Theo nhận định của nhiều giới chức của Tàu, thì Hoa Kỳ đang trên đà suy thoái (decline) sau nhiều biến động thế giới cũng như những lỗi lầm hay mâu thuẫn nội tại không giải quyết được. Và người Tàu tận dụng mọi cơ hội, phương tiện, và thủ đoạn để “tranh thủ” vượt qua và thay thế Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới.

Sau khi Hoa Kỳ rút lui khỏi Afghanistan trong tháng 8/2021, thì ứng viên sáng giá nhất để thay thế Hoa Kỳ tại đây không còn ai khác ngoài Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Xem ra, Trung Cộng đã “lấy” được Afghanistan mà không cần bắn một phát súng – một Victory Without War. Và rồi, dù muốn hay không, quả “bóng lửa” Afghanistan cũng sẽ lăn qua đến sân bóng của Trung Cộng.

Để tìm hiểu thêm về suy nghĩ của Trung Cộng đối với Afghanistan, xin mời đọc bài tường trình ‘Do not fall into this trap’: Taliban takeover leaves China uncertain about Afghanistan (‘Đừng rơi vào bẫy này’: Sự chiếm hữu của Taliban khiến Trung Hoa cảm thấy bất định về Afghanistan) của Alice Su – Chánh văn phòng tại Bắc Kinh (Beijing Bureau Chief) của Los Angeles Times, phát hành ngày 18/8/2021.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

BẮC KINH – Chiến thắng đáng kinh ngạc của Taliban tại Afghanistan đã khiến Trung Hoa phải đối diện với một viễn ảnh đầy bất trắc là một chế độ Hồi giáo cực đoan mới được củng cố thêm ngay biên giới của họ có thể làm đảo lộn các lợi ích an ninh và kinh tế trên toàn khu vực.

Là quốc gia láng giềng lớn nhất và mạnh nhất của Afghanistan, Trung Hoa có thể bước vào để lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Hoa Kỳ để lại. Nhưng Trung Hoa có rất ít mong muốn để làm như vậy. Thay vào đó, Bắc Kinh dự kiến sẽ tập trung vào việc cải thiện những quan hệ và chống lại những tham vọng của một chế độ cực đoan, ngay cả khi một số gợi ý cho rằng thất bại nhục nhã của Washington trong việc xây dựng quốc gia là một chiến thắng cho Trung Hoa.

Đảng Cộng sản đương quyền của Trung Hoa đã nhanh chóng đưa ra lời chỉ trích nặng nề sự can thiệp của Mỹ trong nhiều thập niên: “Hoặc ở Iraq, Syria hay Afghanistan, chúng tôi thấy rằng bất cứ nơi nào quân đội Mỹ đi đến, đều để lại sau lưng sự hỗn loạn và vỡ vụn từng mảnh, chết chóc và tàn phá, một đống hỗn độn lỗ chỗ,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hua Chunying đã cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (17/8/21).

Nhưng mối quan tâm sâu đậm hơn cho Trung Hoa, mà vào những năm gần đây đã trở nên cấp thiết hơn trong việc khẳng định lợi ích của mình trên toàn khu vực, là một Taliban không nhân nhượng có thể đem đến những hứng khởi cho những thành phần võ trang (militant) cực đoan ở bên ngoài biên giới của họ. Sức mạnh quân sự và tầm với xa của Trung Hoa thì rất siêu đẳng, nhưng Afghanistan có thể gây ra một mối bận tâm khó giải quyết.

“Đây không phải là ảnh hưởng mà họ muốn,” Andrew Small nói. Ông là một thành viên nghiên cứu cao cấp tại German Marshall Fund, đã viết sách về quan hệ Trung Hoa và Pakistan. Trung Hoa đang dùng đòn bẩy mà họ có để đạt được các mục tiêu cụ thể: bảo vệ lợi ích kinh tế và bảo đảm Afghanistan không trở thành một tiền trạm (hub) cho các phần tử võ trang cực đoan có thể tấn công Trung Hoa.

“Thêm nữa, vẫn còn có nỗi ám ảnh về việc Afghanistan là một cái bẫy, một nghĩa địa của các đế quốc — nó hút hết năng lực, nó hút hết tiền bạc… đó là cách mà tất cả các cường quốc cuối cùng bị lôi xuống, và Trung Hoa thì không muốn làm điều đó,” Small nói. “Tâm lý chung quanh vấn đề này là: Đừng để rơi vào cái bẫy này.”

Lần cuối cùng Trung Hoa có mối quan hệ yên ổn với Taliban là khi lực lượng này đang nắm quyền vào thập niên 1990s. Đại sứ Trung Hoa tại Pakistan đã gặp Mullah Omar, thủ lãnh của Taliban, ở Kandahar vào năm 2000. Các công ty Trung Hoa sau đó đã ký những hợp đồng làm việc cho các hệ thống mạng viễn thông (telecommunications networks) và bắt đầu sửa chữa các đập nước và hệ thống phân phối điện (power grids) của Afghanistan, theo báo cáo của các nhà báo Tây phương vào thời điểm đó.

Quyền lợi của hai bên lúc đó cũng giống như bây giờ: Taliban cần viện trợ kinh tế và giúp đỡ để chống lại các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, trong khi Trung Hoa muốn ngăn Afghanistan để không trở thành căn cứ yểm trợ phong trào đòi độc lập ở khu vực Tân Cương của họ. Không bên nào được hoàn toàn thỏa mãn.

Hiện nay Trung Hoa đang hùng mạnh hơn trên trường thế giới và đang công khai tìm kiếm một vai trò lãnh đạo khu vực để chứng tỏ Bắc Kinh là một đồng minh có trách nhiệm và vững chãi hơn Hoa Kỳ. Nhưng Afghanistan không phải là nơi mà Trung Hoa muốn chứng minh điều đó.

Trong những năm gần đây, Trung Hoa đã bành trướng ảnh hưởng của họ trong vùng Trung Á (Central Asia) với những đầu tư to lớn qua chương trình Sáng kiến Vòng đai và Con đường (Belt and Road Initiative) của chủ tịch Tập Cận Bình — một phần bởi vì sự hiện diện của Mỹ để giữ an ninh trong vùng đã cho Trung Hoa được rảnh tay không phải đối phó với Afghanistan, Niva Yau, một nhà nghiên cứu chú trọng vào Trung Hoa và Trung Á tại Học viện OSCE ở Kyrgyzstan đã nói như vậy.

Nhiều kỹ nghệ dầu hỏa và khí đốt của khu vực đã trở nên phụ thuộc vào Trung Hoa, bà nói. “Bây giờ, với một Afghanistan đang trở nên bất ổn, tất cả những khoản đầu tư hàng tỷ đô la này đều có nguy cơ gặp rủi ro vì chúng ở trong vùng cận (proximity) cực kỳ gần với Taliban,” Yau nói.

Ngoại trưởng Trung Hoa Vương Nghị (Wang Yi) đã thảo luận với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken về những lo ngại của Bắc Kinh vào hôm thứ Ba (ngày 16/8/21). Họ Vương chỉ trích “sự hối hả rút lui của Hoa Kỳ” và cảnh cáo rằng Trung Hoa không muốn thấy một Afghanistan “tái phát thành một điểm nóng và là nơi trú ẩn cho khủng bố.”

Nỗi sợ hãi về việc Afghanistan nuôi dưỡng, chứa chấp những thành phần cực đoan, đặc biệt là các nhóm võ trang đòi độc lập cho khu vực Tân Cương ở ngoại biên phía tây của Trung Hoa, đã từ lâu là trung tâm trong chính sách của Trung Hoa ở Afghanistan. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Hoa đã tùy tiện giam giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) và các sắc dân thiểu số khác chính yếu là người Hồi giáo ở Tân Cương dưới danh nghĩa chống khủng bố.

Hiện nay, Trung Hoa đang áp lực Taliban để phải từ bỏ sự hỗ trợ các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, trong đó có một số đã từng được huấn luyện ở Afghanistan trong quá khứ. Đổi lại, Bắc Kinh có thể cung cấp cho Kabul một vỏ bọc mang tính chất hợp pháp quốc tế (veneer of international legitimacy) và sự giúp đỡ rất cần thiết trong việc tái thiết và phát triển là những điều sẽ trở nên quan trọng một khi hàng tỷ đô la viện trợ của Mỹ biến mất.

Trong tháng vừa qua, các giới chức Trung Hoa đã tổ chức một cuộc họp với các thủ lãnh của Taliban tại Thiên Tân, một thành phố hải cảng gần Bắc Kinh. Họ đã công bố những hình chụp Ngoại trưởng Vương Nghị với Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập và lãnh đạo ủy ban chính trị của Taliban, trong cùng một phòng hội mà chỉ vài ngày trước đó, đã tiếp đón Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman.

Ngoại trưởng họ Vương gọi Taliban là “lực lượng quân sự và chính trị quan trọng ở Afghanistan” và nói rằng nhóm này nên “chấm dứt mọi liên hệ (make a clean break) với tất cả các tổ chức khủng bố” kể cả Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một nhóm ly khai từ Tân Cương.

Thủ lãnh Taliban Baradar cho biết Trung Hoa “luôn luôn là một người bạn đáng tin cậy của người dân Afghanistan” và Taliban sẽ “không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tham gia vào các hành vi tác hại đến Trung Hoa.”

Bắc Kinh nói với Taliban những cam kết như vậy sẽ là “điều kiện tiên quyết để Trung Hoa công nhận quyền lực và thẩm quyền của Taliban ở Afghanistan,” Shi Yinhong, giáo sư ngành bang giao quốc tế tại Đại học Renmin của Trung Hoa cho biết. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng hết sức thận trọng về Taliban, ông nói.

Chiến thắng của Taliban đã gây hứng khởi cho các nhóm cực đoan trong khu vực, những hoạt động của họ đã gây xáo trộn cho các hoạt động kinh tế của Trung Hoa. Trong tháng vừa qua, 9 công nhân xây cất người Trung Hoa đã bị giết chết trong một vụ nổ bom trên xe buýt ở miền bắc Pakistan. Hai kỹ sư người Trung Hoa đã bị nhắm bắn trong một vụ nổ súng ở Karachi cùng tháng.

Trong tháng 4, đại sứ Trung Hoa thoát chết trong gang tấc trong một vụ ôm bom tự sát của Taliban Pakistan tại một khách sạn sang trọng nơi ông ở, tại Quetta — mặc dù nhóm cực đoan đó cho biết cuộc tấn công là nhắm vào cảnh sát và các giới chức khác.

Theo Yau, Trung Hoa cũng không thể hoàn toàn tin tưởng vào những lời hứa của Taliban bởi vì nhóm này không có toàn quyền kiểm soát đối với các thực thể nằm ở tại các gốc rễ (grassroots realities) ở Afghanistan.

Taliban “không có tiếng nói quyết định (final say) khi đến những ngôi làng dung dưỡng những người theo phong trào Đông Turkestan (East Turkestan supporters),” Yau nói, đề cập đến cái tên mà phe ly khai dùng để chỉ Tân Cương. “Chúng ta có thể thấy rằng Trung Hoa đang rất tích cực trong việc cố gắng thương thuyết với Taliban… nhưng vẫn chỉ đang ở bước khởi đầu khi nói đến việc thực sự đạt được mục tiêu chính trị đầu tiên là bảo đảm rằng Taliban không hỗ trợ những người dân Đông Turkestan này.”

Về việc tái thiết và phát triển của Afghanistan thời hậu chiến, Trung Hoa có thể sẽ tham gia nhưng chỉ trong quy mô hạn chế vì tương lai chính trị của đất nước này không có gì là chắc chắn.

“Tôi mong đợi sẽ thấy được rất nhiều màn trình diễn ngoạn mục chung quanh điều này. Sẽ hợp cho cả hai bên để nói rằng có một mối quan hệ đang nẩy nở,” Small nói. “Rất hữu ích cho Trung Hoa đem đong đưa món lợi này trước mắt Taliban. Họ biết Trung Hoa sẽ cung ứng cho họ một huyết mạch kinh tế trong bối cảnh mà họ không thể mong đợi được như khối lượng viện trợ mà chính phủ tiền nhiệm đã nhận được từ Tây phương.”

Chiến thắng của Taliban cũng làm phức tạp thêm tình hình chính trị của khu vực vào thời điểm Hoa Kỳ và Trung Hoa đang can dự vào một cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu rộng lớn hơn. Các nhà phân tích nói rằng Trung Hoa đang cảm thấy áp lực đó.

“Bắc Kinh biết rằng một trong những mục đích chính của chính quyền Biden trong việc vội vã rút quân Mỹ và sự hiện diện của Hoa Kỳ là… để tập trung nguồn lực và năng lực của Hoa Kỳ để kìm giữ Trung Hoa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” ông Shi nói. “Mức độ ưu tiên đã được ấn định.”

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 20/8/2021