Đầu tháng 7, 2022, Tổng Thống Biden trao thưởng Medal of Honor cho Thiếu Tá John J. Duffy, vị Sĩ quan Cố vấn của Tiểu Đoàn 11 Dù, vì ông đã có những hành động anh hùng và nghĩa cử cao đẹp đối với các chiến hữu của ông trong Tiểu Đoàn 11 Dù nơi Trận chiến tại Căn cứ Hỏa lực Charlie, Nam Việt Nam, 1972.
Dù 50 năm đã qua, sự việc trên vẫn đem lại cho tôi những hình ảnh về chiến sự và hy sinh xương máu của quân dân Miền Nam chống lại sự xâm lăng của cộng sản trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Với tâm trạng đó, tôi đã đọc tập thơ The Battle for “Charlie” của John J. Duffy.
Nơi tập thơ này, sự chiến đấu dũng cảm và hy sinh kinh hoàng của những người lính Tiểu Đoàn 11 Dù được ghi lại bằng những giản dị và sắc nét đến lạnh người.
Là một sĩ quan cố vấn, Duffy có thể “thấy” trước được số phận của đơn vị. Nhưng là một chiến binh của Tiểu Đoàn 11 Dù, ông đã sát cánh lăn xả cùng đồng đội chiến đấu cho đến giây phút cuối.
Dù vậy, ở vào những lúc nguy ngập nhất, Duffy vẫn giữ được “bình thản” để có thể “nhìn” sâu vào những hỗn mang, chết chóc đang vật vã ngay trước mắt.
Trong những phút giây đó, Duffy đã mở ra quyển sổ tay cảm nhận của ông để ghi nhanh những hào hùng cao ngất và những nỗi đau tận cùng của đồng đội khi cả tiểu đoàn bị đè bẹp, chết cứng ngay tại tâm điểm của những giao lộ tử thần.
Qua The Battle for “Charlie,” Duffy như “vẽ” lại được những thảm khốc và bi hùng mà cả binh sĩ và sĩ quan Tiểu Đoàn 11 Dù phải đương đầu và nhận chịu.
Sau khi đọc hết tập thơ này, tôi đã cố gắng ghi lại một số cảm nghĩ trong bài viết Người Khinh Binh Cuối Cùng Tại Căn Cứ Hỏa Lực Charlie, đăng ngày 30/7/2022.
Rồi ít lâu sau, tình cờ được anh bạn gửi đến một link cho bài viết Mặt sau tấm huy chương gắn trễ! 1 của nhà văn Phan Nhật Nam, đề ngày 15/7/2022.
Đọc xong văn Phan Nhật Nam và đem đối chiếu với thơ John Duffy, tôi nhận ra đôi điều rất khác biệt – đến độ phải nói là dị biệt – dù hai vị đều viết về những phút giây sau cùng tại Căn cứ Charlie. Xin ghi ra đây các phần khác biệt này.
I. Cứu Người Trong Lửa Đạn
Trong Mặt sau tấm huy chương gắn trễ!, nhà văn Phan Nhật Nam đã viết về việc rút lui như sau:
Ðơn vị tan thành mảnh nhỏ, từng toán chiến đấu đơn độc. Tiếng chửi thề và tiếng la hét của ta, của địch vang khắp khu rừng lau và các sườn đồi kế cận, chỗ nào cũng có súng nổ. Ðịch gọi tên Mễ, Hải ra đầu hàng! Ngay lúc đó, Duffy cũng vừa liên lạc được với hai chiếc trực thăng võ trang Cobra, một chở quân và một O2 quan sát.
Nhờ địa thế trống trải của khu rừng lau nên Cobra thấy rất rõ đâu là địch, đâu là bạn. Toán còn 36 người di tản làm năm đợt vì chỉ có một trực thăng chở quân…
Về việc rút lui trên, ông Duffy đã ghi ra các chi tiết rõ ràng, qua cuộc đối thoại giữa Dusty (ám danh truyền tin của Thiếu Tá Duffy) và Covey, viên phi công bay yểm trợ:
“Dusty, đây là Covey, chuyến bốc hàng, năm phút nữa sẽ tới.
Có bốn chiếc tới bốc và một cặp trực thăng tấn công Cobras.
Tôi gần hết nhiên liệu và phải quay về căn cứ. Xong.”
“Nhận rõ, bốn chiếc tới bốc và súng, Cảm ơn Covey.”
Tôi báo cho Lê Mễ, năm phút nữa là đi, phải sẵn sàng,
Bị thương nặng lên trước, bốn chuyến.
Nhóm chúng tôi 37 được chia ra,
Bốn đợt, sẵn sàng chờ bốc lên và được giải cứu. …
“Dusty, this is Covey, lift package , five minutes out.
There are four lift ships and a pair of Cobras.
I’m low on fuel and I must return to base. Over.”
“Roger, four lift ships and guns, Thanks Covey. “
I advised Me Le, five minutes out, get ready,
Seriously wounded out first, four lifts.
Our band of thirty seven is divided up,
Four sticks, ready for lift off and rescue. …
Khi so sánh nội dung phần văn Phan Nhật Nam và thơ John Duffy bên trên, sẽ thấy có sự khác biệt về quân số, cách di tản, và phương tiện vận chuyển:
- 36 người, 5 đợt di tản, 1 trực thăng chở quân (Theo Phan Nhật Nam)
- 37 người, 1 đợt “bốc” nóng, 4 trực thăng chở quân (Theo John Duffy)
Sai biệt giữa những con số trên có thể “du di” được nếu đó chỉ là những gì được viết ra trong lúc trà dư, tửu hậu theo kiểu “mua vui cũng được một vài trống canh.”
Nhưng, Trận Charlie 1972 và Tiểu Đoàn 11 Dù là những gì đã đi vào quân sử, lịch sử của cả Việt Nam. Kết quả của trận đánh này, ở một mức độ nào đó, còn có thể góp phần vào việc làm rạng danh quân đội VNCH trên thế giới.
Vì tính cách quan trọng như vậy của sự việc, do vậy khi một ngòi bút có tinh thần trách nhiệm viết về những số liệu liên quan đến Trận Charlie 1972, họ bắt buộc phải ghi lại những số liệu đó thật chính xác.
Hãy lắng nghe nhà thơ Duffy ghi lại những gì mà Thiếu Tá Duffy và những đồng đội còn sống sót của ông đang phải trải qua trong những giây phút cuối…
Tôi hướng dẫn Trưởng toán Huey đáp xuống. Trúng Như Để!
Người bị thương được đem lên và còn lại thì chen chúc trên máy bay.
Chuyến Thứ Nhất bay ra: súng máy của Bắc quân nổ rền.
Xạ thủ của địch ở phía nam, bốn mươi mét.
Hai chiếc Cobras nhào tới, thay phiên nhả đạn vào súng địch,
Súng mini (đại liên 7.62 mm, 6 nòng) và hỏa tiễn của họ bắn tung kẻ địch
Chuyến Hai vô tới, đáp xuống, lính dù lên hết và mất dạng.
Chuyến Ba theo sau, lên hết và bay ra.
Lê Mễ, Hải, hai lính dù và tôi là xạ thủ đoạn hậu.
Trong lần xuống cuối cùng này, Chuyến Bốn bị nhắm bắn dữ dội.
Phi công bỏ cách đáp cũ và đảo theo đường vòng.
Trực thăng Cobras lăn vô, nhả đạn xuống các xạ thủ của địch.
Chuyến Bốn đáp xuống bãi từ hướng khác.
Đụng đất! Chúng tôi chen chúc lên máy bay.
Tôi là người cuối cùng leo lên và cỡi trên càng trực thăng, ra dấu cho bay!
Phi công cất cánh, đạn địch lỗ chỗ bắn trúng con tàu. …
I vector Huey Leads approach. Touch Down!
The wounded loaded and the rest scramble aboard.
First Load heads out: NVA machine-gun fire erupts.
The enemy gunner is to the south, forty meters.
The Cobras roll in, each in turn fire on the gun,
Their mini guns and rockets blast the enemy.
Lift Two in, touch-down, troopers load and gone.
Lift Three is right behind, load and out.
Me Le, Hai, two troopers and myself as tail gunner.
On final approach, Lift Four comes in under heavy fire.
He aborts his approach and does a fly-around.
The Cobras roll in, expending on the gunners.
Lift Four comes in from a different direction.
Touch down! We scrambled aboard his aircraft.
I am the last on and I ride the strut, signaling go!
The pilot lifts off, enemy fire riddles the ship. …
Một cách tóm tắt, các đoạn thơ của Duffy cho biết:
-
- Cần 4 trực thăng đến bốc người trong cùng 1 đợt.
- Một trực thăng cần 5 phút (= 5′) bay đến bãi đáp để bốc người.
- Chiếc #1 bay ra là bị bắn.
- 2 chiếc Cobras nhào xuống khóa họng súng địch.
- Chiếc #2 và #3 bay ra không bị trở ngại với đạn thù.
- Chiếc #4 (trực thăng cuối cùng) mới bay lên đã bị trúng đạn lỗ chỗ.
Những đoạn thơ bên trên của ông Duffy và phần tóm tắt đã có thể cho phép người viết đưa ra một “bảng kết toán” có lẽ tương đối khá chính xác:
- Một chuyến trực thăng cứu người cần 10 phút bay (= 5′ bay đi + 5′ bay về)
- Thời gian để 1 trực thăng “lên” người và “bốc” bay đi là từ 2 đến 3 phút.
[Con số trên được ước tính theo sự khẩn cấp của một “hot” extraction – tương tự như cuộc hành quân giải cứu con tin bị khủng bố giam giữ.] - Như vậy, tính ra chỉ có khoảng 9 phút “hưu chiến” bắt đầu từ lúc chiếc #1 bay đến “lên” người và “bốc” bay đi…. cho đến lúc chiếc #4 bay đến.
- Sau khi 9 phút “hưu chiến” này chấm dứt, theo Duffy, Bắc quân sẽ nhanh chóng tập hợp lại, tụ về bãi đáp và tập trung khai hỏa vào chiếc #4.
Mặt khác, hãy cùng xem xét lại các con số mà nhà văn Phan Nhật Nam đã viết để mô tả cùng 1 việc rút lui: 36 người, 5 đợt di tản, và chỉ có 1 trực thăng chở quân.
- Căn cứ theo “bảng kết toán” ghi trên và đặc biệt là vào phần: ‘chỉ có khoảng 9 phút “hưu chiến”‘ thì trong 5 đợt di tản (của nhà văn Phan Nhật Nam), chỉ có đợt di tản đầu tiên là thành công.
- Vì sau khi đợt 1 bay ra, phải 10 phút sau, đợt 2 mới đến. Khi thời hạn 9 phút “hưu chiến” đã hết, đợt 2 bay vào sẽ được đạn thù tới tấp “dàn chào” vì địch đã kịp thời nhanh chóng quy tụ về bãi đáp và khai hỏa.
Để cứu thoát được toán quân 36 người đã hết đạn, sức cùng, lực kiệt, và bị bao vây truy lùng gắt gao bởi địch quân có quân số và hỏa lực áp đảo, thì bắt buộc phải cần đến cuộc hành quân loại “hot extraction” như Duffy yêu cầu.
Để một cuộc hành quân “hot extraction” có thể thành công, bắt buộc phải cần đến hai yếu tố “bất ngờ” và “chớp nhoáng.”
Nhưng sẽ không thể có được yếu tố “bất ngờ” và “chớp nhoáng” một khi trực thăng chở người cứ “vờn qua, vờn lại” mỗi 10 phút/1 lần. Và 5 lần mới xong.
Như thể là cứ việc di tản “thoải mái,” chẳng e sợ đạn địch bắn lên vì địch quân đang trong trạng thái… tiềm sinh!
Cho được công bằng, nếu những phân tích và nhận xét trên của người viết không phản ánh đúng với thực tế chiến trường lúc đó, thì những điều này cũng chỉ có giá trị như bản tin của vị phóng viên chiến trường tường trình tin chiến sự đang “nóng hổi” trên chiến trường trong khi vị đó đang ngồi “bốc” trong bar rượu mạnh.
Bởi thế, nhằm để làm sáng tỏ sự việc trên, điều hay nhất ở đây vẫn là được nhà văn Phan Nhật Nam giải thích ngọn ngành về xuất xứ của các con số quan trọng mang tính cách sinh tử trong cuộc rút lui cuối cùng qua câu ông đã viết: “Toán còn 36 người di tản làm năm đợt vì chỉ có một trực thăng chở quân.”
II. Một Huyền Thoại Không Thể Có Thực
Cũng trong Mặt sau tấm huy chương gắn trễ! nhà văn Phan Nhật Nam đã viết:
Ngay lúc đó, cặp Cobra, trực thăng võ trang mới vào vùng. Trực thăng vừa đáp, Hải lên sau cùng. Máy bay vừa lên cao vài thước thì một loạt AK bắn lên tàu, Hải trúng đạn ở chân phải, rớt từ trực thăng xuống đất, chỉ kịp nhìn đuôi trực thăng vút lên… Thảng thốt, Hải ước tính từ đây về Tân Cảnh chỉ còn năm cây số, nhưng là năm cây số đồi cao vực thẳm, năm cây số đường rừng và lại đang bị thương ở chân thì làm sao có thể đi được?!
Anh sẽ gục chết ở một xó rừng, khe suối và bầy kiến sẽ kéo nhau rúc vào thân thể, thịt xương, sẽ rữa nát hình hài! Tiếng trực thăng trên đầu làm Hải vụt đứng lên bằng bàn chân trái. Anh đưa cao tay vẫy, miệng hét lớn… Trực thăng sà xuống bãi cỏ. Duffy giang tay nắm chặt giây đạn và một tay của Hải kéo mạnh… Máy bay vút lên với một loạt đạn bắn trúng thân tàu. Chiếc trực thăng nghiêng một bên xong bay thẳng..
Khi đọc xong đoạn văn trên hẳn sẽ ít có người đọc nào lại không bị vừa xúc động và vừa vui mừng quá đỗi cho một cảnh đời vừa bi thương và vừa kỳ diệu như vậy.
Phải thực sự nói rằng, những lúc như vậy, văn của nhà văn Phan Nhật Nam như có ma lực cuốn hút phát ra từ một vị phù thủy chữ nghĩa đầy phù phép.
Đáng tiếc để phải nói rằng những lúc như nói trên không hề có thực!
Hãy đọc mươi dòng thơ của Duffy, không cảm xúc tưởng tượng, không xảo ngôn đầy kịch tính, chỉ trần trụi, lạnh lùng và “vô cảm:”
… Lift Four comes in from a different direction.
Touch down! We scrambled aboard his aircraft.
I am the last on and I ride the strut, signaling go!
The pilot lifts off, enemy fire riddles the ship.
PING! PING! PING!, Hai is hit and falling.
On the strut, I reach out, grabbing his web gear.
I throw him back into the aircraft, Me Le helps.
I crawl into the helicopter, Me Le is treating Hai. …
… Chuyến Bốn đáp xuống bãi từ hướng khác.
Đụng đất! Chúng tôi chen chúc lên máy bay.
Tôi là người cuối cùng leo lên và cỡi trên càng trực thăng, ra dấu cho bay!
Phi công cất cánh, đạn địch lỗ chỗ bắn trúng con tàu.
BỤP! BỤP! BỤP!, Hải bị trúng đạn và đang rớt.
Trên càng trực thăng, tôi nhoài ra, nắm lấy dây ba chạc của anh ta.
Tôi ném anh ngược trở lại máy bay, Lê Mễ giúp.
Tôi bò vô trong trực thăng, Lê Mễ đang săn sóc Hải. …
Theo đó, người cuối cùng leo lên trực thăng là ông Duffy (I am the last on and I ride the strut, signaling go!), không phải ông (Đoàn Phương) Hải, như nhà văn Phan Nhật Nam ghi. (Trực thăng vừa đáp, Hải lên sau cùng.)
Rồi ông Hải bị trúng đạn và rơi khỏi máy bay. (Hai is hit and falling.) Trên càng trực thăng, ông Duffy nhoài ra, nắm dây ba chạc của ông Hải. (On the strut, I reach out, grabbing his web gear.) Ông Duffy ném ngược ông Hải vào trong máy bay, ông (Lê Văn) Mễ giúp. (I throw him back into the aircraft, Me Le helps.)
Đoạn thơ trên của ông Duffy như một khúc phim chiếu chậm, tuần tự đi qua từng “phân cảnh” theo đúng trình tự của diễn tiến.
Tuy nhiên, trong những “phân cảnh” đó của ông Duffy không có cảnh nào giống như “thảm cảnh” mà nhà văn Phan Nhật Nam đã viết ra:
Hải trúng đạn ở chân phải, rớt từ trực thăng xuống đất, chỉ kịp nhìn đuôi trực thăng vút lên… Thảng thốt, Hải ước tính từ đây về Tân Cảnh chỉ còn năm cây số, nhưng là năm cây số đồi cao vực thẳm, năm cây số đường rừng và lại đang bị thương ở chân thì làm sao có thể đi được?!
Và trong đoạn “phim” chiếu rất chậm đó của ông Duffy, cũng tuyệt nhiên không có cảnh hào hùng và độc đáo mà nhà văn Phan Nhật Nam đã phóng bút mô tả:
…Tiếng trực thăng trên đầu làm Hải vụt đứng lên bằng bàn chân trái. Anh đưa cao tay vẫy, miệng hét lớn… Trực thăng sà xuống bãi cỏ. Duffy giang tay nắm chặt giây đạn và một tay của Hải kéo mạnh… Máy bay vút lên với một loạt đạn bắn trúng thân tàu. Chiếc trực thăng nghiêng một bên xong bay thẳng..
Hình ảnh cứu người rất hào hùng và độc đáo như trên vẫn thường được thấy trong các phim ảnh chiến tranh của Hollywood (như phim Rambo). Những hình ảnh rất “bắt mắt” đó sẽ làm khán giả xem phim trầm trồ tán thưởng và vỗ tay khen ngợi.
Tuy nhiên, về mặt chữ nghĩa, nếu đọc sách báo trong tinh thần tìm hiểu và không để bị cảm tính làm mờ đi sự nhận xét, thì sẽ không phải là điều quá khó để người đọc nhận ra được khác biệt giữa “hư cấu” và “hiện thực.”
Lại càng dễ dàng nhận diện ra được chân và giả khi có thể đem mạch văn đầy cảm xúc giả dối ra đối chiếu với dòng thơ giản dị, ngắn ngủi như ít giây phút cận kề với thần chết.
Ở đây câu hỏi sẽ phải đặt ra là: Giữa văn Phan Nhật Nam và thơ John Duffy, đâu là sự thực của những giây phút sau cùng trong cuộc rút lui đẫm máu ra khỏi căn cứ Charlie?
Xin tạm thời hãy khoan trả lời câu hỏi trên mà hãy cùng bước sang phần kế tiếp để tìm hiểu thêm qua lời của các nhân chứng có tham dự trận Charlie.
III. Nhân Chứng Có Tham Dự Trận Charlie
Ngày 7 tháng 7, 1998, Đại Tướng Weyand, Tư lệnh cuối cùng của Quân đội Mỹ tại Việt Nam (1972-1973), gửi thư lên Thượng Nghị Sĩ Daniel Inouye, Tiểu bang Hawaii, yêu cầu Thượng Nghị Sĩ đề nghị lên Quốc Hội Hoa Kỳ ân thưởng Medal Of Honor cho Thiếu Tá Duffy. Sau đó văn phòng của Thượng Nghị Sĩ Inouye chuyển hồ sơ sang Bộ Lục quân Hoa Kỳ để tiến hành các thủ tục điều tra, và xác nhận giá trị của các bằng chứng, cũng như các chứng từ của nhân chứng.
Ngày 5 tháng 7, 2022, Thiếu Tá Duffy được ân thưởng Medal Of Honor.
Thời gian xét duyệt tổng cộng là 24 năm (kém 2 ngày). (Có thể đọc thêm về các chi tiết này trong Người Khinh Binh Cuối Cùng Tại Căn Cứ Hỏa Lực Charlie.)
Ngoài Đại Tướng Weyand, còn có 11 người khác làm nhân chứng cho Thiếu Tá Duffy. Trong đó có 2 chứng nhân chứng kiến tận mắt (eyewitness): Trung Tá Lê Văn Mễ, và Thiếu Tá Đoàn Phương Hải là các sĩ quan chỉ huy Tiểu Đoàn 11 Dù.
Xin được trích dịch lại một phần trong các chứng từ đã đệ nạp bằng Anh ngữ2 của ba vị Trung Tá Peter Kama, Trung Tá Lê Văn Mễ, và Thiếu Tá Đoàn Phương Hải.
-
Trung Tá Peter Kama
Là sĩ quan cố vấn cao cấp cho Lữ Đoàn 2 Dù trong Easter Offensive, 1972 (Chiến dịch Xuân-Hè, 1972), Trung Tá Peter Kama là sĩ quan chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tá Duffy – sĩ quan cố vấn cao cấp cho Tiểu Đoàn 11 Dù.
Chứng Từ (trích)
…Chiếc máy bay thứ nhất trúng đạn địch. Thiếu Tá Duffy dùng hỏa lực không quân tiêu diệt vị trí súng máy của địch. Chiếc 2 và 3 ít hoặc không trúng đạn địch. Với địch quân đang đuổi đến gần, Ban Chỉ huy cho chiếc 4 xuống. Thiếu Tá Duffy đi đoạn hậu, bắn che bằng súng CAR-15 của mình và điều động trực thăng Cobras bắn vào kẻ thù trên máy truyền tin cấp cứu của ông. Chiếc trực thăng này bị trúng đạn tơi tả khi họ leo lên. Đại Úy Đoàn Phương Hải bị trúng đạn nơi bàn chân và ngã ra ngoài. Thiếu Tá Duffy chụp được ông ta khi ông ta ngã và ném ông ta lên sàn tàu khi họ cất cánh. Thiếu Tá Lê Văn Mễ băng bó cấp cứu Đại Úy Hải…
Statement (excerpt)
… The first lift ship took enemy fire. Major Duffy employed air assets to destroy the enemy machine gun position. Number 2 and 3 lifts received little or no enemy fire. With the enemy in close pursuit, the Command Group ran to board Lift 4 ship. Major Duffy brought up the rear, covering with his CAR-15 and directing the Cobras fire at the enemy on his survival radio. The ship was being riddled as they climbed aboard. Captain Hai Doan was hit in the foot and fell out. Major Duffy caught him as he fell and threw him aboard as they lifted off. Major Le gave first aid to Captain Hai. …
-
Trung Tá Lê Văn Mễ
Trách vụ cuối cùng: Trưởng Phòng 3 Hành Quân của Sư Đoàn Dù, 1975
Trong Trận Charlie: Tiểu Đoàn Phó và Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù
Chứng Từ Chứng kiến Tận mắt (trích) [Ngày 1 tháng 8, 2012]
… Mặc dù người Mỹ có ưu tiên di tản, Thiếu Tá Duffy đưa ra khuyến cáo ông sẽ là “người cuối cùng thoát ra ngoài.” Bắc quân đã tập hợp lại và tràn ngập Bãi Đáp. Khi chúng tôi trên máy bay đang bay, sĩ quan ban 3 của tôi, Đại úy Hải, bị trúng đạn vào bàn chân và bị văng ra khỏi máy bay. Đứng trên càng trực thăng điều động các cuộc không kích, Thiếu Tá Duffy nhoài ra và chụp lấy ông ta và ném ông ta vào trở lại trực thăng. Thiếu Tá Duffy tiếp tục đeo trên càng trực thăng cho đến khi chúng tôi dọn sạch bãi đáp. …
Eyewitness Statement (excerpt) [August 1, 2012]
… Even though Americans had priority in evacuations, Major Duffy advised he would be “the last man out.” The NVA regrouped and stormed the Landing Zone. As we drove for the aircraft, my S-3 Captain Hai was hit in the foot and was knocked out of the aircraft. Major Duffy, who was standing on the skid directing airstrikes, reached out and caught him and threw him back into the helicopter. Major Duffy continued to ride the skid until we cleared the LZ. …
-
Thiếu Tá Đoàn Phương Hải
Trong Trận Charlie: Sĩ Quan Trưởng Ban Hành Quân của Tiểu Đoàn 11 Dù
Chứng Từ Chứng kiến Tận mắt (trích)
… Thiếu Tá Duffy xác định vị trí bãi đáp và xếp đặt vòng đai phòng thủ. Rồi qua máy truyền tin cấp cứu của mình, ông gọi máy yêu cầu được khẩn cấp bốc ra. Chuyến rút ra đầu tiên trúng đạn súng máy bắn trực xạ từ phía nam. Thiếu Tá Duffy điều động máy bay tấn công, cả loại có cánh và trực thăng, vào các vị trí quân địch. Chuyến hai và ba vào đến dưới một hỏa lực vừa phải nhắm bắn họ. Chuyến bốn, chuyến cuối cùng đã đến nhặt lên 5 người còn sống sót của Tiểu Đoàn 11 Dù: Thiếu Tá Duffy, Thiếu Tá Mễ, chính tôi và 2 binh sĩ.
Hỏa lực của Bắc quân cực kỳ dữ dội và rất chính xác. Sau khi lên máy bay, tôi bị bắn vào bàn chân phải. Tôi ngã và thân thể tôi dường như đang treo trong không khi tôi rơi theo hướng xuống mặt đất. Thiếu Tá Duffy (đang đứng trên càng của máy bay trực thăng điều động các cuộc không kích), nắm lấy dây đai đeo đạn của tôi khi tôi rơi ngang qua ông ta và kéo tôi vào bên trong trực thăng. Chiếc máy bay đến cứu bị mất kiểm soát trong chốc lát sau khi bị trúng đạn phòng không trong khi chúng tôi đang bay vút ra ngoài. …
Eyewitness Statement (excerpt)
… Major Duffy located the LZ (Landing Zone) and organized the perimeter defense. He then called for an emergency extraction on his survival radio. The first lift out took point blank machine gun fire from the south. Major Duffy worked the strike aircraft, both fixed wing and helicopter on the enemy positions. Lift two and three got in with moderate fire directed at them. Lift four, the last life was to pick up the 5 remaining survivors of the 11th Airborne Battalion: Major Duffy, Major Me, myself and 2 soldiers.
The NVA fire was extremely heavy and very accurate. After boarding the ship, I was shot in the right foot. I fell and my body seemed to be hanging in the air as I fell towards the ground. Major Duffy (who was standing on the skid of the helicopter directing air strikes), grabbed my cartridge belt as I fell past him and pull me into the helicopter. The rescue ship temporarily lost control after being hit by anti-aircraft fire as we were pulling out. …
Đến đây, chúng ta có thể quay trở lại câu hỏi đã được đưa ra ở phần trên:
Giữa văn Phan Nhật Nam và thơ John Duffy, đâu là sự thực của những giây phút sau cùng trong cuộc rút lui đẫm máu ra khỏi căn cứ Charlie?
Tuy thế, hẳn chúng ta cũng có lần nghe nói đến câu thành ngữ Anh văn: The facts speak for themselves. Tạm dịch: Sự kiện có thực tự nó nói lên được ý nghĩa.
Theo tinh thần của câu thành ngữ trên, sau khi đọc xong phần trích dịch chứng từ của ba vị Trung Tá Peter Kama, Trung Tá Lê Văn Mễ, và Thiếu Tá Đoàn Phương Hải, thiết nghĩ, mọi người đều có thể tìm được câu trả lời chính xác cho chính mình.
IV. Tạm Kết
Về phần người đọc, ai cũng có thể kiểm chứng những con số, hay các chứng từ được trích dùng trong bài viết này qua các links hay sách đã được ghi chú.
Về phần người viết, cũng đã ghi lại được khá đầy đủ những điều cần phải ghi ra và nói lên được những gì cần thiết để phải nói, trong khuôn khổ của một bài viết.
Trước khi kết thúc, xin được ghi lại đôi điều mà tôi chia sẻ với người bạn khi trao đổi vài quan tâm về sách báo:
Bác VTT, xin cảm tạ bác đã gửi cho tôi link của bài “Mặt sau tấm huy chương gắn trễ!.” Vì thế tôi có dịp ôn lại các chi tiết của Trận chiến tại Charlie kỹ càng hơn.
Nhưng tôi không cảm tạ bác về lời khuyên đừng nên viết nhận xét hay phê bình bài viết trên vì như thế sẽ lại càng gây thêm “chia rẽ” và “phân hóa” trong cộng đồng người Việt và làm lợi cho Việt cộng.
Thực ra, lời khuyên trên sẽ rất đúng trong những trường hợp không đáng phải nói.
Tuy nhiên, khi nhìn theo khía cạnh liên quan đến một sự kiện lịch sử quan trọng, thì sẽ một điều rất là sai khi “thủ khẩu như bình” trước những bóp méo hay nhào nặn các chi tiết quan trọng liên quan đến sự kiện lịch sử đó.
Cho dù là những việc bóp méo hay nhào nặn này xuất phát từ những guồng máy tuyên truyền, hoặc văn nô, bồi bút hay ngay cả từ các “phù thủy chữ nghĩa” chuyên lạm dụng hoặc lợi dụng chữ nghĩa.
Trong hướng nhìn này thì ‘Im lặng đúng là đồng lõa.’ Và, đối với tôi, những chi tiết quan yếu về Trận chiến tại Charlie đủ quan trọng để không thể bị bỏ mặc trước những sự bôi bác hay ngụy tạo do bởi sự thiếu lương thiện chữ nghĩa.
Thêm nữa, người Việt chúng ta hẳn vẫn khá quen thuộc với câu nói: “Cây kim để lâu trong bọc, rồi cũng sẽ có ngày lộ ra.”
Đã 50 năm. Đã 1/2 thế kỷ. Tính từ tháng 4, 1972 khi trận chiến tại căn cứ Charlie chấm dứt cho đến thời điểm hiện tại, tháng 11, 2022.
1/2 thế kỷ là 1 số đo ngắn ngủi tính theo chiều dài lịch sử của Việt Nam.
Nhưng 50 năm là 1 số đo rất dài tính theo thời gian của một đời người.
Đừng nên quên là các chiến binh Tiểu Đoàn 11 Dù, những người đã tham dự trận chiến hào hùng năm xưa, nếu hôm nay còn hiện diện, đều đã là “Old soldiers.”
Những người lính già, những “Old soldiers” đó của Tiểu Đoàn 11 Dù, chắc chắn rồi sẽ “mai một,” sẽ “fade away” như đã được Đại Tướng MacArthur vinh danh nhắc đến trong câu nói đầy ý nghĩa: “Old soldiers never die–they just fade away.”
Bởi đó, nếu không phải là lúc này, thì đến bao giờ Sự Thực của cuộc hành quân cứu sống 37 chiến binh còn sống sót của Tiểu Đoàn 11 Dù ra khỏi căn cứ Charlie, 1972 mới nên được phục hồi?
Đừng nên chờ đến lúc đã quá muộn màng khi ngơ ngác nhìn quanh và tự hỏi:
“Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ.”3…
Dù đã là điều hiển nhiên, người viết cũng muốn nhắc lại là: Trách nhiệm về nội dung của bài viết này phải hoàn toàn thuộc vào tôi.
Trần Trung Tín – Ngày 10 tháng 11, 2022
Ghi chú:
- Nếu nhà văn Phan Nhật Nam có trả lời hay có ý kiến gửi đến địa chỉ email riêng của tôi hay đến gopnhatcatda2021@gmail.com thì để rộng đường dư luận, nhất là để tôn trọng sự lên tiếng của nhà văn Phan Nhật Nam, phần trả lời hay ý kiến đó sẽ được đăng nguyên văn trên Blog.
Chú thích
-
Có thể đọc bài viết “Mặt sau tấm huy chương gắn trễ!” tại các links:
- https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/mat-sau-tam-huy-chuong-gan-tre/
- https://dongsongcu.wordpress.com/2022/07/26/mat-sau-tam-huy-chuong-gan-tre-phan-nhat-nam/
- https://hoiquanphidung.com/forum/c%C3%A1c-chuy%C3%AAn-m%E1%BB%A5c/th%E1%BB%9Di-s%E1%BB%B1/di%E1%BB%85n-%C4%91%C3%A0n-b%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BB%8Dc/56913-m%E1%BA%B7t-sau-t%E1%BA%A5m-huy-ch%C6%B0%C6%A1ng-g%E1%BA%AFn-tr%E1%BB%85
- Bản Anh ngữ của các chứng từ đề cập bên trên được in trong The Battle for “Charlie”, Section II – Medal of Honor – Recommendation Statements. Người viết dùng bản electronic copy, mua ngày 18/7/2022 với giá $2.99.
- Trích trong bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên
Bài phân tích của bác Tín rất ngọn ngành… TĐ 11 lúc đó có vị BS (quên tên) cũng thoát chạy được.
Cám ơn bạn Cư. Vị đó là Đại Úy Bác sĩ Quân y Tô Phạm Liệu, một cái tên gắn liền với các chiến binh của Tiểu Đoàn 11 Dù. Ông qua đời năm 1997. -TTTín
Những phân tích của tác giả Trần Trung Tín rất chính xác. Có lẽ hầu hết độc giả không còn xa lạ gì với tên tuổi và cả cái “tôi” của ông Nhà văn Phan Nhật Nam. Một số tác phẩm của ông trước 1975 rất được ưa chuộng vì trong chữ nghĩa có “máu lửa” của thực tiễn chiến trường, nhưng từ khi ra hải ngoại ông nhà văn này viết lung tung với quá nhiều sáo ngữ tối nghĩa, và đa phần chỉ là viết theo, nghe lóm trong các lúc trà dư tửu hậu, nên có rất nhiều dữ kiện thiếu chính xác, kiểu “tự biên tự diễn”như bài viết mà tác giả Trần Trung Tín đã chỉ ra. Ông Nam ra khỏi Nhảy Dù khi còn trung úy. Từ đó ông chỉ quanh quẩn ở Sài gòn, có đánh đấm gì đâu mà viết chuyện chiến trường? Đã vậy, ông ta còn trịch thượng chỉ trích một cách khá lố bịch những tác giả từng chỉ huy, tham dự cuộc chiến, như trường hợp Th.Tá ND Trương Đăng Sĩ với bài tường thuật về trận chiến tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị, mùa Hè 1972. Thật đáng tiếc!
Cám ơn ông Vương Mộng Hùng đã góp ý kiến. Khi làm công việc phân tích trong bài, tôi đã gắng hết sức để “nhìn” và lượng định sự việc được nhà văn Phan Nhật Nam viết căn cứ trên quyển sách thơ đã xuất bản của ông Duffy và các bản chứng từ của những người trong cuộc vì tính cách lịch sử của sự việc. Thân kính. -TTTín
Bài viết Dị Biệt của Anh đưa ra một cái nhìn chân thực, phân tích xác đáng có tính khoa học phù hợp với cảm tính và kiến thức của người lính chiến. Nó không làm giảm sự say mê khi (trước đây vào nửa thé kỷ) đọc bút ký Mùa Hè Đỏ Lửa trong đó có bài Charlie Tên Nghe Quá Lạ của nhà văn Phan Nhật Nam. Nhưng tác giả Phan Nhật Nam phóng bút quá đáng trong bài viết Mặt Sau Tấm Huy Chương Gắn Trễ sẽ gặp phản ứng và sự nhìn nhận của từng người đọc. Cứ để bài Dị Biệt như thế, như cột mốc lẻ loi trên đỉnh núi, chắc ít người chịu khó tìm đến xem thử sau khi đã leo lên một độ cao mệt nghỉ.
Tôi không có ý nghĩ hay ý định là phải sửa đổi bài viết này chỉ vì lý do tạm gọi là “nhậy cảm” của người đọc. Bài viết được đón nhận như thế nào thì tùy theo cảm quan và vị trí của từng người đọc. Không bài viết nào có thể làm vừa lòng được mọi người.
Tuy nhiên, đối với tôi, điều phải được xem là quan trọng là những dữ liệu hay tin tức trong bài viết này có thực sự là “fact” hay không, có thể kiểm chứng hay chỉ là do trí nhớ ghi lại. Không có bài viết nào là hoàn toàn hoàn hảo. Vì vậy, nếu bài viết dùng những tin sai lạc, từ những nguồn không đáng tin cậy, và khi có người chỉ ra chỗ sai sót, thì đối với một ngòi bút có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng chữ nghĩa, họ bắt buộc phải công nhận sự sai sót đó và phải hiệu chỉnh. Và, nếu sự việc đó xảy ra cho tôi, thì 100% tôi sẽ công khai nhận sự sai sót và sửa chữa. Cám ơn anh Bichson. -TTTín
Phan Nhật Nam là nhà văn chuyên nghiệp viết tiểu thuyết vs [trong khi] John Duffy là anh lính tác chiến kiêm nhà thơ thấy sao ghi thế.
Tiểu thuyết luôn kèm “hư cấu”, nhất là lối viết về trận mạc trong chiến tranh VN của Phan Nhật Nam như MHĐL–1972… nhiều khi đọc cho vui hay để giải sầu thôi. Cũng có một số tiểu thuyết được học sinh/sinh viên đọc để trau dồi sự hiểu biết về môn văn chương hay để tập làm văn… Ngoài ra có một số tiểu thuyết có khả năng kích động những thanh niên thiếu nữ có máu bồng bột… Nhà văn PNN không có mặt tại các trận MHĐL–1972 và Đồi Charlie… ông viết theo lời kể lại của ai đó cộng với “sự tưởng tượng khéo léo…” của ông để hấp dẫn độc giả hòng đánh bóng tên tuổi mình… có thế thôi!
Bài thơ của John Duffy thuộc loại “bút ký”, loại văn “thấy sao nói vậy người ơi…”.
Về phương diện nghiên cứu có tính lịch sử, thì văn ở thể Bút ký là loại tin tức có “thật”, loại “serious story!” Trong trường hợp này, tác giả bài thơ lại là diễn viên chính tại hiện trường (trận Đồi Charlie) từ đầu đến đuôi, vì vậy John Duffy có đủ điều kiện mắt thấy tai nghe. Là loại văn khả tín 100% dùng làm tài liệu nghiên cứu hay đọc để rõ thực–hư ra sao!
tkd
Kính ông Nguyễn Bá Toản (http://www.nhayduwdc.org),
Xin rất cảm tạ ông đã đọc và cất công ghi ra ý kiến để chia sẻ với độc giả của blog. Về phần tiểu thuyết, tôi rất đồng ý với điều ông ghi: Tiểu thuyết luôn kèm “hư cấu”, nghĩa là tiểu thuyết có nhiều điều tưởng tượng và không thực. Là một người đọc, tôi không có vấn đề gì khi đọc tiểu thuyết “hư cấu” của nhà văn Phan Nhật Nam.
Tuy nhiên, theo suy nghĩ riêng, bài viết “Mặt sau tấm huy chương gắn trễ!” của nhà văn Phan Nhật Nam không phải là một bài viết thuộc loại hư cấu. Mà đó là bài viết về những diễn tiến có thực của một trận đánh lừng lẫy, với các nhân vật trong cuộc đều được ghi tên thật, và bài viết này còn mang tính cách như là để tường trình một sự kiện lịch sử với các “nhân chứng” sống có mặt trong cuộc. Trừ phi trong bài viết trên, tác giả Phan Nhật Nam có lời “phi lộ” rõ rệt, đại ý: “Đây là một bài viết mang tính tưởng tượng và mọi sự trùng hợp, nếu có, đều là điều ngoài ý muốn của tác giả…” thì sẽ không có gì để phải bàn về việc “hư cấu” vs “sự thực”. Còn không, thì bài viết trên của ông Phan Nhật Nam phải được xem là một bài viết căn cứ trên sự thực.
Bởi đó, khi những “tường trình” về một sự kiện lịch sử đã được thực hiện bởi một ngòi bút đã thành danh từ lâu như ông Phan Nhật Nam và được rộng rãi phổ biến đến người đọc, mà lại có chỗ bị sai lạc một cách quá đáng, nếu không muốn nói là ngụy tạo, thì bài viết đó sẽ có một tác dụng rất tai hại, nhất là trong mai hậu.
Xin được ghi sơ lại những gì tôi còn nhớ chút ít về quyển Lịch sử Nội chiến Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường viết về thời Tây Sơn Nguyễn Huệ. Trong quyển sử này (được giải thưởng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) nhà sử học họ Tạ đã sưu tầm các thư riêng của các vị cung phi của nhà Lê – vẫn còn thù ghét nhà Tây Sơn – bày tỏ mối lo ngại của họ trước sự tự cao tự đại của đại quân Tôn Sĩ Nghị và không thèm lưu tâm đến “cảnh báo” của những thành phần “phò Lê” về nguy cơ sẽ bị đạo quân thần tốc của nhà Tây Sơn đánh bại. Nhà sử học còn tìm đến cả các thư riêng của các vị linh mục/giáo sĩ gửi cho nhau bàn về sự bắt lính ngặt nghèo của quân Tây Sơn khi ra đến Nghệ An và cánh quân mới được “tuyển dụng” đó được đặt dưới sự trực tiếp chỉ huy của Vua Quang Trung. Nhưng đến khi ra trận, theo lời các vị giáo sĩ, cánh quân tân binh mới “tuyển” này đã chiến đấu vũ bão với tinh thần của một đạo quân xung kích đầy kinh nghiệm chiến trường. Và nhờ đó, kẻ hậu sinh như tôi mới thấy được thế nào là sức mạnh ghê gớm của đạo quân Tây Sơn, với chính nghĩa đánh quân Tàu, lấy sức dân làm chính, đã huy động được toàn dân để thần tốc đánh bại đại quân nhà Thanh đông hơn gấp bội.
Ghi lên điều này để cho thấy rằng, đối với một bài viết về sự kiện lịch sử của một nhà văn như ông Phan Nhật Nam, thì dù tác giả có muốn hay không, bài viết đó rồi cũng sẽ là một phần trong các nghiên cứu lịch sử của các thế hệ đi sau.
Theo cách nhìn này, thì điều “hư cấu” trong bài viết ghi trên của ông Phan Nhật Nam – một bài viết mang tính cách “tường trình” hay ngay cả “thuật lại” sự kiện lịch sử – sẽ là điều khó có thể chấp nhận được, trừ phi ông ghi rõ trong lời disclaimer của bài viết: đây là một sáng tác phẩm hư cấu.
Một lần nữa, tôi xin được cám ơn ông Nguyễn Bá Toản đã cất công ghi lại ý kiến rất xây dựng. Dù rằng, không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông, tôi rất hy vọng những trao đổi bên trên sẽ càng làm sáng tỏ thêm những điều liên quan đến lịch sử (chữ dùng nghe “to chuyện” quá!) mà tôi nghĩ là rất nhiều người đọc trong chúng ta hết mực quan tâm. Kính. -TTTín
Thỉnh thoảng vẫn quay lại xem trang này, nhưng không thấy có gì thêm sau bài viết này.
Có gì rắc rối cho tác giả khi “động chạm” tới một tên tuổi “lớn” trong văn chương chăng?
Bỗng dưng nhớ mấy câu Kiều:
“Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.
Huống chi việc cũng việc nhà”
Vâng, bàn “việc nhà” thì ngại gì quyền lực, lo gì “lời ong tiếng ve …”
Cám ơn anh BPT đã đặt câu hỏi thuộc loại… “đố vui, để chọc!” 😎
Xứ Mỹ này có lẽ là nơi “pháp trị” mà tinh thần của câu thành ngữ: “Khôn chẳng qua Lẽ, Khỏe chẳng qua Lời” có thể được thể hiện đúng đắn nhất. Nhất là khi những “Lời” và “Lẽ” đó đặt căn bản trên những điều “nói có sách, mách có chứng.”
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “To thuyền; Lớn sóng.” Ở lãnh vực nào cũng vậy: Tên tuổi càng Lớn, càng phải cẩn trọng. Riêng về viết lách, người Việt từ xưa đã cẩn thận căn dặn “Bút sa, gà chết!”
Ở thời đại Internet này, tác giả nào mà vẫn thích mắt nhắm, mắt mở “phóng bút” theo kiểu “oanh kích tự do” hay “bắn theo linh tính,” thì chẳng mấy chốc “ngọn bút” đó sẽ có lúc “tái hồi Kim Trọng” theo đúng chiêu thức Chém Treo Ngành “phập” trúng ngay chính tác giả đó. Lúc bấy giờ, chỉ còn có nước nằm vắt tay lên trán, ôm đầu, nghiệm lại truyện cổ nước Nam “Bụng làm, dạ chịu. Chớ khá than vãn!”
Riêng mấy câu Kiều anh trích ra, nghe “sâu thẳm” còn hơn cả truyện Sào Phủ Hứa Do có từ thời ông Bành Tổ còn húi trọc!😂
Phần tôi, dốt thơ, sợ học Kiều, nhưng rất thích xi nê. Trong các phim đã xem, thấy phim cao bồi (1973), với tài tử chính là Terence Hill và Henry Fonda, có tên (và nội dung) rất thú vị: My Name Is Nobody.
Thú vị ở chỗ bởi vì đã là “Nobody” cho nên, xin nhại lại câu tiếng Mỹ, đúng thực là: I have nothing to fear any… “Somebody!”
Như đã ghi trong phần Tự Giới Thiệu, blog Góp Nhặt Cát Đá chủ trương đăng nguyên văn những bài phản luận được viết ra một cách nghiêm chỉnh. Nhưng sẽ không có chỗ cho các thứ “nhiễu.”
Còn những lúc gần đây không có đăng thêm bài vở gì vì tôi cũng bị “lo ra” vì một số công việc riêng. -TTTín