Trần Trung Tín
Thứ Sáu ngày 19 tháng 11, 2021, sau hơn 25 giờ làm việc trong 4 ngày, toàn thể bồi thẩm đoàn, gồm mười hai (12) thành viên, tại tòa án ở Kenosha, Wisconsin đã quyết định Kyle Rittenhouse không có tội (not guilty) trước một cáo buộc về tội cố ý sát nhân cấp độ thứ nhất và bốn cáo buộc với các tội danh khác, theo tin CNN.
Vụ xử Kyle Rittenhouse được nhiều giới tại Hoa Kỳ quan tâm theo dõi vì có liên hệ đến nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, kỳ thị màu da, và bên cạnh đó là những yếu tố pháp luật và quyền được mang và giữ vũ khí, được quy định trong Tu Chính Án thứ Hai của Hiến pháp Hoa Kỳ – Second Amendment to the United States Constitution.
Từ thập niên 1990s đến nay, đã có hai cuộc xung đột vì màu da làm rúng động toàn nước Mỹ:
- Năm 1992, tại Los Angeles County, California, bạo loạn đã xẩy ra sau khi tòa xử trắng án bốn người cảnh sát da trắng đã sử dụng sức mạnh quá mức (excessive force) khi bắt giữ một người da đen tên Rodney King.
- Năm 2020, tại thành phố Minneapolis, Minnesota, một viên cảnh sát da trắng đã giết người da đen tên George Floyd, và đã tạo nên luồng sóng phản đối dữ dội từ cả người da đen lẫn da trắng trên khắp nước Mỹ.
Theo nhận xét riêng của người viết, hai cuộc biểu tình phản đối nói trên đều khởi đi từ yếu tố chính đáng, bắt nguồn từ việc nhân viên công lực người da trắng đã kỳ thị và ngược đãi người da đen – có trường hợp đưa đến việc sát nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những người biểu tình, phản đối chính đáng còn có sự tham dự của nhiều phần tử trộm cướp, hôi của và nhiều thành phần vô chính phủ (arnachist), tùy tiện đốt phá, hủy hoại và cướp bóc tài sản của người dân.
Và một khi chính quyền sở tại không đủ khả năng hoặc không đủ ý chí để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân thì việc có người đứng ra hành xử “Quyền Tự Vệ Bằng Súng” là điều khó tránh khỏi.
Trong phạm vi của bài viết này, người viết không có tham vọng, và ngay cả khả năng chuyên môn, để đào sâu vào các lãnh vực chính trị, pháp lý, và xã hội của Hoa Kỳ qua vụ xử án Rittenhouse.
Những gì trong bài viết này chỉ là một số quan sát của một người gốc Việt được ghi lại sau vài biến cố làm rung chuyển nước Mỹ trong những thập niên gần đây bắt nguồn từ những xung đột màu da giữa người da đen và da trắng; mà dù muốn hay không đều có ảnh hưởng đến người dân da vàng gốc Á Châu, nói chung, và gốc Việt, nói riêng, đang sinh sống tại Mỹ.
Ngoài ra, những gì ghi nơi đây cũng còn là để góp thêm một cái nhìn về yếu tố “tự vệ bằng súng,” mà người dân gốc Việt sống tại Mỹ có thể sẽ phải “đụng đến” – dù đó là điều hoàn toàn miễn cưỡng và ngoài ý muốn.
2020: Miền Đông Hoa Kỳ – Mùa Hè đỏ lửa
Trở lại vụ xử án Rittenhouse, anh thanh niên này bị tố cáo là cố ý sát thương ba người biểu tình tại thành phố Kenosha, Wisconsin vào ngày 25 tháng 8, 2020.
Trước đó 2 ngày, vào ngày 23 tháng 8, 2020, cũng tại Kenosha, cảnh sát đã bắn Jacob Blake, một người da đen 29 tuổi, vì khi sắp bị bắt, Blake có mang dao và viên cảnh sát tưởng là sẽ bị Blake đâm, nên đã nổ súng gây thương tích nặng cho Blake.
Sau đó là những cuộc biểu tình, và nhiều đêm bất ổn, với những kẻ bạo loạn phá hủy xe cảnh sát và đốt phá và làm hư hại các cơ sở kinh doanh, theo tin NPR.org.
Cũng cần lưu ý, trước khi Jacob Blake bị bắn, khắp nước Mỹ như thùng thuốc súng sắp phát nổ trước nhiều cuộc biểu tình phản đối hành động giết người của một viên cảnh sát da trắng đã làm thiệt mạng một người da đen, tên George Floyd, 46 tuổi, vào ngày 25 tháng Năm, 2020 tại thành phố Minneapolis, Minnesota.
Viên cảnh sát da trắng này đã quỳ xuống và dùng đầu gối chặn lên cổ của George Floyd đang bị bắt nằm trên đất. Hành động tàn ác này đã làm phẫn nộ cả nước Mỹ, nhất là người dân da đen, đưa đến hậu quả là có những cuộc biểu tình, cả ôn hoà lẫn bạo động, nổi lên tại nhiều thành phố lớn của Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh căng thẳng đó, bên cạnh những cuộc biểu tình phản đối tương đối ôn hòa, trong chớp nhoáng thành phố Kenosha đã trở thành một “trận địa” của những thành phần bạo động, của những “lực lượng” vô chính phủ, đã tích cực chủ động trong việc bạo loạn, đốt phá, và hôi của.
Trước một lực lượng cảnh sát bất lực, và bị bó tay vì nhiều lý do chính trị tại Kenosha, đã có những thành phần dân sự tự võ trang đứng lên để tự nguyện làm công việc bảo vệ như của cảnh sát.
Kyle Rittenhouse là một trong những thành phần dân sự này. Trong những giây phút hỗn loạn, Rittenhouse đã bắn chết hai người và bắn bị thương một người bằng súng giống súng trường AR-15 (AR: ArmaLite Rifle1).
Lúc đó, tháng Tám năm 2020, Rittenhouse được 17 tuổi.
Khi phiên xử bắt đầu vào đầu tháng 11, 2021, chánh án Bruce Schroeder đã cấm công tố viên không được sử dụng chữ “nạn nhân” (victim) khi đề cập đến ba người bị bắn cho đến khi có kẻ bị kết tội vì chữ dùng nặng nề (loaded word) như vậy dễ gây ra thiên kiến (prejudice) nơi bồi thẩm đoàn trong phiên xử. Nguyên tắc này đã được chánh án Bruce Schroeder áp dụng từ lâu cho các vụ án mà ông xử2.
Mặt khác, vụ án này còn được đem ra “xử” trên các “phiên tòa” khác diễn ra song hành trên các phương tiện truyền thông, và báo chí, kể cả trực tuyến. Đối với các “quan tòa,” kiêm công tố viên, kiêm bình luận gia một chiều trên các “kênh” truyền thông, thì việc Rittenhouse bắn ba đối tượng trên bắt nguồn từ yếu tố kỳ thị chủng tộc (racists), da trắng độc tôn (white supremacist).
Nhưng trước tòa án của luật pháp, bốn nhân vật trong vụ này: Rittenhouse – thủ phạm bắn, và ba người bị bắn, còn sống hay đã chết, tất cả đều là người da trắng.
Cho nên nếu đem yếu tố kỳ thị da đen và da trắng độc tôn trong việc bắn ba nhân vật trên ra để “biện luận” trước tòa, thì phần trăm thuyết phục được bồi thẩm đoàn hẳn sẽ rất thấp.
Ngoài ra, chánh án Schroeder đã loại bỏ phần buộc tội Rittenhouse mang súng bất hợp pháp khi 17 tuổi. Vì luật tiểu bang Wisconsin cho phép người 17 tuổi được mang súng với điều kiện phải là súng có nòng dài không bị cưa ngắn. Khẩu súng Rittenhouse sử dụng giống như súng trường AR-15, có nòng dài được luật của Wisconsin cho phép người 17 tuổi được mang.
Vì vậy các tố cáo, luận bàn của các công tố viên và các biện luận của luật sư biện hộ tập trung quanh vấn đề Rittenhouse bắn các nhân vật trên vì cố ý muốn hạ sát hay bắn vì tự vệ khi Rittenhouse cảm thấy tính mạng có thể bị nguy hiểm.
Trong hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ và trong một vụ án hình sự, công tố viên phải có trách nhiệm chứng minh được rằng phía bị cáo có tội, mà không còn vướng vất bất cứ một nghi ngờ hợp lý nào, theo Law Cornell Education.
Nói một cách khác, phía công tố viên phải thuyết phục được bồi thẩm đoàn là bị cáo hầu như hoàn toàn chắc chắn có tội.
Vào ngày 19 tháng 11, 2021, bồi thẩm đoàn đã đi đến quyết định Kyle Rittenhouse Not Guilty (Không có tội) đối với tất cả các cáo buộc.
Hiển nhiên quyết định này của bồi thẩm đoàn không làm hài lòng những vị nhìn sự việc nặng theo quan điểm chính trị hoặc ý thức hệ (ideology).
Riêng theo nhận xét của cá nhân, Kyle Rittenhouse không phải là một “hero.” Rất có thể phim ảnh hay những mẫu người hùng đã khiến anh thanh niên trẻ tuổi này muốn trở thành người hùng. Và đó cũng không phải là điều gì sai trái. Nhưng rõ ràng là Kyle đã có những chọn lựa không được chín chắn trong hành động.
Tuy nhiên, tất cả những thiếu sót hay ngay cả sai lầm đó không thể được sử dụng như một “bằng chứng” vững chắc để kết tội Kyle Rittenhouse là kẻ sát nhân và cuối cùng có thể phải ngồi tù suốt đời.
1992: Miền Tây Hoa Kỳ – Đất bằng nổi sóng
Cũng bắt nguồn từ những sự kỳ thị người da đen, gần 30 năm trước, vào năm 1992, bạo loạn cũng đã xẩy ra tại Los Angeles County, tiểu bang California, sau khi toà xử trắng án bốn viên cảnh sát da trắng đã sử dụng sức mạnh quá mức (excessive force) (có nghĩa là đánh đập tàn nhẫn) một người da đen bị bắt tên Rodney King. Vụ đánh đập này đã bị thu vào videotape và chiếu trên truyền hình.
Lúc đó, đang khi bạo loạn bùng nổ, khung cảnh loạn lạc, nhà cháy, khói lửa tại vùng Los Angeles trông gần giống như khung cảnh của một Sài Gòn tan hoang vào thời Việt cộng tổng công kích trong dịp Tết Mậu Thân, 1968.
Theo wikipage: Sau khi những bạo loạn kết thúc, đã có 63 người bị thiệt mạng, 2,383 người bị thương, hơn 12,000 người bị bắt giữ và thiệt hại về tài sản là khoảng hơn 1 tỷ Mỹ kim, một cách không tương xứng, phần lớn những thiệt hại này đã đổ vào Koreatown (Phố Đại Hàn), nơi phần lớn các cuộc bạo loạn xảy ra.
Vào thời đó, người viết có anh bạn sinh sống tại vùng Los Angeles. Thời còn trong quân ngũ trước 30/4/1975, chúng tôi ở cùng một đại đội. Cũng như đa số người Việt, anh bạn đến Mỹ định cư theo diện tị nạn (refugee) vào khoảng 1979-80. Hai vợ chồng anh cật lực làm việc cả mươi năm hơn mới có được cửa hiệu đóng furniture (bàn ghế, giường tủ) tại khu phố Đại Hàn – Koreatown, Los Angeles.
Khi thấy TV chiếu cảnh Koreatown bốc cháy tang hoang, tôi có gọi phone hỏi thăm. Thì anh cho biết là riêng con đường có cửa tiệm của anh thì còn nguyên.
Hỏi thêm thì mới biết là trên con đường đó có một người Đại Hàn là chủ cửa hiệu bán súng. Khi thấy bạo động bắt đầu lan rộng khắp nơi và cảnh sát hoàn toàn mất kiểm soát, anh Đại Hàn này lập tức đứng ra kêu gọi các cửa tiệm gần đó lo họp lại để tự bảo vệ, chứ không thể trông chờ vào cảnh sát.
Trong khu phố đều là dân gốc Á Châu, đa số gốc Đại Hàn, còn lại là Đài Loan, và ít nhất là Việt Nam. Trước hiện tình nguy ngập trước mắt, tất cả đều đồng ý là phải lo tự cứu mình. Thế là anh Đại Hàn chủ hiệu bán súng mở kho, phát súng đạn cho mỗi cửa hiệu.
Cũng như các cửa hiệu khác, anh bạn tôi cùng người em trai chọn “cao điểm” trên sân thượng làm “vọng gác” và đặt súng trên đó. Thời 1992, chưa có cell phone. Các cửa hiệu thường chỉ có walkie-talkie và tầm hoạt động rất ngắn, cho nên “liên lạc vô tuyến” bị giới hạn. Vì vậy các “tuyến phòng thủ” trong khu vực phải… “bổ xung” cách liên lạc “vô tuyến” bằng… tay và miệng, như dân da đỏ!
Anh bạn tôi cho biết là bọn cướp cạn, chuyên môn hôi của cũng theo đúng chiến pháp lắm. Trước khi “tấn công,” chúng cũng “thẩy” “trinh sát” đi trước.
Lần đó, trong khi súng nổ rải rác, và khói lửa, còi cứu hỏa đang vang rền khắp nơi bên các khu vực láng giềng, thì đã có toán “tiền thám” tới “trinh sát” dò đường.
Cũng là điều may mắn cho bọn trinh sát này là khi đang tiến vào trên hai chiếc xe 8 máy to kềnh của Mỹ, mở nhạc om xòm, thì chúng đã thấy có người lấp ló trên các nóc nhà ra dấu báo động.
Anh bạn tôi kể là khi bọn du thủ du thực thấy ra là dân ở khu phố này có “hỏa khí” và sẵn sàng cho nổ, thì nhạc trên xe đang mở om xòm, bỗng tắt hết. Còn xe đang chạy, cũng không còn dám cho nổ máy ồn ào, mà chỉ cho xe chạy từ từ, thật chậm. Cả bọn trên hai chiếc xe trở thành “em hiền như ma sơ”, không dám cả ló mặt, thò đầu ra khỏi cửa xe.
Vì chúng sợ là những hành động đó bị “hiểu lầm” là khiêu khích. Mà những lúc căng thẳng như thế, chỉ cần một mạng trên nóc nhà “nervous” và lỡ tay “đụng nhẹ” vào cò súng làm nổ bậy một phát, là cả bọn trong xe sẽ thành… “trăm hoa đua nở” và sẽ không còn dịp hát câu: “(Anh) đến chơi quên niềm cay đắng… và quên… đường về!3“
Nhờ “biết điều” như vậy cho nên bọn tiền thám này đi ngang qua các “hàng rào phòng thủ thụ động” mà vẫn còn toàn mạng. Và sau khi đám tiền thám này thoát nạn, thì không có “khinh binh” nào dám bén mảng đến đó nữa.
Điều quan trọng đáng nói ở đây là vì có đủ can đảm đứng lên cầm súng, dựa lưng vào nhau, để cùng bảo vệ tài sản của chính mình, cho nên các cửa hiệu hai bên con đường ở đó vẫn “đứng vững” trong khi chung quanh vùng Koreatown thì cháy nát.
Trong một hoàn cảnh nhiễu nhương như thế, nếu không muốn bị giặc cướp tiêu diệt, thì sẽ còn có một chọn lựa nào khác tốt đẹp hơn?
Sự thể cư dân tại Koreatown, đứng đầu là người dân gốc Đại Hàn đã đứng lên, tự võ trang chống bạo loạn vào thời điểm 1992, có thể nói là đã đi vào lịch sử của Hoa Kỳ. Những người gốc Đại Hàn trong cuộc bạo loạn năm 1992 tại Los Angeles về sau được sách vở báo chí nhắc đến với một danh hiệu “Rooftop Koreans.”
1979 – Texas: Đổ máu tại Vịnh Galveston
Việc người Việt đến định cư tại Mỹ trong những đợt đầu tiên phải chống chọi với nghịch cảnh, và kỳ thị và phải dùng đến súng để tự vệ là điều đã xảy ra.
Theo www.unclaw.com: Khoảng từ năm 1979 đến 1981, nhiều thuyền đánh tôm của người Việt Nam đã bị đốt ở khu vực Vịnh Galveston, tiểu bang Texas. Đây là những vụ cháy mà các nhà điều tra sau đó đã xác định là bị cố ý đốt. Cũng có những báo cáo là có những tay bắn sẻ (snipers) bắn ngang dãy thuyền của Việt Nam.
Vào tối ngày 3 tháng 8, 1979, tại thành phố vùng biển Seadrift, tiểu bang Texas, nhiều chiếc thuyền của người Việt bị đốt cháy và một ngôi nhà trống của người Việt bị ném bom lửa đốt cháy, và một cuộc ẩu đả giữa ngư dân da trắng và Việt Nam chấm dứt bằng việc bắn chết một người da trắng đi bắt cua. Hai người Việt Nam bị xét xử về tội giết người và được tuyên trắng án với lý do tự vệ.
Sau vụ xử trên, đến tháng Hai, 1981, tổ chức Ku Klux Klan (KKK) lại tổ chức biểu tình biểu dương sức mạnh để chống lại người Việt và gây áp lực để không cho người Việt ra biển bắt tôm.
Đến tháng Năm, 1981, quan tòa ra một án lệnh cấm những thành phần Ku Klux Klan không được hăm dọa, chèn ép dân đánh cá người Việt. Từ đó người Việt tại vùng Seadrift, Texas mới “dễ thở” hơn.
Cho đến năm 2018, giới truyền thông của Mỹ cũng còn nhắc đến sự “đụng độ” của người Việt và tổ chức Ku Klux Klan vài thập niên trước đó, cùng là sự thăng tiến của cộng đồng người Việt tại Texas về sau này, như qua bài báo Decades After Clashing With The Klan, A Thriving Vietnamese Community In Texas của NPR.org
Người Việt tị nạn tại vùng Seadrift, Texas có nhận được sự bảo vệ của chính quyền địa phương, và sự giúp đỡ của các tổ chức dân sự khác.
Dù vậy, thực tế vẫn là “tuyến phòng thủ cuối cùng” (last line of defense) vẫn phải được thực hiện bởi từng “đơn vị,” và từng mỗi cá nhân phải có trách nhiệm cho sự an nguy của chính mình.
Kết
Nhại lại câu nói của Đặng Tiểu Bình: Mèo trắng cũng như mèo đen, mèo nào cố ý gây phương hại đến tính mạng và/hay tài sản của mình, thì đều phải bị đẩy lùi.
Dù Black hay White, có cực kỳ hung dữ hay vạm vỡ to lớn, cố ý xấn tới tấn công với ý định gây thương vong, mà bị trúng một viên đạn vào ngay đúng chỗ, thì chắc chắn hành động tấn công đó phải bị ngưng lại.
Tương tự, một khi có bạo loạn, nếu luật pháp không bảo vệ được, thì khi người dân dám nổ súng để tự vệ, chắc chắn bọn cướp ngày/đêm đều “dám” phải sợ.
Tuy nhiên, phải luôn luôn ý thức cao độ rằng súng đạn là những “hỏa khí” giết người và không phải là những thứ “đồ chơi” trang sức để phô trương sức mạnh của một “người hùng” có nhiều “manhood!”
Chắc chắn là khi có súng trong tay phải hết sức thận trọng trong việc tự vệ bằng súng và chỉ tìm đến biện pháp cực đoan này khi không còn phương cách nào khác. Còn như ngược lại, thì rất dễ rơi vào tình trạng tự mình bắn vào chính mình.
Trần Trung Tín – Ngày 20 tháng 11, 2021
Bài đọc thêm:
Chú thích
- AR: ArmaLite Rifle https://www.npr.org/2018/02/28/588861820/a-brief-history-of-the-ar-15
- https://www.npr.org/2021/11/04/1052485234/a-look-at-bruce-schroeder-the-judge-in-the-kyle-rittenhouse-trial
- Một phần lời trích từ bản nhạc “Em đến thăm anh một chiều mưa” của nhạc sĩ Tô Vũ, http://www.lyrics.vn/lyrics/5606-em-den-tham-anh-mot-chieu-mua.html
Đồng ý với bài viết của tác giả. Nhờ những tiếng súng đúng lúc đúng nơi mà kẻ bạo loạn, hôi của phải ngừng.