Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan

Trần Trung Tín

Tháng 3 ngày 15, năm 1975: Khóa 31 chinh phục Lâm Viên.

Chưa có dịp đi phép nhiều để làm quen với Đà Lạt dân chính thì chinh chiến đã cận kề.

Từ bãi bắn đang ầm ì vọng về tiếng công phá của hỏa tiễn chống chiến xa M72. Bắt nhịp theo là từng tràng đại liên M60.

Chiều cao nguyên đang bốc khói nghi ngút.

Trước đó, hai Khóa 28 và 29 đã chấm dứt ngang khóa học nhảy dù. Từ Sàigòn gấp rút trở về.

Và từng đoàn GMC bụi bặm từ Nha Trang ngược núi rừng trở lên Trường Mẹ. Trả lại các niên trưởng Khóa 28 và Khóa 29 đang thụ huấn tại các Trung tâm Huấn luyện Hải và Không quân trong mùa quân sự.

Sân cỏ Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan vẫn nằm đó. Chứng kiến sự trở về bất thường của các sinh viên sĩ quan (SVSQ) trong mùa ly loạn.

Không có cả thì giờ kể hết cho nhau nghe những buồn vui của mùa học quân sự bị đứt quãng. Tất cả SVSQ các Khóa 28, 29, 30 và 31 đã phải túc trực trong tư thế tác chiến.

Lệnh tử thủ được ban ra. Cùng lúc với tin Lâm Đồng bị bỏ ngỏ.

Lúc đó, chủ lực của Quân Đoàn II coi như tan rã. Tới đêm. Được biết Quân Đoàn I đã rút lui.

Tại Đà Lạt, Trường Võ Bị chỉ vỏn vẹn với một Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan!

Âu lo đã ngập kin trong lòng. Ba mẹ ở Pleiku, giờ còn hay mất? Gia đình anh chị em ở Huế, đã ra sao? Còn nữa. Còn những mong chờ ngóng đợi nặng trĩu ở phương Nam.

Trung Đoàn SVSQ sẽ làm được gì? Giữa cơn mê đắm của cuộc triệt thoái hỗn loạn. Hay nói cho đúng hơn là một cuộc tháo chạy không lệnh lạc.

Tử thủ? Có ngăn được các mũi dùi tiến công của quân địch? Một khi cạnh sườn và mặt sau của ta hoàn toàn trống rỗng.

Rút lui? Triệt thoái? Đâu sẽ là điểm dừng lại để chỉnh đốn hàng ngũ?

Như một con thuyền gỗ mong manh vượt biển, quay cuồng trong đêm giông bão, Trung Đoàn SVSQ căng cứng trong đêm cao nguyên đầy hoảng loạn.

Tin tức bất lợi. Bay đến. Không phải từng ngày. Mà là từng giờ.

Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn SVSQ liệu có đã liên lạc và phối hợp được với các đơn vị bạn hay chưa? Không biết.

Chỉ biết một điều là Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị vẫn còn đó. Vẫn thấy ông có mặt cùng Khối Quân Sự Vụ hằng ngày.

Từ trên cao nhìn xuống qua khe núi. Ban đêm. Đã bắt đầu thấy những điểm sáng nối đuôi nhau hướng ra các trục lộ để đổ xuống quốc lộ 1 trực chỉ phương Nam.

Vậy mà, ban ngày vẫn còn thấy có người tìm về lại Trung Đoàn.

Tiếng loa của Trung Đoàn kêu đơn vị trực ra tiếp nhận Lê Hồng Phong, SVSQ của Đại đội A Khóa 31 (A31), làm ngạc nhiên toàn đại đội. Phép lạ nào giúp nó lành vết mổ mau vậy?

Ngó ra mới thấy trật lấc. Lên thang lầu, nó còn phải ngồi trên ghế! Bị có người khiêng lên mà. Đi chưa nổi, sợ đứt chỉ tuông máu. Phải ngồi trong ghế để anh em vác lên lầu là cái chắc. Ngó bộ Lê Hồng Phong A31 coi còn bảnh toỏng hơn bí thư Lê Hồng Phong của VC chớ giỡn sao!

Nghe có đứa chủi thề.

– Bệnh viện gì bất nhân quá vậy! Di tản mà bỏ lại bệnh nhân.

Nhăn nhăn bản mặt trắng bệch, Phong cười thoải mái:

– Bậy bạ mày. Bệnh viện tính di tản tao, tao đâu có chịu. Bắt họ chở về đây. Tao đi Võ Bị chứ đâu có đi bệnh viện.

– Thua mày luôn.

Cả đại đội A31 lắc đầu hết ý kiến. Thằng nào ngó bộ cũng cảm động dù biết rằng không biết có lo được thêm chi cho nó hay không?

– Nhằm nhò gì ba cái vết mổ này. Từ đây tới đó tao lành mấy hồi. Cái giọng Sàigòn pha Quảng Bình của Phong nghe tỉnh khô.

Ngó qua, thấy Mai Văn Đối, con gà què của A31, với một giò còn băng bột quá đầu gối.

– Băng bột dzậy, chứ đi nổi không mày? Phong còn ra giọng ghẹo.

– Tính để thêm mấy bữa nữa cho bớt lỏng gối. Nghe mày nói thấy ghét. Cho tới luôn.

Chơi luôn cái tình móc cây bayonnette xẻ luôn miếng băng bột ra, quăng bỏ.

A31 mới có thêm một thằng bịnh. Lại bớt được một thằng què. Coi như huề. Mà huề sao được? Còn phải tính thêm hai tinh thần gắn bó nữa chớ!

Vậy đó. Trung Đoàn SVSQ Võ Bị là tập hợp của những đơn giản như vậy. Kỷ luật thép đã khuôn đúc những cá nhân riêng lẻ. Và còn phải nói. Có một cái gì đó nữa. Đã nối kết tất cả thành một khối.

Có lạc quan quá đáng lắm không khi nói lên điều như vậy? Hãy hỏi xem có ai, cựu SVSQ, trong chúng ta không tự hào, hoặc tối thiểu cũng là vui vẻ, khi nghe nói đến Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam?

Vẫn còn có những bàng hoàng và ray rứt. Vẫn nối tiếp những tham gia và đóng góp. Đó có lẽ chính là chất keo kết nối những cựu SVSQ Trường Võ Bị thành một khối.

Tập hợp đã thực sự hoàn hảo chăng? Không phải đâu. Dù thật ít oi, vẫn còn thấy những chập chờn, lọt chọt.

Hay đến với tập hợp chỉ nhằm vui chơi, ăn trên ngồi trước? Không đúng đâu.

Đã có biết bao đàn anh hoặc bạn bè của Trung Đoàn SVSQ Võ Bị đã nằm xuống trên trận địa? Đã có biết bao phần thân thể, máu thịt gửi lại trên khắp quê hương Việt Nam? Đó là chưa nói gì đến những ê chề, mất mát của nỗi bại vong. Vẫn đè nặng trên tâm tư của những người đã từng chiến đấu.

Để thay vì ấp ủ được câu cười tiếng hát, thì ngược lại chỉ thấy lệ rơi và máu đổ, xảy đến hàng ngày trên khắp quê hương.

Tiếng Tan Hàng đã không do Hệ Thống Tự Chỉ Huy của Trung Đoàn SVSQ Võ Bị xuống lệnh. Nhưng chắc chắn vẫn còn vang vọng trong tâm tư của các Niên Trưởng, của các Khóa 31 lời hô to: Tự Thắng.

Hãy cùng nhau giữ mãi tinh thần Tự Thắng của Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị. Để vượt lên. Cho một ngày mai tươi đẹp.

Nam California, Tháng 5, 1989
Trần Trung Tín – Cựu SVSQ Khóa 31



3 Comments

  1. Duc Nguyen

    Gần 50 năm, đọc bài của bạn Trần Trung Tín vẫn bâng khuâng, ngậm ngùi, thương nhớ và hãnh diện về những người con của Mẹ.
    Cảm ơn bạn Trần Trung Tín K31.

  2. Taro Bill

    Đây là cổng chính. Tại sao gọi là cổng Nam Quan nhỉ ?
    Lúc nhỏ, có dịp vào trong khuôn viên của trường, xem hoạt cảnh các SVSQ đóng trận Đống Đa tại sân vận động , tham dự những buổi diễn tập tại hồ than thớ vào những năm 1965-1968!?

    • editor

      Xin lỗi anh Taro Bill là tôi đã chậm trễ trả lời. Về các tên có trong lịch sử, thì bên trong Trường Võ Bị cũng có những nơi lấy tên của các danh nhân Việt Nam như Vũ Đình Trường Lê Lợi, khu Quang Trung… Riêng cổng chính vào trường mang tên là Cổng Nam Quan, thì thú thật với anh là tôi không tìm ra được tài liệu chính thức ghi chú về việc đặt tên là Cổng Nam Quan.

      Tuy nhiên, theo sự tìm hiểu riêng, thì việc lấy hai chữ “Nam Quan” ra đặt tên cho cổng chính của Trường Võ Bị là có một dụng ý muốn xác định rõ rệt là toàn bộ lãnh thổ của Nước Việt Nam bắt đầu tự Ải Nam Quan.

      Có thể nói “Cổng Nam Quan” là từ ngữ rất quen thuộc và gần như mỗi ngày đều đến với mỗi người SVSQ Võ Bị qua tiếng loa phóng thanh. Quan khách đến thăm Trường cũng đi vào qua Cổng Nam Quan. Và SVSQ Võ Bị đứng gác tại Cổng Nam Quan cũng phải rất trang trọng và nghiêm chỉnh. Bây giờ, khi nghe anh hỏi đến nơi chốn xa xưa, phải nói là cũng rất bồi hồi trong giây phút tìm lại dĩ vãng. Thân mến. -Trần Trung Tín K31

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *