Victory has a thousand fathers, but defeat is an orphan.John F. Kennedy (1917-1963)

Cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ 2024 giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà đã diễn ra trong một cuộc “chiến” toàn diện trên mọi lãnh vực.

Riêng về lãnh vực đối ngoại, tạp chí Foreign Affairs, ra ngày 21/11/2024, đã đề cập đến phần này trong bài báo Americans Love a Tough Guy.

Đồng tác giả của bài báo là:

Xin mời quý vị theo dõi phần chuyển ngữ: “Donald J. Trump: Người Mỹ Cứng Cỏi.”

    Trần Trung Tín chuyển ngữ

    Why Trump Won on Foreign Policy—and What the Democrats Can Learn From Him

    Tại sao Trump thắng về Chiến lược Đối ngoại—và Điều gì mà Đảng Dân Chủ có thể Học được Từ Ông

    Trong suốt cuộc tranh cử tổng thống 2024, giới chức sắc về chiến lược đối ngoại (foreign policy establishment) của Hoa Kỳ hầu như đã đồng nhất công bố Donald Trump không xứng đáng trong cương vị tổng tư lệnh. Hơn 100 nhân vật đứng đầu về an ninh quốc gia của Đảng Cộng Hòa đã cùng với Đảng Dân Chủ ủng hộ Kamala Harris, lên án Trump có ước vọng trở thành độc tài là người sẽ làm đảo lộn trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ xây dựng. Ngay cả nhiều giới chức cao cấp hàng đầu của Trump—gồm hai bộ trưởng quốc phòng, hai cố vấn an ninh quốc gia và một Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân—đều cảnh cáo rằng Trump đã tạo ra một mối nguy hiểm nghiêm trọng và khẩn cấp (posed a clear and present danger) cho quyền lợi của Hoa Kỳ ở ngoại quốc và nền dân chủ trong nước.

    Nhưng nay, Trump đang quay lại Toà Bạch Ốc và có vẻ như chiến lược đối ngoại đã giúp ông đạt được điều đó. Mặc dù đối với cử tri Hoa Kỳ, vấn đề bang giao quốc tế (international relations) không quan trọng như kinh tế, nhưng dữ liệu thăm dò cho thấy các vấn đề toàn cầu thực sự đã đóng một vai trò trong kết quả bầu cử và yếu tố này đã đem đến ưu thế cho Trump. Điều này một phần là do lập trường của Trump về vấn đề di dân (immigration), vốn là vấn đề quốc tế đứng đầu trong tâm trí của cử tri một cách rõ rệt. Nhưng cũng vì Trump đã thuyết phục được giới cử tri rằng ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ—là đặc tính mà giới cử tri đánh giá cao nhất nơi một vị tổng tư lệnh. Trong khi đó, Harris đã phải vất vả trong việc giải thích làm thế nào bà sẽ đem được một sinh khí mới vào chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ tại thời điểm mà hầu hết người dân Mỹ đều nói rằng họ bất mãn với thế đứng của đất nước họ trên thế giới.

    Câu hỏi hiện nay là liệu Trump có thể thành toàn được việc thực hiện chiến lược đối ngoại để đạt được các mục tiêu mà ông đã hứa khi tranh cử hay không. Một số lời hứa, như nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Ukraine, có vẻ khó thành hiện thực. Những lời hứa khác, như đánh thuế nhập cảng ở mức hai số hạng (double-digit; thí dụ: 10%,11% … – TTT), có thể bị phản ứng ngược từ cử tri. Theo kinh nghiệm lịch sử, thì như vậy Trump sẽ dễ bị đối thủ chỉ trích nhiều về những việc này trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Nhưng để cạnh tranh một cách có hiệu quả về mặt chiến lược đối ngoại năm 2028, đảng Dân Chủ phải phát triển được một thông điệp có tính thuyết phục hơn nữa nhằm giải thích lý do tại sao họ đưa ra một viễn ảnh tốt hơn cho Hoa Kỳ trong vai trò toàn cầu.

    Sai Biệt Tác Động Đến Chiến Thắng – The Margins That Mattered

    Chiến lược đối ngoại không phải là quan tâm chính của người Mỹ vào ngày 5 tháng 11. Nhưng dựa trên những tin tức khả tín, thì có thể thấy rằng chiến lược đối ngoại đã phát sinh ra những sai biệt không đáng kể vào Ngày Bầu cử. Và trong một cuộc chạy đua khít khao tại một số tiểu bang nghiêng ngả (swing states) mà kết quả được quyết định chỉ bằng vài phần trăm điểm, thì những sai biệt không đáng kể đó đã giúp đẩy được Trump qua khỏi mức đến.

    Vấn đề quốc tế đáng kể nhất trong cuộc bầu cử 2024 là di dân, mà những năm gần đây, đảng Cộng Hòa đã đưa lên thành mối đe dọa an ninh quốc gia. Suốt chiến dịch tranh cử, Trump nói đến Hoa Kỳ như là một “quốc gia bị chiếm đóng” đang đương đầu với “cuộc xâm lăng” của những kẻ di dân bất hợp pháp. Ông hứa sẽ sử dụng quân đội Hoa Kỳ để thực hiện các cuộc trục xuất hàng loạt. Cách nói cứng rắn này đã thu hút được một phần đáng kể trong giới cử tri. Theo AP VoteCast, một cuộc thăm dò sâu rộng trong cử tri Hoa Kỳ, thì cứ khoảng năm người lại có một người nghĩ rằng di dân là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước đang trực diện, và 89% những cử tri đó bỏ phiếu cho Trump.

    Cử tri cũng nói rằng họ tin tưởng Trump trong việc thực thi chiến lược đối ngoại theo nghĩa rộng hơn. Các cuộc thăm dò toàn quốc ngay trong tháng trước Ngày Bầu cử cho thấy Trump hơn 10 điểm về câu hỏi ứng cử viên nào sẽ lo liệu vấn đề quốc phòng tốt hơn và hơn 9 điểm về ứng cử viên nào sẽ ứng phó giỏi hơn đối với chiến tranh và khủng bố. Trong phần khảo sát chung, tham dự viên được hỏi ứng cử viên nào sẽ đối phó tốt hơn với chiến lược đối ngoại ở địa bàn lớn (foreign policy writ large), thì Trump thường chiếm ưu thế, trội hơn ít nhất là 5%. Các cuộc thăm dò sau khi bầu xong cho thấy dù chiến lược đối ngoại là quan tâm chính của chỉ 4% cử tri, thì trong nhóm này Trump đã thắng với sai biệt là 57% so với 37%.

    Việc Trump nhấn mạnh ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, là người can đảm chống lại kẻ thù của Hoa Kỳ (stand up to the United States’ adversaries) giống như trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1980 của Ronald Reagan, qua đó đảng Cộng Hòa hứa sẽ mang lại “hòa bình qua sức mạnh – peace through strength.” Trump khoe rằng ông đã xây dựng lại quân đội Hoa Kỳ sau tám năm suy thoái dưới thời Obama, tuyên bố rằng việc Biden rút quân khỏi Afghanistan đã làm “sụp đổ uy tín của Mỹ” trên toàn thế giới, và lập luận rằng Moscow sẽ không dám tấn công Kyiv vào năm 2022 nếu Hoa Kỳ “có một tổng thống thực (real president)” người mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nể trọng.

    Những thông điệp này có vẻ như đã nhập tâm giới cử tri (resonate with the electorate). Chẳng hạn, vào tháng 8, khi nhân viên của Institute for Global Affairs hỏi ý kiến cử tri ở các tiểu bang chiến địa (battleground states) ứng cử viên nào có nhiều khả năng là “một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đẩy mạnh được lợi ích của Hoa Kỳ trên trường quốc tế,” thì 54% chọn Trump và 46% chọn Harris. Và sự lãnh đạo mạnh mẽ, cuối cùng, vẫn là điều người dân Mỹ xem trọng nhất khi họ cân nhắc việc các ứng cử viên tổng thống sẽ áp dụng chiến lược đối ngoại tốt như thế nào. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhân viên của chúng tôi (Friedman) cho thấy khi cử tri cảm thấy ứng cử viên nào cứng rắn hơn, thì họ thường đánh giá ứng cử viên đó phù hợp hơn trong vai trò tổng tư lệnh—ngay cả khi cử tri không đồng ý với lập trường của ứng cử viên về vấn đề cụ thể nào đó trong chiến lược đối ngoại.

    Thể hiện sức mạnh qua ngôn ngữ diều hâu (hawkish rhetoric) thường đưa đến cái giá phải trả là khiến cho ứng cử viên tổng thống có vẻ bạt mạng (reckless). Như trường hợp ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa năm 1964 Barry Goldwater đã làm nhiều người Mỹ lo sợ vì những tuyên bố cẩu thả về vũ khí hạt nhân—thí dụ, ông tuyên bố muốn “quăng một quả bom vào phòng vệ sinh nam của Điện Kremlin” và nói ông sẽ trao quyền phóng vũ khí hạt nhân cho các vị chỉ huy chiến trường. Đối thủ của ông, Tổng thống Lyndon Johnson, vin vào những ngôn ngữ đó, đã cho ra một trong những quảng cáo truyền hình nổi tiếng nhất trong lịch sử các chiến dịch tranh cử tổng thống, theo đó gợi ý rằng bầu cho Goldwater là dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Tiếp đó, Johnson đạt chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử 1964. Cũng vậy, cả hai cuộc vận động tranh cử tổng thống của Ronald Reagan đều bị liên tục chỉ trích tương tự; mặc dù Reagan đã chiến thắng cả hai, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy cử tri lo ngại về ông là “kẻ hiếu chiến.”

    Năm 2024, Trump tránh được bẫy ngầm (pitfall) này bằng cách thể hiện sức mạnh mà không tỏ ra quá thiên về sử dụng vũ lực. Ban vận động tranh cử của Trump quảng bá rằng ông là tổng thống đầu tiên kể từ Jimmy Carter không để Hoa Kỳ can dự vào một cuộc xung đột vũ trang mới—đó lại là thứ thông điệp dễ được người nghe đón nhận. Khi Institute for Global Affairs hỏi cử tri ở các tiểu bang nghiêng ngả ứng cử viên nào có nhiều khả năng sẽ gửi quân tham chiến trong một cuộc chiến tranh không cần thiết, những người trả lời đã chọn Harris hơn 6%.

    Sự thành công ngoạn mục của Trump trong việc tỏ ra vửa cứng rắn vừa hoài nghi các cuộc chiến tranh ở nước ngoài được thể hiện rõ trong dữ liệu khảo sát. Thí dụ, các cuộc khảo sát liên tục cho thấy người Mỹ nói chung nghĩ Trump giỏi hơn Harris trong việc giải quyết chiến tranh đang diễn ra ở Gaza, nơi mà ông đã thúc đẩy việc cung cấp thêm nhiều hỗ trợ đến Israel cho hoạt động quân sự của họ. Nhưng nhân viên thăm dò ý kiến ​​cũng nhận ra cử tri tin tưởng Trump hơn trong việc giải quyết chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, là nơi ông đặt nghi vấn về giá trị của quân viện của Hoa Kỳ và kêu gọi đàm phán. Tóm lại, cử tri không đồng ý với quan điểm của Trump chỉ vì họ muốn bầu một nhà lãnh đạo có quan điểm diều hâu (voters did not align with Trump just because they wanted to elect a leader with hawkish views). Thay vào đó—và dù các chuyên gia an ninh quốc gia có đưa ra những cảnh cáo ngược lại—các cử tri nói chung vẫn tin tưởng Trump sẽ làm tốt hơn trong việc quản lý những khủng hoảng trong mọi trường hợp.

    Luôn luôn là điều quan trọng khi thu nhận các dữ liệu khảo sát một cách dè dặt. Cử tri có khuynh hướng nói tốt về các ứng cử viên mà họ ưa chuộng. Điều này khiến rất khó nhận ra sự khác biệt giữa những người bị hấp dẫn bởi thông điệp về chiến lược đối ngoại của Trump và những người ủng hộ những chính sách đối ngoại của Trump chỉ vì họ thích ông về các chủ đề khác.

    Nhưng, có bằng chứng cho thấy sự chấp thuận chiến lược đối ngoại của Trump không đơn giản chỉ là sản phẩm của sự ủng hộ rộng rãi hơn dành cho ông. Con số người Mỹ nói với nhân viên thăm dò ý kiến ​​rằng họ tin Trump sẽ là một tổng tư lệnh tốt hơn luôn luôn có tỷ lệ vượt quá mức tương ứng với số phiếu phổ thông của cuộc bầu cử. Và cử tri chỉ trích Trump về vài vấn đề trong chiến lược đối ngoại trong khi họ cũng không đồng ý về những vấn đề khác—hoặc họ thích Harris hơn. Thí dụ, người Mỹ nói họ tin tưởng Trump trong việc giải quyết chiến tranh Ukraine cho dù đa số những người này ủng hộ việc quân viện cho Kyiv. Những người tham dự cuộc khảo sát có thể đã xem Trump là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn Harris, nhưng họ cũng nói rằng Harris có tính khí tốt hơn. Những người bỏ phiếu nghĩ rằng Trump sẽ giải quyết vấn đề di dân tốt hơn trong khi họ cũng cho rằng Harris sẽ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tốt hơn. Những trả lời lẫn lộn như trên không đơn thuần chỉ phản ánh sự ủng hộ đảng. Thay vào đó, dữ liệu thăm dò cho thấy Trump đạt được kết quả đặc biệt tốt về những vấn đề chiến lược đối ngoại theo cách đã giúp ông vào Ngày Bầu cử.

    Vận Xui – Tough Luck

    Đối với Harris, thua Trump về mặt chiến lược đối ngoại có thể đặc biệt nhức nhối. Vị phó tổng thống đang mãn nhiệm đã dùng những ngày cuối của chiến dịch tranh cử để đưa ra những cảnh cáo ghê gớm từ các cố vấn chiến lược đối ngoại trước đây của Trump. Nhưng những chật vật của bà, cũng như thành công của Trump, đều là những gì có thể hiểu được. Chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông đã tạo ra một cảm nhận rằng thế giới rơi vào khủng hoảng trong phiên trực của đảng Dân Chủ. Theo thăm dò của Gallup, chỉ một phần ba dân Mỹ nói họ hài lòng với vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ. Dưới những điều kiện này, không có gì ngạc nhiên khi dân Mỹ không nhìn vị phó tổng thống đang mãn nhiệm như một tổng tư lệnh sáng giá.

    Harris cũng phải chịu trách nhiệm phần nào về cảm nhận trên. Bà đã nhận được những phản ứng ngược rất đáng kể, thí dụ, vì đã khước từ việc tách ra khỏi Biden, đặc biệt là sau lần xuất hiện gây ấn tượng xấu trên truyền hình khi bà không nghĩ ra được bất kỳ lĩnh vực nào mà bà có thể lấy quyết định khác với Biden.

    Nhưng không chắc là Harris có thể đạt được nhiều lợi thế qua việc bà tạo ra được sự tương phản với Biden về chiến lược đối ngoại. Cứng rắn hơn với Israel, thí dụ vậy, có thể giúp Harris đạt thêm phiếu ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Ả Rập tại tiểu bang Michigan và của các cử tri cấp tiến trẻ trên toàn quốc. Nhưng phiếu của Michigan không quyết định được kết quả bầu cử, và chỉ có 2% giới trẻ Mỹ đánh giá chiến tranh ở Gaza là mối quan tâm chính của họ trong các cuộc khảo sát tiền bầu cử. Các cuộc thăm dò ý kiến ​​sau khi bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ cử tri nghĩ rằng sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với Israel quá yếu cũng gần bằng tỷ lệ cử tri nghĩ rằng sự ủng hộ của Biden đối với Israel quá mạnh. Một nghiên cứu yêu cầu cử tri xếp hạng những lý do bỏ phiếu chống Harris đã cho thấy “Harris quá ủng hộ Israel” là một trong những trả lời ít nhất và còn ít hơn ý tưởng cho rằng “Harris quá ủng hộ Palestine.” Vì thế, lợi thế chính trị của Harris khi rẽ sang phía tả ở Gaza bị hạn chế và rõ rệt là chẳng được lợi gì so với tổn phí phải bỏ ra.

    Có vẻ như Ukraine là một nơi mà Harris có thể tách ra khỏi các chính sách của Biden. Những thành phần diều hâu đã nhiều lần chỉ trích vị tổng thống đương nhiệm đặt ra quá nhiều hạn chế đối với viện trợ Hoa Kỳ cho Kyiv, với lập luận là Biden đã trói tay Ukraine một cách không cần thiết theo cách thế đã làm cho Washington trông yếu đuối. (Biden cuối cùng đã nhượng bộ những chỉ trích đó: chỉ một thời gian ngắn sau Ngày Bầu cử, ông cho phép Kyiv tấn công Nga bằng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp.) Harris có thể đưa đề nghị nới lỏng các hạn chế này trong cuộc vận động tranh cử, để tỏ cho thấy bà sẵn lòng chống trả các đối thủ của Hoa Kỳ. Nhưng chuyển dịch này cũng có những rủi ro của nó. Mặc dù hầu hết cử tri ủng hộ việc tiếp tục quân viện cho Ukraine, họ cũng nói rằng mục tiêu làm suy yếu Nga hoặc khôi phục lại biên giới trước chiến tranh của Ukraine thì kém quan trọng hơn việc ngăn ngừa không để xung đột leo thang. Theo chân các chính sách của Biden có thể lại một lần nữa là nước cờ chính trị hay nhất của Harris.

    Biến đổi khí hậu là một vấn đề trong chiến lược đối ngoại mà Harris chiếm ưu thế lớn nhất. Theo AP VoteCast, Harris giữ ưu thế lên đến hai số hạng (double-digit edge) về câu hỏi ứng cử viên nào sẽ có khả năng giải quyết vấn đề này tốt hơn. Nhưng chỉ có 7% cử tri nói rằng biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước phải đương đầu. Các cuộc thăm dò tiền bầu cử cho thấy rằng cử tri ở các tiểu bang nghiêng ngả (swing state) xem việc chống biến đổi khí hậu ở vào ưu tiên thấp trong khi họ cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều đó giúp giải thích tại sao vị trí nổi bật nhất mà Harris đưa ra về biến đổi khí hậu trong chiến dịch tranh cử năm 2024 lại thực sự là một vị trí ở vào thế phòng thủ, phải đi ngược lại lời cam kết trước đó của bà là cấm khai thác dầu bằng phương pháp thuỷ lực (to ban fracking).

    Vẫn có cách để cho Harris gặt hái được nhiều phần thưởng bầu cử từ lập trường về chiến lược đối ngoại của bà. Nhưng với kinh nghiệm về chiến lược đối ngoại tương đối còn ít ỏi trong tay—và chỉ có ba tháng để bà tự giới thiệu với cử tri—Harris không ở vào vị trí tốt để trình bày được hết những điều đó. Bà bị đẩy vào một hoàn cảnh khó khăn và có quá ít thời gian để xoay xở.

    Tái Phối Trí – Build Back Better

    Chiến lược đối ngoại là một đề mục ưu thắng cho Trump trong cuộc tranh cử 2024. Nhưng khi bắt tay vào việc, Trump sẽ phải đối diện với cùng một loạt các vấn đề phức tạp trong chiến lược đối ngoại đã làm Biden và Harris đau đầu. Chiến tranh ở Âu Châu và Trung Đông sẽ khiến ông khó lưu giữ được hình ảnh của người có năng lực mà ông đã xây dựng trong mùa tranh cử.

    Ukraine sẽ nhanh chóng là một thử nghiệm. Trump đã hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột, nhưng thật khó tưởng tượng ông sẽ thương lượng được một giải pháp mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tán thành. Điều này đặt Trump vào một thế khó xử. Ông có thể thú nhận rằng, thực ra, ông không sở hữu một phép mầu giải quyết được chiến tranh. Hoặc ông có thể cưỡng đặt một thỏa thuận mà Ukraine không ủng hộ. Tốt đẹp nhất, Zelensky—và nhiều đồng minh của ông tại Hoa Kỳ—sẽ lên án Trump đầu hàng Putin. Còn tệ hại nhất, Kyiv có thể bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào mà Trump đề ra và tiếp tục chiến đấu.

    Ở Trung Đông, Trump có thể sớm ghi được chiến thắng ở mặt chiến lược đối ngoại nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đạt được thoả thuận ngưng bắn ở Lebanon điều mà vị tổng thống đắc cử (president-elect) có thể nhận lấy công. Nhưng bối cảnh địa lý chính trị của khu vực đã thay đổi quá mức so với khi Trump còn tại vị trong nhiệm kỳ đầu. Việc xây dựng trên các hiệp ước bình thường hóa giữa Ả Rập-Israel mà Trump đã giúp đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông sẽ đòi hỏi việc giải quyết được bế tắc giữa Israel và Saudi Arabia về vấn đề tạo một lối thoát cho người Palestine để họ trở thành một quốc gia, vốn là điều cực kỳ khó thực hiện. Trong lúc đó, Netanyahu có thể tin rằng chiến thắng của Trump cho ông toàn quyền mở rộng chiến dịch quân sự của ông chống lại Iran và các thành phần tay sai (proxies), là điều sẽ làm hoen ố danh tiếng tự nhận của vị tổng thống đắc cử là người đem đến hòa bình (peacemaker) trong khu vực.

    Ở những mặt khác, Trump có thể thành công trong việc thực hiện chương trình nghị sự của chiến lược đối ngoại của ông để chỉ thấy điều đó gây ra phản ứng xấu về mặt chính trị. Thí dụ, sử dụng quân đội Hoa Kỳ để trục xuất người di dân sẽ không những là điều khó và gây ra tranh cãi mà còn có thể phương hại cho kinh tế. Ở thời điểm khi những con số thất nghiệp đang thấp gần đến mức kỷ lục, thì việc loại bỏ hàng triệu nhân công lương thấp ra khỏi thị trường lao động sẽ đẩy lạm phát lên cao. Lời hứa của Trump đánh thuế ở mức hai số hạng lên tất cả hàng nhập cảng khó có thể diễn ra êm thắm vì những lý do tương tự. Những cử tri đã ủng hộ Trump vì nổi giận với chi phí thực phẩm lên cao thi họ sẽ không hài lòng khi thuế nhập cảng càng làm tăng giá các mặt hàng tiêu dùng.

    Đảng Dân Chủ, do vậy, có nhiều lý do để nghĩ rằng họ sẽ ở vào một vị thế thuận lợi hơn để tranh luận về chiến lược đối ngoại trong bốn năm tới. Nhưng để tận dụng lợi thế trong lĩnh vực này, đảng Dân Chủ cần hình thành cho được một thông điệp minh bạch hơn về lý do tại sao cử tri nên đặt tin tưởng vào họ trong việc quản lý vị thế của Washington trên thế giới. Họ có thể làm như vậy, một phần, bằng cách giúp khai triển thêm tiềm năng của những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm về an ninh quốc gia, là người có khả năng thể hiện sức mạnh hoặc có thể phát biểu một cách hùng hồn về các vấn đề chiến lược đối ngoại. Trường hợp của cựu Tổng thống John F. Kennedy là một thí dụ tốt về việc đảng có thể tìm cách cất nhắc những ứng cử viên tương đối có ít kinh nghiệm về chiến lược đối ngoại. Kennedy nổi lên từ một vị trí ít người biết đến vào năm 1960 bằng cách tự mô tả ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ là người sẽ “làm nước Mỹ tái chuyển động” (“get America moving again”) trên trường quốc tế.

    Đảng Dân Chủ cũng sẽ phải dự đoán các vấn đề trong chiến lược đối ngoại sẽ trở nên đặc biệt quan trọng vào năm 2028. Tiếp tục chuyển trọng tâm chú ý sang vấn đề di dân có thể giúp vô hiệu hóa lợi thế của đảng Cộng Hòa về biên giới, nhưng không có gì bảo đảm rằng trong cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp vấn đề di dân sẽ vẫn còn giữ một vai trò quan trọng như lần này. Ngược lại, quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Hoa hầu như không được bàn luận trong mùa tranh cử 2024, nhưng vấn đề này có khả năng sẽ ở vào vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Ứng cử viên tổng thống kế tiếp của đảng Dân Chủ sẽ cần tự tin đưa ra những chỉ trích cách Trump giải quyết thách thức đó và những gì mà vị ứng cử viên của đảng Dân Chủ sẽ làm thay vào đó.

    Cả hai đảng đều phải đối diện với những thử thách chính trị to lớn trong việc giải quyết các vấn đề trong chiến lược đối ngoại trong vòng bốn năm tới. Đảng Dân Chủ cần xây dựng một chiến lược bang giao quốc tế tốt hơn trong khi đảng Cộng Hòa đã tạo ra những kỳ vọng khó có thể đáp ứng được. Nhưng mỗi bên sẽ phải tìm ra cách để vượt lên. Mặc dù khó có thể tưởng tượng rằng chiến lược đối ngoại sẽ nhanh chóng nhẩy vọt lên thành ưu tiên hàng đầu của cử tri, nhưng có đầy đủ lý do để nghĩ rằng cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp sẽ là một cuộc tranh tài khít khao khác, theo đó các ứng cử viên phải khổ công và nỗ lực tranh giành từng mỗi phiếu. Bang giao quốc tế là vấn đề đã tác động đến số phiếu bầu trong cuộc bầu cử khít khao năm 2024, và có nhiều phần là sự việc đó sẽ lại tái diễn.

    Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày27/11/2024