Quan sát. Lắng nghe. Ghi nhận. Chia sẻ

Ấn Độ: thân Nga, cần Mỹ, ghét Hồi và sợ Trung Cộng

Ngay sau khi Nga xâm lăng Ukraine, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã có ba cuộc bỏ phiếu:

  1. Ngày 25/2/2022, Hội Đồng Bảo An LHQ (United Nations Security Council) với 15 thành viên1, họp để thông qua nghị quyết nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine.

    Nga bỏ phiếu phủ quyết (veto) nghị quyết này2. Ngoài ra còn có 11 phiếu thuận và 3 phiếu khiếm diện (abstained: không thuận mà cũng không chống) của Ấn Độ, Tàu và the United Arab Emirates (UAE). 

  2. Ngày 04/3/2022, Hội Đồng Nhân Quyền (Human Rights Council), với 47 thành viên, họp để thông qua nghị quyết thành lập ủy ban điều tra những vi phạm nhân quyền của Nga trong chiến tranh tại Ukraine.

    Nghị quyết này được thông qua với 32 phiếu thuận, 2 phiếu chống (của Nga và Eritrea) và 13 phiếu khiếm diện3.

  3. Ngày 07/4/2022, Đại Hội Đồng (General Assembly) bỏ phiếu quyết định ngưng không cho Nga có mặt trong Hội Đồng Nhân Quyền (to suspend Russia from the Human Rights Council).

    Kết quả:  93 phiếu thuận, 24 phiếu chống, và 58 phiếu khiếm diện4.

    • Trong 24 phiếu chống có Bắc Hàn, Cuba, Iran, Nga, Syria, Tàu và Việt Nam.
    • Trong 58 phiếu khiếm diện có Ai Cập, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Ba Tây, Cambodia, Hồi Quốc, Iraq, Jordan, Kuwait, Mã Lai, Mễ, Nam Dương, Nam Phi,  Qatar, Singapore, Thái Lan và UAE.

Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu ngưng các quyền của Nga trong Hội đồng Nhân quyền (Human Rights Council) trong Phiên họp Khẩn cấp Đặc biệt về Ukraine -UN Photo/Manuel Elías

Trong cả ba cuộc bỏ phiếu quan trọng nói trên, Ấn Độ đều bỏ phiếu khiếm diện.

Việc bỏ phiếu khiếm diện – không thuận mà cũng không chống việc có biện pháp với Nga – của Ấn cho thấy họ đã chọn một thế đứng chính trị khác hẳn với Hoa Kỳ và các đồng minh chiến lược của Washington.

Chọn lựa chính trị này của Ấn Độ có vẻ như hết sức mâu thuẫn. Vì một mặt Ấn Độ hiện đang sát cánh với Hoa Kỳ trong việc chống lại sự hung hăng của Trung Cộng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng mặt khác lại hết sức khoan dung với Nga trước sự xâm lăng nghiêm trọng hơn của họ tại Ukraine.

Mâu thuẫn đó bắt nguồn từ sự lo ngại của Ấn về chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, về các tranh chấp biên giới chưa được giải quyết và về mối quan hệ khó khăn với hai nước láng giềng ở phương Bắc là Hồi Quốc và Trung Cộng.

Ấn Độ, các nước láng giềng, và các vùng đang tranh chấp với Hồi Quốc và Trung Cộng

Theo Carnegie Endowment for International Peace5, mối đe dọa trực tiếp và thường trực của Ấn Độ là Trung Cộng và Hồi Quốc. Ấn Độ tin là duy trì được sự thân tình với Nga sẽ giúp chặn bớt được quan hệ mật thiết giữa Nga và Hoa, cũng như giữa Nga và Hồi. Vì thế, New Delhi tránh công khai chỉ trích Nga.

Hồi: Xứ sở không đội trời chung với Ấn

Ấn Độ có khoảng 1.35 tỉ dân (2018) với 447 ngôn ngữ bản xứ. Ngôn ngữ chính thức: Hindi – Anh ngữ, và năm tôn giáo lớn nhất là6:

  1. Ấn giáo (Hinduism, 79.8% dân số)
  2. Hồi giáo (Islam, 14.2% dân số)
  3. Cơ Đốc giáo (Christianity, 2.3% dân số)
  4. Đạo Sikhism (1.7% dân số)
  5. Phật giáo (0.7% dân số)

Hồi Quốc có khoảng 226.99 triệu dân (2021). Ngôn ngữ chính thức: Urdu – Anh ngữ, và ba tôn giáo lớn nhất là7:

  1. Hồi giáo (Islam, 96.47% dân số)
  2. Ấn giáo (Hinduism, 2.14% dân số)
  3. Cơ Đốc giáo (Christianity, 1.27% dân số)

Lịch sử cho thấy tại khu vực này Ấn và Hồi như nước với lửa. Sau khi Anh trao trả độc lập vào năm 1947,  Ấn và Hồi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh8:

  1. Chiến tranh Ấn-Hồi 1947 (Indo-Pakistani War of 1947 hay First Kashmir War): bắt đầu từ tháng 10 năm 1947.  Lúc đó, Kashmir còn là một tiểu quốc (state) độc lập, đa số dân theo Hồi giáo nhưng vị tiểu vương của Kashmir là người Ấn. Vì sợ vị tiểu vương này đem Kashmir gia nhập Ấn, nên lực lượng của các bộ lạc Hồi giáo được  quân đội Hồi hỗ trợ đã tấn công và chiếm đóng nhiều nơi tại Kashmir. Không chống nổi quân Hồi, tiểu vương Kashmir ký hiệp ước với Ấn để được quân viện. Xung đột kéo dài. Ngày 22/4/1948, Hội Đồng Bảo An LHQ thông qua Nghị quyết 47 để giúp Ấn và Hồi khôi phục lại hòa bình. Ngày 01/01/1949, có lệnh ngưng bắn. Kết quả, Ấn kiểm soát được khoảng 2/3 Kashmir và Hồi kiểm soát được khoảng 1/3 Kashmir. 

  2. Chiến tranh Ấn-Hồi 1965 (Indo-Pakistani War of 1965): Hồi Quốc phát động cuộc chiến tranh nổi dậy nhắm vào những vùng do Ấn kiểm soát ở Kashmir. Ấn Độ trả đũa bằng cách mở cuộc tấn công toàn diện vào Tây Hồi. Cuộc chiến 17 ngày này gây ra hàng ngàn thương vong. Đây là cuộc giao tranh lớn nhất có sự tham chiến của thiết giáp và xe tăng kể từThế Chiến II. Sau khi có sự can thiệp ngoại giao của Liên Xô và Hoa Kỳ, Ấn và Hồi đồng ý ngừng bắn. Khi ngừng bắn, Ấn Độ có ưu thế hơn Hồi Quốc.

  3. Chiến tranh Ấn-Hồi 1971 (Indo-Pakistani War of 1971): Khủng hoảng chính trị giữa Tây Hồi và Đông Hồi (hiện giờ là Bangladesh) đưa đến tuyên bố Độc lập của Bangladesh. Tây Hồi đưa quân sang Đông Hồi đàn áp. Và Ấn Độ can thiệp vào phong trào giải phóng Bangladesh đang diễn ra lúc đó.

    Xung đột toàn diện giữa hai nước bắt đầu. Sau những giao tranh dữ dội trong hai tuần, các lực lượng Hồi Quốc tại Đông Hồi đã đầu hàng. Khoảng 93,000 quân Hồi bị bắt làm tù binh. Có ước tính cho rằng quân Hồi và lực lượng dân quân Hồi giáo đã giết từ 300,000 đến 3,000,000 thường dân ở Bangladesh. Có từ 8 đến 10 triệu người Bangladesh chạy sang Ấn Độ tị nạn.

    Trong cuộc chiến tranh này, quân Hồi và lực lượng dân quân Hồi giáo ủng hộ, được gọi là Razakars, đã cưỡng hiếp từ 200,000 đến 400,000 phụ nữ và trẻ em gái Bangladesh trong một chiến dịch hãm hiếp diệt chủng có hệ thống9.

    Theo một tác giả người Hồi, trong cuộc chiến này “Hồi Quốc mất một nửa hải quân, một phần tư lực lượng không quân và một phần ba quân số.”

  4. Chiến tranh Ấn-Hồi 1999 (Indo-Pakistani War of 1999 hay Kargil War): Vào đầu năm 1999, quân Hồi xâm nhập  và chiếm giữ phần lớn quận Kargil của Ấn Độ. Để đánh bật quân Hồi, Ấn Độ phát động một cuộc tấn công quân sự và ngoại giao quy mô. Sau hai tháng xung đột, quân Ấn chiếm lại hầu hết các nơi đã bị lấn chiếm. Sợ rằng có sự leo thang quân sự lớn, cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ, gia tăng áp lực ngoại giao lên Hồi. Trước các áp lực kinh tế, Hồi phải rút hết quân ra khỏi lãnh thổ của Ấn. Hơn 4,000 quân Hồi thiệt mạng. Cuộc chiến này cũng là một thất bại quân sự cho quân đội Hồi.

Căn cứ theo những sự kiện lịch sử ghi trên, không thể trách Ấn Độ khi họ không tin tưởng vào bất cứ quốc gia nào là đồng minh và võ trang cho Hồi Quốc.

Nga:  Người bạn đáng tin cậy của Ấn

Trong khi đó, Nga trở thành người bạn đáng tin cậy của Ấn.

Năm 1961, sau khi Ấn sử dụng quân đội để chấm dứt chủ quyền của Bồ Đào Nha tại các thuộc địa Daman, Diu và Goa, thì Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nghị quyết lên án và kêu gọi Ấn Độ rút quân. Nhưng Liên Xô phản đối nghị quyết này.

Năm 1971, Ấn Độ và Liên Xô ký kết “Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác” (“Treaty of Peace, Friendship and Co-operation”).

Riêng về vùng lãnh thổ Kashmir, nơi Ấn Độ tranh chấp với Hồi Quốc, thì khi tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Ấn tại Kashmir vào năm 1955, Nikita Khrushchev nói, “Chúng ta ở gần nhau đến mức nếu bạn gọi chúng tôi từ đỉnh núi, chúng tôi sẽ xuất hiện bên cạnh bạn.” Kể từ đó, Moscow đã trở thành bức tường thành phòng vệ vững chắc của Ấn để chống lại sự can thiệp quốc tế vào Kashmir.

Vào những năm 1957, 1962 và 1971, Liên Xô đã nhiều lần phủ quyết các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ kêu gọi sự can thiệp của quốc tế vào Kashmir.

Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev, hàng đầu tiên bên trái, ra đón bà Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi tại phi trường Moscow ngày 8/6/1976. Boris Yurchenko/AP

Sau khi Liên Bang Xô Viết bị sụp đổ, Nga vẫn duy trì liên hệ đặc biệt với Ấn Độ.

Năm 2000, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Vajpayee ký kết một “Tuyên bố về Quan hệ Đối tác Chiến lược” (“Declaration of Strategic Partnership”).

Năm 2010, cả hai nước ký kết “Quan hệ Đối tác Chiến lược và Đặc biệt” (“Special and Strategic Partnership”). Trong quan hệ đối tác đặc biệt này, Nga tái khẳng định lập trường ủng hộ Ấn Độ đối với Kashmir.

Năm 2019, khi Ấn Độ loại bỏ Điều 370 trong hiến pháp dành cho Jammu và Kashmir một quy chế đặc biệt, chính phủ Modi bị quốc tế chỉ trích dữ dội, nhưng lại một lần nữa, Nga coi đây là “vấn đề nội bộ” của Ấn Độ.

Tháng 01, 2020, sau khi Trung Cộng thúc đẩy quốc tế can thiệp vào Kashmir, ông Polyanskiy, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ, tweet: “Hội Đồng Bảo An đã thảo luận về Kashmir trong các cuộc họp kín. Nga hết sức ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Ấn và Hồi. Chúng tôi hy vọng rằng những khác biệt của họ sẽ được giải quyết thông qua các nỗ lực song phương.”

Cũng khoảng thời gian này, sau khi đặc sứ của nhiều quốc gia thông báo ý định đi thăm Kashmir, Đại sứ Nga tại Ấn là Kudashev đã từ khước làm như vậy. Ông nói: “Đây không phải là vấn đề của Nga. Những ai tin rằng đây là vấn đề, những ai quan tâm về tình trạng tại Kashmir, những ai nghi ngờ về chính sách của Ấn tại Kashmir có thể đi tới đó và tự xem xét. Chúng tôi không bao giờ nghi ngờ đến sự việc đó.”

Ấn: Người bạn ‘khiếm diện’ của Nga

Tại Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ không có một sức mạnh chính trị của một thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An như Anh, Mỹ, Nga, Pháp hoặc Tàu.

Nhưng từ khi thiết lập được mối quan hệ chiến lược với Liên Xô, Ấn Độ vẫn luôn luôn được Liên Xô/Nga dùng quyền phủ quyết của họ để che chở. Do vậy,  Ấn Độ đã làm mọi cách để ủng hộ Moscow trên trường quốc tế.

Năm 1956, khi cuộc cách mạng của Hungary bị đè bẹp, dù trong chỗ riêng tư Thủ tướng Ấn ông Jawaharlal Nehru đã chỉ trích hành động của Moscow nhưng Ấn Độ đã không công khai lên án những đàn áp tàn bạo của Liên Xô,

Năm 1968, Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc để nghiền nát cuộc nổi dậy chính trị tại Prague. Tại Hạ viện Ấn, Thủ tướng Ấn Bà Indira Gandhi đọc diễn văn không chấp thuận, nhưng không chỉ trích Moscow trên diễn đàn quốc tế. Sau đó, trong cuộc bầu phiếu thông qua nghị quyết lên án Liên Xô, Ấn Độ đã bỏ phiếu khiếm diện.

Năm 1979, khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan, Thủ tướng Ấn Charan Singh mạnh mẽ phản đối. Nhưng Ấn Độ bỏ phiếu khiếm diện trong nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ lên án Liên Xô.

Năm 2000, Ấn Độ bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Ủy Ban Nhân Quyền LHQ (UN Human Rights Commission) lên án việc Nga “sử dụng vũ lực không cân xứng” (“disproportionate use of force”) trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Năm 2008, cùng với Bắc Hàn, Iran và Myanmar (Miến Điện), Ấn bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ cho “quyền được trở lại (quê hương)” (“right of return”) của những người bị chiến dịch của Nga ở Abkhazia dời đi chỗ khác.

Năm 2013 và 2016, Ấn Độ bỏ phiếu khiếm diện trong các nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ chỉ trích chế độ Assad của Syria được Nga ủng hộ.

Năm 2014, Ấn Độ bỏ phiếu khiếm diện trong nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ lên án việc Nga xâm lăng Crimea.

Năm 2020, Ấn Độ bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ do Ukraine bảo trợ lên án vi phạm nhân quyền ở Crimea.

Và đến năm 2022, thì việc Ấn Độ bỏ phiếu khiếm diện tại LHQ liên quan đến việc Nga xâm lăng Ukraine đã được ghi bên trên.

Nga: Nguồn vũ khí và năng lượng cho Ấn

Bên cạnh những liên hệ ngoại giao thân thiết, thì sự hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật ở mặt quân sự nhiều năm qua giữa Liên Xô/Nga và Ấn đã cho thấy những giao kết sâu đậm giữa hai nước. Chẳng hạn, Nga đã cung cấp cho Ấn Độ toàn bộ dây chuyền sản xuất về quân sự từ máy bay cho đến xe tăng.

Sự phát triển của Hải quân Ấn Độ, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm, đã được cải thiện rất đáng kể nhờ vào sự hợp tác của Nga. Trong thập niên 1980s, việc Liên Xô cho Ấn Độ thuê một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là điều chưa từng xảy ra đã nói lên được một sự tin tưởng lẫn nhau rất đặc biệt giữa hai quốc gia này10.

Theo Meera Shankar, một cựu đặc sứ của Ấn Độ tại Hoa Kỳ: “Trong những năm gần đây, Ấn đã mua các thiết bị quốc phòng từ nhiều nguồn khác nhau, với Mỹ, Do Thái và Pháp là những đối tác quan trọng mới. Tuy nhiên, 60% thiết bị quốc phòng của chúng tôi vẫn có nguồn gốc từ Nga và Nga là đối tác chiến lược chính yếu trong lãnh vực quốc phòng và năng lượng.11

Việc Nga là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng mà còn được Ấn Độ rất ưa chuộng là vì vũ khí của Nga thường có giá rẻ hơn vũ khí của Tây phương. Và dù rẻ những vũ khí đó cũng tốt hoặc ít ra cũng là vừa đủ tốt cho nhu cầu sử dụng của Ấn Độ.

Hơn nữa, Nga thường sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ những công nghệ chiến lược cao cấp, điều mà những nước khác không làm. Nga theo đuổi việc hợp tác phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí tối tân để chế tạo sản phẩm của họ ngay tại Ấn. Vì thế New Delhi đánh giá cao quan hệ quốc phòng của họ với Moscow.

Điểm then chốt ở đây là Ấn Độ sẽ không muốn loại bỏ các nguồn cung cấp quốc phòng từ Nga, cho dù họ có thể mua vũ khí tương đương từ Tây phương, là vì Moscow mang lại cho Ấn những lợi ích quan trọng về công nghệ quốc phòng12.

Thủ tướng Ấn Modi và Tổng thống Nga Putin, bước vào phòng họp tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 06/12/2021. (Mikhail Klimentyev, Sputnik, Kremlin Pool Photo via AP)

Tháng 12, 2021, Thủ tướng Ấn Modi và Tổng thống Nga Putin ký một loạt các thỏa thuận thương mại và vũ khí, gồm một chương trình 10 năm hợp tác quân sự và kỹ thuật cho đến 2031, theo đó Ấn Độ sẽ sản xuất 600,000  súng trường loại tấn công Kalashnikov (Kalashnikov assault rifles)13.

Ngoài thỏa thuận để cho Ấn sản xuất loại súng trường tấn công AK-203, Nga cũng tiếp tục cung cấp những hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 làm phương tiện phòng thủ chiến lược chống lại Hồi và Trung Cộng.

Bên ngoài lãnh vực quốc phòng, một công ty của Nga đang xây dựng một nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Ấn. Về mặt năng lượng, dù là nước nhập cảng dầu đứng thứ ba chỉ sau Tàu và Mỹ, Ấn Độ cũng đang dựa vào dầu và khí đốt của Nga để đẩy mạnh kinh tế của họ. Công ty dầu hỏa Rosneft của Nga đã ký hợp đồng để cung cấp cho công ty Indian Oil đến 2 triệu tấn dầu trong năm 2022.

Trong các thỏa thuận năng lượng gần đây, dự tính là sẽ tăng gấp ba lần mậu dịch hàng năm giữa hai bên để lên đến 30 tỉ USD trước 2025. Và Ấn Độ đã nhận được bảo đảm của Nga là sẽ được cung cấp  than không bị gián đoạn. 

Mỹ: Người bạn ‘mới’ cần thiết cho Ấn

Trong nhiều thập niên, New Delhi đã khoan dung với Liên Xô/Nga một cách quá đáng ngay cả trong những trường hợp rõ rệt là Liên Xô/Nga đã sai trái.  Và sự khoan dung đó chưa bao giờ được Ấn Độ đem ra áp dụng với Hoa Kỳ.

Lý do chính yếu cho sự đối xử bất công này đối với Hoa Kỳ là vì Ấn Độ vẫn đánh giá Nga như một đối tác rất đáng tin cậy của Ấn so với Hoa Kỳ.

Rõ rệt nhất là Moscow không liên minh, không võ trang cho Hồi Quốc để chống lại Ấn Độ và Liên Xô/Nga chưa bao giờ chỉ trích Ấn về những vấn đề chính trị trong nội bộ của họ. Trong khi, ngược lại, đó là những điều Hoa Kỳ đã từng làm.

Trong Chiến tranh Ấn-Hồi 1971, một cuộc chiến đẫm máu nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh Ấn-Hồi, thì Liên Xô ủng hộ Ấn Độ và Hoa Kỳ ủng hộ Hồi Quốc.

Lúc đó vì đánh giá là Liên Xô và Ấn Độ đang ở trong một liên minh không chính thức, do đó Hoa Kỳ cần đến một đồng minh thân thiết nơi Hồi Quốc để làm đối trọng với Ấn Độ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô ở vùng Nam Á.

Đứng trước sự căng thẳng giữa Ấn và Hồi, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon lo ngại rằng một cuộc xâm lăng của Ấn Độ tiến vào Hồi Quốc sẽ đồng nghĩa với việc Liên Xô thống trị hoàn toàn khu vực Nam Á, và điều này sẽ làm suy yếu trầm trọng vị thế của Hoa Kỳ trên toàn cầu14. Do vậy, Nixon hết sức yểm trợ Hồi Quốc.

Cũng như, ở vào thời điểm đó, Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger đặt trọng tâm vào việc ngăn chận sự bành trướng của Liên Xô và Hoa Kỳ cũng không ngần ngại bắt tay với Trung Cộng để kiềm chế Liên Xô15.

Trong thập niên 1970s, nhu cầu chiến lược thế giới của Washington không những không tương hợp với nhu cầu quốc gia của New Delhi mà còn gây nguy hại cho Ấn.

Việc Hoa Kỳ là đồng minh với Hồi Quốc và Trung Cộng đã tạo ra một mối đe dọa đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ của Ấn Độ. Do vậy, bằng bất cứ giá nào, chỗ dựa chiến lược của Ấn phải là siêu cường Liên Xô.

Tuy nhiên, đến thời điểm của năm 2022, thực tế địa lý chính trị thế giới đã thay đổi: Hiện nay Trung Cộng đã trở thành đối thủ chính yếu và nguy hiểm của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Trung Cộng và Hồi Quốc vẫn luôn là mối đe doạ thường trực cho Ấn Độ, nếu không muốn nói là còn gia tăng đối với trường hợp của Trung Cộng.

Theo nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù của mình là bạn của mình,” thì hiện tại, Ấn Độ rất cần Hoa Kỳ là bạn của họ. Nhất là vì chỗ dựa chiến lược của Ấn Độ là Nga hiện nay không những không còn là siêu cường mà còn càng ngày càng suy thoái.

Điều ghi bên trên không có nghĩa Mỹ sẽ nhanh chóng thay thế Nga trong vị trí của một người bạn “đáng tin cậy” của Ấn, và Nga sẽ hoàn toàn “mất giá trị” đối với Ấn. 

Trung lập: Một chọn lựa có tính toán của Ấn

Các nhà hoạch định chính sách của Ấn cũng ý thức được những rủi ro đi kèm với thế đứng trung lập của họ trong khủng hoảng Ukraine. Vì điều đó làm cho Ấn Độ dễ bị đánh giá là đồng minh với một nhà nước Nga độc tài của Putin.

Đồng thời, tư thế đó còn làm bộc lộ sự mâu thuẫn của Ấn, đến độ thành đạo đức giả,. Vì Ấn cam kết bảo vệ trật tự thế giới căn cứ theo luật (the rules-based order) tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nhưng lại im lặng trước việc Nga xâm lăng Ukraine ở Âu châu. Nhất là vào thời điểm mà các đối tác quốc tế lớn nhất của Ấn – cả về kinh tế và chiến lược – đều thống nhất trong quyết tâm trừng phạt Nga.

Không lên án Nga xâm lăng Ukraine còn khiến Ấn Độ bị xếp đồng hạng với Trung Cộng và Hồi Quốc, là những kẻ đã đối xử với Ấn tương tự như Nga với Ukraine.

Thực vậy,, cuộc chiến tranh tại Ukraine đã làm cho Ấn phải đứng trước những lựa chọn chiến lược hết sức khó khăn. Quyết định né tránh mọi chỉ trích Moscow là chọn lựa tốt nhất mà New Delhi có thể có được trong thời điểm hiện tại.

Happymon Jacob, học giả chuyên về Ngoại giao và Giải trừ Quân bị (Diplomacy and Disarmament) của Jawaharlal Nehru University, New Delhi, đã tóm tắt16:

“Một nước Nga hiếu chiến là chuyện đau đầu của Mỹ và Tây phương, không phải của Ấn Độ. Một NATO bành trướng là chuyện đau đầu của Nga, không phải của Ấn Độ. Chuyện đau đầu của Ấn Độ là Trung Hoa, và Ấn cần cả Hoa Kỳ/Tây phương và Nga để đối phó với ‘vấn đề Trung Hoa.'”

“An aggressive Russia is a problem for the US and the West, not for India. NATO’s expansion is Russia’s problem, not India’s. India’s problem is China, and it needs both the United States/the West and Russia to deal with the ‘China problem.’”

Ông Jacob cũng ghi nhận rằng khi trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu bị yếu đi, thì sự trỗi dậy của một Trung Cộng đầy tham vọng sẽ gây ra một thách thức đặc biệt chưa từng có cho Ấn Độ. Trong bối cảnh này, có Nga đứng về phía Ấn Độ là điều rất quan trọng đối với New Delhi, ông nói.

Mặt khác, qua cách nhận định của New Delhi, Hoa Kỳ bắt buộc phải mưu tìm sự hợp tác của Ấn Độ để đối phó với hiểm họa Trung Cộng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Vì thế trước sự trung lập có lợi cho Nga của Ấn, Hoa Kỳ sẽ dễ dàng tha thứ cho Ấn hơn, dù rằng đôi khi Hoa Kỳ cũng phiền trách họ về việc này.

Không chỉ trích Nga vì Ấn muốn tiếp tục duy trì mối giao hảo có lợi cho Ấn. Không ngại bị Mỹ trừng phạt sự trung lập vì Ấn biết là Mỹ cũng rất cần đến họ. Nói một cách khác, một Ấn Độ “trung lập” hưởng được lợi từ cả hai phía Mỹ và Nga.

Thuần túy nhìn từ lăng kính quyền lợi của Ấn, tại thời điểm này, New Delhi đã tính rất đúng như một bài báo của CNBC đã viết, “Ấn Độ ở trong một ‘sweet spot,’ được cả Quad (Bộ Tứ) cũng như Trung Hoa và Nga ve vãn.

Nước cờ ‘đa cực’ của Ấn Độ

Chắc chắn Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ thêm hơn với Hoa Kỳ trong việc đối trọng với Trung Cộng vì Bắc Kinh hiện là mối đe dọa đáng ngại nhất đối với của Ấn Độ.

Nhưng dù vậy, cho đến nay, New Delhi không muốn mưu tìm một liên minh với Washington để đạt được mục tiêu đó. Và họ cũng không cảm thấy thoải mái với ý tưởng Ấn Độ sẽ bị ràng buộc vào một đối tác duy nhất là Hoa Kỳ.

Là một quốc gia có tầm cỡ lớn, Ấn Độ ưa thích một trật tự quốc tế đa cực và đa dạng. Vì trong môi trường như vậy New Delhi dễ dàng làm con thoi giữa nhiều “cực” và có thể “vận dụng” những kỹ xảo chính trị của họ để khai thác những dị biệt trong những vấn đề quan trọng và đạt được lợi ích tối đa cho Ấn. Muốn làm được điều này, Ấn phải tránh bị ràng buộc quá chặt chẽ vào bất cứ “cực” nào.  

Quan niệm trên của lãnh đạo Ấn có lẽ bị ảnh hưởng từ Phong trào Phi liên kết (the Non-Aligned Movement), đứa con tinh thần của cựu Thủ tướng Ấn Jawaharlal Nehru (1889-1964). Trong Chiến Tranh Lạnh, Ấn đã dẫn đầu Phong trào này.

Nhưng từ khi chiến tranh Ukraine xẩy ra, đã có nhiều biểu hiện cho thấy trật tự của một thế giới đa cực đang thay đổi và một trật tự mới đang thành hình. 

Tại Âu châu, một số quốc gia, kể cả các quốc gia trung lập, xin gia nhập NATO.

Như thể, Âu châu đang chuyển mình để quy tụ về  hai cực: Nga và NATO.

Tại Á châu, Nga đang tích cực “team up” chặt chẽ với Trung Cộng.

Những “tái phối trí” của các quốc gia tại Âu châu nói trên hẳn sẽ làm cho Ấn cảm thấy “không thoải mái” và chắc chắn New Delhi phải nghiêm chỉnh lượng định lại tư thế trung lập của họ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Mặt khác, khi yểm trợ Moscow, New Delhi còn có ý “nhắc” Nga là không phải chỉ có Tàu là đối tác quan trọng mà còn có Ấn, và hiện nay Ấn vẫn là người bạn trung thành với Nga như bao giờ, mặc dù bị rất nhiều áp lực từ Mỹ và Tây phương.

Từ việc Nga bị suy yếu làm cho chỗ dựa của Ấn bị yếu đi, cho đến việc quan hệ Nga-Hoa ngày càng thêm khắng khít đều là những sự thể không thuận lợi cho Ấn, và có ảnh hưởng xấu đến nước cờ “đa cực” mà Ấn vẫn sử dụng quen thuộc.

Nhưng đây là tình huống nan giải mà hiện nay New Delhi không có giải pháp thích đáng nào, ngoại trừ liên tục cố gắng tỏ ra trung lập.

Theo Carnegie Endowment For International Peace:

Bởi đó, tất cả những gì Ấn Độ có thể làm hiện nay chỉ là hy vọng điều tốt nhất sẽ xẩy đến, trong khi ước mong rằng Hoa Kỳ cũng sẽ nhận thấy lợi ích lâu dài của việc không trừng phạt Nga quá mạnh đến nỗi Moscow phải rớt sâu hơn nữa trong vòng tay của Bắc Kinh – một điều mà các nhà hoạch định chính sách của Ấn tin rằng sẽ đồng thời không có lợi gì cho cả New Delhi và Washington.

[Hence, all that India can do currently is to hope for the best, while wishing that the United States too will perceive the long-term benefit of not punishing Russia so hard that Moscow moves ever more deeply into Beijing’s embrace—something Indian policymakers believe would be unhelpful to both New Delhi and Washington simultaneously.]

… Nhưng việc tiếp tục đặt quyền lợi của Ấn lên hàng đầu trước thế giới vẫn bảo đảm rằng, dù “không nhận được hoan nghênh nào về lập trường của Ấn” đối với chiến tranh Ukraine, sự trung lập không thoải mái của Ấn đối với Nga vẫn sẽ khó có thể thay đổi trong thời gian sắp tới.

[… But the enduring primacy of interests in India’s approach to the world ensures that, despite receiving “no ovation for [its] stand” on the Ukraine war, its uncomfortable neutrality toward Russia is unlikely to change any time soon.]

Theo suy nghĩ của người viết, nếu New Delhi tiếp tục hành xử theo cách “hy vọng” và “ước mong” như trong nhận định trên, thì đó là một tính toán sai lầm.

Lý do:  Những quyết định chiến lược tối quan trọng cho sự thịnh suy của một quốc gia không thể trông cậy chỉ bằng vào “hy vọng” (hope) và “ước mong” (wish).

Mà những quyết định quan trọng đó phải theo sát với tình hình thực tế, và phải dựa trên những lượng định khe khắt – với độ chính xác thật cao – về tác hại của những biến chuyển xuất phát từ những sự việc không tiên liệu trước được.

Phần việc “lượng định khe khắt” này đòi hỏi sự tận tụy, sắc bén và “tỉnh táo” làm việc, căn cứ trên sự kiện khách quan. Và đó là những phần vụ khó khăn của các giới chức tình báo, phân tích, lượng định, dự phóng và lập kế hoạch…

Người Mỹ có câu nói:  Hope for the best. Prepare for the worst.

Làm một việc quan trọng, nhất là ở vào tầm vóc quốc gia, mà chỉ “hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ xẩy ra” và không “chuẩn bị cho điều tệ hại nhất sẽ xẩy đến” thì đó chỉ có thể là phương cách làm việc theo công thức của thảm họa.

Kết

Trở lại với chiến lược trung lập của Ấn:  Không có gì bảo đảm là Nga sẽ đền bù xứng đáng được cho Ấn. Bởi vì một khi Nga kiệt quệ, thì dù có muốn, Moscow cũng không thể tiếp tục hỗ trợ cho Ấn, như New Delhi kỳ vọng.

Tệ hơn nữa, lúc đó có khi Nga sẽ không còn có được chọn lựa nào khác hơn là phải ngả sang Trung Cộng.

Việc Nga bị kiệt quệ có thể bởi vì:

  • Các biện pháp trừng phạt của Tây phương có thể kéo dài hoặc nặng nề hơn trong khi Nga vẫn đang bị mất máu nhiều trong chiến tranh Ukraine.
  • Thất bại trong chiến tranh Ukraine sẽ khiến Nga phải đối diện với: Khủng hoảng lãnh đạo. Bất ổn. Hay tệ hơn nữa là: Đảo chính. Nội loạn. Hoặc Đói…

Khả thể của một nước Nga phải dựa vào Trung Cộng là vấn đề nan giải cho New Delhi, nhất là khi Moscow và Bắc Kinh đã công bố mối quan hệ “không giới hạn” (“no limits”) ngày 04/2/2022, trước khi Nga tấn công Ukraine ngày 24/2/2022.

Được trình bày trong “Tuyên bố chung của Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Bang giao Quốc tế Tiến vào Kỷ nguyên Mới và Phát triển Bền vững Toàn cầu” (Joint Statement of the Russian Federation and the People’s Republic of China on the International Relations Entering a New Era and the Global Sustainable Development)17, mối quan hệ “không giới hạn” này sẽ đem đến cho Bắc Kinh một sức mạnh to lớn, dễ có ảnh hưởng xấu đến sự hợp tác Nga-Ấn.

Hãy tính đến trường hợp vì “không giới hạn,” Băc Kinh yêu cầu Moscow hạn chế lại sự giúp đỡ Ấn. Moscow đáp ứng bằng cách giảm thiểu hỗ trợ quân sự, và cắt bớt nguồn cung cấp xăng dầu cho Ấn Độ. Mặt khác, Bắc Kinh gia tăng võ trang cho Hồi Quốc. Là ngay lập tức New Delhi sẽ phải đối diện với chiến tranh và máu lửa.

Trường hợp tệ hại nhất: Chiến tranh bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng cùng đồng minh hai bên. Nếu hoàn toàn trung lập, Ấn Độ rất dễ bị tổn thương trước sự tranh giành của cả hai bên để họ nắm giữ ưu thế tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Lúc đó, Ấn Độ có muốn “chuyển trục” chạy sang phía Tây phương, thì cũng đã lỡ làng. Cho dù vì cần ngăn chặn Trung Cộng, Hoa Kỳ và Tây phương vẫn phải nhận Ấn là đồng minh, nhưng tiếng nói (và quyền lợi) của Ấn sẽ không còn mấy giá trị.

Trước viễn cảnh đó, nếu các nhà hoạch định chính sách của Ấn loay hoay mãi mà  vẫn không chọn được một thế đứng rõ rệt với đồng minh nào đem lại nhiều lợi nhất cho họ, thì có nhiều phần trăm là Ấn Độ sẽ trở thành nạn nhân của sự tính toán quá chi li, quá ích kỷ, và tưởng là “khôn trùm” thiên hạ của New Delhi.

Thiết tưởng cũng nên ghi nhận nơi đây là những lập luận được ghi bên trên chỉ để trình bày những khả thể tệ hại nhất một khi New Delhi vẫn tiếp tục giữ vững lập trường “trung lập” đi nước đôi của họ trong mọi tình huống.

Hiển nhiên, giới lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ không bao giờ lại muốn tự trói cứng họ vào một chọn lựa duy nhất như vậy trong khi cuộc diện địa lý chính trị thế giới đang nhanh chóng và liên tục thay đổi.

Vấn đề còn lại là liệu New Delhi có đủ uyển chuyển và quyết đoán “kịp thời” để đáp ứng được hữu hiệu trước những cuồng phong, bão tố gây ra bởi khủng hoảng thế giới và làm lay chuyển tận gốc rễ chiến lược trung lập của Ấn hay không.

Và vấn đề này, thì chỉ có thời gian mới làm sáng tỏ được.

Trần Trung Tín – Ngày 23/5/2022

Chú thích

  1. Năm (05) thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, và Tàu đều có quyền phủ quyết (veto) và 10 thành viên không thường trực: Ái Nhĩ Lan (2022, chấm dứt nhiệm kỳ), Albania (2023), Ấn Độ (2022), Ba Tây (2023), Gabon (2023), Ghana (2023), Kenya (2022), Mễ (2022), Na Uy (2022), the United Arab Emirates (2023) – theo https://www.un.org/securitycouncil/content/current-members
  2. https://www.un.org/press/en/2022/sc14808.doc.htm
  3. https://www.thehindu.com/news/international/india-abstains-in-unhrc-vote-on-establishing-independent-commission-of-inquiry-on-russia-ukraine-crisis/article65190155.ece
  4. https://news.un.org/en/story/2022/04/1115782
  5. https://carnegieendowment.org/2022/04/25/what-is-in-our-interest-india-and-ukraine-war-pub-86961
  6. https://en.wikipedia.org/wiki/India
  7. https://en.wikipedia.org/wiki/Pakistan
  8. https://en.wikipedia.org/wiki/Indo-Pakistani_wars_and_conflicts
  9. https://en.wikipedia.org/wiki/Indo-Pakistani_War_of_1971
  10. https://www.orfonline.org/wp-content/uploads/2017/05/ORF_IssueBrief_179_India-Russia_Nandan_FinalForUpload.pdf
  11. https://www.dw.com/en/ukraine-conflict-can-india-balance-ties-between-russia-and-the-west/a-60961294
  12. https://carnegieendowment.org/2022/04/25/what-is-in-our-interest-india-and-ukraine-war-pub-86961
  13. https://www.cnn.com/2021/12/06/india/india-russia-arms-deal-putin-modi-intl-hnk/index.html
  14. https://en.wikipedia.org/wiki/Indo-Pakistani_War_of_1971
  15. https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1969-76v17/d192
  16. https://www.thehindu.com/opinion/lead/the-anatomy-of-indias-ukraine-dilemma/article65090424.ece
  17. http://en.kremlin.ru/supplement/5770

6 Comments

  1. Tiến

    Bài viết và nhận định rất sâu sắc . Cám ơn tác giả TTTín .
    Thiển ý : quân sự là sức mạnh của đàm phán , ngoại giao là sự tinh tế, nhạy bén và uyển chuyển để giải quyết vấn đề .
    Trật tự thế giới sẽ còn nhiều biến chuyển mà cuộc chiến Ukraine là một ví dụ
    Chuyến đi Châu Á của TT Biden mới đây và lời tuyên bố của tướng Milley : “ Kỹ thuật sẽ thay đổi mô hình chiến tranh tương lai” là dấu hiệu báo động cho chuyển biến chiến lược của Mỹ ở Châu Á . Qua đó , Mỹ cũng gián tiếp răn đe Trung Cộng đang lăm le tạo áp lực quân sự tại TBD
    Cùng với Nhật , Nam Hàn , Đài Loan và các nước ĐNÁ . Muốn hay không , Ấn Độ sẽ phải xem lại những toàn tính chiến lược của mình . Hãy chờ xem …..!,
    Một lần nữa cám ơn bài viết của TT Tín .

    • editor

      Cảm tạ anh Tiến đã theo dõi bài viết mà thực tình tôi cũng biết là hơi dài. Nhưng chắc là chưa dài bằng những đòn phép, xoay chuyển và những bẫy ngầm mai phục của Trung Cộng. 😊 Xin cám ơn anh Tiến đã chia sẻ những ý kiến xác thực. -TTTín

  2. Tien

    Thêm một nhận xét nữa :
    Trong bối cảnh chung , qua cái nhìn về Ấn Độ , không thể không nhìn về VN , tình trạng” đu dây ngoại giao “ của giới lãnh đạo CS hiện nay sẽ hẹp dần trong “ Khung cửa hẹp “ lưỡng cực của thế giới .
    Xu hướng của thế giới tự do đang trên đà thắng lợi và mong rằng VN cuối cùng rồi sẽ đi theo hướng đó . Ước mong và hy vọng vậy !

    • editor

      Thank you, anh Tiến. -TTTín

  3. Nguyễn Lương Duyên

    Cảm ơn bạn 3T đã cho đọc một biên khảo, phân tích, nhận định hay từ tựa bài.
    Rất thích.

    • editor

      Xin cảm tạ anh Nguyễn Lương Duyên đã đọc, và thích thú nhất là lời khen cái tựa đề. Nếu chưa đọc, xin mời anh Duyên đọc bài Những Tựa Đề tại link https://gopnhatcatda.com/y-tim-loi/tuy-but/nhung-tua-de. Thân kính. -3T/Trần Trung Tín

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *