Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Hai Con Giáp

Trần Thi

Email trong nhóm ở sở của Hùng năm nào cũng rôm rả lời chúc tụng khi năm mới đang đến.

Nhóm của Hùng cũng độ hơn 60 người.  Tính theo màu da thì trong nhóm có 3 sắc dân chính: da trắng, Ấn Độ và Á Châu (nghĩa là Trung Hoa và Việt Nam).

Năm Tây thì chúc Happy New Year. Năm ta thì chúc Happy New Lunar Year.  Cứ thế thì chẳng có gì để phải nói.

Có lần vào dịp năm ta, có người bạn đồng nghiệp da trắng gửi ra lời chúc “Happy Tet” đến mọi người trong nhóm.

Thế là emails bắt đầu “xẹc” qua, “xẹc” lại.

Chẳng là vì các đồng nghiệp người Hoa, hoặc gốc Hoa, lúc nào cũng muốn toàn thế giới xem là ngoài lời chúc Happy Lunar New Year, thì chỉ có Happy Chinese New Year mới đúng là chính thống!

Gặp mấy anh bạn người Việt, hoặc gốc Việt, lại cứ tỉnh bơ vờ đi cái “chính thống.” Và cứ thoải mái… “Happy Tet” với tất cả đồng nghiệp nam thanh, nữ tú trong sở.

Phải nói là trong tương quan Mỹ-Việt trong cái xui lại có cái may.

Qua vụ Tết Mậu Thân 1968, sử sách và báo chí của Mỹ ghi là Tet Offensive, do vậy chữ Tet đã “tự động” dính liền với những ngày đầu năm âm lịch của người Việt.

Theo kiểu nói của phe ta, thì “xương máu lắm” chữ Tet (=Tết) mới đi vào lịch sử của xứ cờ hoa!  

Và mấy anh Chinese có muốn áp đặt cái Chinese New Year làm “mẫu mực” thay cái Tết của Việt Nam tại Mỹ thì cũng… No way, José!

Giữa những emails nhắc khéo đến “văn minh lâu đời” của Trung Hoa, ý muốn nói là chỉ có lịch 12 con giáp của Tàu mới là “chính thống,” thì lại có anh bạn trẻ Việt Nam “ngu ngơ” gửi email đáp lại:

”Welcome to America, folks. This is the land of the free and home of the brave!”

Bằng một message giản dị, anh bạn trẻ đã “vỗ” nhẹ một cú vô mặt mấy người anh em nước lớn:

  • Ở Mỹ này, giá trị chẳng có nằm nơi vài ngàn năm văn hiến hay nước lớn, nước bé gì hết cả. Mà nơi đây giá trị là sự tự do và lòng can đảm, mấy bạn!

Message “chào mừng” kiểu này làm mấy anh bạn Chinese bị khựng.

Các anh này nếu có bực mình và khiếu nại với human resources (phòng nhân viên) của sở thì cũng chẳng làm được cái thể… chế gì cả vì câu nói đó là một phần trong bài quốc ca của Hoa Kỳ.

Nhưng sure là các anh gốc Đại Hán, kiểu chauvinism nước lớn, thì dễ cảm thấy như bị móc họng, chơi xỏ.  

Thì… So, what?  Đã làm sao, nào?

Bên Mỹ này, trong sở làm, mới nhìn thì xem ra như rất tự do, ai muốn làm gì thì làm. Nhưng “coi dzậy mà không phải dzậy” vì mạng nào làm bậy, thì được “dìu” (escort) ra khỏi sở ngay và… Do not come back!

Ở lục địa bên kia bờ Thái Bình Dương, có là con ông Tập, hay cháu ông Mao gì gì đi nữa, thời qua đến Mỹ cũng phải vào khuôn vào phép “get in line!”

Thành ra dần dần người Á Châu hay Ấn Độ vào đến Mỹ, và đi làm ở đây thì cũng đều phải cùng với dân bản xứ “vô hàng ngay ngắn.”

Làm việc bận rộn có quên đi, thì thời gian vẫn cứ trôi qua. Cứ hết một chu kỳ thời gian thì lại có năm mới. Và có… Tết!

Rồi có ai reo “Happy Tet”, hay réo “Happy Chinese New Year” thì trong một nơi chốn có tên “land of the free,” tất cả đều được lắng nghe hết cả.

Nhưng lâu lâu cũng có trục trặc như lần Tết rơi vào năm “Mẹo.”

Lần đó có anh chàng da trắng nào đó tò mò hỏi: “Năm nay là năm con gì vậy?”

Trường phái Tết thì trả lời là: Năm con Mèo – Year of the Cat.

Trường phái Chinese New Year thì “nhấn mạnh”: Năm con Thỏ – Year of the Rabbit.

Lúc đó, đi lục tìm, thì các đồng nghiệp – có màu da không vàng – mới thấy là giữa Việt và Hoa, trong 12 con giáp, có 2 con giáp khác nhau.

Việt Nam thì gọi là Sửu/Trâu (Buffalo) và Mẹo/Mèo (Cat).

Còn Trung Hoa thì gọi là Bò (Ox) và Thỏ (Rabbit).

Emails qua lại một hồi về 2 con giáp này, thời có một anh người Hoa – phe Chinese New Year – giả vờ ngây thơ đưa ra dự đoán rằng không chừng thời xưa người Việt Nam không rành chữ Hán nên “đọc lộn” chữ Thỏ thành chữ Mèo, chữ Bò thành chữ Trâu?!

Phe “Happy Tet” bị khựng vì cũng không biết “trả đòn” như thế nào.

Còn phe Chinese New Year thì được thể, xem lịch chữ Hán chính gốc Tàu mới là tiêu chuẩn!

Xưa nay, Hùng vẫn hay im lìm ngồi làm việc. Vẫn đọc những emails này nhưng anh chưa bao giờ ý kiến. Có điều anh không khoái mấy màn nước lớn, ỉ đông bắt nạt người khác.

Nên lần đó anh phá lệ lên tiếng “đáp lễ” các anh chị con nhà Đại Hán:

“Guys, lúc xưa người Việt Nam dùng chữ Hán. Mọi liên lạc văn thư ngoại giao giữa Trung Hoa và Việt Nam đều dùng chữ Hán. Nên cho rằng người Việt thời đó hiểu sai chữ Thỏ thành chữ Mẹo thì đúng là chẳng biết gì hết cả!

“Người Việt không chối cãi cái hay của văn minh Trung Hoa, và vẫn cần phải học hỏi, phải áp dụng. Nhưng, well, Việt Nam vẫn phải là Việt Nam và không thể hoàn toàn giống hệt Trung Hoa.

“Nên, dù vẫn sử dụng hệ thống lịch âm lịch 12 con giáp của người Hoa sáng chế, người Việt xa xưa đã cố ý biến đổi 2 con giáp từ Bò (Ox) sang Sửu/Trâu (Buffalo) và Thỏ  (Rabbit) sang Mẹo/Mèo (Cat) để không hoàn toàn giống Tàu.”

Để dẫn chứng, anh bạn Hùng này còn đưa ra thêm một số sự kiện lịch sử:

  • Thời xưa, người Trung Hoa thì để tóc bím (pigtail), nhưng người (phụ nữ) Việt Nam quấn tóc quanh đầu.  
  • Trong khi người Hoa để răng trắng, thì người Việt nhuộm răng đen.

Không phải là không biết đến mỹ thuật, không biết phân biệt đẹp hay xấu, nhưng vì nhu cầu sống còn của người Việt, không thể để bị Tàu đồng hóa, cho nên đã khiến người Việt phải thực hiện những biện pháp cực đoan này.  

Với mục đích chỉ để người Việt Nam Không-Thể-Giống như người Trung Hoa!

Còn là bực thầy trong lĩnh vực tuyên truyền, người Việt đã “tẩy não” (brainwash) con cháu qua nhiều thế hệ bằng những câu răn dậy:

  • Thừa con mới gả cho phường trắng răng. (Only “spare” daughters are allowed to marry “white teeth thugs.”)

Khi nghe nói tới những biện pháp “tẩy não dữ dằn” như trên, được áp dụng truyền đời từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì có ngu nhất cũng phải hiểu là bằng mọi giá người Việt quyết tâm duy trì bản sắc (identity) của mình.

Và nhất định là Việt Nam thì phải khác với Tàu!

Theo như trình bày của Hùng thì rõ ràng là từ thời xa xưa mấy “brave men” người Việt đã biết rất rõ là họ muốn làm gì khi sửa tên con giáp Bò (Ox) thành Sửu/Trâu (Buffalo) và con giáp Thỏ (Rabbit) thành Mẹo/Mèo (Cat).

Cho nên trận đấu võ mồm trong một không gian ảo về “2 con giáp” đã đi vào chung cuộc:

  • Hey, mấy bạn người Hoa, rõ ràng Tàu là một nước lớn. Nhưng còn lâu mới “xóa xổ” được Việt Nam tụi tôi. Got it?!

Vì chuyện 2 con giáp này, cả nhóm Việt trong sở gọi đùa Hùng là “Vietnamologist!” Thực tình thì Hùng cũng chỉ ghi lại những gì anh nghe được từ người lớn tuổi.

Tưởng đâu sự việc này chỉ được quan tâm nhiều bởi 2 nhóm Việt-Hoa, ngờ đâu vài ngày sau, có một anh chàng tên James, tóc vàng, cũng làm cùng department nhưng khác nhóm, ở building khác tìm đến chỗ Hùng và rủ anh đi ăn trưa.  

James cho biết anh đã forwarded những emails vừa qua đến người cha của anh. Cha của James đã từng tham chiến tại Việt Nam và vẫn quan tâm đến Việt Nam. Ông nhờ James nói lời cám ơn đến Hùng vì đã giúp ông hiểu thêm chút ít về người Việt Nam.

***

Nhiều năm đi qua. Và Hùng từ lâu cũng không còn làm việc tại sở cũ. Anh cũng mất liên lạc với James và cha của James từ vài năm trước. Mất liên lạc với những người bạn dễ mến như thế cũng là điều không vui. Nhưng nhiều khi như thế cũng là một điều hay cho Hùng.

Vì nhân dịp xuân về, sau lời chúc Happy Tet, nếu như ông thân của James có hỏi Hùng tại sao Việt Nam ngày nay lại đang đánh mất bản sắc bất khuất của mình trước việc khấu tấu và tùng phục Bắc Kinh, một thứ Đại Hán tân thời, thì thực sự Hùng cũng không tìm được câu trả lời.

Trần Thi
Trước thềm năm Đinh Dậu
San Jose, Ngày 12 tháng 1, 2017



2 Comments

  1. AD

    Câu hỏi này cũng là điều tôi thường thắc mắc mỗi khi Xuân về Tết đến (chỉ còn 13 ngày nữa là tới Tết) .

    Đọc và thấy cái ý chí của ông bà, vừa thú vị và vừa “hào hùng”, tôi lại liền tò mò: Vì sao người Việt ta lại chọn đúng hai con “mèo”/“thỏ” và “bò”/“trâu” để cải biên?

    Có phải chăng là vì hai con này rất… “Việt Nam”. Bởi tính gần gũi và thiết thực với nếp sống của người dân Đại Việt? Con mèo biết bắt chuột và Con trâu thì cày bừa, cả hai cùng xuất hiện trong nhiều ca dao và hình ảnh dân gian? Mong được nghe anh 3T chia sẻ thêm về hình ảnh hai con vật này với người Việt.

    • editor

      Xem câu hỏi: ‘Vì sao người Việt ta lại chọn đúng hai con “mèo”/“thỏ” và “bò”/“trâu” để cải biên?’ mà AD đặt ra, thì thấy bạn có vẻ thuộc mẫu người có “logical thinking”. Hy vọng tôi đoán đúng.

      Giả thuyết của bạn, theo tôi, chỉ đúng phần Mèo. Có lẽ Mèo được chọn vì là loài tương cận với Thỏ. Cũng như rõ ràng là Mèo gần gũi với người nhiều hơn Thỏ, như bạn ghi.

      Nhưng còn Bò với Trâu? Cả hai đều thuộc loại tương cận với nhau và cả hai cũng đều gắn liền với đời sống của người dân VN trong xã hội nông nghiệp thời xưa, vậy thì tại sao lại phải hoán đổi?

      Bởi thế, nhằm để giải đáp cho được “chính xác” câu hỏi “logical thinking” của bạn, thì phải ‘vận dụng’ đến khả năng… “sentimental thinking” (chữ mới tự chế!!!) của người Việt thì mới hiểu được tại sao lại có sự chọn lựa 2 con giáp Sửu (Trâu) và Mẹo (Mèo)! 😀

      Seriously, để sang một bên việc nói đùa, thì khi đã nói đến tiếng Việt, là phải nói đến chuyện đọc lên là phải nghe sao cho có vần, có điệu, uyển chuyển lên bổng, xuống trầm.

      Bạn AD thử đọc tên 12 con giáp của người Việt: Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi là thấy… “ngọt” cỡ nào!

      Chứ còn để nguyên theo kiểu của người Tàu: Tí, , Dần, Thố/Thỏ, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi… thì mới đọc lên phần đầu là đã nghe thấy rất lọng cọng, “rớt” lên, “rớt” xuống và… trớt quớt!

      Nói gì thì nói, biện luận của bạn cũng như của tôi đều là những suy đoán mò mẫm của những kẻ hậu bối đi sau muốn tìm hiểu thêm về sự suy nghĩ, tính toán của tiền nhân của mình ngày xưa.

      Cho nên về chuyện này, nói theo kiểu Mỹ thì Your guess is as good as mine! Chúc bạn AD ăn Tết vui vẻ. -3T

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *