Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Choang

A Clean, Well-Lighted Place là một truyện ngắn của Ernest Hemingway, phát hành lần đầu tiên vào năm 1933. Hemingway từng cho biết đó là truyện ngắn đắc ý nhất của ông.

Nhà phê bình văn chương James Joyce cũng đã nhận xét: “Ông ta [Hemingway] đã làm ngắn đi khoảng cách mong manh giữa văn chương và đời sống, một điều mà bất cứ người cầm bút nào cũng đều gắng làm. Bạn đã đọc ‘A Clean Well-Lighted Place’ chưa?… Đó là của bậc thầy. Quả thực, đây là một trong những truyện ngắn hay nhất có thể viết được…”

“He [Hemingway] has reduced the veil between literature and life, which is what every writer strives to do. Have you read ‘A Clean Well-Lighted Place’?…It is masterly. Indeed, it is one of the best short stories ever written…”

James Joyce

Trần Trung Tín chuyển ngữ

Đã rất trễ và ai cũng rời quán café ngoại trừ ông già ngồi trong bóng tối dưới đám lá cây nhô ra che mất ánh đèn điện. Ban ngày bụi bặm đầy đường, nhưng tới tối sương rớt xuống làm bụi đường nằm im và ông già thích ngồi lại khuya bởi vì ông bị điếc và bây giờ đêm im lặng và ông cảm thấy sự khác biệt.  Hai anh hầu bàn trong quán café biết là ông già này đã hơi say, và dù ông ta vẫn là một khách hàng tốt họ biết là nếu say quá, ông ta sẽ đi ra mà không trả tiền, vì vậy họ vẫn phải lưu tâm trông chừng.

“Tuần qua ông này tính tự tử,” một anh hầu bàn nói.

“Tại sao vậy?”

“Ổng ta tuyệt vọng.”

“Vì chuyện gì?”

“Không vì chuyện gì hết.”

“Sao anh biết không vì chuyện gì hết?”

“Ổng ta có nhiều tiền.”

Họ ngồi cùng bàn ở sát bên tường gần cửa ra vô quán café và nhìn ra sân lộ thiên bên ngoài bàn nào cũng trống ngoại trừ chỗ ông già ngồi trong bóng tối dưới đám lá của ngọn cây đang dật dờ trong gió. Có cô con gái và anh lính nọ đi ngang qua trên đường. Đèn đường lấp lánh lên con số trên cổ áo của anh ta. Cô con gái không đội khăn che đầu và vội vã bên cạnh anh lính.

“Lính tuần sẽ bắt anh này,” một anh hầu bàn nói.

“Có nhằm nhò chi nếu anh ta lấy được cái mà anh ta muốn tìm?”

“Anh chàng này biết khôn thì phải bước cho lẹ ra khỏi con đường ngay bây giờ. Lính tuần sẽ bắt anh ta. Họ mới đi ngang qua năm phút trước đây.”

Ông già ngồi trong bóng tối cầm ly gõ nhẹ nhẹ lên cái đĩa. Người hầu bàn trẻ đi tới.

“Ông muốn cái gì?”

Ông già ngó anh ta. “Cho ly nữa,” ông nói.

“Ông sẽ say xỉn cho coi,” người hầu bàn nói. Ông già ngó anh ta. Anh hầu bàn bỏ đi.

“Ông nội này sẽ ngồi đây suốt đêm,” anh ta nói với anh bạn đồng nghiệp. “Buồn ngủ quá rồi. Không hồi nào mà tui được vô giường trước ba giờ sáng. Ông già này nên giết ổng chết luôn hồi tuần qua cho rồi.”

Anh hầu bàn lấy ra chai rượu và một cái dĩa khác nơi quầy bên trong quán café và dậm mạnh chân bước tới bàn ông già. Anh ta để xuống cái dĩa và rót đầy ly rượu.

“Ông nên giết ông chết luôn hồi tuần qua cho rồi,” anh ta nói cho ông già điếc nghe. Ông già giơ tay ngoắc ngoắc anh hầu bàn. “Cho thêm chút nữa,” ông nói. Anh hầu bàn rót rượu vào ly tới độ trào ra tuôn xuống dĩa. “Cám ơn,” ông già nói. Anh hầu bàn đem chai rượu trở vô trong. Anh ta lại ngồi xuống bàn với người bạn đồng nghiệp.

“Giờ thì ổng say thiệt rồi,” anh ta nói.

“Tối nào ổng cũng say.”

“Ổng muốn tự giết ổng để làm chi vậy?”

“Làm sao tao biết được.”

“Làm sao ổng làm được chuyện đó?”

“Ổng treo cổ bằng dây thừng.”

“Ai cắt dây đem ổng xuống?”

“Cháu gái của ổng.”

“Tại sao làm vậy?”

“Bị sợ cho linh hồn của ổng.”

“Ông già có bao nhiêu tiền vậy?”

“Nhiều lắm.”

“Ông già chắc phải cỡ tám mươi.”

“Thì tao cũng tính nói là ổng tám mươi.”

“Ước chi ông già đi về nhà ổng giùm. Tui không bao giờ được vô giường ngủ trước ba giờ sáng. Giờ giấc kiểu gì mà tới đó mới được vô giường?”

“Ông già thức khuya bởi ổng thích.”

“Ổng cô đơn. Tui không cô đơn. Tui có vợ chờ tui trong giường.”

“Có một thời ông già cũng có vợ.”

“Bây giờ thì có vợ cũng không tốt chi cho ổng.”

“Mày không thể nói vậy được. Ổng già có thể khá hơn với bà vợ.”

“Cháu gái ổng săn sóc cho ổng. Anh nói là cô đó cắt dây đem ổng xuống.”

“Tao biết chớ.”

“Tui không muốn già tới cỡ đó. Một ông già là một cái gì đó nhớp nhúa (a nasty thing).”

“Không phải hồi nào cũng vậy. Ông già này sạch sẽ. Ổng uống đâu có bị trào ra hồi nào đâu. Ngay như bây giờ, say mướt cũng vậy. Ngó coi ổng kìa.”

“Tui không muốn ngó tới ổng. Tui muốn ổng đi về nhà. Ông già này không biết điều với mấy người phải đi làm.”

Ông già ngó từ cái ly của ổng ngang qua sân rồi tới hai anh hầu bàn.

“Cho ly nữa,” ông già chỉ vô cái ly. Anh bồi đang muốn gấp về bước tới. 

“Chấm dứt,” anh nói, kiểu trật văn phạm của thứ dân ngu ngốc đem ra nói với người say rượu hay người nước ngoài. “Tối nay hết rồi. Tới giờ đóng cửa.”

“Cho thêm ly nữa,” ông già nói.

“Không. Chấm dứt.” Anh bồi trẻ lấy khăn ra lau cạnh bàn và lắc đầu. 

Ông già đứng dậy, từ từ đếm đống dĩa, móc ra cái bóp da và trả tiền rượu, không quên để lại tiền tip.

Anh hầu bàn nhìn ông đi xuống đường, một ông già quá già bước đi không vững nhưng vẫn đàng hoàng phong thái.

“Sao mày không để ổng ngồi lại uống?” người hầu bàn không gấp về nhà hỏi.  Họ đang dựng lên mấy tấm che để đóng cửa quán. “Chưa tới hai rưỡi mà.”

“Tui muốn về nhà đi ngủ.”

“Một tiếng đồng hồ đâu có là cái gì?”

“Nhiều với tui hơn là với ổng.”

“Một tiếng đồng hồ thì ai cũng như ai.”

“Anh nói kiểu như ông già. Ổng có thể mua nguyên chai và đem về uống tại nhà.”

“Uống vậy không giống như ở quán.”

“Không, không giống,” anh hầu bàn có vợ cũng đồng ý. Anh ta không muốn xử tệ với ông già. Anh chỉ gấp về.

“Còn mày? Bộ mày không sợ về nhà trước giờ bình thường hả?”

“Bộ anh tính chửi xéo tui đó sao?”

“Không có, mày, tính ghẹo chơi chút xíu.”

“Không,” người hầu bàn gấp về nói, anh đứng thẳng người lên sau khi kéo cửa sắt xuống. “Tui có tự tin. Tui hoàn toàn tự tin.”

“Mày có tuổi trẻ, tự tin, và việc làm,” anh hầu bàn già hơn nói. “Mày có mọi thứ.”

“Và anh thì thiếu cái gì?”

“Cái gì cũng thiếu, ngoại trừ công chuyện làm.”

“Anh có hết thảy mấy thứ mà tui có.”

“Không. Tao không bao giờ có tự tin và tao không trẻ.”

“Thôi đi ông nội. Đừng có nói mấy chuyện tào lao và lo khoá cửa lại đi.”

“Tao là thứ thích ở lại trễ trong quán café,” người hầu bàn lớn tuổi nói. “Với tất cả những ai không muốn đi ngủ. Với tất cả những ai cần ánh sáng trong đêm.”

“Tui muốn đi về nhà và vô giường.”

“Tao với mày là hai thứ khác biệt,” người hầu bàn già hơn nói. Bây giờ thì anh ta đã mặc đồ để đi về nhà. “Cũng không phải chỉ là câu hỏi về tuổi trẻ và tự tin mặc dù mấy thứ đó thì thiệt là đẹp. Mỗi tối tao đều không muốn đóng cửa vì nghĩ tới chuyện có người nào đó cần tới quán café.”

“Cha nội, thì có mấy quán ăn khuya mở nguyên đêm kìa.”

“Mày không hiểu chi hết. Đây là quán café sạch sẽ và dễ thương. Đèn sáng choang. Ánh đèn rất tốt và bây giờ, còn có bóng che của lá nữa.”

“Thôi, chào,” anh hầu bàn trẻ tuổi nói. 

“Chào,” anh hầu bàn có tuổi nói. Tắt đèn điện rồi, anh ta lại tiếp tục nói chuyện một mình với chính anh ta. Đúng là vì ánh đèn rồi, dĩ nhiên, nhưng cũng cần có một chỗ sạch sẽ và dễ chịu. Mày không muốn âm nhạc. Tất nhiên là mày không muốn âm nhạc. Cũng như mày không thể đàng hoàng đứng khơi khơi trước quán bar mặc dầu đó là tất cả những gì có được trong mấy tiếng đồng hồ này. Ông già sợ cái gì vậy? Không phải là nỗi sợ sệt hay sự kinh hãi. Mà cái đó chính là cái không trống rỗng anh biết rất rành. Mọi thứ tất cả đều là không và một người cũng không là gì luôn. Chỉ có vậy và ánh đèn là tất cả những gì cần tới và một sự sạch sẽ và thứ tự nào đó.  Có người sống trong mấy thứ đó và không bao giờ cảm được nhưng anh ta biết mấy thứ đó tất cả đều là không và rồi không và không và rồi không (nada y pues nada y nada y pues nada). Cái không của chúng ta sản sinh ra không, không là tên của ngươi là vương quốc của ngươi không sẽ không là gì trong hư không như thể nó đang trong cái không. (Our nada who art in nada, nada be thy name thy kingdom nada thy will be nada in nada as it is in nada.) Hãy cho chúng ta cái không này cái không hàng ngày và chúng ta không là gì không có gì của chúng ta như khi chúng ta tạo ra cái không không có gì của chúng ta và cái không chúng ta không đi vào cái không nhưng gởi chúng ta đi từ chốn không;  rồi cũng không.  (Give us this nada our daily nada and nada us our nada as we nada our nadas and nada us not into nada but deliver us from nada; pues nada.) Ca ngợi cái không chất chứa đầy những cái không, không có cái gì với ngươi hết (nothing is with thee).  Anh ta mỉm cười và đứng trước quầy bar với một máy ép cà phê bằng hơi nước bóng loáng.

“Anh uống thứ gì?” người bán quán bar hỏi.

“Nada. Thứ không.”

“Otro loco mas. Thêm một mạng điên,” người bán quán bar nói và quay đi.

“Cho một ly nhỏ,” anh hầu bàn lớn tuổi nói.

Người bán quán bar rót vô ly cho anh hầu bàn.

“Đèn ở đây sáng và dễ thương nhưng có cái quầy bar thì không được chùi bóng,” người hầu bàn nói.

Người bán quán bar ngó qua anh hầu bàn nhưng không trả lời. Đêm dài, đã quá trễ để bắt chuyện.

“Anh muốn thêm một ly nữa không?” người bán quán bar hỏi. 

“Không, cám ơn,” anh hầu bàn nói và đi ra. Anh không thích quán bar và hầm rượu. Một quán café sạch sẽ, đèn đóm sáng choang lại là một chuyện rất khác. Bây giờ, không ngẫm nghĩ xa xôi thêm chi nữa, anh hầu bàn đi về nhà tới phòng của anh. Anh ta vô giường nằm và cuối cùng, với ánh sáng ban ngày, sẽ đi vào giấc ngủ. Sau hết, anh ta nói một mình, cũng có thể chỉ là bịnh mất ngủ. Nhiều người hẳn phải có bịnh này.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 28/11/2017


Bài Đọc Thêm:

◼︎Câu Chuyện Văn Học: Truyện Ngắn Sáu Chữ



4 Comments

  1. TrantuanngocK28

    Hoặc là sự khác biệt của lối sống và tư tưởng của Tây phương khác với Đông phương, hoặc là trình độ thưởng thức của tôi chưa đạt đến đâu, hoặc là chúng ta vẫn chưa diễn đạt được cái hay của tác giả Hemingway, để mà thưởng thức trọn vẹn. Cũng có thể là người Mỹ tham chiến trong hai cuộc chiến tranh lớn, đã đưa họ đến cái hãnh diện vượt qua cái cửa sổ của tâm hồn và họ đã cố gắng thổi phồng nền văn chương cho phù hợp với sự tiến triển về khoa học, kỹ thuật chăng? Tôi đọc Hemingway, tôi đọc Henry Miller chả thấy gì là hay, nếu so với các nhà văn của Pháp. Thậm chí tôi đã tìm đọc sách thơ của Phạm Công Thiện, người học giả được giới tri thức Việt Nam thổi phồng, và là gạch nối, tôi cũng chẳng thấy học hỏi hay lưu giữ được điều gì trong tâm tưởng cả.
    Trong khi một đoạn văn ngắn của một tác giả Pháp, ngồi quán cafe ở Paris, đang quậy ly cafe sữa và nhìn vào những hạt sữa trắng ngần đang xoáy tròn trong nền đen sánh như thể vũ trụ tối đen, và những tinh thể sữa như những tinh cầu, cuốn nhanh. Trong khoảnh khắc của vũ trụ này, là một thời gian dài của một số sinh vật, đã hình thành. Bao nhiêu lo âu, toan tính, tranh đua, bao nhiêu yêu thương, giận dữ, vui sướng, dã tâm của giống sinh vật này, đã nẩy sinh. Chỉ trong khoảng khắc đó, vài sát na đó, tất cả tinh thể sữa sẽ tan vào trong vũ trụ không còn lưu giữ gì. Khi có dịp đi tới Paris thăm viếng, tôi chỉ mong có thể ngồi một quán cafe để cho mình thưởng thức cái mà nhà văn này suy tưởng trong một buổi sáng đó, có ánh nắng chiếu qua nhánh cây của một góc phố, nhưng tiếc là không được dịp như thế.
    Đó là những áng văn ngắn, chẳng phải là những áng văn ca tụng cho là “best short stories” nhưng lại ẩn tàng trong người đọc suốt mấy chục năm.

    TrantuanngocK28

    • editor

      Ở đây tôi nghĩ hãy khoan bàn đến chuyện “đọc Hemingway” nếu chỉ căn cứ trên vài truyện ngắn hoặc vài quyển truyện dài của ông, trong khi văn nghiệp của Hemingway trải dài trong 20 quyển sách.

      Và chỉ nên giới hạn trong khuôn khổ của truyện ngắn A Clean, Well-Lighted Place (Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Choang) của ông.

      Trong A Clean, Well-Lighted Place, không có bóng dáng của Thế Chiến I, II, của Nội chiến Tây Ban Nha (The Spanish Civil War), và cũng không có gì liên quan đến khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ.

      Mà chủ đề (theme) của Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Choang / A Clean, Well-Lighted Place tập trung nơi sự cô đơn, trống rỗng và bế tắc trong đời sống của ông già nghiện rượu, vốn là mẫu người thường thấy trong xã hội.

      Là người có tiền nhưng ông già không biết đến những trò chơi trí tuệ của các bậc thức giả. Ông già cũng chẳng bận tâm đến các vấn đề siêu hình học (metaphysics) như giới thượng lưu trí thức. Mà ông già chỉ biết “quên đời” bằng cách bỏ tiền ra mua rượu và uống cho say khướt như những người homeless sống vất vưởng bên lề xã hội.

      Trong truyện, còn có hai nhân vật khác là hai anh hầu bàn bán rượu. Anh trẻ có vợ và anh lớn tuổi hơn sống một mình. Cả hai đều thuộc loại “tay làm, hàm nhai” và chẳng lưu ý đến các vấn đề cao siêu.

      Nhưng anh hầu bàn lớn tuổi, sống đơn độc, lại có nhiều cảm thông với ông già qua việc “uống cho quên đời”. Sự cảm thông đó không đến với anh qua sự lý giải về triết lý sống mà chỉ đến với anh vì cuộc đời của anh có điều tương tự với cuộc đời của ông già.

      Đó là việc cả hai đều bị vây hãm trong cô đơn và bị úp chụp trong cái “không” trống rỗng. Riêng ông già thì đã bị đè bẹp dưới sức nặng của cô đơn và chết ngộp trong cái “không” trống rỗng đó.

      Có lẽ nhận thấy rằng Hemingway đã đem đến được cho người đọc cảm giác (ghê rợn) về đời sống (cô đơn và trống rỗng), cho nên James Joyce, nhà phê bình văn chương người Ái Nhĩ Lan, đã bình luận về truyện ngắn A Clean, Well-Lighted Place như sau:

      “… Đó là của bậc thầy. Quả thực, đây là một trong những truyện ngắn hay nhất có thể viết được…”

      “… It is masterly. Indeed, it is one of the best short stories ever written …”

      Vì qua truyện ngắn này Hemingway đã:

          “… làm ngắn đi khoảng cách mong manh giữa văn chương và đời sống, một điều mà bất cứ người cầm bút nào cũng đều gắng làm.”

          “… has reduced the veil between literature and life, which is what every writer strives to do.”

      Mặt khác, nếu đọc Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Choang / A Clean, Well-Lighted Place trong tâm trạng của một trí thức duy lý thì e rằng khó “cảm” được sự ngơ ngác, thất thần của ông già cô đơn, hoàn toàn bị lạc lối trong dòng đời và nhìn đâu cũng chỉ thấy “không.”

      “Nỗi niềm” đó của ông già là những gì trực tiếp ảnh hưởng đến con người trong đời sống hàng ngày.

      Và đó không phải là những gì thuộc thể loại ‘tò mò trí thức’ (intellectual curiosity) về sự hình thành của một sinh vật nào đó hay sự tinh vi phức tạp của tinh thể, tinh cầu và bao la vô tận của vũ trụ.

      Do vậy, nếu đem kính viễn vọng thiên văn ra để dõi tìm, rồi phân tích và lý giải những gì không phải là tinh cầu hay vũ trụ mà chỉ là những điều thường thấy trong đời sống con người, thì tôi e rằng kính viễn vọng thiên văn đó sẽ chẳng bao giờ “thấy” được điều muốn tìm, dù rằng điều đó đang sừng sững ngay trong vùng cận của mắt trần. Nhất là một khi điều đó lại là những cái “không” hoàn toàn trống rỗng.

      Thank you anh Ngọc về comment của anh và cũng sorry với anh là tôi đã reply comment của anh quá trễ! -Trần Trung Tín

  2. Giang Trung Nguyen

    Ngày nay người ta thay chữ “dịch thuật” bằng “chuyển ngữ” bởi vì nó phù hợp và diễn tả được cách nói , cách trình bày trong câu chuyện hay trong bài viết của tác giả là nười ngoại quốc. Nếu dịch những bài về khoa học và kỹ thuật khó 10, thì khi chuyển ngữ các bài viết về tình cảm, xã hội có thể nói là khó gấp đôi.
    Thí dụ: somehow, somewhat thì cái nghĩa của nó tùy theo sự diễn tiến, tình tiết của câu chuyện mà rất khó dịch sang tiếng Việt, nếu người dịch “trung thành” với “closed meaning” thì người đọc khó mà hiểu được cái ý muốn nói của nguyên tác bằng ngôn ngữ nào đó.
    Xin cảm ơn anh Trần Trung Tín đã chịu khó dịch đoạn văn ngắn nầy, mà theo tôi rất khó chuyển ngữ vì trong văn nói được dùng trong một số hoàn cảnh xã hội không thể dịch theo kiểu “văn chương quý phái” được.

    • editor

      Xin cám ơn anh Giang đã đề cập sơ đến dịch thuật vs chuyển ngữ và những khó khăn trong lãnh vực này. Tuy không phải là nhà ngôn ngữ học, nhưng trong sự hiểu biết còn bị hạn chế của cá nhân, tôi nghĩ là ngôn ngữ của một quốc gia có thể được xem như là một túi chìa khóa, một thùng “đồ nghề” của một “anh thợ” để giúp anh ta có thể khai thác và tận dụng nguyên liệu, vật liệu trong kho tàng văn hóa của xứ sở của anh ta trong việc diễn đạt những ý tưởng.

      Bởi đó, khi “dịch thuật” hay “chuyển ngữ” một tác phẩm được hình thành bởi một ngôn ngữ khác, từ một văn hóa khác sang văn hóa của mình bằng ngôn ngữ của xứ mình, thì chắc chắn việc dịch thuật hay chuyển ngữ đó phải đối diện với hai khó khăn chính:

      1. sự cảm nhận và cách nhìn về một sự việc từ hai nguồn văn hóa khác nhau sẽ đưa đến nhiều khác biệt hay ngay cả dị biệt, trong nhiều trường hợp.
      2. hai ngôn ngữ, như hai túi chìa khóa, hay hai thùng đồ nghề của hai anh thợ làm khác nghề nhau, thì lại không thể hoàn toàn tương hợp được. Nhất là trong việc truyền đạt hay diễn tả “cảm nhận” – vốn là những gì có liên hệ rất nhiều đến tập quán, truyền thống và văn hóa của một xứ sở.

      Đó là còn phải kể đến những yếu tố chủ quan khác. Thí dụ như cần phải tương đối “hiểu” được cả hai văn hóa của hai ngôn ngữ. Tôi chỉ dám dùng nhóm chữ “tương đối hiểu được” mà thôi, vì muốn thực sự “hiểu” được một nền văn hóa thì cần nên phải thực sự sống, bơi lội và ngụp lặn lâu năm, ngay từ lúc còn bé cho đến, có khi là, suốt cả đời trong nền văn hóa đó. Bởi đó “hiểu” được và “diễn đạt” được những thể hiện tế vi của cả hai nền văn hóa một cách sâu sắc sẽ là một chuyện không phải dễ dàng.

      Xin được chia sẻ với anh Giang và quý vị bạn đọc một ít suy nghĩ về việc dịch thuật hay chuyển ngữ của một cá nhân không chuyên nghiệp trong việc dịch thuật. -Trần Trung Tín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *