Cuộc chiến tranh lạnh đã đang diễn ra. Câu hỏi được đặt ra là liệu Washington có thể làm Bắc Kinh chùn bước để không khởi động cuộc chiến tranh nóng hay không.

Bên trên là phần được trích dẫn trong bài báo What Will Drive China to War? đăng trên The Atlantic ngày 01/11/2021. Xin được giới thiệu bài phân tích này của hai tác giả Michael Beckley và Hal Brands.

Michael Beckley là Jeane Kirkpatrick Visiting Fellow tại American Enterprise Institute (AEI). Nghiên cứu của ông tập trung vào sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, và ông là associate professor tại Đại học Tufts.

Hal Brands là senior fellow tại AEI. Ông nghiên cứu về chính sách đối ngoại và chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ, và ông là Henry A. Kissinger Distinguished Professor của Global Affairs tại Johns Hopkins School of Advanced International Studies.


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào tháng 7 là kẻ nào cản trở sự tiến lên của Trung Hoa thì “đầu của kẻ đó sẽ bị đổ máu giập nát khi đập vào Vạn Lý Trường Thành bằng thép.” Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (Trung Hoa) đang sản xuất tàu bè với tốc độ chưa từng thấy kể từ Đệ II Thế Chiến, trong khi Bắc Kinh đưa ra những lời đe dọa chống lại Đài Loan và quốc gia láng giềng khác. Các giới chức hàng đầu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cảnh cáo rằng Trung Hoa có thể khởi đầu một cuộc xung đột quân sự ngay tại eo biển Đài Loan hoặc tại các điểm nóng địa lý chính trị khác trong thập niên này.

Các nhà phân tích và giới chức ở Washington rõ rệt đang lo ngại về những căng thẳng càng ngày càng xấu đi giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa và những nguy cơ đối với thế giới một khi hai siêu cường chạm trán thay vì hợp tác. Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Mỹ “không mưu tìm một cuộc chiến tranh lạnh mới.” Nhưng đó là một cách nhìn sai lầm về quan hệ Mỹ-Hoa. Cuộc chiến tranh lạnh với Bắc Kinh hiện đã đang diễn ra. Câu hỏi đúng đắn, thay vào đó, sẽ là liệu Mỹ có thể làm Trung Hoa chùn bước để không khởi động cuộc chiến tranh nóng hay không.

Bắc Kinh không chờ để cho bị tấn công; mà họ sẽ nã đạn trước để đoạt được lợi thế bất ngờ.

Bắc Kinh là một cường quốc đặc biệt mang nặng tham vọng phục thù (ambitious revanchist power), với một quyết tâm làm cho Trung Hoa trở lại thành một khối bằng cách “thống nhất” Đài Loan với đại lục, biến Biển Hoa Đông (East China Sea) và Biển Đông (South China Sea) thành các hồ của Trung Hoa, và chiếm lấy vị trí ưu thế trong khu vực để làm bàn đạp xây dựng sức mạnh toàn cầu. Trung Hoa cũng càng ngày càng bị bao vây và đối diện với sự kháng cự đang gia tăng trên nhiều mặt — tương tự như tình trạng đã khiến họ tấn kích người khác trong quá khứ.

Hồ sơ lịch sử kể từ ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949 thì rất rõ rệt: Khi phải đương đầu với mối đe dọa đang gia tăng có thể làm nguy hại đến các quyền lợi địa lý chính trị của họ, thì Bắc Kinh không chờ để cho bị tấn công; mà họ sẽ nã đạn trước để đoạt được lợi thế bất ngờ.

Trong những cuộc xung đột kể cả Chiến tranh Triều Tiên và các cuộc đụng độ với Việt Nam năm 1979, Trung Hoa thường xem việc sử dụng vũ lực như là một bài tập giáo dục (educational exercise). Họ sẵn sàng chọn một cuộc chiến, ngay cả rất hao tổn, với một kẻ thù đơn độc để dạy dỗ kẻ thù đó, và để cho những kẻ khác, đang quan sát từ bên lề, một bài học.

Ngày nay, Bắc Kinh có thể dễ bị cuốn hút vào trong những hành động gây hấn theo kiểu này tại nhiều khu vực. Và một khi súng bắt đầu nổ, thì những áp lực leo thang chiến tranh sẽ càng dễ trở nên nghiêm trọng.

Trung Hoa tấn công không phải khi cảm thấy vững tin vào tương lai của họ nhưng là khi họ lo lắng là kẻ thù đang tiến gần đến họ.

Nhiều học giả đã phân tích về khi nào và tại sao Bắc Kinh dùng đến vũ lực. Hầu hết đều đi đến một kết luận tương tự: Trung Hoa tấn công không phải khi cảm thấy vững tin vào tương lai của họ nhưng là khi họ lo lắng là kẻ thù đang tiến gần đến họ. Giám đốc Chương trình Trung Hoa và Thế giới (China and the World Program) tại Đại học Columbia là Thomas Christensen đã viết, Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) gây chiến khi họ cảm thấy nguy cơ gây thương tổn cho lãnh thổ và vùng ngoại vi của họ (immediate periphery) có thể xẩy ra, hoặc cánh cửa cơ hội để họ củng cố quyền kiểm soát trên các khu vực tranh chấp đang khép lại. Khuôn mẫu này lúc nào cũng như vậy bất kể đến việc đối thủ của họ mạnh hay yếu. Thực vậy, Bắc Kinh thường tấn công những kẻ thù có ưu thế vượt trội — kể cả Hoa Kỳ — để những kẻ thù đó thấy họ không mạnh như họ nghĩ (to cut them down to size) và rồi đánh lại họ từ vùng lãnh thổ mà Trung Hoa tự nhận có chủ quyền hoặc ở vị trí trọng yếu.

Có rất nhiều thí dụ về điều này. Thí dụ như năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa được đầy một năm tuổi và nghèo khó, sau nhiều thập niên nội chiến và sự tàn bạo của Nhật Bản. Tuy nhiên, họ vẫn tấn công các lực lượng Hoa Kỳ đang tiến công ở Đại Hàn vì lo ngại rằng Mỹ sẽ chinh phục được Bắc Hàn và cuối cùng sẽ dùng đó như một căn cứ để tấn công Trung Hoa. Kết quả là trong Chiến tranh Triều Tiên mở rộng, Trung Hoa đã có gần 1 triệu người thương vong, có hiểm họa bị trả đũa bằng vũ khí nguyên tử và bị trừng phạt kinh tế kéo dài cả một thế hệ. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh vẫn ca ngợi sự can thiệp đó như là một chiến thắng huy hoàng đã ngăn chặn được mối đe dọa đến sự hiện hữu của quê hương họ.

Năm 1962, quân Trung Hoa tấn công các lực lượng Ấn Độ, lấy cớ là Ấn xây dựng các tiền đồn bên trong lãnh thổ mà Trung Hoa nhận là có chủ quyền trên dãy Himalaya. Nguyên nhân sâu xa hơn là vì ĐCSTH sợ rằng họ bị bao vây bởi người Ấn, Mỹ, Liên Xô và Trung Hoa Quốc Gia (Chinese Nationalists), tất cả các thành phần này đều đã gia tăng sự hiện diện quân sự của họ gần Trung Hoa trong những năm trước đó. Phần sau của thập niên đó, vì sợ rằng Trung Hoa sẽ là mục tiêu kế tiếp trong danh sách phải bị triệt hạ (hit list) của Moscow như là một phần trong nỗ lực đánh bại “phản cách mạng,” quân Trung Hoa đã phục kích các lực lượng Liên Xô dọc theo sông Ussuri và khởi đầu cho một cuộc xung đột không tuyên chiến kéo dài trong 7 tháng, khiến một lần nữa có nguy cơ chiến tranh nguyên tử.

Cuối thập niên 70s, Bắc Kinh đã quyết định gây chiến với Việt Nam. Mục đích, mà Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo của ĐCSTH lúc đó, đưa ra, là để “dạy cho Việt Nam một bài học” sau khi Việt Nam bắt đầu tiếp đón các lực lượng Liên Xô trên lãnh thổ của mình và xâm lăng Campuchia, một trong những đồng minh duy nhất của Trung Hoa. Họ Đặng sợ rằng Trung Hoa đang bị bao vây và để càng lâu thì vị thế của họ sẽ càng trở nên tồi tệ. Và từ thập niên 50s đến thập niên 90s, Trung Hoa gần như bắt đầu các cuộc chiến tranh trong ba lần khác nhau bằng cách pháo kích hoặc phóng hỏa tiễn vào bên trong hoặc gần cạnh lãnh thổ Đài Loan, trong các năm 1954–55, 1958 và 1995–96. Trong mỗi trường hợp, bên cạnh những thứ khác, thì mục tiêu chính yếu là ngăn không để Đài Loan tạo dựng một quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ hoặc tuyên bố độc lập tách khỏi Trung Hoa.

Bắc Kinh có khuynh hướng tấn công một kẻ thù để đe dọa những kẻ khác.

Rõ rệt là mọi quyết định cho chiến tranh đều phức tạp, và có nhiều yếu tố, kể cả nội tình chính trị và cá tính đặc thù (personality quirks) của từng nhà lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự chọn lựa đánh nhau của Trung Hoa. Tuy nhiên, toàn bộ khuôn mẫu hành xử (overarching pattern of behavior) thì trước sau như một: Bắc Kinh trở nên hung bạo khi phải đối đầu với viễn ảnh bị vĩnh viễn mất đi quyền kiểm soát lãnh thổ. Bắc Kinh có khuynh hướng tấn công một kẻ thù để đe dọa những kẻ khác. Và hiếm khi họ đưa ra những cảnh cáo trước hoặc chờ để nhận cú đánh đầu tiên (absorb the initial blow).

Trong vài thập niên vừa qua, khuôn mẫu của những cuộc tấn kích đầu tiên và tấn công bất ngờ dường như đã bị cất đi không sử dụng. Kể từ năm 1979, quân đội Bắc Kinh đã không tham dự vào một cuộc chiến quan trọng nào. Tính ra họ đã không bắn vào một số lượng lớn của người nước ngoài nào kể từ năm 1988, khi các tàu Trung Hoa bắn hạ 64 thủy thủ Việt Nam trong một cuộc đụng độ trên quần đảo Trường Sa. Những nhà lãnh đạo Trung Hoa thường tuyên bố rằng quốc gia của họ là một cường quốc hòa bình duy nhất và chỉ thoạt mới nhìn qua, thì xem ra điều họ nói có bằng chứng.

Nhưng Trung Hoa trong vài thập niên vừa qua là một trường hợp bất thường của lịch sử, họ có thể tích lũy ảnh hưởng và đạt được sự nhượng bộ từ các đối thủ khi chỉ cần phô trương ra nền kinh tế đang bùng nổ của họ. Với dân số 1.3 tỷ người, tốc độ tăng trưởng cao ngất trời, và một chính quyền độc tài luôn cám dỗ các doanh nghiệp lớn, thì khó ai có thể bỏ qua một thị trường tiêu thụ quá tốt và một khu vực sản xuất với giá lương thấp như Trung Hoa. Vì vậy, hết nước này đến nước khác đều xu nịnh (curried favor) Bắc Kinh để được hưởng lợi.

Anh giao lại Hồng Kông vào năm 1997. Bồ Đào Nha bỏ Ma Cao năm 1999. Mỹ đã đẩy mạnh việc đưa Trung Hoa vào các định chế quốc tế quan trọng, như Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO – World Trade Organization). Nửa tá quốc gia đã giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Hoa từ năm 1991 đến 2019, và hơn 20 quốc gia khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để duy trì quan hệ với Bắc Kinh. Trung Hoa đang xúc tiến mạnh các quyền lợi của họ mà không cần bắn một phát súng nào và, như họ Đặng đã nhận xét, “che giấu khả năng của mình và chờ đợi thời gian của mình.”

Nhưng những ngày (hoàng kim) đó đã đi qua rồi. Kinh tế của Trung Hoa, động cơ tạo nên ảnh hưởng quốc tế của ĐCSTH, đang bắt đầu khặc khừ (sputter). Từ năm 2007 đến 2019, tốc độ tăng trưởng đã giảm hơn một nửa, năng suất giảm hơn 10% và tổng kết nợ thì tăng vượt lên tám lần. Đại dịch coronavirus đã kéo tốc độ tăng trưởng lui lại nhiều hơn nữa và đã đẩy nền tài chính của Bắc Kinh chìm sâu hơn vào màu đỏ (mắc nợ). Trên tất cả, hiện nay dân số Trung Hoa đang già đi ở một tốc độ kinh hoàng: Chỉ tính từ năm 2020 đến năm 2035 mà thôi, nước này sẽ mất đi 70 triệu người ở tuổi còn lao động và có thêm 130 triệu người cao tuổi.

Nếu Bắc Kinh thấy rằng các khả thể cho việc bành trướng dễ dàng của họ đang bị thu nhỏ lại, liệu họ có thể bắt đầu quay sang sử dụng các phương pháp bạo lực hơn hay không?

Gần đây, nhiều quốc gia đã ít bị thị trường Trung Hoa mê hoặc hơn và họ lo lắng nhiều hơn về khả năng cưỡng chế và các hành động gây hấn của Trung Hoa. Sợ rằng họ Tập có thể nỗ lực tái thống nhất bằng bạo lực, nên Đài Loan đang thắt chặt những quan hệ của họ với Hoa Kỳ và tân trang lại hệ thống phòng thủ. Trong khoảng gần một thập niên, Nhật Bản đã tham gia vào hoạt động xây dựng quân đội của họ lớn nhất kể từ Chiến Tranh Lạnh; Đảng Dân chủ Tự do hiện đang cầm quyền đề cập đến việc tăng chi tiêu quốc phòng lên gấp đôi. Ấn Độ đang tập trung lực lượng gần biên giới với Trung Hoa và các hải lộ quan trọng. Việt Nam và Indonesia đang bành trướng các lực lượng không quân, hải quân và tuần duyên. Úc mở ra bờ biển phía bắc của họ cho các lực lượng Hoa Kỳ và có được tên lửa tầm xa và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Pháp, Đức và Anh đang gửi tàu chiến vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hàng chục quốc gia đang tìm cách loại Trung Hoa ra khỏi chuỗi cung ứng của họ; Các liên minh chống Trung Hoa, chẳng hạn như Quad và AUKUS, đang tăng nhanh.

Các cuộc thăm dò dư luận trên toàn cầu cho thấy nỗi sợ hãi và không tín nhiệm Trung Hoa đã lên đến một mức cao ở thời hậu Chiến Tranh Lạnh. Tất cả những điều đó đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại: Nếu Bắc Kinh thấy rằng các khả thể cho việc bành trướng dễ dàng của họ đang bị thu nhỏ lại, liệu họ có thể bắt đầu quay sang sử dụng các phương pháp bạo lực hơn hay không?

Trung Hoa đã đang đi theo hướng đó. Họ đã vẫn sử dụng dân quân hàng hải (căn bản là hải quân giả trang, covert navy), lực lượng bảo vệ bờ biển và các tài nguyên khác ở “vùng xám” (“gray zone” assets) để cưỡng buộc các đối thủ yếu hơn ở Tây Thái Bình Dương. Chính quyền họ Tập đã khiêu khích tạo ra một vết cắt đẫm máu với Ấn Độ dọc theo biên giới Hoa-Ấn đang tranh chấp vào năm 2020, được phúc trình là bởi họ lo sợ rằng New Delhi đang liên kết chặt chẽ hơn với Washington.

Chắc chắn Bắc Kinh có phương tiện để đi xa nhiều hơn thế nữa. ĐCSTH đã tiêu 3 ngàn tỷ mỹ kim ($3 trillion) trong ba thập niên qua để xây dựng một quân đội được thiết kế để đánh bại các nước láng giềng trong khi làm cùn nhụt sức mạnh của Mỹ. Cũng còn có động lực khác: Ngoài việc tăng trưởng bị chậm lại và đang dần dần bị bao vây (encirclement), Trung Hoa còn phải đối mặt với việc những cánh cửa cơ hội trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ quan trọng nhất của họ đang khép lại.

Các mục tiêu địa lý chính trị của Trung Hoa không phải là điều bí mật. Họ Tập, cũng như những người tiền nhiệm của ông ta, mong muốn làm cho Trung Hoa trở thành một cường quốc ưu thắng ở Á châu và, cuối cùng, là trên thế giới. Ông ta muốn củng cố quyền kiểm soát của Trung Hoa trên các vùng đất và thủy lộ quan trọng mà quốc gia của ông đã bị mất trong “thế kỷ ô nhục” (1839–1949), khi Trung Hoa bị xé ra từng mảnh bởi các cường quốc đế quốc. Những khu vực này gồm có Hồng Kông, Đài Loan, các phần lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố có chủ quyền, và khoảng 80% Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Đặc biệt quan trọng là các điểm nóng tại vùng Tây Thái Bình Dương. Đài Loan là vùng đất của đối thủ, với chính quyền dân chủ của người Tàu ở ngay tâm điểm của Á châu có những liên hệ chặt chẽ với Washington. Hầu hết mậu dịch của Trung Hoa đều đi ngang qua Biển Hoa Đông và Biển Đông. Và các đối đầu chính của Trung Hoa trong khu vực — Nhật Bản, Đài Loan, Philippines — là một phần của một dây chuỗi chiến lược của đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ mà lãnh thổ của họ chặn lại sự tiếp cận của Bắc Kinh với vùng biển sâu Thái Bình Dương.

ĐCSTH đã đem tính chính danh của họ ra đánh cuộc trên việc lấy lại (reabsorbing) những khu vực này và đã nuôi dưỡng một dạng thể của chủ nghĩa quốc gia rất mãnh liệt mang tính cách phục hận (revanchist form) trong những người dân Tàu. Học trò trẻ con học tập về thế kỷ ô nhục. Trong những ngày đại lễ, quốc gia làm lễ truy điệu ghi nhớ hành động ăn cắp đất đai Trung Hoa của ngoại bang. Đối với nhiều công dân, việc làm cho Trung Hoa trở thành một mối (whole) chất chứa đầy xúc cảm cũng giống như một trách nhiệm chiến lược mà họ phải làm. Thỏa hiệp là chuyện không thể đặt ra. “Chúng tôi không thể để mất ngay cả một inch (2.54 cm) của lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại,” họ Tập đã nói với James Mattis, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, vào năm 2018.

Đài Loan là nơi mà áp lực thời gian đè lên Trung Hoa mãnh liệt nhất. Việc tái thống nhất trong hòa bình đã trở nên cực kỳ khó xảy ra: Tháng 8 năm 2021, một con số kỷ lục là 68% công chúng Đài Loan chỉ nhận họ là người Đài Loan chứ không phải là người Trung Hoa, và hơn 95% muốn duy trì chủ quyền trên thực tế của hòn đảo hoặc tuyên bố độc lập. Trung Hoa vẫn có trong tay những giải pháp quân sự khả thi vì tên lửa của họ có thể vô hiệu hóa không lực Đài Loan và các căn cứ Hoa Kỳ trên đảo Okinawa trong một cuộc tấn công bất ngờ, mở đường cho một cuộc tiến công thành công. Nhưng Đài Loan và Hoa Kỳ hiện nay đã nhận ra mối đe dọa đó.

Tổng thống Biden gần đây tuyên bố rằng Mỹ sẽ chiến đấu để bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công vô cớ của Trung Hoa. Washington đang có kế hoạch củng cố, trải rộng và bành trướng lực lượng của họ ở Á châu – Thái Bình Dương vào đầu thập niên 2030s. Cùng một thời điểm tương tự, Đài Loan cũng đang theo đuổi một chiến lược quốc phòng sử dụng nhiều phương tiện rẻ tiền như tên lửa chống tàu chiến và hệ thống phòng không di động để biến hòn đảo thành một cứ điểm cực kỳ rắn chắc. Điều này có nghĩa là cơ hội tốt nhất mà Trung Hoa có thể có được sẽ là từ nay cho đến cuối thập niên này. Thật vậy, cán cân quân sự sẽ tạm thời thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh vào cuối thập niên 2020s, khi mà nhiều tàu, tàu ngầm và máy bay có tuổi của Mỹ sẽ phải bị cho về hưu.

Đây là lúc nước Mỹ sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm, như cựu viên chức của Ngũ Giác Đài David Ochmanek đã nhận xét, sẽ nhận chịu một thất bại nặng nề (getting “its ass handed to it”) trong cuộc xung đột ở cường độ cao. Nếu Trung Hoa thực sự tấn công, Washington có thể phải đối diện với một sự lựa chọn hoặc leo thang chiến tranh hoặc đứng nhìn Đài Loan bị chinh phục.

Nhiều trường hợp khó xử như vậy đang xuất hiện ở Biển Hoa Đông (East China Sea). Trung Hoa đã mất nhiều năm xây dựng hạm đội và cán cân về mặt trọng tải trên biển hiện đang có lợi cho Bắc Kinh. Họ thường xuyên gửi các tàu tuần duyên được võ trang đầy đủ tiến vào vùng biển chung quanh quần đảo đang có tranh chấp, Senkaku Islands, nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản ở đó. Nhưng Tokyo có kế hoạch để giành lại lợi thế chiến lược bằng cách biến những tàu đổ bộ (amphibious ships) thành hàng không mẫu hạm (aircraft carriers) cho các chiến đấu cơ tàng hình có trang bị hỏa tiễn tầm xa chống chiến hạm. Nhật cũng đang tận dụng lợi thế về mặt địa lý để kết hợp các giàn phóng hỏa tiễn và tàu ngầm dọc theo quần đảo Ryukyu Islands thành một chuỗi theo chiều dài của Biển Hoa Đông.

Quần đảo Senkaku và Quần đảo Ryukyu.
Quần đảo Ryukyu có: Ōsumi, Tokara, Amami, Okinawa, và Quần đảo Sakishima
https://en.wikipedia.org/wiki/Ryukyu_Islands

Trong khi đó, liên minh Mỹ-Nhật, một thời được dùng làm rào cản để ngăn không cho Nhật tái võ trang, thì hiện đang trở thành một lực lượng kết hợp (a force multiplier). Tokyo đã diễn giải lại (reinterpreted) hiến pháp của họ để chủ động hơn trong việc chiến đấu bên cạnh lực lượng của Hoa Kỳ. Những lực lượng của Nhật thường xuyên hoạt động với tàu hải quân và máy bay của Mỹ; chiến đấu cơ F-35 của Mỹ cất cánh từ tàu của Nhật; các giới chức Mỹ và Nhật hiện nay thường xuyên tham khảo nhau về phương cách họ sẽ phản ứng trước sự hiếu chiến của Tàu — và công khai quảng bá sự hợp tác đó.

Trong nhiều năm, các chiến lược gia Trung Hoa đã dự tính (speculated) đến một cuộc chiến tranh ngắn gọn, dữ dội có thể làm nhục Nhật Bản, phá vỡ mối quan hệ đồng minh của Nhật với Washington và dùng đó làm bài học khách quan cho các quốc gia khác trong khu vực. Bắc Kinh có thể, thí dụ như, cho đổ bộ hoặc thả dù các lực lượng đặc biệt lên quần đảo Senkaku, công bố một vùng rộng lớn trên biển trong khu vực là vùng cấm địa của họ (exclusion zone), và hỗ trợ cho tuyên bố đó bằng cách bố trí các tàu, tàu ngầm, chiến đấu cơ và máy bay không người lái — tất cả đều được yểm trợ bởi hàng trăm tên lửa đạn đạo thông thường nhằm bắn vào các lực lượng Nhật Bản và ngay cả vào các mục tiêu bên trong nước Nhật. Tokyo rồi sẽ phải hoặc chấp nhận sự đã rồi (fait accompli) của Tàu hoặc sẽ phải phát động một chiến dịch khó khăn và đẫm máu để tái chiếm quần đảo này. Tương tự, Mỹ cũng sẽ phải chọn hoặc là rút lui, hoặc là tôn trọng những cam kết mà họ đã đưa ra — vào năm 2014 và 2021 — để giúp Nhật bảo vệ quần đảo Senkaku. Rút lui có thể sẽ phá hủy uy tín của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản. Chống cự lại, theo những gợi ý từ những trận chiến giả tưởng (war games) được các trung tâm suy tưởng nổi tiếng (prominent think tanks) thực hiện, có thể dễ dàng dẫn đến việc nhanh chóng leo thang, và kết quả sẽ là một cuộc chiến tranh có tầm vóc trong khu vực.

Nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, thì hoàn cảnh có vẻ đang chín muồi cho khoảnh khắc dạy đời (teachable moment). Mục tiêu tốt nhất có thể là Philippines.

Còn về Biển Đông (South China Sea)? Tại đây, Trung Hoa đã trở nên quen thuộc với việc xô đẩy các láng giềng yếu ớt. Tuy nhiên, đối kháng đang gia tăng. Việt Nam đang tích trữ hỏa tiễn di động, tàu ngầm, chiến đấu cơ phản lực và tàu hải quân có thể khiến cho hoạt động của các lực lượng Trung Hoa trong vòng 200 dặm tính từ bờ biển trở nên rất khó khăn. Indonesia đang tăng cường chi tiêu quốc phòng — tăng 20% năm 2020 và thêm 16% nữa vào năm 2021 — để mua hàng chục chiến đấu cơ, tàu trên mặt biển và tàu ngầm được trang bị hỏa tiễn có thể bắn hạ chiến hạm. Ngay cả Philippines, một quốc gia đã ve vãn Bắc Kinh trong hầu hết nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng đang tăng cường các cuộc tuần tiễu trên không và mặt biển, tiến hành các cuộc tập trận với Hoa Kỳ và dự định mua tên lửa hành trình từ Ấn Độ. Cùng lúc đó, một liên minh đáng sợ của các cường quốc bên ngoài — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp và Đức — đang tiến hành các cuộc diễn tập (exercises) thể hiện quyền tự do hàng hải nhằm để bác bỏ các tuyên bố tự nhận của Trung Hoa.

Nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, thì hoàn cảnh có vẻ đang chín muồi cho khoảnh khắc dạy đời (teachable moment). Mục tiêu tốt nhất có thể là Philippines. Năm 2016, Manila đã phản đối (challenged) các tuyên bố của Trung Hoa về những chủ quyền trên Biển Đông trước Tòa Hòa Giải Thường Trực (Permanent Court of Arbitration) và đã thắng. Bắc Kinh có thể lấy làm thích thú trước ý nghĩ (relish the opportunity) tái khẳng định các tuyên bố của họ — và cảnh cáo các quốc gia khác tại Đông Nam Á về cái giá phải trả qua việc làm Trung Hoa nổi giận — bằng cách tống (ejecting) các lực lượng Philippines ra khỏi các tiền đồn đơn lẻ, không khả nặng chống trả nằm trên Biển Đông. Lại một lần nữa, tại đây Washington sẽ có ít chọn lựa tốt đẹp: Hoặc án binh bất động (stand down), xem như Mỹ cho phép Trung Hoa áp đặt ý chí của họ lên Biển Đông và các quốc gia chung quanh, hoặc Mỹ có nguy cơ tiến vào một cuộc chiến rộng lớn hơn rất nhiều để bảo vệ đồng minh.

Hãy chuẩn bị cho một “thập niên kinh hoàng 2020s”: đây là thời kỳ mà Trung Hoa có những động lực mạnh thúc đẩy họ chiếm lấy đất đai “đã bị mất” và làm tan vỡ các liên minh đang tìm cách ngăn lại sự tiến tới của họ. Bắc Kinh sở hữu những mục tiêu vĩ đại về lãnh thổ (grandiose territorial aims) cũng như một văn hóa chiến lược nhấn mạnh đến việc đánh trước và đánh mạnh khi họ cảm nhận nguy hiểm đang tích tụ. Trung Hoa có những tài sản đang sắp hết hạn nằm trong hình thái lợi thế quân sự (wasting assets in the form of military advantages) và có thể không tồn tại nổi sau thập niên này. Những biến thái (dynamics) như thế đã đẩy Trung Hoa bước vào chiến tranh trong quá khứ và ngày nay có thể những biến thái đó lại sẽ làm như vậy.

Nếu xung đột thực sự nổ ra, các giới chức Hoa Kỳ không nên lạc quan về việc nó sẽ kết thúc như thế nào. Để ngăn chặn hoặc đảo ngược sự xâm lược của Tàu trong vùng Tây Thái Bình Dương có thể phải tối đa sử dụng đến sức mạnh (a massive use of force). Một ĐCSTH độc tài, luôn luôn lưu tâm đến tính chính danh bất ổn trong nước của họ (precarious domestic legitimacy), sẽ không muốn thú nhận sự bại trận ngay cả khi họ thất bại không đạt được các mục tiêu đầu tiên. Và trong lịch sử, các cuộc chiến tranh hiện đại giữa các cường quốc thường kéo dài hơn là diễn ra trong thời gian ngắn. Tất cả những điều này hàm ý rằng một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể cực kỳ nguy hiểm, có rất ít lối thoát chấp nhận được và bị những áp lực trầm trọng để leo thang.

Hoa Kỳ và các quốc gia bạn có thể từng bước thực hiện các biện pháp để làm thối chí Trung Hoa, như mạnh mẽ gia tăng việc mua vũ khí và tồn trữ chiến cụ (prepositioning military assets) ở eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác, để phô trương sức mạnh cứng (hard power) của mình và bảo đảm rằng Trung Hoa không thể dễ dàng đánh quỵ được sức chiến đấu của Hoa Kỳ trong một cuộc tấn công bất ngờ. Đồng thời, điềm tĩnh củng cố những kế hoạch đa phương, với sự can dự của Nhật, Úc, và có tiềm năng là cả Ấn và Anh, để phản ứng lại trước hành động gây hấn của Trung Hoa, những việc làm này có thể khiến Bắc Kinh nhận ra là họ sẽ phải trả một giá rất đắt trước một hành động hiếu chiến như vậy. Nếu Bắc Kinh hiểu rằng họ không thể dễ dàng hoặc không thể thắng được cuộc xung đột với một tổn phí rẻ, thì họ phải thận trọng hơn nữa về việc khởi xướng một cuộc xung đột.

Đa số các bước này không gặp khó khăn về mặt kỹ thuật: Đó chỉ là khai thác các khả năng hiện có. Nhưng những bước này đòi hỏi một sự thay đổi ở mặt suy tưởng (intellectual shift) — ý thức rằng Hoa Kỳ và đồng minh cần nhanh chóng đóng kín lại những cánh cửa cơ hội quân sự của Trung Hoa, có nghĩa là chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh rất có thể bắt đầu vào năm 2025 chứ không phải 2035. Và đổi lại, điều đó đòi hỏi một mức độ ý chí chính trị (political will) và một sự cấp bách mà cho đến nay vẫn còn thiếu.

Các dấu hiệu cảnh cáo lịch sử của Trung Hoa hiện đã chớp màu đỏ. Quả thực, xét theo một tầm nhìn dài hạn về lý do và trong hoàn cảnh nào mà Trung Hoa đánh nhau sẽ là chìa khóa để hiểu được rằng Mỹ và các quốc gia khác sẽ không còn nhiều thời gian trên con đường của Bắc Kinh.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 13 tháng 11, 2021


Bài đọc thêm: