Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Nhân đọc Đỗ Trường–từ Leipzig–viết về Duyên Anh

Tháng 5/2024, qua email, tôi có nhận được một bài viết khá thú vị về Duyên Anh. Đáng tiếc là bài viết lại mất phần đuôi và không có tên tác giả.

Tìm qua Google, tôi đã đọc được DUYÊN ANH – TỪ CẢM XÚC CHO ĐẾN TẬN CÙNG CỦA CON CHỮ trên Việt Luận online tại Úc, tác giả là Đỗ Trường, viết tại Leipzig ngày 9- 8-2021.

Rất cảm tạ tác giả họ Đỗ và Việt Luận đã bắc “nhịp cầu Internet” và nhờ đó tôi có dịp về qua chốn xưa ôn lại chút kỷ niệm thời năm cũ.

Duyên Anh – Ngòi bút văn chương

Hơn nửa thế kỷ trước, có thời tôi cũng rất hâm mộ nhà văn Duyên Anh, tên thật là Vũ Mộng Long (1935-1997).

Là fan đá banh, tôi mê mệt với các “danh thủ” tí hon Dzũng Đa Kao, Bồn Lừa. Rồi Thằng Vũ. Cũng nhiều lần tôi đã rơi nước mắt với Con sáo của em tôi, Đại dương trong lòng con ốc nhỏ. Bồi hồi với Hoa thiên lý. Vui nhộn với Ngày xưa còn bé.

Sau Thằng Vũ đến Con Thúy, Thằng Côn. Những quyển viết về sau, đọc không còn thích thú lắm vì nhiều chỗ có “air” hơi giống những quyển trước.

Thêm được vài tuổi thì tìm tới Điệu ru nước mắt của Duyên Anh. Nhưng đọc quyển này thấy khá gượng ép so với Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long. Vì so sánh những tay trùm du đãng trong Điệu ru nước mắt với thực tế của Sài Gòn thì thấy cách biệt đến cả… năm ánh sáng!

Thời mới lớn tại Sài Gòn, tôi cũng hay lêu lổng. Nhuyễn nhừ về giới giang hồ thì không có, nhưng cũng biết được chút ít. Vì thế đọc về giới này, tôi cũng không ngơ ngác như dân Sài Gòn lạc xuống miền tây bị … té giếng!

Bởi đó, đọc Điệu ru nước mắt thấy nhiều chỗ “trật bàn đạp” đến phải lắc đầu!

Ở Sài Gòn, dân giang hồ thứ thiệt đâu phải mấy công tử bột COCC (=con ông cháu cha). Nói tới COCC là nói tới chuyện học đòi. Lấy được 1-2 chứng chỉ Văn Khoa hay Triết; rồi rớt lên, rớt xuống. Hết giựt le được với mấy em. Nên guê độ! Hận đào. Bụi đời. Đi hoang. Sống hiện sinh! Khoái diễn tuồng… ‘buồn nôn’ (Nausea; Jean-Paul Sartre). Và chơi bảnh… tập tành làm du đãng! 

Hồi thời đó, dân giang hồ thứ thiệt đóng đô ở Chợ Cầu Muối, Cống Bà Xếp… ưa hút Bastos xanh hay đỏ, hoặc Ruby; còn muốn “phê” hơn thì “rít” Capstan. Sáng sáng ra quán cà phê đầu hẻm kêu ly “xây chừng”1 ngồi nhâm nhi “làm” điếu thuốc. Rồi đi lo công chiện kiếm sống. Hoặc ra chợ “ngó chừng” mấy gian hàng “quen” để chắc ăn là hổng có đứa nào tới trộm cắp, phá phách, để cuối tháng còn tới thu hụi chết. Chiều về ra quán giải sầu bằng vài lít…“nước mắt quê hương” (=rượu đế) với hột dzịt lộn rắc muối tiêu. Gặp bữa khác thì lai rai ba sợi, đưa cay bằng xoài tượng quết mắm me cho tới quắc cần câu!

Còn dân láng lẫy ưa lạng xe Suzuki sao cho “an toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố” thì hà rầm ở mấy phim trường. Nhưng Sài Gòn nào phải Hollywood! Kiếm đâu ra dân “sáu bảnh” như tài tử James Dean? Lên đồ láng coóng, tóc chải dợn dợn, ưa ra mấy quán deluxe ngoài Tự Do, Nguyễn Huệ của Quận 1, ngồi đồng uống cà phê phin, nhả khói Pall Mall, liếc qua liếc lại canh me nghía ghệ! Rồi khơi khơi nhẩy xổm vô Điệu ru nước mắt “nổi loạn” làm… James Dean Hùng!

Mà đụng tới sếp lớn Trần Đại thời còn giựt mắt nữa! Đại sư huynh này là tổ sư ưa làm màu, lấy geste! Hồi nào cũng bập bập xì gà Havatampa giống ông Hoàng, Tổng giám đốc Tình báo, là ông thầy của điệp viên hành động mang bí số Z28—Đại tá Tống Văn Bình, trong loạt tiểu thuyết gián điệp Z28 của Người Thứ Tám2. Ông Hoàng này mang cặp kính cận dầy cui, nhả khói xì gà mù trời và làm việc trong phòng tối thui như… Bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị, trùm an ninh tình báo thời còn Tổng thống Ngô Đình Diệm!

Vì thấy vậy, tôi khá “lấn cấn” với văn viết về du đãng của Duyên Anh. Giới du đãng thực ngoài đời khác xa với du đãng được Duyên Anh “dựng chuyện” và “bơm” lên một cách … quá khổ, đúng theo cả hai nghĩa! [Tựa như sau 30/4/75, nghe chuyện chị dân quân du kích dùng súng trường CKC bắn rơi … máy bay B52!]

Rồi đến quyển Trần Thị Diễm Châu. Vì hút thuốc Kool, nên được dán cho nhãn hiệu Châu Kool. Đây là kiểu dân chơi mà tiếng lóng thời đại bấy giờ có chốn gọi là “híp-pi bà chòi.” Đọc quyển này, tôi bỏ ngang vì thấy nhiều … lọt chọt! 

Thời đó, tôi cũng đọc Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang, Ảo vọng tuổi trẻ, rồi Sa mạc tuổi trẻ. Hiện nay, tôi chỉ mang máng nhớ Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang là quyển khá nhất trong ba quyển. Còn Sa mạc tuổi trẻ (hay Ảo vọng tuổi trẻ) có chỗ đọc nghe cứng đơ như … diễn văn, hao hao giống mấy truyện Duyên Anh đã viết, nên tôi cũng bỏ ngang không đọc hết.

Khi viết về “thần tượng” du đãng—sau khi được thẩy vô thẩm mỹ viện “viễn mơ” để hấp-tẩy-nỉ-sẹc, lên dây cót và nâng cấp—chưa hẳn Duyên Anh muốn lấy đó làm kiểu mẫu lý tưởng cho một thay đổi lành mạnh nơi xã hội Miền Nam.

Mà có thể Duyên Anh chỉ muốn dùng chúng như tấm gương phản chiếu để làm nổi bật những gì xấu xa trong xã hội nhũng nhiễu thời đó.

Nhưng mặt trái cúa sự việc trên là khi Duyên Anh đưa du đãng “lên ngôi” trong tác phẩm của ông, vô hình trung kiểu mẫu du đãng đó được khuyến khích và dễ trở thành “tiêu chuẩn” cho giới trẻ noi theo. Nhất là những thành phần hay đua đòi, bắt chước, hoặc “mất định hướng.”

Đúng! Trong giới giang hồ cũng có tay anh chị đôi khi ra tay “nghĩa hiệp” theo tinh thần anh hùng Lương Sơn Bạc, như cướp của người giàu đem cho kẻ nghèo. Nhưng trong thực tế, con số du đãng “ưu tú” như thế chỉ là những ngoại lệ rất hiếm và ở vào tỉ lệ gần như zero.

Trong sự nhận xét riêng, những tác phẩm của Duyên Anh viết về du đãng “ưu tú,” theo như cách đó, chỉ lún sâu và không thoát ra được vũng lầy do chính ông tạo ra.

Từ sự nhìn lại muộn màng sau hơn 50 năm của một người đọc đã sống vào thời của các tác phẩm của Duyên Anh, tôi nghĩ, quyết định viết về du đãng của ông khởi đi từ một “chọn lựa chiến lược” luộm thuộm (sloppy), nặng phần tình cảm “nóng hổi” và nhẹ phần lý trí “lạnh tanh.”

Như ghi trên, có vẻ như Duyên Anh có khuynh hướng nghiêng nhiều về phía tình cảm “nóng hổi.”

Khuynh hướng nghiêng về tình cảm này đã đem đến cho Duyên Anh nhiều ưu thế trong quyển Ngựa chứng trong sân trường. Trong quyển này, những kém cỏi, thiếu sót và hư hỏng của giáo dục và học đường tại Miền Nam được phơi bày. Cũng như, tác giả đã đề ra phương cách giải quyết, và nhất là yếu tố con người trong việc xây dựng lại một nền giáo dục lành mạnh.

Ở mặt lý trí “lạnh tanh”—xét vấn đề theo thực tế—có thể độc giả không đồng ý với Ngựa chứng trong sân trường về ưu tiên cao cần dành cho giáo dục giữa những khẩn cấp khác như quốc phòng, an ninh, y tế … trong một xã hội đang có chiến tranh. Điều này thực ra cũng không hẳn là nhược điểm của quyển truyện vì sẽ không có một giải pháp nào toàn hảo cho những ưu tiên có tính đối chọi đó.

Ở mặt tình cảm “nóng hổi,” Duyên Anh đã khéo léo sử dụng tình cảm như một chất xúc tác nhanh chóng làm “nóng hổi” mơ ước về một nền giáo dục tốt đẹp cần được xây dựng. Mà “hạt nhân” (nucleus) là ông thầy giáo trẻ có lương tâm, trách nhiệm và lòng thương yêu học trò.

Lương tâm; Trách nhiệm và Lòng thương yêu học trò là những yếu tố rất Thiết thực và Tối cần cho sự thành công của giáo dục, để có thể đem lại nguồn sáng và ngay cả sức mạnh cho việc xây dựng một xã hội lành mạnh.

Thiết thực và Tối cần đã là những đợt sóng ngầm lôi Ngựa chứng trong sân trường ra khỏi những trói buộc chòng chéo từ mớ dây cương bèo nhèo của tiểu thuyết về du đãng mà Duyên Anh đã “tham lam” cấy vào đó những điều có tính “luận đề” nhưng khi được khai triển lại không có khả năng thuyết phục vì không hợp lý.

Nhìn từ góc cạnh khác, Ngựa chứng trong sân trường thành công vì chú trọng vào thực tế đơn giản thay vì dật dờ trong mê trận đầy kịch tính.

Khởi đi từ những gì khá gần gụi với người đọc, qua sinh hoạt của ngôi trường trung học tỉnh lẻ, như là một thí điểm thử nghiệm, để từ đó tìm đến giải pháp khả thi cho một mục tiêu to lớn và phức tạp: Giáo dục cho xã hội Miền Nam.

Không gian nhỏ bé của ngôi trường tỉnh lẻ đã như là một bãi chiến trường giữa “thiện” và “ác”, giữa phá hoại và xây dựng.

Đối nghịch với những thiện lương của đa số học sinh là những “mất dạy” của vài “con ngựa chứng” bắt nguồn từ những bất mãn chính đáng.

Và ông thầy giáo trẻ đơn độc với mơ ước tưởng chừng như là “không tưởng!”

Bắt đầu là một ngọn lửa leo lét từ một que diêm lẻ loi. Rồi Lương tâm, Trách nhiệm và Lòng thương yêu học trò của ông thầy dần dà đã làm bùng cháy cả “cánh rừng” cảm hứng của học sinh. Làm nổi giận và đẩy mạnh quyết tâm vươn lên của những học sinh muốn cầu tiến. Nhanh chóng thu phục được nhân tâm của học sinh và phụ huynh. Cùng là cảm hoá được những con Ngựa chứng trong sân trường.

Chìa khoá thành công của Ngựa chứng trong sân trường là: Một mơ ước chân tình, một quan niệm hướng thượng, được thăng hoa trong tình nghĩa thầy—trò rất cảm động, và một ông thầy “cù lần” nhưng có gan “dám chơi, dám chịu!”

Thực ra, tôi cũng chỉ đọc được một vài tác phẩm của Duyên Anh viết trước 30/4/75. Và hoàn toàn không đọc được những gì ông viết sau đó. Thêm nữa, tôi cũng không phải là nhà chuyên nghiên cứu, và phê bình văn học.

Bởi đó, những ghi nhận của tôi, từ góc nhìn của một người đọc văn Duyên Anh không nhiều, chắc chắn còn rất phiến diện và thiếu sót.

Dù vậy, đã viết là phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết. Không có ngoại lệ!

Viết Nhiều và Sức Sáng Tạo Cao

Dường như 1973 là lần đầu tiên tôi đọc quyển Người đàn bà bên kia vĩ tuyến của Doãn Quốc Sỹ. Trong đó có phần đối thoại khá lý thú giữa hai nhân vật Kha và Luận. Lúc đó, Kha mới từ bỏ “hậu phương kháng chiến” và “dinh tê” (renter) về Hà Nội, khoảng sau 1945 và trước 1954.

Khi bàn đến chuyện thơ văn, Luận phát biểu:

“Tao ưng tập thơ này của mày lắm, đó là tập thơ đầu tay chứ gì. Trong văn chương tao tin và yêu những tác phẩm đầu tay vì đây là tiếng nói tinh khiết nhất của tình cảm ban dầu, càng những tác phẩm về sau ngoài bút càng … điếm đi (Luận cất tiếng cười lớn). Đúng thế, người ta thì bảo là “già giặn hơn”, tao thì cho là “điếm hơn”, vẫn những tình cảm cũ nhưng nặng về kỹ thuật để dễ ngụy trang, làm ra vẻ mới lạ, nhiều khi tác phẩm chỉ thuần túy là vấn đề kỹ thuật! Cho nên tự rút kinh nghiệm, với bất cứ tác giả nào quốc tế hay quốc nội tao cũng chỉ đọc ba bốn tác phẩm đầu, còn thì …(Luận làm điệu bằng tay) lướt, lướt!”

Lúc đó, tôi chưa thấy được việc “xào nấu” hay “tái chế – recycle” văn chương như thế là một việc làm lươn lẹo giống như đạo văn, dù là văn của chính mình!

Đến khoảng 1987, có anh bạn từ tiểu bang khác đến chơi và chúng tôi lan man ít chuyện sách báo. Anh bạn tôi rất ái mộ Thanh Tâm Tuyền. Do vậy, tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh “càm ràm” là quyển Bếp Lửa đã xuất bản lần đầu vào năm 1957 mà sao Thanh Tâm Tuyền cứ phải hiệu chỉnh, viết lại mãi!

Xem ra anh bạn của tôi có vẻ hơi “thất vọng” về văn tài của Thanh Tâm Tuyền?! Phần tôi, vì được nghe nói thơ Thanh Tâm Tuyền rất “bí hiểm” nên “rét” không dám đọc tác phẩm của ộng. Cho nên, khi nghe anh bạn than thở, tôi chỉ im lặng và thực sự cũng không hiểu tại sao Thanh Tâm Tuyền phải “viết lại” nhiều lần mặc dù ông đã là một tác giả thành danh.

Đến 2017, khi tìm hiểu về Hemingway, tôi được biết ông “viết lại” (re-wrote) phần kết của quyển A Farewell to Arms (Giã từ Vũ khí) đến 47 lần.

Nguồn: https://www.bbc.com/news/entertainment-arts-18769231#

Quả là đến phải “chóng mặt” khi nhìn vào con số 47 phiên bản khác nhau được viết đi, viết lại cho cùng một phần kết của một tác phẩm!

Lúc đó, tôi mới “ngộ” được một điều là đối với tác giả thực sự trân trọng chữ nghĩa, thì—dù Việt hay Mỹ—họ khó “mãn nguyện” được với những gì họ đã viết.

Hơn thế nữa, không cần phải ai khác mà chính các tác giả đó lại là người “xét nét” và khó khăn, kỹ lưỡng nhất đối với sáng tác của họ!

Trong một nhận xét khác, ông Đỗ Trường ghi:

“Nhìn vào Văn học sử Việt đương đại, cùng với Tô Hoài, Võ Phiến, tôi đánh giá cao nội lực sáng tạo của Duyên Anh, qua (trên) bảy chục tác phẩm chính đã xuất bản trước và sau 1975. Viết nhiều, đủ mọi thể loại, làm cho người đọc tưởng chừng, Duyên Anh viết bằng bản năng, cùng cảm xúc của người nghệ sĩ, chứ không tuân thủ theo một thủ pháp nghệ thuật nhất định. Song không hẳn vậy. Cái giản dị đến hồn nhiên và chân thực ấy, đã đưa Duyên Anh đến gần với người đọc, nhất là tầng lớp bình dân, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, với đặc tính này, truyện của ông có một số nhược điểm, tình tiết, hành động đôi khi bị trùng lặp, hoặc có những cái kết (khuôn mẫu) đã được biết trước, ít gây bất ngờ cho người đọc.”  

Trường hợp của nhà văn Duyên Anh, với hơn bảy chục tác phẩm đã xuất bản, thì quả đúng thật là ông đã “Viết nhiều.”

Tuy thế, trong các tác phẩm của Duyên Anh, có không ít quyển có phần “nhang nhác” giống nhau. Đó cũng là điều ông Đỗ Trường nhìn thấy:

Tuy nhiên, với đặc tính này, truyện của ông có một số nhược điểm, tình tiết, hành động đôi khi bị trùng lặp, hoặc có những cái kết (khuôn mẫu) đã được biết trước, ít gây bất ngờ cho người đọc.”

Dù không là sản phẩm của “copy and paste,” chắc chắn những tác phẩm đó không thể được xem là có một sắc thái hoàn toàn mới lạ riêng biệt.

Nói đến sáng tạo là phải nói đến việc tạo ra, nghĩ ra một điều gì mới lạ. Mà những điều được “xào nấu lại” hay “nhang nhác” hoặc “trùng lặp” thì ‘không có gì là mới lạ’!

Khi một tác giả có nhiều tác phẩm được xuất bản và trong một số các tác phẩm đó có nhiều chỗ ‘không có gì là mới lạ‘―vì những lý do ghi trên―thì theo tôi, khó có thể xem tác giả đó là có năng lực sáng tạo cao. [Nói như vậy, tôi không hề có ý cho rằng tác giả đó không có khả năng sáng tạo.]

Trên căn bản của suy nghĩ này, tôi không chia sẻ lắm với Đỗ Trường về điều ông đã nhận xét: “đánh giá cao nội lực sáng tạo của Duyên Anh…”.

Trước 30/4/75, đa số văn giới ở Miền Nam đều không được ưu đãi về mặt vật chất như giới viết văn chuyên nghiệp tại Âu Mỹ. Để có nhuận bút, có những nhà văn Miền Nam viết truyện dài, truyện ngắn cho các nhật báo theo kiểu feuilleton. Báo giới Sài Gòn gọi đó là viết “phơi ơ tông,” hy vọng tôi còn nhớ đúng.

Dưới áp lực của thời gian, nhất là lúc bấy giờ không có word processor như MS Word, người viết phải nghĩ nhanh, viết lẹ lên giấy để kịp nộp cho nhà in xếp chữ. Chắc chắn họ không có nhiều giờ để “viết lại” nhiều lần. Trong khi đó, có vị còn viết cho nhiều báo nữa! Cho nên, các tác phẩm được viết theo kiểu feuilleton như thế thường khó đạt được phẩm chất cao. Nhưng bù lại thì thành … “viết nhiều.”

Không có điều gì sai trái hay kém cỏi khi một nhà văn viết theo kiểu feuilleton—để mưu sinh hay để làm giàu—chừng nào mà nội dung của các tác phẩm được hình thành có phẩm chất cao.

Việc tác phẩm được viết ra nhiều theo kiểu feuilleton (hay không) không phải là yếu tố chính để thẩm định giá trị hay mức sáng tạo của tác phẩm. Mà sự thẩm định này phải căn cứ trên Phẩm chất của các tác phẩm đó.

Có những tác giả xuất bản chi một (01) truyện dài (novel)3. Cũng đủ để tên tuổi của họ và tác phẩm đó trở thành huyền thoại như:

Thương Sinh & Duyên Anh – Ngòi bút xã hội

Về mặt báo chí tại Sài Gòn, Thương Sinh là bút hiệu của ông Vũ Mộng Long. Lúc đó, Thương Sinh khét tiếng trong phần viết phiếm, moi móc, tấn công, triệt hạ các “đối tượng xấu.”

Ở đây, “đối tượng xấu” là các tai to mặt lớn nhũng nhiễu trong chính quyền, hay các nhân vật có tai tiếng xấu trong xã hội, và luôn cả những người đã đụng chạm và trở thành kẻ thù của Thương Sinh/Duyên Anh.

Trước một Miền Nam nhiễu nhương, nhiều người rất quan ngại và bất mãn với tình trạng tồi tệ của xã hội. Chắc chắn Thương Sinh là một trong những người đó.

Tuy thế, bên cạnh những quan ngại và bất mãn nói trên, có thể vì mang mặc cảm thua kém về một số mặt, như ông Đỗ Trường đã ghi:

“Chiến tranh, đói khát đã phá nát tuổi thơ ông, thế hệ ông. Sự ám ảnh, và nghèo đói theo ông cùng gia đình lưu lạc khắp nơi. Do vậy, con đường học hành của ông bị gián đoạn, không được như ước vọng. Năm 1954, ông di cư vào Nam, và trải qua rất nhiều công việc, song cái nghèo, sự vất vưởng vẫn không chịu buông tha ông.”

cho nên ngòi bút của Thương Sinh đã có:

“Sự phê phán, diễu cợt sâu cay ấy, đôi khi vỗ mặt, quá đà gây không ít sóng gió, và Duyên Anh buộc phải trả cái giá quá đắt cho tận đến những năm tháng cuối đời, bởi thù hận.”

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét này của ông Đỗ Trường,

Tuy nhiên, một ngòi bút binh thường sau khi nổi danh, thường được cuộc đời “ban thưởng” thêm nhiều tài năng “vi diệu” khác để trở thành:

▶︎ Ngòi bút Khiêm tốn:  Đứng thứ #2 không sau ai hết cả — second to none!

Nhậy cảm khi cảm thấy bị mất thể diện. Thí dụ có người quen ra ứng cử nghị viên nhưng không đến xin hội ý (= thỉnh ý!). Thế là… hận thù đằng đằng!

▶︎ Ngòi bút Gang thép:   Bút nhà văn có gang có thép! Kính bút, thì sống.  Ghẹo bút, thì … vuốt mặt mấy cũng không nhắm được mắt!

Sát khí ngợp  trời. Múa bút. Đâm một phát là “xâu táo” hết cả … ba họ! 

.▶︎ Ngòi bút Văn hoá: Thuyết phục gây Tin tưởng. Sức mạnh buộc Tuân theo. Tuân theo thắng Tin tưởng. Mắng chửi hơn Sức mạnh.

Ngòi bút Văn hóa không cần Thuyết phục chỉ cần Mắng chửi! Văn hóa chửi!

Như vừa lược qua, có thể có hơn một lý do để giải thích tại sao ngòi bút Thương Sinh lại khét tiếng trong làng báo lúc bấy giờ.

Ngòi bút Thương Sinh đem lại kết quả có tính xây dựng hay chỉ chuốc lấy thù hận? Câu trả lời rõ rệt nhất: Bút hiệu Thương Sinh đã bị chính chủ nhân khai tử.

Còn ngòi bút Duyên Anh về xã hội? Để đả phá những thành phần tham nhũng, xôi thịt và đám trí thức “chồn lùi” (ngôn ngữ báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ) thì “đối trọng” mà Duyên Anh đưa ra là thành phần du đãng “ưu tú” của xã hội đen.

Vô hình trung Duyên Anh đã ca tụng giới du đãng “ưu tú” này như là một chọn lựa có thể thay thế được từng lớp đang làm xã hội ung nhọt, lở loét.

Nếu đó là giải pháp tốt nhất mà Duyên Anh có thể nghĩ ra được để cải thiện xã hội Miền Nam—với đủ mọi thói hư tật xấu và đang bị chiến tranh tàn phá—thì giải pháp này chỉ có thể giúp Miền Nam… chuyển Bại thành Xụi!

Xin mượn ý niệm phân số để so sánh ngòi bút viết báo của Thương Sinh và ngòi bút viết về xã hội đen của Duyên Anh.

Một khi hai “ngòi bút” trên là hai phân số, thì chúng sẽ có cùng một mẫu số chung. Và mẫu số chung đó sẽ là Huỷ diệt.

Còn về tử số thì:

  • Thương Sinh có tử số là cực hữu +∞ :  Ác tâm, hung tàn
  • Duyên Anh (v/v xã hội đen) có tử số là cực tả -∞:  Mê muội, phá hoại

Còn nếu muốn ví von “theo hướng” văn học thì:

Nhập Cuộc

Có dịp trở lại thời Miền Nam đầy nhiễu nhương, tưởng cũng nên nhắc lại là bấy giờ, giới báo chí không chỉ có những ngòi bút như Thương Sinh.

Tôi nhớ đến ký giả Từ Chung. Tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế tại Thụy Sĩ, về lại Việt Nam nhưng Từ Chung không đi làm trong ngành ngân hàng để có lương hậu hĩnh. Ông cũng không đi dậy đại học để thành một professor.

Mà Từ Chung lăn xả vào báo chí. Năm 1965 ông bị Việt Cộng ám sát chết. Lúc đó tôi được 10 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu chuyện ngoài đời.

Nghe người lớn thương tiếc một nhân tài bị giết, tôi chẳng mấy hiểu. Chỉ nhớ cái tên hai chữ Từ Chung nghe như tên người Tàu. Rồi ham chơi, quên mọi chuyện. Cho đến 11-12 năm sau…

Năm 1976-1977, sau khi chính quyền cộng sản đốt bỏ sách báo “Mỹ Ngụy,” tôi càng tìm đọc sách báo “phản động” cũ để học hỏi. Và “gặp” được quyển Bí Danh (The Secret Name); Tác giả: Lin Yutang (Lâm Ngữ Đường); Dịch giả: Từ Chung.

Đọc Bí Danh rồi suy nghĩ mãi. Nhớ lại những gì còn lờ mờ trong đầu về Từ Chung. Lúc đó, tôi mới hình dung được một Từ Chung trở về Việt Nam là để “nhập cuộc” với những người đang “trụ” tại đây để cùng bắt tay xây dựng một Miền Nam tự do còn non yếu về đủ mọi mặt.

Tìm hiểu thêm, thì được biết Từ Chung là người điềm đạm, nhỏ nhẹ và không mạo hiểm, táo bạo như nhân vật Rhett Butler trong Gone With The Wind (Cuốn Theo Chiều Gió) của Margaret Mitchell viết về thời Nội Chiến Mỹ.

Là người Miền Nam nước Mỹ, sau khi bị Trường Võ Bị West Point trục xuất, Butler trở thành tay cờ bạc chuyên nghiệp. Trong chiến tranh, ông là captain đem tàu vượt phong toả đi buôn lậu. Rất ngang tàng nhưng thực tế, Butler hiểu rõ Miền Nam. Trước khi chiến tranh bùng nổ, Butler đã ra mặt chế nhạo những tự hào hão huyền của Miền Nam, tin chắc sẽ đánh bại quân Yankees Miền Bắc.

Cách ăn nói trêu ngươi và vỗ mặt của Butler xúc phạm nặng nề đến lòng kiêu hãnh của dân Miền Nam trong vùng. Mọi người đều giận điên. Nhưng từ những tay máu nóng hay sừng sộ cho đến lớp thanh niên mới lớn thích khoe tài thiện xạ, không ai dám thách Butler đấu súng. Nổi tiếng là rút súng nhanh và bắn trúng đích, Butler từng bắn gục một thanh niên hảo hán đã thách ông đấu súng.

Quả như Butler đã thấy trước, Nam quân ngày càng yếu thế. Khi quân Yankees tấn công thành phố Atlanta, Scarlett O’Hara, người goá phụ trẻ mà ông yêu, phải nhờ Butler hộ tống đưa cô và gia đình với con nhỏ rời Atlanta về quê lánh nạn.

Cạnh đường di tản, Atlanta bốc cháy trong hỗn loạn và cướp bóc… Quân lính Miền Nam thì kẻ nằm cáng, người bị thương tựa vào nhau thảm não rút lui.

Chứng kiến cảnh tang thương đó, Butler đã đi đến quyết định. Ông cho Scarlett O’Hara biết là cô sẽ phải một mình tự tìm đường đưa gia đình về quê nhà.

Scarlett O’Hara hỏi thì được Butler cho biết là ông sẽ quay lại để gia nhập vào đội quân Miền Nam đóng gần đó nhất. Để có mặt trong những trận đánh sau cùng.

Quá sợ và giận, Scarlett O’Hara chỉ còn biết nguyền rủa Butler là kẻ ngu xuẩn, đem thân gia nhập vào đội quân đang từng mảnh tan rã ngay trước mắt.

Scarlett O’Hara không thể hiểu được tại sao một kẻ khét tiếng hoang đàng, trác táng như Butler vào giờ chót lại dấn thân vào một cuộc chiến đang tàn lụi—cuộc chiến mà trước đây chính ông vẫn hết mực nhạo báng!

Để lại cho Scarlett O’Hara khẩu súng phòng thân, trong đêm tối, Butler quành ngựa quay trở lại. Chẳng nói được gì thêm vì biết rằng Scarlet O’Hara không thể hiểu được ý nghĩa của hai chữ “nhập cuộc”—nhất là vào ngay tại thời điểm mà quốc gia nơi ông được sinh ra và lớn lên đang hấp hối.

Không gan lì, không bắn giỏi, cũng không giàu tiền, lắm bạc như Rhett Butler, nhưng Từ Chung đã vẫn quay trở lại Miền Nam để nhập cuộc.

Vào thời đó, Miền Nam có nhiều người đã nhập cuộc. Họ chẳng ồn ào “Đứng Dậy” để “Đối Diện” rồi tỏ “Thái Độ” như một số trong văn giới, hay trí thức “cấp tiến” có nhu cầu cần dương danh để được thấy là ưu thời, mẫn thế.

Một trong những người đã âm thầm nhập cuộc vào lúc đó là anh Phạm Lê Phong. Du học tại Pháp, anh đã trở về Việt Nam, gia nhập quân đội và đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, trong Mùa Hè Đỏ Lửa6.

Cũng không phải chỉ ở những giây phút cuối của cuộc chiến mới có sự nhập cuộc của những người trẻ đương thời như anh Phạm Lê Phong.

Như ở thế hệ của ông Vũ Mộng Long, cũng có vị sớm nhập cuộc. Điển hình là ông Nguyễn Đình Bảo (1937-1972) – cựu Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù, vẫn được biết là Người Ở Lại Charlie7, trong Mùa Hè Đỏ Lửa8.

Cũng đừng nên nghĩ rằng vào thời điểm đó tại Miền Nam phải vào quân đội, phảI mặc quân phục mới đúng là “nhập cuộc.” Trong thực tế, không thiếu kẻ khoác lên người bộ quân phục như một thứ môn bài trốn quân dịch.

Mặt khác, ở lãnh vực văn chương, cũng có nhiều vị nhập cuộc từ sau cuộc di cư vào Nam, 1954, điển hình như các vị: Chu Tử, Doãn Quốc Sỹ, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Vũ Hoàng Chương… Rồi kế tiếp là: Kiều Phong/Lê Tất Điều/Cao Tần, Nhật Tiến, Trần Dạ Từ…

Cũng vậy, trong văn giới, báo giới cũng có lắm kẻ “giả hình” không có tư cách và dũng khí của một nhà văn, nhà báo chân chính.

Về mặt viết phiếm, tác giả Đỗ Trường đã ghi:

Với bút danh Thương Sinh (và hàng chục danh khác) cùng với Chu Tử, Duyên Anh đã chọc thẳng vào cái ung nhọt trong mọi lãnh vực, mọi tầng lớp của xã hội lúc đó.

Về nhận xét trên, theo tôi, khó có thể xem Thương Sinh/Duyên Anh có giá trị tương đồng với Chu Tử trên phương diện làm báo và viết phiếm. Cho dù “ngôn ngữ phiếm” của hai vị này đều sắc bén, có thể gây tổn thương cho kẻ khác.

Lằn Ranh Không Thể Vượt Qua

Trước đây đã lâu, tôi đọc được bài viết của ông Đặng Xuân Côn—bạn thân và là anh em cột chèo của ông Vũ Mộng Long. Ông Đặng cho biết là có lần ông Vũ đánh bài và ở đó có tay tai to mặt lớn đã bị Thương Sinh đưa lên “bàn mổ” trên báo.

Gặp lúc ông Vũ cháy túi, ông lớn nọ nói với ông Vũ là đừng “đánh” ông ta nữa. Ông Vũ trả lời là đưa cho ông 100,000 đồng (nếu tôi nhớ đúng), thì xong. Ông lớn đó đưa cho ông Vũ Mộng Long 100,000 đồng. Sau đó, Thương Sinh ngưng, không tiếp tục “mổ xẻ” ông lớn đó trên mặt báo.

Câu truyện trên được ghi lại từ trí nhớ, nên có thể không chính xác và không thể phối kiểm với nguyên bản.

Rồi đến tháng 5/2024, khi bắt đầu tìm hiểu thêm về Duyên Anh, tôi đọc được bài Tôi biết gì về Duyên Anh?9 của ông Vĩnh Phúc, Senior Producer của BBC, bạn thân của Duyên Anh, viết vào năm 2017. [Ghi chú: Rất nên đọc bài viết này. -TTT]

Xin được trích một đoạn trong bài viết nói về việc Duyên Anh đánh bạc và quỵt tiền mua chuộc, đút lót của hai phe đối nghịch có liên quan đến bài báo của ông:

Khi đã có “thế” rồi, Duyên Anh khinh đời, bắt đầu viết lách, ăn nói bừa bãi, xem trời bằng vung, thì thiên hạ lại càng ngán. Cũng có người giữ thái độ “tránh voi…” hoặc “không dây với hủi”.  Tôi hỏi  Duyên Anh rằng ngày xưa có bao giờ dùng ngòi bút để tống tiền người ta không, thì được trả lời,

Không. Nhưng khi tôi mới tung ra một bài điều tra về chuyện lem nhem ở một bộ – như Bộ Kinh tế chẳng hạn – thì lúc tôi đang ngồi ở bàn phé, tên bộ trưởng cho anh thư ký đem đến cho tôi cái phiếu mua xe Lambrette rẻ.  Một lát sau, một anh khác đến xưng là người nhà của đối thủ của anh bộ trưởng, đưa tôi một phong bì. Tôi đang thua phé, thì dại gì không nhận hết? Còn hôm sau tôi viết gì là chuyện khác! Tôi chẳng bênh thằng nào cả. Cần phang là tôi vẫn phang.

Ngay khi đọc hết đoạn ghi trên, phản ứng “nóng máu” tức thời của tôi là:

Đàn anh Duyên Anh này quá “bựa!”  Quỵt tiền thiên hạ hai bên rồi còn nói giọng cha. Bộ muốn chơi ngông coi có “thằng nào” dám “phang” đàn anh không?

Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ!  Đàn anh này chắc tưởng chàng là Superman, mình đồng da sắt? Chơi xấc kiểu đó, có bị “mềm xương” cũng không là chuyện lạ!

Còn về phương diện văn chương, báo chí?

Thật đáng tiếc để phải nói rằng với những lời phát biểu như trên, ông nhà văn Duyên Anh này đã tự chứng tỏ ông chỉ là một kẻ cầm bút quá ư thoái hoá và hư hỏng (corrupted).

Vì Duyên Anh đã vượt qua Lằn Ranh Không Thể Vượt Qua của người cầm bút có sĩ khí. Và lằn ranh đó có tên là Tư Cách Đáng Trọng Của Người Cầm Bút!

Đối với tôi, bài bạc là điều chẳng nên làm. Tuy nhiên, đó là chọn lựa cá nhân của mỗi người, miễn sao đừng ăn cắp tiền bạc của người khác.

Duyên Anh không ăn cắp tiền của ai khác để đánh bạc. Nhưng ông làm chuyện còn tệ hơn thế là đem ngòi bút ra để làm tiền, hay moi tiền thiên hạ—nếu không phải là “tống tiền” như Duyên Anh đã “minh xác.”

Khi trắng trợn làm tiền, moi tiền và quỵt tiền thiên hạ—nhờ vào ngòi bút sắc bén của ông—thì nhà văn Duyên Anh đã tự hủy diệt tư cách đáng trọng của người cầm bút nơi ông.  

Ông Đỗ Trường đã viết:

“Thật ra, dù sống ở chế độ Cộng Hòa, hay Cộng Sản, một nhà văn đích thực luôn chĩa bút về phía cường quyền. Và đối lập với chính quyền là điều quan trọng bậc nhất của người cầm bút. Nó không chỉ nhằm vạch ra những yếu khuyết của chính quyền, thúc đẩy xã hội phát triển hơn, mà còn là thước đo nhân cách của một nhà văn vậy. Và tôi nghĩ, Duyên Anh, hay Chu Tử đã làm được điều đó.”

Ông Đỗ rất đúng khi nhận xét: một nhà văn đích thực luôn chĩa bút về phía cường quyền. Và đối lập với chính quyền là điều quan trọng bậc nhất của người cầm bút.

Thực ra, những nhà văn, nhà báo đó không những “chĩa bút về phía cường quyền” mà họ còn “chĩa bút” về phía những thành phần khác cũng rất nguy hại như: Con buôn cách mạng; Đầu cơ chính trị và Buôn thần bán thánh…

Để hoàn thành một sứ mạng như vậy, ngòi bút của những nhà văn, nhà báo đó phải cực kỳ sắc bén và có khả năng sát thương kinh khiếp như bảo kiếm hay gươm thiêng của những tráng sĩ trừ gian, diệt bạo.

Nhưng sở hữu một bảo kiếm hay gươm thiêng như thế mà không có được một Ý Thức tỉnh táo phân định được Đúng—Sai và một Nghị Lực mạnh mẽ để tự kiềm chế không làm chuyện sai, thì chẳng mấy chốc vị “Tráng sĩ trừ gian, diệt bạo” sẽ nhanh chóng hóa thân thành một tay “Anh chị đâm thuê, chém mướn” cũng bằng cùng một ngòi bút.

“Sống bằng gươm, Chết bởi gươm” như trong thành ngữ “Live by the sword, Die by the sword” có thể là một lời nguyền ác độc của một “mụ phù thủy chữ nghĩa” nào đó đã áp đặt lên phần số của những người dùng bút như gươm.

Thế nhưng, nếu có phải “Chết bởi gươm” thì vẫn có sự cách biệt rất lớn giữa người Tráng sĩ và tay Anh chị dùng bút thay gươm. Sự cách biệt đó nằm ở nơi Tư cách cao đẹp của Người cầm bút!

Trong sự lượng định này, tôi nghĩ rằng nhà văn Duyên Anh hoàn toàn không xứng đáng là một Người cầm bút chân chính có tư cách đáng được kính trọng. Mà là ngược lại!

Duyên Anh, Chữ nghĩa và Bạo lực

Đề cập đến Duyên Anh và không nhắc gì đến việc ông bị hành hung đến độ bị tàn tật suốt đời, vào ngày 30/4/1988, tại Nam California, thì cả là một thiếu sót.

Trên Internet có nhiều bài viết “luận bàn” về việc trên. Tuy vậy, theo thiển ý, bài Vũ Trung Hiền Phỏng Vấn Lê Quý An10 đăng ngày 31/12/1999 là giá trị nhất.

Vì người phỏng vấn là ông Vũ Trung Hiền (VTH)—nhà văn, bạn thân của nhà văn Duyên Anh, và là em của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm—đã đặt câu hỏi khách quan, chú trọng vào sự việc xảy ra và tránh xa những diễn dịch chủ quan của cảm tính.

Và được phỏng vấn là ông Lê Quý An (LQA), người đã chứng kiến tận mắt sự việc. Ông Lê Quý An cũng rất thân với nhà văn Duyên Anh, theo như lời giới thiệu:

Giáo sư Lê Quý An, giám đốc cơ sở Avitek Trang Châu, là một trong những người bạn thân của Duyên Anh từ thuở còn chân ướt chân ráo vào Nam, cùng ở Nhà Hát Tây (nằm ngay góc đường Tự Do-Lê Lợi, về sau trở thành nơi họp của Hạ Nghị Viện, Việt Nam Cộng Hòa) với nhau.

Xin trích đăng một phần ngắn của bài phỏng vấn:

VTH: Xin ông vui lòng trở lại câu hỏi của tôi về buổi sáng 30 tháng tư, 1988.

LQA: Vâng, khi chúng tôi về tới Bolsa Mini Mall, thì vừa lúc gặp đoàn biểu tình tuần hành trên đường Bolsa, với khí thế chống Cộng hăng say vô cùng. Mọi người hô vang “Boycott, Boycott Vietnam”, “Đả Đảo Cộng Sản Việt Nam”. Xe chúng tôi phải chờ đoàn biểu tình đi qua, trước khi quẹo vào khu Bolsa Mini Mall. Tôi nhìn thấy trong ban an ninh của đoàn biểu tình có một số thành viên của Mặt Trận đang hướng dẫn và chỉ huy những người biểu tình.

Chờ đoàn người đi qua hết, xe chúng tôi tiến vào khu thương xá, bên cạnh khu vực có phòng chụp quang tuyến của bác sĩ Nguyễn Mạnh, ngã tư Bolsa và Bushard.

Trên đường đi bộ tới nhà hàng Ngân Đình, Duyên Anh gặp nhà văn Mai Thảo, và hai ông bạn của Mai Thảo, là bác sĩ, kiêm nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả ” Vòng Đai Xanh”, và bác sĩ Nguyễn Mạnh. Duyên Anh dừng lại, nói chuyện với những người này một lúc lâu.

Tôi ngạc nhiên, vì biết giữa Mai Thảo và Duyên Anh đã có những đụng chạm, chỉ trích lẫn nhau trên báo chí, sách vở; sao bây giờ gặp nhau lại đứng nói chuyện, như chưa hề có việc gì xảy ra.

Lúc chia tay, hai người còn hẹn hò ngày mai gặp nhau, cùng ăn nhậu. Mai Thảo dặn Duyên Anh “ngày mai mang rượu lại, có món giả cầy đấy.”

Đến cửa nhà hàng Ngân Đình, bên trong đông khách quá, chúng tôi phải đứng chờ. Tôi nói chuyện gẫu với Duyên Anh. Tôi nói “Ông và Mai Thảo đụng chạm nhau trên sách vở, tôi thấy ghê quá. Ở trường hợp tôi, nóng quá, thì thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, rồi bỏ qua, chứ viết vào sách vở làm chi, lưu xú vạn niên, khó rửa lắm!”

Duyên Anh trả lời “Bọn chúng nó dựng chuyện, tấn công tôi, tôi phải tự vệ, và trả đòn chứ? Tôi cũng biết như vậy là không phải, nên khi đến Mỹ, tôi đã bảo nhà xuất bản Xuân Thu đục bỏ mấy đoạn ấy đi, nhưng nó nói sách đã gửi đi in ở Đài Loan rồi, không sửa được”…

VTH: Ông nghĩ thế nào về lời giải thích ấy?

LQA: Tôi cho rằng đó là cách nói của nhà xuất bản thôi. Đối với họ, sách càng chửi bới nhau, họ càng hốt bạc. Phương châm của họ là “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” thôi.

VTH: Xin ông kể tiếp. Đã đến đoạn mọi người vào trong nhà hàng rồi.

LQA: Vâng, tôi quên chưa kể là trước lúc bước vào Ngân Đình, tôi có đi ngang qua tiệm phở gà Bolsa, thấy mấy thanh niên hướng dẫn trật tự cho đoàn biểu tình ngồi trong đó. Tôi coi là thường tình thôi, không để ý gì. Đến khi ngồi vào chỗ rồi, tôi linh tính có điều gì không lành, vì trước đó mấy tháng, trong một buổi nói chuyện tại đại học San Francisco, do bác sĩ Bùi Duy Tâm tổ chức cho Duyên Anh, ban tổ chức đã phải bảo vệ cho Duyên Anh lúc ra về. Do đó, tôi để Duyên Anh ngồi sát tường, tôi ngồi phía ngoài, bên cạnh lối đi, đối diện là hai anh em họa sĩ Trần Đình Thục.

Chúng tôi ăn xong lúc hơn 1 giờ chiều. Bước ra khỏi tiệm, hai anh em Trần Đình Thục đi đầu, tôi và Duyên Anh đi sau.

Vừa ra khỏi cửa tiệm ăn, tôi gặp một nhóm 5, 6 thanh niên đã đứng chờ sẵn. Họ chào tôi, tôi cũng vui vẻ gật đầu chào lại, rồi đi luôn. Tới sát mặt đường Bolsa, Trần Đình Thục quay lại, dặn tôi đưa Duyên Anh đi chơi tiếp, rồi đến chiều, đưa Duyên Anh trả lại nhà Thục. Tôi đồng ý.

Anh em Thục chia tay chúng tôi, đi được một quãng, tôi nghe tiếng chân chạy “huỳnh huỵch” phía sau lưng. Hai thanh niên vượt lên, một người vỗ vai Duyên Anh, để anh đứng lại. Tôi nghĩ người đó là độc giả của Duyên Anh, muốn thăm hỏi gì đó, nên tôi cứ tiến bước, và chờ anh đi tiếp. Bỗng thanh niên thứ hai trờ tới, dang tay lấy thế, đấm thật mạnh vào màng tang bên trái của Duyên Anh; rồi thanh niên này đứng tấn, và móc tay trái một quả nữa vào mũi Duyên Anh. Tôi thấy Duyên Anh từ từ té xuống như cây chuối đổ, không kịp la một tiếng nào hết. Máu từ mũi anh bắt đầu chảy ra.

Phản ứng tự nhiên, tôi dậm chân, và hét lớn “Sao các cậu đánh người ta thế này?” và kêu lên “Thục ơi, chúng nó đánh Duyên Anh!”

Trần Đình Thục nghe tôi la, bèn lật đật quay trở lại, cùng tôi đuổi theo tên thanh niên đấm Duyên Anh. Tên này cắm đầu chạy thật nhanh, chúng tôi đuổi không kịp. Sẵn có máy ảnh, Trần Đình Thục chụp lia lịa mấy tấm, nhưng chỉ chụp được phía sau lưng tên đã đấm Duyên Anh, và một tấm khác, hình các thanh niên bỏ chạy, tay còn cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ bằng giấy, khổ cuốn vở. Khi thấy Duyên Anh bị đấm hai quả, tôi cho là nhẹ thôi, nên cố xốc anh đứng lên. Nhưng Duyên Anh như cây chuối đổ bật rễ, không đứng dậy được nữa. Tôi nhìn quanh, trong tư thế bảo vệ, e rằng nhóm thanh niên quá khích có thể quay lại, dùng dao và súng ám hại Duyên Anh. Lúc ấy, tôi chỉ lo bảo vệ Duyên Anh, không dám rời anh để đuổi theo bọn thanh niên tháo chạy vào khu Bolsa Mini Mall.

VTH: Theo ông, cá nhân hay phe nhóm nào đã đứng đằng sau vụ hành hung này, và họ nhắm đạt được mục đích gì?

LQA: Tôi nghĩ, đây chỉ là một hành động nông nổi, tức thời của nhóm thanh niên quá khích. Rất có thể, trong lúc chúng tôi đang ngồi trong Ngân Đình, một người nào đó thù ghét Duyên Anh, đã rỉ tai mấy thanh niên ấy, đại khái “có thằng làm việc cho Việt Cộng từ Paris tới đó”. Trong bối cảnh căm thù Cộng Sản sôi sục hôm ấy, phản ứng của nhóm thanh niên cũng là tự nhiên thôi. Điều không may, là Duyên Anh đã có mặt tại địa điểm ấy, ngay vào thời điểm đó. Tôi cho rằng, nếu không phải Duyên Anh, mà là Nguyễn Tú A lai vãng khu Bolsa Mini Mall lúc ấy, thì cũng đã bị hành hung rồi.

VTH: Ông có cho là Việt Cộng đứng đằng sau vụ này không?

LQA: Tôi thấy, dù Việt Cộng coi Duyên Anh là kẻ tử thù của họ, họ không trực tiếp hành hung Duyên Anh hôm đó đâu. Chỉ là cảnh “quân ta đánh lầm quân mình” thôi.

VTH: Nhưng ông có nghĩ là dù không trực tiếp hành hung Duyên Anh, Việt Cộng đã tung tin bẩn về Duyên Anh, nhằm cô lập anh với những người Việt quốc gia chống Cộng Sản không, đưa đến vụ hành hung ấy không?

LQA: Dĩ nhiên rồi. Ly gián kẻ thù, tạo mâu thuẫn cho kẻ thù đánh lẫn nhau, vẫn là ngón nghề của Việt Cộng mà.

VTH: Theo ông, thì vì sao các cơ quan an ninh và điều tra Hoa Kỳ đã không thành công trong việc tìm ra thủ phạm hành hung Duyên Anh?

LQA: Sau khi Duyên Anh bị hành hung, cơ quan an ninh Hoa Kỳ đã gặp tôi nhiều lần, lần nào họ cũng đưa ra những cuốn album hình những người, mà tôi nghĩ, thuộc thành phần bất hảo; và hỏi tôi có nhận ra kẻ nào đánh Duyên Anh không. Tôi cố gắng gợi lại trí nhớ, nhưng không nhận ra được người nào cả. Tôi nghĩ, người đánh Duyên Anh không phải thuộc thành phần bất hảo, chỉ là một người cực đoan về phương diện chính trị thôi; vì bị khích động, mà hành động như thế thôi.

Ba tháng sau, tôi ghé lại cơ quan an ninh, hỏi họ đã điều tra đến đâu rồi. Người đại diện cơ quan cho tôi biết, họ đã ngưng cuộc điều tra vì: Thứ nhất, cộng đồng Việt Nam muốn quên chuyện này đi rồi, rất ít người bằng lòng hợp tác với họ. Thứ nhì, nạn nhân Vũ Mộng Long đã kín đáo, và âm thầm về Pháp, nên nếu có bắt được thủ phạm, cũng không có ai khởi tố vụ này cả. Họ bảo mọi chuyện tạm gác lại; khi nào ông Vũ Mộng Long trở lại Mỹ, sẽ tính sau…

Sau khi Duyên Anh bị hành hung vào năm 1988, tôi cũng có đọc báo đó đây về việc này, nhưng cũng không rõ rệt. Vừa rồi cũng đọc trên Internet một số bài khác.

Bên cạnh một số bài viết bày tỏ sự cảm mến Duyên Anh, còn có nhiều bài viết lợi dụng sự bất hạnh của Duyên Anh để chửi khéo hay lên án người khác, hoặc để đánh bóng cho cá nhân của người viết nhiều hơn là để tìm ra sự thực.

Mãi cho đến tháng 5/2024, tôi mới đọc được bài phỏng vấn của hai vị Vũ Trung Hiền và Lê Quý An vào tháng 12/1999, gần 25 năm về trước!

Xin cảm tạ hai vị thực hiện cuộc phỏng vấn khách quan. Nhờ đó tôi mới rõ thêm việc nhà văn Duyên Anh bị bạo lực tấn công mà tôi vẫn lờ mờ từ năm 1988.

Giới Nhà Văn trong ‘Cung đình’

Nhân lạm bàn về một số điều liên quan đến nhà văn, nhà báo, chữ nghĩa và bạo lực, tôi chợt nhớ lại ít điều vào thời thập niên 1990.

Lúc đó, “oai vệ” nhất trong giới nhà văn hải ngoại có lẽ là ông Trần Thanh Hiệp. Ít ra thì đó cũng là theo sự nhận xét hạn hẹp của tôi. Nếu tôi còn nhớ đúng, ông đã nhiều lần làm Chủ Tịch Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Ông Trần Thanh Hiệp đã cùng với Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền là những thành viên đầu tiên của nhóm Sáng Tạo, ra đời tại Sài Gòn khoảng 1956. Còn là luật sư, ông Hiệp được xem là lý thuyết gia của nhóm. 

Vào năm 1994, tạp chí Thế Kỷ 21, Westminster, California có đưa ra đề tài phỏng vấn một số nhà văn: “Nghĩ gì về giới nhà văn tại hải ngoại?”

Khi trả lời cuộc phỏng vấn, điều đầu tiên ông Trần Thanh Hiệp ghi, đại ý: “Tôi không tin vào phần trả lời của các nhà văn vì họ không nói thực.”  

Về nhận xét bộc trực và chính xác này của ông Trần Thanh Hiệp, tôi hoàn toàn đồng ý và hết sức tán thưởng.

Tiếp đó ông khẳng định, đại ý:  “Nhà văn tại hải ngoại Không Viết để mà Viết.”  

Ý của ông muốn nói là những nhà văn đó không viết là để “phản kháng” không khí ngột ngạt về việc phải “viết chống cộng” tại hải ngoại.

Đọc được những điều trên tôi quá đỗi kinh ngạc. Vì bị “bứt rứt” với lời phát biểu xem ra có tính “xác quyết” về sự “cao quý” của giới nhà văn hải ngoại, tôi đã ghi xuống một số ý kiến phản hồi: 

Đúng như ông Trần Thanh Hiệp viết: Ra đến hải ngoại, có những nhà văn không viết là để phản đối những áp lực từ giới cựu quân nhân, từ người Việt tị nạn cộng sản…. muốn buộc họ phải viết chống cộng.

Thế nhưng, không phải mọi nhà văn đều hành xử theo cùng một khuôn khổ: “Không Viết để mà Viết,” như ông Hiệp đã ghi.

Có những trường hợp khác mà ông Trần Thanh Hiệp không thấy hoặc không muốn đề cập đến. Như vài điển hình dưới đây:

  1. Tại hải ngoại, cũng như mọi người mới đến định cư, những nhà văn đó phải dành ưu tiên cho nhu cầu cơm áo của bản thân và gia đình.  Do vậy, họ không còn thì giờ, cùng năng lực và trí óc để viết.
  2.  Tại hải ngoại, nhà văn không còn giữ được việc “độc quyền” phát biểu. Mà độc giả cũng có điều kiện để phát biểu những phản hồi11. Vì nhà văn không còn được “tự do” viết như xưa, nên họ không viết.
  3. Sang đến nước ngoài, những nhà văn đó cảm thấy kiến thức của họ cần phải được cập nhật thêm.  Vì chưa bắt kịp được với đời sống mới, xã hội mới, cho nên họ cần nghe nhiều, đọc nhiều và không viết.
  4. Muốn “viết” nhà văn cần phải “đọc” và đọc nhiều.  Ra đến nước ngoài, ngoại ngữ là một trở ngại lớn cho nhiều người, kể cả nhà văn. Không “đọc” nhiều được, thì không “viết” là điều có thể hiểu được.
  5. Theo như điều mà ông Hiệp đã ghi: “Tôi không tin vào phần trả lời của các nhà văn vì họ không nói thực”  thì như vậy liệu độc giả có thể tin được phần trả lời của nhà văn Trần Thanh Hiệp hay không?

Sau khi ghi xuống những ý kiến như trên, tôi đã faxed về  tạp chí Thế Kỷ 21.  Lúc bấy giờ, chữ Việt trên computer chưa dùng Unicode, mà email cũng chưa được thông dụng như sau này.

Trong số tháng Mười, 1994,  Thế Kỷ 21 trả lời là họ sẽ đăng góp ý đó với ông Hiệp, như trong ảnh chụp bên cạnh.

Đến số tháng Tư, 1995, Thế Kỷ 21 cho biết: ‘vì tình trạng “thông tin ngày càng tràn ngập”, nên đành phải gác lại.’

Phần riêng, tôi không có gì để phải phàn nàn vì hiểu được việc Thế Kỷ 21 phải dành ưu tiên cho những bài viết khác. 

Tuy nhiên, nhắc đến việc cũ gần 30 năm, liên quan đến nhận định về giới nhà văn hải ngoại của một vị có thể nói là “giới chức có thẩm quyền” là để nhìn lại những gì mà có lẽ một số không ít trong văn giới cũng vẫn hay nghĩ về họ như thế.

Về điều cho rằng “Nhà văn tại hải ngoại Không Viết để mà Viết” hàm ý là để bày tỏ thái độ phản kháng của nhà văn, theo tôi, đó là kết quả của những suy nghĩ chủ quan và, có thể nói là, kiêu ngạo đã thổi phồng Nhà Văn một cách lố bịch:

▪︎ Như thể đã là “nhà văn” thì đương nhiên phải mang một “trọng trách” hay “sứ mạng” cao cả nào đó. Do thế, mặc nhiên thuộc về một “giai cấp được bảo vệ” (protected class) và được miễn trừ khỏi những giới hạn và áp lực của đời sống thực tế hàng ngày vẫn chi phối “người phàm.”

▪︎ Như thể đã là “nhà văn” thì những gì liên quan đến việc họ Viết hay Không Viết đều ẩn tàng những giá trị đặc biệt như là những thành quả “ưu việt” phát xuất từ “sinh hoạt trí tuệ” của các thành phần ưu tú trong giới con vua cháu chúa.

▪︎ Như thể mọi “nhà văn” đều thuộc về … Giới Nhà Văn trong ‘Cung đình’!

Trên đây là sự diễn dịch chủ quan của tôi về giới nhà văn dựa theo điều ông Trần Thanh Hiệp đã viết. Tuy nhiên, tôi tin là sự diễn dịch đó không phải là đã đi quá xa và hoàn toàn sai sự thực, căn cứ trên những gì tôi quan sát được.

Mặt khác, tôi cũng hiểu rằng, không phải tất cả nhà văn đều cùng có cách suy nghĩ giống như của ông Trần Thanh Hiệp. Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi được biết vài vị nhà văn, nhà báo có thực tài, có vị còn có kiến thức uyên bác của một học giả chân chính và họ đều rất khiêm cung.

Tuy nhiên, cũng không phải là một điều quá xa lạ đối với ý tưởng cho rằng đã là “nhà văn” thì đương nhiên phải là một thực thể cao quý trong một giai cấp được bảo vệ (protected class) là Giới Nhà Văn trong ‘Cung đình‘. Nghĩa là không ai được “đụng” đến và không ai “đụng” đến được giới nhà văn này.

Ý tưởng đó xem ra có sức mê hoặc và cám dỗ mãnh liệt đối với không ít nhà văn.

Nhất là những vị nhà văn vẫn “khiêm tốn” nghĩ rằng văn tài của họ chỉ “Đứng thứ #2 không sau ai cả (second to none).”

Duyên Anh là một thí dụ điển hình của sự “khinh thế ngạo vật” của một nhà văn. Như phần trích từ Tôi biết gì về Duyên Anh? của Vĩnh Phúc:

Ai cũng biết rõ là Duyên Anh có quá nhiều kẻ thù. Ấy là do tính tình ngang bướng, cao ngạo. Nhưng tại sao Duyên Anh có giọng điệu cao ngạo, xem thường thiên hạ? Tôi đã hỏi thẳng Duyên Anh điều này thì được trả lời,

“Ông thấy tôi khi vào đời chưa nổi tiếng, chưa là cái gì cả, chỉ mới viết được có vài bài phóng sự gây tiếng vang, thế là linh mục Trần Du (nhật báo Hoà Bình ) vội “đội” tôi lên. Rồi khi tôi “đánh” vài thằng tướng tá, chính khách tham nhũng và hèn, thì chúng nó “cúp đuôi” lại. Còn các bậc đàn anh mà tôi tin tưởng và quý trọng, hoá ra toàn là phường đạo đức giả hết. Thế thì làm sao tôi không khinh chúng nó, tôi không lộng?”

Dù rằng có “thấy” được điều đó—điều mà tôi đặt tên như bên trên là Giới Nhà Văn trong ‘Cung đình’—thì xem ra giới nhà văn cũng không ai dám nói lên sự thực.

Rất có thể là tôi sai trong nhận xét này vì không thường xuyên theo dõi và nghiên cứu sinh hoạt của giới văn bút.

Tạm Kết

Bản thân tôi vẫn luôn có một mỹ cảm và nể phục dành cho những vị nhà văn và nhà báo, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp.

Cũng như, tôi vẫn nghĩ rằng giới nhà văn và nhà báo, nói chung là giới cầm bút, cũng xứng đáng được xã hội dành cho một vị trí trọng vọng.

Với một điều kiện rất căn bản là họ cũng phải xứng đáng là người cầm bút chân chính, hiểu theo nghĩa gồm cả tư cách và tài năng12.

San Jose, Ngày 23 Tháng 6, 2024
Trần Trung Tín

Chú thích

  1. Xây chừng (từ tiếng Tàu) = ly cà phê đen nhỏ, pha bằng “vợt”, không pha bằng “phin” (filter);
    Xây cá nại = xây chừng + sữa đặc có đường (condensed milk);
    Bạc sỉu = ly nhỏ với ít cà phê đen + nhiều sữa đặc có đường
  2. Tác giả Người Thứ Tám, tên thật là Bùi Anh Tuấn. Xem: http://tinhomnay1.blogspot.com/2016/04/tac-gia-cua-loat-tieu-thuyet-trinh-tham.html
  3. Các tác giả chỉ viết 1 truyện dài: https://arapahoelibraries.bibliocommons.com/list/share/682768697/951970457
  4. Mời đọc thêm sơ lược về Đỉnh Gió Hú: https://gopnhatcatda.com/y-tim-loi/tuy-but/nhung-tua-de
  5. Tác giả và tác phẩm Gone With the Wind:  https://www.georgiaencyclopedia.org/articles/arts-culture/margaret-mitchell-1900-1949/#:~:text=Mitchell%20was%20especially%20interested%20in,her%20book%20was%20historically%20sound. 
  6. Mời đọc Hồi ký về Phạm Lê Phong: https://nhayduwdc.org/bv/hk/nd/2019/plp/ndwdc_bv_hk_nd2019_plp_hkphamlephong_2019SEP24_tue.htm.
  7. Tên của bản nhạc Người Ở Lại Charlie vinh danh Trung tá Nguyễn Đình Bảo: https://www.youtube.com/watch?v=sUYfmBysh9M
  8. Mời đọc về trận chiến tại căn cứ Charlie: https://gopnhatcatda.com/y-kien/nguoi-khinh-binh-cuoi-cung-tai-can-cu-hoa-luc-charlie
  9. Ông Vĩnh Phúc, Senior Producer, BBC, viết về Duyên Anh: https://dcvonline.net/2017/02/13/duyen-anh/
  10. Phỏng vấn v/v Duyên Anh bị đánh trọng thương: https://hung-viet.org/a22265/vu-trung-hien-phong-van-le-quy-an
  11. Mời xem ý kiến với nhà văn Thế Uyên: https://gopnhatcatda.com/y-kien/ve-bai-bao-cua-the-uyen 
  12. Mời đọc Khinh Trí Thức 2.0: https://gopnhatcatda.com/y-kien/khinh-tri-thuc-2-0

2 Comments

  1. Vương Tân Tiến

    Hi Tín ,

    Đã đọc bài viết về Duyên Anh của bạn qua nhận xét nhiều mặt từ những góc độ khác nhau . Nói chung bài viết rất phong phú và tinh tế . Qua đó để thấy văn đàn cũng là chốn lao xao , cũng khốc liệt như chiến trường gió tanh mưa máu !

    Cầm súng, cầm gươm, cầm bút và thời nay cầm máy ( hình ảnh) đều là những sát thủ không gớm tay . Chính hay tà , thiện hay ác đều từ cái Tâm . Tâm thế nào thi mọi thứ , mọi việc đều được hành xử theo thế ấy .

    Thương Sinh của báo “ Con Ong “ với những bài viết thời sự chửi đời chua cay và Duyên Anh của những giấc mơ tuổi thơ trong trắng lớn dần lên trong những tiểu thuyết du đãng sau này đều là những “ sản phẩm “ của thời cuộc. Quan trọng là những “sản phẩm “ ấy phải có ý nghĩa về định hướng giáo dục hơn là loại đọc để giải trí . Tôi cho rằng Duyên Anh thành công hơn ở vế sau .

    Nhân đây cũng nhắc lại kỷ thi tuyển đệ thất trường Chu Văn An niên khoá 66, để thi Luận văn mang tính chất thời cuộc ( thời 65-66 du đãng lộng hành đến nỗi chính phủ Ng cao Kỳ lúc ấy phải thành lập ban bài trừ du đãng ) , đại khái tôi nhớ :

    “ … Em hãy tả lại một thanh niên ăn mặc lố lăng, cứ chỉ và lời nói tỏ ra khiếm nhã …….”

    Nghe như để thi năm ấy thiên hạ bàn tán xì xào vì đã gợi cho hình ảnh du đãng đi vào trường học ?? và chữ khiếm nhã cũng làm vô số sĩ từ 12, 13 tuổi nhầm lẫn ….!!! 😜😜

    Vài hàng góp ý chia sẻ với bạn .

    VTT

    • editor

      Niên khoá 1966-1967, tôi thi vào lớp đệ thất (=lớp 6) Chu Văn An, Sài Gòn, và bị rớt vì đã hỏng bài luận như anh Tiến đã ghi.

      Vì quá giỏi tiếng Việt, nên tôi đã hiểu hai chữ “khiếm nhã” là “khiêm tốn và nhã nhặn!” Và tả anh thanh niên đó có “răng đều như hạt bắp và trắng như răng anh Bảy chà Hynos” – “chà” là “chà và:” người gốc Ấn da ngăm đen, quảng cáo kem đánh răng Hynos, lúc bấy giờ. Nói năng dẽ dàng, lịch sự và “đẹp giai” còn hơn cả Phan An, Tống Ngọc (Not nam ca sĩ Tuấn Ngọc). 😁!

      Thế là … Mùa thu lá (chưa) bay … tôi đã “đi” rồi! Thành ra năm đó: Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau! 😭

      Cám ơn anh Tiến đã nhắc lại chuyện của -50+ năm trước. Đúng thật là chuyện của Thời xưa, còn bé! -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *