Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Câu Chuyện Văn Học: Truyện Ngắn Sáu Chữ

 Brevity is the soul of wit!  ☞ Vắn tắt là mấu chốt của sự mẫn tiệp!

Polonius, kịch bản Hamlet; William Shakespeare

Một truyện ngắn – ngắn nhất – sẽ có thể “dài nhất” là bao nhiêu chữ?

Ở mặt sáng tạo trong văn chương, câu hỏi trên hàm chứa một thách đố to lớn cho một tác giả:  Chữ dùng phải thật ít –  ít đến độ không thể ít hơn nữa – và phải hình thành được một truyện ngắn thật nhiều giá trị.

Xin giới thiệu câu chuyện văn học về một truyện ngắn chỉ có sáu (06) chữ, mà có giai thoại ghi rằng tác giả của truyện này là Ernest Hemingway (1899-1961).


Tựa như nhiều giai thoại về giới nhà văn và sáng tác của họ, giai thoại về một câu chuyện chỉ có sáu chữ – rất nổi tiếng – đã khởi đi từ một tiệm ăn nơi các nhà văn thường tụ họp, với rượu bia và thuốc lá.

Vào năm 1991, Peter Miller, a literary agent – người đại diện nhà văn về việc xuất bản sách, đã phát hành quyển Get Published! Get Produced! A Literary Agent’s Tips on How to Sell Your Writing.  Trong quyển này, ông Miller có viết về việc Hemingway sáng tác một truyện ngắn sáu chữ.

Peter Miller cho biết là khoảng 1974, ông được nghe điều này từ một “nhà cung cấp báo có uy tín” (“well-established newspaper syndicator”).  

Theo đó, câu chuyện sáng tác của Hemingway đã diễn ra tại nhà hàng Lüchow’s (1882-1996)1 trong khu Manhattan, New York City như sau:

Tại bữa ăn trưa ở nhà hàng Lüchow’s cùng với vài nhà văn khác, Ernest Hemingway tuyên bố ông có thể viết một truyện ngắn chỉ dài sáu chữ. Dĩ nhiên, các nhà văn nọ khựng lại. Hemingway bảo mỗi người đặt lên bàn mười đô la để đánh cuộc. Ông nói, nếu không viết được, ông sẽ thua cuộc với đúng món tiền đó. Nếu viết được, ông sẽ lấy trọn món tiền. Rồi ông nhanh chóng viết ra sáu chữ lên một chiếc khăn ăn bằng giấy và chuyền cho mọi người trong bàn xem; Ông đã thắng cuộc.2 Sáu chữ đó là: 

For sale: Baby shoes. Never worn.

Bán: Giày trẻ con. Chưa mang.

Thoáng đọc qua, thì sáu chữ này có nội dung của một mẩu rao vặt, muốn bán đôi giày của đứa bé còn mới nguyên. Không hơn, không kém!

Tuy nhiên, ẩn chứa sau mẩu quảng cáo sáu chữ đó, còn có thể là câu chuyện thương tâm của bà mẹ với ước mơ có được đứa con.

Trong ước mơ đó của bà mẹ, hẳn đã ngập tràn những trìu mến và ưu ái dành cho đứa bé. Và những trìu mến và ưu ái đó được thể hiện rất giản dị qua đôi giày mới nguyên, được mua trước để dành cho em bé.

Nhưng rồi ước mơ đó đã bị vỡ vụn:

  • Hoặc vì em bé đã mất đi khi còn trong bụng mẹ.
  • Hay đã được sinh ra, nhưng sớm qua đời khi chưa đủ lớn để mang vào chân đôi giày mới được mẹ mua sẵn cho em.
  • Và cũng có thể là sau khi em bé mất đi, người mẹ không còn có thể sinh hạ thêm được nữa.

Ước mơ hiền hoà giản dị của bà mẹ muốn được trông thấy đứa con chập chững bước đi những bước đầu đời trong đôi giày mới đã hoàn toàn tan vỡ.

Trước mặt là những mất mát buồn đau sâu thẳm. Chợt có lúc tìm lại ước mơ cũ với hy vọng mỏng manh mong tìm lại được chút gì an ủi, thì bà mẹ chỉ còn thấy được… Đôi giày bé con. Mới nguyên. Và… Vô chủ!

Cuối cùng, sẽ chẳng có chọn lựa nào tốt đẹp cho bà mẹ hơn là để đôi giày mới nguyên của em bé và ước mơ vỡ vụn của bà cùng cất bước ra đi vào dĩ vãng.

Câu chuyện sáu chữ nói trên, mà Hemingway được xem là tác giả, thường được mô tả như một ‘huyền thoại văn học’, literary legend.

Vẫn được biết như một tài năng đặc sắc về truyện ngắn, và nếu Hemingway có là tác giả của câu chuyện ngắn trong huyền thoại văn học, thì đó cũng không là điều phải ngạc nhiên.

Tuy thế, điều đáng phải ngạc nhiên là mãi đến năm 1991, sau khi Hemingway qua đời được 30 năm, thì những luận bàn về việc Hemingway là tác giả của câu chuyện sáu chữ mới thấy xuất hiện trên các ấn phẩm hay tạp chí.

Do vậy đã có nhiều cố gắng tìm hiểu thêm về xuất xứ của câu chuyện sáu chữ này. Tuy nhiên, theo những kết quả của những tìm hiểu, thì xem ra Hemingway chẳng có chút gì liên quan đến câu chuyện ngắn đó.

Thực vậy, từ năm 1906, khi Hemingway được 7 tuổi, đã có nhiều phiên bản mà nội dung có ít nhiều liên quan đến câu chuyện sáu chữ trong ‘huyền thoại văn học’.

◼︎Năm 1906, theo điều tra của Quote Investigator, nơi phần rao vặt tên “Terse Tales of the Town” của tờ Ironwood News Record (18??-1921) tại Michigan, có đăng một quảng cáo: “For sale, baby carriage, never been used. Apply at this office. – Cần bán, xe đẩy em bé, chưa dùng bao giờ. Nộp đơn tại văn phòng này.”

◼︎Năm 1910, trên tờ The Spokane Press, có bài báo “Thảm Kịch Của Cái Chết Của Em Bé Được Tiết Lộ Qua Việc Bán Quần Áo” trong đó có mẩu quảng cáo: “Baby’s hand made trouser and baby’s bed for sale. Never been used.Cần bán quần may lấy và giường của em bé. Chưa dùng bao giờ.

Image of May 16, 1910, article from The Spokane Press, Public Domain

◼︎ Năm 1917, theo Quote Investigator, trong một ấn phẩm cho giới làm văn học bàn luận về việc sáng tác những truyện ngắn có tác dụng mạnh (composition of powerful short stories), William R. Kane đã viết một bài tiểu luận với tựa đề “Little Shoes, Never Worn – Đôi Giày Nhỏ, Chưa Mang.” Tựa đề ngắn gọn này được dùng để gợi ý cho câu chuyện về “người vợ mất con.” Trong bài tiểu luận này, Kane đề nghị là trong câu chuyện đó, người vợ nên cho đi đôi giày. Trong khi, nơi câu chuyện sáu chữ, thì đôi giày được đăng quảng cáo để rao bán.

◼︎ Năm 1921, theo Quote Investigator, Roy K. Moulton, phụ trách chuyên mục (columnist) cho tờ The New York Times, đã cho in một ghi chú ngắn mà ông đề là của JERRY. Ghi chú này có nói đến mục rao vặt muốn bán một xe đẩy trẻ:

There was an ad in the Brooklyn “Home Talk” which read, “Baby carriage for sale, never used.” Would that make a wonderful plot for the movies? JERRY

Có một quảng cáo trong mục Brooklyn “Home Talk” ghi là, “Bán xe đẩy em bé, chưa dùng bao giờ.” Biết đâu chừng điều đó sẽ dựng lên được một câu chuyện kỳ diệu cho các phim? JERRY

Mẩu ghi chú về quảng cáo bên trên đã “du hành” đến nhiều nơi trên mặt báo tại các thành phố Janesville, tiểu bang Wisconsin; Eau Claire, tiểu bang Wisconsin; và Port Arthur, tiểu bang Texas, cũng vào năm 1921.

◼︎ Vẫn theo Quote Investigator, vào những năm đầu thập niên 1920s, còn có thêm một số các câu chuyện tương tự khác, xuất hiện tại các thành phố và tiểu bang khác nhau tại Hoa Kỳ, có liên quan đến: “For sale, a baby carriage; never used.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại: Mãi đến thập niên 1990s, giai thoại về câu chuyện ngắn sáu chữ với tác giả là Hemingway mới xuất hiện và lưu hành trên các ấn phẩm – cả sách được in ra, cũng như tạp chí.

Như đã đề cập nơi phần đầu của bài viết, năm 1991, Peter Miller xuất bản quyển Get Published! Get Produced! A Literary Agent’s Tips on How to Sell Your Writing trong đó có nói đến việc Hemingway viết truyện ngắn sáu chữ trong lần đánh cuộc tại nhà hàng Lüchow’s.

Đến 1998, theo Quote Investigator, trong bài tiểu luận đăng trên Reader’s Digest, tại Anh, ông Arthur C. Clarke (1917-2008) cũng ghi nhận Hemingway là tác giả của câu chuyện sáu chữ.

Cũng nên biết, Arthur C. Clark là nhà văn nổi tiếng về khoa học và khoa học giả tưởng (science fiction). Ông còn là nhà tương lai học (futurist), và nhà phát minh (inventor). Tháng 5, năm 2000, ông Clark được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ (Knight Bachelor) vì “những đóng góp cho văn chương” (“for services to literature”).

Tuy vậy, phải sang đến đầu thế kỷ 21, thì giới học thuật có uy tín mới đem giai thoại này ra phân định. Và nguồn gốc của câu chuyện ngắn sáu chữ nói trên xem như đã được xác định qua bài viết đăng trên tạp chí The Journal of Popular Culture. 

Năm 2012,  Frederick A. Wright có bài viết đăng trên The Journal of Popular Culture để tìm hiểu và lượng định nguồn gốc của câu chuyện sáu chữ và Hemingway. Ông Wright đã đi đến kết luận là không có bằng chứng nào về  sự liên hệ giữa Hemingway và câu chuyện sáu chữ.

Ghi chú: Phát hành từ 1967, tạp chí The Journal of Popular Culture đặt trụ sở tại đại học Michigan State University. Có uy tín trong giới học thuật, tạp chí này chuyên ấn hành các tiểu luận (academic essays) về những vấn đề văn hoá phổ thông (popular culture) hoặc đại chúng (mass culture) và hàng năm vẫn tổ chức hội thảo về những vấn đề trên.

Trong những tìm hiểu về Hemingway và câu chuyện sáu chữ đó, cũng có những vị có ý  cho là Hemingway đã lừa gạt (cheat) hay ngay cả ăn cắp (steal) ý tưởng của người khác để viết truyện ngắn sáu chữ đó.

Họ lập luận rằng vì từng là nhà báo, nên Hemingway rất quen thuộc với thế giới báo chí, và biết rõ những “phiên bản” đã in trên mặt báo có liên quan đến câu chuyện. Và việc đánh cuộc tại nhà hàng đã do Hemingway cố ý xếp đặt để thắng món tiền và để là kẻ chiến thắng trong số những bạn văn ngồi cùng bàn.

Tuy nhiên, lập luận trên cũng không xác đáng vì không có một bằng chứng nào về việc Hemingway đã đánh cuộc với các bạn văn của ông tại nhà hàng Lüchow’s (hay Algonquin Hotel). Cũng như không có một bằng chứng nào về việc Hemingway đã từng sử dụng truyện ngắn sáu chữ đó.

Thành thử, khi xét nghiệm lại, xem ra giai thoại văn học trên là một “fake news” xuất phát từ quyển Get Published! Get Produced! A Literary Agent’s Tips on How to Sell Your Writing của Peter Miller, một agent chuyên lo chuyện in sách.

Có thể ông Peter Miller này vừa là một literary agent, vừa là một độc giả hâm mộ Hemingway một cách cuồng nhiệt thái quá, do thế ông đã tự động gán cho thần tượng Hemingway của ông là tác giả của câu chuyện sáu chữ nói trên.

Nhưng, cũng rất có thể bởi vì Peter Miller là một literary agent, sinh sống bằng nghề lo in sách cho các thân chủ là nhà văn, cho nên ông rất am tường việc tiếp thị bằng cách gây tiếng vang để tạo chú ý cho quyển sách của ông.

Tạo ra được một giai thoại qua việc Hemingway “cá độ” với bạn văn để viết truyện sáu chữ, thì đúng là đã gây ra được một “scandal” lớn trong lãnh vực văn chương và kết quả sẽ là có nhiều người biết đến quyển sách của Peter Miller!

Mặt khác, câu chuyện sáu chữ “For sale: Baby shoes. Never worn.” (được cho là) của Hemingway đã tạo hứng khởi cho nhiều người ưa chuộng trường phái văn chương tối giản, literary minimalism.

Điển hình là vào năm 2006, có một dự án khá nổi tiếng được biết đến là Six Word Memoirs (Hồi ký Sáu chữ). Dự án này được xem là nơi để trắc nghiệm khả năng người viết và cũng là nơi để thi thố tài năng sáng tạo ra những sáng tác.

Hiển nhiên, trọn vẹn sáng tác đó phải được thể hiện chỉ trong giới hạn sáu chữ:

Từ dự án này, người đọc có thể thưởng ngoạn những sáng tác của bất cứ ai thích viết, với nội dung có khi rất thú vị và đáng được tán thưởng như sáu chữ dưới đây mà tác giả John Roedel đã đóng góp cho Six-Word Memoirs:

Nên bắt nhốt thời gian vì chạy nhanh quá. [TTT: 9 chữ! 👎]

Chúng ta đều có thể nhận thấy, càng ngày mọi người càng bị lệ thuộc vào “văn minh Internet“. Nền văn minh Internet này được xây dựng bằng:

  • Đủ loại vật dụng high-tech như smart phones, smart vehicles, smart TV, smart watches, smart cameras, tablet computers…
  • Rồi đến vô số các “apps” (software ứng dụng) của TikTok, Instagram, YouTube, Facebook, Facebook Messenger, WhatsApp, Snapchat, Spotify… 

Càng bị cuốn theo nền văn minh Internet, thì càng quay cuồng, vội vã.  Để bắt kịp với nhịp quay của cuộc sống văn minh này thì tay phải nhanh, đầu phải lẹ. Ngay như ngôn ngữ sử dụng cũng có chỗ phải bị “nén lại” cho ngắn. Do thế, trong Anh ngữ càng ngày càng có thêm nhiều “ẩn ngữ” – là các chữ viết tắt bị dồn lại.

Điển hình là một số “ẩn ngữ” (chữ viết tắt) rất phổ thông được dùng qua các tin nhắn (text messages) hay emails, và có khi cả nói chuyện, ít ra thì cũng tại Mỹ, như:

  • ASAP: As soon as possible
  • FYI: For your information
  • ILY:  I love you
  • IMO: In my opinion
  • ETA: Estimated time of arrival
  • IDK: I don’t know
  • BFF: Best friend forever
  • LOL: Laughing out loud
  • B4N: Bye for now

Vì vậy,  cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên khi thấy thể loại chuyện ngắn “six word story” đã lan sang Tumblr – một social networking website, và Reddit’s /r/sixwordstories – một website được người dùng ưa chuộng và họ có thể xem và chia sẻ các links hoặc các tin nhắn của họ cho người khác thấy.  

Như mọi websites khác, hai websites trên đều có cả điều hay lẫn dở.  Riêng về phần chuyện ngắn sáu chữ, cũng có nhiều câu chuyện với nội dung chân tình và đầy sáng tạo. Không bị giới hạn trong một thể loại, nên có chuyện đem đến nụ cười, lại có chuyện phản ánh những khắc khoải nội tâm, và cũng có chuyện nói lên được điều cảm động – dù tất cả chỉ thể hiện trong sáu chữ.

Nhỉn lại những sự việc đó, thì Miller đáng bị chê trách vì đã tạo ra huyền thoại không có thực, lừa dối mọi người hay đáng được khen thưởng vì đã truyền được cảm hứng cho thể loại “hồi ký sáu chữ”?

Thực ra, có chê trách hay khen thưởng Miller thì đó cũng chỉ là chuyện liên quan đến một cá nhân và cũng không phải là điều quan trọng.

Mà điều thực sự quan trọng đáng nhớ chính là những tác động trực tiếp của câu chuyện sáu chữ lên người đọc:

  • Sáu chữ ngắn ngủi như thế tựa như cho thấy tác giả đang nặng suy tư hay quá xúc động, chỉ có thể thật vắn tắt bày tỏ những xúc cảm sâu đậm nhất.
  • Sáu chữ ngắn ngủi như thế đến với người đọc, trước tiên, qua sự cảm nhận, rồi đến cảm thông và chia sẻ với tác giả hơn là qua sự phân tích và lý luận.

Qua những xét nghiệm về huyền thoại văn chương “six-word story” như đã trình bày, xin được ghi lại nơi đây nhận xét của người viết:

  • Không nhất thiết phải là nhà văn nổi tiếng mới có thể viết lên được những câu chuyện đặc sắc, điển hình như trường hợp của Hemingway và câu chuyện sáu chữ đã gây ra nhiều tranh luận. 
  • Mà những ý tưởng đáng nhớ trong những câu chuyện gây đậm dấu ấn đó có thể được tự động phát sinh từ những tấm tình chân thật và cũng có thể được xuất sắc ghi lại bởi những ngòi bút vô danh không ai biết đến. 

Trần Trung Tín – Ngày 06/4/2024


Bài Đọc Thêm:

▪︎  Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Choang (truyện ngắn)


Chú thích

  1. Cũng có ấn bản khác cho rằng của câu chuyện sáu chữ được sáng tác tại khách sạn Algonquin Hotel.

    Khách sạn này khai trương vào năm 1902, là nơi mà vào thời 1919 đến 1929, nhóm trí thức New York (New York intellectuals) hay thích đến đó bàn luận và uống rượu trong giờ ăn trưa. Nhóm này gồm có nhà văn, nhà phê bình, diễn viên và nhà tư tưởng, được biết đến là nhóm Bàn Tròn Algonquin, Algonquin Round Table.

  2. Ernest Hemingway was lunching at Luchow’s with a number of writers and claimed that he could write a short story that was only six words long. Of course, the other writers balked. Hemingway told each of them to put ten dollars in the middle of the table; if he was wrong, he said, he’d match it. If he was right, he would keep the entire pot. He quickly wrote six words down on a napkin and passed it around; Papa won the bet. The words were “For sale: Baby shoes. Never worn.” – Peter Miller, Get Published! Get Produced! A Literary Agent’s Tips on How to Sell Your Writing.

8 Comments

  1. BPT

    Hay!

    • editor

      Cám ơn anh BPT. -TTTín

  2. Như Hoa

    Uống cà phê sáng và đọc – Hay tuyệt anh ạ!
    Thời gian chạy – nhốt nó lại!
    Không thể làm nên kệ nó vậy anh ạ!

    Ừ anh em mình bây giờ cũng đang chạy nhanh quá – phải ngồi xuống hít thở thôi!
    Mùa Xuân đến mà tiếng thở dài vẫn còn –

    • editor

      Chắc chị Như Hoa đã “bắt nhốt” được thời gian rồi cho nên mới thảnh thơi ngồi “Uống cà phê sáng và đọc”? 😃 Xin cám ơn chị đã có nhã ý nhắc nhở là “phải ngồi xuống hít thở thôi!” – TTTín

  3. Giang Nguyen

    Thật là tuyệt vời anh Tín ơi. Tôi rất thích thú câu chuyện và những sưu tầm của anh về câu chuyện 6 chữ. Tôi cũng học được tài chuyển ngữ từ Anh sang Việt của anh. I can say you are one of the best. G. London

    • editor

      Cám ơn sự ưu ái của anh Giang London “xứ sương mù.” Trong vụ ‘truyện ngắn 6 chữ’ này, thì thưa anh, trăm sự đều khởi đầu bằng chữ tò mò, qua câu hỏi: Truyện ngắn ngắn nhất “dài” bao nhiêu chữ? Không biết được câu trả lời. Thế là bắt đầu mày mò, tìm kiếm.

      Tìm được “chuyện lạ” cũng thích lắm, thưa anh. Rồi kế đó thì chịu khó sắp xếp, gọt giũa chữ nghĩa cho thành bài viết và đem lên blog chia sẻ với bạn đọc bốn phương. Cũng là niềm vui lớn cho tôi, khi được các anh chị đón nhận phần đóng góp của mình. Thank you again. -TTTín

  4. PTAN

    Cám ơn anh TTT cho đọc một câu chuyên rất lý thú.

    “For sale: Baby shoes. Never worn” = câu chuyện chỉ có 6 chữ, nhưng chứa đựng một nội dung rất lý thú.
    “Góp Nhặt Cát Đá”= trang web chỉ có 4 chữ, nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện lý thú!

    PTAN

    • editor

      Xin cảm tạ anh PTAN đã có góp ý:

      > “Góp Nhặt Cát Đá”= trang web chỉ có 4 chữ, nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện lý thú!

      rất positive và “challenging” (hiểu theo nghĩa tích cực) cho trang web.

      Xin sẽ cố gắng tiếp tục góp vui với quý anh chị và thân hữu trên trang web “Góp Nhặt Cát Đá”. Hy vọng là, trong dài hạn, dần dần trang web này sẽ lưu giữ được ít điều hữu ích, và những điều thuộc loại “còn một chút gì để nhớ để quên” sẽ có thể được ghi vào sổ tay ‘hư ảo’ (virtual notebook) tại gopnhatcatda.com, thưa anh.😀 -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *