Không ai có thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của người Đức trong nhiều lãnh vực trên thế giới như văn chương, triết học, âm nhạc, nghệ thuật, khoa học và kinh tế…

Hiện tại, về kinh tế, Đức quốc đứng đầu Âu châu và thứ 4 trên thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Hoa và Nhật Bản. Sức mạnh kinh tế đó đã cho phép Đức có thể làm đối trọng với Nga, một cường quốc quân sự mà tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của họ chỉ ở hàng thứ 12 trên thế giới, sau cả Nam Hàn.

Ngược về quá khứ, trong thế kỷ qua, Đức đã là “tác nhân” trong việc gây ra Thế Chiến I và II. Ở những thời điểm đó, Đức đã đứng vào phía bên lề sai trật của lịch sử.

Và vừa mới đây, việc Nga xâm lăng Ukraine trong tháng 2/2022 đã cho thấy sự thất bại hoàn toàn của toàn bộ chính giới Đức trong “triều đại” 16 năm của bà Merkel qua chính sách chủ trương “mềm mỏng” với Nga để sống chung (hay mua chuộc) hòa bình.  Xem ra, thêm một lần nữa, Đức quốc lại đứng vào phía bên lề sai trật của lịch sử.

Xin giới thiệu phần chuyển ngữ của bài báo Putin’s useful German idiots đăng trên Politico Europe, ngày 28/3/2022. Tác giả bài báo là Matthew Karnitschnig, trưởng phóng viên Âu châu của (POLITICO’s chief Europe correspondent), trụ sở đặt tại Berlin.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Nga xâm lăng Ukraine là một bằng chứng của sự bác khước cả một thế hệ chính khách người Đức từ mọi hệ phái.

Russia’s invasion of Ukraine is a repudiation of a whole generation of German politicians from across the spectrum.

BERLIN – Việc Đức đứng vào phía sai trái của lịch sử không phải là điều xa lạ.

Vì vậy chẳng ai nên ngạc nhiên khi thấy Berlin đã mất 16 năm chôn cứng đôi chân của họ vào bên sai trật của đường ranh phân đôi việc đối phó với Nga.

Tuy nhiên, điều khó đoán được là tốc độ Đức từ bỏ lập trường của họ đối với Moscow trong những tuần gần đây bằng cách ngưng thực hiện dự án gây nhiều tranh cãi là đường ống Nord Stream 2, rồi gửi vũ khí sang Ukraine, ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga, và ngay cả công bố Đức sẽ bắt đầu đổ vào quân đội của họ những món tiền đáng kể.

Nói một cách khác, gần như chỉ qua một đêm Đức đã đồng ý làm mọi thứ mà Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã thúc đẩy họ làm trong nhiều năm nay. Thậm chí Berlin còn tạo ra một dấu hiệu tiêu biểu cho sự thay đổi: #Zeitenwende [#Điểm biến đổi], ý nói là bình minh của một kỷ nguyên mới.

Nhiều tuần sau đó, rõ ràng là điều mà lãnh đạo Đức đang thực sự cố gắng muốn nói chính là: “Hãy tiến tới. Let’s move on.” [Hàm ý: Hãy bỏ qua chuyện cũ.]

Về mặt đó, người Đức đã gặp may mắn cũng nhiều như là quân Nga trên chiến trường Ukraine. Đó là vì nước Đức không chỉ đơn thuần “đánh giá Putin sai” như viên cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm của Angela Merkel, Christoph Heusgen, tân Chủ tịch của tổ chức Munich Security Conference, đã nói vào tuần trước.

Sự cứng đầu khăng khăng (stubborn insistence) của Đức muốn trực tiếp đối thoại (engaging) với nhà lãnh đạo Nga trước sự ngang nhiên liên tục hiếu chiến của ông ta (có cả một danh mục của các hành vi sai phạm tính từ cuộc xâm lăng Georgia đến ám sát kẻ thù ở nước ngoài và tội ác chiến tranh ở Syria) đều gần như là một lỗi lầm ngu xuẩn tàn khốc (nothing short of a catastrophic blunder), và là điều sẽ đem đến cho Merkel một vị trí trong đội ngũ của những kẻ thơ ngây chính trị (the pantheon of political naiveté) đồng hạng với Neville Chamberlain.

Từ từ nhưng chắc chắn, người Đức bắt đầu hiểu ra phương cách nhường nhịn (soft-shoe approach) Nga của bà Merkel – đã đạt đến tuyệt đỉnh qua quyết định bật đèn xanh cho đường ống Nord Stream 2 vào năm 2015 bất kể việc Nga sáp nhập Crimea và vai trò của Nga trong cuộc chiến tranh ly khai ở miền đông Ukraine – không những chỉ mở ra cánh cửa cho Putin tiến xa hơn, mà còn xem như có hiệu lực khuyến khích ông ta làm như vậy.

Việc Nga xâm lăng Ukraine không chỉ là bằng chứng của sự bác khước khả năng lãnh đạo của bà thủ tướng Merkel mà còn là cả một thế hệ chính trị gia Đức từ mọi hệ phái đã bị bưng mắt bởi lòng hoài cổ (nostalgia) đối với chính sách Ostpolitik [=bình thường hóa bang giao giữa Tây và Đông Đức] và Wandel durch Handel [=thay đổi qua mậu dịch], vốn là những chính sách détente [=làm giảm căng thẳng trong Chiến Tranh Lạnh] trong thập niên 1970s do Thủ tướng Willy Brandt chủ xướng, mà theo như truyền thuyết Đức đã làm chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.

Trách nhiệm tập thể của nước Đức chính là lý do tại sao lật sang trang lịch sử mới là điều nói dễ hơn làm. Không nhân vật nào trong chính trường Đức có kích thước như Churchill để lên tiếng cảnh cáo trong nhiều năm qua về những nguy cơ trong việc tin tưởng Putin. Trong khi bà Merkel xứng đáng phải nhận chịu phần lớn trách nhiệm trong việc sập bẫy của nhà lãnh đạo Nga, thì sự thật đúng là toàn bộ tầng lớp chính trị của Đức đều có tội (guilty).

Từng là Bộ trưởng Bộ tài chánh kiêm phó thủ tướng của Merkel, đương kim Thủ tướng Olaf Scholz, mà đảng Dân chủ Xã hội của ông ta là động lực đàng sau các đường ống Nord Stream, đã chủ xướng ý tưởng cho rằng cách tốt nhất để đối phó với Putin là thông qua “đối thoại” không bao giờ dứt (never-ending “dialogue”).

Jens Plötner, đương kim cố vấn an ninh quốc gia của Scholz, là một trong những kiến ​​trúc sư chính của chính sách đó khi ông ta là nhà ngoại giao cao cấp tại văn phòng ngoại vụ của Đức, ở nơi đó ông làm chánh văn phòng cho Ngoại trưởng lúc bấy giờ là Frank-Walter Steinmeier (một đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội người mà hiện nay là Tổng thống Đức) và gần đây nhất là giám đốc chính trị của Bộ. Ngay cả sau khi Putin tập trung hàng chục ngàn quân ở biên giới Ukraine vào tháng 12, Plötner đã khuyên Scholz nên giữ lấy dự án Nord Stream 2 và công khai lặp lại điều giá tưởng (fiction) là đó chỉ hơn “dự án thương mại” một chút.

Ông xếp cũ của Plötner, Steinmeier, người đã tố cáo NATO vào năm 2016 là “kiếm cung lạo xạo và hiếu chiến” (“saber rattling and warmongering”) vì tổ chức một cuộc tập trận quân sự ở sườn phía đông của liên minh, đã tiếp tục lập luận – gần như cho đến khi những phát súng đầu tiên bắn vào người Ukraine – rằng Đức nên sử dụng năng lượng như là một cách để xây dựng các cây cầu với Nga.

Vào những ngày này, Steinmeier, trong vai trò Tổng thống được xem là người có thẩm quyền về mặt đạo đức của nước Đức, bản thân đã bận rộn trong việc tổ chức các buổi hòa nhạc “tự do và hòa bình” với các nhạc sĩ Nga và Ukraine. (Một trong những buổi hòa nhạc này diễn ra vào đầu tháng 3 ở Dresden khi bom rơi xuống như mưa tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.)

Cuối tuần đó, Andrij Melnyk, đại sứ Ukraine tại Đức, tuyên bố ông ta sẽ tẩy chay buổi hòa nhạc của Steinmeier, nói rằng người Ukraine không có thời giờ cho “văn hóa Nga vĩ đại” trong khi Moscow đang thảm sát thường dân vô tội.

Mặc dù ít chịu trách nhiệm hơn Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (Christian Democrats) của Merkel hoặc Đảng Dân chủ Xã hội (Social Democrats) về các chính sách đưa đến cuộc xâm lăng Ukraine của Putin, nhưng các đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền của Đức – như Đảng Dân chủ Tự do cấp tiến (liberal Free Democrats) và Đảng Xanh (Greens) – cũng không choàng lên họ những vinh quang được.

Trong khi Đảng Xanh phản đối Nord Stream 2, thì họ làm như vậy vì những lý do về sinh thái học thay vì tình đoàn kết với Ukraine. Đáng chú ý hơn nữa là họ khăng khăng phản đối việc chuyển giao vũ khí cho Kyiv, một điều chỉ thay đổi sau khi cuộc giao tranh bắt đầu.

Đảng Dân chủ Tự do bị chia rẽ về việc phải làm gì với Nord Stream 2, với nhiều người trong đảng, kể cả phó lãnh đạo đảng Wolfgang Kubicki, ủng hộ việc cùng tham gia với Nga nhiều hơn. Theo ông Melnyk, đại sứ Ukraine tại Đức, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do là Christian Lindner, đồng thời là Bộ trưởng tài chánh của Đức, đã nói với ông ngay ngày chiến tranh bắt đầu là sẽ không có lý do gì để Berlin gửi vũ khí cho Ukraine hoặc đóng cửa không cho Nga sử dụng SWIFT, hệ thống trả tiền quốc tế, vì đất nước của ông Melnyk chỉ mới có chủ quyền được “một vài giờ.”

Sự hoài nghi về những triển vọng của Ukraine, không kể đến nỗi lo ngại về hậu quả của việc quá cứng rắn với Nga, đã được chia sẻ giữa nhiều người trong đảng đối lập chính, là Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Chỉ vài tuần trước khi Nga xâm lăng, lãnh đạo CDU Friedrich Merz cảnh cáo rằng việc việc ngưng không cho Nga sử dụng hệ thống SWIFT có thể làm nổ tung một “quả bom nguyên tử trong thị trường vốn (‘atomic bomb in the capital markets‘).”

‘Tất cả chúng tôi đều sai‘ – ‘We were all wrong’

Phạm phải những sai lầm về Nga và Putin trong mọi chuyển dịch, các chính trị gia của Đức đã phải cậy nhờ đến câu chống chế “ai biết được đây? (who knew?).”

“Tôi đã sai, tất cả chúng tôi đều sai,” Wolfgang Schäuble, chính trị gia lão thành (éminence grise) của chính trường Đức và đã từng là bộ trưởng tài chánh lâu năm của CDU, nói với nhật báo Welt am Sonntag vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, điều mà Schäuble và đồng nghiệp của ông không đề cập đến là từ nhiều năm qua các đồng minh của Đức đã cảnh cáo rằng Đức đang đánh giá thấp Putin. Khi chạm trán với thực tế đó, người Đức không biết phải phản ứng như thế nào.

Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhắc các dân biểu Đức trong bài diễn văn trước Hạ viện Đức (Bundestag) vào tháng này rằng việc Đức kinh doanh với Nga đã tài trợ cho cuộc chiến nhắm vào nước của ông và ông Zelenskyy đã tấn công họ về việc chỉ đưa ra những lời lẽ đãi bôi miệng lưỡi (lip service) “vô giá trị” (“worthless”) đối với sự tàn sát tập thể quy mô (Holocaust), thì những dân biểu Đức này đã đứng lên hoan nghênh nhiệt liệt – và rồi lại nhanh chóng quay trở lại công việc bình thường, trong đó có việc chúc mừng sinh nhật hai dân biểu khác.

Trong Chiến tranh Lạnh, từ ngữ “kẻ xuẩn ngốc hữu dụng” (“useful idiot”) đã thành nhãn hiệu dành cho những thành phần trung dung ở Tây phương, vốn dễ thành nạn nhân của những lập luận phỉnh dụ (credulous arguments) của người cộng sản.

Từ việc Đức phủ quyết tư cách thành viên NATO dành cho Ukraine và Georgia vào năm 2008, đến việc theo đuổi các thỏa thuận về khí đốt với Moscow, đến việc phản đối gửi vũ khí cho Kyiv – các nhà lãnh đạo Đức đã phục vụ Putin như những kẻ xuẩn ngốc hữu dụng (the country’s leaders have served as Putin’s useful idiots).

Suốt thời gian này, cái gọi là Russlandversteher, những kẻ hãnh diện là cảm tình viên với Nga trở nên đông đảo trong giới chính khách thành danh (political establishment) của Đức, đã bác bỏ những chỉ trích về khuynh hướng chính trị của họ, nhấn mạnh rằng họ là kẻ hiểu biết hơn trong khi (theo đúng nghĩa đen) đang cười vào mặt Washington – while (literally) laughing in Washington’s face.

Đến nay, chẳng ai còn cười được nữa. No one’s laughing anymore.

Ngay cả khi mở rộng vòng tay chào đón Zeitenwende của Berlin [=#Zeitenwende, i.e. bình minh của một kỷ nguyên mới], đồng minh cũng không bị lừa bởi việc thay hình đổi dạng của Đức (its foxhole conversion).

Ukraine, quốc gia bị Đức cướp bóc trong Đệ Nhị Thế Chiến, vào cuối cuộc chiến đã mất đi hơn 15% dân số, chắc chắn sẽ không tha thứ và không quên được.

Nước Đức sẽ không có bất cứ một uy tín thực sự (real credibility) nào trong liên minh xuyên Đại Tây Dương (cho dù cam kết sẽ chi ra bao nhiêu tỷ cho quốc phòng) cho đến khi họ thành thực đối diện với lịch sử của những năm thời Merkel-Putin.

Như nước Đức đều biết quá rõ, ngay cả khi có thể lẩn tránh được lịch sử trong khoảng thời gian ngắn, thì họ cũng không có cách gì trốn thoát được lịch sử. (As Germany knows all too well, even if it’s possible to hide from history for a time, there’s no escaping it.)

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 04 tháng 4, 2022