Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Hiểm Hoạ Putin: Tuyệt Vọng Và Lảng Tránh Tại Âu Châu

Hội nghị An Ninh Munich (Munich Security Conference) đã được tổ chức vào các ngày 16-18 tháng 02, 2024. Từ Munich, Đức, hai phóng viên David E. Sanger and Steven Erlanger tường trình về hội nghị qua bài báo As Putin Threatens, Despair and Hedging in Europe đăng trên The New York Times vào ngày 18/02/2024.

Thiết tưởng cũng nên ghi lại một vài thời điểm có liên hệ và rất đáng được lưu ý:


Free riders aggravate me. (Những kẻ lợi dụng làm tôi khó chịu.)

Tổng thống Obama (2016) ► Obama-upset-at-free-riders

Trần Trung Tín chuyển ngữ

MUNICH – Khi các nhà lãnh đạo Tây phương họp tại Munich trong ba ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một thông điệp cho họ: Những gì họ làm cho đến nay – trừng phạt, lên án, nỗ lực bao vây (containment) – sẽ chẳng thay đổi được ý định của Putin nhằm phá hoại trật tự thế giới hiện nay. Nga đã tạo được thắng lợi quan trọng đầu tiên tại Ukraine sau gần một năm, chiếm được thành phố Avdiivka đổ nát, với tổn thất nhân mạng lớn lao cho cả hai phía, xác người rải rác dọc theo các con lộ, có lẽ như một lời cảnh cáo về một hướng đi mới trong cuộc chiến được 2 tuổi. Cái chết đáng ngờ của Alexei Navalny trong một nhà tù xa xôi ở Bắc Cực đã cho thấy rõ hơn bao giờ hết là Putin sẽ không dung tha bất đồng chính kiến nào khi cuộc bầu cử gần kề.

Và sự khám phá của người Mỹ, được tiết lộ trong những ngày gần đây, là Putin có thể đang dự tính đưa vũ khí hạt nhân vào không gian – một quả bom được thiết kế để xóa sạch mô liên kết của truyền thông toàn cầu nếu ông Putin bị xô đẩy quá đà – là một nhắc nhở hữu hiệu về khả năng của ông ta trong việc phản công nhắm vào kẻ thù bằng vũ khí bất đối xứng (asymmetric weapons) vốn vẫn là nguồn lực chính của sức mạnh của ông ta.

Tại Munich, tâm trạng vừa bồn chồn và vừa mất tinh thần (unmoored), khi các nhà lãnh đạo phải đối diện với những cuộc đối đầu mà họ đã không tiên liệu được. Những cảnh báo về những chuyển dịch sắp tới có thể có của ông Putin được trộn lẫn với mối lo ngại ngày càng tăng của châu Âu rằng chẳng bao lâu họ có thể sẽ bị bỏ rơi bởi Hoa Kỳ – một cường quốc trụ cột trong chiến lược phòng thủ của châu Âu trong 75 năm.

Chỉ trong một giờ trôi qua tại Hội nghị An ninh Munich (Munich Security Conference), cuộc đối thoại đã không quay sang câu hỏi liệu Quốc hội Hoa Kỳ có thất bại trong việc tìm ra phương cách để tài trợ những vũ khí mới cho Ukraine hay không, và nếu vậy, thì Ukraine có thể còn đứng vững được trong bao lâu. Và trong khi tên Donald Trump ít được nhắc đến, thì việc ông có làm đúng như lời đe dọa là rút khỏi NATO và để Nga “làm bất cứ cái quỷ quái gì mà họ muốn” (“do whatever the hell they want”) với các đồng minh mà ông xét là không đóng góp đủ đã là một viễn cảnh treo lơ lửng trong phần lớn cuộc hội thoại.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như cũng cảm nhận được rằng họ đã phản ứng chậm chạp như thế nào trước những thực tế mới. Các kế hoạch của châu Âu nhằm tái xây dựng lực lượng của họ cho một kỷ nguyên mới của sự đối đầu đang đi đúng hướng, từ nhà lãnh đạo này đến nhà lãnh đạo khác đều nhấn mạnh điều này, nhưng rồi họ lại thêm rằng sẽ mất 5 năm hoặc hơn – một thời khoảng mà họ không có nếu Nga đánh bại (overwhelms) Ukraine và ông Trump làm suy yếu khối đồng minh.

Tâm trạng ảm đạm này trái ngược hẳn so với chỉ một năm trước đây, khi nhiều người trong số những tham dự viên này – các giám đốc tình báo và nhà ngoại giao, các nhà tài phiệt và các nhà phân tích – đều nghĩ rằng Nga có thể đang trên bờ vực thẳm của một sự bại trận chiến lược ở Ukraine. Đã có những đề cập đến việc có thể mất bao nhiêu tháng để đẩy người Nga quay lùi trở lại biên giới hiện hữu trước cuộc xâm lăng của họ vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Còn giờ đây, sự lạc quan đó có vẻ như, tốt nhất, là non yểu, còn tệ nhất là ảo tưởng mờ nhạt.

Nikolai Denkov, thủ tướng Bulgaria, lập luận rằng người Âu châu nên rút ra ba bài học từ chuỗi bất trắc này. Theo ông, chiến tranh tại Ukraine không chỉ là về vùng xám giữa châu Âu và Nga, nhưng là “liệu thế giới dân chủ mà chúng ta coi trọng có thể bị đánh bại hay không, và điều này hiện giờ đã được hiểu rõ ở châu Âu.”

Thứ hai, các quốc gia châu Âu đã ý thức được rằng họ phải kết hợp lực lượng của họ về quân sự, chứ không phải chỉ là những nỗ lực kinh tế, để xây dựng khả năng răn đe (deterence) của chính họ, ông nói. Và thứ ba, họ cần tách nhu cầu cấp thiết của Ukraine về đạn dược và phòng không ra khỏi các mục tiêu chiến lược dài hạn.

Nhưng qua luận điệu đế quốc (imperial rhetoric) của các nhà lãnh đạo Nga, ông Denkov nói, “dài hạn, trong trường hợp này, có nghĩa là từ ba đến năm và tối đa là 10 năm – đó là điều thực sự cấp bách.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin trong Hội nghị An ninh Munich năm 2007. – Ảnh chụp: Joerg Koch/DDP, qua Getty Images

Các giới chức Mỹ đã đạt được sự bảo đảm quen thuộc rằng vẫn không có gì thay đổi trong sự lãnh đạo và cam kết của Washington. Nhưng họ không thể mô tả kế hoạch hành động cho Ukraine khi Quốc Hội vẫn đang giữ lại khoản tài trợ cho vũ khí, và họ đã lúng túng trong việc giải thích làm thế nào họ đạt được một nền hòa bình bền vững sau cuộc chiến tại Gaza.

Tại khách sạn Bayerischer Hof, vào năm 2007 là sân khấu của hội nghị nơi mà ông Putin đã cảnh cáo rằng sự mở rộng của NATO về phía đông là mối đe dọa đối với Nga, thì sự hiện diện đầy xúc động của góa phụ của ông Navalny vào Thứ Sáu chỉ vài giờ sau cái chết của chồng bà đã nhắc nhở những người tham dự rằng ông Putin “chịu trách nhiệm” về việc đó.

Nhưng ít có thảo luận về những gì mà Tây phương có thể làm – gần như mọi biện pháp trừng phạt đang có đều đã áp dụng, và không rõ liệu Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu có tính đến chuyện tịch thu 300 tỷ Mỹ kim hoặc khoảng đó của những tài sản mà Nga đã thiếu khôn ngoan để lại ở nước ngoài trước cuộc xâm lăng. Khi một giới chức cao cấp Mỹ được hỏi làm thế nào Hoa Kỳ có thể giữ được lời cam kết của ông Joe Biden vào năm 2021 về “những hậu quả tàn khốc” đối với Nga nếu ông Navalny chết trong tù – một tuyên bố được đưa ra trước sự hiện diện ​​của ông Putin tại cuộc họp ở Geneva – thì giới chức này đã nhún vai.

Một số tham dự viên đã nhận ra những cam kết nhàm chán được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo, theo bà Nathalie Tocci, giám đốc Viện Quốc Tế Sự Vụ của Ý. “Kamala Harris trống rỗng, Scholz yếu đuối, Zelenskyy mệt mỏi – Kamala Harris empty, Scholz mushy, Zelenskyy tired,” bà nói về phó tổng thống Mỹ, thủ tướng Đức, Olaf Scholz, và tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy. “Nhiều lời, không cam kết cụ thể.” (“Lots of words, no concrete commitments.”)

“Tôi cảm thấy rã rời và hơi thất vọng” bởi cuộc tranh luận ở đây, Steven Sokol, chủ tịch Hội đồng Mỹ về Đức (American Council on Germany) đã nói. “Thiếu vắng sự cấp bách và thiếu vắng sự minh bạch về con đường tiến tới và tôi đã không nhìn thấy một thể hiện mạnh mẽ của sự đoàn kết của Âu châu.” Ông và những người khác ghi nhận rằng Emmanuel Macron, Tổng thống Pháp, đã không đến dự.

Thể hiện rõ rệt nhất trong các cuộc thảo luận về Nga là sự thừa nhận rộng rãi rằng các kế hoạch hiện đại hóa quân sự của châu Âu, lần đầu tiên được công bố vào gần hai thập niên trước, đã di chuyển quá chậm so với mối đe dọa mà Nga hiện gây ra.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị An ninh Munich, năm 2024. Ảnh chụp: Sven Hoppe

“Trước đây, phòng thủ châu Âu là một khả thể (possibility), nhưng nay đó là một bắt buộc (necessity),” Claudio Graziano, một vị tướng người Ý đã về hưu và là cựu chủ tịch Ủy ban Quân sự của Liên minh châu Âu, nói. Nhưng nói được lời hay không có nghĩa là làm được những gì họ muốn.

Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cùng với một loạt giới chức quốc phòng và tình báo, liên tục viện dẫn các kết luận tình báo gần đây theo đó trong vòng 3 đến 5 năm tới, ông Putin có thể thử nghiệm mức độ khả tín của NATO bằng cách tấn công một trong các quốc gia có chung biên giới với Nga, rất có thể là một quốc gia nhỏ trong vùng Baltic.

Nhưng cảnh báo này có vẻ như không đem lại được một cuộc bàn luận thật cấp bách nào về cách thể chuẩn bị cho khả thể đó. Hội nghị đón mừng sự kiện là hiện nay 2/3 tổng số thành viên của liên minh đã đạt được mục tiêu chi dùng cho quốc phòng là 2 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ – tăng lên so với trước đây 10 năm chỉ có vài quốc gia đếm được trên đầu ngón tay đạt được con số đó. Nhưng đã có vài người nhìn nhận rằng mục tiêu đó hiện nay đã quá lỗi thời, và ngay lập tức họ nói đến những rào cản chính trị đối với việc chi ra nhiều hơn.

Ngay như ông Stoltenberg cũng cảnh báo rằng châu Âu vẫn phụ thuộc vào Hoa Kỳ và chiếc dù hạt nhân của họ, và rằng các quốc gia khác trong NATO sẽ không thể bù đắp vào khoảng trống (plug the gap) nếu Hoa Kỳ tiếp tục từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Nhưng viễn cảnh của một nước Mỹ ít ràng buộc (commitment) với NATO, khi Hoa Kỳ quay sang đối phó với các thách thức khác từ Trung Hoa hoặc Trung Đông, đã khiến phải tập trung suy nghĩ cho được rõ ràng (concentrating minds).

“Chúng ta phải đạt được nhiều hơn nữa” tại châu Âu, Boris Pistorius, bộ trưởng quốc phòng Đức, nói với hội nghị. Nhưng khi bị ép hỏi rằng chi tiêu quân sự của quốc gia của ông có nên đạt gần tới 4 phần trăm sản lượng kinh tế Đức hay không, thì ông đã miễn cưỡng cam kết, nên biết rằng đây là năm đầu tiên sau nhiều thập niên Berlin sẽ chi ra đúng theo mục tiêu của NATO là 2 phần trăm cho quốc phòng.

“Chúng tôi có thể đạt tới 3 phần trăm hoặc ngay cả 3.5 phần trăm,” sau cùng ông nói. “Điều đó còn phụ thuộc vào những gì đang xảy ra trên thế giới.” Khi sếp của ông, là ông Scholz, lên bục, ông nói rằng “Âu châu cần phải làm nhiều hơn nữa cho sự an ninh của chúng ta, hiện tại và trong tương lai,” nhưng ông tránh không đề cập đến các chi tiết cụ thể. Ông cho biết đang “khẩn cấp vận động” tại các thủ đô châu Âu khác để đẩy mạnh việc chi tiêu quân sự.

Nhưng sự đứt đoạn mấu chốt (fundamental disconnec) vẫn hiện nguyên hình: Khi người Âu châu nghĩ rằng Nga sẽ hội nhập vào các cơ chế của châu Âu, họ ngưng lại việc lập kế hoạch và ngưng lại việc chi tiêu (quân sự) vì một khả thể là họ có thể sai. Và khi thái độ của Nga thay đổi, họ lại phản ứng rời rạc (underreacted).

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong cuộc họp báo ở Munich, thứ Sáu ngày 16/02/2024. Ảnh chụp: Tobias Schwarz/Agence France-Presse — Getty Images

“Đây là kết quả của 30 năm đầu tư dưới mức – This is 30 years of underinvestment coming home,” François Heisbourg, một nhà phân tích quốc phòng người Pháp, nói. Ông gọi đó là “les trente paresseuses” – 30 năm lười biếng của lợi nhuận hòa bình thời hậu Chiến tranh Lạnh, trái ngược với 30 năm huy hoàng sau Thế Chiến II (- the 30 lazy years of post Cold-War peace dividends, in contrast to the 30 glorious years that followed World War II).

Kaja Kallas, thủ tướng Estonia, nói rằng châu Âu phải tăng cường phòng thủ “bởi vì điều thực sự khiêu khích kẻ xâm lăng chính là sự yếu đuối.” Rồi thì, ông Putin có thể mạo hiểm tấn công một quốc gia như quốc gia của bà nhằm làm rạn nứt NATO. “Nhưng nếu chúng ta làm nhiều hơn cho sự phòng thủ của chúng ta, điều đó sẽ đóng vai trò răn đe (deterrent). Những người quanh Putin sẽ nói rằng, ông biết đó, ông không thể thắng. Đừng làm chuyện đó.”

Điều quan trọng cho người Âu châu ghi nhớ là cuộc chiến tranh nóng tại Ukraine đã gần và có thể nhanh chóng lan rộng, bà Kallas nói. “Cho nên nếu bạn nghĩ rằng bạn đang ở xa, thì bạn không ở xa (như bạn nghĩ). Nó có thể đi rất, rất nhanh.”

Dmytro Kuleba, ngoại trưởng của một Ukraine đang trong chiến tranh, sỗ sàng hơn (blunter). “Tôi nghĩ rằng những người bạn và đối tác của chúng tôi đã quá muộn màng trong việc dựng dậy kỹ nghệ quốc phòng của chính họ,” ông nói. “Và chúng tôi sẽ trả giá bằng sinh mạng của chúng tôi trong suốt năm 2024 để cho kỹ nghệ quốc phòng của quý vị có thời gian gia tăng sản xuất.”

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 21 tháng Hai, 2024


Bài Đọc Thêm:

  1. Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)  trước cơn bão Donald Trump – Nguyên bản bài viết: Now is not the time for the US to abandon Nato – nor should its European allies go it alone, đăng trên The Guardian ngày 12/01/2016; tác giả Jens Stoltenberg, Tổng Thư Ký NATO
  2. NATO Và Nỗi Ám Ảnh Bởi Donald Trump – Nguyên bản bài viết: Trump’s Shadow Hang Over NATO, đăng trên Foreign Policy ngày 29/01/2018
  3. Vladimir Putin – 22 Năm từ Chính Khách đến Bạo Chúa – Nguyên bản bài viết: The Making of Vladimir Putin, đăng trên The New York Times (NYT) ngày 26/3/2022; tác giả Roger Cohen – Bureau chief của NYT tại Paris
  4. Những kẻ xuẩn ngốc hữu dụng người Đức của Putin – Nguyên bản bài viết: Putin’s useful German idiots, đăng trên Politico Europe, ngày 28/3/2022; tác giả Matthew Karnitschnig, Politico’s Chief Europe Correspondent

2 Comments

  1. Đoàn Dự

    Bài viết “As Putin Threatens, Despair and Hedging in Europe” của tờ New York Times đã phác họa một bức tranh ảm đạm về châu Âu trước những lời đe dọa của Putin.

    Bài viết mô tả sự bất lực và lo lắng của các nhà lãnh đạo châu Âu khi đối mặt với Nga, đồng thời chỉ ra sự thiếu đoàn kết trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.

    Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng, và các nhà lãnh đạo châu Âu chưa có được một giải pháp hiệu quả để đối phó với Putin.

    Châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh, và điều này khiến châu Âu trở nên dễ bị tổn thương trước những lời đe dọa của Nga.

    Châu Âu cần có một chiến lược chung để đối phó với Putin, và cần tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ an ninh của chính mình.

    Cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện, và điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho châu Âu.

    Bài viết đã đưa ra một đánh giá chính xác về tình hình châu Âu hiện nay, đồng thời kêu gọi châu Âu cần đoàn kết hơn trong việc đối phó với Nga.

    Cảm ơn bạn Tín đã chuyển ngữ bài viết có giá trị này.

    Thân kính,
    Đoàn Dự

    • editor

      Cám ơn bạn Đoàn Dự đã góp ý chia sẻ. Thân. -TTTín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *