Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Eveline

‘Eveline’ (1904) là một truyện ngắn trong tuyển tập Dubliners (1914) của nhà văn Ái Nhĩ Lan James Joyce (1882-1941).

Trong năm phát hành đầu tiên, tuyển tập không thành công trong lãnh vực thương mại, chỉ bán được 379 quyển và James Joyce đã mua đến 120 quyển. Tuy vậy ngày nay, tuyển tập Dubliners được xem là tác phẩm tiêu biểu của tiểu thuyết hiện đại.

‘Eveline’ là một truyện khá ngắn, tập trung vào những giằng xé khốc liệt nơi một thiếu nữ, 19 tuổi, đứng trước một lựa chọn khó khăn: Hoặc tiếp tục đời sống không lối thoát của một người con gái giữ đúng lời hứa với mẹ chu toàn trách nhiệm lo cho gia đình. Hoặc thoát ly với người yêu để bắt đầu một cuộc đời mới, khởi sắc hơn, sinh khí hơn, ở một chân trời mới tại Buenos Aires, Argentina.

Trách nhiệm quá khổ, xung đột nội tâm, quyết định xung khắc, thoát ly trốn chạy, mặc cảm phạm tội, và sau cùng là buông bỏ (hoặc đúng hơn thì đó là sự bất lực không thể buông bỏ) vốn là những vấn đề điển hình luôn luôn hiện hữu trong ‘Cõi Người Ta’. Và những vấn đề đó đã được James Joyce ‘đóng khung’ trong ‘Eveline’.

. . . Ra sông! 
Biết mặt trùng dương. Biết trời mênh mông. 
Biết đời viển vông. Biết ta hãi hùng.

Viễn Du; Phạm Duy

Trần Trung Tín chuyển ngữ

Cô ngồi nơi cửa sổ nhìn buổi tối tràn đến chiếm đoạt con đường. Đầu cô tựa vào rèm cửa sổ và trong mũi cô là mùi vải bọc đầy bụi bặm. Cô mệt mỏi.

Có vài người đi ngang nhà. Người đàn ông qua khỏi căn phố cuối đang trên đường về nhà; cô nghe tiếng chân ông lộp cộp dọc theo vỉa hè bê tông và tiếp đó lạo xạo trên con đường nhỏ trước những ngôi nhà mới màu đỏ. Có một thời nơi đó từng là cánh đồng mà mỗi tối mọi người thường ra đó chơi đùa với con cái của người khác. Rồi một người đàn ông đến từ Belfast mua lại cánh đồng và xây trên đó nhiều ngôi nhà – không giống những căn nhà nhỏ màu nâu của họ mà là những ngôi nhà bằng gạch màu sáng có mái lấp lánh. Trẻ con ở cùng con đường thường rủ nhau ra chơi trên cánh đồng đó – gia đình Devines, gia đình Waters, gia đình Dunns, thằng bé Keogh bị tật, cô và anh chị em của cô. Tuy nhiên, Ernest không bao giờ chơi chung: anh đã quá trưởng thành. Cha cô thường cầm cây gậy táo đen của ông rượt đuổi các trẻ ngoài đồng; nhưng thằng bé Keogh thường lưu ý nhìn quanh và hét lên khi cha cô đi đến. Lúc bấy giờ có vẻ như họ vẫn khá hạnh phúc. Cha cô không quá tệ vào lúc đó; và thêm nữa, mẹ cô vẫn còn sống. Đó là cả một thời gian dài trước đây; cô và các anh chị trong nhà đều đã trưởng thành; mẹ cô đã mất. Tizzie Dunn cũng đã mất, và gia đình Waters đã về lại Anh quốc. Mọi thứ đều thay đổi. Hiện giờ cô sắp ra đi giống như bao người khác, rời bỏ mái ấm gia đình.

Mái ấm gia đình! Cô nhìn quanh căn phòng, duyệt lại tất cả những đồ vật quen thuộc mà từ nhiều năm qua mỗi tuần cô đều phủi bụi một lần, tự hỏi rằng không biết những hạt bụi này đã đến tự nơi nào trên quả đất. Có lẽ cô sẽ không bao giờ nhìn lại được những đồ vật quen thuộc mà trước đây không bao giờ cô mơ nghĩ đến việc bị chia lìa. Nhưng cũng trong suốt những năm đó, cô chưa bao giờ tìm được tên của vị linh mục có bức ảnh ố vàng treo trên tường bên trên chiếc kèn harmonium bị hỏng bên cạnh bản in màu của những lời hứa với Chân phước Margaret Mary Alacoque. Ông đã từng là bạn học của cha cô. Bất cứ khi nào đem bức ảnh ra khoe với khách, cha cô vẫn thường đưa đẩy:

“Hiện giờ ông ta đang ở Melbourne.”

Cô chấp nhận ra đi, rời bỏ gia đình. Liệu đó là điều khôn ngoan? Câu hỏi này làm cô đắn đo cân nhắc mãi. Ở nhà, dù sao, cô cũng có nơi trú ngụ và thực phẩm; cô có những người mà cô đã biết trong suốt cả đời. Hẳn nhiên cô phải làm việc cật lực, cả trong nhà lẫn ngoài chỗ làm. Trong cửa hiệu Stores, người ta sẽ bàn tán gì về cô khi họ biết cô trốn theo trai? Nói rằng cô là kẻ rồ dại, chắc vậy; và chỗ làm của cô sẽ lại đầy những rao vặt về thiên hạ sự. Cô Gavan sẽ mừng. Cô ấy luôn luôn át giọng Eveline, nhất là bất cứ khi nào có người muốn nghe chuyện.

“Miss Hill (Hill: họ của Eveline), cô không thấy quý bà này đang chờ hay sao?”

“Làm cho có vẻ tưng bừng lên chứ, Miss Hill.”

Cô sẽ chẳng mất nhiều nước mắt lúc rời bỏ cửa hiệu Stores.

Nhưng trong căn nhà mới của cô, trong một đất nước mù khơi xa lạ, sự thể sẽ không giống vậy. Rồi cô sẽ lập gia đình – cô, Eveline. Khi đó, mọi người đối xử với cô với sự tôn trọng. Cô không bị đối xử giống như mẹ cô. Ngay cả bây giờ, dù hơn mười chín tuổi, đôi khi cô vẫn cảm thấy bản thân bị nguy hiểm vì sự hung bạo của người cha. Cô biết chính điều đó khiến tim cô đập loạn xạ. Khi anh em cô lớn lên, cha cô chưa bao giờ đánh cô như ông từng đánh Harry và Ernest, vì cô là con gái nhưng sau đó ông bắt đầu đe dọa cô và nói rằng ông sẽ đánh cô chỉ vì người mẹ đã khuất của cô. Và hiện giờ cô không có ai bảo vệ. Ernest đã chết và Harry, sống bằng nghề trang trí nhà thờ, gần như luôn luôn trôi nổi ở một nơi nào đó trên đất nước này. Lại nữa, những gấu ó thường xuyên về tiền bạc vào mỗi tối thứ Bảy bắt đầu làm cô mệt mỏi vô tả. Cô luôn luôn đưa hết tiền lương của mình – bảy shilling – và Harry luôn luôn gửi đến ông bố những gì anh có thể kiếm được nhưng mỗi khi hỏi ông tiền là cả một vấn đề. Ông nói rằng cô thường phung phí tiền bạc, rằng cô không có cái đầu, rằng ông sẽ không đưa cô số tiền mà ông chật vật lắm mới kiếm được để cô ném ra đường, và thêm nữa, là ông thường khá tệ hại vào tối thứ Bảy. Cuối cùng ông cũng đưa cô tiền và hỏi cô có định mua bữa ăn tối Chủ nhật không. Rồi cô phải lật đật chạy ra chợ và lo mua sắm, tay cô giữ chặt chiếc ví da màu đen trong khi len lỏi qua đám đông và trở về nhà muộn với các thứ mua sắm. Cô làm lụng vất vả để giữ cho căn nhà được tươm tất và để thấy hai đứa trẻ đã giao cho cô chăm sóc được đi học đều đặn, và ăn uống đều đặn. Đó là một công việc cực nhọc – một cuộc sống cực nhọc – nhưng hiện giờ khi cô sắp rời bỏ nó, cô đã không thấy đó là một cuộc sống hoàn toàn không chấp nhận được.

Cô sắp cùng với Frank khám phá một đời sống khác. Frank rất tử tế, nhiều nam tính, cởi mở. Cô sẽ ra đi với anh bằng chiếc thuyền đêm để thành vợ của anh và sống với anh tại Buenos Ayres là nơi anh có một ngôi nhà đang chờ đợi cô. Cô nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp anh; lúc ấy anh đang ở trong ngôi nhà trên con đường chính mà cô thường đến thăm. Việc này như mới xẩy ra vài tuần trước. Anh đứng ở cổng, chiếc mũ lưỡi trai đội quay ngược trên đầu và tóc anh rũ ra phía trước trên gương mặt màu đồng. Rồi họ tiến đến chỗ quen nhau. Anh thường gặp cô bên ngoài cửa hiệu Stores mỗi tối và đưa về nhà. Anh đưa cô đi xem phim The Bohemian Girl và cô cảm thấy lâng lâng ngây ngất khi ngồi bên anh ở một góc xa lạ trong rạp hát. Anh cực kỳ yêu thích âm nhạc và hát được chút ít. Ai cũng biết là cả hai đang say men tình và, khi anh hát bài hát về cô thiếu nữ trẻ yêu anh thủy thủ, thì cô luôn luôn cảm thấy rộn ràng bối rối. Anh thường gọi đùa cô là Poppens. Thoạt tiên đó là cả một sự háo hức cho cô khi có bạn trai và rồi cô bắt đầu thích anh. Anh biết nhiều truyện dân gian của những đất nước xa xôi. Anh bắt đầu làm trên tàu như một người giúp việc vặt trên boong (deck boy) lương mỗi tháng 1 Anh kim trên tàu của hãng Allan Line vận chuyển sang Canada. Anh kể cho cô tên của những con tàu anh từng ở trên đó và tên nhiều dịch vụ khác nhau. Anh đã vượt qua Eo biển Magellan và anh kể cho cô nhiều câu truyện về những người khổng lồ gớm ghiếc Patagonians. Anh nói, anh đã quỵ xuống đôi chân của anh tại Buenos Ayres, và về thăm quê cũ chỉ trong ngày nghỉ lễ. Hiển nhiên, cha cô thấy ra được mối quan hệ tình cảm giữa hai người và cấm cô không được nói chuyện với anh.

“Tao biết tỏng những tay thủy thủ giang hồ này,” ông bố nói.

Một ngày nọ ông bố cãi nhau với Frank và sau đó cô con gái của ông phải lén lút khi gặp gỡ người yêu của cô.

Đêm xuống sâu trong con đường. Màu trắng của hai lá thư trên đùi cô trở nên bất khả phân biệt. Một thư cho Harry; và thư kia cho cha cô. Ernest là người mà cô từng mến chuộng nhưng cô cũng thích Harry. Cha cô trở nên già đi lúc gần đây, cô nhận thấy vậy; ông sẽ nhớ cô. Thỉnh thoảng ông rất dễ thương. Không lâu trước đó, khi cô phải nằm liệt cả ngày, ông đọc truyện ma cho cô nghe và nướng bánh mì cho cô tại lò sưởi. Một ngày khác, khi mẹ cô còn sống, tất cả mọi người đi picnic ngoài trời ở đồi Hill of Howth. Cô vẫn nhớ là cha cô đội chiếc mũ ca-pô của mẹ cô lên đầu ông để chọc cười lũ trẻ.

Thời gian của cô không còn dài nhưng cô tiếp tục ngồi bên cửa sổ, tựa đầu vào tấm màn che, hít vào mũi mùi cretonne bụi bặm. Tận phía xa cuối con đường cô có thể nghe được tiếng phong cầm vẳng lại. Cô biết không gian này. Lạ một điều là nó lại đến với cô ngay đêm đó để nhắc cô nhớ lại lời đã hứa với mẹ, lời hứa sẽ gắng hết sức của cô để gìn giữ mái ấm gia đình. Cô nhớ đến đêm cuối cùng của người mẹ bệnh hoạn; cô lại thấy mình đang trong căn phòng tối kín bưng ở phía bên kia hành lang và ở bên ngoài cô nghe được âm điệu thảm sầu của nước Ý. Người chơi đàn phong cầm được lệnh phải đi chỗ khác và được cho sáu xu. Cô nhớ cha cô khệnh khạng quay trở lại phòng bệnh nói:

“Quỷ ma cái bọn người Ý! bước sang đây!”

Khi cô suy ngẫm về hình ảnh thương tâm của cuộc đời mẹ cô và điều đó đã nhanh chóng làm ruỗng nát tâm can cô – đó là cuộc đời của những hy sinh thường hằng khép lại trong sự mê muội chung cuộc. (As she mused the pitiful vision of her mother’s life laid its spell on the very quick of her being – that life of commonplace sacrifices closing in final craziness.) Người cô run lên khi cô lại nghe được giọng của mẹ cô nhất mực khăng khăng nói trong mê sảng:

“Derevaun Seraun! Derevaun Seraun!1

Cô đứng dậy trong nỗi kinh sợ bất ngờ. Thoát ly! Cô phải thoát ly! Frank sẽ cứu cô. Anh sẽ đem đến cho cô một đời sống, có lẽ cả tình yêu nữa. Nhưng cô muốn sống. Tại sao cô lại bất hạnh? Cô được quyền có hạnh phúc. Frank sẽ giữ cô trong vòng tay của anh, ôm cô trong vòng tay của anh. Anh sẽ cứu cô.

Cô đứng giữa đám đông đang quay cuồng trong bến tàu North Wall (Dublin, Ireland). Anh nắm tay cô và cô biết anh đang nói với cô, nói điều gì đó về chuyến đi, lập đi lập lại mãi. Bến tàu toàn là những lính với túi hành lý màu nâu. Xuyên qua những khung cửa rộng của nhà kho, cô thoáng thấy khối đen to tướng của con thuyền, nằm bên cạnh bức tường của cầu tàu bến cảng, với những ô cửa sổ lấp lánh. Cô không trả lời gì cả. Cô cảm thấy gò má nhợt nhạt và lạnh ngắt và, trong tâm trí rối bời đầy khổ não, cô cầu nguyện Thượng Đế hướng dẫn cô, chỉ cho cô biết phải làm gì. Con thuyền rú lên hồi còi dài thê lương trong màn sương mờ mịt. Nếu ra đi, ngày mai cô sẽ lênh đênh trên biển với Frank, hướng đến Buenos Ayres. Chuyến đi này họ đã đặt mua từ trước. Liệu cô còn có thể rút lại sau tất cả những gì anh đã làm cho cô? Nỗi căng thẳng này khiến cô muốn nôn oẹ và cô tiếp tục máy môi mãnh liệt cầu nguyện trong câm lặng.

Có tiếng chuông vang lên đập mạnh vào tim cô. Cô cảm thấy anh nắm chặt lấy bàn tay cô:

“Come! Đi!”

Biển cả khắp nơi xô nhau đổ dồn về quả tim cô. Anh đang kéo cô tiến vào nơi biển dữ: anh sẽ dìm cô chết đuối. Cô nắm chặt lan can sắt bằng cả hai bàn tay.

“Come! Đi!”

Không! Không! Không! Không thể được. Hai bàn tay cô bấu cứng thanh sắt trong điên dại. Ngay giữa biển khơi của muôn trùng, cô nghẹn ngào trong đau khổ.

“Eveline! Evvy!”

Anh vội vã vượt ra khỏi rào chắn và gọi cô đi theo. Bị người chung quanh quở trách khi tiếp tục kêu gào nhưng anh vẫn cố gọi cô. Cô hướng gương mặt trắng bệch về phía anh, thụ động, hệt như một con thú bất lực. Trong ánh mắt của cô, anh không tìm được dấu hiệu của tình yêu, hay vĩnh biệt hay nhận biết.

Trần Trung Tín chuyển ngữ
San Jose, ngày 05 tháng 7, 2023


Bài Đọc Thêm:


Chú thích

  1. “Derevaun Seraun!” là nhóm chữ chẳng có ý nghĩa gì của người Gaelic nói tiếng Celtic của Scotland. Khi dùng nhóm chữ này, có thể James Joyce có ý muốn nói đến sự mơ hồ.

    Nhưng có diễn dịch khác cho rằng James Joyce dựa theo ý của người Irish Gaelic, muốn nói: “At the end of pleasure, there is pain“. “Tận cùng của một niềm vui, sẽ có sự đau khổ.” Theo đó, người mẹ của Eveline muốn lưu ý cô là dù mọi sự có vẻ tốt lành cho cô vào lúc đó, cuối cùng sự thể sẽ tệ hại.

4 Comments

  1. Hung Nguyen

    Chào anh Tín,

    Cám ơn anh đã gửi bài. Anh chuyển ngữ có thể nói là xuất sắc. Mong anh sẽ có nhiều tác phẩm dịch thuật hoặc những truyện do chính anh viết cho bạn đọc sau này.

    Chúc anh nhiều sức khỏe!

    em Hùng Nguyễn

    • editor

      Cám ơn bạn Hùng đã đọc và góp ý. Thực tình tôi cũng tưởng Hùng chỉ thích đọc về… computers, networks! 😎 Sẽ cố gắng làm theo lời góp ý của Hùng. Thân. -TTTín

  2. Chi Vu

    Hello Tín,
    Truyện ngắn chuyển ngữ hay, mạch lạc.
    Hy vọng được đọc thêm nhiều tác phẩm nữa.
    Cám ơn và thân chúc sức khỏe!
    Vũ Kim Chi

    • editor

      Hello chị Chi, Tín cám ơn chị đã “quá bộ” sang thăm cái “quán ảo” (~ virtual cybercafe! 😀) nho nhỏ bên trời có tên Góp Nhặt Cát Đá.

      Với các truyện ngắn Anh ngữ, dường như đa số độc giả người Việt thường dễ quen thuộc với các truyện ngắn loại “cổ điển” ‘classic short stories’ như của Hemingway, O. Henry, William Faulkner, hay James Joyce… Phải nói là những truyện ngắn đó đọc thấy rất “ác liệt”.

      Tuy vậy, để “thay đổi không khí”, Tín sẽ cố gắng “góp nhặt” thêm một số truyện ngắn của những tác giả thuộc các thế hệ gần đây với các truyện ngắn của họ được xếp vào loại ‘contemporary short stories’. Hy vọng sắp tới sẽ có dịp “trình làng” và trình chị Chi một ít truyện ngắn đó. Thân kính. -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *