Thy Trang1

Ngược dòng thời gian về trước, vào lúc điện thoại bắt đầu phát triển, đã có nhiều người dự đoán là điện thoại chính yếu sẽ được dùng để nghe những buổi nhạc opera truyền về nhà.

Lúc ấy, ngoại trừ những bộ óc có khả năng dự kiến xa như của Jules Verne, người được xem như cha đẻ của bộ môn khoa học giả tưởng thời nay, không ai phác tính trước được vai trò của điện thoại sẽ như thế nào trong xã hội hiện thời, nhất là với những ứng dụng có liên quan đến điện thoại như fax, hoặc voice mail.

Một trường hợp khác nữa là radar. Thoạt kỳ thủy radar được phát minh như là một loại vũ khí nhằm phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Nhưng đến nay, radar đã trở thành dụng cụ thiết yếu không thể thiếu trong ngành hàng không.

Khi nghiệm lại những sự việc trên, và cạnh bên là những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang ra sức chạy nhanh, những nhà nghiên cứu hoặc đang đóng những vai trò quan trọng trong kỹ nghệ hiện tại cũng cho rằng khó ai có thể đưa ra được dự kiến chính xác về tương lai của những sản phẩm có tầm quan trọng và “khải thị” được trọng vẹn tiềm năng của chúng.

Xa lộ Tin liệu (Information Highway) là một trong những sản phẩm quan trọng đó.

Trong vài năm gần đây, xa lộ tin liệu đã được đề cập đến nhiều và được đánh giá là một trong những đóng góp sẽ làm thay đổi gương mặt của xã hội. Tuy vậy, cho đến nay, 1996, xa lộ tin liệu vẫn còn là một thực thể chưa trưởng thành trọn vẹn.

Hiển nhiên là trong giai đoạn đầu của tiến trình hình thành xa lộ tin liệu bằng những kỹ thuật điện tử, các thành phần có liên quan trực tiếp đến kỹ thuật vẫn là giới tiên phong sử dụng xa lộ này nhiều nhất. Nhưng thực sự, vẫn chưa có được một xác định rõ rệt là đại đa số các giới “tiêu thụ” hoặc thụ đắc tiện ích của xa lộ tin liệu rồi ra sẽ là những ai trong xã hội.

Cấu trúc căn bản giữa Internet và người sử dụng

Nhìn từ mặt cấu trúc thể chất, xa lộ tin liệu cũng có thể được xem như một hệ thống lưu thông, vận chuyển và có chức năng tương tự như các hệ thống chuyển vận khác bằng hàng không, hay lộ vận thông thường. Điểm khác biệt đáng lưu ý là giữa hai loại hệ thống xa lộ điện tử và thông thường là các “món hàng” được chuyển vận.  Với loại xa lộ thông thường thì hàng hóa được vận chuyển thường là các loại hàng cụ thể, nghĩa là có thể cân được, đếm được. Trong khi đó, trên hệ thống xa lộ tin liệu, “hàng hóa” là các loại thông tin, tin tức. Điểm nổi bật khác nữa là trên các hệ thống xa lộ điện tử này tốc độ truyền tải (hoặc nói theo ngôn ngữ quen thuộc là mức độ phân phối) các “kiện hàng” tin liệu rất nhanh.

Trong khi xét trên mặt cung ứng dịch vụ, thì xa lộ tin liệu có thể được phân thành hai khu vực chính yếu: Khu vực công cộng và khu vực tư nhân.

  1. Ở phần lợi ích công cộng, xa lộ tin liệu nhằm đến việc cung ứng các dịch vụ thuộc lãnh vực giáo dục, thành lập và xây dựng những thư khố điện tử cho các thư viện, cùng là cung ứng các dịch vụ thông tin công cộng (chỉ dẫn, thông báo…) trên xa lộ tin liệu. Trong khu vực này, về phần chính quyền các cấp (tiểu bang hoặc liên bang) họ cũng có nhu cầu sử dụng xa lộ tin liệu cho những mục tiêu chính trị của họ.
  2. Mặt khác, tại khu vực tư nhân, đủ loại các công ty đang ra sức cạnh tranh trong việc cung ứng các dịch vụ về các mặt tin tức, giải trí, phim hình cung ứng theo nhu cầu (video on demand), thông tin về mặt hối đoái (foreign exchange), tài chánh, chứng khoán (securities), khí tượng, thể thao…

Tuy nhiên, cạnh bên hai khu vực chính yếu trên xa lộ tin liệu này, nếu các cá nhân độc lập khác được trang bị những trang cụ và kiến thức cần thiết, họ đều có thể cung ứng, trao đổi các thông tin, tin tức, và ngay cả đến việc kinh doanh một cách tự do.

Với một tốc độ vận chuyển rất đáng “kinh hãi,” xa lộ tin liệu là một hệ thống thông tin có khả năng tạo ảnh hưởng nhanh đến quần chúng. Khả năng truyền tin của xa lộ này đến đại chúng là một điều dễ làm ngỡ ngàng những nhân sự vốn từ lâu bắt rễ với sinh hoạt truyền thông thông thường và còn xa lạ với truyền thông điện tử.

Điển hình là những việc đã xẩy ra trong năm vừa qua có liên quan đến microprocessor Pentium của công ty Intel và những sai sót nằm trong sản phẩm đó2. Mặc dù có biết đến sai sót này, nhưng đối với các khách hàng của họ, công ty Intel vẫn duy trì một thái độ rất “cao cả:” Im lặng là vàng!

Cho đến khi phần “sự cố” kỹ thuật đó bị một vị giáo sư đại học khám phá3, thì chỉ trong vòng một thời gian ngắn, tin này đã theo xa lộ điện tử chu lưu khắp thế giới. Chỉ vài ngày sau đó, Intel, một công ty ở đẳng cấp thế giới (world class), đã phải duyệt xét lại cung cách liên hệ với công chúng của họ (public relations). Để kịp thời ngăn chặn sự tổn hại đến uy tín, Intel, sau cùng, đã chỉ có thể tìm được giải pháp hay nhất là nhanh chóng đứng ra chính thức xin lỗi khách hàng và chấp nhận việc bồi thường người tiêu thụ.

Qua sự việc này, chúng ta đều có thể thấy: Khi có những sai phạm xảy ra và kèm theo sau đó là những che đậy khuất lấp, nếu không có một môi trường thông tin hữu hiệu, thì quyền lợi thiết thực của công chúng sẽ rất dễ bị xâm phạm và tước đoạt.

Thông tin tự do với sức luân lưu nhanh chóng rất hữu hiệu trong việc đem lại tiếng nói và sức mạnh mới cho quần chúng, điều mà trước đây họ khó có thể có được với một cường độ mạnh mẽ như vậy.

Về mặt xã hội, xa lộ tin liệu cũng sẽ tiếp thêm sinh khí cho những giá trị dân chủ. Trong kỷ nguyên tin học này, những xã hội vận hành như một “Animal Farm” của George Orwell sẽ rất khó duy trì được tình trạng kín cổng cao tường, đặt trường hợp nếu như xã hội đó được nối liền với xa lộ tin liệu.

Tương tự, những thông tin “chuẩn hóa” như: Ignorance is Strength- Freedom is Slavery – War is Peace, mà Orwell đã đề cập trong tác phẩm “1984” của ông sẽ tìm được rất nhiều dịp để thi đua với đủ loại thông tin khác, hiện diện suốt bốn mùa trên xa lộ điện tử.

Một khi thông tin được tự do lưu chuyển, sự thật sẽ không còn là những gì được ban phát bởi một độc quyền nào. Sự thật cũng sẽ không chỉ duy nhất được lưu giữ trong những thư khố, những văn bản được chính thức phát hành bởi các công ty truyền thông hay bởi nhà nước. Mà lúc đó, sự thật sẽ là những gì tạo tác được bởi chính mọi người, ở mọi phía, có tham dự từ lúc hình thành các thông tin cho đến khi hoàn tất vòng lưu chuyển chúng.

Những khối lượng thông tin đó cũng sẽ dễ dàng được tồn trữ tại các “trạm thông tin” (servers, home computers…) rải rác khắp mọi nơi, trong hoặc ngoài lãnh thổ của một quốc gia. Không riêng gì các công ty truyền thông tư nhân hoặc nhà nước mà ngay cả các cá nhân bình thường đều có thể sở hữu và tồn giữ các tin liệu này.

Với tốc độ chuyển tải càng ngày càng tăng, số đông đại chúng sẽ dễ dàng tiếp nhận được các thông tin trong một thời gian thật ngắn và gần như đồng loạt trên xa lộ này. Kết quả có thể trông thấy được là sẽ khó có thể duy trì được những độc quyền tạo tác, và chiếm giữ thông tin trong những xã hội thiết lập được những xa lộ tin liệu.

Những lưu chuyển thông tin trên các xa lộ đó dần dà cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng mới trong những tương quan của các xã hội trong các lãnh vực văn hóa và chính trị. Biên giới của chính trị có thể sẽ bị mờ đi và các trục lộ địa dư cũng như bị co dúm lại trước tốc độ. Gương mặt chung của thế giới có lẽ sẽ nhẵn nhụi hơn và đồng thời cũng sẽ bị mất đi nhiều màu sắc dị biệt. Thay vào đó có lẽ sẽ là các khuôn mẫu bị đóng khung theo một số các quy ước được đề xướng và cổ động bởi một vài xã hội có nhiều ưu thế trong lãnh vực truyền thông tin liệu.

Sự cọ sát có tính cách lấn áp cũng sẽ xảy ra giữa các quốc gia, xã hội trong lãnh vực văn hóa, và phần ưu thế sẽ nghiêng nhiều về các xã hội có năng lực thông tin mạnh mẽ. Trong các thế kỷ tới, một khi mức độ luân chuyển của thông tin, tin tức trên toàn cầu đã đạt đến mức bão hòa, biết đâu rằng giấc mộng xa xưa của John Lennon trong The Beatles lại chẳng có triển vọng thành tựu, theo đó quốc gia sẽ chẳng còn biên giới4?

Tuy vậy, cho dù ước mơ của John Lennon có sẽ trở thành hiện thực, thì trước khi đến được giai đoạn “thiên hạ đồng nhất thể,” khoảng cách biệt của giàu và nghèo  giữa các quốc gia với nhau, và giữa các cá nhân trong xã hội vẫn càng ngày càng gia tăng vì sự mất quân bình trong sự thụ đắc và không thụ đắc được các lợi thế của thông tin. Đã hẳn, dữ kiện, tin tức thì vẫn có sẵn trên xa lộ tin liệu và ai cũng có thể sử dụng. Vấn đề nằm ở chỗ trong thực tế không phải bất cứ cá nhân, hoặc xã hội nào cũng hội đủ những điều kiện căn bản để có thể khai thác được những tài nguyên đó.

Cũng gần giống như các vấn đề kinh tế, xã hội khác, sự cách biệt giữa hơn và kém, nói một cách tổng quát, có thể được quy về những khiếm khuyết nơi mặt vốn liếng, phương tiện, và tiếp đến là những kiến năng kỹ thuật cần phải có. Hai vấn đề trên không phải là nhữnng gì mới lạ, nhưng vẫn luôn là những trở ngại khó khắc phục được của những cá nhân và xã hội bị rơi lại phía sau, đặc biệt là trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Nhìn một cách bao quát hơn, các cách biệt trên có thể sẽ được thu ngắn một khi các phạm trù kinh tế và giáo dục của một quốc gia được xây dựng và phát triển theo chiều hướng đi lên; nhưng đó lại là những gì đã vượt ra khỏi phạm vi của bài viết này.

Về mặt tạo hình cho xã hội, xã hội tin liệu giữ một vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện dễ dàng để mọi người có cơ hội trực tiếp tham dự vào các sinh hoạt có ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của họ. Trong một xã hội dân chủ, sự tham gia của công chúng vào các sinh hoạt chính trị thường được thể hiện rõ rệt nhất qua những cuộc bầu phiếu mang tính ủy nhiệm. Tuy vậy, sự ủy nhiệm đó thường khi được thực hiện với rất nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên do khác nhau gây ra sự hạn chế này; trong đó, đầu tiên có lẽ phải kể đến nguyên do: thông tin không được đầy đủ.

Qua xa lộ tin liệu, không những công chúng tiếp nhận được nhanh chóng nhiều nguồn thông tin, tin tức khác nhau mà họ còn có khả năng trực tiếp bồi đáp lại những thông tin đó bằng những tiếng nói của họ để bày tỏ sự ưng thuận, phản đối hay đề nghị. Trong những trường hợp đó, quan điểm trực tiếp xuất phát từ công chúng dễ được phản ảnh một cách trung thực hơn. Sự thông tin hai chiều này sẽ góp phần tích cực trong việc dân chủ hóa xã hội.

Hiện tại, trong môi trường thông tin phổ thông, mối quan hệ giữa các trung tâm truyền thông (đài phát thanh, truyền hình, báo chí) và đại đa số quần chúng là sự tương quan giữa chủ động (viết tin, loan tin) và thụ động (đọc tin, nghe tin). Trong khi đó tại môi trường thông tin mới, đang ở chỗ thụ động nhận tin, một cá nhân độc lập vẫn có thể cùng lúc chủ động việc thông tin để trở thành người làm tin và loan tin. Thêm nữa, trong tư thế này, cá nhân độc lập đó còn có thể phân phối các thông tin mà họ sở hữu được đến các nơi khác trên một phạm vi rộng lớn hơn trong một thời gian ngắn mà, cho đến hiện tại, vẫn không phải bị tổn phí quá đáng.

Điểm đáng ghi nhận nơi đây là sự phân phối thông tin đó không cần phải qua trung gian của các cơ quan truyền thông, báo chí.

Nhìn vào thực tế, quyền được tự do phân phối thông tin, cũng như khả năng thực tế có thể thực hiện được việc phân phối đó, là những gì khá quan trọng.

Nếu có được tự do làm tin, mà không được tự do phân phối thông tin, thì những tin tức đó chỉ có thể được “tự do” lưu thông trong vòng tay của chính người làm ra tin.  Hoặc nếu có được tự do phân phối thông tin mà không có đủ tài lực để thực hiện, thì sự thông tin cũng bị giới hạn trong một phạm vi nhỏ hẹp.

Trong khi đó, đưa được sự chủ động thông tin đến trong tầm tay của công chúng, có thể nói là xa lộ tin liệu đã thực hiện được sự “tản quyền” thông tin từ các “thượng tầng” truyền thông xuống đến các “hạ tầng” công chúng. (Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là các công ty tài phiệt truyền thông, hoặc các guồng máy thông tin của chính quyền rồi sẽ bị… phá sản!)

Giá trị ẩn tàng của những thay đổi này nằm nơi sự trực tiếp thông tin. Nếu hạ tầng cấu trúc của xa lộ thông tin được kiến tạo trên một quy mô khai mở (open), không tập trung, và chấp nhận tính đa dạng, và cũng nếu chỉ nói riêng đến sự tham dự trực tiếp của mọi thành viên trong xã hội vào những sinh hoạt đáng quan tâm không thôi, thì điều đó cũng đã có thể tạo ra một động năng rất đáng kể có thể làm thay đổi xã hội trong nhiều lãnh vực như văn hóa, kinh tế, thương mại, giáo dục…

Cũng giống như những tiện nghi văn minh khác, xa lộ thông tin dần dà sẽ trở thành một nhu cầu khó thể gạt ra ngoài đời sống, nhất là tại những quốc gia phát triển hoặc muốn phát triển. Tuy nhiên, xa lộ tin liệu sẽ không phải là con đường dẫn lên thiên đàng như một Highway to Heaven. Dù hiện còn đang trong thời điểm mở đầu, trên xa lộ này cũng đã có nhiều lối ra dẫn xuống những nơi chốn lưu hành nhiều thông tin không thích hợp, và có khi là những thông tin trụy lạc rất có hại và nguy hiểm cho các thiếu niên, thiếu nhi. Đây là một vấn đề mà các bậc phụ huynh bắt buộc phải hết sức quan tâm và thường xuyên kiểm soát không để cho các em lai vãng đến những khu vực đó.

Ở mặt tiêu cực khác, việc truyền bá những thông tin cực đoan, cổ xúy cho những tư tưởng như Quốc xã, da trắng độc tôn (white supremacy), bài xích người thiểu số, bài xích tôn giáo… cũng đang là những vấn đề xã hội mà các quốc gia sẽ phải cập nhật lại các điều luật để kịp ứng xử với những thay đổi phát sinh từ những kỹ thuật mới.

Những vấn đề như vậy không hoàn toàn còn nằm trong giới hạn của phạm vi lãnh thổ của một quốc gia. Thời gian vừa qua, những cơ quan hữu quyền tại Đức đã phải “phong tỏa” (block) không cho công dân của họ lên được tuyến đường nối vào một trạm thông tin điện tử có vị trí tại California, Hoa Kỳ vì nơi đây lưu giữ những thông tin về Quốc xã mà luật pháp đương thời của Đức không cho phép phổ biến.

Nhưng những sự ngăn cấm như vậy cũng lại đưa đến những vấn đề tế nhị khác có liên quan đến tự do ngôn luận, tự do thông tin.

Để bày tỏ sự phản đối việc vi phạm những quyền này, đã có những cá nhân khác tự nguyện giúp đỡ việc lưu giữ các thông tin cực đoan đó lại một số trạm thông tin khác. Mặc dù là bản thân những người tự nguyện đó, có người cũng không đồng ý với nội dung của các thông tin đó. Chống lại việc kiểm duyệt (censorship) cũng là điều liên quan đến những quan tâm tương tự.

Qua xa lộ tin liệu, tin tức càng ngày càng tràn ngập. Thụ nhận tin tức không đơn giản chỉ là đọc và nhớ, vì tin tức (information) rất khác với dữ kiện (data). Để nói lên sự quan trọng của nội dung tin tức, chữ nghĩa, nhiều người vẫn thường đưa ra lời khuyên: “Người quân tử phải vỗ tay bẩy lần trước khi viết.”

Tuy vậy, lời khuyên này lại thường được áp dụng một cách máy móc. Sự thận trọng, mà lời khuyên hàm ý đề nghị, có khi lại chỉ được áp dụng duy nhất vào một giai đoạn: trước khi viết; và không được khai triển thêm sang các giai đoạn đang viết và viết xong phối kiểm lại. Thành thử đối với những thông tinh như vậy, ‘chữ’‘nghĩa’ thường được dàn trải và phối hợp theo cung cách rất là gợi ý: Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau!

Như đã đề cập bên trên, thông tin trên xa lộ điện tử là một thông tin tự do và trực tiếp; vì vậy việc gạn lọc và thẩm định nội dung của các thông tin đó hoàn toàn là công việc mà người nhận tin phải tự thực hiện.

Khi đề cập đến những vấn đề như vậy trên xa lộ tin liệu, giới báo chí kỹ thuật của Hoa Kỳ cũng thường nêu ra lưu ý: Don’t just “process” data. Và đó cũng là điều làm cho đời sống của mọi người vốn đã bận rộn và phức tạp lại càng thêm phức tạp và bận rộn.

Sự việc gì hiển nhiên cũng đều có mặt phải và mặt trái của nó. Trong đời sống hàng ngày, con dao rất hữu dụng cho mọi người, nhưng con dao cũng có thể gây nguy hại cho người dùng nó. Xa lộ tin liệu cũng không là một ngoại lệ. Tuy vậy, những hiểm nguy trên xa lộ điện tử chắc cũng không nhiều hơn những nguy hiểm vẫn thường xảy ra chung quanh chúng ta.

Xa lô tin liệu rõ ràng là có tạo ra thêm nhiều thay đổi trong xã hội. Xa lộ Tin liệu? Xấu? Tốt? Thiết thực? Thời thượng?

Cũng khó có thể tìm được câu trả lời thích đáng cho mọi nghi vấn. Có điều khá chắc chắn là xa lộ tin liệu đang trở thành một thực tế của đời sống, ít ra cũng là đời sống tại các nước phát triển, trong thời điểm hiện tại.

                                                           Thy Trang – Sunnyvale, CA – Tháng 6, 1996



Chú thích

  1. Nguyên thủy, bài viết này được hoàn tất vào tháng 6, 1996 với tựa đề ‘Xa Lộ Tin Liệu (Information Highway)’. Khi đó, Google và Facebook đều chưa ra đời.

    • Google được thành lập ngày 4/9/1998, tại Menlo Park, CA. Ra IPO (initial public stock offering; ngày đầu tiên buôn bán chứng khoán cho công chúng) ngày 29/4/2004. 
    • Facebook được thành lập vào tháng 2, 2004. Ra IPO ngày 18/5/2012.

    Cập nhật ngày 01/02/2021: Điều chỉnh tựa đề cho phù hợp với thời điểm bài được viết. Cung cấp chú thích dùng wiki page để dễ kiểm chứng. Thêm hình ảnh minh họa.

  2. Pentium FDIV bug: is a hardware bug affecting the floating point unit (FPU) of the early Intel Pentium processors. Because of the bug, the processor might return incorrect binary floating point results when dividing a number.
  3. The Pentium FDIV bug was discovered in 1994 by Professor Thomas R. Nicely at Lynchburg College.
  4. Bản nhạc Imagine, John Lennon, 1971: Imagine there’s no heaven … Imagine there’s no countries. It isn’t hard to do. Nothing to kill or die for. And no religion to. Imagine all the people. Living life in peace. You, you may say. I’m a dreamer, but I’m not the only one. I hope some day you’ll join us. And the world will be as one. …