Nhìn về vấn đề an ninh của đất nước, người Việt chúng ta khá quen thuộc với lời căn dặn: “Cư an tư nguy” và tại Hoa Kỳ thì “Peace through strength” được xem là ý tưởng nền tảng cho chính sách ngoại giao của tổng thống Reagan, còn được biết đến là Reagan Doctrine (Chủ thuyết Reagan) trong thập niên 1980s.
Tại Âu châu từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt vào năm 1991 cho đến tháng 2/2022, Âu châu đã rất hòa bình và thịnh vượng. Căn cứ trên những diễn tiến chính trị tại đó, xem ra Âu châu đã rất hài lòng với ý tưởng “Peace through… Politics!” Ở đây, chữ Politics muốn nói là “nhượng bộ,” là “thỏa ước,” là “ngoại giao,” là “kinh tế” và không chú trọng đến quân sự. Và thực ra, sức mạnh quân sự của Âu châu, cho đến nay, xem ra chỉ đáp ứng được vai trò phụ trợ trước những biến cố quân sự lớn của thế giới.
Tất cả những quan điểm và phong cách lịch thiệp “yêu hòa bình, chuộng thương thảo” theo cách thế nói trên của Âu châu đã bị, có thể nói là, tan tác trước việc Nga xua quân xâm lăng Ukraine vào tháng Hai 2022. Trước biến cố lịch sử này và trước nguy cơ của một sự xâm lăng quân sự có thực, Âu châu đã tỉnh người thức dậy!
Xin mời quý vị đọc bài tiểu luận L’Europe dans l’interrègne : notre réveil géopolitique après l’Ukraine (Âu châu trong Giai đoạn Chuyển mình: Sự bừng tỉnh về địa lý chính trị của chúng ta sau Ukraine) đăng trên website của Groupe d’études géopolitiques (Nhóm nghiên cứu địa lý chính trị) ngày 24/3/2022. Phần chuyển sang Việt ngữ căn cứ theo bản Anh ngữ Europe in the Interregnum: our geopolitical awakening after Ukraine.
Tác giả bài viết, ông Josep Borrell Fontelles, hiện đang là EU High Representative for Foreign Affairs and Security Policy (Đại diện Cao cấp của EU đặc trách Ngoại giao và Chính sách An ninh) và ông còn là Vice-President của European Commission. Trước đây, ông đã là President of the European Parliament từ 2004-2007.
Trần Trung Tín chuyển ngữ
Chiến tranh tại Ukraine chứng tỏ rằng Âu châu đang bị nguy hiểm còn nhiều hơn những gì mà chúng ta đã nghĩ ngay cả chỉ trong vài tháng trước. Cuộc xâm lăng tàn bạo của Nga vào Ukraine không chỉ là một cuộc tấn công vô cớ vào một quốc gia có chủ quyền đứng lên vì quyền sống và nền dân chủ của họ, mà còn là thách thức to lớn nhất đối với trật tự về an ninh (security order) của Âu châu kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Bị thử thách nhiều nhất là các nguyên tắc mà theo đó các quan hệ quốc tế được xây dựng lên, đó là chưa nói gì đến các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Đạo luật Helsinki Final Act.
Khủng hoảng có khuynh hướng kết tinh (crystallise) thành các diễn biến và diễn biến này càng cho thấy rõ hơn là chúng ta đang sống trong một thế giới được định hình bởi chủ trương chính trị quyền lực sống sượng (raw power politics) [Ghi chú: power politics: Lý thuyết trong bang giao quốc tế đặt ưu tiên trong việc mưu tìm quyền lợi cho quốc gia mình, do đó sẽ là nguồn gốc gây ra chiến tranh. -TTT], nơi mọi thứ đều được vũ trang hóa và nơi chúng ta phải đối diện với một chiến trường khốc liệt của những dư luận (fierce battle of narratives). Tất cả những khuynh hướng này đã diễn ra trước chiến tranh Ukraine; và bây giờ đang tăng vọt.
Điều này cũng có nghĩa là phản ứng của chúng ta phải tăng nhanh – và đúng là vậy. Chúng ta đã có hành động nhanh chóng trên toàn bộ phạm vi chính sách và đã phá bỏ một số cấm kỵ trong khi thực hiện: các biện pháp trừng phạt chưa từng có, hỗ trợ lớn lao cho Ukraine, gồm cả việc, lần đầu tiên mới xảy ra là, tài trợ việc cung cấp thiết bị quân sự cho một quốc gia đang bị tấn công. Chúng ta cũng đã xây dựng một liên minh quốc tế rộng lớn để hỗ trợ Ukraine, cô lập Nga và phục hồi tính cách hợp pháp quốc tế. Tính theo bất cứ tiêu chuẩn nào, thì phản ứng của EU (European Union: Liên minh Âu châu) đã tạo ấn tượng tốt – ngay cả khi vẫn chưa đủ so với cuộc chiến tranh đang xẩy ra.
Chúng ta không biết khi nào và như thế nào cuộc chiến tranh sẽ kết thúc. Như tạp chí le Grand Continent trình bày điều này trong số gần đây, chúng ta vẫn đang loay hoay điều hướng (navigating) ở giai đoạn Chuyển Mình (Interregnum)1. Nhưng chúng ta có thể nói rằng chiến tranh Ukraine 2022 đã chứng kiến sự ra đời muộn màng của một tình thế địa lý chính trị khác của EU. Từ nhiều năm, người Âu châu đã tranh luận về việc làm thế nào để EU có ý thức hơn về an ninh, với sự thống nhất về mục đích và khả năng để theo đuổi các mục tiêu chính trị của họ trên trường thế giới. Có thể nói là hiện thời, trong những tuần vừa qua, chúng ta đã đi xa hơn trên con đường đó so với những gì chúng ta đã làm trong thập niên trước. Đây là điều đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta cần bảo đảm rằng sự bừng tỉnh về mặt địa lý chính trị của EU sẽ được biến thành một thế trận chiến lược lâu dài hơn. Vì còn rất nhiều việc phải làm, ở Ukraine và nơi khác.
Âu châu cũng cần xây dựng quyền lực cứng – Making Europe also a hard power
Tôi tin rằng EU phải mạnh hơn là chỉ có quyền lực mềm: chúng ta cũng cần quyền lực cứng. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng ý tưởng về quyền lực cứng không thể bị đóng khung chỉ trong các phương tiện quân sự: mà đó là việc sử dụng toàn bộ các công cụ của chúng ta để đạt được mục tiêu. Đó là về suy nghĩ và hành động trên căn bản quyền lực. Và, dần dần, sẽ đáp ứng được cho những điều kiện để điều đó xảy ra.
Thứ nhất, Âu châu ngày càng ý thức rõ về những đe dọa mà họ phải đối diện và mức độ mà số phận của họ bị ràng buộc. Ngày nay, không ai ở Âu châu có thể tin hoặc nghĩ rằng những gì đang xảy ra ở Ukraine không liên quan đến họ, dù họ có ở xa tấn thảm kịch đến đâu đi nữa. Vì vậy, việc chúng ta ủng hộ Ukraine không phải chỉ là hành động thể hiện sự đoàn kết mà đó còn là cách để bảo vệ lợi ích chung và là hành động tự vệ chống lại kẻ hiếu chiến được võ trang hùng hậu và tàn bạo.
Thứ hai, dân Âu châu đã đạt đến sự thịnh vượng và phúc lợi xã hội ở mức chưa từng có, mà thành viên của EU thì lại cao hơn. Điều này làm cho Âu châu trở thành một khu vực hòa bình được kiến tạo chung quanh ý tưởng của sự lệ thuộc hỗ tương (interdependence) tạo ra thịnh vượng và hòa bình. Tuy nhiên, một trong những bài học của cuộc chiến tranh ở Ukraine là chỉ với một mình sự lệ thuộc hỗ tương về kinh tế không thôi, thì an ninh của chúng ta không thể được bảo đảm. Ngược lại, sự lệ thuộc đó còn có thể bị công cụ hóa chống lại chúng ta. Vì vậy chúng ta cần sẵn sàng hành động chống lại những kẻ muốn lợi dụng những ích lợi của sự lệ thuộc hỗ tương đó để làm hại chúng ta hoặc gây chiến.
Đây là những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có để chống lại việc Nga xâm lăng Ukraine, chúng ta đang làm cho cái giá phải trả cho hành động xâm lăng lên cao đến mức không chịu nổi được. Đồng thời, chúng ta phải gia tăng hơn nữa sự bền bỉ của chúng ta (resilience) và giảm thiểu các nhược điểm chiến lược, dù là trên hạ tầng cơ sở thiết yếu, nguyên liệu thô, sản phẩm y tế hoặc các khu vực khác.
Trên toàn EU, có một quyết tâm rõ rệt để học những bài học đúng đắn từ cuộc khủng hoảng này. Điều này làm cho chúng ta cuối cùng trở nên nghiêm chỉnh về các mối đe dọa nhắm đến các lợi ích chiến lược của chúng ta mà dù rằng đã nhận thức ra được những đe dọa đó nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng luôn luôn có hành động ứng phó. Điển hình là năng lượng. Trong nhiều năm, chúng ta đã biết rằng năng lượng đóng một vai trò không cân xứng trong quan hệ giữa EU-Nga và Nga đã sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị. Chúng ta hiện đang được huy động toàn bộ để cắt giảm sự lệ thuộc quá đáng của chúng ta vào năng lượng nhập cảng từ Nga (dầu, khí đốt và than đá).
Tương tự, chiến tranh Ukraine khiến việc đạt được bước tiến nhảy vọt về an ninh và quốc phòng của EU trở nên cấp thiết hơn. Điểm chính cần được nhấn mạnh ở đây là các khoản đầu tư thêm mà các nước thành viên EU đang đóng góp – rất đáng hoan nghênh – nên có nhiều phối hợp trong EU và NATO. Vấn đề không phải là mỗi chúng ta nên chi tiêu nhiều hơn; mà là tất cả phải hợp lại để cùng chi tiêu.
Một thế giới mới đầy những đe dọa
Chiến tranh Ukraine là cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất Âu châu trong nhiều thập niên, nhưng những đe dọa cho an ninh Âu châu rõ ràng là đến từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài Âu châu. Các lợi ích an ninh của chúng ta bị đe dọa ở phía tây Balkans, Sahel, vùng Trung Đông, Ấn Độ-Thái Bình Dương, v.v.
Trong khi chiến tranh Ukraine đang khốc liệt và tổn thất khủng khiếp, chúng ta không nên quên rằng thế giới có đầy những tình huống mà chúng ta phải đối diện với các chiến thuật hỗn hợp quy ước và không quy ước (hybrid tactics) và các động lực trung gian của cạnh tranh, đe dọa và cưỡng buộc. Thật vậy, ở Ukraine cũng như nơi khác, công cụ của quyền lực không chỉ là binh lính, xe tăng và máy bay mà còn là các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc lệnh cấm xuất nhập cảng, cũng như các dòng năng lượng, và thông tin sai lạc và các hoạt động can thiệp của nước ngoài.
Thêm nữa, vào những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự công cụ hóa người di dân [Ghi chú: instrumentalisation of migrants – sử dụng người di dân như một thứ vũ khí chính trị -TTT], tư nhân hóa quân đội và chính trị hóa việc kiểm soát các công nghệ nhạy cảm. Cộng vào đó là động lực của những thất bại của nhà nước, sự thoái trào của tự do dân chủ (the retreat of democratic freedoms), thêm nữa là các cuộc tấn công vào ‘các khu vực chung toàn cầu’ (‘global commons’) của không gian mạng, biển cả và ngoài không gian, và kết luận thì rõ ràng là: Việc bảo vệ Âu châu đòi hỏi phải có một khái niệm toàn diện về an ninh.
Đáng cảm tạ là ngày nay ở Âu châu đã có thêm nhiều sự thức tỉnh và đồng ý về bản chất của các đe dọa mà chúng ta phải đối diện – cũng như là đã có một tiến trình hội tụ chiến lược về việc phải làm những gì để đối phó những điều đó.
Kế hoạch The Strategic Compass – Bước nhảy vọt về An ninh và Quốc phòng Âu châu
Nếu chúng ta không muốn trở thành kẻ đứng bên lề trong một thế giới được định hình bởi và cho người khác, thì chúng ta cần -cùng nhau- hành động. Đó là triết lý của kế hoạch Strategic Compass (La bàn Chiến lược) mà tôi trình bày vào Tháng 11 năm ngoái và được các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của EU đúc kết vào ngày 21 tháng 32. Có rất nhiều chi tiết trong kế hoạch này, được đúc kết trong 47 trang, và được xếp theo bốn nhóm (Hành động, Bảo mật, Đầu tư và Đối tác) (Act, Secure, Invest and Partner). Hãy để tôi phác lược một vài ý tưởng chính:
Để tăng cường khả năng hành động, chúng ta sẽ củng cố các ban công tác và hoạt động để đối phó với khủng hoảng và sẽ phát triển một EU Rapid Deployment Capacity (Đơn vị Nhanh chóng Điều động của EU) để cho phép chúng ta nhanh chóng đem 5.000 quân để đối phó với các loại khủng hoảng khác nhau. Chúng ta sẽ nâng cao sự sẵn sàng cho các lực lượng của mình thông qua các cuộc tập trận trực tiếp thường xuyên (trước đây chưa bao giờ làm ở cấp EU), củng cố lại các sắp xếp trong việc chỉ huy và kiểm soát, đồng thời khuyến khích việc lấy quyết định nhanh chóng và linh hoạt hơn. Chúng ta sẽ mở rộng khả năng của mình để giải quyết các mối đe dọa mạng, thông tin sai lạc và can thiệp từ nước ngoài. Và chúng ta sẽ đầu tư nhiều hơn vào các đơn vị chiến lược cần thiết (necessary strategic enablers) và nhũng khả năng của thế hệ kế tiếp. Điều này sẽ làm cho EU có khả năng hơn trong việc cung cấp an ninh cho công dân của mình, nhưng cũng là một đối tác toàn cầu mạnh mẽ hơn đang làm việc cho hòa bình và an ninh quốc tế.
Không như những văn bản mà chúng ta thường sản xuất ra ở Brussels, kế hoạch Strategic Compass đưa ra những hành động cụ thể – với thời hạn rõ ràng để đo lường sự tiến triển. Đây là tài liệu mà các Quốc gia Thành viên sở hữu và hiện đã được Hội đồng áp dụng. Trong suốt quá trình thực hiện, các Quốc gia Thành viên đã ở trong vị trí chủ động (in the driving seat). Bằng cách ký tên vào văn bản là họ cam kết sẽ thực hiện nó. Sẽ có một tiến trình chặt chẽ theo sau (follow-up process) để bảo đảm việc thực hiện. Đây là những điểm khác biệt chính yếu so với Chiến lược An ninh của Liên minh Châu Âu 2003 và Chiến lược Toàn cầu 2016 (2003 EU Security Strategy and the 2016 Global Strategy).
Liên minh Âu châu mạnh có nghĩa là đối tác xuyên Đại Tây Dương mạnh
Tại điểm này trong cuộc đàm thoại, người ta có khuynh hướng nói: “Tất cả điều này rất tốt nhưng còn NATO thì sao?”. Hãy để tôi nhấn mạnh rằng NATO vẫn là trung tâm của việc bảo vệ lãnh thổ Âu châu. Không ai đặt câu hỏi gì về điều đó. Tuy nhiên, không nên vì điều này mà ngăn cản các quốc gia Âu châu không cho họ phát triển khả năng riêng và tiến hành các hoạt động trong khu vực láng giềng của chúng ta và xa hơn nữa. Chúng ta có thể nên hành động với tư cách là EU trong những tình huống như chúng ta đã thấy năm ngoái ở Afghanistan (bảo vệ một phi trường để khẩn cấp di tản) hoặc nhanh chóng can thiệp vào một cuộc khủng hoảng mà bạo lực đang đe dọa sinh mạng của thường dân.
Tôi tin rằng trách nhiệm chiến lược lớn hơn của Âu châu là cách tốt nhất để củng cố tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương. Không phải là chỉ hoặc EU hoặc NATO: mà là cả EU và NATO. Cho tôi nói thêm rằng sự ngần ngại xúc tiến chương trình nghị sự này (với lý do) “bởi vì NATO” đến từ bên trong EU, không phải từ Hoa Kỳ. Ở đây tôi có thể trích dẫn từ tuyên bố chung mà Ngoại trưởng Blinken và tôi đã đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, ghi là Mỹ muốn: “quốc phòng Âu châu mạnh mẽ hơn và có khả năng hơn để góp phần vào an ninh toàn cầu và xuyên Đại Tây Dương”. Chính yếu, Hoa Kỳ nói: ‘Đừng nói miệng, hãy hành động. Hãy tiếp tục làm và giúp chúng tôi chia sẻ gánh nặng về an ninh.’
Nếu không ngay bây giờ, thì bao giờ?
Tôi nhận thấy rằng những người, giống tôi, muốn có sự thay đổi quan trọng về an ninh và quốc phòng nên giải thích tại sao chúng tôi cảm thấy rằng ‘lần này sẽ khác’. Chúng ta phải nên nhìn nhận rằng trong lịch sử phòng thủ Âu châu đã có rất nhiều kế hoạch và sáng kiến, có đủ loại từ ngữ viết tắt (full of acronyms), đi từ Pleven Plan và European Defence Community; đến khởi động Common Foreign and Security Policy sau Maastricht; đến những cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ và “hour of Europe”, đến Saint Malo, rồi bắt đầu ESDP, rồi CSDP, Helsinki Headline Goal, PESCO, European Defence Fund và European Peace Facility, vân vân…
Nhưng sự kiện căn bản vẫn là an ninh và quốc phòng và có lẽ trong một EU được kết hợp lại thì đây là nơi có khoảng cách lớn nhất giữa kỳ vọng và kết quả. Giữa những gì chúng ta có thể trở thành và những gì mà người công dân đòi hỏi – và những gì mà chúng ta thực sự đạt được.
Vì vậy, đã đến lúc cần làm lại lần nữa. Và lý do tại sao tôi cảm thấy kế hoạch Strategic Compass (La bàn Chiến lược) có thể gây nhiều tác động hơn các kế hoạch trước đó nằm ở chỗ tốc độ mà các khuynh hướng toàn cầu và bối cảnh địa lý chính trị đang thay đổi và trở nên xấu đi. Đây là điều có thể biện minh được cho việc cần có hành động khẩn cấp và thực sự thuyết phục. Điều này quả là quá thực trước chiến tranh ở Ukraine và những hệ quả to lớn hơn của một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại đối với an ninh Âu châu.
Nhưng sự thể còn hơn thế nữa: tất cả những đe dọa mà chúng ta đối diện đang gia tăng và khả năng đối phó của riêng từng quốc gia thành viên thì vừa không đủ và vừa suy giảm. Khoảng cách này càng tăng và không thể để điều này tiếp tục được.
Trách nhiệm của tôi là phác lược ra một lối thoát. Nhưng tôi biết rất rõ là kết quả không nằm ở các giấy tờ hoạch định chiến lược, mà là hành động. Và hành động là phần vụ trực thuộc các quốc gia thành viên: vì họ nắm giữ các ưu quyền và tài sản.
Đáng mừng là mỗi ngày chúng ta đều thấy có thêm nhiều quốc gia thành viên sẵn sàng đầu tư thêm vào an ninh và quốc phòng. Chúng ta phải chắc chắn rằng các khoản đầu tư bổ sung đáng được hoan nghênh này được sử dụng theo cách thức hợp tác chung và không riêng lẻ (fragmented), mang tính cách quốc gia. Chúng ta phải dùng động lực mới để bảo đảm rằng chúng ta, sau cùng, cũng tự trang bị cho mình một cách suy nghĩ (mind-set), phương tiện và cơ chế (mechanisms) để bảo vệ Liên minh, công dân và đối tác của chúng ta.
Về mặt chính trị, tôi thấy chọn lựa trước mặt chúng ta cũng tương tự như khi chúng ta đưa ra đồng euro hoặc Recovery Plan (Kế hoạch phục hồi). Khi giá phí của “phi-Âu-châu” (cost of “non-Europe”) trở nên quá cao, thì mọi người sẵn sàng suy nghĩ lại ranh giới đỏ của họ và đầu tư vào các giải pháp thực sự của Âu châu. Chúng ta đã cùng nhảy, có thể nói như vậy và, trong cả hai trường hợp, kết quả đều rõ ràng và tích cực. Chúng ta hãy tạo ra một bước nhảy về phía trước tương tự về mặt an ninh và quốc phòng của Âu châu, như các công dân của chúng ta mong đợi. Nếu không ngay bây giờ, thì bao giờ?
Trở lại thăm viếng ngôn ngữ của quyền lực
Dù tốt hay xấu, tôi ngờ rằng trong vai trò của một EU High Representative (Đại diện Cao cấp của EU) nhiệm vụ của tôi sẽ gắn liền với cụm từ mà tôi đã dùng trong buổi điều trần vào tháng 10, 2019 tại Nghị viện Âu châu, đó là người Âu châu phải “học cách nói ngôn ngữ của quyền lực”.
Tôi cho rằng nguyên thủy của việc Âu châu kết hợp lại (European integration) bắt nguồn từ sự bác bỏ chủ trương chính trị quyền lực (power politics) giữa các quốc gia tham gia. Dự án này của Âu châu đã thành công bằng cách biến các vấn đề chính trị thành vấn đề hành chánh (technocratic) và bằng cách thay thế các tính toán quyền lực bằng các thủ tục pháp lý. Trong lịch sử của bang giao quốc tế và của lục địa bị chiến tranh tàn phá của chúng ta, thì đây là một cuộc cách mạng Copernicus [Ghi chú: Copernican revolution – Mặt trời là trung tâm của Thái dương hệ; thay vì, như trước đó, Quả đất là trung tâm của vũ trụ. -TTT]. Việc này cũng thành công một cách ngoạn mục, củng cố hòa bình và hợp tác giữa các bên mà trước đây vẫn đánh nhau, tạo ra các định chế, bản đồ tinh thần và một ngữ vựng duy nhất.
Nhưng chương lịch sử này đã kết thúc khi EU vật vã với nhiều cuộc khủng hoảng và kinh động (shocks) khác nhau: khủng hoảng tài chính và đồng euro, khủng hoảng di dân3 và Brexit. Tất cả những điều này đã gây ra các cuộc tranh luận chính trị gay gắt về bản chất của EU và các nguồn gốc của sự đoàn kết và tính hợp pháp. Những vấn đề này không thể được giải quyết bằng chiến thuật phi chính trị hóa thông thường của EU và các điều chỉnh kỹ thuật và các giải pháp lấy thị trường làm căn bản (market-based solutions).
Trong nhiều năm nay, chúng ta sống qua một giai đoạn mới của lịch sử Âu châu mà không đề cập nhiều về không gian (là điều ưa thích của Brussels, về biên giới mở rộng và tự do chuyển dịch – open borders and free movement) nhưng về nơi chốn (là nơi người ta đến từ đó và thuộc về nơi đó, là bản sắc của họ). Dường như chúng ta chú trọng ít hơn vào các khuynh hướng (toàn cầu hóa, tiến bộ kỹ thuật) và nhiều hơn vào các sự kiện lịch sử (và cách chúng ta phản ứng): như đại dịch và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine4.
Đứng trên tất cả là một lực đẩy chính đến tự bên ngoài. Sự thành công trong việc kết hợp lại Âu châu và phương pháp đã chọn là phi chính trị hóa (de-politicisation) cũng phải trả bằng một giá: đó là sự miễn cưỡng và không có khả năng để chấp nhận thực tế là, bên ngoài vườn hoa tân hiện đại (post-modern) của chúng ta, “rừng rậm đã mọc trở lại”5. Ba mươi năm trước đây, nhiều cuộc bàn luận và sách vở đã nói về một thế giới phẳng ra làm sao, lịch sử đã kết thúc như thế nào và Âu châu và mô hình của nó sẽ vận hành ra sao trong thế kỷ 21. Vào những ngày hôm nay, họ đang nói về việc vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau (weaponisaton of interdependence) và làm thế nào mà một Âu châu được xem là ngây thơ (supposedly naïve Europe) thì không thích nghi với thời đại chính trị quyền lực6.
Qua những điều này, tôi đã bị thuyết phục bởi hai điểm chính:
- Thứ nhất, chúng ta phải thực tế và nhận ra rằng giai đoạn hiện tại trong lịch sử và chính trị toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và hành động trên căn bản quyền lực (in terms of power) (do đó, có nhóm chữ ‘ngôn ngữ của quyền lực’ – ‘the language of power’). Cuộc chiến tranh tại Ukraine là một minh họa mới nhất và bi tráng nhất cho điều này.
- Thứ hai, cách tốt nhất để tạo ảnh hưởng, định hình các biến cố và không bị chúng lôi kéo vào là phải được tiến hành ở cấp EU: bằng cách đầu tư vào năng lực tập thể của chúng ta để hành động7.
Còn mọi thứ khác chỉ là sự màu mè tô điểm và chi tiết.
Hậu quả là, chúng ta phải tự trang bị một cách suy nghĩ và phương tiện để đối phó với thời đại chính trị quyền lực và chúng ta phải làm như vậy trên quy mô lớn. Điều này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều – với tình trạng suy nghĩ hiện nay và vị trí đang đứng của chúng ta (given who we are and where we come from). Tuy nhiên, tôi mạnh mẽ tin rằng chúng ta đang xây dựng nền móng này và cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy mạnh thêm chiều hướng đó.
Từ 2021, chúng ta đã tỏ cho thấy chúng ta sẵn sàng đứng trên một tư thế mạnh để chống lại sự công khai thể hiện chính trị quyền lực (power politics) ở biên giới phía đông của chúng ta. Ngoài việc chúng ta hỗ trợ cho Ukraine, còn có thể chỉ ra cho thấy những gì chúng ta đã làm ở Belarus, nơi chúng ta đã giữ vững lập trường, kể cả về mặt công cụ hóa người di dân (instrumentalisation of migrants), hoặc đối với Moldova, nơi chúng ta mở rộng sự hỗ trợ của mình.
Thêm nữa, chúng ta vẫn đang củng cố phương cách đối phó với Trung Hoa và đề ra cách thức EU có thể cải tiến sự tham gia của mình trong và với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Về phía Trung Hoa, chúng ta đã trở nên ít ngây thơ hơn và đang nghiên cứu để đối đầu với thách thức của sự mở rộng bất đối xứng (asymmetrical openness) với các chính sách của chúng ta về việc thẩm định sự đầu tư, 5G, đặt mua nhiều (procurement) và phương cách chống cưỡng chế (anti-coercion instrument), như đã được nêu ra bởi Sabine Weyand trong các tài liệu này8.
Cộng thêm, với chiến lược của chúng ta về Ấn Độ-Thái Bình Dương, chúng ta đang tham gia vào tiến trình đa dạng hóa chính trị, đầu tư vào mối quan hệ của chúng ta với một Á châu dân chủ. Trọng tâm của nỗ lực này là công việc của chúng ta trên Global Gateway, để nói rõ ra đề nghị (offer) của chúng ta và đề nghị đó khác biệt như thế nào với đề nghị của các nơi khác. Điểm chính của Global Gateway là xây dựng sự nối kết (links) chứ không phải sự lệ thuộc (dependencies). Quả thực, nhiều đối tác Phi châu và Á châu hoan nghênh phương cách này của Âu châu đối với sự nối kết với sự nhấn mạnh vào các quy tắc đã được đồng ý, tính bền vững và quyền sở hữu của địa phương. Nhưng đây là một lĩnh vực đang có cạnh tranh và có một chiến trận về tiêu chuẩn (battle of standards) đang diễn ra. Vì thế, chúng ta cần phải cụ thể và không được giới hạn lập trường của chúng ta vào những tuyên bố tổng quát về nguyên tắc và ý định. Đó là lý do tại sao chúng tôi dự kiến huy động tới 300 tỷ euro cho dự án Global Gateway, với 150 tỷ euro đặc biệt dành cho Phi châu, cộng thêm nhiều thứ khác có giá trị đặc biệt (flagships), nhằm làm cho sự hợp tác càng được thêm cụ thể và rõ rệt9.
Tôi có thể tiếp tục trình bày thêm nhưng điểm chính yếu cần nhấn mạnh là, từng chút từng chút, khái niệm về một EU thức tỉnh về mặt địa lý chính trị đã được thành hình trước cuộc chiến tranh nhắm vào Ukraine. Nhiệm vụ trước mặt là làm cho sự thức tỉnh về mặt địa lý chính trị của Âu châu sẽ trở nên lâu dài hơn và đem lại kết quả (consequential). Điều này đòi hỏi chúng ta không những chỉ học ngôn ngữ của quyền lực mà còn phải nói ngôn ngữ đó nữa. (This requires us not just to learn the language of power but to speak it.)
Nửa đường thực hiện sứ mạng: Chúng ta có thể làm gì khác hơn và tốt hơn?
Ủy ban Âu châu (European Commission) này bắt đầu vào tháng 12, 2019. Đã hơn hai năm và đã phân tích cách chúng ta tạo lập chính sách đối ngoại của EU, lo lắng chính của tôi là chúng ta giữ được tốc độ. Như người bạn của tôi, Javier Solana, và cũng là vị Đại diện Cao cấp (High Representative) đầu tiên của EU nói thời gian trong chính trị, giống như trong vật lý, chỉ là tương đối: nếu tốc độ mà bạn đang thay đổi kém hơn tốc độ của thay đổi quanh bạn, có nghĩa là bạn đang đi lùi lại. Và đây là điều chúng ta không thể chấp nhận được. Phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy những gì có thể thực hiện được nếu áp lực cực cao. Tuy nhiên, còn quá sớm để kết luận rằng đây đã trở thành cách thức chung trong việc vận hành chính sách đối ngoại của EU.
Hãy để cho tôi chia sẻ một số ý tưởng về những gì có thể là bốn thành phần chính cho sự thành công và tác động lớn hơn của EU trong một thế giới biến động:
1. Suy nghĩ và hành động trên căn bản quyền lực.
Người Âu châu, với lý do chính đáng, tiếp tục chuộng đối thoại hơn đối đầu; ngoại giao hơn vũ lực; chủ nghĩa đa phương hơn đơn phương. Nhưng nếu muốn đối thoại, ngoại giao và chủ nghĩa đa phương thành công, bạn cần phải đem sức mạnh và tài nguyên ra đặt ngay đàng sau nó. Bất cứ khi nào chúng ta làm được vậy – ở Ukraine, Belarus hoặc chính sách ngoại giao khí hậu – chúng ta đã tạo được một tác động. Bất cứ khi nào chúng ta chọn các thế đứng trên nguyên tắc mà không xác định rõ các phương tiện để mang lại hiệu quả, thì kết quả sẽ ít gây được ấn tượng.
Cảm nhận của tôi là những ý tưởng quay quanh ngôn ngữ quyền lực hoặc việc vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau hiện đang được rộng rãi chấp nhận. Tuy nhiên, sự thực hiện và các nguồn lực cần có và cam kết vẫn còn là một thách thức.
2. Chủ động và sẵn sàng thực nghiệm.
Nhìn chung, chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng bị động (reactive mode), phản ứng lại các kế hoạch và quyết định của người khác. Tôi cũng tin rằng chúng ta phải tránh thói quen thư lại (bureaucratic routine) (“chúng ta đã làm gì trong lần trước?”) và cần phục hồi lại ý thức chủ động (a sense of initiative).
Thêm nữa, chúng ta phải sẵn sàng để thực nghiệm nhiều hơn nữa. Thói thường thì chọn lựa an toàn nhất vẫn là bám sát theo những gì chúng ta biết và vẫn luôn luôn làm. Nhưng đó không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để đạt được kết quả.
3. Xây dựng các liên minh đa dạng và lấy quyết định nhanh hơn.
Chúng ta cần có mục tiêu rõ rệt hơn và cần nghĩ ra cách để có thể huy động các đối tác chú trọng vào các ưu tiên của chúng ta, từng vấn đề một. Chúng ta nên nhận biết rằng, bên cạnh liên minh với các đối tác có suy nghĩ tương tự, thì còn có các quốc gia làm việc với chúng ta về một số vấn đề trong khi lại chống đối chúng ta ở những vấn đề khác. Và nếu chính quyền trung ương không hữu ích, chúng ta nên làm việc nhiều hơn với các thành phần địa phương hoặc các nhóm xã hội dân sự.
Trong EU, chúng ta rất bận rộn với chính mình và mất nhiều thời giờ mới đứng chung lại được. Khi các quốc gia thành viên chia rẽ, thì trong chính sách an ninh đối ngoại, quy tắc nhất trí (unanimity rule) chỉ là công thức của tê liệt và trì hoãn. Đó là lý do tại sao tôi chuộng việc sử dụng phiếu vắng mặt (abstention) có tính xây dựng và các lựa chọn khác được dự đoán trong Hiệp ước, như là dùng đến biểu quyết đa số đủ điều kiện (qualified majority voting QMV) ở các khu vực được chọn, để tạo điều kiện dễ dàng cho việc lấy quyết định nhanh hơn10.
Sẽ có rủi ro khi chúng ta ưu tiên việc tìm kiếm sự thống nhất bên trong nội bộ hơn là tối đa hóa hiệu quả bên ngoài của chúng ta. Khi cuối cùng chúng ta cũng tiến đến được một vị trí chung (common position) – thường là bằng cách pha thêm nhiều nước lã vào rượu vang – thì phần còn lại của thế giới đã đi làm chuyện khác rồi.
Định hình dư luận – Shape the narrative
Sau nhiều thập niên trong chính trường, tôi tin tưởng rằng có lẽ chất liệu quan trọng nhất cho sự thành công là việc định hình dư luận. Đây mới thực sự là đồng tiền của quyền lực toàn cầu11. (This is the real currency of global power.)
Vì lý do này, vào lúc đại dịch bắt đầu, tôi đã nói về sự hiện hữu của “trận đánh của những dư luận” (existence of a “battle of narratives”)12 và nhấn mạnh sự quan trọng của việc đầu tư vào một văn hóa chung, cần đến một cuộc tranh luận của Âu châu, một không gian để thảo luận về những gì mà chúng ta có thể và không thể làm trong chính sách đối ngoại của EU và tại sao. Theo đó, tôi thường xuyên đóng góp cho tạp chí này và cho các cuộc hội thảo ngắn hạn (seminars) của Groupe d’études géopolitiques (Nhóm nghiên cứu địa lý chính trị), mà tôi xem đó là một thí dụ có thực (tangible example) của sự trỗi dậy của một cuộc tranh luận chiến lược, chính trị và trí thức ở tầm mức của lục địa (Âu châu)13.
Công dân của EU không quan tâm nhiều đến việc ai làm gì tại Brussels, hoặc đến các cuộc thảo luận trừu tượng. Họ không bị bận tâm qua việc chúng ta đã làm ra được bao nhiêu bản tuyên bố, hoặc những biện pháp trừng phạt nào mà chúng ta áp dụng. Họ đánh giá chúng ta trên kết quả sản xuất được chứ không qua con số vật liệu đã sử dụng. Nói một cách khác về mặt kết quả: liệu họ có an toàn hơn, hay thịnh vượng hơn nhờ vào hành động của EU? Liệu EU có ảnh hưởng ít hơn hay nhiều hơn, cũng trên căn bản của bảo vệ các giá trị của chúng ta, so với một năm trước đây? Chúng ta được người khác tin tưởng nhiều hơn hay ít hơn? Chúng ta đã đạt được kết quả nhiều hơn hay ít hơn qua việc hỗ trợ các đối tác của mình? Đây mới là những số đo nói lên được đầy đủ ý nghĩa.
Chiến tranh tại Ukraine đã cho thấy rõ là trong thế giới chính trị quyền lực chúng ta cần xây dựng một khả năng to lớn hơn để tự vệ. Đúng, điều này gồm cả các phương tiện quân sự, và chúng ta cần phát triển các phương tiện này nhiều hơn nữa. Nhưng bản chất của những gì EU đã làm trong cuộc khủng hoảng này là sử dụng tất cả các chính sách và đòn bẩy – mà tự bản chất, chính yếu vẫn là kinh tế và luật lệ quy định – như là phương tiện của sức mạnh (as instruments of power).
Chúng ta nên xây dựng trên phương cách này, ở Ukraine cũng như ở nơi khác. Nhiệm vụ cốt lõi cho “địa lý chính trị Âu châu” rất rõ ràng: dùng đến ý thức mới tìm được của chúng ta về mục đích và làm cho ý thức đó trở thành một sự ‘tân bình thường’ (‘new normal’) trong chính sách đối ngoại của EU. Để bảo vệ công dân của chúng ta, để hỗ trợ các đối tác của chúng ta và để đối diện với các trách nhiệm an ninh toàn cầu của chúng ta.
Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 25 tháng 4, 2022
Bài Đọc Thêm:
Chú thích
- Le Grand Continent, « Politiques de l’interrègne », Gallimard, 2022
- You can read more on the rationale and main elements in my personal foreword: https://eeas.europa.eu/sites/default/files/en_updated_foreword_-_a_strategic_compass_to_make_europe_a_security_provider_v12_final.pdf
- Ivan Krastev, “Angoisse écologique contre crise démographique : le clivage européen de deux imaginaires apocalyptiques” in le Grand Continent, “Politiques de l’interrègne”, Gallimard, March 2022. See also : Hugo Brady, Openness versus helplessness: Europe’s 2015-2017 border crisis, Groupe d’études géopolitiques, June 2021.
- Luuk van Middelaar makes this point in https://legrandcontinent.eu/fr/2021/04/15/le-reveil-geopolitique-de-leurope/
- See Robert Kagan’s 2018 book, https://www.brookings.edu/books/the-jungle-grows-back-america-and-our-imperiled-world/
- Mark Leonard, “L’ère de l’a-paix”, Le Grand Continent, 18 février 2022
- Luiza Bialasiewicz, “Le moment géopolitique européen : penser la souveraineté stratégique” in le Grand Continent, “Politiques de l’interrègne”, March 2022, Gallimard
- See https://legrandcontinent.eu/fr/2022/01/31/doctrine-de-la-double-integration-sabine-weyand/
- See more here https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_21_6433
- See more on this: https://eeas.europa.eu/headquarters/headquarters-homepage/86276/when-member-states-are-divided-how-do-we-ensure-europe-able-act_en
- Lorenzo Castellani, “Le nouveau visage du pouvoir” in le Grand Continent, “Politiques de l’interrègne”, Gallimard, March 2022.
- See the blog post here https://eeas.europa.eu/headquarters/headquarters-homepage/76379/coronavirus-pandemic-and-new-world-it-creating_en
- https://geopolitique.eu/en/2021/05/05/european-foreign-policy-in-times-of-covid-19/
Cám ơn Ông Trần Trung Tín đã chuyển ngữ.
Cám ơn ông đã bỏ thì giờ ra thăm viếng blog và đã chia sẻ những mỹ cảm.-TTTín
Phải nói là quá không phí thời gian
Của bạn Tín
Cảm ơn nhiều
Cũng nhờ có thời gian làm chuyện chuyển ngữ nên cũng học hỏi được thêm. Còn thực ra thì khi “đụng chuyện” (chuyển ngữ) mới thấy khả năng của tui còn “quờ” lắm, bạn Pho. Thank you bạn.-3T
Bài viết có liên quan đến số phận của những người Việt sinh sống tại Âu Châu. Đúng vậy EU đã thức tỉnh dù có hơi trễ, mặc dù với sự liên minh nhưng bản tính yếu hèn và khá ích kỷ của mỗi nước trong cộng đồng EU là một trong những vấn nạn có nhiều nguy cơ chia rẽ về mặt xã hội và kinh tế, sống khá lâu trên đất Pháp tôi nhận thấy nước Pháp rất chậm trễ trên vấn đề phát triển mặc dù có rất nhiều nhân tài nhưng lại không được ưu đãi và trọng dụng như người Mỹ, đa số lười biếng trong công việc và quan liêu, đầu óc thực dân đã thấm nhuần trong máu huyết của dân Gaulois cộng thêm cái gánh nợ của những nước nhược tiểu như Phi Châu, Ả Rập..phải nuôi cái đám dân không lấy sự giáo dục gia đình làm nền tảng cho nên xã hội Pháp luôn bất ổn cộng thêm cái bệnh đình công kinh niên của bọn nghiệp đoàn thiên tả lạm dụng quyền dân chủ để phá hoại nền kinh tế vì thế nước Pháp luôn dậm chân tại chỗ và tự hỏi lấy đâu cái uy quyền của một cường quốc? Chính quyền Pháp thiếu người có bản năng lãnh đạo, đại đa số là những khuôn mặt cũ kỹ như bọn CS, sau Macron trong 5 năm nữa, nếu không còn ai thay thế chắc chắc chắn bọn cực hữu hay cực tả lên nắm chính quyền thì sẽ có nhiều nguy cơ LOẠN, dân Pháp đã mất niềm tin với những vị TT của nền dân chủ đối với những sự nội loạn của đám di dân mà không một thể chế nào kiểm soát được cho nên họ muốn những người như Le Pen diệt trừ tận gốc bọn di dân vô kỷ luật coi thường pháp luật.
Theo tôi muốn có một liên minh Âu Châu Chuyển Mình trong bối cảnh hiện nay, trước tiên mỗi người dân của mỗi nước phải có tuyệt đối cái tinh thần “Ái Quốc” mạnh mẽ như người dân Ukraine, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc nói riêng và EU nói chung, theo tôi hãy hỏi dân Pháp đa số có cái tinh thần này chưa? một nước chưa sẵn sàng vì tổ quốc thì lấy đâu mà liên minh với nước khác về sức mạnh quân sự để bảo đảm nền an ninh trên toàn cõi Âu Châu.
Chỉ là sự góp ý cá nhân, nhân đọc bài chuyển ngữ của anh Trần Trung Tín, Cám ơn anh Tín.
Cám ơn anh Nguyễn Khánh đã đóng góp ý kiến, mà tôi nghĩ, rất là trung thực: thấy sao, viết vậy!
Ý kiến của anh Khánh về EU, nói chung, và về Pháp, nói riêng, thực rất hữu ích cho nhiều viewers của blog gopnhatcatda, không sinh sống ở Âu châu và vì vậy, không có điều kiện “mắt thấy, tai nghe” sự tình của trời Âu.
Nếu bỏ qua các nhận xét của “phó thường dân” sống lâu tại Paris, mà chỉ nghe phúc trình hoặc diễn văn với ngôn ngữ ngoại giao của các chính trị gia hay qua cách nói của các “quan”, hay các “trạng” trong giới “truyền thông” cổ võ cho open borders, thì thấy EU chẳng mấy chốc sẽ là thiên đường của một thế giới đại đồng không có biên giới như John Lennon, của ban The Beatles, ghi trong bản nhạc Imagine:
Imagine there’s no countries
It isn’t hard to do
Nothing to kill or die for
And no religion, too
…
Cám ơn anh Nguyễn Khánh đã bỏ công ghi ra một góp ý có “trọng lượng.” -TTTín