Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Đôi Mắt

Vào thập niên 1960s, có anh du học sinh người Việt được gia đình gửi sang Pháp học kiến trúc. Sau năm đầu miệt mài với trường ốc, anh mới khám phá ra bộ môn anh đích thực đam mê chính là hội hoạ.

Anh cũng hiểu, muốn học một ngành mà ông thân sinh không đồng ý, thì phải tự lực cánh sinh. Lúc bấy giờ, cách tốt nhất cho anh là theo học tại trường có cấp học bổng toàn phần cho sinh viên.

Mà muốn vào học tại một trường đại học mỹ thuật như thế, anh phải nộp đơn và phải lọt qua kỳ thi tuyển vào trường.

Đề thi tuyển của trường năm đó là vẽ khoả thân, với cô người mẫu trẻ đẹp, “posé” ở một tư thế rất “artistique” nơi vườn hoa phía sau trường.

Đến giờ thi, thí sinh chọn cho mình một góc thích hợp để dựng giá vẽ. Chăm chú, say mê… Vẽ…

Thời giờ đi có chậm, rồi cũng phải kết thúc. Khi nộp bản vẽ, anh thí sinh Việt Nam chỉ hoàn thành được bức tranh xem ra vẫn còn dang dở.

Vì trong đó chẳng có đường nét gì có thể được gọi là “khoả thân” hết cả!

Mà chiếm trọn bức tranh của anh chỉ là Đôi Mắt của cô người mẫu, với ánh mắt được thể hiện bằng những nét vẽ chẳng thể mô tả bằng lời.

Về lại ký túc xá, gặp người bạn hỏi thăm, anh sinh viên trả lời nhát gừng như thể thần hồn của anh đã bị đôi mắt vừa mới vẽ thôi miên bắt mất.

Dù nộp cho ban giám khảo bức tranh hoàn toàn lạc đề, nhưng khi có kết quả, anh lại có tên trong danh sách các thí sinh trúng tuyển vào trường.

Sau này, trong nhiều năm lưu lạc tại Paris, anh đã là một trong những hoạ sĩ có hoạ phẩm được giới yêu chuộng hội hoạ tại đó mến mộ.

***

Khoảng 73-74, lúc còn học trung học, lần đầu tiên nghe được câu truyện về anh sinh viên hoạ sĩ này, tôi đã lớn miệng phát biểu:

Làm gì có chuyện đó! Có nổ thì cũng nổ vừa vừa phải phải thôi!

Và cuộc đời học sinh của tôi vẫn cứ quay đều…

Khi xong trung học, tôi gia nhập quân đội.

Rồi 30/4/1975. Rồi tù vượt biên. Rồi có lúc phải sống một đời sống chui nhủi của một kẻ đào tẩu ngay nơi mình được sinh ra và lớn lên… Rồi tị nạn sang Mỹ…

Trong mỗi giai đoạn sống, nhất là vào những lúc sống như đang chạy chết, thì chẳng thể nào kịp cảm nhận – chứ đừng nói gì đến “lý giải” – được hết mọi sự diễn ra chung quanh. Những khi ấy, viên phụ tá thân tín nhất của mình là ký ức lại nhanh tay thu nhận và cất giấu hộ những hình ảnh ập đến trong từng giây phút đó.

Sau này, những khi ký ức đưa tôi quay về lại với tháng ngày loạn lạc và liên tưởng đến câu truyện anh sinh viên hội hoạ bên Pháp, tôi đều nghĩ là mình đã phát ngôn quá bừa bãi: “Làm gì có chuyện đó! Có nổ thì cũng nổ vừa vừa phải phải thôi!”

***

Trở lại năm xưa, tháng 4/1975, đơn vị của tôi di tản từ cao nguyên Trung phần xuống miền Nam. Trên đoàn xe ào ạt chạy ngang Phan Rang, tôi chợt thấy một người đàn ông lam lũ, ngồi bất động cạnh con bò trước căn nhà lá siêu vẹo bên đường. 

Trong chớp mắt, căn nhà lá đã bị đoàn xe bỏ lại sau lưng. Cũng trong chớp mắt đó, tôi đã “chụp bắt” được hai ánh mắt của người đàn ông và con bò. 

Ánh mắt của người đàn ông trông sao giống ánh mắt của con bò cạnh ông thế?! 

Con bò… Nằm cạnh người đàn ông. Đang chậm rãi nhai lại. Lặng yên nhìn thế sự. Bằng một ánh mắt. Bất động. Vô cảm. 

Ánh mắt đó tựa như hoàn toàn miễn nhiễm trước những kinh động của tang thương và chết chóc đang diễn ra ngay tại “hiện trường.”

Có lẽ nào sự sợ hãi quá độ đã “thăng hoa” người đàn ông lên đến mức “ngộ” được và “vượt” qua được lẽ tử sinh và đau khổ của thường tình?  

Hay sự sợ hãi quá độ đó đã ném người đàn ông xuống vực sâu hay hố thẳm của “hạ đẳng”, ngang hàng với một động vật – như một con bò? Chỉ còn biết “nhìn” đời bằng một bản năng mù loà sơ khai thô kệch. Không biện biệt được lẽ tử sinh.

Tại những phút giây khôn cùng đó, còn gì “quý hoá” và “ghê rợn” cho bằng có người hoạ sĩ vẽ được đôi mắt bất động của người đàn ông nhìn đời qua ánh mắt dửng dưng vô cảm của con bò khi cả hai đang “thanh bình” ngay giữa sự chết?

***

Mãi về sau, khi có dịp ôn lại câu chuyện xưa cũ, tôi mới lờ mờ cảm thấy hình như tôi hiểu thêm được tại sao anh thí sinh người Việt đó, hoàn toàn lạc đề, không vẽ cô người mẫu khoả thân như đề thi đưa ra, và chỉ vẽ Đôi Mắt của cô mà ban giám khảo của trường mỹ thuật Pháp vẫn quyết định chọn anh trúng tuyển. 

Trần Trung Tín – Ngày 4 tháng Tám, 2023


Bài Đọc Thêm:

17 Comments

  1. Bichson

    Đôi Mắt (phía trước) / Mái Tóc (đằng sau)

    Mái Tóc

    Ai không mê mẩn khi nhìn những mái tóc thề thong thả trên đường từ ngôi trường nữ vào buổi chiều tan học ?
    Ai chẳng vấn vương một mảnh tóc kiểu demi-garçon thanh thoát bên bờ biển trong xanh ?
    Đôi khi có anh học trò ngồi vẽ một mái tóc nửa chừng, không óng ả lắm, nhưng vô cùng gợi cảm, quên cả bài vở trong lớp luyện thi.
    Có người quen nhắc chuyện xưa 48 năm về trước, người thư sinh già bèn thốt lên một câu hỏi (vô duyên): cô ấy có chồng chưa ?

    Bichson

    • editor

      Xin cảm tạ anh Bichson. -TTTín

      • Duke Vuong

        Chuyện anh viết tuy ngắn nhưng hàm ý nhiều
        cảm xúc và thực tế ở đời.

        • editor

          Cám tạ sự góp ý của anh Duke. Truyện ngắn mô tả tí xíu phần đời của người đàn ông lam lũ nọ. Không cần cố tâm tìm, vẫn dễ thấy những người như thế ở mọi nơi. Gần như lúc nào họ cũng “vẫn” là nạn nhân của chiến cuộc, của tai trời, và của con người.

          Chẳng phải là tôi muốn làm ra vẻ triết lý, anh Duke. Chỉ là “thấy sao, nói vậy người ơi” kể lại điều đã thấy và vẫn còn làm mình “lấn cấn”. Rất vui là điều viết ra được bạn đọc chia sẻ. Thân mến. -TTTín

  2. Lê Hồng Phong

    Hi Tín,
    Đọc bài của ông xong tui lại liên tưởng tới một cụm từ thời thượng của mấy ông bà viết văn xã hội chủ nghĩa: … con mắt mang hình viên đạn.
    À thì ra diễn tả gì thì câu văn cũng phải có tính Đảng trong đó mới chịu (sic).
    Cảm ơn ông đã cho tui một ý tưởng để “miên man” bên tách cà phê sáng nay. Chắc phải cóp cái ông nhà văn nào đó để “Tôi nhìn tôi trong gương” mỗi ngày xem những gì sẽ thể hiện lên con mắt mình khi đã sống qua thêm được một ngày trong đời.
    Thân.
    Thằng bạn cùng khoá – Cùng đại đội.

    • editor

      Hey Lê Hồng Phong, cần gì “câu văn cũng phải có tính Đảng trong đó mới chịu (sic)”, chỉ cần ngó tên giống tên của “tổng bí thư” hồi lập đảng, là anh em rét hết! 😎

      Phong, khi ‘“miên man” bên tách cà phê sáng nay.’ bạn có thấy… “thoáng hiện ‘tôi’ về trong đáy … cốc (?!.. cà phê)” không?

      Cần gì phải làm chuyện “Tôi nhìn tôi trong gương” chi cho bắt mệt, muốn “nhìn lại mình, đời đã … ra sao?” thì chỉ cần mở ra đọc lại bài viết tại link https://gopnhatcatda.com/y-tim-loi/tuy-but/trung-doan-sinh-vien-si-quan, là thấy Lê Hồng Phong không “tiêu” hồi tháng 4/75, là còn sống hùng sống mạnh dài dài. Thân mến. -TTTín A31

  3. Chi Vu

    Trong chiến tranh, những ánh mắt đau thương, hận thù , xót xa ám ảnh con người lâu dài. Khi chiến tranh không còn, ánh mắt trở nên dịu dàng, nhẹ nhàng hơn? Mong có nhiều đôi mắt với những cái nhìn rạng rỡ , vui tươi hơn.
    Cám ơn Tín.
    Chúc sức khỏe dồi dào
    Chi

    • editor

      Cám ơn chị Chi đã có một góp ý thật nhẹ nhàng trong sáng. Cũng không phải là ra điều bi quan, triết lý theo kiểu của quý vị ưa tháp ngà thích thời thượng, có một điều thực tế là dù chiến tranh, hiểu theo nghĩa dùng súng đạn, đã không còn, nhưng một chiến tranh khác, hiểu theo nghĩa chiến tranh ý thức hệ, thù hận, tham tàn…, thì vẫn còn và nhiều khi còn tác hại gấp nhiều lần chiến tranh bằng vũ khí.

      Những gì ghi bên trên cũng chỉ như là chút lý sự vụn với chị Chi thôi. Chứ như thế gian chỉ cần càng ngày càng có thêm nhiều người mang tâm lành như chị, thì còn gì quý cho bằng. Thân kính. – TTTín

  4. Hong Vu

    Hello anh Tín
    Đôi mắt nói lên tất cả
    Đề nghị cơ quan CIA, FBI thêm phần scan đôi mắt, khi điều tra với máy dò nói dối
    Yeah, cùng một câu chuyện hay cùng một quyển sách mình sẽ hiểu khác nhau khi tuổi đời trôi qua

    Have a nice day

    • editor

      Cám ơn anh Hồng đã góp ý. Về điều anh Hồng ghi “Đôi mắt nói lên tất cả”, quá đúng; nhưng chắc cũng có nhiều ngoại lệ.

      Như khi xem các diễn viên tài tử ngoại hạng diễn xuất yêu nhau và nhìn vào “đôi mắt nói lên tất cả” của họ, thì thấy họ sẽ yêu nhau… cho đến khi con tim ngừng đập. Nhưng tới hồi hết “phin” là hết “chiện”… yêu em dài lâu.” Và tới màn “tình là tình nhiều khi không mà có” và một chặp sau thì… “tình là tình nhiều lúc có (cũng)… như không!” 😀

      Còn vụ đề nghị CIA, FBI scan mắt để điều tra, chắc cũng không đúng 100% được đâu. Đem mấy máy scan đó qua Las Vegas mà dò mắt của mấy tay đại cao thủ bạc bịp, thì CIA, FBI bị phá sản là cái chắc. 😎

      Cám ơn anh Hồng đã cho thêm “đề tài” để bàn. -TTTín

  5. Như Hoa - Ấu Tím

    Thông thường đọc xong một đoản văn người đọc sẽ có ngay lập tức ý kiến – hay thế nào dở thế nào kiểu thầy cô giáo dậy văn rồi xếp sách lại , hay tắt máy vi tính đi! Đọc đoản văn này vài lần mới dám ghi lại vài dòng:

    Dòng thứ nhất: viết thật tư tưởng đang có của mình khi chợt nghĩ lại thuở ngông nghênh.

    Dòng thứ hai: theo thời gian mọi sự sẽ giãn ra không còn cứng ngắt theo nội quy thời còn đi học, thời mới nhập trường.

    Dòng thứ ba: không thấy đôi mắt của người viết khi đọc, nên không biết người viết có thoải mái khi nhớ lại thuở nói câu: “Làm gì có chuyện đó, có nổ cũng nổ vừa phải thôi!”

    Dòng thứ tư: Người viết và người đọc cùng có một nhận định về đôi mắt của con bò, nó buồn chi mà buồn lạ, dù đẹp một cách vô hồn! Hình một đôi mắt thật đẹp của con người bị quay ngược lại sẽ thấy nét vô hồn của con bò trong đó – lại sẽ có một đoản văn rất hay!

    • editor

      Cám tạ ý kiến của chị Như Hoa – Ấu Tím. Xin được “điều chỉnh” chút điều chị viết, sao mà có chỗ nghe thấy “ghê” quá!

      > Dòng thứ nhất: viết thật tư tưởng đang có của mình khi chợt nghĩ lại thuở ngông nghênh.

      Xin thay chữ “tư tưởng” bằng “ý nghĩ” và chữ “ngông nghênh” bằng “hiền như ma soeur” (viết lộn qua… ma men, cũng OK!) 😎

      > Dòng thứ hai: theo thời gian mọi sự sẽ giãn ra không còn cứng ngắt theo nội quy thời còn đi học, thời mới nhập trường.

      Cái này thì không chắc đúng. Vì “theo” thời gian càng lâu, thì đầu óc càng cùn mằn và càng co cụm lại. Buồn thật!

      > Dòng thứ ba: không thấy đôi mắt của người viết khi đọc, nên không biết người viết có thoải mái khi nhớ lại thuở nói câu: “Làm gì có chuyện đó, có nổ cũng nổ vừa phải thôi!”

      Chắc phải kiếm… A.I. cài vô bài viết, thì người đọc mới “thấy đôi mắt của người viết” giống như “đôi mắt người … Sơn Tây!” Trong khi chờ A.I., thì coi như “mắt tui màu trùng dương“, ngó dzô là … tối trời!😀

      > Dòng thứ tư: Người viết và người đọc cùng có một nhận định về đôi mắt của con bò, nó buồn chi mà buồn lạ, dù đẹp một cách vô hồn!

      Buồn thì đúng thật. Còn đẹp, thì chưa bằng… “mắt nai”, thưa chị!

      Nếu nam nhân nào không tin, thử khen phái nữ: “mắt em/chị/cô/bà đẹp như … mắt bò”, sẽ biết ngay thế nào là … lễ độ! Hmmm! 😍

      > Hình một đôi mắt thật đẹp của con người bị quay ngược lại sẽ thấy nét vô hồn của con bò trong đó

      Không có gì để phải “phản đối” điều chị ghi như trên. Nhưng sao mà khi nhớ lại cảnh “Của Bò và Người” đó, tôi vẫn rờn rợn, như bị ai chà xát vào vết thương chỉ vừa mới mọc da non. Đó là nói thật, thưa chị.

      Rất vui nhận được sự phân tích tỉ mỉ của chị Như Hoa – Ấu Tím. Thank you. -TTTín

  6. Music.hank

    Có một bài nhạc của Nga , khá nổi tiếng là :
    ” les yeux noires “

    • editor

      Xin cảm tạ bạn Music.hank đã giới thiệu nhạc phẩm Les Yeux Noires (Mắt Huyền), hình như là của Pháp, trong phần góp ý. -TTTín

      • editor

        Xin bổ túc thêm: Đúng như bạn Music.hank đã ghi, có một bài nhạc của Nga, tên là Dark Eyes, lời nhạc (lyrics) được ấn hành khoảng 1874.

        Bản nhạc lời tiếng Nga có thể được nghe tại https://en.wikipedia.org/wiki/File:Ochi_chernie.ogg. -TTTín

  7. AD

    Với truyện Đôi Mắt, phần kết để lại cho tôi một khoảng thinh lặng. Tôi nhớ về những đôi mắt bò mình từng thấy (và luôn nghĩ mắt bò thật to và đẹp). Tôi chưa từng gặp ai có đôi mắt giống như mắt bò.

    Cái kết trở nên ám ảnh hơn, khi ở đây, anh đặt ra một câu hỏi: Đó là thấp đến tận cùng, hay là cao đến tận cùng. Chiến tranh và cái chết xung quanh sẽ đưa ta về đâu, ở một trong hai thái cực đó.

    Tôi không sống trong chiến tranh, có lẽ chỉ cảm nhận được một phần nhỏ của bối cảnh đó, nhưng khi đọc lại tôi cảm thấy sự ám ảnh và cái rợn của ánh mắt này.

    Có một ý, mong anh chia sẻ thêm. Cá nhân tôi cảm thấy câu chuyện thứ hai về đôi mắt bò có độ nặng và tính ám ảnh hơn, khi đặt cạnh câu chuyện của anh hoạ sĩ và cô gái khoả thân lại thấy không cân nhau về sức nặng. Tuy nhiên, tôi cho rằng anh có thể có hàm ý gì ở đây?

    • editor

      Câu truyện anh hoạ sĩ và cô người mẫu có thể được xem như một “hậu cảnh” (background) thanh thoát, yên bình trong nghệ thuật. Trái ngược hẳn là một “tiền cảnh” (foreground) chết chóc, hỗn loạn trong chiến tranh úp chụp lên người đàn ông và con bò. Tựa như sự tương phản giữa ngày và đêm, tĩnh và động.

      Nhưng sẽ không có gì là tuyệt đối hết cả: Vì chẳng có nơi nào sẽ luôn luôn chuyển động hay hoàn toàn tĩnh lặng. 

      Giữa những hoảng loạn, chết chóc của chiến tranh, người đàn ông đó đã tìm được “yên bình” vì đã “thoát” khỏi những hệ luỵ của con người, và “đạt” tới độ vô cảm trước những kinh hoàng của đời sống.

      Ngược lại, trong sự nhàn nhã, yên bình của nghệ thuật, rất-có-thể anh hoạ sĩ trẻ đã tìm thấy trong ánh mắt của cô người mẫu khoả thân những “xung đột” nẩy lửa giữa ước vọng thuần khiết cho nghệ thuật và khát khao vẩn đục của dục tình nơi thân xác.

      Còn anh thí sinh hoạ sĩ và sự giằng xé trong tâm tư? “Tuân thủ” theo đề thi? Hay “phá cách” để sống hết mình cho nghệ thuật?

      Vượt ra khỏi lối mòn truyền thống, anh thí sinh tự “cởi trói” và lao vào ngọn lửa đam mê hội hoạ đang bùng cháy trước mắt. Ngay sau đó, anh thí sinh đã xuất thần thành hoạ sĩ xuất sắc “ghi” lại được trên khung vải những thể hiện của sự xung đột nội tâm ánh lên đôi mắt của cô người mẫu!

      Một kết hợp hiếm hoi như thế giá trị hơn biết mấy những nét vẽ khoả thân mà thường ra mọi hoạ sĩ đều có thể vẽ được.

      Hai đôi mắt của người đàn ông và cô người mẫu đều đã tích cực “tham gia” vào việc gây ấn tượng tại “tiền cảnh” và “hậu cảnh.” Hai đôi mắt đó như đã được khắc sâu thành ‘ấn chứng’ cho những cảnh đời đối nghịch.

      Tuy nhiên, statistically, chứng kiến được cả hai “sự cố” xẩy ra tại cả hai nơi “tiền cảnh” và “hậu cảnh” là một điều gần như không thể xẩy ra đối với một người bình thường.

      Và câu truyện xẩy ra nơi “hậu cảnh” về anh hoạ sĩ và cô người mẫu cũng chỉ là những điều mà người viết được nghe kể lại – như đã được rõ rệt ghi lại trong câu truyện.

      Do vậy, trong phần “hậu cảnh” viết về đôi mắt của cô người mẫu, chọn lựa đúng đắn nhất cho người viết, theo thiển ý, chỉ có thể là một sự “gợi ý” về những ánh mắt “chẳng thể mô tả bằng lời.” Và người đọc có toàn quyền diễn giải những ánh mắt đó theo cảm quan và kinh nghiệm sống của riêng họ.

      Vì thế, hệ quả tất yếu sẽ là một sự bất cân xứng trong sức nặng của hai phần “tiền cảnh” và “hậu cảnh,” đúng như AD đã nhận thấy.

      Mặt khác, nếu xem thường trí thông minh của người đọc và người viết cứ nặn ra “hư cấu” để khuôn đúc câu truyện cho được cân xứng, thì sự ‘đạo diễn’ thuộc loại cưỡng từ, đoạt lý đó chắc chắn sẽ bị những cặp mắt tinh tường của những “critical thinkers” ‘phát hiện.’ Khi đó câu truyện sẽ “Hư” và người viết sẽ bị “Cấu”… xé tơi tả!😄

      Cho đến nay, dù đã mấy mươi năm sau khi nghe được câu truyện về anh hoạ sĩ và cô người mẫu, tôi cũng chỉ có được những cảm nhận rất mơ hồ về “Đôi Mắt” của cô người mẫu, như đã ghi trong phần kết: “Mãi về sau, khi có dịp ôn lại câu chuyện xưa cũ, tôi mới lờ mờ cảm thấy hình như tôi hiểu thêm được tại sao anh thí sinh người Việt đó, hoàn toàn lạc đề, không vẽ cô người mẫu khoả thân như đề thi đưa ra, và chỉ vẽ Đôi Mắt của cô mà ban giám khảo của trường mỹ thuật Pháp vẫn quyết định chọn anh trúng tuyển.”

      Cám ơn bạn AD đã hỏi, nhờ vậy tôi mới có cơ hội… ‘bàn’ thêm. -TTTín

      Note: Khi những “đôi mắt” như của AD đọc sách/truyện, thì tác giả của những sách/truyện đó hẳn phải rất… “nervous.” Vì họ dễ bị “lột da” trước những tìm hiểu của AD – nhẹ nhàng sắc lẹm như lưỡi dao cạo, và mỏng manh soi thấu như… tia laser! Keep it up! 👍

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *