Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

… Dễ Xa Nhau!

3T

Hồi còn ở Việt Nam, 3T tui là đứa khá nhặm lẹ. Qua Mỹ, tổ sư lờ quờ là có tui.

Thời 1980s, mới sống ở Mỹ, nghe phone reng là tui hồn bay phách lạc. Khúc đó mần chi mà có phone ID, bởi vậy đâu biết ai kêu tới. Hổng dám bốc phone vì rủi đầu dây bên kia nghe có tiếng Mỹ nói là tui hổng kịp… quăng phone!

Tiếng Mỹ học bên VN, trả thầy ráo trọi. Qua Mỹ, xa quê hương nhớ mẹ hiền, nên nói rặt tiếng Việt không hà! Bởi vậy đụng tới tiếng Mỹ là trớt quớt. Gồng mình dữ lắm mới lặp bặp được ít chút. Gặp hồi nói chuyện với Mỹ thiệt, trắng cũng như đen, ai nấy đều banh mắt ra ngó miệng tui. Tội nghiệp! Mấy người đó dòm miệng tui cỡ nào cũng đoán hổng nổi tui nói chi. Riết hồi, guê xệ quá, tui tắt tiếng luôn.

Ngó tới, ngó lui, thấy sống tại Mỹ mà hổng nói được tiếng Anh là thua đẹp. Nên phải ráng xâm mình ủi đại tới chớ sao giờ? Nói cho cùng, qua được mấy con trăng làm mặt lì, chịu “đụng” với dân bổn xứ, thì cũng “thoại” được chút đỉnh.

Bây giờ về hưu rồi, tui cũng muốn ghi vô “sổ bìa đen” chút chuyện xưa đã trải qua tại Mỹ. Để lỡ mai mốt cái bộ nhớ của tui rủi có bị mấy thứ ác đạn Alzheimer, dementia xoá sạch, thì cũng còn để lại cho vợ con, bạn bè… chút gì để nhớ!

Thời Xe Cũ Mèm Lên Xe Mắc Nợ

Tui bắt đầu làm lại cuộc đời ở Mỹ hồi tháng 11, 1982. Mới qua, tiền hổng có thì lết bộ và đi xe bus là chuyện phải đạo. Gần chỗ tui ở, có hai vợ chồng người Mỹ có dư chiếc xe đạp cũ. Ngày ngày tui đeo ba lô đi học ngang qua, ngó thấy chắc thảm dữ, nên hai ông bà kêu vô cho chiếc xe đạp. Tui cám ơn mấy người tử tế này hết lời.

Hồi đó hổng thấy ai ngu hơn tui, quý vị. Đạp xe về tới nhà là quăng qua bên hông, hổng khoá. Được đâu ba tuần, xe đạp mất tiêu. Mấy bữa sau đó, thấy tui lết bộ trở lại, ông bà Mỹ chủ chiếc xe đạp cũ hỏi thăm. Tui khai thiệt là để xe ngoài nhà, hổng khoá. Tưởng nước Mỹ hổng ai nghèo như tui, có ăn cắp thì ăn cắp xe hơi, chớ ai thèm ăn cắp xe đạp! Nghe rồi, hai ông bà Mỹ này lắc đầu thua tui luôn!

Mất xe đạp, thì ráng lết bộ tiếp. Tới 1985, lục túi gom được 300 USD mua chiếc Ford Capri, đời 1971, số tay. Xe cũ. Hư tới, hư lui. Sửa miết. Tới 1988, chiếc Capri banh càng. Rinh về chiếc Datsun, đời 1974, cũng cũ xì. Tới 1994, chiếc Datsun nằm ụ. Quá mệt với xe cũ, tui mượn tiền nhà băng mua chiếc Toyota mới tinh.

Lần đầu có xe mới cáu cạnh, cưng nó dữ lắm. Bởi vậy, tới giờ thay nhớt xe, tui làm hẹn với Toyota dealership để đem xe ra đó làm cho chắc ăn.

Sáng thứ Bẩy, lái xe ra, tui xếp hàng chờ người của dealership ra tiếp nhận. Tới phiên tui, có một anh còn trẻ đi ra. Ngó mặt ảnh là biết dân Việt Nam. Mừng trong bụng vì thấy khỏi cần chu môi, phùng mỏ nói tiếng Anh. Ai dè, mừng hụt!

Ngó mặt ngơ ngơ của tui, hổng chừng anh Việt Nam này nhắm tui hổng biết tiếng Anh, tới đây tính níu áo nhờ ảnh xin tiền trợ cấp xã hội? Bởi vậy nên ảnh trợn mắt nạt tui bằng tiếng Anh: “Đem xe tới muốn làm cái gì? Có làm hẹn chưa?

Khi không bị nạt, tui nẹt lửa liền, giống như bị điện giựt. Tóc tai dựng đứng, tui la lớn mấy câu tiếng Anh: “Muốn thay nhớt! Yes, có làm hẹn. Bây giờ mày muốn cái gì?

Người mình ưa chín bỏ làm mười, dĩ hoà vi quý. Tui cũng vậy. Nhưng đụng trúng mấy thứ tề thiên đại thánh ưa hiếp đáp dân đen là cỡ nào tui cũng nổi cọc.

Gặp hồi nổi cọc, tui không care trời đất gì ráo! Nghe tui la làng, thằng em này xanh mặt. Sợ sếp nghe thấy, nó lẹ lẹ kéo tui vô chỗ làm giấy tờ.

Tới đó, thằng em này đổi qua nói tiếng Việt với tui, quý vị! Hay dữ hông? Hồi đó, hổng lẽ tui như vầy mà xài tiếng… Đan Mạch với nó? Bị vậy, tui phải nói tiếng Việt nhưng cái bản mặt tui thì làm cho một đống, giống như đương xổ tiếng… Đức!

Về tới nhà, cũng còn quạu. Chặp sau, tui quên mất tiêu. Ai dè Toyota hổng quên. Cỡ tuần sau, họ gởi thơ tới tui xin ý kiến về Toyota dealership. Dzậy nữa sao?

Tánh tui thấy sao, nói dzậy. Tui ghi xuống phiếu ý kiến y chang cảm nghĩ của một khách hàng khi không bị nhân viên của dealership nạt nộ. Rồi gởi lại cho Toyota.

Chừng cỡ tháng sau, muốn gắn thêm alarm vô xe, tui chạy tới cũng cái Toyota dealership đó. Vô tới trong, ngó qua ngó lại hổng thấy anh bạn trẻ “đồng hương” bữa nọ, nên tui hỏi thăm. Thì ở đó nói là ảnh bị đuổi mất tiêu rồi.

Tui nghe rồi, tỉnh bơ như ruồi. Cho hết cái màn ngó thấy người Việt nào coi bộ lờ quờ là nhẩy ra làm ông kẹ lên mặt hù hè, xổ tiếng Anh ra nạt nộ ăn hiếp người ta.

Thời Của Phone Bàn

Ở Mỹ, từ chỗ của dân ‘lô ca chưn’ mà leo lên được tới chỗ nhà băng chịu cho mượn tiền mua xe cũng hổng phải là chuyện dễ ăn.

(C)rờ-đích1 nhiều nhiều, nhà băng mới khoái. (C)rờ-đích mà ít, thì tới Tết Ma Rốc nhà băng Mỹ mới ngó tới chuyện cho mượn tiền.

Mỹ mà, đụng tới chuyện tiền bạc – nói xin lỗi: Hổng (c)rờ-đích – Hổng chơi!

Hồi 1994, ở Mỹ trên 10 năm, tui cũng đỡ đỡ nên mới dám mua xe mới. Còn bên VN bớt nghẹt thở nhờ “mở cửa.” Tới 95-96, gia đình tui bên đó gắn điện thoại bàn. Thời đó, smart phone, Facebook Messenger, Viber… là mấy thứ chưa có.

Bị vậy mà ở Mỹ phone về VN là phải qua đường dây long distance. Từ California gọi về VN, 1 phút là 1 USD. Ngó 1 đô la Mỹ, thấy rẻ rề, huh?! Kẹt một cái là tại California, hồi 95-96, lương tối thiểu trả cho 1 giờ làm việc có 4.75 USD thôi2.

Nghĩa là 1 tiếng đồng hồ làm sặc gạch ở Mỹ chưa trả đủ 5 phút phone về VN! Mà 5 phút trên phone thì nói được mốc xì gì. Có phone hỏi thăm ông bà già mình thì giá chót cũng phải cỡ 15-30 phút. Bằng tiền đi cày từ 3.15 tới 6.3 tiếng.

Còn ai có đào ruột còn ở VN, thì mong lẹ lẹ cho mau tới weekend để được nói chuyện phone với đào cho đỡ nhớ! Hổng muốn “xa mặt cách lòng” thì mỗi lần phone cũng đốt cháy rụi cỡ 60 phút phù du! Là coi như bay mất tiêu 60 USD và phải lo kéo cày 12.6 tiếng (= 60 / 4.75) để trả bill cho 1 tiếng long distance call!

Tuần nào mà cũng vậy và mấy Chuyện Tình Buồn (nhiều tập) này “trải nghiệm” chừng sáu tháng là… tối trời! “Oải” dữ lắm! Bởi vậy, thời đó nhiều chuyện tình “long distance” thọ hổng lâu. Mà bên VN, mấy ai biết được Nỗi Lòng người xa xứ?!

Mấy năm đó, hốt tiền dân Việt tại Mỹ kêu phone về VN nhiều nhứt là hai công ty AT&T và MCI. Bởi vậy họ cho ra nhiều tuyệt chiêu “lấn đất giành dân” rất bắt mắt.

Như kỳ đó tui đương xài đường dây của MCI, thì AT&T gởi giấy dụ nhẩy qua. Đồng ý nhẩy qua, thì AT&T gởi cho 100 USD. Thời đó mà khơi khơi có 100 USD là “goá đã”. Nghe có lý quá, bốc phone bấm số 1-800 của AT&T kêu đổi cái rụp.

Nhẩy qua AT&T được đâu 3-4 tuần. Mấy bữa weekend đó, kéo hai ba anh bạn đi uống cà phê, ăn tối, lai rai vài chai beer… là 100 USD của AT&T bốc hơi mất tiêu.

Hết tiền, đương queo râu nằm nhà, khi không nghe phone của công ty MCI kêu tới.

Hổng thấy mặt, nhưng ở đầu dây bên kia, nghe giọng nói của cô nhân viên MCI thì… Thánh thần ơi! Hết biết…

Thánh thót, du dương thì hổng thua… Khánh Hà! Yểu điệu, mượt mà thì ăn đứt… Ý Lan!

Xã giao chút đỉnh, rồi người (chắc) đẹp MCI #1 này vô đề như vầy nè: “Công ty MCI không giầu bằng AT&T. Nhưng nếu anh cho phép chúng tôi chuyển dịch vụ điện thoại của anh sang MCI, thì sau 7 ngày, MCI sẽ gửi đến anh cái check 75 USD.”

Guỷ thần ơi, nghe giọng nói dẻo như kẹo kéo, mềm hơn bông gòn, ngọt quá đường phèn mà tuần sau còn có 75 USD xài chơi nữa! Bộ ngu sao mà hổng nhẩy qua MCI? Bởi vậy lẹ lẹ nói YES liền tức thời với người đẹp.

Nhưng hết Bảy Ngày Đợi Mong, cái check 75 USD cũng chưa tới. Quê xệ chút đỉnh. Đợi thêm 7 ngày nữa. Cũng hông thấy chi. Là biết bị xí gạt. Nổi quạu.

Bốc phone kêu MCI. Gặp cô người Việt khác, kêu là cô MCI #2 cho gọn. Tui nói bữa trước cô MCI #1 cho tui biết: “Đổi qua MCI là 1 tuần sau tui có cái check 75 USD của MCI. Bây giờ hết 2 tuần rồi, hổng có check nào gởi tới tui hết. Là sao vậy?”

Nghe khiếu nại, cô MCI #2 lục computer, rồi cho biết đâu có thấy ai nói gì tới cái check 75 USD đâu! Nghe tới đây tui ‘nóng gà’ nói hổng lẽ lỗ tai của tui có vấn đề hay sao mà nói chuyện với cô MCI #1 bằng tiếng Việt tui còn nghe trật?

Tui nói với cô MCI #2 này là tui biết chắc MCI có thu băng cuộc nói chuyện của tụi tui hồi bữa trước để giữ làm bằng chứng. Và tui yêu cầu mở băng đó ra cho tui nghe để coi tui nghe trật hay cô MCI #1 hứa lèo, gạt tui.

Thấy tui làm dữ, cô MCI #2 muốn tui “hạ hoả” bằng cách đề nghị là cho tui qua chương trình tính điểm, nghĩa là gọi phone nhiều, thì điểm thưởng nhiều. Còn khuya tui mới ưng mấy màn giỡn mặt khó làm việc kiểu này!

Tới đây, cô MCI #2 biết là hổng thể nào tiếp tục chịu trận đỡ đạn giùm cho cô bạn đồng nghiệp có cái miệng nói ngọt sớt. Cô MCI #2 nói là hổng có quyền mở băng thu âm cho khách hàng nghe.

Tui nói: “Dễ quá mà, thẩy tui tới chỗ nào giải quyết được chuyện này. Muốn tới đâu, tui tới đó. Chờ cỡ nào, tui cũng chờ. Hổng xong, hổng gác phone!”

Rồi tui được bàn giao qua một anh supervisor Mỹ. Anh này cũng dụ ngọt tui để qua chương trình tính điểm. Tui nói quên đi. Tui hổng có quởn để nghe mấy chuyện điểm hay mặt phẳng gì ráo. Tui muốn hỏi cái check 75 USD hứa trả cho tui.

Chịu hết nổi, anh Mỹ này gởi tui qua một người manager. Cô Mỹ này rất professional. Cổ hỏi tui chuyện gì đã làm tui nổi giận. Sau khi tóm tắt tự sự, tui yêu cầu cho mở lại băng thu âm để nghe. Nếu tui sai, tui sẵn sàng xin lỗi MCI.

Tui nói tui rất ‘upset’ vì thấy bị xí gạt. Cô MCI #1 nói chuyện với tui bằng tiếng mẹ đẻ của tui mà hổng lẽ tui nghe lộn? Bởi vậy tui muốn làm cho ra lẽ. Còn đối với tui, 75 USD hổng phải là món tiền lớn tới mức mà tui phải làm dữ.

Nghe tui xong, cô manager này nói cô rất hiểu tâm trạng của khách hàng như tui. Cô tin những điều tui nói và hổng cần mở băng thu âm ra nghe để đối chứng. Cô xin lỗi tui về chuyện hổng đẹp này. Cô manager nói là sau khi ngưng nói chuyện với tui, cô sẽ kêu nhân viên gởi cái check 75 USD tới tui liền.

Mấy bữa sau, nhận được cái check 75 USD của MCI gởi tới, tui đem qua ngân hàng đổi ra tiền mặt liền. Rồi về nhà, bốc phone kêu AT&T, nói họ chuyển dịch vụ long distance phone của tui từ MCI qua bên AT&T, khỏi cần tiền “khuyến mãi.”

Sau đó tui cũng hổng biết chuyện gì xảy tới cho cô MCI #1. Nhưng đi làm ở Mỹ mà lòi ra cái chuyện xí gạt khách hàng, thì ai dám mướn? Hãng nào mà hổng sợ khách hàng đâm đơn kiện về tội lường gạt? Cũng vì mấy chuyện lường gạt khách hàng mà Wells Fargo Bank bị đền tới 2.7 tỉ (billion) Mỹ kim3. Đâu phải chuyện giỡn chơi.

Cũng thấy ngộ: Năm 1997, MCI nhập chung với WorldCom. Tới 2002 bị khám phá gian lận kế toán, rồi khai phá sản – là vụ phá sản lớn nhứt lịch sử của Mỹ thời đó4.

Chuyện đời mà, y chang như người Mỹ tin dị đoan ưa nói: “What goes around comes around!” Ủa, nhưng mà câu này bên tiếng Việt là sao ta? Cũng hổng biết nữa. Thôi kệ, để 3T tui ráng dịch đại câu này qua tiếng Việt là: “Chạy trời, không khỏi nắng!

Sau vụ MCI, tui “phát hiện” được một câu châm ngôn hết sẩy, muốn chia sẻ cùng quý vị: “Đừng tin những gì ‘ngọt ngào’ hứa. Hãy canh kỹ những gì ‘ngọt ngào’ làm!”

Kính Đen. Nhường Trắng. Nể Mễ. Sợ Đồng hương!

Thiệt tình mà nói, ai hổng biết mà đọc hai “đoàn khúc” trên là dễ nghi tui là đứa tối ngày phá phách, ưa gây lộn, gây lạo. Hổng phải vậy đâu. Xí trai, con nhà nghèo, học dở là có tui. Nhưng tánh tình thì… hiền khô à! Tui là đứa “nhân chi sơ, tánh bản thiện” mà. Có điều qua Mỹ bị cọ xát quá, riết rồi thành… “nhím” hồi nào hổng biết!

Nhớ hồi mới qua, có biết trời trăng mây nước gì về Mỹ đâu. Sau 30/4, ở VN, hổng kể ba cái tin lâm vố đem súng mút-cà-tông bắn rớt máy bay B52 um sùm trên đài, trên TV, thì kiếm đâu ra tin tức về đời sống bên Mỹ? Vượt biên tới đảo, có tiếp xúc chi đâu với người Mỹ ngoài mấy lần lên gặp phái đoàn Mỹ để được phỏng vấn.

Mà mới tới Mỹ chừng ba bữa, kiếm ra chỗ chịu cho share phòng ở trọ là được mấy người bạn qua trước “chỉ bùa” cho là muốn sống thọ ở Mỹ thì phải thuộc nằm lòng câu “thần chú”: Kính Đen. Nhường Trắng. Nể Mễ. Sợ Đồng hương!

Bởi vậy nên tui đâu dám ý kiến hay ‘théc méc’ này nọ. Ai nói chi, thì tui lo dạ nấy.

Mới qua xứ người ta lạ quắc lạ quơ, tiền bạc hổng có, xe cộ cũng không, tiếng Anh thì Mỹ nói Mỹ nghe, mình nói mình nghe, nên bị trầm cảm dữ lắm.

Ngó cái mặt ngơ ngáo của tui, phèn ăn xếp lớp, là biết tui là dân mới tới Mỹ với hai bàn tay trắng. Bởi vậy, nhiều người tử tế thông cảm cho tui và thiệt lòng chỉ dẫn giúp đỡ này nọ, Nhưng cũng có nhiều đứa muốn tới kiếm chuyện để ăn hiếp.

Hên là tui gặp được mấy anh bạn mới quen, cũng là tị nạn qua trước, ưa giúp đỡ. Thấy tui là con bà phước, có anh lâu lâu chạy qua kéo đi uống cà phê cho đỡ tủi.

Quán cà phê mà anh bạn tui ưa chở tới có anh chủ quán Việt Nam. Bự con, râu ria lùm xùm, tướng tá bặm trợn của anh chủ quán ngó bộ dễ nhát ma thiên hạ. Mở quán cà phê ngay khu ngon lành tại Los Angeles thì chắc cũng là dân có tiền.

Vô quán ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa nóng, anh bạn tui thì ít nói, còn tui thì nói ít, nghe nhiều nên bàn của tụi tui im re. Ngồi nghe nhạc. Hút thuốc. Hồi đó chưa có luật cấm hút thuốc trong quán.

Hai đứa tụi tui tới quán mấy lần nên anh chủ quen mặt. Gặp bữa ít khách là ảnh bước tới bàn tụi tui, ngang xương kéo ghế ngồi xuống. Khỏi hỏi ai tiếng nào. Tỉnh bơ như người… Hà Lội!

Ngồi nghe anh chủ quán này bàn chuyện đời là thấy coi bộ anh này trước 75 chắc làm lớn dữ lắm, bên pháo binh hay phòng không gì đó, vì ảnh nổ rân trời.

Cũng có bữa tui tính nhẩy vô làm tài lanh, nhưng nhớ tới câu “thần chú:” Kính Đen. Nhường Trắng. Nể Mễ. Sợ Đồng hương! thành ra tui nín khe.

Nhưng mà giống như cái lò xo bị ép quá mức, tới hồi bung ra là bung bạo.

Một bữa nọ anh chủ quán, là người mà hồi nào tới giờ cái gì cũng biết, lên mặt thầy đời “chỉ dạy, giáo huấn” tui đủ chuyện tại Mỹ. Là biết bữa nay có ‘đụng’ lớn.

Làm gì thì làm, ngoài mặt tui giả đò hổng biết “mother” gì hết. Chơi cái tình lờ quờ, tui “thọc léc” anh chủ quán bằng mấy câu hỏi ngu ngu. Ảnh trả lời quờ quạng.

Cũng bởi ngu, nên tui “lỡ” thúc cùi chỏ trúng sườn non của anh này mấy chặp.

Chập hồi, chắc máu bị dồn lên não quá mức, anh chủ quán nổi điên, nhẩy dựng.

Ảnh trợn hai con mắt đỏ khè, hỏi tui bằng tiếng Đan Mạch: “ĐM, mày học tới đâu mà nói giọng đó với tao?”

Sôi máu trong bụng, nhưng ngoài mặt ráng dằn, tui tỉnh bơ tửng tửng hỏi lại: “Vậy chớ anh học tới đâu mà hỏi tui học tới đâu?”

Nghe anh chủ quán “ngôn” là biết anh này ưa lớn lối hung hăng. Có điều bất ngờ bị trúng một cú “giò lái” ngay ngực, nên ảnh bị ép tim dội ngược. Nhưng bị khựng có chút xíu thôi là ảnh lấy lại phong độ. Rồi tiếp tục hung hăng lớn lối.

Đưa ngón tay chỉ vô ngực, ảnh lớn họng: “Tao hả? Tao học với bác Hồ nè!”

Nghe tới đó, tui thiệt hổng biết… phản pháo ra sao. Nhưng mà hên! Làm như có tổ độ. Đương khi không tui thấy… ánh sáng cuối đường hầm!

Tui “bỏ nhỏ” cho anh chủ quán một cú vô ngay bản họng, đẹp còn hơn cả tuyệt vời:

Còn tui hả? Tui hổng có đi học. Đẻ ra là tui biết chữ rồi. Nên hổng có đi học. Thằng nào còn đi học, thằng đó còn ngu!5

Mèng đéc quỷ thần ơi! Hồi đó, anh chủ quán này chịu hết nổi. Ngó bộ coi ảnh có mòi sắp “nổ banh xác pháo.”

Có sao đâu? Ưa nổ, muốn nổ thì tui gài độ cho nổ! Cho vui. Đời là vạn ngày sầu mà!

Mặt mày xanh dờn, anh chủ quán hầm hầm đứng dậy xô bàn cái rầm. Đá ghế bỏ đi.

Ba bốn bữa sau, tui nói anh bạn chở đi uống cà phê. Cũng tới quán đó. Coi sao.

Ngó thấy hai đứa tui ngồi uống cà phê trong quán, nhưng lần này “ông” chủ quán hết dám kéo ghế ngồi chung. Bây giờ “ổng” biết điều lắm. Tắt đài. Tắt tiếng luôn.

Hổng dám nói chắc, nhưng kỳ đó chắc anh chủ quán học được bài học nhớ đời là đừng có ỷ mình bự con, có tiền là muốn chơi cha, muốn nói trên đầu ai cũng đặng.

Nói cho ngay, anh chủ quán này hên tận mạng mới gặp được người… hiền như tui! Chớ như gặp dân gốc “gia đình liều mạng” mà ăn nói kiểu đó là có mòi… “đi” luôn!

Cuộc “trao đổi văn hoá” song phương – độc còn hơn thịt vịt – đó đã được gần 40 năm tuổi! Bữa nào ‘ôn cố nhi tri tân‘ là bữa đó đều thấy như mới xảy ra bữa qua, và tui phải “tự khen” là hổng biết sao mà hồi đó tui “sáng dạ” dữ thần dzậy ta?!

Nhớ lại ly cà phê sữa nóng tui uống bữa đó, nói thiệt, thấy… “phê” thì thôi!

3T – Ngày 8 Tháng 10, 2023


Bài Đọc Thêm:

Chú thích

  1. Credit: Tín dụng; Khả năng có thể trả được tiền mượn nợ của ngân hàng
  2. Năm 2023, tại California, lương tối thiểu trả cho một giờ là 10.50 hoặc 11.00 USD. Xem History of California Minimum Wage tại link: https://www.dir.ca.gov/iwc/minimumwagehistory.htm
  3. Xem Wells Fargo cross-selling scandal tại link https://en.wikipedia.org/wiki/Wells_Fargo_cross-selling_scandal
  4. Xem tin về MCI Inc. tại link https://en.wikipedia.org/wiki/MCI_Inc.
  5. Hồi nhỏ 3T tui thuộc nằm lòng Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện của Phan Kế Bính. Nên khi “đụng chuyện” mới tức thời nhớ ra câu nói của Nguyễn Hiền trả lời ông Vua khi bị hỏi về chuyện học. Lấy ý của câu đó ra “biến chế” lại và đem ra “ứng dụng!” Hiệu nghiệm như thần! 😎 Xem chi tiết về Nguyễn Hiền tại link https://vi.wikisource.org/wiki/Nam_Hải_dị_nhân_liệt_truyện/21

6 Comments

  1. Giang Trung Nguyen

    Câu chuyện “Dễ Xa Nhau” của anh Tín quá hay. Đúng là giọng văn Nam Kỳ đặc sệt. Ai bảo người Bắc không viết văn theo kiểu Nam Kỳ được là đại trật. Ai mà đọc xong bài viết “Dễ Xa Nhau” mà không tự cười một mình thì chắc là căn bệnh “bò điên” của nước Anh đã lan tràn sang nước khác rồi vậy. Đọc bài “Dễ Xa Nhau” đã lắm đa !!!!.

    • editor

      Rất vui khi được anh Giang bên xứ sương mù Anh Cát Lợi có lời bình: “Đúng là giọng văn Nam Kỳ đặc sệt.”

      Cũng là một sự cố gắng, thưa anh. Vì không phải là professional writer, cho nên qua những cố gắng của bản thân, tôi nghiệm thấy viết theo “giọng văn Nam Kỳ”, đối với tôi, là cả một “challenge.”

      Cứ nói hơi “phóng đại” một chút thì văn giọng miền Nam cần phải thật giản dị, thật bình dân, và “straight to the point,” cho nên dùng chữ “hoa lá cành”, hay “hàn lâm” quá trong văn miền Nam thì … trớt quớt! Thành ra masterring được “giọng văn Nam Kỳ”, “ngó dzậy chớ hổng dễ ăn đâu anh!” 😎 Xin ráng, xin ráng thêm nữa. Cám ơn anh Giang. -3T Trần Trung Tín

  2. Chi Vu

    Hi Tín
    Đọc “Dễ xa nhau” lại thấy “Gần nhau hơn?” Giọng Nam Kỳ nghe hay hay thế nào ấy! Tác giả thiệt đa tài. Tuy cười nhưng có lúc muốn “rớt nước mắt “
    Chúc vui khỏe!
    Thăm cả nhà

    • editor

      > Đọc “Dễ xa nhau” lại thấy “Gần nhau hơn?”

      Câu hỏi này của chị Chi đã “đưa đến” một cảm giác trộn lẫn giữa “xa vs gần”, “buồn vs vui”, “cũ vs mới” và đó là điều vượt ra ngoài sự dự liệu cũng như đã đem lại một thú vị bất ngờ cho người viết, thưa chị.

      Đọc câu hỏi của chị tự nhiên nhớ đến bài hát mà thuở thiếu thời vẫn hay hồn nhiên vui ca Gặp Nhau Đây: “Gặp nhau đây, rồi chia tay. Ngày dài như đã vụt qua như phút giây. Niềm hăng say, còn chưa phai. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy…

      > Tuy cười nhưng có lúc muốn “rớt nước mắt “

      Commment trên của chị, ngẫm cho cùng, có lẽ nói lên được phần nào những ẩn khuất bên trong các diễn viên hài hước (comic actor) có tài đã đem đến cho các khán/thính giả nụ cười để họ thấy đời bớt khổ.

      Thực sự thì Tín không có khả năng đáng quý và hiếm có đó. Nhưng nếu đoàn văn này đem lại được ít khoảnh khắc “mua vui cũng được một vài trống canh” cho người đọc, thì đó cũng là điều rất quý hoá cho người viết, thưa chị.

      Và lời comment trên của chị Chi lại làm nhớ đến câu hát của bản nhạc Quán Bên Đường: “Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui. Thì cứ hỏi ngay cuộc đời…” Xin cảm ơn chị Chi. -3T Trần Trung Tín

  3. AD

    Trong “Ô Đi Xa!” có vẻ là những câu chuyện của 3T với bạn bè năm châu, còn “Dễ xa nhau” là chuyện với bạn bè nước mình. Ở đây, tui vẫn lặp lại comment đã viết cho “Ô Đi Xa!”, 3T cà khịa được là do anh rất vững về lý và luật.

    Anh 3T đã nói lý – nói luật, với cả bạn bè nước khác và nước mình, tui tò mò là anh thấy nói với bên nào nó khó hơn?

    • editor

      > Anh 3T đã nói lý – nói luật, với cả bạn bè nước khác và nước mình, tui tò mò là anh thấy nói với bên nào nó khó hơn?

      Dĩ nhiên là lý sự “đụng chuyện” với “phe ta” thì khó hơn. Vì hai bên đều xuất thân “cùng lò” cho nên “biết bùa” nhau hết. Phải “sáng tạo” dữ lắm mới “qua mặt” được “phe ta”, chớ hổng phải chuyện giỡn chơi đâu, nghen bạn AD! 😄 -3T

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *