninh

Các đồng minh Âu châu, cả lớn và nhỏ, đã chọn cùng tham gia với Hoa Kỳ vào Afghanistan vì đoàn kết, không phải vì an ninh. Khi chiến đấu trong một cuộc chiến chống khủng bố rộng lớn hơn, họ ưa thích một phương cách hợp pháp, như trước đây đã được áp dụng ở Bắc Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Đức và Ý, trong khi Washington thích dùng đến phương cách không có thẩm quyền về mặt pháp luật, tập trung vào chiến tranh (extrajudicial, war-centered). Chỉ cần bằng cách tham gia đóng góp vào sứ mạng của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO (NATO’s International Security Assistance Force mission) và sau đó là Sứ mạng Cương quyết Hỗ trợ (Resolute Support Mission), các đồng minh Âu châu vẫn có thể hỗ trợ Hoa Kỳ — nhưng bất hòa về bản chất của sứ mạng này đã lộ ra khắp nơi ngay từ lúc khởi đầu.

Đây là lý do tại sao lại có các kết luận khác nhau từ hai phía ở hai bên bờ Đại Tây Dương được rút ra về sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan.

Thí dụ như ở Đức, nguồn dư luận (narrative) tại đây cho rằng việc xây dựng một nhà nước tự do theo khuôn mẫu của Tây phương (liberal Western state-building enterprise) đã thất bại — hay đơn giản hơn nữa, là Tây phương đã thất bại ở Afghanistan. Căn nguyên của dư luận này đi từ chỗ cho là nhiệm vụ đó gần như vô phương thực hiện hoặc không thể chiến thắng được ngay từ bước đầu. Tuy nhiên, trong phát biểu của ông đưa ra vào ngày 16 tháng 8, Biden đã nhấn mạnh rằng người Afghanistan đã làm cho thất bại. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã giữ một vị trí trung dung, ông đổ lỗi cho giới lãnh đạo của Afghanistan nhưng cũng đặt nghi vấn về chương trình huấn luyện các lực lượng an ninh địa phương của NATO, mà hiện nay cũng đang vận hành ở các quốc gia khác như Iraq, Jordan và Tunisia.

Nhưng Âu châu không nên rút ra những kết luận hẹp hòi về những rủi ro an ninh họ sẽ phải đối diện mà chỉ căn cứ trên hậu quả của Afghanistan và việc rút quân mà thôi. Thay vào đó, để bảo vệ an ninh Âu châu, họ nên tập trung vào việc chống lại sự đe dọa của Nga, đáp ứng được sự thách thức từ Trung Hoa và trở về lại với những quyền lợi chiến lược cốt lõi của NATO. Phần phía sau bên trên sẽ được đón chào trên khắp các thủ đô của Âu châu. Như Biden đã nói: Moscow và Bắc Kinh “không còn thích thú gì hơn khi thấy Hoa Kỳ tiếp tục bơm ra hàng tỷ đô la tài nguyên và chú ý vào việc ổn định hóa Afghanistan vô thời hạn.”

Pax Americana – Hòa bình dưới sự bảo trợ của Mỹ

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan không phải là không gây ra nhiều hậu quả, trong đó chính yếu là sự vỡ mộng của việc xây dựng một nhà nước tự do theo khuôn mẫu của Tây phương, một điều vốn từ lâu đã nằm trong nghi vấn. Hiện nay, Washington sẽ hoặc rất ít hoặc không tìm ra được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Âu châu cho những nỗ lực xây dựng nhà nước (ở những nơi khác) trong tương lai. Tuy nhiên, trong khi việc chấm dứt các cuộc chiến tranh phù hợp với ý kiến của công luận Hoa Kỳ, thì sự thất bại ở Afghanistan không đủ để biện minh cho việc đảo ngược lại tất cả các cam kết của Hoa Kỳ với đồng minh của họ tại những quốc gia từ Âu đến Á châu và xa hơn nữa.

Nhìn chung, sự lãnh đạo của Mỹ trong nền hòa bình quốc tế có thể không bị sứt mẻ vì sự sụp đổ của Afghanistan. Hãy đặt sang một bên việc rút lui tệ hại, thì cũng khó có thể biện hộ được cho việc Hoa Kỳ chỉ đơn giản bỏ ngang Afghanistan khi mà Washington và NATO đã tiêu ra đến gần 20 năm và hai ngàn tỷ đô la cho điều mà, nhiều nhất cũng chỉ là, một lợi ích chiến lược ngoại vi (a peripheral strategic interest). Một cam kết như vậy không nhất thiết bảo đảm được rằng Afghanistan sẽ không phải là căn cứ cho những thành phần khủng bố, nhưng, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã đầu tư rất lớn vào Afghanistan trong hai thập niên. Không có chỗ đứng cho lý luận theo đó rút khỏi Afghanistan có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Đài Loan hoặc từ bỏ các cam kết ghi trong hiệp ước với các quốc gia khác như Ba Lan hoặc Estonia.

Pax Americana sẽ không vỡ vụn ra trước sự thất bại của Mỹ tại Afghanistan (hoặc Syria, hoặc Việt Nam nhiều thập niên trước đây). Nó bắt nguồn từ sự cạnh tranh giữa các đại cường và các quyền lợi chiến lược cốt lõi — những quyền lợi thiết yếu mà rời bỏ Afghanistan sẽ cho phép Hoa Kỳ sắp đặt lại các ưu tiên. Biden đã đảo ngược lại quyết định của chính quyền Trump về việc đem quân ra khỏi Đức và tiếp tục chống lại Trung Hoa. Mỹ đã trở lại (America is back, phụ chú: phương châm của Biden) — có điều là không ở Afghanistan.

Các đồng minh của Mỹ đã đồng ý với quyết định bỏ Afghanistan. Washington đã tham khảo các đồng minh để tiếp tục hỗ trợ cho Kabul những việc không phải là quân sự và làm việc với họ để tìm địa điểm tiếp tục huấn luyện các lực lượng Afghanistan ở bên ngoài lãnh thổ Afghanistan. Một số báo cáo cho thấy rằng đồng minh đã được cho biết quyết định này, nhưng trên thực tế, nếu muốn, các đồng minh NATO có thể vẫn ở lại tại Afghanistan dù không có Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã vận động thành lập liên minh các quốc gia có cùng suy nghĩ ở lại Afghanistan, nhưng không thành công. Thay vào đó, họ theo sau sự dẫn đầu của Hoa Kỳ, hoặc bởi vì lý do chính trị riêng của họ hoặc do thiếu khả năng quân sự để có thể tiếp tục sự hiện diện tại đó.

Bởi đó, việc các đồng minh NATO đổ lỗi cho Mỹ về việc bỏ đi xem ra là chuyện đạo đức giả (hypocritical). Xét cho cùng, đây cũng là những đồng minh đã bỏ tiền ra rất ít để chi tiêu cho vấn đề quốc phòng trong nhiều thập niên, bất chấp việc Mỹ khẩn thiết kêu gọi họ chi tiêu nhiều hơn. Điều này nói lên đó không phải là do sự lãnh đạo kém cỏi của Hoa Kỳ, mà đúng hơn là do bởi sự lệ thuộc quá đáng của quân đội Âu châu vào Hoa Kỳ và sự bất lực (inability) của họ, nhìn chung, trong việc thực hiện các sứ mạng quy mô to lớn ở nước ngoài nếu không có Hoa Kỳ che chở (enablers) và yểm trợ.

Những bài học phải học

Mặc dù các đồng minh NATO nên đón mừng việc các chú tâm được chuyển sang những vấn đề chiến lược cốt lõi, họ cũng cần nên ghi nhận một số khuynh hướng đáng lo ngại. Trong đó gồm cả việc tiếp tục những chính sách “America First” (phụ chú: phương châm của Trump) dưới thời Biden.

Chính lời nói của tổng thống là minh chứng cho triết lý này, với Biden nói rằng “Quân đội Mỹ không thể và không nên chiến đấu và chết trong một cuộc chiến tranh mà các lực lượng Afghanistan không muốn chiến đấu cho chính họ.” Chính quyền của ông không có quan điểm giao dịch buôn bán (transactional view) về các cam kết của Hoa Kỳ như cách mà Trump đã làm, nhưng họ đang cố gắng tạo lập một sự cân bằng tốt đẹp hơn giữa các cam kết và trách nhiệm trên toàn cầu và trong nước. Đối với Biden, Afghanistan là một sự xuất huyết chậm dần dần tiêu hao các tài nguyên của Hoa Kỳ cho một lợi ích ngoại vi. Âu châu sẽ cần phải chứng minh rằng họ không đơn thuần chỉ là người tiêu dùng những tài sản của Hoa Kỳ hoặc là người nhận được sự che chở bởi sức mạnh của Hoa Kỳ bằng cách tiếp tục phát triển sức mạnh riêng của chính mình, duy trì các tuyến đầu sẵn sàng chiến đấu (active forward deployments) tại Đông Âu và bảo đảm rằng Âu châu là một tài sản đối với quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ.

Danh tiếng của chính quyền Biden trúng một đòn nặng nề (take a serious blow) qua phương cách rút lui của họ (tại Afghanistan). Đối với một tổng thống có nhiều thập niên kinh nghiệm về chính sách đối ngoại và một đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại đầy kinh nghiệm, tai họa này đang gây ra thiệt hại vì nó đặt ra nghi vấn nơi sự lãnh đạo của chính quyền này về mặt đối ngoại. Và đó không phải vì tốc độ quá nhanh mà chính quyền Afghanistan sụp đổ — dù phải công nhận là nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà tổng thống hay các cộng sự viên (team) của ông đã nghĩ — nhưng đúng ra có lẽ là do bởi việc hoạch định chính sách ban đầu tệ hại, những lượng định tình báo sai lạc và kế hoạch quân sự xoàng xĩnh (lackluster military planning).

Qua suốt cả chuỗi dây chuyền quyết định và thi hành, chính quyền Biden trông thiếu khôn ngoan (has egg on its face), và xem ra chẳng hay ho gì cả.

Để ngăn chặn sự xuống dốc và để cho thấy sự quyết đoán và sức mạnh, trong bản nghiên cứu Lượng định Tư thế trên Toàn cầu (Global Posture Review, phụ chú: nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Mỹ) sắp tới, Hoa Kỳ nên tăng gấp đôi việc củng cố NATO và hoàn thành cam kết trong Tuyên bố chung Hoa Kỳ-Ba Lan năm 2019 để đặt thêm quân và gia tăng hợp tác. Hoa Kỳ cũng nên mở rộng hợp tác với đồng minh NATO ở Bắc Cực và tiến hành với một chiến lược quyết đoán. Sau cùng, Washington nên tìm ra cách thức để củng cố hợp tác quốc phòng với Bulgaria và Romania, đó là những nơi đang thiếu các phần việc phân tích về tư thế và cam kết.

Tình cảnh ở Afghanistan quả đáng buồn, nhưng nó sẽ không phá vỡ NATO. Nó cũng không làm suy yếu trầm trọng tư thế toàn cầu của Hoa Kỳ; thay vào đó sẽ ngăn ngừa sự phá sản chiến lược. Hoa Kỳ và các đồng minh hiện nay có thể tập trung vào các vấn đề chiến lược cốt lõi và có thể phục hồi chú tâm của NATO vào việc tăng cường khả năng phòng thủ ngăn chặn đáng tin cậy (credible deterrence) trên toàn Âu châu. Sẽ là điều khôn ngoan cho NATO để tập trung vào việc theo đuổi chương trình nghị sự được đề ra tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6 và viết ra một khái niệm chiến lược mới — một khái niệm chiến lược đặt nền móng trên sự quay trở về các nguyên tắc căn bản và tập trung vào Âu châu và khu vực lân cận – thay vì sống trong nghĩa địa của các đế chế.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 5/9/2021