I have never strived to make myself out to be a hero, and I have never been one. I’ve done nothing important, either good enough to boast about or bad enough to write a book to justify.

Tôi không bao giờ gắng sức để làm cho cá nhân tôi trở thành anh hùng, và tôi không bao giờ là anh hùng. Tôi không làm điều gì quan trọng, đủ tốt đẹp để khoe khoang hoặc đủ tệ hại để phải viết một quyển sách để biện minh.

Nguyễn Công Luận, Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier

Khoảng cuối tháng 7, 2023, tình cờ tôi đọc được bài phỏng vấn Cao Xuân Huy, tác giả quyển hồi ký Tháng Ba Gẫy Súng, xuất bản năm 1985. Bài phỏng vấn này được trích ra từ quyển Nếu đi hết biển… của tác giả Trần Văn Thủy, xuất bản năm 2004.

Trong bài phỏng vấn trên có chỗ nhắc đến nhà văn Hoàng Khởi Phong.

Và nói đến Hoàng Khởi Phong là phải nói đến quyển hồi ký Ngày N + … 1 của ông, xuất bản tại California, năm 1988.

Có thể nói, vào cuối thập niên 1980s sang thập niên 90s, quyển Ngày N + … được xem là một “hiện tượng” nổi bật của văn học Việt Nam hải ngoại lúc bấy giờ.

Lần đầu tiên tôi được nghe đến tên nhà văn Hoàng Khởi Phong qua một anh bạn là vào khoảng 1979-80 khi tôi còn ở Việt Nam. Vì chưa bao giờ biết đến nhà văn này, nên tôi tò mò hỏi thêm. Và được anh bạn, là em họ của nhà văn, cho biết là ông di tản sang Mỹ vào thời 30/4/75. Trước đó, ông là đại úy quân cảnh.  

Ở Mỹ, vào những thập niên 1980s-90s, thị trường chữ nghĩa tiếng Việt tại hải ngoại vẫn còn ít có sự góp mặt của các tác phẩm mới. Cho nên quyển hồi ký Ngày N + … của Hoàng Khởi Phong phát hành vào lúc bấy giờ đã đáp ứng đúng với nhu cầu đọc sách của độc giả. Trong không khí đó, tôi đã mua quyển Ngày N + … 

Có lẽ quyển hồi ký này được bắt đầu viết vào khoảng 10 năm sau ngày Miền Nam sụp đổ. Với khoảng thời gian “đủ dài” đó, và nhất là trong tâm trạng của một nhà văn tị nạn bị rời bỏ quê hương thì hẳn sẽ không phải là một điều quá sai lạc khi tôi viết rằng Hoàng Khởi Phong đã phải rất trịnh trọng và nghiêm chỉnh khi ông mở lại chồng “hồ sơ cũ” để “nhìn” vào người khác, và cũng là để “nhìn” lại chính mình. 

Với 12 năm quân ngũ, cấp bậc sau cùng là đại úy quân cảnh, và đến lúc viết quyển hồi ký Ngày N + … cũng khoảng 10 năm sống đời tị nạn, thì hẳn tác giả Hoàng Khởi Phong, tên thật là Nguyễn Vinh Hiển, đã có đầy đủ kinh nghiệm sống, cũng như đã có khá đủ thời gian để suy ngẫm, khi cần suy nghiệm và lượng định lại cuộc đời quân ngũ của mình để từ đó rút ra chất liệu hình thành quyển hồi ký trên.  

Ngày N + …: Tác Phẩm & Tác Giả

Trong Ngày N + …, Hoàng Khởi Phong đã đề cập đến nhiều vấn đề thời sự quan trọng vào thời điểm Miền Nam đang sụp đổ. Ông cũng ghi lại những “trăn trở”, ngao ngán cùng là bày tỏ sự khinh bỉ của ông đối với nhiều giới khác, đặc biệt là các giới chức lãnh đạo cao cấp của miền Nam thời trước 30/4/75, trong đó có nhiều người ở cấp Tướng và cả các vị nguyên thủ quốc gia. 

Ở đây, bài viết này không có tham vọng làm công việc phê bình thời cuộc và lượng giá các giới chức có thẩm quyền của Miền Nam vào giai đoạn đó. Vì việc làm này sẽ đòi hỏi một công trình làm việc tận tụy trong một thời gian dài – với một đầu óc tinh tế khách quan, cùng kiến thức uyên bác ở nhiều lãnh vực, và nhiều nguồn tài liệu giá trị. Và đó toàn là những đòi hỏi mà người viết bài này không đáp ứng nổi.

Tuy nhiên, đối với tác phẩm thuộc loại hồi ký, thiết nghĩ, chỉ cần là người đọc bình thường, thì họ cũng có nhu cầu muốn tìm hiểu con người thực của tác giả viết quyển hồi ký đó đã sống và suy tưởng như thế nào để người đọc có thể hiểu thêm được mối liên quan nhân quả giữa tác giả và tác phẩm đó.

Quả thực, sẽ là một điều cần thiết cho người đọc trong việc tìm hiểu nhà văn Hoàng Khởi Phong đã “nhìn lại” ông như thế nào trong quá trình hình thành quyển Ngày N + …, để người đọc có thể có được một sự lượng định tương đối chính xác về giá trị của quyển hồi ký này – một tác phẩm đã gắn liền với tên tuổi của tác giả.

Bởi đó, bài viết này sẽ đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu tác giả Hoàng Khởi Phong căn cứ trên một số điều mà ông đã tiết lộ trong quyển hồi ký.

Đầu tiên, có thể nói Hoàng Khởi Phong đã thành công trong việc “tiếp cận” được với độc giả qua những đoạn hồi ký được viết tương đối ngắn, như những đoạn nhật ký, ghi lại tâm tình riêng của ông về những sự kiện lịch sử đang xẩy ra.

Mỗi đoạn hồi ký bắt đầu bằng ngày tháng. Tác giả cũng làm mới đi cách “biên niên” bằng một khuôn mẫu lạ mắt, dễ làm người đọc chú ý: “Ngày N + X, giờ”.

Hoàng Khởi Phong dùng Ngày N để đánh dấu ngày đơn vị của ông rời bỏ Pleiku, là ngày 16-3-1975. Sau đó, Ngày N + X sẽ là ngày 16-3-1975 cộng thêm X ngày.

Ngoài ưu điểm của lối viết hồi ký với những đoạn tương đối ngắn như một nhắn khéo với người đọc là họ sẽ không bị “tra tấn” bởi những gì “lê thê,” thì quyển Ngày N + … còn dễ đi vào lòng người đọc vì đã ghi lại những biến cố tang thương của Miền Nam với nhiều cảm xúc của một chứng nhân và chứng nhân đó cũng là một trong những nạn nhân trong biến cố lịch sử được ghi lại từ Ngày N.

Quả vậy, dọc suốt Ngày N + …, bằng cảm quan riêng, Hoàng Khởi Phong đã ghi lại nhiều “trăn trở” về thế sự, cùng là phê bình về nhiều người khác, “tha nhân” khác.

Con Người “Chinh Chiến”

Tuy thế, ở vào những lúc nhà văn Hoàng Khởi Phong muốn “mở ra” để người đọc có thể “nhìn vào” con người của tác giả, thì ông lại không ghi xuống những “trăn trở” của ông về con người thực của mình, gắn liền với 12 năm quân ngũ. 

Cho được chính xác hơn, cũng có chỗ Hoàng Khởi Phong đã ghi xuống những điều có thể được gọi là “bộc bạch” với độc giả về những gì đã góp phần kiến tạo nên một người sĩ quan quân cảnh nơi ông. 

Như những gì đã được ghi trong đoạn hồi ký viết cho “Ngày N + 34, 7 giờ tối.”

Tiếc thay, những “bộc bạch” trong đoạn hồi ký nói trên lại không phải là những gì do chính nhà văn Hoàng Khởi Phong “tự bạch.”

Mà những điều (có thể xem là) “bộc bạch” này lại đến từ người khác, và người đó lại chính là ông cụ thân sinh của tác giả:

“Rồi cậu lại sai lầm một lần nữa, đáng lẽ cứ để anh ở Biệt động quân, hay vận động cho anh về Nhẩy dù cho hợp với ước mong của anh, thì cậu lại vận động cho anh về Quân cảnh, muốn anh có chút điều kiện để hoàn tất cái học vấn nửa vời của anh. Chỉ vì bao nhiêu người cũng muốn như cậu, muốn con mình an thân, mà bây giờ kết cuộc thê thảm thế này.” 

Trong những ngày cuối của cuộc chiến, có thể nói rằng những phát biểu đó của ông cụ là lời thú nhận buồn bã của một ông bố đã thất bại trong việc nuôi con.

Hình ảnh một ông cụ thương con và làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ cho con không phải đi vào lửa đạn là một hình ảnh rất cảm động. Cộng thêm lời thành thật thú nhận “tội thương con” của cụ, thì người đọc khó ai lại không thương cảm.

Tuy nhiên, khi dành ra hẳn phần “Ngày N + 34, 7 giờ tối” để ghi lại lời “thú tội” thương con của cụ thân sinh, tôi nghĩ là ông Hoàng Khởi Phong đã muốn gián tiếp đưa ra một lời biện bạch cho chính ông là: 

Trước 30/4/75, đáng lẽ Hoàng Khởi Phong phải là sĩ quan Nhẩy Dù hay Biệt Động Quân như “ước mong” của ông.  Nhưng bất đắc dĩ ông phải làm sĩ quan Quân Cảnh vì cụ thân sinh “lại vận động cho anh về Quân cảnh” để ông không phải ra đơn vị tác chiến.

Như thể đó là một gợi ý:  

“Số mạng” của đại úy Nguyễn Vinh Hiển (Hoàng Khởi Phong) đã được “an bài” trong sự bảo bọc của cụ thân sinh luôn “muốn con mình an thân” và do đó ông đại úy không thể làm bất cứ điều gì khác để thay đổi được “định mệnh đã an bài” đó.

Hãy nhìn thẳng vào thực tế:

  • Đối với người trưởng thành, và thực sự lao vào đời, nhất là đời binh nghiệp, như Hoàng Khởi Phong, thì lòng thương con của cụ thân sinh chỉ có tác động – nhiều nhất – lên 1 nửa phần đời sống “bên ngoài” của ông mà thôi.
  • Còn 1 nửa phần đời sống “bên trong” của Hoàng Khởi Phong, do ông chủ động khi trưởng thành, là phần tích cực góp phần kiến tạo nên con người thực của vị đại úy Quân Cảnh thì Hoàng Khởi Phong lại không đề cập đến.

Chân Dung Tác Giả

Câu hỏi cần được đặt ra ở nơi đây là: 

Đã trưởng thành cả về tuổi đời lẫn khả năng suy tưởng, trong 12 năm quân ngũ, nhà văn Hoàng Khởi Phong có bao giờ tự đứng thẳng được trên hai chân của ông để thực hiện cho bằng được những điều cần phải làm để được sống “cho hợp với ước mong của anh” như lời của cụ thân sinh của ông cho biết hay không?

Căn cứ theo hồi ký Ngày N + …, xem ra dòng suy tưởng của Hoàng Khởi Phong không có chỗ cho những câu hỏi như: “Ta đã làm chi đời ta?” khi ông còn tại ngũ. 

Có thể vì ông tránh né, không dám nghĩ đến.  Hoặc giả cũng có khi nghĩ đến, nhưng phần trả lời cho câu hỏi trên lại quá xấu xí đến nỗi ông không muốn, hay không dám đặt ra.

Chẳng hạn, một câu hỏi khác cũng khá hiển nhiên là:  

Trong khi phục vụ tại đơn vị Quân Cảnh, và để  “cho hợp với ước mong” được làm sĩ quan Nhảy Dù hay Biệt Động Quân, thì đã có bao nhiêu lần ông Nguyễn Vinh Hiển làm đơn tình nguyện quyết tâm xin thuyên chuyển ra đơn vị tác chiến?

Một chuyện khá dễ hiểu là: Từ đơn vị tác chiến xin chuyển về đơn vị không tác chiến thì khó. Nhưng ngược lại, từ đơn vị không tác chiến xin chuyển ra đơn vị tác chiến thường là điều không quá khó, đến độ không thể thực hiện được.  

Rõ ràng là, khi muốn làm chuyện “chân dung tự hoạ” mà lại không có can đảm để “đối diện” với “mặt trong” của ông, và chỉ đưa ra những nét “chấm phá” về chân dung của mình do người khác phác hoạ, thì những nét vẽ “chân dung” đó cũng chỉ là chân dung “mặt ngoài” – khá hời hợt – của nhà văn Hoàng Khởi Phong.  

Xem thế Hoàng Khởi Phong chỉ đưa ra Một Nửa Sự Thực về Hoàng Khởi Phong. 

Mà một nửa sự thực thường là cả một sự dối trá; như lời của một câu ngạn ngữ Tây phương: Half the truth is often a whole lie. 

Quả vậy, nếu chỉ đơn giản hiểu theo lời Hoàng Khởi Phong kể lại trong phần “Ngày N + 34, 7 giờ tối”, thì có “kết cuộc thê thảm thế này” chỉ vì ông Nguyễn Vinh Hiển là sĩ quan Quân Cảnh thay vì là sĩ quan Biệt Động Quân hoặc Nhẩy Dù.

Đừng quên là trước 30/4/75, ông Nguyễn Vinh Hiển đã là đại úy!

Nhưng qua lời kể của Hoàng Khởi Phong nơi phần “Ngày N + 34, 7 giờ tối”, thì dường như lúc đó ông Nguyễn Vinh Hiển đang là một tân binh quân dịch 17-18 tuổi sắp ra đơn vị nơi vùng lửa đạn và đang được ông cụ thân sinh vỗ về an ủi.

Đúng là cả một sự trình bày rất khéo léo của một ông nhà văn có khả năng vận dụng đầu óc rất tinh vi đi đôi với khả năng luồn lách chữ nghĩa thật tài tình!

Sống ‘cho hợp với ước mong của anh’

Trở lại thời năm 1972, Mùa Hè Đỏ Lửa, chiến sự mãnh liệt lan rộng khắp nơi.

Khi đó, ông Phạm Văn Bính, cựu Thủ Hiến Bắc Việt, có thể nói là một người có nhiều quen biết, thế lực, có người con trai là Phạm Lê Phong du học bên Pháp.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật (hay Hóa), anh Phạm Lê Phong đã về lại Việt Nam và tình nguyện gia nhập binh chủng Nhẩy Dù. 

Trong Mùa Hè Đỏ Lửa, anh Phạm Lê Phong đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị.

Xin trích một phần từ Hồi Ký Về Phạm Lê Phong, của Trần Hồng Phú, đăng tại: https://nhayduwdc.org/bv/hk/nd/2019/plp/ndwdc_bv_hk_nd2019_plp_hkphamlephong_2019SEP24_tue.htm:

Trích:

Đây là một sự kiện lạ đối với tôi, vì thân phụ của Phong là nhân vật nổi tiếng, tôi nghe nói Ông đã từng là Thủ Hiến Bắc Việt một thời và hiện Ông là chủ nhiệm một tờ báo khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Tôi đang rất bận rộn nên bốc phone xin cáo lỗi không thể gặp ngay được và hẹn khi nào rảnh sẽ tới thăm. Sau đó, có lần tôi gặp Phong hỏi về truyện này, Phong ngớ ra không biết gì hết. Vài hôm sau tôi gọi điện thoại gặp ông cho biết ông đang rảnh, tôi xin đến thăm ông.

Trong cuộc nói truyện tôi được biết ông có hai người con đã hy sinh trong cuộc chiến, một người là phi công, người kia tôi không nhớ. Phong đang du học ở Pháp và còn cơ hội tiếp tục học lên nữa, nhưng nhất định xin về. Với hoàn cảnh này, Phong có thể xin MIỄN DỊCH, và lại một lần nữa Phong quyết định không xin để rồi đi vào Thủ Đức. Thân phụ của Phong lại tự mình vận động cho con. Một ông tướng Không Quân muốn Phong về với KQ, một ông tướng khác ở BTTM bằng lòng nhận Phong về với ông, Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị cũng bằng lòng nhận Phong và thậm chí nếu Phong muốn ở lại Trường Bộ Binh TĐ cũng được, v.v.

Trở lại vấn đề của Phong. Sau khi chấm dứt Chiến dịch, trở về Trường, đôi ba lần tôi gọi Phong lên văn phòng Tiểu đoàn nói truyện, thường là vào buổi tối. Trong lúc trò truyện, gọi là trò truyện chứ thật tình Phong rất ít nói. Chỉ dạ… dạ… và cám ơn… cám ơn… vậy thôi. Tôi còn nhớ tuyệt đối tôi không khuyên Phong gì hết mà chỉ gợi lại những tình cảm, những lo lắng của người cha cũng như của gia đình. Khi tiếp xúc với thân phụ của Phong, ông cụ không nhờ vả gì tôi hết nhưng tôi vẫn hiểu ý cụ muốn gì. Cũng vậy, tôi không khuyên Phong mà Phong cũng biết ý của tôi, cho nên lần cuối cùng nói truyện chấm dứt, tôi bắt tay Phong, Phong cám ơn tôi và nói:

– Em đã quyết định rồi.

Tôi không hỏi Phong đã quyết định gì, vì có hỏi chưa chắc Phong đã nói. Vả lại tôi cũng muốn tôn trọng cái riêng tư của Phong nên đành chờ cho tới ngày K4/71 tập trung tại Hội Trường để chọn đơn vị.

Cuối cùng thì như mọi người đã biết, Phong tình nguyện về Binh chủng thiện chiến nhất của QLVNCH: Nhảy Dù. Trong thâm tâm tôi vẫn thầm phục một đàn em đầy quả cảm và đầy ý chí!

Hồi Ký Về Phạm Lê Phong, tác giả Trần Hồng Phú

Thật quá sức đáng tiếc vì:

  • Ngày 29/7/1972: Anh Phạm Lê Phong, Khoá 4/71 Sinh viên Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, ra trường và đi thẳng về đơn vị Nhảy Dù anh đã chọn.
  • Ngày 30/7/1972: Anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Từ đó sẽ đưa đến câu hỏi: Một khi anh Phạm Lê Phong quyết tâm thực hiện điều anh mong ước là đi Nhẩy Dù, liệu thân sinh của anh, là cựu Thủ Hiến Bắc Việt, có thể nào “vận động” để bắt anh phải phục vụ trong đơn vị không tác chiến không?

Câu trả lời ngắn gọn:  Không. 

Bởi thế, quả là một điều hết sức bất kính đối với cụ thân sinh khi ông Hoàng Khởi Phong đưa cụ ra làm bình phong giải thích hộ ông: “đáng lẽ cứ để anh ở Biệt động quân, hay vận động cho anh về Nhẩy dù” thay vì “lại vận động cho anh về Quân cảnh.”

Đọc đến đó, nơi phần hồi ký của “Ngày N + 34, 7 giờ tối,” tôi đã phải đặt ra câu hỏi:

  • Trong 12 năm quân ngũ, tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của một người đàn ông đã đi đâu vắng, để Hoàng Khởi Phong – một nhà văn luôn “thao thức” về hiện tình đất nước – cứ vẫn an nhiên, tự tại “núp bóng” dưới sự “vận động” che chở của cụ thân sinh của ông?

Thêm nữa, đã hơn 10 năm sống đời tị nạn, vậy mà khi viết Ngày N + …, xem ra Hoàng Khởi Phong vẫn không thể hiểu được rằng người chịu trách nhiệm về cuộc đời của ông phải là chính ông, chứ không phải là cụ thân sinh ra ông.

Lần đầu đọc quyển Ngày N + … vào 1988, tôi còn khá trẻ.  Ngay sau khi đọc hết phần “Ngày N + 34, 7 giờ tối,” tôi đã không thể không buông ra những lời lẽ không đẹp. Chỉ vì lúc đó tôi cảm thấy tôi đã quá hoang phí tiền bạc và thì giờ qua việc đã mua và đọc sách của những anh phù thủy chữ nghĩa. 

Văn hay chữ tốt tung tăng bay lượn khắp nơi trên các trang hồi ký Ngày N + …  

Nhưng đến lúc “30 giây nói thật,” thì vị phù thủy chữ nghĩa này lại như đưa ngón tay chỉ sang cụ thân sinh và than thở, phân bua với độc giả:

Tại bố tôi cưng chiều tôi quá cho nên tôi không được sống… “cho hợp với ước mong” của tôi! Nên “bây giờ kết cuộc thê thảm thế này” như bố tôi đã nói! Và tôi đã dành riêng phần “Ngày N + 34, 7 giờ tối” để ghi rõ các điều ông cụ nói.

Đúng thật là văn chương theo kiểu… WTF! Chẳng ra làm sao hết cả!

Dân Tác Chiến “Thứ Thiệt”

Lúc 35 năm về trước, sau khi đọc Ngày N + … , tôi cảm thấy quả là một sự lãng phí khi đã bỏ ra đồng tiền khó kiếm để mua quyển hồi ký này. 

Đến nay, tuổi tác và mắt nhìn đời đều đã khác xưa, thì lại thấy mất đi độ chục Mỹ Kim và nhận ra được giá trị của một ông nhà văn nổi tiếng, thì xem ra vẫn còn hời!

Khoảng thời gian trước đây khá lâu, tôi có đọc (hay nghe) được ở đâu đó nói đến việc Hoàng Khởi Phong cùng một số nhà văn/thơ chủ trương (hay kêu gọi) kết hợp hay hợp đoàn lưu diễn để làm điều gì đó cho văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Tin đó đúng hay sai thì thực sự tôi không biết.  Nhưng lúc đó tôi đã tự bảo mình:  

Quên các quan này đi. Các quan này mà khua chiêng gõ trống làm chuyện “kết hợp” hay “hợp đoàn lưu diễn” gì đó cho “văn học, nghệ thuật” Việt Nam, thì xem ra cuối cùng cũng chỉ là để giải toả một số ẩn ức tâm lý nào đó và để… selfie! 

Xin hoan hô Google Translator đã rất sáng tạo khi dịch nghĩa của chữ “selfie” rất “chỉnh” là… Chụp hình tự sướng!!

Tại sao lại cần đến “selfie”?  Câu trả lời rất đơn giản: Làm như vậy để thấy mình “ngon lành,” cũng như dân tác chiến “thứ thiệt,” thay vì chỉ là một anh khoác vào người bộ quân phục và dùng nó như một thứ môn bài để trốn quân dịch.  

Riêng về hai chữ “thứ thiệt” trong ngoặc kép bên trên, thiết tưởng cũng nên trích lại đoạn Trần Văn Thủy (TVT) phỏng vấn Cao Xuân Huy (CXH):

TVT: Trong thời gian chiến tranh, điều gì anh đinh ninh trong vị trí của một người cầm súng?

CXH: Anh cũng định hỏi tôi, tại sao có ông bố ở ngoài Bắc mà lại đi cái thứ lính dữ dằn ấy phải không? Giản dị lắm anh ạ. Vốn dĩ tôi là người ghét chiến tranh, tôi không chấp nhận được chuyện anh em, có khi ruột thịt, bắn giết nhau vì hoàn cảnh mà phải ở hai miền khác nhau của đất nước. Chiến tranh không do những người cầm súng quyết định, và những người quyết định chiến tranh thì lại không bao giờ phải cầm đến khẩu súng. Tôi trốn lính đấy chứ. Nhưng khi trốn không được nữa, thì tôi đành phải đi lính thôi. Mà đã đi lính thì phải là lính “thứ thiệt”. Tôi tình nguyện vào một binh chủng chuyên đánh trận, và hầu như chỉ đánh những trận lớn, dữ dội mang tính quyết định ở từng mặt trận. Thú thật với anh, tôi đánh trận thuộc loại khá, và ở một đơn vị thiện chiến nhất nhì của miền Nam.

Xem thế thì có thể thấy cái mặc cảm đi lính “thứ thiệt” (hay không) là điều có thực và không phải là điều tưởng tượng do tôi tự chế ra.  

Còn có dám huỵch toẹt nói thẳng ra “mặc cảm” này như Cao Xuân Huy, hay lại vòng vo, vẽ vời tạo ra đủ thứ “ngụy trang” để đánh lạc hướng dư luận, để tự bào chữa, hoặc để… “selfie” (tự sướng) thì đó lại là chuyện khác.

Tâm tư và Tư cách

Cũng đừng nghĩ là tôi đã xem thường lòng can đảm và sự quả cảm của những vị phục vụ trong những đơn vị không tác chiến, quân sự hay bán quân sự. 

Như trường hợp của ông Nguyễn Công Luận là một điển hình. Ông học Khoá 12 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và là người mà cá nhân tôi được vinh dự gọi ông là Niên Trưởng (NT) vì tôi học Khoá 31, khoá cuối cùng của Trường Võ Bị.

Lần cuối cùng gặp ông vào năm 2013, NT Luận có chia sẻ với tôi là trước 30/4/75 ông du học tại Hoa Kỳ. Lúc tình hình của Nam Việt Nam quá bi đát, có vài sĩ quan người Mỹ, bạn đồng khoá, khuyên ông đừng về vì xem ra Miền Nam sẽ mất.

Nhưng NT Luận đã trả lời là ông phải về lại với đơn vị, với đất nước dù ông cũng biết rằng làm như thế là lên đường về chỗ chết.  

Trong khi Miền Nam đang tan rã, thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn trước ngày 30/4/1975, ông đã trở về Việt Nam. Như một Người Lính đang tìm về đơn vị.

NT Luận sinh năm 1937. Thân phụ của ông gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng vào năm 1927. Và ông không hề có một ảo tưởng gì về người cộng sản.

Sau 30/4/75, NT Luận bị đày đoạ trong các trại tù cộng sản gần biên giới Hoa Việt. Đến Mỹ vào năm 1990, sức khoẻ của ông suy thoái trầm trọng, hậu quả của nhiều năm trong lao tù cộng sản.  Rồi bệnh Parkinson ngày một gia tăng… 

Nhưng ông vẫn âm thầm… vẫn miệt mài… Viết.

Ông viết:  

  • Không để tỏ cho thấy “đúng ra” ông phải là lính tác chiến “thứ thiệt” trong binh chủng Nhẩy Dù, hay Biệt Động Quân.
  • Không để giải toả mặc cảm phạm tội đã bỏ ngũ trong giờ phút chót.
  • Không để tìm cách đưa ra những “giải thích” nhằm đổ lỗi cho người khác.
  • Không để gián tiếp tôn vinh cá nhân như là một nhà văn luôn “thao thức” trước “sinh mệnh” của đất nước.2

Mà, tôi nghĩ, động lực chính thúc đẩy ông phải viết là để lại cho những thế hệ đi sau, những nhà biên khảo, cả Việt, lẫn Mỹ, những điều mà chính ông đã trải qua, đã tận mắt chứng kiến trong cuộc chiến tranh quốc cộng tại Việt Nam. Nhất là không để tiếng nói của người Việt quốc gia hoàn toàn bị xoá bỏ trên diễn đàn quốc tế.

Một trong những tác phẩm đã xuất bản của ông là quyển hồi ký dầy gần 600 trang bằng Anh ngữ.  Quyển hồi ký của tác giả Nguyễn Công Luận mang tên Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier, do nhà xuất bản Indiana University Press phát hành vào ngày 7 tháng Hai, 2012.

Nhìn vào đó để thấy rằng lòng can đảm và sự quả cảm của một người trong tập thể Quân, Cán, Chính không nằm ở nơi quân phục hay màu cờ, sắc áo của đơn vị.  

Mà lòng can đảm và sự quả cảm đó nằm ngay trong chính tâm tư và tư cách của từng mỗi người. 

Văn Chương Cảm Tính

Như đã ghi bên trên, quyển hồi ký Ngày N + … dễ đi vào lòng người đọc vì đã được nhà văn Hoàng Khởi Phong ghi lại với nhiều cảm xúc của ông như là một chứng nhân và cũng là nạn nhân thấp cổ bé miệng trong biến cố lịch sử của Miền Nam.

Trong một tác phẩm, nếu ghi lại được tiếng nói, tiếng khóc than hay nói cho đúng hơn là nỗi thống khổ tột cùng của nạn nhân, với nhiều cảm xúc của một chứng nhân, thì bao giờ cũng dễ khơi động được lòng trắc ẩn của người đọc.

Yếu tố cảm tính trong một tác phẩm đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút và lôi cuốn độc giả. Một khi cảm tính đã chiếm ngự trọn vẹn được người đọc, thì người đọc sẽ dễ dàng bị thuyết phục. Đến lúc đó, họ sẽ đón nhận tác phẩm với ít hoặc không một thắc mắc.

Như trong phần ‘Ngày N +38, 7 giờ tối’ mà nhà văn Hoàng Khởi Phong đã viết về việc mãn khoá của 2 khoá đang học năm thứ 3 và năm thứ 4 của Trường Võ Bị:

Ngày N + 38, 7 giờ tối

Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt đã dời về Long Thành. Lễ mãn khóa diễn ra trong một bầu không khí u uất, ở một doanh trại điêu tàn của Mỹ để lại. Những sinh viên sĩ quan của hai khóa chót ra trường cùng một lúc. Họ giống như những trái cây bị ép non, có một lớp vỏ ngoài đẹp đẽ của những trái chín, nhưng lớp ruột bên trong còn sượng, chưa đủ già. Họ đã mặc đồ đại lễ tiến ra mặt trận. Mặt trận đâu có xa xôi gì, nó lởn vởn ngay ngưỡng cửa Long Thành, và cách cổng quân trường chưa đầy một cây số.

Đọc đoạn bên trên, người đọc không khỏi bùi ngùi thương cảm cho số phận của những người trai trẻ, vẫn còn rất “ngu ngơ” cho nên “Họ đã mặc đồ đại lễ tiến ra mặt trận” trong khi “mặt trận” chỉ “cách cổng quân trường chưa đầy một cây số.

Có ai mà lại chẳng dễ mủi lòng xót thương cho những người trai trẻ phải đi vào cõi chết ở vào Giờ Thứ 25?!

Thế nhưng, những sự việc được Hoàng Khởi Phong múa bút diễn tả trong phần hồi ký bên trên vào lúc ‘Ngày N +38, 7 giờ tối’, và được tô điểm thêm với những xúc cảm bi hùng, thực ra chỉ là những tưởng tượng giả tạo và sai sự thực!

Bởi vì:

  1. Lúc đó cộng quân đang bị cầm chân tại Xuân Lộc, còn cách Long Thành khá xa, chứ không phải rất gần “chưa đầy một cây số.
  2. Chẳng có vị sĩ quan chỉ huy nào trong Võ Bị lại có thể ngu xuẩn đến độ ra lệnh cho toàn thể các sĩ quan mới ra trường “mặc đồ đại lễ tiến ra mặt trận.”
  3. Chẳng có anh sĩ quan Võ Bị nào, dù mới ra trường, lại có thể ngốc nghếch và điên rồ đến độ “mặc đồ đại lễ tiến ra mặt trận” để làm… bia bắn cho đạn địch!

Hãy nhìn vào ảnh chụp các sinh viên sĩ quan Võ Bị trong quân phục đại lễ, nơi hình phía dưới, là có thể thấy ngay sự phóng đại, và cường điệu hóa rất khôi hài đến độ lố bịch của Hoàng Khởi Phong khi ông viết: “Họ đã mặc đồ đại lễ tiến ra mặt trận.

Sinh viên sĩ quan Võ Bị trong quân phục đại lễ, ảnh chụp tại Trường Võ Bị

Trong cố gắng tìm hiểu thêm cho được chính xác, tôi đã liên lạc với một số cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị để hỏi về việc mãn khoá vào tháng 4/1975.

Được sự ưng thuận của anh Huỳnh Tiến, Khoá 28, là một trong những người đã mãn khoá vào lúc đó, tôi xin đăng lại nguyên văn email trả lời của anh:

From: Tien Huynh 

To: 3T 

Sent: Monday, August 7, 2023 at 12:13:23 PM PDT

Subject: Re: Xin hình và vài dòng v/v ra trường đeo lon thiếu uý

Hi anh Tín

Anh nói đúng, tay Phong này chỉ viết theo sự tưởng tượng tào lao. 

Ngày 21/4/75 khóa 28 & 29 ra trường lại Long Thành, (cũng là ngày TT Thiệu từ chức), Buổi lễ được tổ chức rất là đơn giản dưới sự chủ tọa của Trung tướng Nguyễn Bảo Trị. Toàn bộ hai khóa 28 & 29 đều mặc đồ tác chiến, được phát bông mai, sau khi quỳ xuống SVSQ và đứng dậy Tân Sĩ Quan, chúng tôi tự gắn lon Thiếu úy cho nhau, sau đó ba lô súng ống đạn dược bước lên GMC ra đơn vị đã chọn ngay sau đó. (khi di tản ra khỏi trường mẹ, chúng tôi chỉ mang theo súng đạn và đồ tác chiến cá nhân, còn tất cả Đại lễ, tiểu lể, Jasper, worsted đều bỏ lại ở trường). Tôi còn nhớ rõ Thiếu Tá Dục, ông khóc trên Micro trong buỗi lễ: ” Chưa có cái khóa nào ra trường mà …như khóa các anh …”

Chiến sự lúc đó Cộng quân đang bị cầm chân ở Xuân Lộc, làm gì có chuyện mặt trận cách Long Thành chưa đầy cây số.

Rất tiếc là tôi không có được hình ảnh nào của K28&29 ra trường tại Long Thành

Anh có thể tìm thêm chút tài liệu ở website K28 do anh Nguyễn Sanh K28 viết: K28/TVBQGVN

Thân chúc anh và gia đình khỏe mạnh

Tien Huynh K28

Đối với những người trong cuộc – như các cựu sinh viên sĩ quan của bốn khóa cuối cùng của Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt – thì trong phần hồi ký Ngày N + 38, 7 giờ tối, quả thực nhà văn Hoàng Khởi Phong đã “viết theo sự tưởng tượng tào lao.”

Và ngay cả đối với người bàng quan ngoại cuộc, một khi sự thực được phô bày thì cũng khó có ai có thể “biện hộ” được cho Hoàng Khởi Phong, tác giả của Ngày N +…, là nhà văn này đã không phóng bút “viết theo sự tưởng tượng tào lao.”

Để cho được công bằng với nhà văn Hoàng Khởi Phong, thì cũng phải nói rằng những “tưởng tượng tào lao” đại loại như thế cũng thấy xuất hiện trong “sáng tác” phẩm văn chương của một số nhà văn khác.

Những quý vị đó thích “luận” chuyện chiến tranh qua lời nghe kể lại. Những lời kể lại đó được xem như là “chất liệu văn chương” và được “ủ” thêm trong men bia/rượu. Rồi cứ thế họ say sưa tiêu thụ các “chất liệu văn chương” sặc mùi men đắng để “sáng tạo” ra đủ mọi chuyện chinh chiến!

Với những nhà văn thuộc trường phái “sáng tạo” theo kiểu như trên thì có nhiều phần trăm là họ chẳng chịu bỏ nhiều công sức và thì giờ ra để đọc đi, đọc lại, và cẩn thận kiểm soát lại những gì họ viết ra mà chưa thực sự nắm vững.

Nói một cách khác, những nhà văn thuộc loại nói trên không hề có được một tinh thần trách nhiệm đúng đắn đối với ngay chính những đứa con tinh thần của họ.

Tạm Kết

Một tác phẩm văn chương sẽ không thể có một giá trị vững chắc và khó có thể tồn tại được lâu dài, nếu tác phẩm đó chỉ đặt nặng trên cảm tính, và chỉ chú trọng đến việc khơi động lòng trắc ẩn hay sự thương cảm bi lụy nơi người đọc.

Khi thiếu vắng sự can dự tích cực của lý trí để xét nghiệm sự thể xẩy ra xem có hữu lý hay không, hoặc không có đủ nghiêm chỉnh và khắt khe trong việc phân định hư-thực, tưởng tượng hay tin đồn nhảm, mà chỉ chú trọng khai thác phần cảm tính – vốn khá phù động, thì tác phẩm đó sẽ giống như một lâu đài trên cát.

Mặt khác, viết hồi ký là để ghi lại những điều đã xẩy ra, trong đó có thể có điều riêng tư của tác giả mà người đọc không thể biết được. Bởi đó, người đọc khó có chọn lựa nào khác hơn là bắt buộc phải tin vào những gì tác giả viết xuống.

Do vậy:

  1. Sự thành thực của tác giả phải là điều quan trọng hàng đầu.
  2. Kế đó, sự việc được ghi nhận trong hồi ký phải hết sức chính xác.

Giá trị đích thực của một quyển hồi ký tùy thuộc vào hai yếu tố “sinh tử” nói trên.

Nếu tác giả không thành thực, hoặc sự kiện được ghi nhận lại sai lạc do bởi tưởng tượng hay phóng đại hoặc do từ tin đồn thất thiệt, thì quyển hồi ký đó không còn đáng tin cậy và cần được xếp vào loại tiểu thuyết “hư cấu” với thực, hư lẫn lộn.

Quyển hồi ký Ngày N + … của Hoàng Khởi Phong cũng không phải là một ngoại lệ để không cần xét đến cả hai yếu tố quan yếu nói trên.

Trong sự xét nghiệm và lượng định giá trị thực sự của một quyển hồi ký – đặt căn bản trên hai yếu tố thành thựcchính xác như ghi bên trên – thì quyển hồi ký Ngày N + … đã bị hỏng cả hai.

Đáng tiếc, qua quyển hồi ký Ngày N + …, Hoàng Khởi Phong còn đã đánh mất sự chính trực (integrity) của ông – vốn là một điều bắt buộc phải có nơi một nhà văn.

San Jose, Ngày 02 Tháng 11, 2023

Trần Trung Tín


Bài Đọc Thêm:


Chú thích

  1. Quyển Ngày N + … được tác giả đồng ý cho đăng trên talawas.org:  http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1663&rb=08
  2. “I was just a nobody in Việt Nam, only a common person of my generation in the two wars. I was serving the South Việt Nam Army with all my heart, but I have not contributed anything great to my people nor to my army.  I have never strived to make myself out to be a hero, and I have never been one. I’ve done nothing important, either good enough to boast about or bad enough to write a book to justify.” – Excerpt from Preface of Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier By Nguyễn Công Luận.

    “Tôi chẳng là ai cả tại Việt Nam, chỉ là một người bình thường của thế hệ của tôi trong hai cuộc chiến tranh. Tôi đã phục vụ Quân Đội Nam Việt Nam với tất cả tấm lòng của tôi, nhưng tôi đã không cống hiến được bất cứ điều gì to tát cho dân tộc của tôi hoặc quân đội của tôi. Tôi không bao giờ gắng sức để làm cho cá nhân tôi trở thành anh hùng, và tôi không bao giờ là anh hùng. Tôi không làm điều gì quan trọng, đủ tốt đẹp để khoe khoang hoặc đủ tệ hại để phải viết một quyển sách để biện minh.” – Trích từ Lời Nói Đầu của quyển hồi ký Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier; Tác giả Nguyễn Công Luận.

    Ghi chú thêm: Ông Nguyễn Công Luận đã qua đời vào đầu năm 2017.