Trần Thi

Dường như cuộc sống hiện tại trên đất lạ dễ làm chúng ta bận rộn quá thể, bạn nhỉ? Còn được mấy lúc bạn có thể thong thả nằm lăn trên cỏ, ngửa mặt nhìn trời?

Bạn, chúng ta có bận rộn quá chăng hay tất cả đang già nua cằn cỗi? Đâu đó, trong tiềm thức của bạn, của tôi, dường như chúng ta cố tình tránh né những lối về qua quá khứ.

Có phải vì (vật lộn với) hiện tại, (lo nghĩ về) tương lai và (quay nhìn lại) quá khứ đã không còn để lại cho chúng ta chút thời gian đủ dài hoặc dăm ba cơ hội đủ nhàn nhã để có được ít phút giây bình tâm nghe được “tiếng vang” của yên lặng?

Liệu rằng đời sống – trên đất lạ – với những vật lộn và phấn đấu cần phải có, rồi cũng sẽ chỉ đưa chúng ta đến khô cằn và cứng cỏi? Hay chính chúng ta đang mắt mờ lạc lối?

Chắc không phải vậy đâu, bạn nhỉ?

Đâu phải đã hết rồi những buổi sáng đang lên, bỗng chợt cảm nhận được tia nắng quẩn quanh ta sao thật giống những tia nắng bên nhà trong những ngày cuối năm sắp Tết? Khi ấy, dễ gì tìm được chữ viết đủ tượng hình để mô tả trọn vẹn nỗi rưng rưng giao động?

Nắng vẫn lung linh, vồn vã, mượt mà và có nhiều khi đủng đỉnh nữa. Mà cả bạn, cả tôi dễ gì có ai ấp ủ được nắng sáng, ôm trọn được nắng trưa và hôn môi được nắng chiều?

Nắng! Chẳng thiếu những gợi hình. Rất nhiều lúc gắt gao. Mà vẫn tràn đầy những dịu nhẹ.

Bạn nhỉ, những lúc “ngày xưa còn bé” vẫn thường được nghe và nói đến kỷ niệm. Trong cuộc đời của chúng ta, ít ra cũng có hơn một lần đã có nỗi e ngại vẩn vơ về việc liệu có lưu giữ được mãi những kỷ niệm đáng nhớ?

Có nên khép chặt cõi lòng lại chăng để giữ một kho tàng kỷ niệm để không bao giờ mai một? Làm như vậy, có khác chi làm chuyện tự giam hãm, mà cũng đã chắc gì giữ được mãi những kỷ niệm để mãi mãi không phai nhạt?

Đã thấy không nên, và cũng chẳng thể, làm chuyện giam hãm tù túng, thì có sợ gì mà không mở rộng cảm quan đón nhận?

Chẳng như, có lúc tình cờ ngang qua khu dân cư thưa thớt trên đất lạ, thấy có đụn lá khô đang lâm râm ngún khói. Ngạc nhiên biết mấy khi mùi khói khét nghi ngút quanh đây sao lại có thể trở nên gần gụi thân thuộc đến như thế.

Ngọn khói, chẳng phải đã có lần cong mình vặn vẹo đâu đó trên đỉnh những cao nguyên hoặc đã hun lên mù mịt khi chiều xuống bên rừng già cạnh núi?

Ngọn khói, chẳng phải đã nhiều lần trổ nóc, bị mắt, bưng tai trốn chạy khỏi những căn nhà ọp ẹp để khỏi phải chứng kiến tận mắt những thân người tả tơi, còm cõi và những em nhỏ xanh xao, èo uột, luôn đói ăn bên nồi cơm không gạo?

Gió! Gió đến tự phương nào để ngút ngàn những ngọn khói Việt Nam? Hình như, mùi khói khét nồng xông lên cạnh mũi đang làm cay đôi mắt.

Gió! Dù gió có cuồng lên thành bão, có bạt ngàn được tất cả những ngọn khói Việt Nam, có thổi tung lên những ám khói làm lem luốc quê hương của ta, thì gió cũng chẳng bao giờ giập tắt nổi ngọn lửa, dù vẫn chỉ là đơn lẻ, vẫn luôn hiện diện trong tâm tư của bạn, của tôi, bạn nhỉ?

Vào những khi chiều xuống, chắc hẳn cũng có đôi ba lần bạn cũng đã từng ngất ngưởng “nhìn đời” như người say nghiêng ngả trên con tàu điện đang quành nhanh vào ngã rẽ.

Nhin quanh, chỉ toàn những thân người ngả nghiêng cứng nhắc, những khuôn mặt dửng dưng lạnh nhạt đang lắc lư theo toa tàu hỏa như cùng nghiêng ngả theo nhịp động của dòng đời.

Tự dưng sao cảm thấy mệt mỏi và lẫn cả chút e sợ! Như những lần bị nén cứng đến như bị bàn tay vô hình thô bạo chèn lên bóp cổ suýt chết nghẹn trên chuyến tàu mang tên Thống Nhất đang lao nhanh trên tuyến đường xuyên Việt.

Dĩ nhiên vẫn có nhiều khác biệt nơi mức độ và hình thức. Nơi quê nhà. Trên đất lạ.

Ở nơi đây. Trên đất lạ. Chẳng có một cưỡng bách bắt buộc nào hiện hữu, ít ra cũng là trên nguyên tắc; mà sao tất cả vẫn cứ như một guồng máy đang quẩn quanh, lập đi, lập lại theo cùng một nhịp điệu.

“Guồng máy vẫn đang hoạt động toàn hảo!” Hãy cứ lạc quan xem là vậy.

Nhưng hình như, dù thật toàn hảo, xem ra “hoạt động” vẫn khó có thể được xem như đồng nghĩa với “sinh động.” Chỉ cần nhìn vào ảnh hình của chính mình nơi gương soi trong những thời khắc đang “hoạt động” (đến kiệt quệ) thì bạn sẽ khó tìm thấy được sự “sinh động,” bạn nhỉ?

Nhưng nếu chỉ như thế, thì có gì dính dáng đến nỗi e sợ? Nỗi e sợ, đâu đó, hình như có liên quan đến mối liên tưởng giữa một đời sống bị tàn bạo bóp nghẹn và một đời sống đóng khung theo khuôn khổ – ở những quãng đời của hai “khung trời cách biệt:” Nơi chúng ta đã sống và Nơi chúng ta đang sống.

Có mấy ai chỉ hướng về tương lai, và lo toan cho hiện tại mà không giờ bị kéo lui hay bị “ám ảnh” bởi quá khứ, nhất là với một quá khứ bị bầm giập, rách nát. Như một số không ít trong chúng ta.

Mệt quá nhỉ! Sẽ phải cần “đặt mua” thêm bao nhiêu thời gian nữa để nỗi e sợ, ám ảnh nọ có thể hoàn toàn bị đẩy lui vào quên lãng?

Tự dưng nhớ đến tên một quyển sách “Ta đã làm chi đời ta?”

Bạn nhỉ, kể cũng sẽ rất sảng khoái, nếu đến một lúc nào đó trong cuộc đời, mình có thể dừng lại đôi chút để nhìn ngắm đoạn đường đã qua, kiểm soát lại cái còn, cái mất trong hành trang của cuộc đời để có thể ngửa mặt đặt lên câu hỏi tương tự cho chính mình.

Cũng sẽ tức cườii lắm, nếu khi đó, mình chỉ có thể tìm được mỗi câu trả lời: “Ta đã ‘chẳng’ làm chi đời ta!”

Bạn nhỉ, bạn có thấy cho dù “Ta đã ‘chẳng’ làm chi đời ta,” nhưng nếu “chủ thể” của cái “ta” (nghe sao có vẻ siêu… thanh quá!) vẫn còn đầy đủ cảm nhận và tri thức, thì có bị bầm giập đi nữa, vẫn dễ có cơ may tri ngộ được giá trị của đời sống, hơn là cứ triền miên khói lửa theo cách thế: Ai bảo sao, tôi làm vậy!

Đã đành, có lúc sẽ rất đau khổ khi “tri ngộ” được hạnh phúc theo cách thế “hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay?!”

Nhưng thế, chẳng hơn là cứ miệt mài trong cách sống… “ngu si hưởng thái bình?!”

Tha lỗi cho tôi, bạn nhé, khi bắt buộc phải sử dụng đến những hình dung từ không được nhẹ nhàng thanh thoát. Hẳn phải nhờ đến bạn để giúp tìm ra được chữ dùng chính xác, thanh tao.

Cũng có thể có lần bạn cảm thấy lạc lõng xa lạ khi đến nơi chốn có thể gặp được nhiều đồng hương trên đất lạ. Mặc dù có ở lâu hay mới đến, thì sự thật vẫn là tất cả chúng ta đều đang sống trên đất lạ.

Cũng đáng ngạc nhiên bạn nhỉ, khi cùng một lúc cảm thấy lẻ loi, tẻ nhạt trong sự bất đồng ngôn ngữ với người bản xứ mà lại vẫn không hoàn toàn tìm được an ủi, ấm cúng bên cạnh người nói cùng tiếng mẹ đẻ với mình.

Thật ra cũng chẳng có gì quá quái lạ để phải cho đây là một “hiện tượng” hết thuốc chữa!

Hình như đâu đó trong tâm tư chúng ta đều có một niềm kiêu hãnh “thái quá,” về người Việt Nam nói chung, đến nỗi chúng ta ít dám mạnh dạn thẳng thắn nhìn nhận với người “ngoại quốc” (dù là mình đang sống trên quê hương của họ) là vẫn còn nhiều điều làm người Việt chúng ta phải cúi mặt.

Khởi đi từ một niềm kiêu hãnh thái quá, thiếu hẳn sự tỉnh táo và một độ lượng tương đối, thì sẽ rất dễ đưa đến tình trạng “quá độ” đến mức tự cho rằng chỉ có mỗi một mình “ta” mới đúng là mẫu người Việt Nam tiêu biểu. Và chỉ có cư xử như mình mới có thể làm cho người “ngoại quốc” hiểu và phục được người Việt Nam!

Bạn nhỉ, ở một cách nhìn nào đó, có thể nói, sống như vậy là sống theo cách sống dựa lưng trên giả dối – không dám đối diện với sự thật, và đó còn là một sự chọn lựa của những tinh thần yếu đuối – chuyên trốn tránh sự thật.

Bạn, công bằng mà nói, người Việt chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành quả qua những cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, dù những thành quả đó tính ra vẫn còn khá khiêm nhường. Chúng ta dám ngửng mặt hãnh diện về những thành quả đó, thì ít ra chúng ta cũng cần nên có đủ can đảm để nhận chịu những ê chề, nhức nhối cũng do người Việt tạo ra.

Chi cần một phân tích giản dị, ai cũng có thể hiểu: Sống tại Việt Nam, lớn lên trong một môi trường tạo điều kiện dễ dàng cho việc gây căm thù, dối trá và nghèo túng thì tránh sao được không có những việc coi nhẹ điều liêm sỉ khi ra đến nước ngoài.

Bạn, nếu chúng ta có quay lưng đi không dám nhận chân vấn đề này để hợp sức cùng mọi người giải quyết, thì vấn đề này chẳng bao giờ tự nhiên biến mất.

Bạn cũng thừa biết như tôi, cho dù nói được tiếng bản xứ có giỏi đến đâu đi nữa, có hội nhập thành công trong xã hội mới đến mức độ nào đi nữa, thì bạn và tôi, chúng ta vẫn chỉ có thể được xã hội mới xem chúng ta như những kẻ lạ mặt có khả năng sinh tồn và hội nhập khá tốt. Trên đất lạ.

Chỉ vậy thôi, còn thì tất cả những chuyện khác như bản sắc, hoặc “phẩm chất” của tập thể Việt Nam nơi chúng ta xuất thân – và là một thành phần trong đó – thì đối với người dân bản xứ, những điều ấy dù xấu, dù tốt, vẫn hiện diện đầy đủ nơi mỗi chúng ta. Và họ rất đúng khi nhìn chúng ta như vậy.

***

đâu cũng vậy, chả có nơi nào chỉ thuần có tốt và không có xấu. Nhưng chắc bạn cũng không phải là chưa từng gặp những thành phần có quan niệm chật hẹp cho rằng chỉ có tập thể của họ, quốc gia của họ mới sản sinh ra được nhân tố tốt. Sẽ chẳng dễ dàng gì cho chúng ta khi muốn đánh đổ quan niệm đó.

Mà, bạn nhỉ, thực sự liệu có nên mất công tranh luận với những đối tượng không có khả năng và cũng không có ước muốn mở rộng tầm nhìn của họ? Lắng nghe những chỉ trích, phê bình đến từ những đối tượng có lòng, có tri giác là những điều thật cần thiết, nhất định phải được quan tâm.

Còn như ngược lại, có lẽ nên gắng tập sao cho được kiên nhẫn để giữ lòng thanh thản trong im lặng nếu bản tâm chưa đủ độ lượng. Kể ra cũng có vẻ lý thuyết quá, bạn nhỉ? Chứ chẳng lẽ lại mỗi lúc, mỗi tranh nhau đưa ra những bằng chứng về điều xấu của người (cho dù là có thật) để hạ giá đối tượng nhằm chứng tỏ là mình hay, là mình tốt!

***

Nếu (lại nếu!) mình chẳng thiết tha gì đến chung quanh và cho rằng mọi chuyện đều đã được… định mệnh an bài, chỉ còn chờ đến ngày “ra khơi” đi vào vĩnh viễn, thì chẳng có gì để phải thắc mắc, phải không bạn?

Nếu vẫn chán nản lắm và chỉ nghĩ đến chuyện buông xuôi, mà còn mất công đọc đến dòng chữ này thì bạn hãy còn… “xung” lắm! Khỏe nhanh nhanh lên đi chứ, bạn, nếu như đang mệt mỏi. Còn nếu như đang vẫn “yêu người, yêu đời,” thì đừng bao giờ để bị bận tâm với ‘mệt mỏi!’

Đến với mọi người để cùng hát lên bài vui ca, và lỡ có (bâng quơ) sợ sệt gì khi gặp người… quen, thì ngán gì mà không thử “đi xem mặt” nỗi sợ của mình, thưa bạn.

Đến đây, chưa biết chừng là sẽ có “théc méc” về việc cũng cần phải… nhậy cảm, phải lưu tâm đến sự khác biệt của phái tính qua chữ “bạn.” Chứ đâu có chuyện “khơi khơi” cứ nói loạn lên như thế?

Thực tình mà nói, cuộc đời mà không có sáng nắng, chiều mưa và tối… vần vũ, thì có lẽ đó sẽ là cuộc đời chẳng giống ai!

Mà tinh thần bạn bè cứ phải bị đóng khung trong khuôn khổ “phái tính,” chỉ “đơn” nam không nữ, chỉ thuần nữ và nam… đi chỗ khác chơi, thì xem ra hơi giống như là chỉ có “một nửa của bạn bè.” Chẳng biết bạn có đồng ý với nhận xét trên hay không?

Đến đây, “rủi” như có cao hứng muốn sửa lưng, hay muốn làm khó người “phát ngôn nhân”(không thẩm quyền) đang… lạc đề, thì còn chờ gì mà bạn không lấy ra bút để ra tay.. “bạt bút” với bạn của bạn không những đang viết “chùa,” với hy vọng góp được chút vui với bạn, mà còn phải xuất tiền túi ra mua tem gửi bài đi nữa! Đa tạ. Đa tạ…

Trần Thi – Yokohama, Nhật Bản, Tháng 8, 1990