Đối với Âu châu, lễ nhậm chức của ông Biden báo hiệu một khởi đầu mới mẻ trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Họ công khai hoan nghênh ông Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump. Tổng thống Biden đã nói với các nhà lãnh đạo Âu châu: “Hãy để tôi xóa bỏ bất cứ nghi ngờ nào còn sót lại: Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Liên minh Âu châu và các thủ đô trên khắp lục địa, từ Rome đến Riga, để đáp ứng với những thách thức chung mà chúng ta phải đối diện.”1

Nhưng với cuộc rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, phản ứng của Âu châu có thể được tóm tắt qua tựa đề của bài báo đăng trên politico.eu: “Mất tin tưởng và phản bội: Âu châu phản ứng trước sự ‘tính toán sai lầm’ của Biden ở Afghanistan”2.

Và vừa qua, với hiệp ước quân sự AUKUS, được ký kết giữa Úc, Anh và Mỹ, đã tạo ra sự phẫn nộ từ Pháp và một số đồng minh EU. Trong cuộc phỏng vấn với radio France Info, Ngoại trưởng Pháp Le Drian đã nói: “Đây không phải là điều mà các đồng minh đối xử với nhau. Quyết định tàn bạo, đơn phương và không thể tiên liệu được này nhắc tôi nhớ rất nhiều đến những gì ông Trump thường làm.”3

Qua “tuần trăng mật” ngắn ngủi với chính quyền Biden, Âu châu đã nhận ra có nhiều “tương đồng” giữa “America First” của Trump và “America is back” của Biden. Và nhất là đã có dấu hiệu Mỹ “chuyển trục” sang Á châu Thái Bình Dương. Xin mời quý vị đọc phần chuyển ngữ của bài báo Can Biden’s short-lived honeymoon with Europe be salvaged? của Melissa Rossi, đăng trên Yahoo!News ngày 24/9/2021.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

BARCELONA – Khi Tổng thống Biden đứng trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm thứ Ba (21/9/2021) thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu trong việc đối phó với những khủng hoảng như biến đổi khí hậu và COVID trong khi tán dương các nỗ lực của Hoa Kỳ để khôi phục lại một “kỷ nguyên ngoại giao không ngừng nghỉ,” thì những lời này đã trở nên trống rỗng tại Âu châu, nhất là tại Pháp.

Chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã liên tục chỉ trích dữ dội chính quyền Biden về cách hành xử không ngoại giao của họ kể từ khi có thông báo trong tuần qua là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc đã thành lập một hiệp ước an ninh mới tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương là AUKUS, trong đó Úc sẽ mua 66 tỷ USD tàu ngầm nguyên tử do Mỹ chế tạo. Liên minh đó, mà Macron chỉ được cho biết vài giờ trước khi công bố, xem như đã bắn chìm (torpedoed) đơn đặt hàng trị giá 37 tỷ USD của Úc đặt mua một hạm đội tàu ngầm của Pháp.

“Có điều gì đó đã bị sứt mẻ giữa chính quyền Biden và Pháp — và có thể với toàn thể Âu châu,” Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu cao cấp không thường trú (nonresident senior fellow) trong các chương trình Âu châu và Á châu tại Carnegie Endowment for International Peace, đã nói với Yahoo News.

Tổng thống Biden, phải, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh của NATO, tại Brussels, Bỉ, ngày 14/6/2021 (Dursun Aydemir/Anadolu Agency via Getty Images)

“Đó là một sỉ nhục công khai cho nước Pháp,” Joseph de Weck, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và là tác giả của một cuốn sách viết về Macron vừa mới xuất bản đã nói. “Có vẻ như Pháp đã không được các đồng minh của họ thông báo cho biết hay họ đã bị lừa dối. Và điều đó đang tạo ra vấn đề về niềm tin cho tương lai.”

Để đáp lại, Macron, sẽ phải đối diện với cuộc tái tranh cử vào tháng Tư sang năm, lập tức triệu hồi các đại sứ của ông từ Washington và Canberra, trong khi ngoại trưởng của ông gọi hành động này là “đâm sau lưng” (“a stab in the back”) và “một sự bội tín to lớn” (“a huge breach of trust”).

Trong khi Thủ Tướng Anh Boris Johnson — rõ rệt là người chiến thắng trong liên minh mới — đã khuyên Macron “hãy lấy lại tự chủ (get a grip),” thì nhiều quốc gia Âu châu đứng sau lưng Pháp: Một thỏa thuận mậu dịch quan trọng giữa Úc và Liên minh Âu châu (EU) đã bị hủy bỏ, và hội nghị thượng đỉnh về công nghệ và thương mại được dự đoán sẽ diễn ra giữa EU và Mỹ được hoạch định vào tuần tới tại Pittsburgh thì đến nay xem ra không có gì chắc chắn. “Đây là một vụ hai chiếc xe lửa xuyên Đại Tây Dương đụng nhau thảm khốc,” Roland Freudenstein, giám đốc chính sách của Trung tâm Martens Nghiên cứu Âu châu cho biết.

Niềm tin đặt vào liên minh xuyên Đại Tây Dương lâu đời với Mỹ, theo các chuyên gia, đang bị xói mòn khi chính quyền mới chuyển trục quay sang Á châu

Nhưng những căng thẳng giữa chính quyền Biden và 27 quốc gia trong EU còn vượt khỏi hiệp ước an ninh AUKUS. Các vị lãnh đạo trong EU càng ngày càng cảm thấy bất an (distressed) trước khuynh hướng của Biden đã bỏ qua việc cố vấn cho các đối tác xuyên Đại Tây Dương về các kế hoạch của ông, bằng chứng là việc rút quân đột ngột, hỗn loạn của các lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan. Những đồng minh đã cùng tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ dẫn đầu trong 20 năm trước đã bị bỏ lại xô đẩy nhau để di tản nhân viên.

Vận tải cơ C-17 Globemaster cất cánh khi các chiến binh Taliban bảo vệ vòng đai bên ngoài phi trường, bên cạnh là phía Mỹ kiểm soát của Phi trường Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 29/8/2021. (Marcus Yam / Los Angeles Times qua Getty Images)

Niềm tin đặt vào liên minh xuyên Đại Tây Dương lâu đời với Mỹ, theo các chuyên gia, đang bị xói mòn khi chính quyền mới chuyển trục quay sang Á châu và nhiều người Âu châu lo ngại rằng, cho dù với những hứa hẹn làm ngược lại, thì nhiều chính sách của vị tân tổng thống Mỹ dường như không khác gì (seem indistinguishable) với những chính sách của người tiền nhiệm của ông ta.

Giữa sự thất bại hoàn toàn (fiasco) ở Afghanistan, việc lấn ngang (muscling in) vào thỏa thuận tàu ngầm của Úc và loại Pháp ra khỏi hiệp ước an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương cho dù hải quân của nước này hiện diện trong khu vực, hành vi chậm trễ của chính quyền Biden liên quan đến các đồng minh Âu châu “càng hợp với dư luận cho rằng Hoa Kỳ không còn đáng được tín nhiệm,” Le Corre nói thêm. “Nước Mỹ đã trở nên chỉ biết đến mình (self-centered) và chỉ biết tập trung vào mình (self-focused) dưới thời Trump, và bây giờ dưới thời Biden, họ thậm chí không thể nhìn ra được phản ứng của người Âu châu khi họ làm điều như thế đó.” Ông ta cũng bị sốc trước việc Úc, quốc gia kịch liệt chống hạt nhân, lại đang mua tàu ngầm nguyên tử từ Mỹ. Trước đó, khi Pháp cố bán cho Úc tàu ngầm nguyên tử, Le Corre lưu ý, thì giới lãnh đạo Úc đã bác bỏ ý kiến ​​này, nhấn mạnh rằng họ muốn có những tàu ngầm quy ước (conventional subs, không chạy bằng nguyên tử).

Các chuyên gia về chính sách cũng lo ngại rằng lấy danh nghĩa kiểm soát sự xâm phạm lãnh thổ của Trung Hoa, vốn là một mục tiêu rõ rệt của AUKUS, Hoa Kỳ sẽ thành lập một câu lạc bộ an ninh chỉ gồm các quốc gia nói tiếng Anh. Sẽ không có mấy ý nghĩa khi loại ra các quốc gia EU, nhất là Pháp, theo de Weck. “Pháp có quân đội mạnh nhất trong EU, đặc biệt là khi cần dùng đến khả năng của tàu ngầm và hải quân,” de Weck nói, ông cũng lưu ý rằng kể từ khi Anh rời khỏi EU, Pháp là cường quốc hạt nhân duy nhất của EU. “Pháp cũng có mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ, một quốc gia quan trọng trong khu vực đó,” ông nói thêm. “Vì vậy, việc hoàn toàn cắt bỏ Pháp [ra khỏi bất kỳ hiệp ước an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương nào] xem ra hơi ngu xuẩn (stupid) vì Pháp có quyền lợi tương tự như Mỹ, Úc và Ấn Độ.” Vì Pháp có lãnh thổ và căn cứ hải quân trong vùng và tàu của họ cũng đã tuần hành trên vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông nói thêm, “Họ muốn giữ cho các vùng biển ở đó mở rộng. Họ cũng sợ chủ nghĩa bành trướng của Trung Hoa.”

Tháp Eiffel nhìn từ máy bay trực thăng của quân đội bay trên Paris. (Aurelien Meunier/Getty Images)

“Dường như các ý kiến ​​được chia thành hai phe ở Brussels,” Jamie Shea nói; ông là cựu phó phụ tá tổng thư ký (deputy assistant secretary general) của NATO chuyên lo về các thử thách an ninh đang nổi lên và là nhà nghiên cứu cao cấp của tổ chức Friends of Europe. “Phe đứng phía sau Pháp lập luận rằng đây là hành vi thực sự tồi tệ” về phần của Hoa Kỳ và Úc. “Quả là làm chuyện xúc phạm đối với một đồng minh khi phá vỡ một thỏa thuận quan trọng.” Còn phe kia, ông nói, lập luận rằng “Chúng ta cần Hoa Kỳ, nhưng chúng ta phải cẩn thận. Chúng ta không thể lúc nào cũng tùy thuộc vào họ, vì như thế họ sẽ đơn phương hành động.” Tóm lại, “Tuần trăng mật đã qua mất rồi đối với những người còn tin rằng Hoa Kỳ sẽ hành động theo một cách đa phương,” ông nói. Và nhiều người Âu châu sửng sốt kinh ngạc. “Biden bước vào với những khoe khoang xảo biện (highfalutin rhetoric) về việc ‘Nước Mỹ đã trở lại’ (‘America is back’) như thế nào và sẽ tham khảo với Âu châu từng mọi vấn đề cũng như NATO là một cam kết thiêng liêng (sacred commitment) và EU sẽ là đối tác lớn của Mỹ,” Shea tiếp lời. “Biden cất cao giọng bước ra — và sau Trump, Âu châu đã tuyệt vọng để phải tin điều đó.) (“Biden came out on a very, very high pitch — and after Trump, Europeans were desperate to believe it.”)

Căn cứ trên “hai cuộc khủng hoảng liên tiếp trong vòng vài tuần,” Freudenstein đang tự hỏi rằng tất cả sự tôn trọng đồng minh mà Biden đã hứa hẹn đã đi về đâu. “Một vài người đang nói rằng chính quyền Biden không phải là chuyên gia và chuyên nghiệp về chính trị và ngoại giao như chúng ta đã hy vọng sẽ như vậy sau thời Trump,” ông nói.

Nhưng dù lúc ban đầu có một số chuyên gia đã vẽ ra tất cả những u tối và ảm đạm – gồm cả những ồn ào náo động (brouhaha) về việc Pháp mất đi thỏa thuận về tàu ngầm sẽ làm nguy hiểm đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và EU trong nhiều năm sắp tới hoặc ngay cả hoàn toàn hủy diệt mối liên hệ đó – thì hiện nay đã có nhiều dấu hiệu của sự cải thiện trong bầu không khí. Sau khi cố tình lạnh nhạt với Biden trong ba ngày, Macron cuối cùng đã nói chuyện với ông Biden vào thứ Tư (22/9/2021), đồng ý gặp ông vào cuối tháng Mười tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Rome. Macron cũng đang gửi đại sứ của ông trở lại Washington, mặc dù cho đến nay đại sứ Pháp tại Australia vẫn còn ở lại Pháp.

Ali Wyne, một nhà phân tích thâm niên của Eurasia Group, hoan nghênh bất kỳ sự nồng ấm nào trong quan hệ Pháp-Mỹ, và hàn gắn lại những vấn đề gây khó khăn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. “Thật khó có thể tưởng tượng nổi một viễn cảnh mà Hoa Kỳ có thể giải quyết được những thử thách xuyên quốc gia mà Tổng thống Biden đã đề cập trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba mà không có Liên minh Châu Âu. Không có Brussels (“thủ đô” của EU) là điều không thể thực hiện được.” Ông nói thêm rằng cho dù có thông báo về thỏa thuận tàu ngầm, điều đó sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng rõ rệt nào đối với quân đội tại khu vực này trong nhiều năm, vì trên thực tế, các tàu ngầm sẽ không được chuyển giao mãi cho đến năm 2030 hoặc trong khoảng đó.

Le Corre và những người khác tin rằng cách điều đình hay nhất là nhận Pháp vào như một đồng minh an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hay ngay cả đưa nước này vào AUKUS. “Tôi không nghĩ các giới chức Pháp sẽ bỏ qua việc này,” ông nói, cho đến khi Pháp được công nhận là một đối tác an ninh quan trọng trong những vùng biển đó. Một trở ngại với ý tưởng đó là cái tên vốn nghe đã có vẻ luộm thuộm thì rất có thể sẽ trở thành FRAUKUS.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 26/9/2021



Chú thích

  1. “So let me erase any lingering doubt: The United States will work closely with our European Union partners and the capitals across the continent — from Rome to Riga — to meet the range of shared challenges we face.” – https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/19/remarks-by-president-biden-at-the-2021-virtual-munich-security-conference/
  2. “Disbelief and betrayal: Europe reacts to Biden’s Afghanistan ‘miscalculation’ “- https://www.politico.eu/article/europe-reacts-bidens-afghanistan-withdrawal/
  3. “This is not something allies do to each other. This brutal, unilateral and unpredictable decision reminds me a lot of what Mr. Trump used to do.” – https://www.newsweek.com/joe-biden-acted-like-donald-trump-stab-france-back-official-says-1629723