Nói hơi màu mè một chút, thì trong hành trang kỷ niệm của một đời người, kỷ vật khó bị phai nhòa nhất vẫn là những tiếng cười, nghịch ngợm có được ở thời còn trẻ với những người bạn cùng trang lứa .

Rồi những tiếng cười, nghịch ngợm đó lại bị bóp nghẹn, chết lên chết xuống trong một xã hội chỉ quay quanh duy nhất một trục “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.”

Vận nước nổi trôi. Bạn bè cũng trôi nổi. Đứa còn, đứa mất. Thằng ở, thằng đi. Còn thời gian thì cũng chưa bao giờ chịu đứng lại…

Tới khi gặp lại bạn cũ, thì kỷ niệm xưa, như người tình cũ không rủ cũng đến… 


3T

Bữa nọ gặp lại một ông nội bạn học chung hồi còn nhỏ. Nói là học chung, chớ ông thần này là bực thày của tụi tui. Thày ở đây là thày chạy đó.

Tên cúng cơm của ông thần nước mặn này là Thạch. Còn bạn bè “vinh danh” kêu là Thạch Phá Thiên vì thằng này nó có “khẩu khí” trời sợ.

Hồi đó, có mấy đứa con gái chung trường cũng ưa xí xoọng làm điệu dữ lắm. Phải làm điệu để cho bọn con trai tụi tui “nghía” chớ. Thì cũng y chang như đám con nít teenager bây giờ dzậy đó.

Gặp bữa gần Tết, mấy đứa con gái lên đồ, sức dầu thơm, tóc chải mượt mà, áo bay lả lướt đi ngang qua. Nói thiệt tình, trong đám tụi tui có nhiều con tim muốn “mù lòa” dữ lắm.

Gặp trúng thằng nhức mình quá, chịu hết nổi, nên có màn xổ thơ ra nịnh:

“Tóc em dài em cài hoa thiên lý”

Đọc tới đó thằng này ngừng một chút. Ý là nó muốn chờ để được “em” quăng cho nó một cái liếc ngang, liếc dọc chi đó, rồi đọc tiếp.

Ai dè, trúng giờ hoàng đạo, “em” chưa có “động thái” chi hết, thì Thạch Phá Thiên đã chêm vô:

“Tiếng em cười như ngựa hí trường đua.1

Nguyên bọn giặc cỏ tụi tui cười rầm rầm. Làm mấy đứa con gái tụi nó “xí bùm bum” tụi tui goá xá chời, rồi bỏ đi một nước.

Khỏi cần tới cửa Khổng, sân Trình mốc xì gì ráo trọi, chỉ cần chút xíu “văn chương khẩu khí” của Thạch Phá Thiên là bức tường đá “nam nữ thọ thọ bất thân” giữa đám con gái và con trai tụi tui được dựng lên thẳng băng!

Phải nói ngay là thằng Thạch này nó lẹ miệng có một không hai. Như trong kỳ cấp lớp tụi tui chịu lời đóng góp cho chương trình văn nghệ tất niên của trường bằng một màn sáu câu vọng cổ mang tựa đề “Lục Vân Tiên.”

Tập dợt đờn ca cho đã đời. Tới bữa trình diễn, hổng biết tổ trát làm sao mà gần tới giờ lên sân khấu thì thằng đóng vai Lục Vân Tiên đương khi không bị chột bụng. Phải chạy ra, chạy vô nhà vệ sinh miết. Mà hồi đó, kiếm đâu ra nút chai để đút lại cho “nó” khỏi… tuôn? Bị Tào Tháo rượt nà, người hùng Lục Vân Tiên lỏng gối, đứng muốn hổng nổi, còn nói chi tới chuyện cầm ca nữa?

Kiếm ai thế bây giờ? Ngó qua, ngó lại. Còn ai trồng khoai xứ này ngoài Thạch Phá Thiên? 

Chạy ra ngoài kiếm được nó dẫn vô. Mới lướt qua kịch bản sơ sơ được chút xíu, là tới giờ tiết mục Lục Vân Tiên bị kêu ra trình diễn.

Trên sân khấu, thấy xe chở Kiều Nguyệt Nga vô tới khúc tiểu lộ, thì bị đám giặc cỏ (toàn là mấy đứa ưa quậy tụi tui đóng) ùa ra, bao vây tính bắt đem về làm áp trại phu nhơn.

Nguyệt Nga trong xe, mặt mũi bí rị. Rồi Lục Vân Tiên đi ngang. Nổi máu anh hùng, ra tay nghĩa hiệp. Tuốt kiếm ra dẹp tan được đám lâu la.

Hồi đó, Nguyệt Nga hết làm mặt rầu, lật đật tính kéo rèm bước ra khỏi xe để… coi mặt người hùng.

Tới màn mùi mẫn này, thì Thạch Phá Thiên phải dang tay cản lại và bắt giọng:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra…”

Đương ngon trớn ca, khi không thấy khựng lại. Chết dịch rồi. Ngó kiểu đó là biết cha nội Lục Vân Tiên tân thời này hổng thuộc bài.

Cũng còn hên, kế bên cái xe của Nguyệt Nga có tấm phông vẽ mấy cây dừa. Ngó qua ngó lại, Thạch Phá Thiên tỉnh bơ làm mặt ngầu, phác tay ra dấu chận người đẹp, hổng cho ra và còn chỉ lên mấy cây dừa, gân cổ ca:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra”
– “Dừa khô … rớt … xuống …ù… ơ… bể … đầu … ơ… ơ… Nguyệt Nga!2

Tuồng tích đã hổng thuộc, phải cương đại mà còn bày đặt chơi ngon, ngân nga cái giọng (ở) cổ như dzậy nữa. Thiệt là thua Thạch Phá Thiên này luôn!

Nghe ca tới khúc đó, khán giả ngồi coi, từ mấy ông thày, bà cô già chát, xuống cho tới đám học trò lóc nhóc tụi tui, ai nấy đều cười ngất, vỗ tay hoan hô rần rần.

Hồi đó mà cụ Đồ Chiểu có sống lại, dám hổng chừng ổng kêu bắt thằng Thạch này về làm đệ tử, chớ hổng phải chuyện giỡn chơi.

Chương trình văn nghệ tất niên bữa đó dzui quá xá chời, được tính là “đi vào lịch sử” của trường cũng là nhờ có Thạch… phá thiên.

***

Rồi 30/4/75 chụp tới. Nguyên miền Nam nắng chiếu chói chang, đổ qua tối thùi.

Mấy thằng con trai độc thân nào mà giờ đó còn ở lại thành phố coi bộ cũng có giá lắm. Hổng phải ngon lành gì hơn ai, nhưng đám đờn ông con trai coi được thì lớp qua Mỹ, lớp bị bắt đi tù “cải tạo” hết ráo. Còn rớt lại bao lăm mạng ngó coi đặng?

Còn phía phường khóm, có cả đống “anh đội.” Ui cha, ngó ra ngoài đường thấy lền khên mấy cha nội bộ đội. Mới trong rừng ra, mặt mũi ngáo ngáo; hổng biết mốc khô chi hết, mà mở miệng ra là toàn nói mấy chuyện tào lao phách lối.

Thời đó, nhà nào có con gái lớn lớn chút xíu thì cũng sợ chết bà. Hổng phải sợ con gái mình bị ở giá, mà là sợ bị bắt lấy mấy anh đội làm chồng.

Bởi dzậy, mấy thằng tụi tui ở lại không di tản cũng không sợ bị… ế dzợ!

Phá phách như Thạch Phá Thiên mà cũng có người quen kêu tới giới thiệu cho nhỏ cháu, gia thế ngon lành, có của ăn của để, thuộc loại giỏi giang “cái nết đánh chết cái đẹp”…

Còn như đám tụi tui, đương đứng xớ rớ bên lề xã hội mới, có đứa cũng bị người lớn hối là phải lo tính tới chuyện dừng bước giang hồ đi chớ!

Kỳ đó, nể lời ông già tía, Thạch cũng đi theo bà má qua thăm gia đình người quen…

Mấy bữa sau gặp lại ngoài quán cà phê, hỏi chuyện đó tới đâu rồi? Ông nội phá trời không cần thiên lôi này cười khà khà.

Nó ngôn ra một câu, nghe còn ghê hơn tiếng xe be, chở gỗ trên rừng về bị tuột dốc, đạp thắng tới cháy bánh:

– “Biết là ‘cái nết đánh chết cái đẹp,’ nhưng mà ‘cái đẹp đè xẹp cái nết!’

Ngồi nghe nó kể, hổng thằng nào mà hổng cười. Nhờ vậy, đám tụi tui mới có chuyện để làm thày bàn, cho khai sanh ra một câu danh ngôn bất hủ: “Mưu sự tại ba, mà thành sự là tại… con!”

Rồi tới ngay kế bên là chuyện thế sự. Thấy bây banh tứ lung tung vì dòm quanh, ngó tới đâu cũng gặp toàn mấy thứ ba trợn. Dốt nát mà còn bày đặt làm cách mạng, làm anh hùng nhảy bàn độc, leo lên cai trị đất nước.

Nói cho cùng, cũng tại cái Đẹp ở Việt Nam bị mấy thằng dzịt cồ nó phá banh ta lông nên bàng dân thiên hạ mới đem sanh mạng của người ta ra cá độ với tử thần trên rừng hay ngoài biển để đi kiếm cái Đẹp ở chỗ khác.

Cái đám quậy phá tụi tui cũng vậy. Tứ tán hết. Thằng qua Úc. Đứa tới Âu Châu. Có mạng mất tích. Còn đám ở Mỹ thì đông hơn. Nhưng đông nhứt là mấy con nhạn là đà bị rớt lại Việt Nam, trong đó có Thạch Phá Thiên.

Đứa bị kẹt lại, thì ngó tới đâu cũng thấy tối tăm, chỗ nào cũng đầm lầy sình thúi. Còn thằng dọt được ra ngoài, đỡ khổ hơn nhiều, nhưng cũng miệt mài te tua, bầm giập….

Tới hồi tỉnh hồn, coi lại xấp hồ sơ cũ trong cuộc đời, thấy mọi chuyện in như mới xảy ra bữa hôm qua. Mà liếc qua tấm lịch đời thì mới tá hỏa tam tinh. Mấy chục năm đã bay đâu mất tiêu?!

***

Bây giờ bạn cũ gặp lại. Kéo ra quán ngồi. Ngó trời. Dòm đất.

Để cùng nhau rượt bắt lại chuyến tàu đêm năm cũ của ngày tháng xa xưa, chứa đầy nhóc kỷ niệm sắp bốc hơi thành ảo ảnh.

Hai thằng giành nhau nói đủ thứ chuyện, như mấy thằng đói ăn lâu ngày chụp giựt những miếng ngon còn sót lại quá ít.

Nói lâu cỡ nào cũng không hết chuyện. Nhưng rồi cũng tới hồi phải đứng lên.

Rất thiệt tình như hồi còn nhỏ, Thạch Phá Thiên ra điều “triết lý”: 

“Ôn lại chuyện cũ, thấy mình cũng trật vuột cả tỉ. Nhưng mà cắm đầu nghe theo mấy lời khuyên kiểu ‘An bần, lạc đạo,’ thì còn đại trật nữa. Mấy lời khuyên đó, nghe ‘đả’ lỗ nhĩ thiệt. Nhưng tới hồi đụng chuyện, thì thấy toàn là mấy thứ ba dớ. Bởi đã ‘bần’ rồi mà hổng lẹ lẹ lo bươn chải để thoát ra, mà còn nằm đó chổng giò lo hưởng ‘an bần,’ thời sẽ thấy mấy thứ ‘bần cùng sanh đạo tặc’ ào tới cái rụp. Tới hồi đó, hổng còn phải ‘lạc đạo’ mà thành ra là ‘hắc đạo’ luôn!”

Trước giờ chia tay, còn biết ý kiến chi đây với “khẩu khí” cũng y chang như hồi nào của thằng bạn thày chạy, ưa phá trời, ghẹo đất?

Ngó cảnh hai đứa bạn cũ lâu năm gặp lại cũng tựa tựa cảnh “hội ngộ” của hai người tình xưa:

Hai mươi bốn năm sau,
               tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung,
               đố có nhìn ra được?
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
               con mắt còn có đuôi.

(Tình Già – Phan Khôi)

Nói vậy chớ, dù gì thì cũng còn hên dữ lắm. Bị chưa tới hồi:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(Ông Đồ – Vũ Đình Liên)

3T – Ngày 26 tháng 7, 2018



Mời nghe nhạc phẩm Quán Bên Đường:

                   Trước khi từ giã Hỏi nhau Buồn hay là Vui? …
                   Thì cứ …      Hỏi Ngay …. Cuộc Đời!

Chú thích

  1. Nguyên văn hai câu ca dao:

    Tóc em dài em cài hoa thiên lý
    Miệng em cười anh để ý anh thương

  2. Nguyên văn hai câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu:

    Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
    Nàng là phận gái, ta là phận trai.