Hiện nay, việc điều hợp (moderation) và kiểm duyệt nội dung phát biểu (content) vẫn đang xảy ra trên các mạng truyền thông xã hội (social media), hay Internet platforms của Big Tech. Việc làm này của Big Tech đụng chạm nặng đến nguyên tắc cột trụ của người Mỹ trong đời sống: Tự do Ngôn luận. Giải quyết việc này sẽ không đơn giản, nhất là vì hiện nay Big Tech được bảo vệ bởi luật trong Section 230.

Tổng Thống Thomas Jefferson có lần nói: When injustice becomes law, resistance becomes duty. (Khi bất công trở thành luật, thì kháng cự trở thành nhiệm vụ.)

Nhìn theo quan điểm này, thì kháng cự lại Big Tech là chuyện tất phải có. Tuy nhiên, sau khi nắm giữ được những ứng dụng quan yếu trên Internet, Big Tech đã tiến đến chỗ khống chế được xã hội ở nhiều mặt. Để kháng cự lại sự kiểm soát chặt chẽ của một hệ thống có cấu trúc tập trung (centralized systems) như của Big Tech, thì xem ra xã hội sẽ cần đến những loại “vũ khí” mới, được hình thành từ những kỹ thuật mới theo một cấu trúc “phân tán mỏng” – mà theo ngôn ngữ kỹ thuật distributed systems, thì mới có khả năng vượt thắng được những “bức tường lửa” của Big Tech.

Đây sẽ là một “kháng cự cực kỳ đa dạng phức tạp về mặt kỹ thuật, sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội, ngay cả chính quyền. Xin mời quý vị theo dõi phần chuyển ngữ bài viết Today’s Internet Speech Debates Are a Dead End. What’s Next? đăng ngày 12/10/2021, trên website của Cato Institute – một libertarian think tank. Tác giả, Matthew Feeney, là một giám đốc của Dự án về những Kỹ thuật đang Nổi lên (Project on Emerging Technologies) tại Cato. Ông làm việc trong lãnh vực liên quan đến những vấn đề về kỹ thuật mới và quyền tự do dân sự (civil liberties).


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Các cuộc tranh luận đương thời về việc điều hợp nội dung (content moderation) trên mạng xã hội hiện đang chĩa mũi dùi vào các “Big Tech” công ty. Bực bội với Facebook, Twitter và YouTube qua cách họ quyết định nội dung nào có thể xóa bỏ, thì các thành viên của Quốc Hội có thể mời các CEO và các thành phần lãnh đạo quan trọng khác của công ty ra điều trần trước quốc hội. Họ có thể đưa ra các dự luật bắt buộc các công ty có nền tảng lớn (large plattforms) phải vận chuyển (carry) một số loại ngôn luận nào đó, đề nghị thành lập quy định vận chuyển chung, hoặc đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp chống độc quyền. Tuy nhiên, sự soi mói (fixation) của Quốc Hội nhắm vào các công ty nổi tiếng ở Silicon Valley cũng khó có thể đạt được sự cải tổ quan trọng. Trong những năm sắp tới, chúng ta nên mong đợi là các cuộc luận bàn về ngôn luận trực tuyến (online speech) sẽ dời xa ra khỏi việc đặt ra điều lệ vận hành cho các nền tảng tập trung (centralized platforms) và hướng tới việc tạo ra các cách thay thế được thiết kế theo cấu trúc không tập trung (decentralized alternatives) để chống lại kiểm duyệt và bảo vệ sự riêng tư.

Việc các công ty nổi tiếng điều hợp các nội dung trao đổi trên các nền tảng kỹ thuật số (digital platforms) mà họ là chủ nhân đang làm cháy bùng những phản ứng dữ dội của nhiều người chống lại truyền thông xã hội. Những người theo Đảng Cộng Hòa bực bội vì Facebook, YouTube và Twitter xóa bỏ quá nhiều nội dung, trong khi những người theo Đảng Dân Chủ thì không hài lòng vì các công ty này không hành động đủ để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch về sức khỏe, những thuyết âm mưu và nội dung liên quan đến những thành phần da trắng độc tôn (white supremacists) và các phần tử cực hữu (alt-right).

Thật không may mắn cho các nhà lập pháp đang tìm cách bắt buộc các nền tảng kỹ thuật số phải lưu giữ nội dung cho mọi người được đọc (host) hoặc xóa bỏ (remove) nó, vì xem ra không có bên nào (Cộng Hòa hay Dân Chủ) có thể thành lập một liên minh các nhà lập pháp có khả năng thông qua những đạo luật giải quyết các khiếu nại này thông qua những thay đổi đối với Section 230 – là đạo luật che chở các dịch vụ máy tính tương tác để không bị trách nhiệm pháp lý đối với hầu hết nội dung đăng lên của bên thứ ba (third party content). Nhưng ngay cả khi một liên minh như vậy hiện hữu, thì Tu chính án thứ nhất (First Amendment) vẫn sẽ ngăn lại những người tìm cách bắt buộc các công ty tư nhân phải cung cấp dịch vụ để cho đăng (host) bài phát biểu hoặc là xóa bỏ. Mặc dù Section 230 thường được nhắc đến trong các tin tức và bị các nhà lập pháp rộng rãi chỉ trích, nhưng những nỗ lực tu chính dường như chỉ đi đến chỗ bế tắc.

Ở giữa loạt âm thanh và cuồng nộ này, một số doanh nhân đã quay sang xây dựng những lựa chọn khác nhằm thay thế các nền tảng đang nổi tiếng trong khu vực truyền thông xã hội. Về phía phe hữu, thì có Gab, Parler và GETTR. Mỗi công ty đó đều tìm cách mô phỏng (mimic) kinh nghiệm của Twitter trong khi họ hứa hẹn một chính sách điều hợp phần nội dung phóng khoáng hơn (permissive content moderation policy) được hướng dẫn bởi một cam kết tôn trọng tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, cả hai công ty Gab và Parler đều chứng kiến sự sụp đổ của nguồn hỗ trợ kinh doanh vì những bạo động. Ngay sau vụ nổ súng vào tháng 10 năm 2018 tại Giáo đường Tree of Life Synagogue của người Do Thái, các công ty chuyên về thanh toán tiền bạc PayPalStripe, cung cấp dịch vụ làm web GoDaddy và cung cấp hạ tầng cơ sở đám mây (cloud infrastructure company) Joyent đều ngừng cung cấp dịch vụ của họ cho công ty Gab, mà kẻ bắn súng đã dùng để đăng tải nội dung chống Do Thái (anti‐​semitic).

Vài ngày sau cuộc tấn công vào Điện Capitol (Quốc Hội Hoa Kỳ) ngày 6/1/2021, Apple và Google đã xóa tên công ty Parler ra khỏi các cửa hàng phân phối các sofware ứng dụng (app stores) của họ và Amazon Web Services (AWS) ngưng không cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để website của Parler không hoạt động được, trên thực tế có nghĩa là AWS đã cắt đứt mọi đường dây liên lạc của Parler với thế giới bên ngoài. Epik, một công ty dịch vụ nổi tiếng với việc cho đăng các nội dung thuộc cánh hữu và phân biệt chủng tộc, đã cung cấp cho Gab và Parler sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục hoạt động trở lại. Sau cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1, nhiều người ủng hộ Trump và những người khác thuộc hữu phái đã bắt đầu sử dụng các dịch vụ nhắn tin được mã khóa Signal và Telegram.

Nếu cuộc bầu cử quốc hội sắp tới vào giữa nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2022 khiến có sự lan truyền của các thuyết âm mưu về bầu cử và nguy cơ bất ổn dân sự, như tôi dự đoán sẽ xẩy đến, thì chúng ta sẽ không nên ngạc nhiên khi thấy có một sự tăng vọt khác nữa trong việc sử dụng các phương tiện khác, không phải là những gì do Big Tech cung cấp.

Việc Epik giúp đem Parler và Gab hoạt động trở lại trên đường trực tuyến đã không đem được thêm chút yên tâm nào đến cho những người đã lo ngại về Big Tech. Epik có thể được sử dụng như là một giải pháp cuối cùng trong việc cung cấp dịch vụ trực tuyến để có thể phát hành các nội dung của trang web (web hosting) cho các nền tảng cực đoan bị lưu đầy ra khỏi vùng đất phì nhiêu của đế chế Big Tech (the hinterlands of Big Tech’s empire). Nhưng khả năng bảo mật của Epik còn kém hiệu quả, và đó có thể là điều sẽ làm cho những người có tiềm năng là khách hàng mới của họ phải suy nghĩ lại. Ngay cả khi Epik có thể làm cho khách hàng yên lòng rằng khả năng bảo mật của họ đã được cải thiện đầy đủ, thì những cải tiến như vậy không giải quyết được các vấn đề khó khăn tài chánh mà các công ty như Gab đang phải đối diện.

1. Cấu trúc Tập trung (Centralized): tất cả các đơn vị được nối kết lại qua 1 thẩm quyền độc nhất.
2. Cấu trúc Không Tập trung (Decentralized): không thẩm quyền nào kiểm soát được tất cả các đơn vị.
3. Cấu trúc Phân bố (Distributed): mọi đơn vị đều độc lập, và đều có thể liên lạc hàng ngang với nhau.
https://blockchainengineer.com/centralized-vs-decentralized-vs-distributed-network/

Những nơi chuyên lo dịch vụ trả tiền và có cấu trúc tập trung như các công ty PayPal, Venmo, Visa, Mastercard và Stripe thì đều làm việc với các định chế tài chánh có cấu trúc tập trung như ngân hàng. Những nơi này có thể tùy tiện rút lại sự hỗ trợ của họ đối với các tổ chức hoặc cá nhân nào mà họ xem là không tốt cho hoạt động kinh doanh của họ. Gần đây, đối với việc các nơi chuyên lo dịch vụ thanh toán tiền bạc rút lại sự hỗ trợ cho các websites, thì những luận bàn về điều này đặt nhiều chú tâm vào các khu vực mạng xã hội như Gab. Nhưng chúng ta cũng đừng nên quên rằng vào năm 2011, Bank of America, Visa, MasterCard, PayPal và Western Union đều đã ngưng không chuyển những quyên góp đến cho Wikileaks sau khi Wikileaks cho đăng các tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bị tiết lộ ra ngoài bởi Chelsea Manning. Bất kỳ ai bên trong môi trường chính trị (political spectrum) đều có thể nhận ra là chính họ đang rơi vào vòng bị tẩy chay trong lãnh vực tài chánh một khi có sự kết hợp đúng lúc của các thế lực chính trị và văn hóa.

Rủi ro về việc bị kiểm duyệt tài chánh đã khiến nhiều cá nhân và tổ chức phân biệt chủng tộc, cực đoan và cực hữu đi đến việc chấp nhận các loại tiền điện tử có cấu trúc không tập trung (decentralized) như Bitcoin. Sự hấp dẫn của Bitcoin thấy rất rõ: không ai có thể đóng cửa Bitcoin hoặc xóa hết tiền Bitcoin trong ví. Không có Giám đốc điều hành (CEO) nào của Bitcoin bị lôi ra (haul) trước Quốc Hội, Bitcoin không có trụ sở để có thể ra đứng trước đó biểu tình phản đối, hoặc Bitcom cũng chẳng có trang bị một giàn máy chủ hùng hậu nào (server farm) để sợ bị rút dây điện. Công ty Gab chấp nhận dùng bitcoin, và Epik cũng vậy.

Không có Ngân hàng Trung ương hay Ngân hàng Chi nhánh trong hệ thống tiền tệ Bitcoin cryptocurrency – là một hệ thống có cấu trúc phân bố (decentralized digital currency)
Vector Network Service People Blockchain Bitcoin Cryptocurrency – Blockchain Free Clipart @pikpng.com

Bitcoin không phải là không có nhược điểm. Sự bấp bênh hay thay đổi (volatility) và bị giới hạn qua việc có ít nơi sử dụng loại tiền này đã khiến cho Bitcoin còn xa lắm mới trở thành loại tiền tệ lý tưởng. Bitcoin cũng trong suốt (transparent). Toàn bộ hồ sơ lịch sử của mọi giao dịch Bitcoin đều miễn phí và bất cứ ai có kết nối Internet đều có thể xem xét (examine). Thí dụ: Southern Poverty Law Center đã soạn ra một danh sách các ví tiền (wallets) Bitcoin của những cá nhân được biết đến qua việc họ ủng hộ sự phân biệt chủng tộc. Không dễ gì liên kết được địa chỉ của ví tiền Bitcoin với một cá nhân nào đó, nhưng chỉ cần một nhóm không chuyên nghiệp về trực tuyến (online amateur) mà làm việc nhiệt thành là có thể phơi bày ra các mối liên kết với các nhóm và cá nhân cực đoan mà nhiều người có thể muốn giữ bí mật. Phúc trình của Chainanalysis về các khoản ủng hộ bằng tiền Bitcoin liên quan đến cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol cho thấy được khối lượng tin tức mà các nhà nghiên cứu tận tụy có thể khám phá ra được về những người dùng Bitcoin mà họ đã mất nhiều công để che giấu danh tính.

Những người ưu tư về sự minh bạch trong suốt (transparency) của Bitcoin có thể sử dụng tiền điện tử được mã khóa (cryptocurrencies) để bảo vệ sự riêng tư. Người sáng lập website neo‐​nazi Daily Stormer đã từ bỏ Bitcoin sau cuộc bầu cử thất bại của Donald Trump vào tháng 11 năm 2020, kêu gọi những người ủng hộ ông ta sử dụng Monero, một loại tiền điện tử được mã khóa với cấu trúc không tập trung (decentralized cryptocurrency) được thiết kế nhằm ngăn không để các nhà quan sát tìm được dấu vết các giao dịch và số tiền hiện có trong ví (wallet balances).

Orchid, là một dự án khác về tiền điện tử được mã khóa, cung cấp cho người dùng một hệ thống mạng được bảo mật và không tập trung (decentralized virtual privacy network), do đó ngăn cản được nỗ lực của những người tìm cách theo dõi việc truy lục internet của người dùng (surveil a user’s internet browsing). Công ty Status đặt căn bản trên (hệ sinh thái của) Ethereum1 cung cấp ứng dụng tin nhắn (messaging app) và ví tiền điện tử được mã khóa thông qua hệ thống mạng phân bố (distributed network) mà không cần đến máy chủ tại trung ương (centralized server). Giống như hãng Signal, Status cung cấp các dịch vụ trò chuyện (chat services) được hoàn toàn mã khóa từ cả hai đầu nhận và gửi, nhưng không giống như Signal, Status cho phép người dùng có thể tạo ra nhiều danh tính (identities) mà không cần phải đăng ký bằng số điện thoại.

Các hệ thống không tập trung (decentralized systems) có thể sẽ đi đến việc cung cấp một giải pháp chống lại việc kiểm duyệt mà nhiều người thuộc phe cánh hữu của Hoa Kỳ đang quan ngại. Đúng ra, các nền tảng truyền thông xã hội chống kiểm duyệt cũng đã hiện hữu rồi. Năm 2019, Gab bắt đầu hoạt động như một nhánh của Mastodon, một nền tảng truyền thông xã hội không tập trung, với nguồn mở (an open‐​source, decentralized social media platform). Mastodon đã đưa ra một tuyên bố phản đối việc tách ra của Gab, nhưng bất lực không ngăn chặn được Gab sử dụng nhu liệu nguồn mở (open source software). Twitter đang xây dựng Bluesky, một quy định về truyền thông xã hội không tập trung (a decentralized social media protocol).

Khả thể của một mạng xã hội được xây dựng theo cấu trúc “phân tán mỏng,” mà theo từ ngữ kỹ thuật là distributed system, không qua sự kiểm soát của Big Tech
https://medium.com/coinmonks/how-to-build-a-decentralized-social-network-dapp-how-to-govern-it-ac746751d6f8

Người Mỹ thuộc mọi phe trong môi trường chính trị (across the political spectrum) có thể tìm đến các phương tiện truyền thông xã hội không tập trung và hệ thống tiền tệ điện tử cũng không tập trung nếu như các thành phần đồng minh chính trị của họ tiếp tục chỉ trích các công ty tên tuổi đó. Những thành phần này can dự vào các phong trào chống đối hoàn toàn khác biệt như Black Lives Matter và #StopTheSteal và đặc biệt là họ sẽ dễ ủng hộ những phương tiện khác để thay thế, căn cứ trên kinh nghiệm của họ về việc bị giám sát (surveillance).

Nhưng khi người Mỹ quá chán ngán vì cảm thấy là nội dung phát biểu của họ bị kiểm duyệt do bởi động cơ chính trị và cách hành xử vô trách nhiệm (irresponsible approach) của Big Tech đối với những hành vi sách nhiễu (harassment) và thông tin sai lạc, thì cảm nghĩ đó cũng có thể khiến họ cùng tham gia vào việc thoát ra khỏi các nền tảng đang thịnh hành và sử dụng các phương tiện khác, được thiết lập theo cấu trúc không tập trung (decentralized alternatives), để thay thế. Nếu họ làm điều đó, thì các thành viên của Quốc Hội, vốn đang bực bội vì sự lan truyền của nội dung chính trị nào đó, thông tin sai lạc về COVID 19 và các thuyết âm mưu về bầu cử, sẽ phải vượt ra khỏi việc chỉ thuần túy lo đối phó với các Big Tech và họ sẽ phải cận chiến (grapple) với các hệ thống không tập trung – là những nơi sẽ không có Giám đốc điều hành (CEO) để Quốc Hội gửi trát đòi ra điều trần, hoặc cũng không có một định chế tài chánh nào hiện hữu để Quốc Hội điều tra.

Trong một thế giới như thế, các cuộc tranh luận về ngôn luận trực tuyến trên Internet chắc chắn sẽ chuyển đi từ điều luật trong Section 230 và kiểm duyệt nội dung sang qua các cuộc tranh luận khác với chủ đề chú trọng về quyền phát biểu ẩn danh (the  right to anonymous speech), giám sát và luật lệ quy định về hệ thống tiền tệ điện tử được mã khóa. Những người làm việc trong kỹ thuật và chính sách về ngôn luận cần nên chuẩn bị cho sự thay đổi này.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 19/10/2021

Phụ Chú:

  • Để “thăm lại” Internet lúc mới “nở hoa” vào hơn 25 năm về trước, khi mà ngoại trừ Apple và Amazon, thì các Big Tech khác như Facebook, Twitter, YouTube và ngay cả Google cũng còn chưa ra đời, xin mời quý vị viếng thăm bài viết: Xa Lộ Tin Liệu – Thập niên 1990s: Thời Kỳ Phát Triển.
  • Nguyên bản bài viết của Matthew Feeney Today’s Internet Speech Debates Are a Dead End. What’s Next? không có ảnh minh họa. Trong phần chuyển ngữ, người dịch đã đưa những ảnh này vào với hy vọng có thể giúp thêm được cho bạn đọc chưa quen thuộc với các từ ngữ và cấu trúc kỹ thuật.

Chú thích

  1. Status is an open-source messaging platform and mobile interface that provides streamlined access to Ethereum’s growing ecosystem of decentralized applications (dApps) from within an iOS and Android-friendly app that combines peer-to-peer instant messaging, a crypto wallet, and a Web3 browser – Phụ chú của người dịch theo www.gemini.com/cryptopedia