Cuối tháng 6/2022, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ công bố nhiều phán quyết quan trọng ảnh hưởng đến nền tảng của luật pháp và thay đổi sâu rộng đến xã hội, chẳng hạn như phán quyết chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ được luật pháp của chính quyền liên bang Hoa Kỳ bảo vệ trong gần 50 năm qua (để cho tiểu bang quyền quyết định), thu hẹp lại những giới hạn về quyền sở hữu súng...

Trong cố gắng tìm hiểu những thay đổi quan trọng này, xin giới thiệu đến quý vị phần chuyển ngữ của bài nhận định về một số phán quyết nói trên: Why Liberal Justices Need to Start Thinking Like Conservatives, đã đăng trên tạp chí Time ngày 30/6/2022.

Ông Akhil Reed Amar, tác giả bài nhận định, là một học giả Hoa Kỳ nổi tiếng về luật hiến pháp. Ông là Sterling Professor của Law and Political Science at Yale University.

Học trò của ông có nhiều người đã thành danh, trong đó có: John Yoo (Cộng Hòa, Deputy Assistant Attorney General, thời TT Bush 43), Chris Coons (Dân Chủ, Thượng Nghị Sĩ của Delaware từ 2010), Jake Sullivan (Dân Chủ, Cố vấn An ninh Quốc gia, thời TT Biden), Cory Booker (Dân Chủ, Thượng Nghị Sĩ của New Jersey từ 2013), Josh Hawley (Cộng Hòa, Thượng Nghị Sĩ của Missouri từ 2019), Alex Azar (Cộng Hòa, Bộ Trưởng của Health and Human Services thời TT Trump, 2018-2021).


Trần Trung Tín chuyển ngữ

Khi Tối cao Pháp viện công bố quyết định lúc gần cuối kỳ họp trong tuần qua, nước Mỹ rung chuyển như bị động đất hiến pháp, một chấn động to lớn gây ra bởi sự chuyển đổi sâu xa trong nền tảng luật học của Mỹ.

Hôm thứ Hai, Chánh Thẩm phán (Chief Justice) John Roberts, viết cho tất cả sáu vị thẩm phán do Cộng Hòa bổ nhiệm, đã phán quyết rằng các trường học tôn giáo phải nhận được sự đối xử bình đẳng trong bất kỳ hệ thống nào do tiểu bang tạo ra để cấp phiếu tài trợ cho việc chọn trường của học sinh (school voucher system)1. Hôm thứ Tư, Thẩm phán Clarence Thomas, cũng viết cho sáu vị trên, đã quật ngã những nỗ lực của New York nhằm giới hạn việc không cho mang súng được giấu kín tại nơi công cộng. Rồi thứ Sáu, Thẩm phán Samuel Alito, viết chung cho năm vị (tất cả do Cộng Hòa bổ nhiệm ngoại trừ Chánh Thẩm phán Roberts) đã loại bỏ luật phá thai (abortion jurisprudence) có từ nửa thế kỷ và công khai bác bỏ những vụ kiện mang tính cách lịch sử (landmark cases) Roe v. Wade (1973) và Planned Parenthood v. Casey (2012). Tối cao Pháp viện này đang làm chuyện lạ đời gì thế?

Trong chỉ một chữ: Originalism – Trường phái nguyên thủy. Trường phái này diễn dịch hiến pháp theo đúng lý thuyết uyên thâm và nguyên tắc của hiến pháp, mà cả những người có quan điểm tự do (liberals) và bảo thủ (conservatives) đều áp dụng được. Trường phái nguyên thủy đặt ưu tiên vào văn bản của Hiến pháp và lịch sử nguyên thủy hơn là vào án lệ dù được xem như đã “ổn định” (seemingly “settled” precedent). Và sau nhiều thập niên trôi nổi của học thuyết tại tòa án cao nhất của Mỹ, trường phái nguyên thủy hiện nay rõ ràng đang ở thế thượng phong.

Ba ý kiến mới có tầm vóc lớn xuất phát từ ba vị Thẩm phán có thâm niên cao nhất do Cộng Hòa bổ nhiệm (Republican appointees), với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các đồng nghiệp ít thâm niên hơn là Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và Amy Coney Barrett, tất cả đều tự mô tả là những người theo trường phái nguyên thủy (originalists) được chăm sóc từ thời còn trẻ trong vòng tay của tổ chức Federalist Society—chú trọng sự diễn dịch hiến pháp vào văn bản nguyên thủy (originalism-focused). Trong cả ba phán quyết trên, những người Dân Chủ cựu trào (old guard Democrats) của Tòa—Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan—đều mạnh mẽ lên tiếng bày tỏ sự bất đồng quan điểm. Trong cả ba trường hợp, Tòa đều bác bỏ các học thuyết (doctrines) xem như đã vững chãi trước đó cả thế hệ.

Nước Mỹ đã ở vị trí này ít nhất là ba lần trước đây—năm 1937, 1954 và 1963. Tại mỗi ngã rẽ quan trọng này, sự đổi mới nhân sự nơi Tối cao Pháp viện đã đem đến những thay đổi lớn. Mỗi cuộc cách mạng trước đó đều lật ngược các phán quyết lịch sử mà có lần được xem như đã là một án lệ ổn định (settled precedent), khi Tòa mới kết án các phán quyết cũ như là những diễn dịch sai lạc nghiêm trọng về văn bản hiến pháp và lịch sử. Nhưng cả ba phán quyết cách mạng trước đó đều can dự đến những người có quan điểm tự do theo trường phái nguyên thủy (liberal originalism), mà không phải là bảo thủ. Và trong lịch sử đó có sẵn con đường tiến tới dành cho các luật gia có quan điểm tự do (liberal jurists) ngày nay—nếu họ có thể tự đến được đó để thấy con đường này.

Năm 1937, như trong phán quyết phá thai vào tuần trước trong vụ kiện Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization (Dobbs với Dưỡng đường Jackson Women’s Health Organization), Tòa với các thành viên mới đã xóa bỏ các quyền được mặc nhiên xem là hiến định (putative constitutional rights) bắt nguồn từ án lệ có từ nửa thế kỷ. Ở thời điểm đó, những gì được xem là quyền can dự đến tài sản riêng của giới đàn ông quyền lực (the supposed rights involved powerful men’s private property); nhưng trong vụ kiện Dobbs (2021), cái quyền đang bị tranh tụng hệ lụy đến đời sống riêng tư của giới phụ nữ ít quyền lực hơn (the contested right implicated less powerful women’s private lives). Trong cả hai trường hợp, các tân thẩm phán trong Tối cao Pháp Viện đều nói rằng những gì được xem là quyền mà đang có nghi vấn (the supposed rights in question)—cho dù đó là việc buộc phải thực thi các hợp đồng khắc nghiệt hay chấm dứt việc mang thai—đều thiếu nền móng vững chắc trong văn bản của Hiến pháp và sự hiểu biết nguyên thủy ở ngay tại thời điểm Hiến pháp được thông qua (lacked solid foundations in the Constitution’s text and original understanding). Năm 1937, trật tự pháp lý cũ được tiêu biểu qua vụ kiện Lochner v. New York (1905), theo đó Tối cao Pháp Viện đã hủy bỏ luật lao động rất hợp lý về số lượng giờ tối đa được làm, xem đó như là một vi phạm quyền của chủ xưởng may để cứng rắn thương lượng với nhân công của ông ta. Vụ kiện Lochner và các vụ kiện khác tương tự đã đem ra sử dụng một học thuyết mơ hồ (deployed a dubious doctrine), được biết trong giới luật sư như là “quy trình tố tụng vững chắc” (“substantive due process”), đã cho các thẩm phán một quyền hạn rộng lớn để bỏ qua các luật mà họ không thích dựa trên cơ sở của các chính sách vững chắc (to ignore laws they simply didn’t like on substantive policy grounds). Các tân thẩm phán đã quan sát đúng khái niệm vô cấu trúc và phản văn bản này với sự nghi ngờ to lớn (The new blood rightly viewed this amorphous and anti-textual concept with great suspicion). Vụ kiện Roe đã vô tình làm sống lại ý tưởng “quy trình tố tụng vững chắc” (“substantive due process”) trong bối cảnh của quyền sinh sản của phụ nữ, và các thẩm phán mới nhậm chức tại Tối cao Pháp Viện hiện nay đã phản ứng giống như các thẩm phán mới nhậm chức tại Tối cao Pháp Viện vào những năm cuối thập niên 1930s, bằng cách lớn tiếng nặng nề chỉ trích dạng thể vô cấu trúc này (by loudly denouncing this amorphous blob). Vì vậy, án lệ Roe hiện nay đã trở thành một vụ tân Lochner.

Năm 1954, vụ kiện Brown v. Board of Education (Brown với Ủy ban Giáo dục) cũng nói rằng vụ kiện cũ trở thành án lệ đã sai lầm nghiêm trọng; lần này vụ kiện cũ là Plessy v. Ferguson (1896). Một lần nữa, trường phái nguyên thủy đưa ra sự biện minh hay nhất cho việc lật ngược lại học thuyết của Tòa, dù Chánh Thẩm phán khi đó là Earl Warren trong phần ý kiến ​​đã lặng im không đề cập đến sự kiện này, mà điều này chỉ trở nên rõ ràng khi duyệt lại. Ông Brown đã đúng vì một lý do đơn giản là văn bản và lịch sử của Tu chính Án thứ Mười Bốn hứa hẹn sự bình đẳng về chủng tộc, và Jim Crow thì không thực sự bình đẳng. Trong vụ kiện về trường học vào tuần trước, Carson v. Makin (Carson với Makin), đương kim Chánh Thẩm phán đã khéo léo làm theo người tiền nhiệm của ông trong thập niên 1950s bằng cách một lần nữa công bố ý tưởng về bình đẳng giáo dục (educational equality)—lần này là quyền bình đẳng của các cha mẹ tin theo tôn giáo và các trường học của tôn giáo. Cũng như Chánh Thẩm phán Warren đã làm trong vụ kiện Brown, Chánh Thẩm phán Roberts trong vụ Carson đã lặng im không đề cập đến một vài bằng chứng nguyên thủy tốt nhất hỗ trợ cho phán quyết của ông, nhưng điều căn bản then chốt là ông nhấn mạnh: Nếu một tư thục thế tục nhận được phiếu trả tiền đi học (voucher), thì một tư thục tôn giáo, giống y hệt ở mọi khía cạnh khác, cũng phải nhận được phiếu trả tiền đi học như vậy. Những gì trong năm 1954 là bình đẳng chủng tộc trong giáo dục, thì năm 2022 là bình đẳng tôn giáo trong giáo dục. (What 1954 was for race equality in education, 2022 is for religious equality in education.) Vụ Carson là vụ tân Brown.

Sau cùng, vào năm 1963, dưới thời Chánh Thẩm phán Warren, Tối cao Pháp viện chuyển sang hoạt động với cường độ mạnh mẽ hơn sau khi Thẩm phán Felix Frankfurter về hưu sau cơn đột quỵ. Hiện nay, dưới thời Chánh Thẩm phán Roberts, Tối cao Pháp viện chuyển sang hoạt động với cường độ mạnh mẽ hơn sau cái chết của bà Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg2. Bắt đầu từ 1963, dưới thời Chánh Thẩm phán Warren, Tối cao Pháp viện đã nới rộng một cách rất đáng kể các quyền theo Tu chính Án thứ Nhất, thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu—liên quan đến quyền phát biểu, quyền khám xét và thu giữ (tang vật), và quyền được xét xử công bằng, cùng những thứ khác. Trong tuần qua, qua vụ kiện về súng, New York Rifle v. Bruen, (New York Rifle kiện Bruen), dưới thời Chánh Thẩm phán Roberts, Tối cao Pháp viện cũng đã nới rộng một cách rất đáng kể các quyền theo Tu chính Án thứ Hai, liên quan đến quyền được giữ và mang vũ khí, được diễn giải rộng rãi. Vụ kiện Bruen là vụ tân Gideon (1963), tân Miranda (1966).

Trong sự nhìn lại, kiến trúc sư đứng đầu những cuộc cách mạng tư pháp vào năm 1937, 1954 và 1963 là một người có quan điểm tự do theo trường phái nguyên thủy (liberal originalist) đã đứng như Martin Luther trên nền tảng vững chãi của văn bản hiến pháp và lịch sử. Vị luật gia này đã điều khiển Tối cao Pháp viện để loại bỏ hết án lệ này đến án lệ khác bởi vì, ông nhấn mạnh, các quyết định cũ đã sai lầm nghiêm trọng ngay trên cơ sở nguyên thủy. (This jurist led the Court to discard precedent after precedent because, he insisted, the old decisions were egregiously wrong on originalist grounds.)

https://en.wikipedia.org/wiki/Originalism

Nhà tư pháp theo trường phái nguyên thủy quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, theo đó, không phải là người bảo thủ—không phải Robert Bork, không phải Antonin Scalia, không phải Clarence Thomas, không phải Samuel Alito. Mà đó là Hugo Black, người đầu tiên được Franklin Roosevelt bổ nhiệm (1937), ông đã trở thành động lực lèo lái trí tuệ của Tối cao Pháp viện thời Chánh Thẩm phán Warren từ 1953 đến 1969 và đã rời Tối cao Pháp viện sau đó. Thẩm phán Black đã xuất sắc hiểu rõ sức mạnh pháp lý, chính trị và thuyết phục (rhetorical power) của văn bản và lịch sử của Hiến pháp. Ông biết cách ca tụng những nguyên thủy (tại thời điểm Hiến pháp được thông qua) của Mỹ và những tu chính. Văn bản và nền tảng lịch sử của Hiến pháp đã thực sự đưa ra những bảo vệ mạnh mẽ cho sự phát biểu chính trị của các nhà chỉ trích chính quyền (“Quốc hội sẽ không làm ra luật hạn chế tự do ngôn luận hoặc báo chí”) (“Congress shall make no law abridging the freedom of speech, or of the press”); quyền bỏ phiếu (một văn bản được lập đi lập lại nhiều lần trong các Tu chính thời hậu-Lập quốc); và những phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn cúa và cho dân thường (jury trials of and for ordinary folk). Thẩm phán Black nhấn mạnh rằng những quyền này và vô số các quyền hiến định khác mang ý nghĩa như những gì chúng đã nói và rằng các quan tòa phải mạnh mẽ thực thi. (Black insisted that these and countless other constitutional rights meant what they said, and that judges had to enforce them robustly.)

Dù có ý thức hay không, những người bảo thủ của tổ chức Federalist Society ngày nay đang xây dựng (nhân sự của họ) theo khuôn mẫu của vị thẩm phán tối cao đầu tiên và xuất sắc nhất đã được Franklin Roosevelt chọn. Theo thói quen, hầu hết các nơi đều đề cập đến ba tân Thẩm phán thuộc Cộng Hòa—Gorsuch, Kavanaugh và Barrett—là những người được Trump bổ nhiệm, nhưng thực ra họ là những người được tổ chức Federalist Society bổ nhiệm, được chuẩn bị và xét nghiệm kỹ lưỡng bởi tổ chức cực kỳ có ảnh hưởng này. Bản thân Trump chẳng biết gì về luật pháp và thực sự là tổng thống vô luật nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đối với ông ta, luật pháp chỉ đơn giản là một chướng ngại vật hay hoặc là một vũ khí. (Trump himself knows nothing about law and was indeed the most lawless president in American history. To him, law is simply an obstacle or a weapon.) Nhưng hầu hết các luật sư và thẩm phán giỏi đều xem luật như một kim chỉ nam, một ống kính, một dụng cụ, một công cụ cho công lý và cộng đồng. Tổ chức Federalist Society là một phần của truyền thống pháp luật to lớn này và đã từ lâu tổ chức này vẫn quán quân trong việc cổ võ cho trường phái nguyên thủy như là một cách tốt nhất để các thẩm phán và những người khác thực thi luật hiến pháp.

Trong khi đó, những người có quan điểm tự do trong Tối cao Pháp viện đang né tránh trường phái nguyên thủy và họ đang thua nặng (the Court’s liberals are eschewing originalism, and they are losing badly). Họ đang đặt ưu tiên không phải trên văn bản hiến pháp, không phải trên lịch sử cận đại của hiến pháp, mà là trên án lệ đang hiện hữu của Tối cao Pháp viện (existing Supreme Court precedent).

Nhưng lập luận thuần túy dựa trên án lệ là điều lầm lạc (misguided). Ngay từ ban đầu, mỗi thẩm phán của Tối cao Pháp viện đều tuyên thệ tuân theo Hiến pháp, chứ không tuân theo luật của Tối cao Pháp viện (Court’s caselaw). Và văn bản của Hiến pháp đã ghi rất minh bạch: Hiến pháp, không phải án lệ tư pháp (judicial precedent), là “luật tối thượng của đất nước” (“the supreme law of the land”)—không nếu (ifs), không và (ands), không nhưng (buts). Hơn nữa, án lệ tự nó cho phép sự (diễn dịch) lệch lạc từ án lệ khác vốn đã sai lầm nghiêm trọng. Đó là bài học của những năm 1937, 1954, và 1963—những án lệ căn cứ theo án lệ trước, có thể nói như vậy. Một người bất đồng quan điểm hiển nhiên có thể viện dẫn án lệ, nhưng tuổi thọ của một quan điểm bất đồng chỉ thuần túy dựa trên án lệ sẽ còn ngắn hơn tuổi thọ của một búp xà lách được bầy bán trên quầy. Một khi đa số Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết, thì phán quyết đó tự nó trở thành một án lệ mới, và một người bất đồng chính kiến luôn ​​tôn thờ án lệ (a precedent-worshipping dissenter) thì bây giờ lại phải thay đổi quan điểm của họ trong vụ xử kế tiếp. Nhưng một người bất đồng chính kiến mà theo trường phái nguyên thủy thì không cần xếp lại lều chõng của họ (need not fold her tent). Văn bản của Hiến pháp nói đúng như điều nó nói và lịch sử mang ý nghĩa của điều nó có ý nghĩa ngày hôm nay, ngày mai và mãi mãi. (The text says what it says and the history means what it means today, tomorrow, and forever.) Hầu hết những thành tựu to lớn nhất của Thẩm phán Black ở vào cuối sự nghiệp tư pháp của ông đều bắt đầu từ những bất đồng quan điểm trong những ngày đầu trong sự nghiệp của ông.

Trong tuần qua, khi cố gắng đưa ra các lập luận trên căn bản của văn bản hiến pháp và lịch sử, thì những người có quan điểm tự do (liberals) thường vụng về (stumbled). Thí dụ, trong vụ kiện Dobbs, họ lập đi lập lại và say mê viện dẫn “quyền tự do” của phụ nữ. Nhưng văn bản của Hiến pháp bảo vệ “quyền tự do” bằng một điều khoản trong đó có cam kết về các thủ tục tố tụng công bằng chẳng hạn như các thẩm phán và bồi thẩm đoàn không thiên vị—”due process” (“thủ tục pháp lý”)—và chỉ có vậy. Về mặt văn bản và lịch sử, trong khả năng đó, đây không phải là Điều khoản Tự do (Liberty Clause). Cũng không phải là Điều khoản Tài sản (Property Clause), cho dù Lochner có những nỗ lực quá sức để làm cho nó thành như vậy. Nói cho đúng hơn, phần văn bản đó đúng y hệt như những gì nó nói—là một Điều khoản Thủ tục Pháp lý theo quy trình (a procedural Due Process Clause). Một luật gia quá uyên thâm về án lệ tư pháp phức tạp khó có thể nhìn thấy ngay cả điểm căn bản này, nhưng đó là điều hết sức rõ ràng đối với một người theo trường phái nguyên thủy thực sự (true originalist), vốn là một kẻ bắt đầu bằng cách tập trung như tia laser vào chính dòng chữ ngắn gọn: “Không có bất kỳ nhà nước nào được tước đoạt mạng sống, sự tự do, hoặc tài sản của bất kỳ người nào mà không qua thủ tục pháp lý của luật pháp.” (“Nor shall any state deprive any person of life, liberty, or property without due process of law.”)

Trong vụ kiện Carson, Thẩm phán Sotomayor đã bày tỏ sự bất đồng quan điểm của bà bằng cách viện dẫn ra “bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và nhà nước mà những Vị Lập Quốc đã chiến đấu để xây dựng.” (“the wall of separation between church and state that the Framers fought to build.”) Đây là một luận cứ nghe đáng yêu nhưng lại là một phân tích cẩu thả (lovely rhetoric but sloppy analysis). Một ẩn dụ với “bức tường ngăn cách” là điều không có trong Hiến pháp và các học giả hiến pháp giỏi nhất của chúng ta đã chứng minh rằng Thiết Lập lịch sử của nhà thờ và nhà nước là điều phức tạp hơn nhiều so với điều mà ẩn dụ đơn giản này đã gợi ý. Quan trọng hơn tất cả, là vụ kiện Carson liên quan đến một tiểu bang—Maine—và không phải chính quyền liên bang. Do đó, tu chính án chính yếu ở đây không phải là Tu Chính án thứ Nhất, trong đó rõ ràng nói về “Quốc hội” và được thông qua năm 1791, nhưng là Tu Chính án thứ Mười Bốn, nhằm giới hạn (quyền lực của) các chính quyền “tiểu bang” và được phê chuẩn năm 1868. Tu chính án đó không nói gì về sự “thành lập” tôn giáo như thế, nhưng rõ ràng nhấn mạnh đến tình trạng “bình đẳng” của các chủng tộc và tôn giáo khác nhau. Thẩm phán Sotomayor thậm chí còn không nhìn vào đúng thế kỷ hoặc đúng văn bản! Trong vụ Bruen, vụ kiện về việc kiểm soát súng ở New York, ý kiến đầy tham vọng theo trường phái nguyên thủy của Thẩm phán Thomas cho Tối cao Pháp viện đã đặc biệt làm nổi bật lên sự khác biệt có thể có giữa sự hiểu biết về quyền của người Mỹ vào năm 1791 và 1868, nhưng Thẩm phán Sotomayor và những người đồng sự cùng bất đồng chính kiến như bà trong vụ kiện Carson đã hoàn toàn bỏ sót bản ghi nhớ đó. (yet Sotomayor and her fellow dissenters in Carson completely missed the memo.)

Những người có quan điểm tự do trong vụ Dobbs (Dobbs liberals) cằn nhằn (grumbled) rằng trường phái nguyên thủy (originalism) dành ưu quyền (privileges) cho lịch sử của đàn ông da trắng từ rất lâu trước đây. Nhưng chắc chắn văn bản của Hiến pháp có ràng buộc chúng ta, hay không? Và làm thế nào mà các thẩm phán có thể trung thực thực thi văn bản mà không tối thiểu cần chú ý đến bối cảnh ban hành của nó và cân nhắc những lý do tại sao người Mỹ trong những năm đã qua đó lại đưa một số từ ngữ nhất định vào văn bản? Trong các buổi điều trần của bà trước Thượng Viện vào năm 2010, Thẩm phán có quan điểm tự do Elena Kagan đã nói rõ rằng, “tất cả chúng ta đều là những người thuộc trường phái nguyên thủy.” (“we are all originalists.”)

Như Thẩm phán Black đã xuất sắc cho thấy trong suốt sự nghiệp của ông, vẫn có những lập luận có khả năng thuyết phục, theo quan điểm của trường phái nguyên thủy, được đưa ra và đạt được những thành quả cho quan điểm tự do (liberal outcomes). Và một số người có quan điểm tự do thuộc trường phái nguyên thủy (liberal originalists) hiện nay làm việc trong các trường luật đang đưa ra những lập luận như thế. Thí dụ, họ đã nhấn mạnh vào sự thích đáng của Tu Chính án thứ Mười Ba đối với cuộc tranh luận phá thai. Những phụ nữ nô lệ đã bị bắt buộc phải sinh sản trái với ý muốn của họ và những luật phá thai đương thời, cũng tương tự, đang bắt buộc những người phụ nữ không muốn mà vẫn phải làm chuyện, theo đúng nghĩa đen, cưỡng bức lao động. (Enslaved women were forced to reproduce against their will and modern abortion laws are likewise conscripting unwilling women into, quite literallyforced labor.)

Có nhiều phản luận hợp lý đối với điều này và những ý tưởng khác theo quan điểm tự do trong trường phái nguyên thủy; nhưng trừ khi những người có quan điểm tự do trong Tối cao Pháp viện học (hoặc học lại) cách thực thi nguyên thủy (how to do originalism), còn không thì họ sẽ còn thua nhiều vụ kiện mà họ có thể thắng. Có thể những người bảo thủ theo trường phái nguyên thủy trong Tối cao Pháp viện sẽ đánh bạt đi những ý tưởng rất thuyết phục của những người có quan điểm tự do theo trường phái nguyên thủy, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự việc này trừ khi những người có quan điểm tự do trong Tòa đem những ý tưởng này ra thực hiện. Ngay cả khi những lập luận theo quan điểm tự do trong trường phái nguyên thủy không thành công ngay lập tức, thì chúng vẫn sẽ để lại dấu vết của sự bất đồng ý kiến mà đó sẽ như một lộc trời (godsend) cho các luật gia tương lai, không như những bất đồng ý kiến dựa trên án lệ chỉ tốt trong mỗi một ngày.

Trong hiệp hội bóng rổ NBA hiện nay của Hoa Kỳ, không đội nào có thể liên tục chiến thắng mà không có khả năng bắn banh được ba điểm (to sink three-pointers). Điều đang đúng cho môn bóng rổ ngày hôm nay thì cũng đúng cho Tối cao Pháp viện hiện tại: trận đấu đang thay đổi và hiện tại phải cần đến những kỹ năng mới. Tổ chức Federalist Society là cơ quan tư pháp tương đương với đội bóng rổ Golden State Warriors3.

Bắt đầu từ trưa hôm nay (30/6/2022), khi bà Ketanji Brown Jackson tuyên thệ nhậm chức để thay thế Thẩm phán Stephen Breyer đang về hưu, sẽ có những tài năng mới trên Tối cao Pháp viện. Trong những năm tới, Thẩm phán Jackson và những người có quan điểm tự do khác của Tòa sẽ cần nỗ lực tập trung nghiên cứu lịch sử và thực tập bắn banh ba điểm (practice their outside shots). Chỉ khi nào điều này xảy ra, họ mới có cơ hội chiến đấu trong một kỷ nguyên mới vừa ló dạng.

Trần Trung Tín chuyển ngữ – Ngày 10/7/2022

Chú thích

  1. School voucher: Phiếu tài trợ trường do tiểu bang—hoặc học khu—cấp cho học sinh để được theo học tại một trường tư do gia đình chọn thay vì phải học tại trường công.

    Theo https://www.procon.org/headlines/school-vouchers-top-4-pros-and-cons/:

    Quan điểm ủng hộ: Phiếu tài trợ trường (school voucher) cung cấp phương tiện tài chánh cho học sinh theo học tại một trường công kém phẩm chất để học sinh có thể chuyển sang học tại một trường tư có sự giáo dục tốt hơn. Hệ thống phiếu tài trợ trường làm cho trường công phải cải thiện để cạnh tranh với trường tư để thu hút học sinh trong một thị trường tự do.

    Quan điểm phản đối: Phiếu tài trợ trường đã làm các trường công càng mất thêm tiền tài trợ từ chính quyền. Hệ quả là những trường công này đã kém phẩm chất lại càng trở nên tệ hại. Và tiền đóng thuế lại được tái phân phối sang cho các tư thục và trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu.

    Rất nhiều tổ chức chống đối phiếu tài trợ trường, điển hình là:

    Ghi chú: Chú thích của TTT

  2. Bà Ruth Bader Ginsburg, một Thẩm phán có quan điểm tự do (Liberal Justice), khi còn sinh tiền, đã nhiều lần chỉ trích án lệ Roe v. Wade.

    Theo https://www.newsweek.com/ruth-bader-ginsburg-roe-wade-abortion-scotus-1702948:

    Mặc dù có vẻ như khó xảy ra, bà Ginsburg, người tiên phong vận động cho quyền của phụ nữ đã qua đời vào tháng 9, 2020 lúc 87 tuổi, cũng là người thường xuyên chỉ trích (án lệ) Roe v. Wade, đặc biệt là việc tạo dựng nó và tốc độ mà án lệ này đã được thực hiện.

    While it may seem unlikely, Ginsburg, the pioneering advocate for women’s rights who died in September 2020 at age 87, was a frequent critic of Roe v. Wade, especially its framing and the speed in which it was pushed through.

    Trong một bài diễn giảng tại Đại học New York năm 1992 và thường được trích dẫn, bà Ginsburg lưu ý rằng (án lệ) Roe là một thí dụ về cách “Chân tay của học thuyết được thành hình quá nhanh…có thể chứng tỏ không ổn định.”

    In a much-quoted lecture she gave at New York University in 1992, Ginsburg noted how Roe was an example of how “Doctrinal limbs too swiftly shaped…may prove unstable.”

    Ghi chú: Chú thích của TTT

  3. Golden State Warriors là đội bóng rổ đương kim vô địch 2021-2022 của hiệp hội bóng rổ NBA (National Basketball Association) của Hoa Kỳ.
    Ghi chú: Chú thích của TTT