Thứ Hai, 30/8/2021, Đại Tướng Kenneth F. McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Hoa Kỳ (U.S. Central Command) tại Tampa, Florida, loan báo chiếc máy bay cuối cùng của Hoa Kỳ đã rời Afghanistan lúc 3:29 giờ chiều ET, hoặc 11:59 giờ đêm giờ của Kabul, vào ngày 30/8/2021. Sự kiện này đánh dấu sự chấm dứt việc Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp quân sự vào Afghanistan từ sau biến cố Sept. 11, 2001. Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan cũng kéo theo một loạt những phản ứng dây chuyền khác.

Xin giới thiệu bài viết The fall of the Afghan government and what it means for Europe đăng trên website của Hội đồng Âu châu về Đối ngoại (European Council on Foreign Relations, ECFR) o ngày 25/8/2021. Bài viết này là đóng góp cúa nhiều chuyên gia trong ECFR về việc Taliban chiếm quyền tại Afghanistan sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với các quốc gia và khu vực trên thế giới: Âu châu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Nga, Tàu, Iran, Thổ Nhĩ Kỹ và the Sahel.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan và việc Taliban nắm giữ quyền lực đã gây ra chấn động khắp Âu châu và đưa đến một cuộc tranh luận gay gắt về những hệ lụy cho chính sách của Âu châu. Trong khi Hoa Kỳ là nguyên động lực chính yếu và đã quyết định chiến lược can thiệp của Tây phương vào Afghanistan, nhiều quốc gia Âu châu đã có những đầu tư lớn lao về mặt quân đội và tài nguyên cho nỗ lực này. Giờ đây, nỗ lực đó đang nằm trong đổ nát, và Âu châu bị bỏ lại phía sau với nhiều câu hỏi không thể trốn tránh được. Đầu tiên, những điều này xoay quanh những phương cách hay nhất để đem công dân của họ và những người đã làm việc với họ, ra đến chỗ an toàn. Nhưng, xa hơn về phía trước, Âu châu phải lượng định những bài học về kinh nghiệm tại Afghanistan cho các chính sách của họ về an ninh, sự ổn định hóa (stabilisation), quan hệ với Hoa Kỳ và những cường quốc khác trong khu vực, và sự di dân, cùng là những lĩnh vực khác. Phần sưu tập này được thực hiện bởi các chuyên gia về mặt chính sách của Hội đồng Âu châu về Đối ngoại (ECFR) từ khắp các chương trình của chúng tôi để chia sẻ những phân tích của họ về việc Taliban chiếm lấy Afghanistan sẽ có những ý nghĩa gì đối với các lợi ích cốt lõi và các đối tác quan trọng của Âu châu.

An ninh và Quốc phòng

Jana Puglierin

Kết thúc bi thảm của sứ mạng tại Afghanistan chắc chắn sẽ đưa ra câu hỏi về tương lai của những biện pháp can thiệp quân sự. Từ 2014, NATO đã chuyển chuyển trọng tâm từ những cuộc hành quân bên ngoài khu vực trở về lại với nhiệm vụ cốt lõi – ngăn chận và phòng thủ lãnh thổ. Sự mệt mỏi trước sự can thiệp quân sự đã lan rộng trong các quốc gia thành viên của NATO. Sau ‘những cuộc chiến tranh bất tận’ (forever wars) tại Iraq và Afghanistan, rõ ràng là Hoa Kỳ không còn muốn đóng vai trò ‘cảnh sát viên của thế giới’ (‘world’s policeman’) nữa. Điều này đã có thể thấy được tại Syria trong những năm của Obama.

Bởi đó, áp lực đè nặng lên các quốc gia Âu châu đã gia tăng trong việc quản lý những tình huống khủng hoảng trong khu vực láng giềng của chính họ. Trong tương lai, Liên minh Âu châu (European Union – EU) sẽ cần tăng cường đóng góp của họ vào việc ngăn ngừa khủng hoảng, ổn định hóa và xây dựng hòa bình. Sứ mạng tại Afghanistan đã mạnh mẽ làm cho Âu châu thấy là họ phụ thuộc vào khả năng của Mỹ nhiều đến mức như thế nào. Không có sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, các quốc gia Âu châu sẽ không thể di tản nhân viên của họ và các lực lượng địa phương của Afghanistan ra khỏi Kabul.

Đại sứ Pháp tại Afghanistan, David Martinon (ở giữa bên trái), cùng các công dân Pháp và Afghanistan chờ lên máy bay vận tải của quân đội Pháp tại phi trường ở Kabul https://us.newschant.com/world/taliban-take-afghanistan-evacuation-flights-out-of-kabul-resume/

Nếu Âu châu không còn có quyết tâm để ổn định hóa khu vực láng giềng của họ, thì bất ổn sẽ tìm đến Âu châu

Cùng lúc đó, sứ mạng thất bại ở Afghanistan đã chạm trán với nhiều người Âu châu với một câu hỏi là liệu những sự can thiệp quân sự có đem lại bất cứ một ý nghĩa gì hay không. Khá nhiều nhà quan sát và hoạch định chính sách, đặc biệt là ở Đức, biện luận rằng bài học của các sứ mạng ở Iraq, Libya và Afghanistan là chúng ta không nên tham gia vào hình thức hoạt động này trong tương lai. Nhiều người đặt nghi vấn về việc đã đạt được những gì sau nhiều năm huấn luyện các lực lượng võ trang của Afghanistan, đem bố trí binh lính Âu châu tại Afghanistan và đầu tư những số tiền khổng lồ vào Afghanistan.

Điều có thể đoán trước được là hiện nay các chính trị gia tại Âu châu sẽ khó thuyết phục được người dân của họ về lợi ích và tính chính danh (legitimacy) của các việc can thiệp quân sự ở nước ngoài. Các quốc gia thành viên Âu châu sẽ phải xem xét lại các sứ mạng quân sự hiện thời của họ – tại Pháp và Đức, điều này có thể có những ảnh hưởng quan trọng đối với sự tham gia của họ ở vùng Sahel.

Các binh sĩ Hoa Kỳ đang giữ an toàn cho phi đạo trong phi trường Kabul, sáng ngày 16/8/2021 https://us.newschant.com/world/taliban-take-afghanistan-evacuation-flights-out-of-kabul-resume/

Đồng thời, Âu châu không thể tự ẩn mình sau những khiên che để tránh khỏi những tụ điểm bất trắc ở chung quanh, cũng như không thể đơn giản tự xem mình như là một hòn đảo được ơn trên ban phước lành. Nếu Âu châu không còn có quyết tâm để ổn định hóa khu vực láng giềng của họ, thì bất ổn sẽ tìm đến Âu châu.


Xe bọc thép và lính của Mỹ ngăn lại đám đông tại phi trường Kabul, thứ Hai 16/8/21, sau khi họ chặn phi đạo và làm các chuyến bay di tản không cất cánh được https://us.newschant.com/world/taliban-take-afghanistan-evacuation-flights-out-of-kabul-resume/

Điều quan trọng là không để tái diễn lại những sai lầm đã mắc phải ở Afghanistan. Thay vì tham lam quá tải muốn hoành thành nhiều nhiệm vụ, thì những can thiệp quân sự trong tương lai phải có mục đích được định nghĩa rõ ràng và có thể đạt được, với những phương tiện cần có để tiến hành.

Quyền tự trị chiến lược của Âu châu

Tara Varma

Những biến cố vừa qua ở Afghanistan chắc chắn sẽ tác động đến Âu châu về mặt chiến lược, trên tất cả sẽ là khả năng và sự sẵn sàng hành động của Âu châu trên phương diện địa lý chính trị. Afghanistan là một trường hợp thử nghiệm cho quyền tự trị chiến lược của Âu châu. Quyền tự trị chiến lược gồm ba thành phần như sau: thông tin, quyết định và hành động. Thông tin từ các đơn vị đang có mặt trên chiến trường về sự chuẩn bị của các lực lượng Taliban và tốc độ Taliban có thể tiến chiếm Kabul, ít ra cũng phải là như thế. Hoa Kỳ quyết định bỏ Afghanistan từ mùa xuân (phụ chú: loan báo vào tháng 4/2021) và không một quốc gia nào của Âu châu có phản ứng ngay vào thời điểm đó. Rồi Âu châu đã bị bỏ lại để lo toan – cho chính công dân của họ và những người Afghanistan đã làm việc với họ, đôi khi trong nhiều năm – một cách vội vã và trong những điều kiện cực kỳ khó khăn.

Đây không phải là một bước lùi chết người đối với chính sách của Âu châu về Afghanistan. Nhưng Âu châu cần xác định rõ ràng tham vọng của mình với, và trong, đất nước đó nên là những gì.

Sự cởi mở và kết nối là những gì nằm ở ngay tâm điểm của dự án Âu châu. Âu châu không nên đứng sau bức tường cách ly khỏi thế giới và trở lui lại để trở thành một pháo đài hướng nội, sợ hãi chính trị. Trong bất cứ trường hợp nào, Âu châu đều sẽ không thể làm được điều này. Liên minh Âu châu nên đón nhận tất cả những người Afghanistan làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế, cũng như những người mà quyền con người và tính mạng của họ đang bị Taliban đe dọa.

Đối với những người ở lại Afghanistan, Liên minh Âu châu có thể giúp họ qua những giải pháp viện trợ đã được hình thành. Liên minh Âu châu biết cách điều hành các chương trình phát triển và cung cấp viện trợ nhân đạo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn thường bị hạn hán. Cũng là đ iều cần thiết để tăng cường sự hiện diện của EU ngay tại địa phương nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng đắn các chương trình và chống tham nhũng – nếu chế độ Taliban sẵn sàng chấp nhận sự viện trợ như vậy. Việc cung cấp viện trợ có thể đem đến cho Liên minh Âu châu một số đòn bẩy để tạo ảnh hưởng vừa phải lên cách quản trị Afghanistan.

Một lần nữa, Âu châu tự thấy mình bị kẹt ngay giữa một cuộc cạnh tranh địa lý chính trị mà các thành phần tham dự là Trung Hoa, Nga và Pakistan, cùng những nước khác. Âu châu cần phải lấy quyết định để trở thành một thực lực có ảnh hưởng trong khu vực: việc phối hợp giữa các quốc gia thành viên – liên quan đến việc thu thập thông tin, lấy quyết định và đóng góp vào trung tâm của phát triển an ninh – sẽ là điều thiết yếu.

Quan hệ với Hoa Kỳ

Jeremy Shapiro

Nhiều đồng minh Âu châu của Mỹ đã lớn tiếng than phiền về việc Joe Biden rút ra khỏi Afghanistan, về khả năng hữu hiệu trong việc thực hiện sự rút đi, và việc thiếu hẳn sự tham khảo có ý nghĩa với các đồng minh NATO cũng có lực lượng ở tại Afghanistan. Nhưng ngay từ buổi đầu khi NATO bắt đầu hoạt động ở Afghanistan, các nước Âu châu có đóng góp đã sẵn sàng, hoặc ngay cả nôn nóng, tự đặt mình dưới chiến lược của Mỹ, bất kể chiến lược đó có hợp lý hay không. Than phiền bây giờ, khi mọi thứ đã rơi ra từng mảnh, thì có vẻ như hay nhất cũng chỉ là lảm nhảm (pertulant), mà tệ nhất sẽ là vô trách nhiệm (irresponsible).

Hoa Kỳ đã trở thành một quốc gia bình thường

Đã đến lúc phải tỉnh dậy và uống ly cà phê thời hậu-Mỹ. Bài học căn bản về sự sụp đổ ở Afghanistan đối với Âu châu không phải là thiếu sự tham khảo hay ngay cả khả năng hữu hiệu của Hoa Kỳ. Đây là vị tổng thống thứ ba liên tục của Hoa Kỳ (phụ chú: Obama, Trump, Biden) đã tỏ cho thấy rằng đất nước của ông ta sẽ không còn làm cảnh sát thế giới hoặc sử dụng sức mạnh của quốc gia để hỗ trợ mục tiêu trơn tuột (elusive goal) trong việc ổn định những khu vực xa xôi. Thảm kịch Afghanistan là kết quả hợp lý của một thế đứng mà hiện nay đã được hình thành vững chắc.

Hoa Kỳ đã trở thành một quốc gia bình thường. Nó sẽ không theo chủ nghĩa cô lập hay đơn phương. Nó có thể và sẽ hoạt động hữu hiệu với các đồng minh, nhưng chỉ khi quyền lợi sinh tử của nó bị đe dọa. Nó nhìn thấy những quyền lợi đó trong cuộc cạnh tranh với Trung Hoa. Tuy nhiên, ở những nơi như vùng Trung Á (central Asia), vùng Sahel, và có lẽ ngay cả khu vực láng giềng phía đông Âu, nó lại càng ngày càng không thấy có lợi ích ở những nơi đó.

Âu châu có nhiều quyền lợi trực tiếp hơn đang bị đe dọa tại những nơi đó. Để bảo vệ những quyền lợi này, Âu châu sẽ cần phát triển ý chí và khả năng thực hiện chủ quyền chiến lược của mình, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự với ít hoặc không có sự yểm trợ của Mỹ.

Đó là những khả năng tốn kém sẽ phải mất nhiều năm để phát triển và hầu như chưa bắt đầu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Âu châu chuộng những giao ước (bargain) cũ kỹ, thoải mái của Mỹ hơn và đó là điều mà họ muốn tin, như những gì Biden thường hứa hẹn, rằng “nước Mỹ đã trở lại” (“America is back). Nhưng nếu Âu châu rút ra được bất kỳ bài học nào từ những thảm kịch hiện tại ở Afghanistan, thì điều đó là sự thỏa thuận cũ kỹ đã không còn hiệu lực nữa và rằng tùy thuộc vào nó là một sự thoái thác nguy hiểm trong việc phải thi hành một trách nhiệm không thể trốn tránh.

Trung Đông và Bắc Phi

Julien Barnes-Dacey

Khi Âu châu lượng định tác động đến Trung Đông sau việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan, họ sẽ chính yếu tập trung vào những hệ lụy (implications) về mặt an ninh. Dù Taliban và nhóm Nhà nước Hồi giáo (Islamic State) không thích nhau, nhưng vẫn có những lo sợ rằng Afghanistan có thể lại tái xuất hiện như là một nơi ẩn náu (haven) cho các nhóm cực đoan như al-Qaeda – mà Taliban bị cáo buộc là vẫn duy trì những mối quan hệ – với tiềm năng giúp cho những thành phần này tái tạo thêm năng lực cho các nỗ lực rộng lớn hơn ở Iraq, Syria và xa hơn nữa. Thành công ngoạn mục của Taliban cũng có thể bơm thêm sự tự tin mới cho các nhóm cực đoan đã mất tinh thần (disheartened) bởi nhiều năm thất bại về quân sự khắp Trung Đông, tiếp thêm nhiên liệu cho sự vận động mới (dù vài nhóm, như Jabhat al-Nusra ở Syria, cũng đang tìm cách rập khuôn theo chiến lược của Taliban trong việc chính danh hóa về mặt chính trị – political legitimisation – để củng cố những thắng lợi trên chiến trường).

Nhưng mối đe dọa tiềm tàng vẫn còn ẩn khuất trong sự bất định (uncertainty). Taliban có thể tỏ cho thấy một vài quan tâm trong việc bảo vệ các hỗ trợ quốc tế đổ vào Afghanistan, một kết quả sẽ không thể có nếu nhóm này cung cấp không gian cho các phần tử cực đoan. Các chính phủ Tây phương có thể dùng củ cà rốt tham gia quốc tế để khuyến khích quan điểm này và điều tiết (moderate) cách hành xử của Taliban . Trong khi đó, sự gia tăng địa phương hóa (localisation) của các phần tử cực đoan trên khắp Trung Đông – theo đó tính chính danh tại địa phương thay vì xuyên quốc gia đang trở nên thích hợp hơn – cũng có thể làm loãng đi những mối quan hệ có thể có giữa Taliban và các nhóm trong khu vực.

Bên trên tất cả, Hoa Kỳ đã nói rõ rằng họ có ý định duy trì khả năng quân sự “quá khỏi tầm mắt” (over the horizon) để đối phó với các mối quan ngại về an ninh. Washington chắc chắn sẽ vẫn duy trì sự cảnh giác trong việc tấn công các mục tiêu được xem là của quân khủng bố ở cả Afghanistan và Trung Đông.

Ngoài những hệ lụy tức thời về mặt an ninh, Âu châu cũng sẽ đưa ra những câu hỏi cứng cỏi về vai trò rộng lớn hơn của Hoa Kỳ ở Trung Đông, gồm luôn cả tác động lên các nỗ lực ổn định hóa đang diễn ra. Trong khi bàn về chuyện Mỹ rút quân khỏi Trung Đông xem ra có vẻ thái quá – thực vậy, Mỹ có thể trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào các căn cứ vùng Vịnh Ả Rập (Gulf Arab) để đổi lại cho việc mất đi sự hiện diện ở Afghanistan – thì việc rút quân tại Afghanistan tái khẳng định rằng Washington đang có ý định cắt giảm các cam kết của mình và đã không còn lo toan việc xây dựng đất nước tại đó. Có vẻ như chính quyền Biden cũng muốn thu hẹp các nỗ lực của Hoa Kỳ ở Iraq và Syria, với sự tập trung nhiều hơn vào những lợi ích cốt lõi chống khủng bố, và không cung ứng thêm sự can dự đáng kể hơn nữa ở những nơi như Libya. Điều này có thể sẽ khuyến khích khuynh hướng mà theo đó những tác nhân tại khu vực (regional actors) sẽ theo đuổi lợi ích của riêng họ một cách quyết đoán và độc lập hơn – vốn sẽ đem đến rủi ro qua việc không phải lúc nào kết quả cũng luôn luôn phù hợp với quyền lợi của Tây phương. Nó cũng đưa ra một tương lai theo đó những thủ đô đang xung đột trong khu vực sẽ sẵn sàng đạt đến các thỏa thuận với nhau hơn vì không có sự đứng sau lưng của Hoa Kỳ (US backstop).

Âu châu, nơi mà một Trung Đông ổn định là một tuyệt đối quan trọng vì những thách thức về di dân và khủng bố, sẽ cần phải tự hỏi mình làm thế nào để tiến hành được mà không có cùng một mức độ lãnh đạo của Hoa Kỳ. Điều này một phần sẽ là một câu hỏi về sự cam kết và tài nguyên của Âu châu. Nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi một câu hỏi sâu đậm hơn về mô hình ổn định hóa của Tây phương – Âu châu, cũng như Mỹ – đã hiển nhiên thất bại ở Afghanistan, Iraq và các nơi khác trong hơn 20 năm qua. Âu châu sẽ cần phải hỏi nếu và bằng cách nào họ có thể hỗ trợ cho các mục tiêu thực tế hơn bắt nguồn từ các quy trình chính danh hơn và được sở hữu bởi địa phương trên khắp Trung Đông. Điều này, mới chỉ là một, đòi hỏi sự chú tâm sắc bén hơn vào tình trạng tham nhũng tràn lan, vốn là trung tâm của sự bất ổn trong khu vực và thường dễ xẩy ra – như ở Afghanistan – lại được khuyến khích hơn là bị chống lại bởi những nỗ lực ổn định hóa của Tây phương.

Nga

Kadri Liik

Khoảng giữa thập niên 2000s, một nhà phân tích an ninh người Anh đã hỏi một đồng nghiệp người Nga về quan điểm của anh ta về chiến dịch của US-NATO ở Afghanistan. “Cái đầu của tôi muốn bạn thành công,” là câu trả lời. “Nhưng con tim của tôi muốn bạn thất bại thảm hại như chúng tôi trước đây.”

Quan điểm của Nga về việc rút lui của Hoa Kỳ cũng vẫn mâu thuẫn như vậy. Quả không thể tránh được, có những người thích thú khi ghi nhận rằng việc Liên Xô rút lui khỏi Afghanistan – từ lâu đã được xem là sự tượng trưng của sự thất bại – bây giờ lại xem ra có trật tự khi so sánh với cuộc rút lui của Mỹ. Bộ máy tuyên truyền chính thức của Nga không ngừng hân hoan chỉ ra rằng những người đã giúp đỡ người Mỹ cuối cùng lại bị bỏ rơi, cố gắng bám theo máy bay đang cất cánh. “Bài học: Đừng giúp “the Stars and Stripes” (phụ chú: ý nói cờ của Hoa Kỳ). Nó sẽ lợi dụng bạn, rồi bỏ rơi bạn,” Margarita Simonyan, tổng biên tập của đài truyền hình RT, viết.

Một đoàn xe bọc thép của Hồng quân Liên Xô đi qua cầu ở Termez, ngày 21/5/1988 tại biên giới Xô Viết-Afghanistan, trong cuộc rút lui khỏi Afghanistan. Liên Xô xâm lăng Afghanistan vào tháng 12/1979, và duy trì hơn 100,000 quân ở nước này vào thời đó. (Photo by VITALY ARMAND / AFP) https://foreignpolicy.com/2021/02/18/soviet-withdrawal-afghanistan-parallels-u-s-biden/

Nhưng phần lớn thông điệp như vậy thực sự được thúc đẩy bởi hiện trạng trong nước của Nga và nhằm vào các tác nhân đang tạo sự thay đổi bên trong nước Nga, những người – mà như Điện Kremlin đang cố gắng thuyết phục chính họ và đông đảo người dân – bị xem như những con rối của Tây phương và tiếp tục hoạt động nhờ bởi sự giúp đỡ của Tây phương. Nhưng cũng có vài người trong số trên có ảnh hưởng đến cách suy nghĩ về chính sách đối ngoại của Moscow. Nhiều người, trong đó có cả Nikolay Patrushev, Bí thư của Hội đồng An ninh (Security Council), đã nói rằng Afghanistan đã được hưởng một tư thế tương tự như Ukraine – như là một đồng minh quan trọng của Mỹ bên ngoài NATO. Có nhiều người ở Moscow vẫn tin rằng những người nắm quyền lực hiện tại ở Ukraine là bù nhìn của Tây phương, thay vì đó là những nhà lãnh đạo mà người dân Ukraine thực sự bầu ra, thì người ta có thể tự hỏi về sự nguy hiểm của việc Moscow diễn dịch quá đáng về những điểm tương đồng và chỉ chờ cho Mỹ ‘bỏ’ Ukraine.

Cùng lúc đó, dù vậy, Tây phương sợ rằng Moscow, được khuyến khích bởi sự thất bại của Hoa Kỳ, hiện giờ sẽ bắt đầu thử nghiệm tất cả các cam kết của Washington về mặt đối ngoại, dường như cũng bị đặt sai chỗ. Một chiều hướng suy nghĩ khác ở Moscow nhìn Hoa Kỳ như thể cuối cùng đã từ bỏ các mục tiêu không thực tế của mình – như là viên cảnh sát của thế giới, hoặc nhà thiết kế và người thực thi nền dân chủ trên toàn cầu. Và họ xem đây là điều làm Hoa Kỳ mạnh lên chứ không làm cho yếu đi. Theo logic này, Mỹ giờ đây sẽ có những tài nguyên không còn bị trói buộc để theo đuổi các mục tiêu mà họ xem là quan trọng sinh tử, và bằng mọi phương tiện có trong tay Mỹ sẽ bảo vệ những mục tiêu đó (defend tooth and nail) – vì vậy Nga phải nên lo chuẩn bị.

Cuối cùng, việc Afghanistan rơi vào tay Taliban cũng sẽ làm cho tình hình an ninh của chính nước Nga trở nên tồi tệ hơn: một làn sóng những phần tử Hồi giáo cực đoan và khủng bố đổ sang Trung Á và, sau đó, sang Nga là mối quan tâm lâu dài cho Điện Kremlin. Nhưng điều này sẽ không xảy ra trong một đêm và Moscow còn thời giờ để chuẩn bị. Moscow đã gia tăng sự hiện diện quân sự của họ ở Trung Á, tăng cường khả năng tuần phòng nơi biên giới và đầu tư vào các mối quan hệ với Taliban (mặc dù chính thức ra, tổ chức này vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Nga). Nhìn chung, Moscow cũng ít có khả năng bị tổn thương hơn rất nhiều so với năm 1996, khi Taliban chiếm Kabul lần cuối. Không như thời đó, Nga không phải đối mặt với cuộc nổi loạn ly khai trong các nước cộng hòa Hồi giáo của Nga; và các quốc gia ở Trung Á – vùng đệm của Nga với Afghanistan – là những quốc gia đang hoạt động, không bị sa lầy trong các cuộc nội chiến.

Trung Hoa

Andrew Small

Bắc Kinh từ lâu đã nhìn xung đột ở Afghanistan là một cuộc chiến tranh mà họ không muốn bên nào chiến thắng. Trong ngắn hạn, chính quyền Trung Hoa sẽ triệt để khai thác sự “thất bại” của Hoa Kỳ và Tây phương, qua câu truyện rằng việc rút quân có những hậu quả tai hại đến các cam kết của Hoa Kỳ với các đối tác và đồng minh. Khi Washington trải qua một trong những giai đoạn cần định nghĩa lại những gì là quyền lợi sống còn của họ, Bắc Kinh lập luận, thì bạn cũng có thể thấy mình bị bỏ rơi: cho nên tốt hơn là nên đạt được các ký kết (reach terms) với một cường quốc đang lên.

Tuy nhiên, những lo ngại của Trung Hoa có hai mặt.

Bắc Kinh lo ngại rằng việc Hoa Kỳ rút quân cuối cùng phản ánh một sự tập trung tàn khốc của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Hoa như là một mối quan tâm chiến lược chính yếu

Trước nhất, Bắc Kinh lo rằng họ sẽ phải dọn dẹp một đống bầy hầy (mess) bị bỏ lại. Giới lãnh đạo Trung Hoa không muốn thấy Taliban hoàn toàn chiến thắng và họ vẫn sợ hậu quả của một chế độ Hồi giáo ở ngay bên cạnh. Mặc dù Trung Hoa đã có những giao dịch lâu dài với Taliban, những điều này chỉ làm mạnh thêm cảm nghĩ của họ là, không kể đến bất cứ lời hứa hẹn chính trị nào mà Taliban đưa ra, Afghanistan vẫn sẽ là một môi trường thụ động dễ dung chứa những nhóm võ trang phá rối. Những mối đe dọa ngang qua biên giới rất ít, vì Trung Hoa có thể dễ dàng khóa lại hành lang Wakhan – dải lãnh thổ nhỏ hẹp của Afghanistan kéo dài tới biên giới Trung Hoa. Nhưng, Bắc Kinh vẫn lo ngại về những hậu quả lan ra ở Trung Á và, ngay cả hơn thế, là ở Pakistan. Trung Hoa có những đầu tư và mục tiêu mềm trên khắp khu vực mà hiện đang có nguy cơ gặp thêm nhiều rủi ro. Bắc Kinh cũng không muốn can dự quá sâu vào việc giải quyết những vấn đề này: mặc dù hiện nay họ đang kẹt cứng khi phải đảm nhận vai trò ngoại giao tích cực hơn, các nhà hoạch định chính sách Trung Hoa nhìn Afghanistan như là một cái bẫy mà các cường quốc thông minh phải tránh. Trong khi họ sẽ vui vẻ đưa ra hứa hẹn về các khoản đầu tư quan trọng và cung cấp một số hỗ trợ ngắn hạn cho chính quyền mới, thì bất kỳ một sự hiện diện kinh tế nghiêm chỉnh nào của Trung Hoa ở Afghanistan đều sẽ phải phụ thuộc vào môi trường chính trị và an ninh mà Bắc Kinh có sự tin tưởng – một điều mà nhiều năm nữa mới có được, đó là với sự lạc quan tối đa.

Các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ ( Uighur– vùng Xinjiang, Tân Cương ) với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (East Turkestan Islamic Movement- ETIM) với cờ của họ. https://asiatimes.com/2021/01/why-china-fears-us-withdrawal-from-afghanistan/

Nỗi lo thứ hai của Trung Hoa là, trong khi việc rút quân đã được thi hành một cách tệ hại sẽ có một giá phí của nó, nhưng điều này cuối cùng phản ánh một sự tập trung tàn khốc của Hoa Kỳ (a ruthless US focus) nhắm vào Trung Hoa như là một mối quan tâm chiến lược chính yếu. Cảm nghĩ của Bắc Kinh là họ đã có thật nhiều cơ hội trong hai thập niên vừa qua, nhưng mỗi khi có vẻ như Trung Hoa sắp thu hút được sự chú ý và tài nguyên mà họ xứng đáng được hưởng, thì các nhà hoạch định chính sách của Mỹ lại bị kéo ra xa để đối phó với một vấn đề cấp bách hơn, điển hình là ở Trung Đông. Việc tái cân bằng những năng lực của Hoa Kỳ đi từ lục địa sang đến vùng biển Á châu, từ chống nổi dậy cho đến cạnh tranh với cường quốc, luôn luôn bị đặt trước những hệ lụy của một số trách nhiệm ở mặt đạo đức và chính trị để bỏ lại Afghanistan với kết quả chỉ chấp nhận được một nửa. Với việc thoái thác trách nhiệm đó, Hoa Kỳ hiện nay được rộng tay hơn để giải quyết thách thức ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Trung Hoa, và sẽ rất vui mừng nếu Bắc Kinh quyết định rằng họ thực sự muốn ‘lấp đầy khoảng trống’ ở Afghanistan. Quan điểm của Trung Hoa, thấm nhuần từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Liên Xô, vẫn cho rằng làm như vậy có thể là một sai lầm chết người.

Iran

Esfandyar Batmanghelidj

Khi duy trì đối thoại với Taliban lúc Hoa Kỳ gần rút quân, các nhà lãnh đạo của Iran có vẻ như đang tìm kiếm một cách tương nhượng nào đó với các lực lượng hiện đang nắm giữ tương lai của Afghanistan. Cuộc đối thoại này có ý định giải quyết mối đe dọa gây ra bởi sự bất ổn trên toàn biên giới. Cơ quan an ninh của Iran sẽ tìm kiếm một thỏa thuận hợp tác tạm thời (modus vivendi) với Taliban, để giảm thiểu rủi ro của một cuộc khủng hoảng tị nạn mới, sự gia tăng buôn lậu ma túy và vũ khí qua biên giới hoặc sự gia tăng bạo lực giáo phái mà Iran có thể bắt buộc phải phản ứng.

Nếu chúng ta xem việc Taliban kiểm soát Afghanistan là điều không thể tránh khỏi vì việc rút quân của Hoa Kỳ, thì chiến lược của Iran là điều có thể hiểu được – ngay cả chính quyền Biden cũng công nhận quyền kiểm soát trên thực tế của Taliban đối với nhà nước Afghanistan trong nỗ lực của họ để duy trì một cửa sổ mở rộng để đưa các công dân nước ngoài và người tị nạn ra khỏi Afghanistan. Nhưng chiến lược này có thể vẫn không được người Iran ủng hộ, vì họ đều nhớ đến sự tàn bạo của Taliban đối với người Iran và bị xúc động trước cảnh những người Afghanistan tìm cách trốn chạy khỏi đất nước. Khoa học gia chính trị nổi tiếng người Iran Sadegh Zibakalam đã thu gọn được tình cảm trên trong một tweet được chia sẻ rộng rãi, nói rằng chính sách của Iran ở Afghanistan có thể được tóm tắt là “hy sinh mọi thứ cho tư tưởng bài Tây phương và hận thù với người Mỹ.” Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo của Iran “không quan tâm đến 40 triệu người Afghanistan, hoặc tình trạng của phụ nữ, hoặc dòng người tị nạn Afghanistan đến Iran, cũng không quan tâm đến tương lai của người Shiites trong nước.” Việc Iran có ở vào vị trí để hỗ trợ giữ vững được chính quyền Afghanistan hay không vẫn là điều gây tranh cãi. Nhưng nếu sự trợ giúp bị giữ lại một phần để bảo đảm việc chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan, thì công chúng Iran có thể kết luận rằng sống bên cạnh Taliban phải trả một giá quá cao.

Các quốc gia”láng giềng”của Afghanistan: Iran, Nga, Tàu, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, và Âu châu, Bắc Phi https://www.indiatoday.in/education-today/gk-current-affairs/story/countries-with-most-number-of-neighbours-14115-2016-06-14

Cuối cùng, hậu quả kinh tế của việc Taliban chiến thắng có thể rất đáng kể và có thể sẽ ảnh hưởng đến cả hai phản ứng ngắn hạn của nền kinh tế Iran trước áp lực trừng phạt của Mỹ và sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Iran trong bối cảnh khu vực. Iran và Afghanistan liên hệ kinh tế với nhau nhiều hơn so với những gì được rộng rãi đánh giá. Sự phát triển những mối quan hệ này đa số là cấp thời (ad hoc), được thúc đẩy bởi nhu cầu của Iran để tìm kiếm những cơ hội kinh tế trong khu vực khi các lệnh trừng phạt ngăn cản sự tham gia với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những khía cạnh riêng biệt của mối quan hệ này, gồm cả vai trò của Afghanistan trên thị trường tiền tệ của Iran và địa vị của Afghanistan như một đích đến chính yếu cho các hoạt động xuất cảng không phải dầu mỏ của Iran, cho thấy Iran sẽ trả một giá phí kinh tế cho sự thành công của Taliban.

Thổ Nhĩ Kỳ

Asli Aydintasbas

Mãi cho đến một tuần lễ trước đây, Afghanistan đã đem đến một cơ hội bằng vàng cho Thổ Nhĩ Kỳ để lấy lại được đòn bẩy trong quan hệ với các đối tác trong NATO và hàn gắn những mối quan hệ bị rạn nứt với Hoa Kỳ. Đầu tiên thảo luận vào tháng 5 và chính thức được công bố sau cuộc gặp gỡ song phương lần đầu tiên giữa Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tháng 6, kế hoạch này là để các lực lượng võ trang Thổ Nhĩ Kỳ giữ quyền kiểm soát phi trường Kabul sau khi Hoa Kỳ rút quân. Các giới chức Hoa Kỳ tin rằng sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo đảm cho phi trường được mở cửa và ngăn ngừa tình trạng hoảng loạn trong dân chúng Afghanistan và cộng đồng ngoại giao ở Kabul.

Không có điều nào bên trên diễn ra theo kế hoạch.

Sự tiến công của Taliban nhanh hơn rất nhiều so với các đánh giá trước đây của Hoa Kỳ, và việc dễ dàng chiếm được Kabul đã đưa đến những cảnh tuyệt vọng bi thảm trên đường bay của phi trường. Khi Hoa Kỳ tăng gấp đôi các lực lượng của họ hiện diện tại phi trường Kabul để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến bay di tản, dường như có 600 lính Thổ Nhĩ Kỳ đã đến nhưng có ít việc để làm.

Những gì giống như một cơ may thắng lợi về chính sách đối ngoại cho Ankara giờ đây đã là một cơn ác mộng trong nước – do bởi làn sóng mới của người tị nạn Afghanistan

Trong khi Ankara nói rằng họ sẵn sàng tham gia với Taliban và vẫn muốn giữ một vai trò nào đó tại phi trường, thì điều này có vẻ quá tham vọng. Ngay cả khi Taliban khao khát được quốc tế công nhận và có thể hoan nghênh lời đề nghị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của họ, thì một chính quyền do Taliban lãnh đạo khó có thể cho phép Ankara điều hành phi trường. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rồi cuối cùng có thể phải bay trở về sau khi lực lượng Hoa Kỳ bàn giao phi trường cho chính quyền Afghanistan vào ngày 31 tháng 8.

Với sự sụp đổ nhanh chóng của Kabul, thì những gì giống như một cơ may thắng lợi về chính sách đối ngoại cho Ankara giờ đây đã là một cơn ác mộng trong nước – do bởi làn sóng mới của người tị nạn Afghanistan. Công chúng Thổ Nhĩ Kỳ càng ngày càng cảm thấy mệt mỏi với chính sách về người tị nạn của chính quyền và sự hiện diện của bốn triệu người tị nạn Syria và dòng người Afghanistan liên tục băng qua biên giới phía đông Thổ Nhĩ Kỳ đã càng làm nổ lớn ra cuộc tranh luận đang diễn ra trong nước. Đối diện với sự hỗ trợ đang suy giảm nơi quê nhà, tổng thống Erdogan dễ bị áp lực trong nước về vấn đề người tị nạn và cần phải tỏ vẻ cứng rắn trong việc kiềm chế di dân Afghanistan bất hợp pháp. Ông đã bác bỏ gán ghép của phe đối lập cho rằng ông đã đạt được thỏa thuận với Washington để chấp nhận hàng ngàn người tị nạn Afghanistan chạy trốn khỏi Taliban, và đã tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng một bức tường ở biên giới phía đông của họ.

Tất cả điều này đang xẩy ra trong khi Liên minh Âu châu đang ở giữa những cuộc thương lượng cho gói hỗ trợ tài chánh thứ ba khoảng 3 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận người tị nạn Syria. Mặc dù thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Liên minh Âu châu hoàn toàn nhằm cung cấp hỗ trợ cho di dân Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và đại diện cao cấp của Liên minh Âu châu Josep Borrell đều nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ về Afghanistan.

Sự mong muốn được đóng một vai trò quân sự ở Afghanistan của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm gia tăng sự quan trọng của quốc gia này trong suy nghĩ của Âu châu về Afghanistan – nhưng điều này khó có thể tạo dễ dàng thêm cho một thỏa thuận khác về dân tị nạn để khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận nhiều người Afghanistan hơn. Như hiện giờ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 300,000 người Afghanistan tị nạn. Đem vào thêm một số lượng lớn hơn sẽ là một rủi ro chính trị cho Erdogan.

Sahel

Andrew Lebovich

https://www.trtworld.com/africa/african-union-to-deploy-3-000-troops-to-restive-sahel-34165
Vùng Sahel gồm 10 quốc gia: Burkina Faso, Chad, Eritrea, The Gambia, Guinea-Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Senegal, và Sudan https://www.prb.org/resources/demographic-challenges-of-the-sahel/với diện tích khoảng 3,053,200 km2 (1,178,850 sq mi) https://en.wikipedia.org/wiki/Sahel

Mặc dù trong nhiều năm nhiều quan sát viên đã hỏi liệu Sahel – đặc biệt là Mali – có phải là “Afghanistan của Pháp” hay không, những lo ngại về tác động của việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan được thấy rõ trên các cơ quan truyền thông của Sahel cũng như trên báo chí quốc tế. Nhiều người lo lắng bởi bối cảnh của một lực lượng can thiệp của nước ngoài hoặc giảm bớt hoặc rút về và để lại phía sau các quốc gia trong khu vực rơi vào những vị trí dễ bị phơi bày trước sự bất ổn và sự lan rộng của các thành phần Hồi giáo thánh chiến (jihadist militancy). Điều này đặc biệt vì trước đây Pháp đã tuyên bố cắt giảm lực lượng trong khu vực. Những bối cảnh này thì khác nhau, nhưng phản ứng của người dân Sahel cũng như các giới chức Âu châu đối với tình hình ở Afghanistan cho thấy một vài khả thể cho tương lai của khu vực.

Vùng Sahel và các quốc gia láng giềng

Đã có sự phản đối đáng kể tại địa phương đối với các nỗ lực của Pháp và quốc tế trong khu vực, nhưng các chính trị gia Sahel có khuynh hướng giữ im lặng hơn về những chỉ trích. Họ nhận ra rằng quân đội và cộng đồng của khu vực, vốn đã bị khốn đốn bởi các cuộc tấn công của các thành phần chiến binh Hồi giáo jihadist, cần đến sự hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động của họ. Điều này gồm cả các dự án về chiến đấu và huấn luyện của Pháp và ngày càng tăng của Âu châu, cũng như phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Mali. Hiển nhiên, hai bên đều cần đến nhu cầu này và các nhà lãnh đạo của khu vực biết rất rõ cách khai thác những lo ngại của Âu châu về sự bất ổn, khủng bố và di dân gia tăng dọc theo cái mà các chính trị gia trong Liên minh Âu châu gọi là “biên giới phía nam” của Âu châu và xa hơn nữa là đi vào vùng bờ biển phía tây Phi châu.

Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan sau 20 năm được quân đội và sự hỗ trợ phát triển của nước ngoài đã trái ngược hẳn với những nỗ lực được thực hiện ở Sahel. Sự can dự của nước ngoài ở Sahel rất là không đáng kể về mặt tài chánh hoặc cấp số quân đội như sự hiện diện của Mỹ và NATO ở Afghanistan. Tuy nhiên, nhiều thập niên huấn luyện chống khủng bố của Mỹ, các chương trình huấn luyện quân sự và xây dựng khả năng do Liên minh Âu châu dẫn đầu, sự phụ trợ (accompaniment) của các đối tác Pháp và Âu châu cho quân đội trong khu vực, và các dự án phát triển trong khuôn khổ Sahel Alliance (Liên minh Sahel) đều không mang lại được sự ổn định hay phát triển. Và, mặc dù có nhấn mạnh nhiều hơn vào các quá trình quản trị và chính trị trong những năm gần đây, tiến triển cũng đang bị rớt lại phía sau.

Các diễn biến ở Afghanistan sẽ có thể sẽ làm các giới chức Pháp và Liên minh Âu châu phải tạm ngưng việc lượng định các đợt rút quân trong tương lai ở Sahel, ngay cả khi việc rút quân toàn bộ vẫn chưa thể xảy ra. Nhưng những khiếm khuyết rõ rệt trong các nỗ lực ổn định hóa của quốc tế ở Afghanistan và ở Sahel có nghĩa là cộng đồng quốc tế cũng như các nhà lãnh đạo Sahel phải đối mặt với một lựa chọn. Thực sự tập trung vào cải tổ chính trị, sự hữu hiệu của nhà nước và kiềm chế những lạm dụng của lực lượng an ninh và dân quân có thể giúp chống lại những phương cách chính trị và an ninh khác được đưa ra bởi các nhóm Hồi giáo thánh chiến (jihadist groups), đặc biệt là ở cấp địa phương. Nhưng câu hỏi còn lại vẫn là liệu Âu châu và các đối tác tại Sahel có thể đạt được những chọn lựa khó khăn về cải tổ, điều kiện ràng buộc (conditionality) và những đàm phán có thể có với các chiến binh (Hồi giáo) hay không- hoặc thay vào đó, liệu họ sẽ chọn duy trì một tư thế ‘vừa đủ tốt’ để tránh hỗn loạn trong ngắn hạn nhưng tuy nhiên phải chấp nhận một sự bế tắc làm giảm đi an ninh khu vực và làm hại thường dân người Sahel.

Di dân

Susanne Baumann

Sự nhanh chóng tiến chiếm Afghanistan của Taliban đã đưa đến một trong những thành quả là làm thức tỉnh lại nỗi sợ hãi phản xạ bên trong Âu châu về một dòng người tị nạn có thể có. Khối người Afghanistan được dự đoán sẽ dạt vào Âu châu là một trắc nghiệm sức chịu (stress test) trong tiến trình khó khăn không thể tránh được để phát triển một thỏa thuận mới trong nội bộ Liên minh Âu châu về di dân và tị nạn căn cứ trên sự chia sẻ công bằng hơn về trách nhiệm và sự liên đới (solidarity).

Ngay từ đầu tháng 8, một lá thư gửi tới Ủy ban Âu châu (European Commission) được ký bởi các bộ trưởng di trú của Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp và Hòa Lan đã đặt nền móng (set the tone) cho việc định cư: trong khi đại sứ Liên minh Âu châu tại Kabul kêu gọi các quốc gia thành viên đình chỉ việc hồi hương những người Afghanistan từ Âu châu, vì bạo lực ngày càng gia tăng ở Afghanistan, thì sáu quốc gia trên nhấn mạnh rằng đất nước đó là một nơi an toàn cho việc hồi hương. Và, ngay cả sau khi Kabul bị Taliban chiếm đóng, với tất cả những kinh hoàng và chấn động, thì rõ ràng là các nhà lãnh đạo Liên minh Âu châu thích để mặc vấn đề này lại cho khu vực. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã lên tiếng chống lại “dòng người tị nạn không được kiểm soát theo luật” (“unregulated refugee flows”); Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz, nhấn mạnh rằng sẽ không có việc tiếp nhận người Afghanistan đến Áo “khi ông còn làm thủ tướng” (“under his chancellorship”); và Bộ trưởng Di trú của Hy Lạp Notis Mitarakis nhấn mạnh rằng đất nước của ông sẽ không trở thành “cửa ngõ của Liên minh Âu châu cho những người muốn tiến sang Âu châu” (“the EU’s gateway for people who want to leave for Europe”). Các cuộc thảo luận của Âu châu cho đến nay tập trung vào việc đề nghị Liên minh Âu châu hỗ trợ cho các nước láng giềng của Afghanistan.

Chủ đề tị nạn và di dân đã có tác động đặc biệt bén nhọn đến cuộc vận động tranh cử quốc hội Đức đang nặng nhọc diễn ra. Những người theo chủ nghĩa dân tộc (nationalists) cuối cùng đã tìm thấy một vấn đề bầu cử mà họ có thể sử dụng – các chính sách chống khí hậu không đem ra vận động tranh cử cho “ăn khách” được trong một năm nhiều lũ lụt và cháy rừng. “Làn sóng người tị nạn” và “di dân hàng loạt” đem lại nhiều hương vị hơn cho sở thích của họ. Và Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (Christian Democrats, CDU) và đảng chị em Bavaria của họ, Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (Christian Social Union, CSU), thích “ra tay trước”(pre-empt) bằng cách đưa ra những bức tranh của ‘đoạn phim kinh dị năm 2015’ (‘2015 horror scenario’), để không bỏ ngỏ cho đảng Alternative for Germany (Giải pháp khác cho Đức), và để phục vụ cho phe cánh hữu của họ. “Không được tái diễn năm 2015” (“2015 must not be repeated”) là câu thần chú mà ứng cử viên thủ tướng CDU của Đức Armin Laschet đã đưa ra trong đáp ứng với những cảnh di tản tại phi trường Kabul. Trong nỗ lực nhằm làm họ nổi bật tách ra khỏi các ‘đối thủ bên tả’, lãnh đạo Đảng Cộng sản, Markus Soeder, buộc tội những người theo Greens (phụ chú: nhóm chính trị trong Liên minh Tự do Âu châu) về một “carte blanche” (Mỹ còn gọi là blank check: chi phiếu đã ký nhưng để trống không ghi số tiền) rất đáng sợ sẽ “kích hoạt áp lực tăng thêm di dân” trong đáp ứng với đòi hỏi của họ về mức hạn định (quota) người tị nạn từ Afghanistan.

Nhưng hình ảnh trong đầu về những dòng người tị nạn đang tìm đường thoát ra khỏi Afghanistan để vào Liên minh Âu châu thực sự sẽ ra sao và khả năng có thể xảy ra sẽ như thế nào? Trong ngắn hạn, sẽ không nhiều. Ngoài con số nhân viên và nhà hoạt động (activists) người địa phương, đáng buồn là không nhiều, có thể được đưa lên máy bay đem ra khỏi Afghanistan, còn biên giới của nước này hiện nay gần như bị hoàn toàn đóng lại. Ở một mặt, Taliban kiểm soát nhiều khu vực biên giới và ngăn cản nhiều người Afghanistan muốn rời bỏ đất nước. Ở mặt khác, các nước láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, đã đóng cửa biên giới của họ để giữ người tị nạn Afghanistan ở bên ngoài.

Trong dài hạn, nhiều người Afghanistan có thể tính chuyện đến châu Âu để cùng sống với các thành viên trong gia đình đang ở các nước Liên minh Âu châu hoặc để thoát khỏi điều kiện sống khó khăn trong các trại tị nạn. Điều đó tùy thuộc vào các quốc gia trong Liên minh Âu châu – và một vài quốc gia Liên minh Âu châu sẽ cần đứng đầu ở đây – để làm tốt hơn những gì họ đã làm trong trường hợp của Syria. Họ sẽ cần phối hợp với các quốc gia láng giềng của Afghanistan ở giai đoạn đầu, hỗ trợ các quốc gia này về mặt tài chánh và tiếp vận (logistically) để giữ cho biên giới của họ mở rộng và cung cấp nơi tạm trú cho những người trốn chạy khỏi chế độ Taliban. Thêm nữa, Liên minh Âu châu phải phối hợp với nhau để tạo ra các tuyến đường hợp pháp và an toàn để người tị nạn vào được Âu châu – thí dụ, bằng cách cấp giấy thông hành nhân đạo (humanitarian visas) hoặc tạm thời đình chỉ các đòi hỏi bắt buộc của thông hành. Vẫn có đủ thời gian để hành động nếu các chính quyền không tiêu dùng quá nhiều thời gian cho những vận dụng mang tính dân túy (populist manoeuvring).

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 01/9/2021

Ghi chú: Nhằm giúp quý vị bạn đọc có thêm tin tức, người dịch đã cung cấp thêm những phụ chú, hình ảnh và bản đồ được sưu lục từ các nguồn trên Internet.